Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2018

Văn chương Mai Thảo: Nguyện ước của người đi

Văn chương Mai Thảo: 
Nguyện ước của người đi 
Tiểu sử Mai Thảo  
Mai Thảo tên thật là Nguyễn Đăng Quý, bút hiệu khác: Nguyễn Đăng, ông sinh ngày 8/6/1927 tại chợ Cồn, xã Quần Phương Hạ, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định (nguyên quán làng Thổ Khối, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, cùng quê và có họ với hoạ sĩ Lê Thị Lựu), cha là một thương gia và điền chủ giàu có. Mai Thảo hấp thụ tính yêu văn chương của mẹ gốc Bắc Ninh. Thuở nhỏ học trường làng, trung học lên Nam Định rồi Hà Nội (học trường Đỗ Hữu Vị, sau là Chu Văn An). Năm 1945, theo trường sơ tán lên Hưng Yên. Khi chiến tranh bùng nổ năm 1946, gia đình từ Hà Nội tản cư về quê chợ Cồn, trong "Căn nhà vùng nước mặn", từ đó Mai Thảo rời nhà vào Thanh Hóa theo kháng chiến, viết báo, tham gia các đoàn văn nghệ đi khắp nơi từ Liên khu ba, Liên khu tư đến chiến khu Việt Bắc. Thời kỳ này đã để lại dấu ấn sâu sắc trong văn chương ông. 1951, Mai Thảo bỏ kháng chiến vào thành, đi buôn. 1954, di cư vào Nam. Viết truyện ngắn trên các báo Dân Chủ, Lửa Việt, Người Việt. Chủ trương báo Sáng Tạo (1956), Nghệ Thuật (1965) và từ 1974, trông nom báo Văn. Tham gia chương trình văn học nghệ thuật của các đài phát thanh tại Sài Gòn từ 1960 đến 1975. Ngày 4/12/1977, Mai Thảo vượt biển. Sau 7 ngày đêm trên biển, thuyền tới Pulau Besar, Mã-lai. Đầu năm 1978, được em bảo lãnh sang Hoa-kỳ. Ít lâu sau ông cộng tác với tờ Đất Mới của Thanh Nam và một số báo khác tại hải ngoại. Tháng 7/1982 ông tái bản tạp chí Văn, làm chủ biên đến 1996, vì tình trạng sức khỏe trao lại cho Nguyễn Xuân Hoàng; hai năm sau ông mất tại Santa Ana, California ngày 10/1/1998.
Mai Thảo thích thơ, thuộc thơ, viết nhiều bài thơ dài từ năm 16, 17 tuổi, làm cả kịch thơ. Những tập thơ đầu đã thất lạc. Khi vào Nam viết văn, làm báo, ông bỏ thơ. Mười năm trước khi mất, Mai Thảo cho xuất bản tập thơ duy nhất: Ta thấy hình ta những miếu đền, cô đọng những cô đơn mất mát của một đời người.
Sách đã xuất bản:
Đoản thiên: Đêm giã từ Hà Nội (Người Việt, 1955) Tháng giêng cỏ non (1956), Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời (Sáng Tạo, 1963), Bày thỏ ngày sinh nhật (Nguyễn Đình Vượng, 1965), Căn nhà vùng nước mặn (An Tiêm, 1966), Đêm lạc đường (Khai Trí, 1967), Dòng sông rực rỡ (Văn Uyển, 1968), Người thầy học cũ (Văn Uyển, 1969), Chuyến tàu trên sông Hồng (Tuổi Ngọc, 1969), Tùy bút (1970), Mưa núi (tập hợp những truyện tuyển trong Đêm giã từ Hà-nội và Tháng giêng cỏ non, Tân Văn, 1970), Ngọn hải đăng mù (Làng Văn, Toronto, 1987), Một đêm thứ bẩy (Tổ hợp xuất bản miền Đông Hoa Kỳ, 1988) Hồng Kông ở dưới chân (Xuân Thu, 1989), Chân bài thứ năm (Nam Á, Paris, 1990), Chuyến métro đi từ Belleville (Nam Á, 1990).
Truyện dài: Mái tóc dĩ vãng (Tiểu thuyết tuần san, 1963), Cô thích nhạc Brahms? (phóng tác), Khi mùa thu tới (Thái Lai, 1964). Viên đạn đồng chữ nổi(Văn, 1966). Đêm kỳ diệu. Cùng đi một đường (1967). Sau khi bão tới (Màn Ảnh, 1968), Tới một tuổi nào (Miền Nam, 1968), Cũng đủ lãng quên đời (Hồng Đức, 1969), Lối đi dưới lá (1969), Mười đêm ngà ngọc (Hoàng Đông Phương, 1969), Thời thượng (Côi Sơn, 1970), Sống chỉ một lần (Nguyễn Đình Vượng, 1970), Hết một tuần trăng (Tủ sách Văn Nghệ Khai Phóng, 1970), Sau giờ giới nghiêm (Tủ sách Văn Nghệ Khai phóng, 1970), Trong như hồ thu (Tủ sách văn Nghệ Hiện Đại, 1971), Mang xuống tuyền đài (Tủ sách Văn Nghệ Khai Phóng, 1971), Một ngày của Nhã (1971), Để tưởng nhớ mùi hương (Nguyễn Đình Vượng, 1971), Sóng ngầm (Hoa biển, 1971), Sống như hình bóng (Tiếng Phương Đông, 1972), Hạnh phúc đến về đêm (Nguyễn đình Vượng, 1972), Một đời còn tưởng nhớ (Hải Vân, 1972), Gần mười bẩy tuổi (Nguyễn Đình Vượng, 1972),Chỉ là ảo tưởng (Sống Mới, 1972), Suối độc (Nguyễn Đình Vượng, 1973), Tình yêu mầu khói nhạt (Nguyễn Đình Vượng, 1973), Bên lề giấc mộng (Ngày Mới, 1973), Chìm dần vào quên lãng (Tiếng phương Đông, 1973), Cửa trường phía bên ngoài (Đồng Nai, 1973), Ánh lửa cuối đường hầm (Anh Lộc, 1974), Ôm đàn tới giữa đời (Gìn Vàng Giữ Ngọc, 1974), Những người tình tuổi song ngư (Xuân Thu, 1992)...
Thơ: Ta thấy hình ta những miếu đền (Văn Khoa, California, 1989).
Nhận định, hồi ức: Chân dung mười lăm nhà văn, nhà thơ Việt Nam (Văn Khoa, 1985)
Phạm Trọng Lệ, trên báo Văn số Tưởng mộ Mai Thảo (tháng 2/1998) đã sưu tầm một thư mục Mai Thảo, trong đó có ghi số trương mục những tác phẩm được lưu trữ tại các thư viện ở Hoa Kỳ.
Để giúp bạn đọc tìm hiểu tác phẩm của Mai Thảo, chúng tôi ghi lại sau đây nội dung một số những tập đoản thiên của Mai Thảo. Mai Thảo viết rất đều tay, nhưng cũng xin gạch dưới môt số bài mà chúng tôi cho là những đoản thiên đặc biệt hơn, đáng chú ý hơn.
Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời (Sáng Tạo 1963) : Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời, Luân, Tiếng cười trên ấy, Người điên dưới chân sườn Tam Đảo, Buổi trình diễn cuối cùng, Người đàn bà trong vòng đai trắng, Trong rạp chiếu bóng, Bên kia cồn cát, Buổi sáng và ngọn suối, Vết hằn trên da.
Bày thỏ ngày sinh nhật (Nguyễn Đình Vượng, 1965): Cô lái đò thời kỳ kháng chiến, Bày thỏ ngày sinh nhật, Người đồng chí cũ, Cái lưới an toàn, Chuỗi hạt trai, Trong cơn mê sảng, Chân dung thành phố, Bước chân ngoài hành lang, Chấp một tay, Truyện tuổi nhỏ, Những người ở khách sạn. 
Căn nhà vùng nước mặn (An Tiêm 1966):Căn nhà vùng nước mặn, Họp mặt ngày giỗ bạn, Những vì sao thứ  nhất, Chuyến tàu trên sông Hồng, Một phố của trời, Quê hương trong trí nhớ, Giòng sông vết thương, Hôm nay đi chùa Hương, Những đêm Sàigòn.
Người thầy học cũ (Văn Uyển 1968): Những dò thăm không ngừng quá khứ, Căn nhà bên bờ suối, Người thầy học cũ, Người cha và người con, Sống như hình bóng, Con đường qua rừng, Thần tượng, Cái bót gác trong khu phố, Thư cho một người bạn.
Dòng sông rực rỡ (Văn Uyển, 1968): Nói chuyện với những người viết mới, Bước đi một bước, Dòng sông rực rỡ, Cửa sau, Cầu nguyện ngoài trời, Chiều cuối năm, Lá cờ đỏ chói.
Chuyến tàu trên sông Hồng (Tuổi Ngọc, 1969): Chuyến tàu trên sông Hồng, Vầng trăng thơ ấu, Chấp một tay, Người cha và người con, Lên mười, Người thầy học cũ, Người điên dưới chân sườn Tam Đảo, Những tấm hình của chị Thời, Những vì sao thứ  nhất.  
Mưa núi (Tân Văn, 1970): Tuyển những truyện ngắn trong hai cuốn: Đêm giã từ Hà Nội (1955) và Tháng giêng cỏ non (1956): Lời vào tập, Đêm giã từ Hà Nội, Nhà mới, Mưa núi, Một chiều qua Cửu Long, Chiếc xe hàng cũ, Tháng giêng cỏ non, Người bạn đường, Giai đoạn chị Định, Đêm tân hôn.
Chân dung (Văn Khoa, 1985): chân dung mười lăm nhà văn  nhà thơ Việt Nam: Vũ Hoàng Chương, Thanh Nam, Bình Nguyên Lộc, Nhã Ca,  Dương Nghiễm Mậu. Nguyễn Đình Toàn, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Mặc Đỗ, Nguyên Sa, Phạm Công Thiện, Nhật Tiến, Túy Hồng, Lê Tất Điều, Trùng Dương.       
Ngọn hải đăng mù (Làng Văn, Toronto Canada, 1987): Ngọn hải đăng mù, Cánh tay dịu dàng một đất nước ở xa, Vệt son, Giữa hai cơn mưa, Thế giới của Kathy Graham, Sân khấu giữa rừng, Đêm Sydney, Người Hà Nội cuối cùng, Đêm sa mạc, Mộ thỏ, Tiếng gọi, Trên  một chuyến bus, Thơm của nhành hương, Đáy năm, Một buổi sáng mùa đông ở Massachusetts.
Đôi dòng về Sáng Tạo
Sáng Tạo do Mai Thảo chủ trương, nhưng nếu kể về thâm niên, thì Mai Thảo là người đến sau. Theo Trần Thanh Hiệp, Sáng Tạo, thoạt tiên là một nhóm sinh viên hoạt động trong Tổng hội sinh viên Hà Nội, trước 1954, gồm bốn người: Nguyễn Sĩ Tế, Doãn Quốc Sĩ, Thanh Tâm Tuyền và Trần Thanh Hiệp, chủ trương nguyệt san Lửa Việt. Sau 1954, vào Sài Gòn, tiếp tục hoạt động văn nghệ làm tuần báo Dân Chủ (do Trần Thanh Hiệp và Thanh Tâm Tuyền phụ trách phần văn nghệ), rồi tờ Người Việt (tiền thân của tờ Sáng Tạo). Lúc ấy Mai Thảo gửi đến truyện ngắn Đêm giã từ Hà Nội, Thanh Tâm Tuyền đọc, thích và đăng ngay. Nhóm có thêm Mai Thảo, sau mở rộng với Lữ Hồ, Ngọc Dũng, Duy Thanh, Quách Thoại. Trên Sáng Tạo, ngoài những tên tuổi kể trên còn thường xuyên thấy: Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên, Dương Nghiễm Mậu, họa sĩ Thái Tuấn. Nguyệt san Sáng Tạo số đầu ra tháng 10 năm 1956. Sáng Tạo bộ cũ ngừng ở số 27 (tháng 12/58). Khoảng một năm sau ra bộ mới đến số 7 (tháng 3/62) thì ngừng hẳn.
Tuy do một nhóm bạn hữu cùng chí hướng cách tân văn học thành lập, Sáng Tạo tôn trọng ý chí tự do sáng tác của mỗi thành viên. Mấy năm sau, vẫn theo Trần Thanh Hiệp, vì nhu cầu muốn lý thuyết hoá con đường của Sáng Tạo, cho nên mới tổ chức những buổi hội thảo văn học có chủ đề. Biên bản những buổi hội thảo này được in thành tập Thảo Luận (Sáng Tạo, 1965) giữa Cung Trầm Tưởng, Doãn Quốc Sỹ, Duy Thanh, Huỳnh Văn Phẩm, Lê Huy Oanh, Mai Thảo, Ngọc Dũng, Nguyễn Sĩ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Thái Tuấn, Tô Thuỳ Yên, Trần Thanh Hiệp. Tập sách chia làm bốn chương: Nhìn lại văn nghệ tiền chiến ở Việt Nam. Ngôn ngữ mới trong hội hoạ. Nhân vật trong tiểu thuyết và Nói chuyện về thơ bây giờ. Ba lý thuyết gia chính trong tập sách là Trần Thanh Hiệp, Thanh Tâm Tuyền và Nguyễn Sĩ Tế. Mai Thảo gần như không đóng góp gì vào tập thảo luận này, trừ mấy lời đả kích tiền chiến theo đúng "không khí sôi sục" của Sáng Tạo thời đó, và lời "sám hối" trước hội luận: "Tôi thẳng thắn nhận rằng tôi từng chịu đựng ít nhiều ảnh hưởng văn chương tiến chiến. Của Nguyễn Tuân, Thạch Lam. Của nhóm Xuân Thu Nhã Tập. Và coi đó như một thời kỳ mê muội không thể tránh khỏi trong đời mình" (Thảo luận, trang 44). "Nhân vật trong tiểu thuyết" là chương trực tiếp liên hệ đến tiểu thuyết gia Mai Thảo, nhưng không thấy có lời tuyên bố của ông.
Trước sau, dù có viết những bài kêu gọi chặt đứt quá khứ để lên đường, Mai Thảo vẫn không phải là nhà lập thuyết, ông chỉ là  một nghệ sĩ tự do viết theo phong độ lãng mạn của mình. Tác phẩm của ông, đi ngược với chủ trương đả kích tiền chiến của ông và Sáng Tạo và bước ra ngoài những lập luận có tính cách lý thuyết được đề ra trong suốt chiều dài các cuộc thảo luận.
