Khẳng định tư tưởng chính trị nhị nguyên của Lê Quý Đôn là kết
quả tương tác của ba yếu tố: Sự suy ngẫm kinh nghiệm chính trị của tiền nhân, sự
đúc rút kinh nghiệm chính trị của bản thân và tính quy định của nền chính trị
xã hội đương thời, trong bài viết này, tác giả tập trung làm rõ những nội dung
chính trong tư tưởng chính trị đó của ông trên hai phương diện: Lý luận chính
trị nhị nguyên và tư tưởng chính trị thực hành. Từ đó, tác giả khẳng định tính
độc đáo và giá trị đặc sắc của tư tưởng chính trị này trong lịch sử tư tưởng
chính trị Việt Nam.
Cuộc đời của Lê Quý Đôn (1726-1783) nằm trọn trong giai đoạn ổn
định nhất của thế kỷ XVIII. Là một học giả có trước tác phong phú về số lượng
và thể loại vào bậc nhất Việt Nam thời phong kiến, Lê Quý Đôn nổi tiếng uyên
bác về học vấn và tư tưởng. Trong đó, sự thông kim bác cổ cùng với tinh thần biến
dịch, tuỳ thời đã khiến tư tưởng chính trị của ông chứa đựng nhiều nội dung mới,
có giá trị đối với đương thời và hậu thế. Tư tưởng chính trị của Lê Quý Đôn là
kết quả tương tác của ba yếu tố: Sự suy ngẫm kinh nghiệm chính trị của tiền
nhân, sự đúc rút kinh nghiệm chính trị của bản thân và tính quy định của nền
chính trị xã hội đương thời. Nói cách khác, bên cạnh nhân tố tư chất cá nhân
thì nền học vấn chính trị Nho học và những thể chế chính trị, kinh tế, xã hội đầu
thế kỷ XVIII đã đóng một vai trò hết sức quan trọng cho sự hình thành xu hướng
tư tưởng chính trị - xã hội của ông. Bài viết này tập trung giới thiệu những nội
dung chính trong tư tưởng chính trị của Lê Quý Đôn.
1. Lý luận chính trị nhị nguyên
Chịu ảnh hưởng trực tiếp của thể chế chính trị lưỡng đầu ([1]), Lê Quý Đôn hình thành một hệ thống tư tưởng chính trị
mang tính nhị nguyên điển hình. Xuất thân khoa bảng và nền học vấn Nho giáo đã
khiến ông tiếp tục ca ngợi đường lối chính trị vương đạo. Tuy nhiên, hiện thực
chính trị đất nước lại khiến Lê Quý Đôn không thể khăng khăng chỉ đề cao vương
đạo. Thêm nữa, là người quán xuyến tri thức cổ học, có lối tư duy phê phán khoa
học, ông đã nhận thấy những mặt mạnh và mặt hạn chế trong vương đạo và bá đạo,
cũng như trong chủ trương thực hiện đường lối chính trị dung hoà hai xu hướng
này.
Với tư duy phân tích sắc sảo, Lê Quý Đôn đã so sánh đường lối
nhân nghĩa, vương đạo với đường lối pháp trị, bá đạo về mặt thời gian và thành
tựu để khẳng định tính ưu việt hơn của đường lối vương đạo: “Đức hoá của Văn
Vương mãi trăm năm sau mới lưu hành rộng rãi, người ta ai không cho rằng thành
công của đường lối nhân nghĩa là chậm và tất phải dùng sức trí trá để có hiệu
quả nhanh. Nhưng nhà Tần chuộng sức trí trá, trải sáu đời vua, có hơn trăm năm
mới nhất thống được thiên hạ, rồi chỉ mười lăm năm sau đã mất. Sự nhanh chậm của
đức (đức hoá) và sức (sức trí trá) kết quả thế nào đời sau tất sẽ phân biệt được” (2).
