Thứ Ba, 20 tháng 3, 2018

Vì sao nhạc Trịnh Công Sơn trở thành bất hủ

Vì sao nhạc Trịnh Công Sơn trở thành bất hủ
Những ca khúc của Trịnh được hát, được yêu, được nhớ vì chúng gắn liền với buồn - vui, sự đẹp đẽ - đau thương của cuộc sống.
Mỗi năm, đến ngày giỗ Trịnh, gia đình, bạn bè, người hâm mộ đều tổ chức các chương trình tưởng nhớ ông. Mỗi người yêu nhạc Trịnh đều có những lý do riêng để duy trì tình yêu của họ.
Nhà thơ Anh Ngọc là một trong những người “yêu điên cuồng” nhạc Trịnh hơn 40 năm qua. Tình yêu đó bắt đầu từ ngày 30/4/1975, khi ông là phóng viên của báo Quân Đội, nằm trong đoàn quân tiến vào Sài Gòn. “Tôi ra chợ Bến Thành mua cái cassette nhỏ bằng bàn tay, người bán hàng lắp cho tôi cuốn băng phát thử, đó là cuốn Hát cho quê hương Việt Nam số 5 của Khánh Ly hát nhạc Trịnh”, nhà thơ kể. Với băng nhạc đó, ông một mình vào doanh trại bỏ không của Sư đoàn thủy quân lục chiến trong thành phố, kê hai cái bàn lại với nhau và cứ thế nằm ngửa bật quạt trần nghe.”Trong trái tim của tôi có hai nửa, một nửa là con người chung, con người công dân, hướng tới mọi người, nửa còn lại do điều kiện chiến tranh tôi phải đóng kín – đó là con người cá nhân, riêng tư. 30/4, trong cuộc đoàn tụ của cả dân tộc, nhạc Trịnh đấm một cú mở toang cánh cửa đó. Với sự đánh thức của nhạc Trịnh, tôi sống bằng trái tim đầy đủ”.
Nhà thơ khẳng định cái riêng tư trong nhạc Trịnh lại chính là cái phổ cập ở mọi con người bình thường chứ không riêng ai. “Nhạc Trịnh viết về thế giới con người, đi qua ‘cái’ một người đến với mọi người, một thời đến với mọi thời, một nơi nói đến mọi nơi”, nhà thơ nói.
Với nhà nghiên cứu, phê bình văn học Chu Văn Sơn, nhạc Trịnh hấp dẫn ông từ tuổi học trò cấp ba, rồi trở thành niềm say mê khi ông là sinh viên Văn khoa và ngày càng sâu đằm theo thời gian. Theo ông, say mê hồi trẻ chỉ là của một người yêu nghệ thuật, mê ca hát, thấy nhạc Trịnh hợp với sở thích của mình. Còn giờ, là kiểu say mê của một người nghiên cứu nghệ thuật. Ông nhận định: “Càng ngày càng nhận thấy rõ các giá trị lớn của di sản Trịnh Công Sơn, một di sản không chỉ là âm nhạc”.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thời trẻ. Ảnh: tcs-home.org.
Có nhiều giá trị làm nên sự bất hủ của nhạc Trịnh.
Nhà thơ Anh Ngọc cắt nghĩa, về khía cạnh lý trí, Trịnh Công Sơn có một cái đầu tràn ngập tư tưởng và có lõi triết học gồm cả minh triết phương Đông, đặc biệt là đạo Phật và minh triết phương Tây. Nhờ trụ trên xương sống triết học nên tác phẩm có tính vĩnh cửu. Về trái tim, Trịnh Công Sơn là người chỉ lắng nghe trái tim mình. “Một trái tim quá yêu thương, đồng cảm với người khác nên trái tim đó cháy sáng lên, như Maxim Gorky từng nói: ‘đốt cháy trái tim lên thành trí tuệ’. Trái tim ấy luôn nhìn thấy hai mặt của cuộc đời này. Đẹp và buồn, yêu và đau. Nhạc Trịnh Công Sơn vĩ đại chỗ đó, phản ứng trung thực nhiều bình diện của cuộc sống, có thể gọi đó là tập đại thành về cõi đời này”.
Theo Anh Ngọc, với 600 ca khúc trong đó hàng trăm bài được mọi người thuộc và hát, hàng chục bài bất hủ, hoàn toàn có thể làm từ điển ca từ nhạc Trịnh với các trạng huống của con người, từ lúc chưa đẻ đến khi nằm xuống. Với ông, đó là cuốn bách khoa toàn thư về thế giới tinh thần, là tri âm tri kỷ, là thuốc giảm đau lúc buồn nhất. Nhà thơ cho rằng nhạc Trịnh nghe trên sân khấu hay đã đành, nhưng hay không kém là chúng ta tự hát một mình. “Nó chẳng khác gì một người bạn, là bạn của tất cả trái tim, đặc biệt những trái tim đau đớn, mất mát, tuyệt vọng”.
Bên cạnh những ca khúc về tình yêu và thân phận, Anh Ngọc nói mảng ca khúc Da vàng lay động những người lính như ông, bởi nó là tiếng khóc dài trước những thân phận trong chiến tranh, của một con người vì quá yêu thương con người, dân tộc mà đau.
Nhà phê bình Chu Văn Sơn cho rằng Trịnh Công Sơn thuộc mẫu nghệ sĩ đa tài, mẫu ba trong một: nhạc sĩ - thi sĩ - họa sĩ. Chu Văn Sơn cắt nghĩa: “Nhạc Trịnh giản dị dễ hát, ca khúc nào của anh Sơn cũng là những giai điệu đầy chân cảm, ca từ nào của anh ấy cũng là một bài thơ, tâm trạng chuyển tải trong ca khúc không chỉ là tâm trạng tình nhân mà còn là trạng thái nhân thế của thời đại. Vì thế nó rất dễ đi vào lòng người. Nhưng, chỉ âm nhạc không thôi, không thể tạo sức sống lớn đến thế. Tôi tán thành ý kiến của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, một tri kỷ đặc biệt của anh Sơn, rằng: có một văn hóa Trịnh Công Sơn. Đúng thế, Trịnh Công Sơn ảnh hưởng đến tâm hồn người Việt như một văn hóa. Người ta thấy trong đó một cách yêu, cách sống, cách ứng xử với quê hương, với đất nước, với chiến tranh, với hòa bình, với thiên nhiên, với lịch sử, với sự sống, với cái chết, với thực tại, với hư vô… Nó làm giàu thêm, đẹp thêm cho lối sống Việt, văn hóa Việt”.
Nhà phê bình chia sẻ ông khó có thể kể ra ca khúc nhạc Trịnh yêu thích nhất. “Nhạc Trịnh hay khá đồng đều trên cả hai mảng chính trước đây là tình ca và phản chiến, trên cả ba chủ đề xuyên suốt là thân phận, quê hương và tình yêu. Ca khúc nào cũng được viết giản dị nhưng đều là những giai điệu vút lên từ tâm can máu huyết, nên ca khúc nào cũng là một mảnh hồn Trịnh, một ký thác Trịnh. Nó khiến cho ai đã yêu ông dường như đều phải yêu đủ, yêu trọn. Và thật khó khăn khi phải nói ‘không’ với ca khúc nào đó”.
Có nhiều thế hệ từ Khánh Ly vẫn nối nhau hát nhạc 
Trịnh Công Sơn.
Trong chương trình diễn ra tối 2/4, nhiều thế hệ hát nhạc Trịnh gồm Khánh Ly, Hồng Nhung, Cẩm Vân - Khắc Triệu, Quang Dũng, ca sĩ nhí Huyền Trân đứng chung sân khấu để tưởng nhớ nhạc sĩ. Sự tiếp nối cho thấy nhạc Trịnh vẫn tiếp tục chảy trong đời sống.
Khánh Ly chia sẻ bà hát nhạc Trịnh Công Sơn chỉ đơn giản vì yêu. “Tôi cũng như cỏ cây ấy, cơn mưa xuống thì nó mọc. Với tôi, nhạc Trịnh như lời an ủi, chia sẻ trong đời sống của mình. Tôi mong mỏi mọi người cũng như tôi, tìm thấy mình trong những ca khúc đó. Ông ấy không viết riêng cho ai đâu, ông ấy viết cho chúng ta. ‘Em cứ hồn nhiên rồi em sẽ bình minh’, đó là lời ông ấy nhắn nhủ tất cả chúng ta đấy”.
Nữ danh ca khẳng định từ lúc bắt đầu cho đến hiện tại, không có điều gì làm cho bà chán mà nghĩ đến việc thôi hát Trịnh Công Sơn. “Tôi sẽ hát cho tới khi không hát được nữa”.
Khánh Ly và Hồng Nhung 
sẽ đứng chung sân khấu hát nhạc Trịnh.