Thụy Khuê
Là một trong những nhà văn tài hoa và sáng tác sung mãn nhất của thế hệ ông, văn chương Mai Thảo bao trùm giai đoạn dài từ kháng chiến chống Pháp đến di tản hải ngoại; ở khoảng nào, cũng có những tác phẩm xuất sắc, vẽ nên những chân dung con người với một nội dung siêu hình, một tâm thức lãng mạn, đớn đau.
Mai Thảo là "đầu tầu" của nhóm Sáng Tạo, sau 1954, đã đem vào văn học một bút pháp mới. Bút pháp ấy đã ảnh hưởng sâu sắc đến những người cùng thời và thế hệ sau từ Nguyên Sa đến Nguyễn Thị Thanh Bình, Trần Vũ...
Là người của kỷ niệm, của dĩ vãng, của "căn nhà vùng nước mặn" chợ Cồn, Hải Hậu, Mai Thảo còn là người Hà Nội, người sông Hồng, mà lại rất Paris, rất Camus, rất Sartre.
Mai Thảo là của độc thân, của phòng trà, của vũ trường, không ràng buộc giờ giấc đi về và rượu như một bạn đường cùng đi vào cô độc:
Uống ư một ngụm chiều rơi lệ
Và một bình đêm rót rất đầy.
Tư chất nghệ sĩ và tư tưởng yếm thế của Mai Thảo không chỉ toát ra ở ngòi bút mà còn trong tiếng nói, trong dáng điệu, trong lối uống rượu, bình thơ. Mai Thảo sống thế nào thì viết như thế ấy.
Bắc cầu giữa lãng mạn và hiện sinh, cái tôi Mai Thảo là cái tôi mơ mộng tiền chiến, của nhớ nhung, của Hà-nội sông Hồng đã muôn trùng xa cách, được thể hiện dưới bút pháp nhậy cảm rất thạch lam nhưng đã xa tiền chiến; xô đẩy truyền thống ngôn ngữ, trong cái nhìn hiện sinh u uất, chán nản về sự bất tri của chính mình và của đồng loại trong cuộc tồn sinh hiện hữu. Những "đời chẳng có gì hết", "một biển chán chường", "một rừng phiền muộn", "những chiều gục đầu", những đêm rã rượi"... nếu rút ra khỏi văn cảnh có thể trở thành sáo ngữ, nhưng nằm trong không khí tiểu thuyết Mai Thảo, đó là những nhận thức nhức buốt trổi lên như những âm giai buồn bã trong tâm hồn kẻ cô đơn, bặt hướng, lẩn mình trong những cơn say, vật vã đi tìm hủy thể như chính tác giả.
Nỗi đau hiện sinh ấy không chỉ thuộc thời Mai Thảo đã sống, mà còn là của những lớp người đô thị, ở bất cứ nơi nào, có những hộp đêm, vũ trường, chiến tranh hay không chiến tranh, kỳ thị hay không kỳ thị, Đông cũng như Tây, hôm qua và hôm nay.
Gặp Mai Thảo một lần, có thể rất yêu hoặc rất ghét, nhưng nhớ mãi. Nhớ cái thực, cái "authenticité" Mai Thảo khó thấy ở một cá nhân nào. Nhớ cách Mai Thảo bình thơ, nhớ lối nói nửa say nửa tỉnh, tàn phũ với người, âu yếm với thơ.
Người ta ca tụng Mai Thảo, nhưng dường như không mấy ai đọc Mai Thảo, may ra vài dòng Sổ tay, dăm ba câu thơ Ta thấy hình ta những miếu đền. Được xưng tụng, Mai Thảo có cả một triều đình nhưng quần thần lơ láo, quan quân tán tác, phần đông dừng lại ở Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời, ở Mai Thảo 63, trong khi Mai Thảo vẫn đi, một mình, đi đến 98 và đi mãi về sau... Bởi sau 75 Mai Thảo vẫn còn là "đầu tầu". Mai Thảo hải ngoại nhập vào con người, con người di tản, đi thêm một chặng đường, như chưa nhà văn di tản nào có được, như chưa nhà văn lưu vong nào nhập sâu được như thế, ngọn hải đăngấy vẫn chiếu nhưng... hình như không ai cần nó nữa, không ai tha thiết với nó nữa, nó đã bị mù trong đôi mắt đồng loại quá nhiều ánh sáng.
Đó cũng là bi kịch và nghịch lý của Mai Thảo và của dân tộc ông. Một dân tộc chú ý nhiều đến cái vỏ mà bỏ qua cái lõi. Một dân tộc ngại đọc, biếng nghĩ, thích phê và đầy vị kiến. Mai Thảo là nạn nhân và cũng là thành viên của dân tộc ấy.
Lẳng lặng, ông sống, ông viết trong cô đơn, với rượu và những nhân vật xây dựng từ chính mình, trong một cõi nhân quần đông đúc, đầy bè bạn, tạc thù, nhưng không tri kỷ.
Một cõi không người. Cõi hư vô Mai Thảo.
Văn chương Mai Thảo: Nguyện ước của người đi
Sau 1954, miền Nam cần một niềm tin, một lý tưởng. Sự xây dựng xã hội tự do là một hoài bão lớn và có thật nơi những người di cư bỏ đất Bắc. Tinh thần chống Cộng đương nhiên có trong những người đã từng va chạm với cộng sản. Mai Thảo xuất hiện với hai tác phẩm: Đêm giã từ Hà Nội (1955) và Tháng Giêng cỏ non (1956), đáp ứng đúng tâm lý và chân lý người di cư. Trừ cuốn Viên đạn đồng chữ nổi (1966), một ngoại lệ, vẫn còn trong địa bàn chống Cộng, vả lại truyện cũng xoàng, bởi Mai Thảo viết những câu văn tố Cộng không hay, trực và sượng; từ 1963 trở đi, với tập truyện ngắn Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời và tiểu thuyết Mái tóc dĩ vãng, Mai Thảo bắt đầu giữ khoảng cách với chính trị. Ký ức kháng chiến nhòe đi, trở thành kho tàng lưu trữ chiến thời và ông đã vén màn làm lộ những chân dung ký ức ấy trong một bút pháp lãng mạn đầy đớn đau và hạnh phúc. Dùng tình yêu phủ lên những vết thương dĩ vãng, Mai Thảo nhìn con người bên này hay bên kia với con mắt cảm thông, không gắt gay, không trừng trị nữa. Tác phẩm chín hơn với những đoản thiên giá trị như Bày thỏ ngày sinh nhật, Căn nhà vùng nước mặn, Chuyến tàu trên sông Hồng, Dòng sông rực rỡ, Người thày học cũ... tuy vẫn nằm trong không gian kháng chiến, nhưng đã mở rộng sang cuộc sống miền Nam, sang những ưu tư sâu lắng hơn, bằng sự nhận thức nỗi bơ vơ của con người. Riêng với bức Thư cho một người bạn, năm 1968 (in trong cuốn Người thày học cũ) ông đã đoạn tuyệt với Hà Nội, chấp nhận Sài Gòn là quê hương. Chấp nhận ở lại là vĩnh biệt Hà Nội trong cõi nhớ, là sống với Sài Gòn, với miền Nam, sau 14 năm xa đất Bắc.
Mai Thảo gọi thời kháng chiến là chiến thời. Như để cách biệt với người khác và để giữ khoảng cách với một thứ thực tại người thật việc thật trong các tác phẩm được gọi là hiện thực. Tất cả những ký ức đẹp nhất của ông nằm trong chiến thời, và chiến thời tức là thời chiến trong văn chương Mai Thảo, không giống bất cứ thời chiến nào có trước. Mười năm luân lạc để lại những dấu ấn, những con người, những nhân vật, những sự vật không quên được và tạo nên sự nghiệp văn chương Mai Thảo. Nếu dùng chữ của Bakhtine, thì chiến thời chính là thời không gian  (chronotope) tức là thời gian và không gian của Mai Thảo.
Quê quán chợ Cồn, Nam Định, nhưng Mai Thảo như phần đông những nhà văn nhà thơ lớn cùng quê Nam Định như Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Trần Dần... đều có khả năng bước qua cổng tỉnh để đến với toàn diện đất nước và con người. Mai Thảo đi từ căn nhà vùng nước mặn chợ Cồn, lên Nam Định năm 10 tuổi, rồi ra Hà Nội, về Vĩnh Yên, trên sông Hồng, ngược Việt Bắc, vào Sài Gòn, xuống Cửu Long, ra biển đông, hải ngoại, Mỹ, Úc, Âu... Tất cả những chuyến đi ấy đều có trong văn chương, Mai Thảo đã quán xuyến toàn bộ diện mạo chiến thời từ con mắt của một người "bỏ đi": một người quốc gia, theo kháng chiến rồi bỏ kháng chiến về thành. 1954 di cư vào Nam. 1975 di tản hải ngoại.
Tất cả những chặng đường ấy Mai Thảo đều có mặt và đánh dấu bằng tác phẩm nghệ thuật. Nhưng có một khoảng trống không thể nào lấp nổi trong văn chương Mai Thảo đó là ký ức về cuộc chiến 54-75: Hầu như không có.
Sự quay mặt với chiến tranh trong thời kỳ 54-75 phải hiểu như thế nào? Có phải là một "trục trặc kỹ thuật" vì Mai Thảo không đi lính, không đánh nhau, nên không viết được? Không chắc. Thiếu gì văn nghệ sĩ không đi lính mà vẫn viết về chiến tranh, như Nhật Tiến, Nhã Ca... Chưa kể Trịnh Công Sơn đâu có đi lính, mà đã nhận diện đến tận cùng xác thịt của chiến tranh, trong âm nhạc.
Sự quay mặt với chiến tranh ở Mai Thảo, rất có thể đã từ một nguyên nhân sâu xa hơn: không chấp nhận cuộc chiến 54-75, nhưng cũng không thể phản chiến như Trịnh Công Sơn, bởi năm 1954, Mai Thảo đã trưởng thành, di cư vào Nam với mục đích chính trị: tìm tự do và tạo một đời sống mới. Đã từng theo kháng chiến, đã có kinh nghiệm sống trực tiếp với Việt Minh, rổi bỏ vào thành, Mai Thảo di cư là để "lánh nạn", vào Nam với mục đích "xây dựng tự do". Vì thế, Mai Thảo không thể phản chiến và cũng không thể chấp nhận một cuộc chiến, nhân danh tự do, lấy con người làm lá bài, con mộc. Và khi tâm thức đã chối bỏ, thì ngòi bút không thể viết được. Có lẽ đó mới chính là lý do tại sao Mai Thảo không viết về chiến tranh trong suốt giai đoạn 54-75.
Sự ngoảnh mặt với chiến tranh 54-75, nơi Mai Thảo, còn thể hiện tâm thức sâu xa của người dân miền Nam: Phần đông coi chiến tranh như một điểm đen của lịch sử: bởi anh em  đánh nhau thì có hay ho gì mà viết, mà nói. Vì vậy, họ tìm cách sống ngoài cuộc chiến. Ai đi quân dịch cứ đi. Ai đánh cứ đánh. Ai du đãng cứ du đãng. Ai dậy học cứ dậy. Ai phòng trà cứ phòng trà. Ai tiệm nhẩy cứ nhẩy. Ai văn chương cứ văn chương.
Tiểu thuyết của Mai Thảo phản ánh sự thờ ơ và chán chường ấy.
Đẩy chiến tranh sang một bên, Mai Thảo đắm mình trong đám đông quần chúng, sống với hôm nay, chỉ biết hôm nay. Cái hôm nay trong triết học hiện sinh, thoáng chốc trở thành cái hiện hữu của những kiếp người không biết mình sống chết lúc nào, chỉ biết những phút đang còn sống, biết mình còn hiện hữu lúc này, đã biến thành cái hôm nay Mai Thảo. Luôn luôn ở với người, người hôm nay. Lấy vũ trường, rượu và cô đơn làm bạn, Mai Thảo đã gánh cái tâm thức chán chường của người đồng loại, bởi ông biết thức cảm và đau đớn hơn người.
Sau 75, Mai Thảo được yên trong thời gian đầu, rồi bị ruồng bắt gắt gao từ mùa xuân 1976. Vũ Hoàng Chương bị bắt và mất 5 ngày sau khi được thả. Cuối năm 1977, Mai Thảo vượt biển. Năm 1982, khi tục bản tờ Văn ở hải ngoại, Mai Thảo trở lại với lập trường chống Cộng thời 1954. Tác phẩm đầu tiên in tại hải ngoại là tập Chân dung (1985), vẽ lại chân dung 15 bạn văn, phần lớn còn kẹt lại ở quê nhà, người trong tù, người đã mất. Bài Mấy tháng cuối cùng với Vũ Hoàng Chương, trong tập Chân dung ghi lại điều kiện sống của người cầm bút sau 75 ở miền Nam và ở hải ngoại, đồng thời phản ảnh não trạng chung của những người cầm bút trước sự đàn áp của chính quyền trong nước đối với văn nghệ sĩ. Trong thái độ chống Cộng quyết liệt lần này, Mai Thảo vẫn ở với người. Và người đây là những Vũ, những Hoàng, những Chương, đã dưới mộ. Mai Thảo vẫn sống với hôm nay, cái hôm nay đượm mùi tàn phũ đầy nghịch lý sau ngày "giải phóng".
Mai Thảo hải ngoại vẫn còn là đầu tàu.
1986, Ngọn hải đăng mù xuất hiện, dường như không mấy ai để ý đến "nó", mặc nhiên "nó" vẫn giữ vai trò hải đăng như Đêm giã từ Hà Nội thời năm tư. Là tập đoản thiên hay nhất của người di tản viết về thân phân mình, đầy sình lầy, đỉa đói rừng Sát, lên đênh trên biển, chết cạn trong một "thế giới tự do" đầy dẫy những "hải đăng mù". Tác phẩm chở tâm thức lưu đầy của người Việt di tản hòa những ấm lạnh của lòng người trên vùng đất hứa. Lại một lần nữa Mai Thảo trung thành với nguyện vọng và khế ước của người đi.
1989, Ta thấy hình ta những miếu đền món quà bất thường của Mai Thảo một đời bỏ thơ theo tiểu thuyết, lại là tập thơ hay nhất tại hải ngoại, vượt Thơ ở đâu xa của Thanh Tâm Tuyền - chỉ còn là cái bóng của Liên đêm mặt trời tìm thấy cách đây hơn nửa thế kỷ.
