Thứ Hai, 19 tháng 3, 2018

Sóng rượu hồ Tây

Sóng rượu hồ Tây
Tây Hồ có danh sĩ
Nhà thì ở nhà tranh
Cửa trúc cài phên gió
Trước thềm bóng liễu xanh…

(thơ Huyền Kiêu)
Ở sát cạnh Hồ Tây, làng Yên Phụ nhỏ, xinh như một bán đảo, gần nửa làng chạy vòng theo bờ nước. Hầu hết dân làng đều làm nghề trồng hoa. Mỗi năm, gần đến tết, đi dạo quanh làng, có thể tưởng như lạc tới một hoa thôn trong cổ tích. Nhà nào cũng thấp thoáng bóng đào hồng, mai trắng bên thềm, và liễu xanh rờn buông mành trước gió, và cúc vàng rực từng luống trong vườn, với đủ các thứ hoa sắc màu rực rỡ: cẩm chướng, phù dung, tường vi, lan huệ… và đặc biệt dưới những giàn hoa lý, trên sân gạch, từng hàng chậu hoặc bát thủy tiền bầy san sát, lá nõn vươn lên như bích ngọc.
Yên Phụ, theo ý tôi, có thể là một trong những làng đẹp nhất của miền ngoại thành Hà Nội. Mà từ làng vào thành phố cũng gần. Chỉ vòng con đường gạch đỏ, lên mặt lộ đi chừng hai trăm thước là tới cửa ô, tiếp liền với đường Cổ ngư thơ mộng…
Trong năm cửa ô của Hà thành, Ô Yên phụ, theo ý nhiều người lại cũng được coi là cửa ô đẹp nhất, và sạch nhất, ít phồn tạp nhất, khu vực ấy quả là chỗ ở lý tưởng của văn nghệ sĩ.
Căn nhà của Thạch Lam ở ngay khúc đầu làng Yên Phụ soi bóng xuống Hồ Tây. Nhà mái tranh, cổng gỗ, giữ nguyên vẻ thanh bạch, cổ sơ, tuy rằng, nếu muốn, có lẽ chủ nhân lợp mái ngói, xây tường gạch cũng không khó: chính Thạch Lam từng nói với bạn bè như vậy. Nhưng cái bản chất dản dị ưa thanh, đạm của Thạch Lam không muốn thế - bản chất thuần phác của một kẻ sĩ, dù không nhất thiết giữ thái độ «vong bần lạc đạo» cũng sẵn sàng sống theo cái tiết điệu nhu thuận nhịp nhàng của thiên nhiên. Bởi vậy Thạch Lam không hề có mặc cảm về sự «ở nhà tranh» cua mình, cũng như chẳng bao giờ bận tâm về sự «ở nhà lầu» của người khác. Đối với anh hình như sống trưởng giả trong cảnh giàu sang không khó, mà tạo được cái nghèo cho có… nghệ thuật mới đáng kể: nghèo nhưng vẫn thanh lịch, nghèo nhưng vẫn không thấy là khổ, nghèo mà vẫn không thấy mình nghèo. Anh thường trầm ngâm tuyên bố:
- Ở được nhà lá, nằm được giường tre, ăn được rau đậu, mà vẫn tìm thấy cái đẹp của mái lá, cái êm của giường tre, cái ngon của rau đậu, mới kể là biết sống có nghệ thuật.
Sự thật, tuy nhà tranh nhưng ngăn nắp sáng sủa, có đủ cửa kính lẫn cửa chớp, có thềm cao, với một khoảng sân nhỏ mấp mé ngay bờ hồ, với cây liễu rủ cành lá xuống nước, và khóm tre xào xạc đầu cổng…
Tôi đã ngủ nhiều đêm dưới mái nhà ấy, và canh khu
ya, khi cái tiếng vọng mơ hồ của thành phố xa xa lắng dần vào không khí óng ả của vùng hồ nước mát rượi, nằm nghe nhịp sóng vỗ vào bờ thao thức, nghe hơi thở uyển chuyển của gió lùa qua khóm tre, tôi cảm thấy những thời khắc đó thực đáng quý, khung cảnh đó thực dịu lành mà quyến rũ, và tôi hiểu thấm thía tại sao Thạch Lam không muốn đổi ngôi nhà tranh của anh lấy bất cứ một lâu đài, dinh thự nào. Khi chỗ ở đã có một linh hồn, thì mỗi góc nhà, mỗi xó cửa, cho tới từng mô đất, từng bậc thềm, từng đám rêu, từng ngọn cỏ đều như có kết đọng một phần tinh chất con người, và cũng có thê sinh hóa, truyền cảm như người. Tôi không thể không nói nhiều tới ngôi nhà của Thạch Lam, vì không riêng gì chủ nhân, không riêng gì tôi, còn bao nhiêu linh hồn thanh khí khác từng gặp gỡ nhau ở đấy, từng để lại bao nhiêu kỷ niệm; và những kỷ niệm, những bóng dáng, những tiếng vang, những dấu vết của một ngày xưa không bao giờ trở lại, dưới mái lá đơn sơ của ngôi nhà trong làng Yên-phụ, một thời từng làm nên cái quá khứ huyền thoại của chúng tôi - ít nhất cũng ấp ủ những thiên giai thoại hào hứng chung quanh mối giao tình tri kỷ đượm ngát hương trà và say nồng men rượu
Tây Hồ có danh sĩ
Nhà thì ở nhà tranh
Ngôi nhà tranh của Thạch Lam, tôi còn muốn gọi là «ngôi nhà lịch sử», vì ở đấy tác giả «Hà Nội băm sáu phố phường» đã sống một phần đời có lẽ sôi động nhất, cởi mở phóng túng nhất - phần chót cuộc đời anh, trước khi anh chính thức đi vào lịch sử, nghĩa là đi vào thiên cổ. Cùng trong khoảng thời gian đó, một năm trước khi anh ngọa bệnh rồi từ trần, bên cạnh Thạch Lam còn quy tụ một số khá đông anh em văn hữu. Những người ít nhiều đã từng đóng góp vào cả văn học cùng lịch sử xứ này, trong căn nhà có liễu rủ trước thềm kia, vẫn thường họp mặt nhau hàng ngày, nhiều khi thâu đêm suốt sáng, và sóng nước Hồ Tây cũng đã từng phen hòa cùng sóng rượu giao tình, nổi cồn men say ngây ngất. Hình như ngọn lửa hào hứng trong lòng Thạch Lam, tựa ngọn đèn trước khi tắt, chợt bừng sáng lên mãnh liệt một lần cuối cùng, khởi sắc và linh động khác thường, ánh sáng tràn đầy sinh khí và tỏa rộng tinh anh, hấp dẫn như toát ra một điện lực kỳ lạ, khiến bè bạn gần anh hồi đó đều nhận thấy anh như sống thoát hẳn cái bản ngã trầm mặc cố hữu.
Viết về Thạch Lam nhà văn Đỗ Đức Thu đã có những nhận xét như sau:
Hình như Thạch Lam sống với văn chương, với sách vở báo chí hơn là sống với người đồng thời. Những người biết Thạch Lam, cả đến các bạn làng vãn, đều gắn cho anh tiếng quả giao, đã chê cái thái độ mà họ cho là hiếu kỳ, khùng khỉnh. Sự thực không phải thế. Thạch Lam là người giàu tình cảm, chỉ vì trường đời tạo cho anh cái thái độ dè dặt, bắt anh sống cái đời con ốc trong một vỏ kín bưng. Vì cái tâm hồn phong phú, cái đời tâm tưởng dồi dào ấy đã có lần sống cởi mở với thế nhân, đã sống hoang toàng rộng rãi đề rồi chịu những thương tích nó làm giảm dần lòng tin tưởng ở người đời. Tránh sao khỏi điều đó, khi một tâm hồn thanh tú, một con tâm mà một hơi gió, một ánh trăng đều rung động nổi, phải trực tiếp va chạm với những khắc nghiệt của cuộc đời thực tế.