Song, Lê Quý Đôn cũng coi trọng thành quả thực tiễn của bá đạo và chủ trương kết
hợp cả vương đạo với bá đạo trong thuật trị nước: “Trị nước theo vương đạo là tốt
đẹp nhất nhưng thực hiện chính sách bá thuật để cho nước được giàu mạnh cũng
không phải là chuyện dễ” (3).
Chủ trương chính trị nhị nguyên này của ông dựa trên một quan
niệm cởi mở về phương pháp chính trị của vương đạo và bá đạo. Ông ủng hộ quan
điểm của Ôn Công cho rằng: “Đạo làm vương và đạo làm bá không khác nhau, đều gốc
ở “nhân”, sinh ra ở “nghĩa” và là những việc như dùng người hiền, cất nhắc người
tài, khen người lành, trị tội kẻ ác, ngăn cấm kẻ hung bạo, trừ giết kẻ làm loạn,
xét danh vị có cao thấp, đức trạch có sâu có nông, công nghiệp có lớn có nhỏ mà
thôi”. Lời bàn ấy của Ôn Công rất phải...” (4). Cách lý giải theo hướng đồng nhất
vương đạo với bá đạo, dựa vào sự tương đồng về hình thức trong phương pháp thực
hiện đạo vương và đạo bá như trên, thật ra là một trò chơi ngôn ngữ tinh xảo của
Lê Quý Đôn, khi ông đánh tráo khái niệm đường lối đức trị bằng những phương
pháp chính trị cụ thể. Rõ ràng, việc dùng người hiền, trị tội kẻ ác... là những
phương pháp chính trị không chỉ riêng có của đường lối đức trị, nhưng không thể
lấy đó làm tiêu chuẩn để đồng nhất vương đạo với bá đạo. Tuy nhiên, với quan niệm
mềm dẻo về vương đạo và bá đạo theo cách đó, ông đã đưa ra cách hiểu về vương đạo
và bá đạo theo hướng phù hợp với thực trạng chính trị của thời đại ông. Tính nhị
nguyên đề cao cả hai đường lối trong đạo trị nước của ông là dựa trên cách hiểu
này. Trên cơ sở đó, ông ra sức ca ngợi và đánh giá cao học thuyết chính trị của
Quản Trọng: “Quản Tử, trên bàn kỷ cương trời đất; dưới nói tình hình nhân vật;
sáng đạo đức, chuộng nhân nghĩa. Đủ cả danh lẫn thực mà không phiền toái. Hình
pháp tuy nghiêm mà trung hậu. Xét rõ: ý nghĩa không khác gì ý nghĩa của đạo tam
vương. Còn như học thuyết Hàn, Thương, thiên trọng về hình danh, không được đầy
đủ; kém Quản Tử xa lắm” (5).
Từ sự đồng nhất vương đạo và bá đạo về mặt phương tiện, từ sự
đánh giá ưu thế của hai đường lối, Lê Quý Đôn chủ trương đường lối chính trị kết
hợp cả vương đạo và bá đạo. Với ông, thực hiện đường lối nhân nghĩa là lý tưởng
tốt đẹp trong việc trị nước an dân, nhưng việc xây dựng thế nước cho mạnh, giàu
theo tư tưởng bá đạo cũng là việc phải làm để thực hiện sự nghiệp chính trị: “Từ
xưa các bậc đế vương đều coi trọng việc võ bị. Muốn cho nước trị, ngoài giáo
hoá, lễ nhạc, phải thường xuyên chăm lo việc quân cơ, binh phục” (6).
Xuất phát từ nguyên tắc kết hợp vương đạo với bá đạo, Lê Quý
Đôn đã triển khai một số nội dung cụ thể cần tuân thủ trong cả hai đường lối,
như kết hợp giáo hoá với củng cố sức mạnh quân sự, kết hợp đức trị với pháp trị,...
