Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2018

Thi Hoàng, buổi trưa trong thơ

Thi Hoàng, buổi trưa trong thơ 
Trong thơ trữ tình, lịch sử không tồn tại. Trường ca làm chúng tồn tại.
Thi Hoàng viết cả hai. Anh dừng lại trong một buổi trưa: nhiều thi sĩ từng nói đến nó. Buổi trưa nông thôn:
Mỗi lần nắng mới hắt bên song
Xao xác gà trưa gáy não nùng
Không gian của Lưu Trọng Lư rộng rãi, câu thơ bảy chữ giãn ra. Trong bài Tiếng Trưa của Thi Hoàng, hầu hết sáu chữ, tiến độ dồn dập, không gian nén lại. Việc sử dụng nhiều hình ảnh, các hình ảnh gác lên nhau, là đặc điểm của thơ Thi Hoàng. Sự kết hợp của chúng khác với thơ thời trước: hình ảnh càng nhiều thì sự kết hợp càng lỏng lẻo, thơ dễ làm, khó hay.
Một buổi trưa nắng vàng in trên tóc
Mây trên trời xuống phủ ở trên vai
Màu phương cảo pha mờ trên nét ngọc
Bước ngại ngùng nẻo mộng mấy lần sai
Tám chữ. Không gian mênh mông, thời gian thảnh thơi. Có lẽ Bùi Giáng đang đứng trong ngày thanh bình an lạc, thiên nhiên hòa làm một với con người, đi vào cõi người, bởi vì nắng thì in lên tóc, mây thì phủ xuống vai, thân thể thì mờ phương cảo, đến nỗi người thơ bước dẫm phải mộng, lạc nẻo mông lung.
Tôi vừa nhắc đến thanh bình. Bài thơ của Thi Hoàng có lẽ viết trong hòa bình. Nhưng hòa bình và thanh bình là hai chuyện khác nhau. Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng mà vẫn sôi động bi kịch.
Có hai loại bi kịch: Kiều là bi kịch ngoại cảnh.
Such blue, such quiet blue, it troubled me
Màu xanh, màu xanh im lặng thật, làm tim ta giật thót rối bời
Là nội tâm. David Constantine, một lần tới Vancouver, đọc bài thơ, nói về buổi trưa trữ tình triết học. Màu xanh im lặng làm ta kinh ngạc. Tiến độ của câu thơ không chỉ được xác định bởi số chữ trong câu mà còn do nhiều yếu tố trong đó có các chữ quan trọng. Khi đọc lên, các chữ quan trọng trong một câu được nhấn mạnh hơn chữ khác, có thể gọi là các chữ đệm hay phụ thuộc.
Mỗi lần nắng mới hắt bên song
Các chữ nắng, hắt, song là quan trọng, được trải đều trong câu, nằm xen kẽ giữa các chữ đệm.
Nắng gió vun cao từng đống
Các nhóm chữ nắng gió, vun cao, từng đống đều quan trọng như nhau, ở giữa chúng không có các chữ đệm, ngay cả chữ vun và chữ từng.
Tiếng Trưa
Nắng gió vun cao từng đống
Trời xanh nhìn thẳng vào tim
Chuông chùa rung như áo mỏng
Dậu thưa văng vẳng hoa bìm
Tiếng ve luồn qua trôn kim
Hương thơm vào không khép cửa
Tình thương ủ chín nồi cơm
Lòng tốt đang cho con bú
Quả đắng muốn trèo cao thế
Mùi hôi đòi vẽ chân dung
Thông không sao, không sao cả
Trước sau còn có vô cùng
Có một con kiến ung dung
Chững chạc bò qua vất vả
Có một thảnh thơi chiếc lá
Bâng khuâng chán rồi bâng quơ
Ai như chiếc kẹo vàng mơ
Ngọt sắc giữa trưa thăm thẳm
Thịt da nhòa vào im ắng
Khoảng không gõ cùng kêu mà.
Khuôn mặt tráng lệ của thiên nhiên là trung tâm của hạnh phúc. Những phẩm chất cao quý, bền vững hơn sự phá hủy, bạo động, làm nên ý thức tự do. Phẩm chất quan trọng của con người là biết thưởng thức, khả năng rung động trước hòa điệu. Bạn nghe được âm thanh gì ở đây?