Trong suốt hành trình sống và sáng tác, từ cái hay lẫn cái dở, từ cái sáng suốt lẫn cái cố chấp, Mai Thảo luôn luôn là con tàu chở nguyện ước của người đi, người bỏ đi: vào thành thời kháng chiến; di cư thời năm tư; di tản thời bẩy lăm. Mai Thảo gần gụi mọi người. Mai Thảo ở trong mỗi người. Vì vậy mà người ta cảm được dù không đọc ông, người ta vẫn cưu mang báo Văn. Người ta mời Mai Thảo đi khắp nơi trên đất Mỹ, đất Úc, sang Âu châu, bốn mùa được mời, đài thọ máy bay, ăn ở. Không một nhà văn lưu vong nào được hưởng vinh dự ấy. Lại một nghịch lý khác trong đời Mai Thảo: Ông vua không ngai. Thủ lĩnh văn đàn không có người đọc.
Mai Thảo thủ lĩnh trên những vùng đất không lãnh thổ.
Thi pháp Mai Thảo.
Những truyện ngắn hay nhất của Mai Thảo chia làm hai hướng chính, hướng vọng quê hương đất nước, vọng dĩ vãng kỷ niệm trong các tập Đêm giã từ Hà Nội, Tháng giêng cỏ non, Căn nhà vùng nước mặn, Chuyến tàu trên sông Hồng, Bầy thỏ ngày sinh nhật..., hướng quay về sự phi lý của kiếp người, về nỗi hoài nghi những lý tưởng trong các đoản thiên: Dòng sông rực rỡ, Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời, Người bạn đường, Từ cao ngó xuống, Cửa sau, Ngọn hải đăng mù...
Ngay từ Đêm giã từ Hà Nội (1956), Mai Thảo đã xác định một thi pháp độc đáo: tạo không gian cho cái nhìn nghệ thuật, mở rộng tư tưởng về phía hoài nghi và xem cấu trúc hình thức ngôn ngữ như một khả năng nội tại của tư tưởng. Mai Thảo làm mới câu văn: bỏ chủ từ, bỏ động từ, thêm thì, là, mà những chỗ rất chướng, câu văn khi dài thoòng, khi cụt ngủn: hành văn tự do, không tuân theo luật tắc văn phạm mà tuân theo nhạc điệu, hình ảnh, màu sắc, thi tứ...
Văn phong Mai Thảo, ở những chỗ đạt, dào dạt, mãnh liệt, đau đớn, thiết tha, đó là những chân dung: chân dung kỷ niệm, chân dung sao trời, chân dung Hà Nội, chân dung bạn văn, chân dung nụ hôn, chân dung ngọn cỏ, chân dung Cửu Long, chân dung sông Hồng, chân dung cuộc tình... Đó là những bức họa, ấn tượng, trừu tượng, siêu thực ẩn hiện trong những điệu nhạc jazz trầm uất. Nếu là Hà Nội thì Hà Nội phải được nhìn từ trên xuống: "Một vùng ánh sáng lung linh, hư ảo bốc lên. Lửa hồng bên trên. Hà Nội dưới lửa. Lửa cháy thành năm ngọn, mỗi ngọn một cửa ô". Đó là những ánh lửa nội tâm Hà Nội trong Mai Thảo. Nếu là Cửu Long thì dòng nước được đổ về từ Mỹ Tho, Long Xuyên, Châu Đốc. Ví thử là rừng núi, thì rừng núi được nhìn từ đáy vực lên đỉnh trời, hoặc từ đỉnh trời xuống đáy vực, xuyên qua một hành trình nội tâm mà lưu lượng và vận tốc câu văn biến hóa không ngừng, khi dồn dập như thác lũ, lúc êm dịu như dòng sông, lúc lạnh giá như băng tuyết... Những cách thay đổi ống kính như thế tạo nên những nhân vật nữ như Liễu cô lái đò, như Luân trong kháng chiến, mà lòng gan dạ, tình yêu quê hương, đất nước, pha trộn với sức ép nội tâm tình yêu thể xác đốt cháy tâm hồn. Đôi khi những nhân vật lại được nhìn từ trọng tâm cá tính như Phương Bến Xanh trong Chiều cuối năm, như thằng Tám Cục Đất trong Chấp một tay, như chiếc xe 405 trong Chiếc xe hàng cũ; hoặc từ nguồn thơ như Diệu trong Những vì sao thứ nhất, từ sự thủy chung tình bạn như Thanh Nam, Vũ Khắc Khoan, Quách Thoại, Vũ Hoàng Chương... Tất cả những chân dung ấy đều ít nhiều mang những thất lạc, tứ tán, đau xót của con người thời đại, đã mất hết, không còn lý tưởng, chỉ trần trụi một cái tôi cô đơn, vô vọng hướng về một đỉnh trời là hư vô và cõi chết.
Đêm giã từ Hà Nội truyện ngắn đầu tiên gửi đến báo Người Việt, làm Thanh Tâm Tuyền phải "sửng sốt" và đăng ngay, ông nhớ lại tác phẩm này như "một bài thơ văn xuôi", và nhiều người cũng cảm thấy văn Mai Thảo có chất thơ như thế. Hai sự kiện: văn Mai Thảo gây sửng sốt và có chất thơ là thật.
Nhưng dường như chưa ai thực sự tìm hiểu và phân tích tại sao nó gây sửng sốt? Và nó có chất thơ ở chỗ nào?
Cho nên việc đầu tiên khi khảo sát văn chương Mai Thảo là tìm hiểu hai yếu tố "gây sửng sốt" và "chất thơ" ấy là gì? Chúng đã kết hợp với nhau như thế nào trong bút pháp Mai Thảo.
Hơn ba thế kỷ trước Thiên chúa, Aristote trong Poétique (Thi học) đã nghiên cứu các tổ chức nghệ thuật như anh hùng ca (épopée), bi tráng kịch (tragédie), kịch (comédie), và phân tích phê bình tác phẩm của Homère. Những gì Aristote tìm thấy, đến nay, vẫn còn là mẫu mực cho việc khảo sát thi ca. Tựu trung, ông cho rằng ngôn ngữ thơ được thành hình từ sự vi phạm quy luật ngôn ngữ hàng ngày, nhà thơ phải bứt chữ ra khỏi sự tầm thường của ngôn ngữ thông dụng để gây sửng sốt cho độc giả và làm nổi bật cái đẹp. Đem áp dụng quy luật này vào trường hợp Mai Thảo, thì đúng là, vì Mai Thảo vi phạm quy luật ngôn ngữ thông thường, cho nên ông gây sửng sốt. Hai yếu tố này gắn liền với nhau, họp thành một tổ chức chữ nghĩa, xác định thi pháp Mai Thảo. Chính ở cái tổ chức chữ nghĩa mới này, mà Mai Thảo thành danh, nhưng đồng thời cũng bị nhiều người đương thời, nhất là những nhà văn trường quy viết theo đúng văn phạm, cho văn ông là màu mè, lập dị. Văn Mai Thảo có chỗ màu mè, lập dị thật, nhất là khi không có cảm xúc mà vẫn viết, đó là những đoạn văn dở, nhưng không nhiều trong suốt hành trình chữ nghĩa vạn trang của ông.
Biền ngẫu mới
Tại sao nhà văn, để tạo thi pháp mới, cần phải vi phạm quy luật ngôn ngữ hàng ngày? Bởi ngôn ngữ hàng ngày thường bằng phẳng, không có bề dầy, nó nhạt. Nhà văn, có thể giữ nguyên cú pháp thông thường, nhưng tạo bề dầy bằng ý tưởng; hoặc có thể "bóp méo" ngôn ngữ để gây ấn tượng, tạo hình ảnh, làm giật mình người đọc. Mai Thảo thuộc loại thứ nhì. Ông viết văn bằng thủ pháp thơ:
"Mái nhà ngó xuống, cửa sổ nhìn ra, nước trong lòng bể nhìn lên, quê hương vây lấy tôi." (Căn nhà vùng nước mặn).
"Lửa Hà Nội nhìn xa như thế, mê đắm nghìn lần hơn khi Hà Nội nhìn gần. Trời cứ tối đặc ở ba phương. Riêng lửa một phương Hà Nội sáng." (Hà Nội, một ánh lửa đã tắt).
Đó là cách Mai Thảo "bóp méo" ngôn ngữ. Mái nhà ngó xuống, cửa sổ nhìn ra, nước trong lòng bể nhìn lên, quê hương vây lấy tôi.Thông thường không ai viết văn xuôi như thế: bởi theo logique, thì mái nhà làm gì có mắt mà ngó xuống? Cửa sổ làm gì có mắt mà nhìn ra? Nước trong bể làm gì có mắt mà nhìn lên? Quê hương làm gì có màn mà vây lấy? Nhưng chính ở cái chỗ khác người ấy mà có văn: nó tạo hình, và người ta gọi những mái nhà ngó xuống, cửa sổ nhìn ra, nước trong bể nhìn lên... là những hình ảnh siêu thực, hoặc huyền ảo (fantastique).
Không những Mai Thảo đã "bóp méo" ngôn ngữ mà ông còn thêm những chiều kích khác cho câu văn: chiều kích không gian và thời gian, bởi vì, những "ngó xuống, nhìn ra, nhìn lên, vây lấy" ấy đã làm cho cái tôi (Mai Thảo) trong căn nhà vùng nước mặn không chỉ là một cậu bé, mà còn là cậu bé lớn dần theo thời gian, và cậu ta đang được nhìn từ nhiều phía, từ mái nhà, từ cửa sổ, từ lòng bể. Tóm lại, cậu bé này là trung tâm của vũ trụ. Cách nhìn một đối tượng như trung tâm của vũ trụ này, Mai Thảo còn thể hiện với nhiều đối tượng khác, khi ông vẽ chân dung, như với Luân, với sông Hồng, với Cửu-long, với Hà Nội...
Trong câu văn thứ nhì: "Lửa Hà Nội nhìn xa như thế, mê đắm nghìn lần hơn khi Hà Nội nhìn gần. Trời cứ tối đặc ở ba phương. Riêng lửa một phương Hà Nội sáng." Mai Thảo bóp méo cả ý tưởng lẫn cú pháp. Đúng cú pháp thì phải viết như thế này: "Nhìn xa thì Hà Nội ánh lửa lên như thế, nhưng khi nhìn gần thì...". Nhưng ông đã đảo câu, đảo chữ, để viết: "mê đắm nghìn lần hơn khi Hà Nội nhìn gần", và ông đã bỏ hết liên từ, thay vì viết: "riêng chỉ có một phương Hà Nội là sáng", ông viết: "riêng một phương Hà Nội sáng".
Sự vi phạm cú pháp nơi Mai Thảo tất nhiên là có dụng ý, cố tình viết ngược, làm câu khác thường, nhưng đối với những người có dịp gần ông, và nếu để ý, thì thấy khi ông nói chuyện, nhiều khi cũng có những câu "khác thường" như thế. Vậy đây còn là một thứ ngôn ngữ bẩm sinh nữa. Điều đó giải thích, tại sao Mai Thảo có thể viết nhiều, viết nhanh như thế.
Sự vi phạm cú pháp này đã tạo ra một thứ biền ngẫu mới, mà nhịp điệu và tư tưởng không còn ở trong quy pháp biền ngẫu cổ điển:
"Lửa Hà Nội nhìn xa như thế, mê đắm nghìn lần hơn khi Hà Nội nhìn gần.
Trời cứ tối đặc ở ba phương. Riêng lửa một phương Hà Nội sáng."
Vẫn vế đối vế, từ đối từ: xa đối gần, tối đối sáng.
Nhưng trong biền ngẫu mới có thêm yếu tố huyền ảo, vắng mặt trong thơ cổ điển và thơ mới:
Áng đào kiểm đâm bông não chúng
Khóe thu ba gợn sóng khuynh thành (Nguyễn Gia Thiều)
Người giai nhân: bến đợi dưới cây già
Tình du khách: thuyền qua không buộc chặt. (Xuân Diệu)
Ôn Như Hầu và Xuân Diệu đối chiếu những yếu tố hiện thực với nhau: áng đào kiểm đối với khóe thu ba; người giai nhân đối với tình du khách. Nhưng Mai Thảo tạo sự đối xứng giữa những yếu tố ảo, huyền ảo: Lửa Hà Nội xa - lửa Hà Nội gần; ba phương trời tối đặc - một phương Hà Nội sáng. Là ảo, ảo cả, bởi làm gì có "lửa Hà Nội", Hà Nội cháy bao giờ? Vậy lửa Hà Nội trong Mai Thảo chính là ngọn lửa tâm, nói theo tiếng Phật. Sau này Bachelard coi đó là ngọn lửa nguyên thủy của đời sống: lửa tình.
Và ngọn lửa tình này đã nung nấu Mai Thảo trong suốt hành trình sống và sáng tác. Lửa đó ta không nhìn thấy, bởi nó vô hình, nhưng vô cùng hiện hữu, nó có thật, nó đã cháy và còn đang cháy, cháy trong người, cháy trong lòng người. Còn người sống là còn có lửa. Ngọn lửa ấy đã trong Mai Thảo, đã hiện lên ánh mắt, nằm trong cử chỉ, trong tình bạn, tình đời Mai Thảo, nó luồn vào chữ nghĩa Mai Thảo, ở những trang đạt nhất, văn ông bao giờ cũng có lửa. Lửa cháy trong Mai Thảo suốt đời. Trọn vẹn. Cho tới khi mất.
Cho nên khi không có lửa mà phải viết, Mai Thảo cứ viết, viết dở, viết vội những dòng văn kỹ thuật, không hay. Người ghét Mai Thảo chép lại những câu văn không hay của ông để chê là màu mè, lập dị. Nhưng kỳ quái hơn, phần lớn những người ca tụng Mai Thảo, cũng thường trích những câu văn kỹ thuật của ông để khen hay và những người bắt chước lối viết của Mai Thảo cũng chỉ bắt chước được những câu văn kỹ thuật. Vì không mấy ai có lửa trong lòng bút như Mai Thảo. Không phải nhà văn, nhà thơ nào cũng có lửa. Mà cũng không phải lúc nào con người cũng có lửa. Có lửa mà bất tài, lửa sẽ leo lét, thóp thoi, phụt tắt. Lửa mà không nhân hậu là lửa phũ phàng tàn bạo của căm hờn. Chỉ khi có lửa, lửa nhân, mà biết biến lửa ảo thành thực, biến lửa thực thành ảo, mới có thơ, có nghệ thuật.