Trong đường lối vương đạo, Lê Quý Đôn đề cao tư tưởng
“dân vi bang bản” của Mạnh Tử, coi việc được lòng dân là yếu tố quyết định sự tồn
vong của vương triều. Từ đó, ông coi trọng việc giáo hoá dân chúng, tin tưởng
vào khả năng giáo hoá được người dân. Bởi theo ông, đường lối nhân nghĩa chính
là thuận theo chính lý của thiên hạ. Triều đình mà theo chính lý thì dân sẽ
theo: “Đạo của đế, của vương đều muốn thuận theo cái lý của thiên hạ mà cai trị.
Nhân nghĩa là chính lý của thiên hạ, người ta ai cũng thích” (7). Đồng nhất lẽ
trời và lòng người, ông cho rằng, trị dân là phải theo lẽ trời và lòng dân. Người
làm vua phải biết sợ dân, kính thân, tu thân, làm điều nhân với dân: “Vua Thuấn
nói: “Người đáng sợ, không phải là dân ư?”(8). Mối liên hệ hữu cơ giữa ngôi vua
và lòng dân được ông tiếp tục khẳng định trong sự triển khai tư tưởng chính trị
vương đạo của mình: “Dân là căn bản của nước, căn bản vững chắc thì nước mới
yên” (9).
Lê Quý Đôn khẳng định sự an nguy của vương triều là ở lòng
dân. Lòng dân một khi lung lay, tức là đã có mối lo lớn ở đó” (10). Từ quan điểm này, ông cảnh báo nguyên nhân suy vong của
vương triều là vì chính sự hà khắc, mất lòng dân, không an dân: “Lúc đầu do
chính sự khắc nghiệt, thuế khoá nặng nề, binh cách quá nhiều, hình phạt phiền
phức, quan lại tham nhũng, trăm họ phiêu bạt; thêm vào đó là lụt lội, hạn hán;
cộng vào đó nữa là đói khát, làm cho dân không thể nào sống được, phải đi làm
giặc. Một người dấy lên, trăm nghìn người hùa theo, cùng nhau vùng dậy, không sức
gì cản được. Tức thì cái thế đất lở dần xuất hiện... Nếu không để xảy ra cái thế
đất lở thì ngay dẫu có nước mạnh binh hùng xâm phạm, cũng chỉ trong chốc lát đã
diệt được...”(11). Chính sách không thuận lòng dân sẽ khiến dân bất an và dẫn
tới thế đất lở, là cái thế nguy hiểm nhất cho vương triều, nguy hiểm hơn cả giặc
ngoại xâm hay nội loạn cung đình.
Như vậy, có thể nói, quan điểm chính trị vương đạo của Lê Quý
Đôn tập trung vào vấn đề mấu chốt nhất là chính sự phải hợp lòng dân, lấy sự
yên ổn của dân để đo sự thuận ý trời, để bảo vệ ngôi vua được bên vững, dài
lâu.
Song song với đường lối vương đạo, Lê Quý Đôn cũng đề cao việc
sử dụng bá đạo trong trị nước. Trong những nội dung của bá đạo, ông nhấn mạnh tới
hai phương diện chủ yếu là chăm lo võ bị, nâng cao sức mạnh quân sự của đất
nước và chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân. Với ông,
hai phương diện sức mạnh quân sự và sức mạnh kinh tế liên quan chặt chẽ với
nhau và là hai nhân tố chính đảm bảo cho sự yên ổn trong dân chúng. Củng cố
quân sự, võ bị là một đường lối làm cho nước chiếm được thế mạnh buộc kẻ địch
phải phụ thuộc vào mình: “Muốn cho nước mạnh tất phải độc chiếm lấy cái quyền
điều khiển thiên hạ, khiến cho ta có cái thế sai khiến người, làm cho kẻ địch cử
động phải phụ thuộc vào ta, rồi sau đó cái uy của nước mới có... ”(12). Làm cho
dân giàu có, yên ổn làm ăn thì tránh được cái thế đất lở, củng cố sự vững bền của
ngôi báu. Như vậy, hai mũi nhọn kinh tế và quân sự sẽ tạo ra được sự giàu mạnh
thực sự của dân, của nước, nhờ đó không còn e ngại gì giặc ngoài, thù trong. Sức
mạnh kinh tế là để dân yên ổn, còn sức mạnh quân sự là để tạo thế trấn áp, sai
khiến thiên hạ. Đó chính là căn nguyên thực sự khiến Lê Quý Đôn đặc biệt đề cao
đường lối của Quản Trọng: “Quản Trọng đặt ra phép nội chính (13), tuy nói là
thay đổi chế độ đời xưa, nhưng thực ra là đã hiểu thấu tình thế thời ấy vậy” (14).