Dậu thưa văng vẳng hoa bìm
Tiếng động của hoa bìm như những cái chuông nhỏ. Hay hoa bìm như những vành tai lắng nghe. Hay cả hai? Số chữ trong câu thơ của Thi Hoàng ít thay đổi. Câu của anh đều đặn, theo luật, không bứt phá, thiếu tự do. Nhưng bù lại, anh thay đổi cấu trúc trong từng câu, dồn năng lượng nhiều hơn cho trật tự của chúng.
Nếu được ví như sợi dây đàn, sức căng của một câu thơ nằm trong các vần nội tại: điều này đúng cho mọi trường hợp.
Ngay từ những câu đầu tiên của bài Tiếng Trưa, nhà thơ đã đưa chúng ta vào khung cảnh của anh, bầu trời mở rộng, mây và nắng, cỏ và hoa, trộn lẫn với những quan niệm và ý tưởng.
Nắng gió vun cao từng đống
Không có mây mà như có mây. Nét vẽ trầm tư, nhịp đi nhanh mà không vội vàng, như thể thế giới đang chờ đợi chúng ta, đang trò chuyện với chúng ta, bạn phải đi tới đó.
Tới một miền quê yên tĩnh. Trong khi các nhà thơ thời kỳ lãng mạn xem thiên nhiên là nơi trở về, là phản ứng chống lại quá trình đô thị hóa, thì các nhà thơ sau đó không có khuynh hướng lý tưởng như thế, đối với họ thiên nhiên không được thuần hóa, không được văn minh hóa, nhưng cũng không hoàn toàn hoang dã, chống lại con người. Sau những thế kỷ ánh sáng, sự tin tưởng vào văn minh cơ khí, xem xét vạn vật như một guồng máy đã dần lụi tàn, nhưng tâm hồn Việt Nam chưa hề là một tâm hồn sầu lụy. Người phương Tây có chứng bệnh văn chương sầu cảm (melancholy) mà tôi không mấy khi tìm thấy ở nhà văn Việt Nam. Sự quan sát, sự lắng nghe, sự trầm tư dịu dàng, là những điều chúng ta nhìn thấy được ở bài thơ này, đó chẳng qua là phương châm của đời sống. Trước thiên nhiên, người phương Tây vẫn có ý thức rõ ràng hơn về sự hiện hữu của mình, giới hạn của mình, trong khi người Việt Nam thường vô phân biệt, do đó tìm thấy sự cân bằng dễ hơn.
Hương thơm vào không khép cửa
Phải đi đến gần đoạn cuối, bài thơ mới thay đổi tâm trạng của nó, chuyển qua một nhân vật, cất lên tiếng nói khác. Trong nhiều bài thơ khác, Thi Hoàng cũng lập lại cách lập tứ này, anh không có nhiều thay đổi trong một bài thơ, và những thay đổi diễn ra khá muộn nếu chúng xảy ra. Tuy thế, sự muộn màng ấy một mặt là khuyết điểm kỹ thuật, mặt khác lại tạo ra giọng thong thả, khí hậu huyền ảo riêng biệt.
Ai như chiếc kẹo vàng mơ
Ngọt sắc giữa trưa thăm thẳm
Về mặt ngôn ngữ, thể sáu chữ là một thể đặc biệt trong thơ Việt. Không nhiều chỗ như trong thơ bảy chữ, tám chữ, không quá chặt chẽ như thơ năm chữ, các câu thơ sáu chữ ít khi trở nên xuất sắc đặc biệt nhưng cũng ít khi là những câu quá dở. Tôi nghĩ sự ngắn gọn tương đối của chúng đã tạo ra tính nước đôi này. Chất giọng của anh vẫn xuyên suốt, thong thả, đều đặn, nhưng không gian khác, khí hậu khác. Bằng cách nào?
Sự phá vỡ nhịp.
Hoa mẫu đơn cũng tưng bừng í ới
Khói hương bài thơm tỉ tê lân la
Cây vun tán lên vun xôi đóng oản
Gió liu riu cho thấm tháp chan hòa
Câu thứ hai của Thi Hoàng ra khỏi nhịp thông thường.