Văn Mai Thảo, ở những đoạn hay nhất, luôn luôn là sự biến ảo: từ một hình thái đã chết trong quá khứ, ông truyền lửa cho sống lại, thành một bản nhạc, một bức họa ấn tượng hay siêu thực. Chính ở khả năng biến hoá này, Mai Thảo đã khắc tạc nên những chân dung nghệ thuật và gây sửng sốt cho độc giả.
Triết lý nhị nguyên
Những truyện hay của Mai Thảo phần lớn đều dựa trên sự đối đầu giữa hai cực, giữa hai nguyên lý sâu xa của đời sống, đối cực nhưng đan cài nhau, quần thảo nhau, giao hoà nhau, xây dựng và tận diệt nhau, như âm với dương, như sống với chết, như tự do với ràng buộc, như tình yêu và tan vỡ, như đỉnh cao và hư vô.
Chính cái triết lý nhị nguyên về đời sống đã dẫn đến thi pháp biền ngẫu mới hay chính cái thi pháp biền ngẫu mới này dẫn đến triết lý nhị nguyên, trong tác phẩm Mai Thảo?
Bởi sự đối xứng trong thi pháp biền ngẫu và sự đối đầu trong triết lý nhị nguyên có thể tìm thấy trong toàn bộ cấu trúc nghệ thuật của Mai Thảo, từ việc đặt tên các truyện ngắn như Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời, đã có sự đối chiếu giữa chúc thư và đỉnh trời, giữa đỉnh cao và vực sâu; đến Ngọn hải đăng mù đối chiếu: hải đăng và mù; rồi trong nội dung, cho trực diện cái sống với cái chết. Hoặc sự đối chiếu hai bản sắc trong cùng một con người: như tội ác và nhân bản trong nhân vật Phương Bến Xanh (truyện Chiều cuối năm). Hoặc đối chiếu hai hành động: Vượt biển và trở về trong truyện Tiếng gọi (tập Ngọn hải đăng mù). Hoặc kháng chiến và về thành trong Luân; hạnh phúc và đe dọa trong Bầy thỏ ngày sinh nhật; người đẹp và định mệnh trong Những bức hình của chị Thời; hạnh phúc và tự do trong Cửa sau; tình yêu và tan vỡ trong toàn bộ tiểu thuyết Mai Thảo, v.v...
Mai Thảo là người có địa bàn viết rộng nhất trong các nhà văn cùng thời. Một bút pháp đa chiều, đầy mãnh lực của nhà hùng văn nhưng cũng có thể rủ xuống mềm như cánh liễu theo dáng đi vũ nữ. Ông có thể ở trong một cậu bé, lớn dần lên trong thể xác và tâm hồn nó để trở thành một thanh niên cường tráng, sống trác táng trong các vũ trường và lịm dần trong sa đọa, biến thành ông già răn reo như xác chết. Mai Thảo thoải mái trong tất cả các vai: từ vũ nữ, tướng cướp, đứa bé,... đến chiếc xe vận tải 405, dòng sông, căn nhà... bởi tất cả đều đã là... Mai Thảo.
Triết học hiện sinh thấm trong ông, trở thành nền tảng tư tưởng và bút pháp: để khảo sát con người, nhà văn phải đột nhập vào thể xác và tâm hồn của kẻ mình viết; nhà văn chính là nhân vật mà mình dựng nên. Sự tìm hiểu chính mình, sự nhận thức chính mình trong chiều sâu của triết học hiện sinh đã ở trong Mai Thảo.
Mối tương quan giữa Mai Thảo và người khác, vật khác, nhờ tâm thức hiện sinh, trở thành mối tương quan đồng nhất: Ông thấy người khác như đã thấy mình. Ông đi từ chính mình để viết về người. Mai Thảo khác người vì ông có ống kính hai chiều: ông chiếu về người bằng mình và chiếu về mình bằng người, đặc biệt trong truyện ngắn Cửa sau, viết về người đàn bà muốn sống tự do không ràng buộc: người đàn bà ấy là chính ông, con người tự do. Đứa bé đi thuyền trên Sông Hồng vừa là đứa bé, vừa là Mai Thảo. Cậu bé (hay chàng thanh niên) trở về căn nhà vùng nước mặn cũng là Mai Thảo. Vẫn chàng thanh niên ấy trong đêm giã từ Hà-nội. Và vẫn người ấy trong chuyến vượt biên đến Poulo. Vẫn người ấy lang thang trên đất Mỹ. Vẫn người ấy trong Kiều Chinh, nữ diễn viên điện ảnh số một, khi rời quê hương trắng tay trắng nghiệp, phải đi lại từ đầu nhưng không hề khuất phục số mệnh... Tất cả là Mai Thảo: Kiều Chinh cũng là Mai Thảo. Là Mai Thảo trong những hoàn cảnh khác nhau, trong những địa chỉ khác nhau, trong những hành động khác nhau. Nhưng nếu chỉ đem mình ra mà viết như vậy, thì có gì đáng nói? Cái đáng nói là Mai Thảo đã nhìn thấy mối tương quan giữa cái tôi(nhân vật chính cũng là mình) đối với các nhân vật khác, người khác: một mối tương quan chằng chịt như những đường máu trong cơ thể
Kiến trúc phi không gian thời gian
Thi pháp Mai Thảo dựa trên hai kiến trúc: không gian và thời gian, như trên đã nói: chiến thời.
Nhưng đồng thời ông cũng huỷ diệt ngay tức khắc cả không lẫn thời để đưa đối tượng mô tả vào khoảng vô định: phi không gian thời gian. Hay phi thời.
Kiến trúc không gian được thể hiện qua những ống kính, những chiều nhìn khác nhau về đối tượng (cậu bé) mà chúng ta đã phân tích ở trên.
Kiến trúc thời gian (trong Căn nhà vùng nước mặn) nằm trong chữ sẽ, một thì tương lai, rất Tây:
"Tôi sẽ về, về thẳng một mạch. Như con chim..."
"Tôi sẽ về thẳng căn nhà cũ của tôi. Những đoạn đường cuối cùng không có bạn hữu..."
"Tôi sẽ về nhà tôi, một mình..."
Sẽ thể hiện việc chưa xẩy ra: chưa về nhưng đồng thời còn đưa ra những tín hiệu khác: Rằng những gì xẩy ra sau đó, chỉ là tưởng tượng. Rằng hiện thực "trở về nhà" nằm trong không gian ảo và thời gian chưa xác định. Rằng chân dung căn nhà vùng nước mặn (vì chưa về thì chưa thấy) đã bước ra ngoài không gian và thời gian, nó không chịu sự huỷ diệt của thời gian nữa, bởi vì không ai diệt được cái gì chưa đến. Rằng tất cả ngần ấy thứ nằm trong một chữ sẽ. Nhưng ngoài sẽ, còn có những khả năng khác như đã và có thể:
"Tôi đã về nhà tôi, tôi đã về nhà tôi. Tôi có thể im lặng nghẹn ngào cảm động đến không nói thành tiếng. Tôi có thể đứng chôn chân xuống đất. Nhưng tôi cũng có thể hò hét toáng lên. Im lặng nghẹn ngào hay hò hét nhảy múa thì cái nhà cũng vẫn nghe thấy tôi, trông thấy tôi. Nó ý thức được sự có mặt của tôi. (...) Căn nhà thức giấc. Nó trở mình. Nó mở tất cả những con mắt của nó, tất cả những vành tai của nó. Nó đã sống dậy với người. Người đốt lửa cho căn nhà sáng lên. Những căn buồng chìm khuất trong bóng tối phút chốc hiển hiện. Tâm hồn tôi cháy sáng bằng ánh sáng của chúng nó. Chúng nó cũng vậy. Người về như mặt trời. (...)
Việc làm thứ nhất: tôi sẽ đến rửa mặt ở cái bể rêu cuối sân lối đi ra vườn sau. Bao nhiêu trận mưa trời rơi xuống ở đây, từ mái ngói chẩy qua lòng màng (...)
... Người vú nuôi tôi đã chết" (Căn nhà vùng nước mặn, An Tiêm, 1966, trang 11, 12, 13, 14)
Trong Chuyến tàu trên sông Hồng, không có sẽ, nhưng cả ba: sẽ, đã, có thể, họp lại trong cụm từ "hình dung thấy":
 "Hình dung thấy một cái bến tỉnh lẻ...
"Hình dung thấy một con tàu nằm sát kề mặt bến...
"Hình dung thấy đứa nhỏ ngồi đó và nó nghĩ...
"Hình dung thấy chuyến đi đó, trên con tàu, trên Hồng hà... dẫn đưa vào thiên đường cũ" (Chuyến tàu trên sông Hồng, Tuổi Ngọc, 1969, trang 17-18).
Sẽ, đã và có thể, ở đây tập trung thành hình dung thấy, ngoài dụng ý phi thời gian không gian, nghiã là chuyến đi trên sông Hồng có thểchưa xẩy ra, ba thì quá khứ hiện tại và tương lai giao nhau còn ngụ ý xác định giả tưởng sáng tạo: có thể tôi đã làm thế này, nhưng cũng có thể tôi đã làm khác, tất cả tùy thuộc vào ngòi bút của tôi lúc bấy giờ; đồng thời, tạo ra một bối cảnh nghệ thuật mới: sự trở về căn nhà vùng nước mặn (và cả chuyến đi trên sông Hồng) không còn ở trong hiện thực nữa mà đã là mộng, đã ở trong những cơn mơ, chúng trở thành hiện thực của tưởng tượng và đó là mục đích chính của sáng tạo: biến ảnh thực thành ảnh ảo. Mỗi khi có suy nghĩ, có mơ mộng là lại có trở về căn nhà vùng nước mặn, và mỗi lần như thế sự thể lại khác đi, khi thì "tôi" đứng chôn chân xuống đất, khi thì "tôi" nhảy toáng lên... những diễn biến ở đây đã ảo, chúng không còn là những thứ người thật việc thật trong một thứ hiện thực thô thiển, mà chúng đã trở thành những phiêu lưu xẩy ra trong óc nhà văn, có thể biến hoá không cùng, lại có thể đến và đi bất cứ lúc nào trong cuộc sống: ký ức trong tác phẩm của Mai Thảo đã thoát khỏi sự giám định của thời gian và không gian.
Ngoài ra những câu như:
- "Mái nhà ngó xuống, cửa sổ nhìn ra, nước trong lòng bể nhìn lên, quê hương vây lấy tôi" ngoài lối giải thích cổ điển Mai Thảo đã "nhân cách hoá" mái nhà, nó còn cho thấy cách bố trí điện ảnh của Mai Thảo: ống kính nhìn "tôi" từ nhiều phiá: kèo cột, rường mối, cùng nhìn "tôi" và cùng hoà giọng với chiếc cầu thang: "Chú đã về đấy hả?". Rồi cậu bé trèo lên cầu thang dưới đôi mắt lo âu của người vú đã chết từ kỷ niệm bước ra, và như thế cậu bé đã lùi lại thành đứa trẻ mới chập chững biết đi: Thời gian lùi lại trong đôi mắt của người vú đến từ cõi khác. Đoạn văn trên còn dẫn đến nhận thức: dù "tôi" có làm cử chỉ gì đi chăng nữa thì cái nhà cũng nhận ra tôi: nhận ra cậu chủ con, cậu chef, sự nhận ra ấy rất tự nhiên, bởi nó nằm trong tiềm thức nhà: Cậu nhỏ đã là trung tâm của vũ trụ.
Nhưng không chỉ một mình cậu nhỏ được nhìn như vậy, mà những thực thể khác cũng có cái hân hạnh ấy. Ví dụ:
Cửu Long:
- "Cửu Long đang bát ngát dâng lên, Long Xuyên đổ về, Châu Đốc đổ về. Miền xa về họp chợ đi toàn bằng những bước đi của Cửu Long "(Một chiều qua Cửu Long).
Phương Bến Xanh, tướng cướp khét tiếng vùng châu thổ:
- "Như một vang động hãi hùng, một lưu truyền thần thoại. Từ Hồng Hà đổ sang và từ sông Đáy đổ xuống" (Chiều cuối năm).
Con đường viễn chinh của người lính Albert, theo đúng theo con đường Nam tiến của dân tộc ta:
"Nổi chìm ở nơi một ngã rẽ. Thăng trầm đi theo từng dấu chân. Người Tây già lưu động và tha phương sống, nếu chỉ nói riêng ở cái khía cạnh hình thức của chiều hướng, di chuyển đã đi thật đúng con đường dân tộc ta xưa. Từ Bắc tới Nam. Từ rừng xuống biển. Lửa Lạc Việt tiền sử dựng nước le lói khởi dấy từ một điểm xuất phát phía bên kia những ngọn núi bây giờ là địa đầu biên thùy Hoa Việt. Lửa đi theo Hồng Hà. Lửa tiến cùng mặt trời. Ngọn lửa cá nhân soi đường cho thân thế trôi dạt của Albert cũng vậy. Từ Đồng Đăng, Tuyên Quang, lửa xuống. Từ Sơn Tây, Hà Nội, lửa về. Lửa vượt Non-nước của Ninh Bình, Hàm Rồng của Thanh Hóa, leo qua Hải Vân, đổ dốc Đồng Giao, qua những biển lúa phẳng, qua những rừng dừa nghiêng, để ngừng lại ở đây, trong căn nhà bên suối". (Căn nhà bên bờ suối, trong tập Người thầy học cũ, Văn Uyển 1968).
Những đổ xuống, đổ về, ngược lên, xuôi chiều... đã trở thành một cấu trúc nghệ thuật trung tâm vũ trụ mà Mai Thảo dùng để nhìn các đối tượng của mình.
Tính cách trung tâm vũ trụ này chính là ý niệm thủ lãnh trong vô thức Mai Thảo.
Ý niệm thủ lãnh
Kiêu hãnh. Tự coi mình là trung tâm vũ trụ: Ta thấy hình ta những miếu đền.
Sự kiêu hãnh này phát xuất từ đầu, từ câu đầu, trong truyện ngắn đầu tay:
Phượng nhìn xuống vực thẩm.
Hà Nội ở dưới ấy
Từ Hà Nội, Mai Thảo ném ra cái nhìn ngạo mạn đầu tiên: Hà Nội ở dưới chân ta.