Thạch Lam rất thận trọng trong việc giao du. Bè bạn của anh có thể đếm trên bàn tay. Thỉnh thoảng mới có người tìm đến cái nhà cạnh bờ Hồ Tây, phần nhiều cũng trầm lặng như chủ: đó là những người có thề ngồi im hàng giờ cạnh khay trà, đã đạt tới cái thuật «đối diện đàn tâm» của các bậc túc nho…
Thường nhật trước kia là như thế: Đúng như nhận xét của Đỗ Đức Thu, vì họ Đỗ là một trong số những người bạn ít ỏi tri kỷ với Thạch Lam, một người bạn «đồng tịch đồng sàng» của thời kỳ  thập niên đăng hỏa». Nhưng, từ khi tôi quen biết anh và có dịp sống gần anh thân thiết, vào thời kỳ anh tự ý lìa bỏ ngọn «lửa giường», tôi nhận thấy anh… trẻ lại rất nhiều, và hồn nhiên cởi mở, và phóng khoáng buông thả không dè dặt: Anh đã thoát ra ngoài «cái vỏ ốc» ngày nào đề trở về cùng bản chất sơ khai vốn thuần khiết của một kẻ hào sĩ đầy nhiệt tình, một nghệ sĩ toàn vẹn, đáng yêu hơn bao giờ hết.
Đó là thời kỳ mà cả mấy tờ báo Phong Hóa, Ngày Nay và Chủ Nhật đều đóng cửa. Nhóm Tự lực Văn đoàn vẫn còn hiện diện đủ mặt, nhưng bị ngăn cấm ra báo nên chỉ còn hoạt động về xuất bản. Theo quyết định chung, công việc điều khiển nhà xuất bản Đời Nay sẽ luân phiên do mỗi người phụ trách một thời gian. Dạo đó tới phiên Thạch Lam đang giữ trách nhiệm điều khiển nhà xuất bản. Một phần có lẽ công việc cũng nhàn, nhưng một phần, hẳn là do cái phong độ ung dung thư thái của Thạch Lam, nên chẳng bao giờ tôi thấy anh tỏ vẻ bận rộn, và cũng chẳng bao giờ tôi thấy anh cho là quan trọng bất cứ việc gì.
Hàng ngày, công việc mà anh để ý tới nhất là, ngay từ sáng sớm. trịnh trọng sửa soạn khay trà, để cùng với mấy người bạn tri kỷ ngồi nhìn ra Hồ Tây mù sương trong khi đối ẩm. Để rồi sau đó lại cùng nhau họp mặt quanh mâm rượu, và cùng nhau say ngất ngưởng suốt từ sáng tởi chiều. Cứ như thế đã thành cái lệ thường xuyên, trong suốt một năm trời, trước khi ngọn lửa hào hứng kỳ lạ trong anh chợt tắt theo cuộc sống.
Những người bạn văn nghệ mà tôi thường gặp ở nhà Thạch Lam dạo đó là: Nhất Linh, Khái Hưng, Trần Tiêu, Thế Lữ (cùng cả vợ «nhỏ» là nữ kịch sĩ Song Kim), anh bạn thơ Huyền Kiêu, Nguyền Tường Bách, Đỗ Đức Thu, Đoàn Phú Tứ, đôi khi Nguyễn Xuân Xanh, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Lương Ngọc, và một lần, Nguyễn Tuân, một lần Nguyễn Đỗ Cung…
Tất cả những người kể trên đều có lần tụ họp tại nhà Thạch Lam, thường thường quanh mâm rượu, thỉnh thoảng quanh chiếu tổ tôm hay cạnh khay trà. Ở địa vị chủ nhân, tác giả «Hà Nội băm sáu phố phường» thực đã xứng đáng với cái danh «Hào sĩ» mả chúng tôi tặng anh. Hết sức hào phóng, lịch thiệp mà vẫn thân mật, ân cần với tất cả mọi người, bao giờ anh cũng giữ một nụ cười rất đạt trên môi, và lúc nào cũng nhã nhặn, thủ thỉ, ngay cả trong những cuộc rượu bốc nhất. Mặc dầu có những chầu rượu say đảo lộn cả trời đất lẫn cửa nhà, dốc ngược cả khóm tre, cây liễu với Hồ Tây… Thạch Lam vẫn không hề nói lớn, và nhất là không… gây chuyện với ai. Trong khi Khái Hưng đấu khẩu cùng Thế Lữ, Trần Tiêu cãi lộn với Khái Hưng. Thế Lữ gây sự cùng tôi, Huyền Kiêu lại gây nhau với Thế Lữ, và chúng tôi cà khịa với cả Đoàn Phú Tứ cùng Nguyên Tuân… thì Thạch Lam chỉ điềm nhiên nâng chén tiếp tục uống, và mỉm cười khuyến khích mọi người uống nhiều thêm. Dường như anh còn khích lệ cho cả mọi người cãi nhau hăng hơn, tuy rẳng anh không dự cuộc… Anh vẫn ngồi rất chỉnh, đưa cặp mắt hóm hỉnh xét đoán phong cách « ăn nói » của từng người. Anh « đánh giá » bạn bè ở tửu lượng của họ, và chúng tôi thường bảo nhau:
- Nếu không biết uống rượu cho sảng khoái và không biềt ăn cho… đẹp, có lẽ không thể nào là bạn thân của Thạch Lam.