T B B B T B B B
Chữ thứ 5 và thứ 6 đổi chỗ cho nhau.
Các câu thơ Thi Hoàng không lập lại hoàn toàn, nhưng gây cảm giác trùng điệp. Người ta thường nói về cảm hứng, nhưng tôi nghĩ cần nhấn mạnh đến khả năng làm chủ ngôn ngữ như một kỹ thuật có thể học tập. Sự chọn lựa thể sáu chữ trong bài thơ Tiếng Trưa là một chọn lựa thành công. Cấu trúc gọn ghẽ, phân đoạn mỗi đoạn bốn câu, chọn cách viết đối xứng, làm cho bài thơ trở thành một cấu trúc cân đối. Bài thơ không điển hình cho một bài thơ trữ tình - thiên nhiên, tuổi thơ, con người lớn lên, tình yêu đầu đời, tan vỡ, thương tiếc. Trong bài thơ không có thời gian, mọi vật vận động mà vẫn như đứng lại, như hình ảnh trong một bức tranh hơn là một động lực. Bài thơ không nói về số phận một người mà nói về vị trí của con người, về nghệ thuật nhìn và nghe, về khả năng hóa thân vào ngoại cảnh, trở thành một với vạn vật: khả năng biến mất. Biến mất là một đức tính. Hầu hết những câu thơ đều có một chủ từ, một trạng từ: tất cả đều hành động. Sự biến đổi trong im lặng, sự biến đổi không thông qua thời gian. Sự dừng lại, tỉnh thức. Nhưng đó không phải là loại thơ triết lý. Thi Hoàng cố gắng đẩy lùi biên giới của thơ trữ tình, không phải chỉ bằng việc làm mới ngôn ngữ, mà còn, và trước hết, bằng cách mở rộng bài thơ vào bối cảnh văn hoá, xã hội.
Thi Hoàng nổi tiếng hơn về trường ca (*). Nhưng trong thể loại thời thượng ấy, anh lại chưa hoàn toàn ra khỏi chất sử thi, cái cao cả, tính điển hình là những đặc tính của dòng văn chương "chính thống", chúng kìm hãm thơ đương đại; tuy vậy, ở đó anh có nhiều cơ hội hơn để suy tư về lịch sử.
Sáng lên trong khoảng trống không tuyệt vời
Bông hoa sớm nay anh trao em rồi
Hoa chưa kịp nói nên lời
Hoàng hôn đã thở dài khe khẽ
Ẩn ra sự nóng sôi có một ông mặt trời
Nghiêm khắc và lạnh lùng quá thể
Em có còn tươi mát nữa không em?
Trường ca Thi Hoàng có những dẫn dắt đưa tới mối quan hệ thiên nhiên và văn hóa. Đó là quan tâm lâu đời của văn học và các khoa học như xã hội học, nhân chủng học. Thiên nhiên tạo ra những thay đổi ở con người, cảm giác vui sướng, sự buồn bã, khả năng cảm kích. Khuynh hướng sinh thái trong thơ ca thế giới những năm gần đây cũng bắt nguồn từ thơ về thiên nhiên, khởi đi từ những nhà thơ như Wordsworth, các truyền thống thơ ca Nhật Bản từ Basho. Sự phối hợp Đông và Tây ở nhiều nhà thơ hiện nay cũng xảy ra trên tấm thảm của thiên nhiên. Thơ Thi Hoàng kêu gọi sự tỉnh thức đối với sự vật và sự thức nhận đối với lề lối suy nghĩ. Giúp thoát khỏi lối nghĩ cứng cỏi, sự lầm đường, trạng thái mê lẫn, mời gọi sự buông thả, đến gần trạng thái không biết, trạng thái không chắc chắn, cảm giác tri ân.