Rồi sẽ có: Hồng Kông ở dưới chân.
Mà ta là ai?
- Là Phượng, là Mai Thảo, là cậu chủ nhỏ của căn nhà vùng nước mặn.
Ý niệm lãnh tụ đến từ bao giờ? Từ khi viết văn chăng? Chắc chắn sớm hơn, từ khi ra đời Mai Thảo đã là cậu, cậu con nhà giàu. Bé tý trong nôi đã là cậu chủ nhỏ đối với người vú. Lớn hơn chút nữa, dạn đòn, đi hoang bờ bụi. Khi đi học, trở thành lãnh tụ đám lỏi trường làng. Mai Thảo sống trọn vẹn vai trò lãnh tụ của mình từ thuở nhỏ, và đến khi cầm bút, ký ức tuổi thơ sống lại, ký ức lãnh tụ tuôn ra. Mai Thảo là một thứ lãnh tụ "bẩm sinh". Ký ức lãnh tụ hiện rõ trên chữ nghiã: "Người về như mặt trời". Mặt trời ấy là một đứa con nít, nó đem ánh sáng lại cho căn nhà vùng nước mặn: có chủ về là căn nhà sáng lên. Là mọi sự sống lại.
Ý thức lãnh tụ ở Mai Thảo mang ý nghĩa souverain của Jean Jacques Rousseau: lãnh tụ là tập hợp những ý nguyện của toàn dân trong mối tương quan đầu, mình, chân, tay, bình đẳng và thân ái. Trước Rousseau, đã có Khổng Tử trong Luận ngữ (quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử) và Platon trong République. Rồi trước Khổng Tử hơn nghìn năm, kinh Veda của Ấn Độ đã quan niệm vũ trụ như một con người mà sự tồn tại dựa trên mối tương quan bình đẳng và nhân ái giữa bốn đẳng cấp: hiền nhân (brahman), chính nhân (kshatriya hay rajpute), nghệ nhân (vaishya) và hầu nhân (shudra), tất cả là một toàn khối như đầu, mình, chân, tay.
Sau này Lévy-Strauss chứng minh lại một lần nữa, cái ý thức lãnh tụ ấy trong cấu trúc của các bộ lạc nguyên thủy ở vùng Amazone: mỗi nhóm giữ đúng vai trò của mình trong bộ lạc. Người thủ lãnh biết sống chết, biết chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, lo thức ăn, thức uống cho toàn thể bộ lạc.
Mai Thảo chính là thứ nguyên thủ đó đối với "bộ lạc" di cư và di tản của dân tộc ông. Cho nên ông được mọi người mến yêu và tha thứ. Những văn hữu già sống với Mai Thảo bằng trung thành tình bạn đã trải. Những người viết trẻ bu lấy Mai Thảo như một niềm tin, một cột vịn. Ai cũng có thể thấy mình thân với Mai Thảo. Và khi Mai Thảo mất, những dòng ký ức chân thật nhất với Mai Thảo có thể đến từ những con người không mấy khi chân thật. Nhưng cũng không ít người, dù rất gần Mai Thảo, vẫn cảm thấy một khoảng cách giữa mình với Mai Thảo. Và cái khoảng cách ấy cũng lại có thật. Mai Thảo tạo được một triều đình, một thần dân, và cả sự xa cách.
Nguyên thủ là đầu tầu, đồng thời cũng là tổ hợp ý nguyện chung của bầy đàn mà hắn là nguyên thủ. Tương quan của nguyên thủ với mọi người là tương quan đồng nhất, như đầu mình chân tay, như máu chảy ruột mềm. Vị nguyên thủ có thể có trí khôn hơn, có thể có sức mạnh hơn, nhưng tất cả những thứ "hơn" ấy, hắn không dùng để phục vụ độc quyền lãnh đạo, không dùng để đàn áp đồng bào, mà để che chở vàthông cảm với đồng bào hắn, vì thế người ta coi hắn là nguyên thủ và hắn trở thành nguyên thủ. Hắn chính là "khối nguyện vọng chung" của quần thể mà hắn làm lãnh tụ, hắn thở không khí mà đồng bào hắn thở, nhưng hắn thính hơn đồng bào hắn: khi đồng bào hắn rét, hắn rét hơn. Khi đồng bào hắn đói, hắn đói hơn. Khi đồng bào hắn bất hạnh, hắn bất hạnh hơn. Khi đồng bào hắn sung sướng, hắn sung sướng hơn. Và nhìn theo chiều hướng ấy: nguyên thủ J.J. Rousseau tương đương với nhà văn dấn thân J.P. Sartre: nhà văn bắt buộc phải dấn thân, hắn chính là lương âm của thời đại, của dân tộc hắn, hắn phải gánh chịu những hậu quả của ngòi bút, hắn phải có trách nhiệm ngòi bút và trách nhiệm ngòi bút chính là trách nhiệm với đồng loại. Trong ý nghiã đó, nhà văn đích thực là một thứ nguyên thủ tinh thần.  
Ý thức nguyên thủ này là linh hồn ngòi bút Mai Thảo.
Và ngòi bút ấy chuyên chở một nghệ thuật độc đáo: nghệ thuật chân dung.
Nghệ thuật chân dung
Tinh thần lãnh tụ có trong Mai Thảo từ thuở thiếu thời:
"Ngày bé, tôi nổi tiếng nghịch ngợm nhất nhà. Sáng vừa trở dậy, thoáng đã lẻn đi. Phơi nắng. Lang thang ngoài đồng, trong bờ trong bụi. Đi quên bữa ăn, đi lạc đường về. Bị đánh, bị mắng thế nào vẫn chứng nào tật ấy.
Những cuộc đi hoang trong thời thơ ấu ấy bao giờ cũng có thêm Tuyền. Lần nào, tôi vừa mắt trước mắt sau lẻn ra khỏi nhà, quay lại là y như rằng đã thấy nó bụ bẫm chạy theo sau. Nhiều lần tôi quắc mắt làm dữ, đuổi: "về ". Nó đứng lại, mắt đã rưng rưng chực khóc. Tôi đuổi quá, nó liều lĩnh doạ: "không cho em đi, về mách mẹ cho mà xem". Thế là tôi lại đành cho nó đi theo. Tuyền thích được nhập vào những cuộc phiêu lưu tuổi thơ như thế. Nhưng thích mà vẫn sợ. Nó sợ đủ thứ. Sợ lạc đường. Sợ về nhà phải đòn. Sợ rắn rết dưới hố sâu. Sợ cọc nhọn, gai ngầm trong bụi. Một tiếng động lạ tai trong cỏ, một con thằn lằn từ cành rớt xuống, là đủ để cho nó, đang vui thích chạy theo tôi, đứng sững lại, mắt mở đến đứt kẽ, mặt mũi tái nhợt. Tôi vò đầu giậm chân, mắng: "Giời ơi! Sợ thế mà cừ đòi đi!" Nó hoàn hồn, nhoẻn miệng cười: "Sợ nhưng mà thích". (Bước đi một bước, trong tập Dòng sông rực rỡ, Văn Uyển, 1968)
Hai chân dung trong một đứa bé: thằng anh và con em đều to gan như nhau, đều có khả năng "cầm quyền". Tuyền, đứa em gái liều lĩnh từ bé, lớn lên phản kháng, chống lại cuộc hôn nhân do cha mẹ sắp đặt, chọn thoát ly gia đình. Tuyền và người bác điên trên sườn Tam Đảo, là những chân dung âu yếm và đớn đau nhất mà Mai Thảo rút ra từ ký ức gia đình, tự nhiên, dễ dàng tưởng như có thể thò tay vào túi lấy ra được. Cái giây phút xuất thần ở người bác điên, khi thấy lâm nguy, đã bỏ điên, tỉnh lại, liều mình cứu mẹ, em và cháu thoát nạn. Cái linh thần của người bác điên, xuất hiện một lần trên đỉnh Tam Đảo, sống lại trong những đứa nhỏ: con Tuyền lẫm chẫm mà đã thích đi hoang với anh, thằng nhỏ Trong rạp chiếu bóng, dẫn bà nó đi xem xinê và đọc phụ đề tiếng Việt cho bà nhanh như gió, thằng Tám Cục Đất can trường, đánh lộn chấp tai tay, để bảo vệ danh dự mẹ. Thằng nhỏ trên Chuyến tàu trên sông Hồng, bé tý đã bước vào thế giới tưởng tượng của nhà văn... những đứa bé đó có một quyết định, một vượt thoát, không chỉ cho cuộc đời nó, mà cho cả những người chung quanh. Nó chuyên chở tâm hồn lãnh tụ, hơn bất cứ người lớn nào trên trái đất. Những đứa nhỏ đó đã là những lãnh tụ trong địa hạt thương yêu, bất khuất. Mai Thảo không những đã đối xử với những nhân vật bé nhỏ của mình một cách bình đẳng mà còn đầy kính phục và âu yếm. Ở đây không phải một người lớn viết về một đứa con nít, mà là sự nhập thân đầy âu yếm của một người trong một người khác. Quan hệ giữa Mai Thảo và đứa trẻ là quan hệ xuyên thâm bình đẳng giữa hai thực thể, hai con người.
Những chân dung phụ nữ của Mai Thảo đều có những nét cao ngạo và bi đát của chính tác giả: Trước hết là chân dung Luân, người con gái có cái tên rất con trai. Ngôn ngữ hàng ngày luôn luôn phân biệt phái tính, và con người được phân biệt rõ gái trai ngay từ cái tên cha mẹ đặt. Xoá bỏ thành trì ngôn ngữ thông thường, Mai Thảo đặt cho tên người con gái ấy là Luân, một cái tên rất con trai. Luân là một tâm hồn trinh bạch. Luân cư xử như một thiên thần. Luân đến với ba chàng trai mới lớn cùng một lúc, Luân cho họ đồng đều: tình yêu, tình bằng hữu, tình người: Luân là thứ tình yêu tuyệt đối, càng cho càng đầy. Luân là tình yêu lý tưởng đã đạt tới tự do: yêu chia sẻ, yêu không giới tuyến, tình yêu vượt trên sự chiếm hữu. Luân giữ điạ vị độc nhất trong tác phẩm của Mai Thảo, Luân chính là Mai Thảo thời còn tin tưởng, thời xây dựng tự do, thời mới di cư, sau 1954.
Những người đàn bà khác trong tác phẩm của Mai Thảo luôn luôn có vị trí bình đẳng và cao sang: từ cô gái điếm, cô gái nhảy, đến cô lái đò, đến người phụ nữ kháng chiến, tất cả đều có những nét kiêu kỳ, phóng túng và tự do như thế. Nhưng ở thời đoạn sau, Mai Thảo đã chán chường hơn, đã thất bại hơn, đã mất dần niềm tin. Sự hồ nghi dần dần chiếm lãnh, đưa ông đến chỗ đối chất giữa tự do và hạnh phúc, giữa tình yêu và hạnh phúc. Những người phụ nữ dầy dạn gió sương, chán chường và sa đoạ này chính là hiện thân của con người trong thời đoạn mất niềm tin của cuộc chiến thứ nhì và lần di tản thứ nhì. Họ cũng chính là Mai Thảo.
Đối với sự vật, Mai Thảo cũng coi là bạn đồng hành, đồng hoá với con người, cùng có một địa vị, một trách nhiệm như con người: từ căn nhà vùng nước mặn đến chiếc xe hàng cũ, từ những vì sao thứ nhất đến sông Hồng, sông Cửu. Vẫn trong vị trí thương yêu và bình đẳng: Căn nhà vùng nước mặn đã che chở đã nuôi nấng tuổi thơ và theo sát tác giả trong suốt hành trình sống và hành trình sáng tác, nó không còn chỉ là căn nhà nữa mà nó đã là mẹ, nó đã là nguồn sống, nguồn sáng tác. Những vì sao thứ nhất chính là nguồn cội của thi ca, mà Diệu trong đó không ai khác hơn là Xuân Diệu, thần tượng của Mai Thảo. Phải nghe Mai Thảo, mỗi lần ngà say, lại đọc "Phất phơ hồn của bông hường, nghe hơi sương đọng còn vương máu hồng", mới hiểu được hồn thơ Xuân Diệu đã ngấm vào người con trai mới lớn ấy như thế nào, trong một đêm sao; đã chao đảo cả một đời người về phiá nghệ thuật. Luân là chân chung của tình yêu, Diệu là chân dung của thi ca. Cả hai đều là khởi điểm tự do của Mai Thảo.
 Như vậy, Cửu-long không chỉ là một dòng sông, mà nó chở tất cả niềm tin và hy vọng của người di cư, hy vọng sống còn, hy vọng trù phú, cho những người tay trắng. Hà Nội không chỉ là một thành phố, mà là ngọn lửa, cháy không ngừng trong tâm thức Mai Thảo và những người đi, từ chữ đầu khai bút lúc mới di cư, đến những trang di tản, di chúc cuối. Bảo là bỏ Hà Nội, giận thì nói thế chứ có bỏ được đâu. Không chỉ Hà Nội, mà còn sông Hồng, còn vừng trăng thứ nhất, còn chiếc xe hàng cũ... tất cả đều đã là một phần Mai Thảo, là toàn diện Mai Thảo.
Chân dung trở thành đặc điểm trong sáng tạo của Mai Thảo.