Tôi không bao giờ quên được bữa rượu hội kiến đầu tiên bữa đó có mặt: Nhất Linh, Thế Lữ, anh chàng Huyền Kiêu (tác giả bài thơ Tương Biệt Dạ), Thạch Lam và cả nữ kịch sĩ Song Kim (chỉ ăn thức nhắm mà không uống)…
Thoạt đầu, chúng tôi còn uống rượu Rhum pha vào nước trà đường với từng lát chanh thái mỏng, theo kiếu .«grog» nóng. Uống từ 6 giờ chiều tới 12 giờ đêm thì Thế Lữ bỏ cuộc, cùng vợ (nhỏ) trở về nhà riêng (cũng ở trong làng Yên-phụ). Còn bốn người vẫn tiếp tục uống, cho tới 3 giờ sáng thì cả rượu Rhum cùng thức nhắm đều hết nhẵn. Nhất Linh - tuy vẫn chưa có vẻ say chút nào - tỏ ý muốn đi ngủ, vả anh ra nằm ở chiếc võng giữa nhà, ê a ngâm thơ, mặc Thạch Lam, Huyền Kiêu và tôi xoay ra uống rượu Văn-điền suông với nhau. Khuya lắm, người nhà Thạch Lam đã ngủ yên hết, ba chúng tôi còn loay hoay xuống bếp nướng mực và mò gầm giường lấy dưa chua trong vại ra nhậu. Dần dần, cả mực nướng lẫn dưa chua đều vợi hết, chúng tôi liền vặt luôn những cánh hoa sen cắm trong lọ mà nhắm… Hết cánh hoa, đến nhụy hoa, rồi đến cả những hương sen mới nhú cũng biến thành món nhậu. Tới lúc đỏ thì trời cũng vừa sáng. Thạch Lam kêu người nhà đi mua thêm đồ nhắm. Anh Nhất Linh đã tỉnh ngủ từ bao giờ, lại ung dung ngồi vào dự cuộc. Trong khi chúng tôi đều say mèm, thì Nhất Linh vẫn sung sức, dẻo dai như khi mới bắt đầu uống. Tuy anh có tạm «nghĩ giải lao» từ đêm tới sáng, nhưng phải nhận rằng tửu lượng Nhất Linh thực cao: Vừa chớm bình minh, anh đã lại góp mặt cùng chúng tôi hội ẩm, và từ lúc này anh uống rất thực thà, nhiều gấp đôi chúng tôi. Anh bảo: Như thế, để… đuổi bắt kịp cả làng, bù vào quãng thời gian tạm nghỉ ban đêm:.. Và cứ như thế, cuộc rựợu bốn người kéo liền một mạch tới đúng 12 giờ trưa. Xin thú thực: tới lúc này, trí óc tôi không còn đủ minh mẫn nữa. Hai mắt tôi đã mờ vì cơn say thấm thía, nhìn mọi vật chỉ còn thấy linh lung bóng dáng… Những gương mặt quen thuộc đều nhòa đi như nhìn qua lăng kính. Vậy mà tôi vẫn còn nhớ – có lẽ bằng một thân trí hay một linh giác nào đó của riêng người say – và tôi nhớ ra rằng, nhớ chắc chắn rẳng: Tất cả những người khác cũng say lảo đảo không kém gì tôi. Thạch Lạm với Huyền Kiêu rót rượu đầy tràn cả ra ngoài miệng chén.