Tôi đã ghé tai nghe miệng vết thương
Tưởng có tiếng thơ ngân lên ở đó
Thiên nhiên đã có sẵn ở đó rồi, vai trò của nhà thơ là chọn một góc đứng, một cách đi qua, một cách nhìn trong không gian ấy. Anh từng có cái nhìn chiếm lĩnh:
Chỉ mai đây nhà máy dựng xong thôi
Ý nghĩ thấm trong mồ hôi nhỏ giọt
Giữa không gian và thời gian hồi hộp
Một huy hoàng từ nền móng đang lên
Hầu hết các nhà thơ cùng thế hệ và hoàn cảnh như Thi Hoàng đều đã nghĩ và viết như thế. Đó là năm 1975 ở miền Bắc. Sau đó có người đã vượt qua giấc mơ công nghiệp hóa sơ khai, có người không. Thi Hoàng cố gắng vượt qua.  Vì vậy, cảnh vật của thơ anh là cảnh vật nội tâm, chữ của Trần Phong Giao là tâm cảnh, buổi trưa ấy là buổi trưa Việt Nam.
Tiếng ve luồn qua trôn kim
Sự tưởng tượng cụ thể hóa, chứ không trừu tượng hóa, như phương Tây:
Sự vắng mặt của em đi xuyên qua anh
Như chỉ luồn qua kim
Your absence has gone through me
Like thread through a
needle
( W.S. Merwin)
Bài Ngưỡng Mộ Hoa Sen của Thi Hoàng là một trường hợp khác. Lối nói trực tiếp hơn: sự cao quý của cảnh vật, cây cối, chính là nội dung của đời sống. Văn chương có thể không làm được nhiều, nhưng có thể mang người đọc lại gần với phẩm chất cao quý của vạn vật, nâng đỡ tinh thần họ lên đến một cấp độ mà năng lượng của trời đất chạm tới, và do đó, chuyển giao.
Ngưỡng Mộ Hoa Sen
Bùn non ngoan ngoan
Và đờ đẫn và im lìm và nhuần nhuyễn
Nước trong sáng cứ như muốn vùng vằng mà không dám
Bởi hương sen quá đỗi dịu dàng.
Hoa sen không định thơm
Không định thơm thì mới thơm như thế
Rất tự nhiên là ta nhớ mẹ
Mẹ quá xa rồi!
Để ta thành con cái của làn hương.
Ta ra điên hay trời bỗng khác thường
Không có hương sen thì trời sẽ sập
Không có hương sen thì ta thối nát
Song, đấy là điều không dễ có ai tin!

Thực ra các nhà thơ vẫn có quyền dùng cách nói tuyên bố, thậm chí kêu gọi, nhưng không dễ. Ở Thi Hoàng, cách nói cũ này khá tự nhiên, tuy vẫn dễ rơi vào cái sáo. Thơ đôi khi cho phép vượt qua, nhờ mối quan hệ giữa nhà thơ và người đọc, giữa người đọc và khung cảnh: bài thơ vượt ra ngoài cấu trúc ngôn ngữ. Con đường bài thơ Ngưỡng Mộ Hoa Sen dẫn ta đi là từ cõi vắng lặng tinh thần đến mối quan hệ thân mật. Cõi vắng lặng và những quan hệ nhân gian mới nhìn như thể là hai khái niệm đối lập. Trong tương tác bất ngờ, mà một số bài thơ có thể làm được, người đọc bỗng thấy mình di chuyển dễ dàng từ hai phía, vừa là sự tịch lặng thuần khiết, thiêng liêng, vừa là sự giao hòa gần gũi, giản dị, thường, thực, chạm được tay. Thật ra, Thi Hoàng cũng có những câu lắm dễ dãi, đọc câu trước đoán được câu sau:
Để được yêu thành thật cuộc đời thường
Yêu háo hức tới chừng như vật vã
Yêu bãi cát chiều long lanh vảy cá
Yêu đá khô khan cho núi thêm già
Tuy có thể được công chúng yêu thích. Mà công chúng nào chẳng thích sự trơn bóng. Thi Hoàng có nỗi phân vân giữa nhu cầu giao tiếp vốn phổ biến ở những người cùng thời và nhu cầu giữ kín thông tin. Nhu cầu của im lặng, các yếu tố khách quan như lịch sử, môi trường được anh đưa vào một cách rộng lượng, đặc biệt trong trường ca vì dung lượng của chúng, thực ra đã không ngăn anh giữ lại cho mình một thẩm mỹ bền bỉ, kín đáo, dành cho thơ trữ tình, giữa một bên là nhu cầu biểu hiện và một bên là chủ nghĩa tối thiểu. Cảm nhận của anh về tính đa nguyên của sự vật, tính đa cực của thế giới, giúp tạo ra những khoảng cách trong thơ, về mặt ngôn ngữ là sự xếp đặt phi cổ điển, các chữ và các câu bất ngờ, ra ngoài ngữ pháp. Sự liên tưởng là một quá trình linh cảm của tâm trí trong việc tạo dựng các ý tưởng và hình ảnh, các sự kiện và ngôn ngữ, tuy thường căn cứ vào những nguyên mẫu văn hóa (archetypes), nhưng thật ra vẫn cá nhân. Sự liên kết này, khá tự nhiên, ở Thi Hoàng có tính phim ảnh (associative cut), tức là mang tính ráp nối, cắt rời, chồng chéo, sắp xếp và sắp xếp lại, làm biến đổi một câu chuyện (story) thành một cốt truyện (plot).
