Hoa đào năm ngoái
Một trong những khoảnh khắc xốn xang nhất mà ta đều ít nhất một
lần nếm trải trong cuộc đời của mình - là gì bạn biết không? Là ngay đúng khoảnh
khắc đó, bỗng dưng ta mơ hồ cảm thấy có một điều gì đó sắp sửa đi qua và vĩnh
viễn không bao giờ quay trở lại nữa. Ừ, có khi chỉ là một cảm giác mơ hồ vậy chẳng
có nguyên cớ gì, mà xốn xang ghê lắm!
Cái cảm giác đó thường tìm đến với tôi vào mỗi dịp năm hết Tết
đến. Có lẽ vì những đoạn phim buồn nhất trong cuộn băng ký ức của tôi thường được
ghi lại vào mùa này. Suốt năm, những dòng chảy bộn bề của cuộc sống thường nhật
giúp tôi quên khuấy chúng đi. (Hoặc là tôi cố tình không muốn nhớ đến). Nhưng
khi những tờ lịch cuối cùng của năm cũ rơi xuống, tất cả lại ùa về và bắt tôi
phải nhớ!
Tôi thường nhớ cái câu thơ thiệt là buồn của Thôi Hiệu:
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông
Đó là cảnh lúc ông nhà thơ quay trở về chốn cũ mong gặp lại
người xưa. Mùa xuân vẫn còn đó, hoa đào vẫn tươi cười đón ông như năm ngoái,
nhưng người nay đã vắng rồi. Tôi cũng đã từng đứng nhìn hoa đào mà ứa nước mắt.
Đó là cây hoa đào trồng ở sân sau nhà cũ của tôi – ngôi nhà tôi đã sống suốt thời
thơ ấu với gia đình đầy đủ ba mẹ và em trai. Ba mẹ tôi chia tay nhau, ngôi nhà
cũ được bán đi sau đó một thời gian. Khi biết nhà sắp bán, tôi cứ đứng nhìn mãi
cây hoa đào trong gió đông giá buốt, nghẹn lòng biết rằng năm sau hoa đào vẫn sẽ
nở nhưng nơi đây vĩnh viễn khác đi rồi…
Nhiều năm sau tôi vẫn ấp ủ giấc mơ một ngày nào đó khi mình
thiệt giàu, mình sẽ mua lại ngôi nhà ngôi nhà cũ đó. Có lần tôi đem giấc mơ đó
kể với ba tôi. Trái với mường tượng của tôi (là ba sẽ xúc động ghê lắm), ông
tròn mắt thản nhiên: “Ơ, mua làm gì?”. Tự dưng tôi cũng ngẩn người ra. Ừ, mua
làm gì nhỉ? Dẫu có lấy lại được căn nhà cũ thì những khoảnh khắc mà tôi đã từng
sống trong ngôi nhà đó cũng đâu trở lại bao giờ…
Nhưng ba tôi cũng không phải là người vô tư như câu hỏi của
ông, hay như cách tôi vẫn thường nghĩ về ông. Năm đầu tiên xa nhà đi học đại học,
lần đầu tiên tôi nhận được một lá thư tay của ông. Ông viết: “Khi chuyến
tàu lăn bánh đưa con đi xa, ba chỉ dám quay lưng đi mà không dám nhìn theo. Ba
sợ rằng ba sẽ không kiềm chế được cảm xúc của mình. Bởi ba biết, chuyến tàu đó
đã mang con gái của ba rời xa ba mãi mãi”. Lần đầu đọc câu đó, tôi cười
khì khì cho là ông ba mình thiệt là…sến, con đi học rồi con lại về chứ làm gì
mà “rời xa mãi mãi”. Nhưng nhiều năm sau, tôi hiểu rằng ba tôi đã đúng. Ông đã
mất đứa con gái của mình cho mảnh đất Sài Gòn hoa lệ, dù mỗi năm nó vẫn về nhà
ăn Tết vài ngày.
Năm nay là năm đầu tiên tôi không về quê ăn Tết nữa, vì lý do
sức khỏe và vì mình cũng đã có một gia đình nhỏ của riêng mình. Cứ ngỡ chuyện
chẳng có gì lớn, bởi tôi biết mình còn sung sướng hơn vạn người khi hơn ba mươi
năm rồi, chưa một cái Tết nào tôi không đón giao thừa ở quê hương mình, ngay cả
khi đã “cất bước sang ngang”. Vậy đó, mà nửa đêm thức giấc nhớ đến chuyện Tết
này không về vẫn buồn lặng người. Mà thực ra, tôi nào có buồn vì chuyện đó. Năm
nay không về thì năm sau hoặc năm sau nữa lại về thôi. Chỉ là tôi mơ hồ cảm nhận
thấy hình như từ cái Tết này, một đoạn phim nữa trong cuốn phim cuộc đời tôi sắp
được đóng máy. Một đoạn phim mới sẽ bắt đầu, và cách tôi đón Tết từ đây sẽ
không còn giống như lúc trước. Là cái cảm giác mơ hồ rằng một điều gì đó sắp đi
qua không trở lại. Chỉ mơ hồ thấy vậy, chẳng nguyên cớ gì. Mà xốn xang vậy đó…
Giống như khi đứng trước thềm một năm mới, lúc nào ta cũng
bâng khuâng, vừa vui lại vừa man mác buồn. Bởi vẫn là mùa xuân đó, vẫn là Tết
đó, nhưng ta biết xuân nay sẽ chẳng giống xuân xưa. Và ta của năm sau rồi sẽ
khác với ta nay.
Như khi ta đứng nhìn cành hoa đào vẫn tươi hồng như năm
ngoái, trong gió đông se lạnh ùa về…
Uyên Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét