Thứ Hai, 19 tháng 3, 2018

Sơ ngộ Thạch Lam

Sơ ngộ Thạch Lam
Thuở đó; 1940, tôi vừa đặt chân vào ngưỡng cửa cuộc đời, cũng như ngưỡng cửa làng văn. Vốn liếng đóng góp mới chỉ có mười bài thơ đăng báo, một vài tùy bút, ít truyện ngắn đăng trên các tập san, giai phẩm xuất hiện bất thường, tất nhiên tôi chưa mấy quen với các văn thi hữu đi trước - thứ nhất đối với lớp người làm văn nghệ trước tôi cả chục năm trời và tên tuổi đang nổi, như nhóm Tự Lực Văn đoàn. Vậy mà một buổi sáng kia Thạch Lam đã tìm đến với tôi rất tự nhiên, rất bất ngờ, để rồi sau buổi gặp gỡ đầu tiên, anh đã trở nên thân thiết với tôi rất chóng.
Hơn hai mươi năm qua rồi. Ngày nay tôi còn tưởng như nhìn thấy trước mắt (cũng như thỉnh thoảng, tôi vẫn thấy hiển hiện trong những giấc chiêm bao) cái dáng cao và mảnh của anh, chiếc mũ «Fléchet» đội rất thích hợp với khuôn mặt thanh tú, sống mũi thẳng, nước da trắng xanh, cặp mắt to và hàng mi dài - vóc dáng ấy hiện đến một lần để rồi mãi mãi tưởng chừng vẫn còn chiếm rỉêng một vị trí nào đó trong không gian và cả thời gian. Có lẽ chính vì con người Thạch Lam không còn là một hình hài hữu thể, cho nên không bị hủy diệt, không hề đổi thay.
Tôi vẫn biết Thạch Lam ở cùng một khu ngoại ô Yên Phụ với tôi. Anh ở trong làng, ngay bên bờ Hồ Tây. Tôi ở ngoài lộ, đứng trên sân thượng cũng nhìn thấy hồ Tây như một tấm gương lớn phía trước mặt, và sông Hồng Hà như một giải lụa uốn mình phía sau lưng. Nếu tính đường thẳng, từ nhà Thạch Lam tới nhà tôi, cách nhau chỉ một khoảng trời thu hẹp, chiều dài chưa quá trăm thước. Từ căn phòng nhỏ của tôi, trên lầu, ngồi bên cửa sổ, tôi có thể trông thấy khói bếp nhà anh và cả ngọn khóm tre đầu cổng nhà anh in lên nền trời. Hàng ngày, tôi vẫn thường nhìn thấy bóng anh đi khoan thai trên con đường gạch đỏ lượn khúc xa xa lúc ẩn, lúc hiện, mỗi khi anh từ trên phố về hoặc từ nhà dạo lên đường cái.
Tuy nhiên, khi cái bóng ấy đột ngột hiện ra trước khung cửa phòng tôi (căn phòng nhỏ chênh vênh trên gác cao từng bị Huy Cận và Xuân Diệu gọi là cái tổ chim) tôi không khỏi ngạc nhiên một cách thú vị. Thạch Lam tìm đến với tôi, như đến với một người bạn quen thuộc từ lâu. Anh nắm tay tôi thân mật, vừa nhìn quanh gian phòng tổ chim một lượt, vừa cười nói:
- Thì ra chúng ta là hàng xóm láng giềng với nhau, gần nhà, xa ngõ…
Không kiểu cách, không khách sáo chút nào, anh tự giới thiệu và nói cho tôi biết lý do anh tìm đến gặp tôi. Trong khi chúng tôi yên trí rằng những người làm văn nghệ đi lớp trước chúng tôi, thứ nhất những người đã nổi tiếng như nhóm Tự-lực Văn-đoàn và như Thạch Lam, hẳn chẳng bao giờ để ý tìm hiểu những kẻ đến sau, thì trái lại, Thạch Lam không hề có thành kiến phân biệt lứa tuổi, Thạch Lam vẫn nhìn bao quát tất cả mọi hướng trời, vẫn