Chân dung người lính viễn chinh:
"Địa ngục nuốt chửng Dắc vào một thế giới lông lá, ma quỷ. Dắc chỉ còn là một tên lính đánh thuê. Dắc không nhớ được nữa. Đó là một cuộc đi dài, rã rời, vật vờ, hết chiến trường này đến chiến trường khác, hết đồn bót này đến đồn bót khác, qua những vũng lội, những sình lầy, những hầm hố, những bãi hoang, những vòng đai trắng, những làng xóm hủy phá, những cánh đồng sa mạc, những ngọn suối độc, những cánh rừng thẩm, những thây người.(...)  Những cái bóng thấp thoáng, tiếng đại bác đinh tai nhức óc, những tiếng kêu thét rợn người và ngón tay Dắc bấm liên hồi vào cò súng, những tảng óc toé ra trắng như màu tuyết trên những đỉnh núi nơi quê hương thăm thẳm nghìn trùng, tiếng Dắc cười điên dại, hắn bắn xả vào những ám ảnh xưa, những hình hài cũ, nước mắt Dắc dòng dòng, đôi mắt Dắc như hai khối lửa đỏ khé, máu tưới đẫm lên đầu lên tóc lên tim lên hồn Dắc, những viên đạn đồng bóng loáng như bắn ngược trở lại đâm thủng bộ ngực lông lá của Dắc. Dắc không nhớ nữa. Hắn đứng trên một con tàu say, hắn sa vào một vùng gió lốc quay tít chóng mặt, hắn ngã xuống, hắn đứng dậy, hắn lại đi nữa, lại bắn nữa, lại uống rượu cho đến khi gục xuống, lại cười, lại khóc, lại đập phá tan tành, lại hò hét điên dại ở tất cả những quán rượu hắn đã dừng lại, đã bỏ đi, ngày tháng xô dạt, bay biến, đẩy Dắc ngã sấp xuống nữa, xuống mãi, cánh đầm lầy vô hình dâng lên, tới ngực, tới cổ, tới mũi, tới mắt, Dắc sặc sụa, Dắc la thét, điạ ngục úp chụp xuống Dắc, cái nắp ván thiên đóng sập lại, những tiếng vồ chát chúa vang lên kinh hoàng". (Tiếng cười trên ấy, trong tập Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời, Sáng Tạo, 1963, trang 66-67).
Người lính viễn chinh xuất hiện như một con quỷ, hắn bắn liên hồi, nhưng bắn ai? Hắn bắn vào quá khứ mình, bắn vào những ám ảnh cũ, những hình hài xưa, bắn vào cái tội ác mà một lần hắn lỡ gây ra, nó suốt đời theo đuổi hắn. Hắn bắn vào cái bi đát của đời hắn. Hắn muốn giết quá khứ nhưng không giết được, con quỷ nhập tràng quá khứ chết đi sống lại trong đầu, giết hắn lần mòn cho đến khi hắn chết. Cái bi đát của gã viễn chinh được trình bày như một ảo ảnh. Cái dã man của nghề chiến tranh thu gọn lại trong ống kính ác mộng của một kẻ mất trí. Cái chân dung khốn nạn của Dắc đã xả ra những viên đạn bắn vào tim chúng ta, phá vỡ những thành kiến có sẵn về lính viễn chinh, bởi họ cũng chỉ là lính, tức là người, với những khổ đau như muôn nghìn người khác. Sự căm thù giữa người và người không đưa lại một kết quả nào khả quan, ngoài tội ác. Ngược lại, sự tìm hiểu và cảm thông giữa người với người luôn luôn đưa ta tới những vùng trời khác, cho ta thoát khỏi cõi vô minh, ít nhất trong giây phút đắm mình trong tác phẩm. Và nhà văn có thể tạo được những giây phút đó trong lòng những kẻ sắt đá nhất.
Bên cạnh chân dung khốc liệt của Dắc, là chân dung dịu dàng đầy âu yếm của sông Hồng:
"Hình dung thấy chuyến đi đó, trên con tàu, trên Hồng-hà. Đêm trên sông lớn trải khắp bốn hướng mênh mông. Đứa nhỏ ríu mắt gục xuống cái mũ trắng trên đầu gối, thiếp đi. Bỗng nó bàng hoàng thức dậy. (...) Tiếng còi vang động một vùng làng xóm ngủ thiếp, lọt vào những cánh cổng đóng kín, lan tới những khoảng sân vắng, những cái bếp tro than nguội lạnh, những bờ ao kín đặc trong sương, tự lòng sông chuyển cả không gian mịt mùng, chuyển cả thời gian thăm thẳm, chuyển những vị sao lạc, những ánh trăng suông, cái điệp điệp trùng trùng của trường giang, cái mênh mông ngút mắt của bãi bờ, của cửa biển, của khơi xa, của núi rừng vào những làng xóm, làng xóm trùm kín lấy, và lắng đọng bồi hồi mãi mãi. Con tàu đi vào một khúc sông khác. Nhưng tiếng còi đêm còn lại, vĩnh viễn, với Hồng-hà. Đứa nhỏ nghe tiếng còi và tiếng còi bao nhiêu năm tháng sau này, còn ám ảnh thần trí nó, kết tinh thành cái âm thanh của tuổi nhỏ mất dần từ một đêm bỏ làng ra phường phố" (Trích Chuyến tàu trên sông Hồng, Tuổi Ngọc, 1969, trang 17-18).
Với chân dung sông Hồng, nhà văn chở ta vào thế giới của tưởng tượng. Chân dung sông Hồng bao trùm vũ trụ trẻ thơ, một thiên đường đã khuất: thời chưa chiến. Dắc là chân dung hoắc loạn của bạo lực chiến tranh. Hai bức chân dung để cạnh nhau, đối chọi như thiên thần vá ác quỷ. Đọc và so sánh chúng, ta sẽ thấy sự khốc liệt của chiến tranh, sự êm đềm của hòa bình, ta có dịp đối soi giữa tình yêu và tội ác. Người Việt sẽ thức dậy sau một giấc ngủ dài chỉ biết lấy căm hờn làm phương tiện duy nhất. Tác phẩm nghệ thuật đích thực luôn luôn dấn thân, dù không có một khẩu hiệu nào. 
Cho nên, nhũng chân dung khi Mai Thảo đã khắc tạc thành công và ném đi, nó sẽ bay lên và trở thành "những vì sao thứ nhất" như Luân, Tám Cục Đất, Diệu, Dắc, chị Thời, Phương Bến Xanh, người bác điên trên sườn Tam Đảo, Cửu Long, Hồng Hà, Sài Gòn, Hà Nội, Vũ Hoàng Chương, Vũ Khắc Khoan, Quách Thoại... Mỗi chân dung mở ra một kiên định của nhà văn hướng về một vấn đề: nói như Sartre, chúng là những viên đạn, bắn vào tâm thức chúng ta, những người còn sống hôm nay và sẽ sống ngày mai, mỗi lần đọc, ngắm những chân dung ấy, bắt buộc phải nhìn lại mình, nhìn lại cách đối xử của mình với Quách Thoại, với Vũ Hoàng Chương, với Cửu-long, Hồng Hà, mà xấu hổ, mà ăn năn, mà quyết không làm như thế nữa. Bởi Mai Thảo đã ở trong tất cả, đã là đầu, mình, chân, tay của tất cả những thứ ấy. Mai Thảo chính là lương tâm của tất cả. Những viên đạn chữ, ông đã bắn đi, từ tim mỗi chân dung, mỗi nhân vật, trúng vào hồng tâm lương tri con người.
Nhưng không phải lúc nào Mai Thảo cũng thành công trong việc vẽ chân dung. Tập Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời là một trong ba tập truyện ngắn hay nhất của Mai Thảo, cùng với Chuyến tàu trên sông Hồng và Ngọn hải đăng mù. Nhưng truyện nổi tiếng nhất Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời lại không thành công. Nhân vật chính là một chân dung giả tạo:
"Tổ tiên chàng thuở đó sống rải rác trong những làng mạc dựng trong hốc đá, những vũng biển khuất gió, mình mặc áo lông thú dầy, vũ khí là nỏ thuốc độc và đao ngắn, thờ thần mặt trời. Khi sương mù bắt đầu tan trên mặt biển, tất cả bộ lạc lại ào ạt kéo xuống những đoàn thuyền chiến buồm đen, mũi thuyền khắc nổi những hình thù kỳ quái. Đoàn thuyền rời bến bờ hoang dã trong tiếng ốc xuất quân rền rĩ, tiếng la thét mọi rợ, tiếng chèo vang mặt biển sớm đưa cả một đoàn người mà lẽ sống là chinh phục xuống những vùng trời có nắng, những đất đai trù phú ở phương Nam. Chàng bảo đời sống ngang tàng tổ tiên chàng thuở đó nằm trong những viễn trình, những chân trời xa khuất, những trùng dương mênh mông, những chiến trận không bao giờ chấm dứt, đời sống gắn liền vào đổi dời và vũ khí, kẻ chết muốn lên thiên đàng khi ngã xuống phải có gươm nỏ trong tay, những cuộc tàn sát khủng khiếp, những đêm liên hoan điên cuồng trên đống chiến lợi phẩm và thây xác kẻ thù. Cuộc sống đó không có phần chỗ cho đàn bà" (TríchBản chúc thư trên ngọn đỉnh trời, Sáng tạo 1963, trang 15-16).
 Nhân vật chắp vá, bối cảnh chắp vá: Chàng, với những chi tiết: "tổ tiên là một bộ lạc sống trong hốc đá, khi sương mù bắt đầu tan, kéo nhau xuống những đoàn thuyền chiến đen, trong tiếng ốc xuất quân rền rĩ, kẻ chết muốn lên thiên đàng khi ngã xuống phải có gươm nỏ trong tay..." như thể bước thẳng từ phim Les Vikings ra, có thể Mai Thảo vừa xem phim này về, ngẫu hứng viết truyện. Bởi thế, mà "chàng" không có cá tính rõ ràng: Á hay Âu? Tiếp đó hoàn cảnh xô đẩy đưa chàng nhập với bọn người thám hiểm ngọn đỉnh trời: đỉnh Everest, trên Hy Mã Lạp Sơn chăng? Lại một chắp vá nữa. Chàng cùng đồng bạn leo hết ngọn đỉnh trời và tới đỉnh, chàng ngã xuống vực.
Để trình bày luận đề đỉnh cao và hư vô: trên đỉnh trời không có gì hết, chỉ là hư vô, là cõi vực, Mai Thảo đã đưa ra những nhân vật gượng ép, cả chàng lẫn nàng đều không thực. Sự chắp vá Âu, Á, đỉnh cao và hư vô, này có lẽ đã làm thỏa mãn một số độc giả trí thức sính Tây thời đó, vì vậy truyện nổi tiếng ngay. Tất nhiên không chỉ ở chỗ chắp vá mà truyện mất hay, bởi vì trong truyện dài, nhiều khi Mai Thảo cũng đưa ra những hoàn cảnh "hoàn toàn bịa đặt", nhưng khi viết, ngòi bút ông có thể đạt tới những sự thật đau đớn về tình yêu, về con người, cho nên người đọc vẫn bị lôi cuốn, không "nghi ngờ" gì cả.
Nghệ thuật tiểu thuyết
Tiểu thuyết của Mai Thảo phần lớn xây dựng trên vũ trường, trên đổ vỡ, trên những cuộc sống về đêm của một Sài-gòn ăn chơi đàng điếm. Thường là những bức tranh đời ông qua nhiều khía cạnh: một nghệ sĩ tự do, không chấp nhận bị ràng buộc bởi bất cứ một yếu tố nào kể cả gia đình. Và như thế cô đơn và tự do trở thành một cặp uyên ương miên viễn. Tiểu thuyết Mai Thảo (cũng giống như trường hợp Bình Nguyên Lộc) viết vội để đăng báo hàng ngày, bán rất chạy, được tuổi trẻ miền Nam thời ấy gối đầu giường.
Tại sao có hiện tượng ấy? Bởi đó là một nghệ thuật bình dân. Bình dân như quan điểm nghệ thuật của Tự Lực văn đoàn thủa trước, nghiã là ở trong tầm tay của tất cả mọi người, trái với quan niệm nghệ thuật trí thức của Thanh Tâm Tuyền, Vũ Khắc Khoan, Dương Nghiễm Mậu.
Trước tiên hãy nói về "điều kiện" viết của Mai Thảo.
Ở thời điểm ăn khách nhất, mỗi ngày ông viết hai, ba feuilleton đăng báo, sau in thành truyện dài... Hỏi Trần Thanh Hiệp: có đúng là anh Mai Thảo viết mỗi ngày hai ba feuilleton đăng báo không anh? - Đúng, nó viết thế đấy! Lại hỏi: Thế đêm nào cũng đi nhảy, uống rượu đến khuya, còn làm chủ báo, còn viết tiểu luận, truyện ngắn, tuỳ bút... thì lấy thì giờ đâu? - Ừ nó vẫn có thì giờ!
Trên giá sách căn phòng Mai Thảo ở California không có lấy một cuốn của ông. Hỏi: Sao không có sách của anh? Anh không giữ tác phẩm của anh à? Anh có đọc lại những gì anh đã viết không? Trả lời: Không. Vả lại những gì tôi đã viết cũng thường thôi. Cầm bằng cho gió bay đi. Giữ làm gì thêm nặng.
Giữ làm gì. Tôi viết cũng thường thôi.
Mai Thảo không đọc lại thật. Ví dụ có một lỗi trong cuốn "Sau khi bão tới", nếu đọc lại chắc chắn ông đã sửa: tên người tình cũ (đã mất) của Dũng ở những trang đầu là Uyển; sau đó vài trang, người tình của Kính (bạn Dũng) cũng tên Uyển. Mấy trang sau, Uyển (của Dũng) trở thành Liên. Trừ lỗi này, toàn truyện không có một sơ hở kỹ thuật nào khác, các chi tiết dù nhỏ nhặt, ăn khít với nhau. Bố cục các truyện dài (qua chín mười quyển mà chúng tôi đã đọc) luôn luôn chặt chẽ, các dữ kiện gắn bó mật thiết, không có dấu vết nào của lối viết feuilleton, cẩu thả. 
1- Tiểu thuyết "Khi mùa mưa tới" mở đầu bằng những dòng:
"Phủ nhìn lên. Phiến trời nhỏ, thật xa, giữa những bờ tường xám, hồng dần. Trên những ô kính của cái chòi canh lục lăng cao vút, tia năng rực rỡ thứ nhất vừa ánh.
Đứng tựa lưng vào một thân cột lớn, hai tay đút túi quần, mơ màng, Phủ nghe thấy vọng lại từ những hành lang dài thẳm sau lưng những bước chân rộn rịp, những cửa sắt mở ra trong tiếng khoá lách tách, tiếng trục nghiến rít lanh lảnh, và chàng bỗng thấy thèm muốn được ngủ, được ném cái thân thể mỏi mệt, nhớp nhúa, hôi hám xuống bất cứ một thứ mặt phẳng trống trơn nào, vùi mái tóc rũ rượi vào bất cứ một khoảng trũng nhầy nhụa nào. Nhưng ngủ. Miễn là ngủ. Ngủ mê man và bằn bặt. Ngủ. Một ngày. Một tháng. Một đời. Một phút cũng được. Nhưng ngủ.