Không định thơm thì mới thơm như thế
Những nghĩa khác của một chữ trong thơ. Nghĩa của chữ không phải là cố định. Nếu các lý thuyết tham chiếu (referential theory) đặt căn bản trên quan niệm rằng ngôn ngữ được dùng để chỉ một vật nhất định, thì lý thuyết hành vi (behavioral theory) cho rằng chữ chỉ có nghĩa như chúng có vì có người dùng chúng như thế, nói cách khác, nghĩa thay đổi. Thoạt nhìn, Thi Hoàng là người có ý tưởng độc đáo, và cách nói lên những ý tưởng ấy, một cách trực tiếp, mới lạ.
Lòng tốt đang cho con bú
Đó là khả năng gọi ra những nghĩa khác, tiềm ẩn, của ngôn ngữ tiếng Việt. Về nguyên tắc, số lượng các nghĩa "tiềm ẩn" ấy là vô tận. Tiếng trưa là một bài thơ về thiên nhiên mà thực ra là về nghệ thuật. Không có nhân vật, hay có vẻ như không có nhân vật, không có cái tôi, gần như không có điểm nhìn, nhưng vì vậy mà điểm nhìn di chuyển khắp nơi, nhân vật có thể là nhiều người, một chàng trai, chắc thế, một cô gái đẹp như cái áo, hay là dậu thưa, hay trôn kim, hay tất cả chỉ là hoàn cảnh, là nghệ thuật sắp xếp.
Trời xanh nhìn thẳng vào tim
Chúng ta được dịp nhìn thẳng vào tâm trí của nhà thơ. Cái đẹp trở thành hiện thực. Hiện thực không có cứu cánh, cũng như số phận không có mục đích. Nghệ thuật làm cho hiện thực trở nên có cứu cánh, sự đau khổ trở nên có mục đích. Suy nghĩ, như chúng ta thường hiểu, dựa trên lý trí, không được tách rời kinh nghiệm sống. Sự xuất hiện của nhà thơ đã làm biến đổi không gian ấy, cảm xúc được ngân lên trong tâm hồn anh chính là cảm xúc của vũ trụ. Bài thơ trữ tình nhưng không hẳn là nói về một nhân vật. Tác giả như một cây đàn rung những nốt nhạc đã có sẵn trong trời đất. Một thôn quê Việt Nam, miền Bắc, hiện ra đầy đủ trong thứ âm nhạc ngân vang ấy. Sự chọn lựa nhiều lần giữa cách nói quen thuộc và cách nói mới cũng thể hiện sự phân vân của anh.
Sao chiều nay ta muốn tốt lên nhiều
Thiên nhiên ở với mình cao cả quá
Bài thơ đương thời thường bị ám ảnh bởi nỗi im lặng. Sự im lặng thanh sạch, hầu như không mang ý nghĩa, bởi vì ngôn ngữ trở nên bất lực ở khoảng trống rỗng. Bài thơ là điểm dừng của ngôn ngữ trong quá trình vận động của nó. Nói cách khác, thơ chính là bản thân ngôn ngữ, được bộc lộ trần truồng trước thực hữu. Bài thơ chính là hình thức của ý tưởng, hay nói như Rimbaud, là một ý tưởng được hát lên và được hiểu bởi ca sĩ. Những bài thơ hay bao giờ cũng có một giây phút đầy năng lượng ở đó tự nhiên và văn hóa hòa lẫn vào nhau, trở thành một.