theo dõi từng bước đi của bọn chúng tôi mệnh danh là «thế hệ trẻ» thời đó. Với cặp mắt quan sát rất tế nhị mà khoan hòa, tác giả «Hà Nội băm sáu phố phường» đã không bỏ qua từ sắc thái, từ chi tiết; từ mỗi biến chuyển hết sức mong manh của đô thành văn nghệ. Và Thạch Lam đã không bỏ qua tới cả một đoạn tùy bút nhỏ của một cây bút mới. Anh cho tôi biết: Tình cờ anh đọc được ở một đặc san, giai phẩm không định kỳ nào đó, một đoạn tùy bút hay phiếm luận gì đó của tôi, bàn về vấn đề thưởng thức «quà Hà Nội», nghĩa là góp thêm ý kiến cùng tác giả «Hà Nội băm sáu phố phường». Anh lấy làm khoái ở một vài điểm, cho nên anh phải đích thân tới kiếm tôi để thảo luận cho vấn đề thêm sảng tỏ…
Anh còn cho biết thêm: Anh đã có đọc những văn thư của tôi đăng tải trên các sách báo. Anh hỏi thăm, và được… bác hàng phở đầu ô Yên Phụ mách cho biết chỗ ở của tôi…
Cuộc nói chuyện giữa Thạch Lam với tôi trong buổi sơ ngộ ấy dĩ nhiên không thiếu hương vị đậm đà, vì toàn về nghệ thuật… ẩm thực - nghệ thuật tạo miếng ăn ngon, và phép tắc ăn cho có nghệ thuật.
Khi đứng lên ra về, Thạch Lam gật gù tỏ vẻ hài lòng, và mỉm cười một cách hóm hỉnh:
- Trên phương diện lý thuyết, chúng ta có thể «đồng vị» nhau ở nhiều điểm. Nhưng phải cần có «thực hành» (anh nhấn mạnh chữ «thực»…). Vậy chiều nay không gì bằng mời anh qua tệ xá uống chơi với nhau dăm chén rượu, nhân thế họp mặt cùng vài người bạn «tri kỷ, tri vị…». Để rồi, vừa ăn uống, vừa mạn đàm, nó mới sáng thêm ra cái chân lý của nghệ thuật… ăn!
Tôi cảm động vì giọng nói rất ấm và thành thật của anh, liền nhận lời. Thực quý báu biết bao nhiêu, tấm lòng rộng mở thiết tha của anh Thạch Lam đối với nghệ thuật ở mọi địa hạt, trên mọi cương vị! Và đối với người nghệ sĩ cua Cái đẹp toàn diện như Thạch Lam, thì lựa chọn một món ăn ngon cũng có giá trị không kém gì viết một câu văn truyền cảm, và khám phá được một thứ mỹ tửu cũng quan trọng ngang với gieo được một vần thơ trác tuyệt, hoặc tìm thấy một người bạn hiền.
Nhưng, tôi chợt nhớ trong cuốn “Hà Nội băm sáu phố phường” hình như Thạch Lam có viết một câu hàm xúc ý nghĩa chẳng khác châm ngôn:
- «Bạn hãy nói cho tôi biết bạn ăn uống ra sao, tôi sẽ bảo cho bạn rõ bạn là người thế nào…»
Bất giác liên tưởng tới bữa rượu buổi chiều do Thạch Lam mời - mặc dầu mời rất ân cần, rất thành tâm - tôi vẫn cử áy náy không yên. Thật tình, từ lúc đó tôi mới nhận thấy cái việc ăn uống nhiều khi cũng… mệt không khác làm Thơ!.
Đinh Hùng
Nguồn: Trích từ “Đốt lò hương cũ”, 1971
Theo http://www.hocviet.info/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những trường đại học của tôi 2XXX

Những trường đại học của tôi 2 Kèm theo lời nói, cánh tay trái lông lá của ông ta làm điệu bộ giống như chém vào không khí, còn tay phải t...