Hồng Nhung chia sẻ cô yêu thích nhạc Trịnh từ khi mới là thiếu nhi. Cô biết ơn khi được trưởng thành cùng âm nhạc và con người nhạc sĩ nên mong muốn dành tình cảm, sự thăng hoa để thể hiện âm nhạc đó đến mọi người. Với Hồng Nhung, Trịnh Công Sơn là người thầy, người bạn mà cô may mắn được gắn bó trong 10 năm cuối cuộc đời nhạc sĩ. Hồng Nhung nói: “Trịnh Công Sơn dặn khi ra đường thấy ai vẫy tay với mình thì hãy vẫy tay lại, hãy dành lòng tốt cho cuộc đời bởi không biết ngày sau có còn gặp nhau không. Đời sống nỗi buồn nhiều hơn và âm nhạc của anh cũng có điều đó nhưng nó lại luôn hướng tới niềm vui, những điều đẹp đẽ. Lúc nào anh cũng cổ vũ mọi người hãy yêu nhau đi”.
Theo nữ ca sĩ, nhạc Trịnh Công Sơn gắn liền với đời sống người yêu nhạc ông nên mới có chuyện ngày xưa sinh viên đại học có trò xem bói bằng nhạc Trịnh. Với cô, mỗi thời đoạn cuộc sống khác nhau lại thấy phù hợp những bài hát khác nhau. “Hiện nay tôi cảm thấy yêu đời, biết ơn đời sống dành cho mình rất nhiều trong cả sự nghiệp âm nhạc và cuộc sống gia đình nên thích những bài hát viết về người mẹ hay hướng tới điều tốt trong mỗi ngày sống như Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, Mưa hồng…“. Hồng Nhung tiết lộ đó là những ca khúc cô vẫn hát thầm mỗi ngày.
Hồng Nhung tin rằng âm nhạc Trịnh Công Sơn sẽ không thành lịch sử mà tiếp tục đi cùng các thế hệ Việt Nam. Cô nhìn thấy tình yêu không đổi ở khán giả, từ thời Trịnh Công Sơn còn trẻ vác guitar gỗ đi các trường đại học cùng Khánh Ly hay giờ đây ở trường đại học thời đại internet, nhạc Trịnh vẫn vang lên như vậy.
Người nghe thì có nhiều lựa chọn. Với nhiều người, chỉ Khánh Ly mới làm nên nhạc Trịnh. Nhà thơ Anh Ngọc gọi mối quan hệ giữa nhạc sĩ họ Trịnh và nữ danh ca là “mối lương duyên có một không ai của âm nhạc Việt Nam”. Ngoài Hồng Nhung, Quang Dũng được đánh giá thể hiện tốt một số bài, với nhà thơ Anh Ngọc, người có thể hát nhạc Trịnh hay thứ hai sau Khánh Ly chính là Trịnh Công Sơn.
Với nhà phê bình Chu Văn Sơn, ông thừa nhận Khánh Ly là “ca sĩ lớn, thậm chí là ca sĩ vô song về hát nhạc Trịnh” nhưng ông cũng khá cởi mở để đón nhận những ca sĩ sau này như Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thanh Lam, Tùng Dương hay Giang Trang… làm mới nhạc Trịnh Công Sơn. Theo ông, đây cũng chính là điều nhạc sĩ họ Trịnh khi còn sống mong muốn. “Mỗi ca sĩ ấy đem lại, hay đúng hơn, là tô đậm cho nhạc Trịnh ở một vẻ đẹp nào đó. Vì thế mà nhạc Trịnh được sống với nhiều bình diện, thậm chí nhiều đời sống. Tôi lấy ví dụ, thể hiện vẻ đẹp của trải nghiệm trong nhạc Trịnh, thì khó ai qua được Khánh Ly, vẻ đẹp sang trọng khó ai bì được Mỹ Linh, vẻ đẹp tươi tắn khó ai bằng Trịnh Vĩnh Trinh, Hồng Nhung, vẻ đẹp mê mị khó ai sánh được Tùng Dương, Thanh Lam, còn vẻ đẹp an nhiên thì các anh tài khác có thể phải nhường Giang Trang…”.
Trong cuộc trò chuyện về nhạc Trịnh, nhà thơ Anh Ngọc nhắc tới câu nói của Trịnh Công Sơn, đại ý con người ta hãy sống làm sao để “khi sống thì đầy ắp sự có mặt, còn khi mất đi thì đầy ắp sự vắng mặt”. Trịnh Công Sơn đã làm được điều đó. Sự hiện diện của ông không phải bằng thể xác mà trong nỗi nhớ của hàng triệu người yêu nhạc Trịnh, trong ngày hôm nay - 1/4.
Nguồn: VnExpress
Theo https://nhacxua.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Uống trà

Uống trà Một số người tìm sự bình an, sự tịnh tâm trong việc uống trà. Có thể vì vậy mà họ thường thuộc lứa tuổi đã cao, xế chiều. Thanh niê...