Trong niềm khao khát đến cực điểm muốn thét vỡ thành tiếng trong đầu, thoắt hiện lên như một riễu cợt chua chát, hình ảnh ấm cúng của một căn buồng mầu hồng nhạt. Những riềm cửa xanh mầu nước biển lất phất như những cánh bướm đêm. Ánh sáng chìm chìm lẩn lẩn. Mùi nước hoa phảng phất trên mặt đệm trắng muốt. Cái cánh tay trắng ngần sữa đọng của người đàn bà. Phủ lạc đến cái phòng ngủ ấy lần đầu. Như người đàn bà ấy, chàng cũng mới gặp lần đầu, ở Sài-gòn"(Khi mùa mưa tới, Thái Lai 1964, trang 7).
Một lối mở truyện rất lạ. Khó có thể hiểu làm sao tác giả có thể viết những dòng như thế này một mạch kiểu feuilleton, ngoài sự dụng bút của một thiên tài.
Đây là một đoản khúc có ba âm giai, với ba chiều ống kính:
Phần mở: Phủ nhìn lên... ống kính chiếu ngược lên trời.
Phần giữa: Đứng tựa lưng vào... ống kính chiếu vào tiềm thức.
Phần kết: Trong niềm khao khát... ống kính chiếu sâu thêm vào vô thức, để chuyển đoạn.
Ba âm giai và ba ống kính nối kết mật thiết với nhau trong cách hành ngôn và hành động của mộng tưởng, từ lúc Phủ ngẩng mặt nhìn trời: bức tranh ấn tượng và siêu thực giao thoa trong tia nắng thứ nhất, chiếu trên những ô kính của chiếc chòi canh lục lăng cao vút. Một sức hấp dẫn ma quái bắt đầu, vì cả chòi canh, bờ tường, lẫn tia nắng, không có gì chứng thực là hiện hữu.
Quay về mình, Phủ nghe những thanh âm vọng lên từ một tiềm thức xa xôi, mầu sắc đã biến đi nhường chỗ cho âm thanh: bản nhạc kinh dị trổi lên với tiếng những bước chân rộn rịp, tiếng khoá lách tách, tiếng trục nghiến rít lanh lảnh... hình hài nhớp nhúa, âm nhạc thôi miên Phủ đến một thèm muốn không cự lại được: ngủ. Ngủ như một sự chết, thoát, chìm nghỉm.
Trong giây phút cực điểm của thèm muốn đang vỡ bung, một hình ảnh nén sâu trong tiềm thức vung lên "căn buồng màu hồng nhạt với những riềm cửa xanh màu nước biển lất phất như những cánh bướm đêm". Lại một hình ảnh vừa thực vừa phi thực. Phủ thoát khỏi ám ảnh ngủ để bước vào một cơn mê mới: giấc mộng hồng. Giấc mộng đưa Phủ vào cuộc đời thực phũ phàng.
Mở truyện như vậy là một lối: Từ mộng vào thực của Mai Thảo
2- Truyện dài "Sau khi bão tới" bắt đầu bằng những hàng như thế này:
"... Người tài xế taxi nhổ mạnh ra ngoài xe một bãi nước miếng. Y ném theo vệt nước tung tóe một tiếng chửi thề cục cằn. Thò một nửa mái đầu bù rối ra ngoài khung kính, cặp mắt y nhíu lại những đường hằn bực bội nhăn nhúm. Cặp mắt ấy vừa theo dõi những đầu người nhấp nhô trước mặt, vừa ném chếch sang phía vỉa hè, lên cao, nơi có những tấm biển số nhà thấp thoáng dưới một hàng hiên dài. Những cửa tiệm còn mở cửa. Nhưng hàng hiên nhô rộng, đã che hết ánh sáng từ những ngọn điện đường chiếu xuống, và những con số lờ mờ trên những tấm biển nhỏ, không nhận được ra. Nhiều tấm biển số nhà hiện ra và mất hút. Sự nóng nẩy của người tài xế bực bội cũng gia tăng thêm. Y lại nhổ nước miếng và lại chửi thề nữa.
Cuối cùng chiếc taxi già cũ rú máy khét lẹt, dừng khựng lại. Người tài xế kéo mạnh tay số về điểm chết, quay lại hỏi dồn, như một nạt nộ:
- 234. Phải không?" (Sau khi bão tới, trang 7- 8).
Ở đây, Mai Thảo chiếu thẳng ống kính vào nhân vật phụ nhất là người tài xế taxi. Hắn không có nhiệm vụ gì hết, trừ nhiệm vụ mở đầu tác phẩm. Hắn mở phũ phàng, trần tục, thô lỗ. Và hắn đóng bằng cách quay số vể điểm chết, như một khai tử, nhưng đồng thời hắn cũng cho ta thấy cách xây dựng hiện thực của Mai Thảo, đúng hơn là cách Mai Thảo ném hiện thực phũ phàng về phiá người đọc, hệt như tay tài xế nhổ nước miếng và "y ném theo vệt nước tung toé một tiếng chửi thề cục cằn". Sự tục tằn không đến từ tiếng chửi thề (bởi tác giả không cho biết lời hắn chửi) mà đến từ hành động: "y ném theo vệt nước tung toé".Chính cái sự y ném... ấy, làm ta buồn nôn và đó là hiện thực Mai Thảo: dùng thủ thuật hình ảnh giống như trong thơ, nhưng phũ phàng, lỗ mãng như cuộc đời. Một thứ hiện thực gián tiếp đã được lọc qua một hình ảnh khác. Ông không chỉ quay hiện thực bằng caméra ngang như mọi người mà còn đảo tít các chiều khác nhau theo ánh mắt bực bội của người tài xế: chiếu vào những đầu người nhấp nhô, ném chếch sang vỉa hè, lên cao... rọi vào những hàng hiên nhô, những ngọn điện đường chiếu xuống..., những tấm biển số nhà... Mai Thảo thay đổi không ngừng cách nhìn hiện thực, ông tận dụng mọi chiều không gian, như đã nhìn Hà-nội, Cửu-long, sông Hồng, khiến cho cái màn tìm nhà của gã tài xế trở thành một hoạt cảnh sống động vừa tục tằn vừa sục sạo, khổ ải.
Sự hắc ám của người tài xế mở ra trang đầu, dối diện với khuôn mặt "lạc lõng, bỡ ngỡ, nai lạc bầy" của người con gái đi tìm anh, lần đầu tiên đến Sài-gòn, là một đối chất mới. Sự đối chất sáng tối này sẽ xẩy ra trong toàn diện tác phẩm.
Đó là lối mở truyện: đối chất biền ngẫu của Mai Thảo.
3- Truyện dài Mái tóc dĩ vãng, bắt đầu bằng những dòng như thế này:
"Tấm màn trong suốt bỗng vén mở từ từ. Như một dấu chân êm ái vừa nhẹ lướt khỏi tiềm thức, giấc ngủ dịu dàng chuyển mình. Tiếng trục quay rì rào. Tiếng trục quay rì rào trong đầu Quyền. Tấm màn trong suốt vẫn đều đặn vén lên, tới đâu đẩy mắt Quyền mở ra tới đó. Tiếng trục rì rào ngừng bặt. Và Quyền tỉnh dậy.
Chàng nằm im, nghe ngóng. Phút giây tỉnh thức ngắn ngủi tụ đọng nguyên vẹn trong bầu không khí chiêm bao mơ hồ lưu luyến, Quyền chưa nghe, chưa nhìn thấy gì, giấc ngủ còn là một trạng thái xanh biếc chưa đổi mầu, mặt đệm dưới lưng giam cầm trong khoảng trũng ấm áp lũ tay chân bất động trong dáng điệu cũ, gây cho Quyền cái cảm giác ngây ngất vừa dềnh lên từ một vực thẳm thơm ngát. Quyền đã thức, nhưng chàng còn nằm tròn trong cái cảm giác thơm ấy như trên một đài hoa lớn. Rồi những cánh hoa lả tả rụng xuống. Và, với sự hiện hữu của chung quanh, Quyền biết giấc ngủ đã bỏ đi, chàng không trở lại với nó được nữa. Mấy giờ? Quyền không đoán được. Tiếng đồng hồ thả giọt xuống một vùng bóng tối trên đầu, xếp đặt dần trong thần trí minh mẫn vị trí của căn phòng, khung cửa sổ mở rộng cắt thành một hình vuông trên một nền trời mực tầu ở rất xa bên ngoài, là khởi điểm quy định cho Quyền đoán thấy những đồ vật im lìm chung quanh". (Mái tóc dĩ vãng, Xuân Thu tái bản, trang 10).
Quyền đang ở trạng thái thức ngủ chập chờn: "Tấm màn trong suốt bỗng vén mở từ từ..." chỉ là tâm thức của Quyền đang chuyển mình từ trạng thái đóng sang mở. Tiếng trục quay rì rào vang trong đầu Quyền như tiếng sóng chiêm bao, và khi tiếng trục chấm dứt Quyền tỉnh. Trạng thái tỉnh kéo theo một tâm thức khác: sự định thần, và bây giờ chàng thấy giấc ngủ là một "trạng thái xanh biếc" và "lũ tay chân bất động" đang bị giam cầm trong khoảng trũng của mặt đệm ấm áp. Chàng đang nhập hồn, "lũ tay chân" ấy chưa phải là của chàng, "chúng" còn đang muốn tiếp tục hưởng những hơi ấm cuối cùng của chăn gối. Chính Quyền cũng chưa muốn bước ra khỏi vực thẳm thơm ngát của đài hoa mà chàng đang nằm. Nhưng tiếng đồng hồ vô tình đã "thả giọt xuống vùng bóng tối trên đầu chàng" làm cho bóng tối ấy tan đi và chàng dần dần tỉnh hẳn. Khó có một cuộc tỉnh ngủ nào nên thơ và lãng mạn như thế. Lối mở pha trộn mộng thực này gây liên tưởng đến cách viết của Marcel Proust, nhưng tuyệt đối vẫn là sản phẩm của Mai Thảo. Mai Thảo 1963. Với tiểu thuyết đầu tay, đã chinh phục độc giả qua lối viết mới lạ: với cảm xúc lãng mạn, Mai Thảo đi vào vùng tri giác của con người trong giây phút chập chờn giữa mộng và tỉnh: ở chính giây phút nửa ngủ nửa thức ấy, sự gì đã xẩy ra?
Đó là lối mở truyện đi tìm thời gian đã mất của Mai Thảo.
4- Truyện dài "Để tưởng nhớ mùi hương", giới thiệu nhân vật nữ chính như thế này:
"Người đàn bà chừng ba mươi tuổi. Có thể hơn một chút, ở cái nhìn còn trong suốt, đen láy, thăm thẳm, phảng phất như mầu đen nhìn thấy giữa lòng một đài hoa. Buổi chiều đi qua trên đầu nàng, trên mái tóc Trang, trên cuộc đời nàng, nàng ngồi đó một mình, trầm tư trong mơ màng, và nàng vừa gội đầu xong. Những sợi tóc lướt thướt toát ra mùi bồ kết thơm cay, được những ngón tay cong vút lùa vào, hất nhẹ, cho thả dài thành một dòng suối mun từ đỉnh đầu xuống gần sát mặt đất.
"Trang ngồi như thế, hơi cúi xuống, soi dung nhan nàng trên mặt nước giới hạn và trong vắt của cái bể non bộ. Đường mũi, vành môi, gò má, trũng mắt mờ mờ hiện. Đẹp. Trang biết nàng đẹp. Khuôn mặt phản chiếu lên từ đáy nước đã mất đi ánh hào quang rực rỡ của những xuân đời Trang đã bỏ lại, nhưng Trang biết nàng còn đẹp, một nhan sắc vô ích, một mình, lặng lẽ nó biết nó đẹp, nhưng không biết đẹp cho ai và dùng để làm gì. (...)
"Trang bất chợt dúng một ngón tay vào lòng nước, khoắng mạnh. Mặt nước tan tác. Phiến trời mất biến. Khuôn mặt Trang vỡ tan". (Để tưởng nhớ mùi hương, Nguyễn Đình Vượng, 1971, trang 14-15).
Một Trang trong khung cảnh tự lực trong nhậy cảm thạch lam. Một Trang, thừa tự của lạnh lùng, nhưng Khái Hưng đã đi qua, và Mai Thảo đến như một bắc cầu giữa quá khứ và hiện tại. Tất cả không khí khơi gợi lại thời tự lực: từ chiếc bể non bộ, đến mái tóc mun, mùi thơm bồ kết, quá khứ hiện lên trong từng màu sắc, từng mùi vị, nhưng Trang không còn là Nhung thời cũ trong vòng lễ giáo chưa ý thức được mình. Trang có ý thức, Trang nghe những xúc cảm chẩy trong cơ thể, nghe những rạo rực thôi thúc thân xác. Trang biết nàng đẹp. Một sắc đẹp vô ích. Trang biết mình đam mê. Một đam mê vô ích. Trang biết con người là một sinh vật đam mê vô ích. Như Sartre. Và Trang có thể bằng một cử chỉ khoắng tan những ảnh ảo của nhan sắc, của đời nàng. Trang đã giã từ thời điểm lạnh lùng Khái Hưng, nàng khai phá nỗi cô đơn hiện sinh Mai Thảo.
Đó là lối mở truyện tự lực thời hiện sinh.
Độc giả của Mai Thảo ở thời điểm ấy cũng là những kẻ đang bắc cầu giữa mộng và thực: một Nguyễn Tường Thiết mới lớn, muốn thoát khỏi ảnh hưởng người cha Nhất Linh, Tự Lực, mong xây dựng một đài hoa tân kỳ cho thế hệ trẻ của mình. Một Trần Vũ, gia đình thuần túy Hà thành, di cư vào Nam đem theo tất cả hành trang đau thương của thời kháng chiến, lớn lên và đọc Mai Thảo khi vừa bước vào tuổi vị thành niên. Một cô gái mới lớn nhìn thấy tất cả những rung động của mình trong chữ nghĩa Mai Thảo qua nhiều chiều ông kính, qua nụ hôn đầu, bất tận, xác định mình như một thực thể hiện hữu:
"Lửa và ánh sáng nghìn cũ làm sống trái đất ngu ngơ câm nín bây giờ là lửa và nụ hôn là ánh sáng làm sống lên, làm ngoi lên, làm nở ra Linh, từng cánh run rẩy, từng đài bỡ ngỡ, Linh nở lên thành hình hài mới, trước tấm gương mà Linh nhìn ngắm nàng bằng ôm ghì, bằng nhắm mắt, bằng nhận được tận cùng và đáp lại trọn vẹn, để thấy rằng nàng đang được đời sống đích thực thụ thai, nàng đang được tình yêu đích thực khai sinh.