Dù không gian có thể rạo rực hơn:
Trưa vàng cỏ biếc vườn xanh
Môi ai chín đỏ đầu cành phượng xưa
(Trần Dạ Từ)
Nhờ nhịp lục bát gấp.Trước, người ta thong dong hơn, mà vẫn đầy ắp lứa đôi:
Một buổi trưa không biết ở nơi nào,
Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao,
Có cu gáy, có bướm vàng nữa chứ
Mà đôi lứa đứng bên vườn tình tự.
(Huy Cận)
Hay thời kháng chiến:
Tiền nước trả em rồi. Nắng gắt
Đường xa xa mờ núi và mây
Buổi trưa của Quang Dũng thật buồn mà thật đẹp. Cảnh đâu có gì mà đẹp? Chỉ có đường xa, chỉ có núi mây và nắng lóa. Gian khổ thì đúng hơn. Nhưng tôi vẫn thấy đẹp. Thì ra cái đẹp của xã hội, của tình người. Chúng ta tiếc không khí ấy. Tiếc thì tiếc, nhà thơ bây giờ không có tâm trạng khấp khởi nữa: họ sâu sắc hơn, họ đa nghi hơn, họ kém tha thiết hơn thì phải. Vì xã hội nó nhạt đi, con người nó tầm thường đi, chứ đâu phải tại họ. Biết sao? Mỗi nhà thơ đều có một sợi dây cầm trên tay, đi theo con đường của mình, sự chọn lựa của mình, nhưng tới đâu chúng ta không biết. Cho đến một ngày, bạn dừng lại.
Thơ trữ tình là sự dừng lại.
Trước sau còn có vô cùng
Trước sau gì một số điều trong đời bạn cũng đứt đoạn: người thân, công việc, danh vọng, tự phụ, niềm tin. Trước sau gì bạn cũng đứng đó một mình, lột bỏ xiêm y bao phủ châu thân, bạn nhận ra rằng chỉ có bạn và thiên nhiên gặp lại nhau. Con người có bốn lần trần truồng: khi sinh ra, khi làm tình, khi bị hạ nhục, khi chết. Khi đời sống trở nên trống rỗng, và bạn không biết bắt đầu từ đâu, và chiến thắng và thất bại chỉ là ảo tưởng, và đúng và sai và bạn và thù, chỉ là ảo tưởng. Dưới sức nặng của các tình huống ấy, nếu may mắn, bạn sẽ nghe tiếng nói thì thầm, như tiếng sóng qua sông, hay tiếng buổi trưa ngào ngạt nắng. Và bạn đứng yên, cảm giác êm ả choáng ngợp, và lúc ấy bạn hòa tan vào thiên nhiên, chính bạn là thiên nhiên, chính bạn trở thành con đường.
Chú thích:
(*) Nhà thơ Mai Văn Phấn:
"Nhà thơ Thi Hoàng khá mạnh về trường ca, đó là sở trường của ông. Với trường ca, ông mở đầu giai đoạn hướng nội, thiết lập cho thơ mình không gian riêng biệt với những phức điệu, phối bè hấp dẫn. Với hai trường ca lớn, “Ba phần tư trái” đất (Nxb Hải Phòng, 1989) viết 1981- 1984, “Gọi nhau qua vách núi” (Nxb Quân đội nhân dân, 1996) viết năm 1987- 1994 và một số trường ca “mini”, “Oản tù tì, ra…” in trong tập “Bóng ai gió tạt” (Nxb Hội Nhà văn, 2001), “Bóng tối dưới chân đèn” in trong tập “Cộng sinh với những khoảng trống” (Nxb Hội Nhà văn, 2005)..., Thi Hoàng đã dành được “đất” cho mình ở thể loại này. Khác với những trường ca mang tính sử thi đơn tuyến, có cốt truyện, trường ca của Thi Hoàng có cấu trúc hiện đại với đa giọng điệu. Các chương/ phần trong đó có thể đứng độc lập như một bài thơ dài, nhưng khi đặt trong “tổng phổ”, chúng được phối ngẫu, đan xen, bổ sung cho nhau, giống như cách hòa âm, phối khí trong giao hưởng".
Nguyễn Đức Tùng
Theo https://vanhaiphong.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...