Nhất Linh giằng lấy chai rượu, đem giấu vào góc tủ. Tai tôi còn nghe rõ tiếng anh nói: «Thôi đấy nhé! Hết rượu rồi, không ai được uống nữa!». Đoạn Nhất Linh kêu nóng – có lẽ chính anh cũng say khá kịch liệt – anh cởi phăng ngay áo ngoài, và mình trần, quần cộc, anh chạy ra sân, nhảy tùm xuống Hồ Tây mà bơi ào ào, như một thể thao gia có hạng. Ở dưới nước, cách bờ tới dăm chục thước, anh lớn tiếng nói vọng lên:
- Các tửu đồ! Có hứng, thử nhảy xuống hồ này vùng vẫy chơi cho mát!
Tức thì tôi cũng thoát y, mặc «si-lip» nhảy đại xuống hồ theo Nhất Linh, và trong cơn say bừng bừng da thịt, tôi cũng rẽ sóng mà bơi thục mạng, mắt nhắm mắt mở nhằm hướng Nhất Linh mà bơi! Nhờ trời, từ thuở nhỏ tôi đã biết bơi khá thạo, nên không đến nỗi chết đuối. Nhưng đến tận bây giờ tôi vẫn chưa hiểu tại sao tôi không «trúng lạnh» hay «phải gió, ngộ cảm», hoặc bị «chuột rút» cứng đờ cả thể xác ngay trong nước? Không quay lơ, chìm nghỉm dưới Hồ Tây dạo đó, quả thực số tôi may mắn lạ lùng!
Nhưng dạo đó, tôi đâu biết nguy hiểm! Tôi chỉ thấy tức khí, muốn trổ tài bơi vượt anh Nhất Linh cho thiên hạ phục lăn, (chứ không phải để chính mình có thể lăn đùng!) Từ phía xa xa nhấp nhô giữa làn sóng lấp lánh bạc, tôi thấy Nhất Linh vung tay vẫy gọi, và anh nhoài mình bơi thật nhanh tới gần tôi. Còn cách nhau chừng dăm thước, và cách bờ ngoài ba chục thước, Nhất Linh thách thức:
- Tôi với anh bơi thi từ đây vào bờ, xem ai thắng?
Cố nhỉên tôi ra sức thi đua liền. Lời thách thức của Nhất Linh đã có cái hiệu quả khích cho tôi trở về bờ, trong khi đó anh vẫn bơi kèm sát theo tôi, đề phòng bất trắc. Cả hai về gần tới bờ cùng một lúc. Nhất Linh cố ý bơi thụt lại, để kém tôi nửa xải tay.
Thạch Lam và Huyền Kiêu đứng dưới gổc liễu, cùng nâng cao lỵ rượu, và cùng… đổ rượu xuống Hồ Tây, cả hai đồng thanh nói giọng say nhè:
- Hay lắm! Thưởng cho kẻ nào về nhất cả hai ly rượu vừa rồi!
Chúng tôi đặt chân lên bờ. Nhất Linh khoát cánh tay tỏi dìu vào trong nhả, ân cần lấy khăn tắm cho tôi lau khô mình, và giúp tôi mặc quần áo, đúng như một người anh cả săn sóc cho đứa em hư…
Trước khi ngã lăn ra giường và ngất lịm đi, tôi còn nhớ mang máng: Cả Thạch Lam và Huyền Kiêu cũng nẳm thẳng cẳng bên cạnh tôi như hai cái tử thi, trong lúc anh Nhất Linh lúi húi lấy vôi lần lượt bôi vào gan bàn chân cả ba người.
Bên tai tôi vẳng tiếng chị Thạch Lam nói:
- Đúng mười một cái vỏ chai Văn điển!.
Đinh Hùng
Nguồn: Trích từ “Đốt lò hương cũ”, 1971
Theo http://www.hocviet.info/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những trường đại học của tôi 2XXX

Những trường đại học của tôi 2 Kèm theo lời nói, cánh tay trái lông lá của ông ta làm điệu bộ giống như chém vào không khí, còn tay phải t...