Linh muốn nói thật nhỏ, bằng cái tiếng nói mê sảng thì thầm lạc giọng: "Tôi đã có thực" Linh muốn thét thật lớn, cho tiếng thét đánh vỡ tan tành những thành trì vô hình của Huế: "Tôi đã là tôi", Linh muốn truyền âm thanh qua miệng chàng, tới tâm hồn chàng: "Vì anh đó mà em có, vì anh đó mà em đã là em" Nhưng Linh không nói, không thét được, vì nàng đang hôn.
Cái hôn bất tận, kéo nàng vào ngã vào vùng phiêu lưu quay cuồng của cảm giác vừa tiếp nhận, vừa khám phá..." (Khi mùa mưa tới, trang 229).
Cái hôn bất tận xác định chất hiện sinh trong Mai Thảo qua những câu: Tôi đã có thực, tôi đã là tôi, vì anh mà em có... những câu rất Tây, rất ngây ngô, không có trong văn Việt trước đó, nhưng nó xác định con người là một hiện hữu. Chính hành động (cái hôn) xác định con người đang hiện hữu, trực diện với người khác. Những nhân vật của Mai Thảo đều có khả năng tự soi mình, tự đặt những câu hỏi chán chường với mình, qua hành động như thế.   
Một tay du đãng nhìn thấy ảnh mình đậm nét trong kính chiếu hậu của Mai Thảo. Một kẻ trác táng, "tội lỗi" chất đầy, đi đâu cũng thấy "Đám đông như một bầy kiến lửa. Kẻ khác như kẻ thù. Và dư luận: con rắn độc ngóc đầu phun phì phì cái hơi thở hôi hám của nó vào mặt mũi, vào sự yên vui cửa đời chàng" (Khi mùa mưa tới, trang 17). Khiến "chàng" tự hỏi: "Đi đâu? Tìm đến một cuộc sống khác? Đồng ý. Nhưng cuộc sống nào? Và để làm gì?" (Trang 140).
Một vũ nữ về già, nhìn thấy sự "Thảm thương nhất là một đời vũ nữ về già. Đó là hình ảnh một vực thẩm rơi lần xuống, rơi lần xuống, cho tới khi chạm đáy. Đó là hình ảnh một ngõ cụt không có lối thoát, một khuôn mặt nghiêng chìm vào tối tăm, một vụ tự tử chậm, một vụ chết đuối chắc chắn vì chắc chắn chẳng còn một bàn tay nào đưa ra cho kẻ chết đuối để tạo cho kẻ đó cơ hội và niềm hy vọng cuối cùng. Ấy thế nhưng mà vẫn phải sống, dù sống chỉ là chết. Ấy thế mà vẫn phải cười dù đầu óc não nề và tâm tư phiền muộn" (Khi mùa mưa tới, trang 128).
Tất cả các nhân vật khác nhau đó, cũng chính là "chàng", là hình ảnh những người bạn trác táng của Mai Thảo, của chính bản thân Mai Thảo, chôn nỗi chán chường trong những đêm phòng trà tăm tối, âm u:
"Những ý nghĩ buồn rầu về hình ảnh một người vũ nữ về già thoắt làm Phủ liên tưởng đến đời chàng. Mình cũng thế. Phủ nghĩ thầm. Mình cũng không biết ngày mai cuộc đời sẽ ra sao, lòng không đợi chờ, không hy vọng, đã hết ngạc nhiên bởi không còn tin tưởng. Lát nữa trở về con đường đêm, những bước chân nặng lết đi, kéo theo sự phiền muộn như một sợi dây xích sắt vô hình quấn từng vòng thật chặt lấy số kiếp. Một căn buồng khách sạn rẻ tiền. Những vỉ tường trần trụi. Ánh sáng lạnh lẽo ngoài hành lang. Ánh sáng mờ đục dưới cái chao đèn cáu bẩn ở đầu giường. Một giấc ngủ nặng, có mồ hôi nhớp nhúa ở cổ áo, một giấc ngủ vật vã như một chạy trốn tuyệt vọng vào lãng quên" (Khi mùa mưa tới, trang 128).
Truyện dài của Mai Thảo chỉ có độc một đề tài: Mai Thảo.
Nhân vật chính trong truyện dù là Ninh, Dũng, Quyền, Trường, Phủ... họ đều là Mai Thảo, dưới những ống kính khác nhau, trong những thời đoạn khác nhau.
Những vũ nữ về già như Mẫn, Uyển, Phấn, Điệp, Ngà, Oanh, Phụng, những người đã chọn cuộc sống tự do, trác táng, không muốn ràng buộc với ai, cũng là Mai Thảo.
Một Mai Thảo thông suốt chiều dài toàn bộ tác phẩm: "cảm thấy nghi ngờ trước chính những cái chàng hằng coi như lẽ phải hằng cửu. Một đời sống tự do không ràng buộc. Một bản thân đơn độc tách rời, không hệ lụy, vô trách nhiệm đối với kẻ khác. Có phải như thế là đã tìm thấy lý tưởng? Có phải như thế là sống cuộc đời đáng sống?" (Mái tóc dĩ vãng, trang 231).
Một Mai Thảo luôn luôn đặt lại vấn đề tự do của mình: "Chàng nghĩ những bước chân vô định lang thang chính là cuộc đời chàng như một hành tinh mải miết lăn đi trong không gian vô tận, nó vĩ đại, nó kiêu hãnh vì cuộc hành trình lớn, nhưng kỳ thực là nó buồn thảm, nó lạnh lùng vì không tìm được chỗ dừng chân" (Mái tóc dĩ vãng, trang 230).
Một Mai Thảo tự do "Không chịu lưu đầy một đời trong nếp cũ. Nghĩa là phải dám sống như một người tự do. Được đổi thay khi mình muốn thay đổi" (Để tưởng nhớ mùi hương, trang 112).
 Một Mai Thảo đòi hỏi tự do, thực hiện tự do, nhưng vẫn luôn luôn hoài nghi những điều mình làm, kể cả tình yêu: "Gắn bó với nhau, nhưng vẫn giữ cho nhau được nhẹ thoáng như mây trời. Hòa lẫn vào nhau, nhưng vẫn sáng suốt dành cho nhau một lối thoát. Thế là yêu ư?"(Để tưởng nhớ mùi hương, trang 132).
Một Mai Thảo muốn chặt đứt quá khứ, nhưng quá khứ vẫn cứ đeo đuổi. Một Mai Thảo, như người xa lạ với cả chính mình:
"Phải, tôi là một người lạ mặt. (...) Một người lạ mặt trước hết với chính tôi.
Chặt đứt một quá khứ. Chôn vùi từng kỷ niệm. Đánh loãng trí nhớ, vít kín con đường trở lại với sau lưng, nơi vẫn những xâu chuỗi ám ảnh chập chờn theo đuổi. Giết chết cái tôi cũ. Khởi đầu cái tôi mới. Làm một kẻ lạ mặt với chính mình, trong đổi thay một con đường khác với con đường của những dấu chân, những cỏ hoa và những bờ bến thuở xưa. Sống là một làm lại." (Để tưởng nhớ mùi hương, trang 13).
Từ chủ ý Con người xa lạ với chính mình, chịu ảnh hưởng của Camus, Mai Thảo đã dựng nên một kiểu người: muốn chặt đứt với quá khứ, muốn giết cái tôi cũ, để làm lại cái tôi mới; không thích ràng buộc, muốn có "tự do tuyệt đối".
Nhưng trên đường lẩn trốn mọi ràng buộc, Mai Thảo luôn luôn gặp ràng buộc. Trên đường từ chối tình yêu, Mai Thảo luôn luôn gặp tình yêu. Những thiếu nữ như Thúy, như Hậu, như Khánh, như Linh... là những cản lực bất ngờ không thể cưỡng lại được trên đường "tìm tự do" của Mai Thảo. Cản lực ấy là tình yêu. Tình yêu của người con gái mới lớn, biết yêu lần đầu. Tình yêu đầu đời của người con gái dậy thì như ngọn gió khốc liệt quật ngã những lý tưởng siêu việt nhất, ghê gớm nhất. Bởi nó là hình ảnh của bản thể lần đầu tiên xuất hiện, là sự nhận diện thân xác và hiện hữu chính mình của người con gái qua kẻ khác.
Cuộc hiện sinh trong tiểu thuyết của Mai Thảo là cuộc nhận diện thân xác mình qua sự tiếp xúc với thân xác kẻ khác. Nhận diện sự hiện hữu của mình qua tình yêu của kẻ khác. Không có kẻ khác thì không thể có mình. Không có tình yêu thì không có cuộc sống. Không có hiệu hữu. Nhưng con người tự do còn một đòi hỏi khác: đòi hỏi không chịu ràng buộc với ai. Đòi hỏi không bị chiếm hữu.
Cho nên cuộc hiện sinh trong tiểu thuyết của Mai Thảo trở thành cuộc đối đầu giữa hạnh phúc và tự do trong suốt chiều dài tác phẩm. Ở Suối độc là cuộc đối đầu giữa Trường và Thúy, giữa cuộc đời phóng túng sa đọa và tình yêu thần thánh của người con gái dậy thì táo bạo lăn xả vào tình yêu. Ở Khi mùa thu tới lại một tiếng sét ái tình phi lô-gic giữa hai kẻ không thể gặp nhau: Linh một cô gái Huế tinh khiết và Phủ, chàng trai đầy tội lỗi Sài-gòn.
Để tưởng nhớ mùi hương là một trong những truyện rất chín của Mai Thảo. Tình yêu đích thực ở đây được mô tả dưới nét Trang, một người phụ nữ đứng tuổi, trang khiết, một "lạnh lùng" đã thoát khỏi tay Khái Hưng để chuyển sang thời Mai Thảo, táo bạo hơn, nhục cảm hơn, khốc liệt hơn và bi đát hơn, bởi không có lễ giáo nào ép buộc, chỉ còn có mình đối diện với chính mình. Mọi quyết định, mọi đắn đo là ở tự lương tri, (lương tri hiểu theo nghiã triết học của Kant). Lương tri xuất hiện như định mệnh cuối cùng: nếu con người không thoát khỏi bản năng, thì cũng không thoát khỏi lương tri. Khi Ninh đóng cửa phòng, mặc tiếng gọi thiết tha của Trang, thế "lạnh lùng" vào tay Mai Thảo đã đảo ngược: người "thủ tiết" ở đây, không còn là người đàn bà mà là người đàn ông: sự tự do và bình đẳng đã đạt tới đỉnh và tính bi đát cũng đã lên tới cực: Mai Thảo không đối chọi hạnh phúc với tự do nữa, mà đối chọi hạnh phúc với lương tri và lần này, hạnh phúc đại bại. Con người Kant trong Mai Thảo đã thắng con người Epicure.
Trung thành với triết lý nhị nguyên của đời mình, toàn bộ truyện dài của Mai Thảo khai quật những bi đát nẩy sinh từ sự đối đầu giữa những yếu tố nguyên khai của đời sống: tự do và hạnh phúc. Hạnh phúc và lương tri. Muốn có hạnh phúc thì phải mất tự do, phải trói buộc đời mình vào đời một kẻ khác. Muốn có tự do thì suốt đời sẽ là kẻ đi trên hành tinh sa mạc. Mai Thảo đã lựa chọn tự do, và trên hành trình sa mạc đó, Mai Thảo chỉ thua cuộc khi phải đối chọi với lương tri của chính mình.
Giờ phút bi đát nhất của con người tự do, vì không chịu ràng buộc đời mình, là giờ người vũ nữ về già nhìn lại đời mình:
"Ngà tắt đèn, đóng cửa đi ra. Nàng ngồi ngoài đầu thềm cho tới sáng. Sương phả ướt đẫm vai, tóc mà Ngà không hay. Nàng đưa cặp mắt buồn rầu nhìn ra khoảng tối tăm yên tĩnh trước mắt, tưởng như nhìn thấy đời nàng hiện lên. Một cuộc đời vô nghĩa, trống rỗng, bẩn thỉu, tàn tạ. Ngà thổn thức khóc. Nàng tàn nhẫn lạnh lùng với tất cả những người đàn ông. Nhưng đó là thứ lạnh lùng tàn nhẫn bề ngoài, che dấu một trạng thái yếu đuối không muốn tỏ lộ. Ngà vẫn chỉ là một người đàn bà. Nghĩa là thiếu vắng tình yêu và thèm khát hạnh phúc. Mình già rồi, Ngà đớn đau nhủ thầm. Cuộc sống không phải, không thể như thế này. Thêm một vết nhăn trên khuôn mặt. Thêm một mệt mỏi và ngờ vực trong tâm hồn, và sự tàn tạ kéo đến." (Khi mùa mưa tới, trang 158-159). 
Cuộc nhận diện cô đơn không chỉ xảy ra trên vai những vũ nữ về già, trong ánh rượu chát, trong khói thuốc mù mịt phòng trà, trong những khách sạn rẻ tiền tăm tối, trong những phòng  hồng biệt thự xa hoa, mà còn là những làn lưới thường trực vô hình đan cài đau đớn của những kiếp người, mọi nơi, mọi thời, mỗi khi tỉnh rượu lúc tàn canh, từ Nguyễn Du trở ngược lên tiền sử. Tác phẩm của Mai Thảo xuyên suốt những mẫu đời ngang trái, biệt lập, đối chọi nhau, của những gái điếm hết thời, của những cô gái nhà lành, những tay du đãng, những gia đình êm ấm hạnh phúc, những kẻ ăn chơi trác táng, một chú Lềnh nghiện hút, một cụ Quảng Hưng liệt giường, một cô gái quê bốc hoả chỉ đợi dịp là trốn theo trai... toàn diện con người đan cài với nhau trong khối cảm thông vượt ngoài tầm cảm giác, như một linh giác tiềm tàng trong bản thể tác giả: một lòng nhân hậu tuyệt đối, sống âm thầm trong hơi chữ, trong từng lời đối thoại, trong mỗi cử chỉ của nhân vật, dù nam hay nữ, người ta đều gặp lại Mai Thảo, gặp lại lòng nhân hậu đất Chợ Cồn của u già vùng nước mặn.
 Một biển nhân hậu, bởi hải hậu chính là quê hương ông.
Paris tháng 4- 5/2008
Đọc lại và sửa, ngày 19/7/20014
Thụy Khuê
Theo http://thuykhue.free.fr/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...