Ngoài việc củng cố sức mạnh quân sự và kinh tế, trong nội
dung chính trị bá đạo, Lê Quý Đôn còn nêu rõ chủ trương trị nước phải kết hợp đạo
đức với luật pháp. Luật pháp ở đây được ông hiểu trước hết là các phép tắc của
tiền triều đã được thừa nhận và phổ biến: “Đường lối chính trị phải có pháp luật,
điển lệ. Vua quan không thể tuỳ ý riêng của mình mà xét xử tội hình hay ban thưởng
công trạng” (15). Tuy nhiên, ông không cứng nhắc tới mức tuyệt đối hóa pháp
độ của tiên vương. Tinh thần tùy thời được ông quán triệt mà theo đó, trị nước
phải có thể lệ noi theo tiên vương, nhưng cũng phải châm chước theo thời: “Thể
lệ do người đời trước sáng lập ra, mà người đời sau tuân giữ, đều tùy thời
nghi, xưa nay không có cách cục nhất định... Hiến chương cũ của tiên vương cũng
châm chước phép tắc đời thượng cổ mà làm ra, nhưng tùy thời thêm bớt, có chỗ
không giống nhau” (16).
Tinh thần nhị nguyên quán xuyến tư tưởng Lê Quý Đôn tới mức
ông luôn đưa ra hai lựa chọn song trị: vừa tuân thủ pháp tiên vương, vừa tùy
nghi châm chước phép tắc đời trước. Nhưng, châm chước như thế nào, tùy thời ra
sao để không phải là “tùy ý riêng” thì ông không bàn rõ.
Ngoài ý nghĩa là điển lệ của tiên vương, pháp trong quan niệm
của Lê Quý Đôn còn là kỷ cương, hình phạt. Ông coi kỷ cương là lễ pháp hình
chính, là đầu mối lớn, căn bản lớn để trị thiên hạ. Cơ sở để ông coi trọng cả lễ
giáo và hình phạt trong đạo trị nước xuất phát từ quan niệm triết học của ông về
tính, về khí chất của con người: “Giời sinh muôn dân, tính vốn thiện, nhưng khí
chất không như nhau; quân tử ít mà tiểu nhân thì nhiều,... Cho nên quân tử dùng
hình phạt để đề phòng dâm loạn, dùng lễ giáo để đề phòng tư dục” (17). Thừa nhận
thực tế dân tình bị tư dục chi phối, khí chất khác biệt dẫn tới sự tồn tại của
cái xấu, cái ác, ông không ảo tưởng vào phương tiện giáo hoá đạo đức như là
công cụ duy nhất để điều chỉnh xã hội mà cho rằng, mỗi phương tiện có phạm vi
tác dụng riêng, không thể thay thế và việc dùng cả lễ giáo lẫn hình phạt trong
cai trị dân chúng là điều tất yếu.
Những phân tích trên cho thấy Lê Quý Đôn chủ trương đường lối
chính trị nhị nguyên: kết hợp cả vương đạo và bá đạo trong trị nước. Sự kết hợp
đó dựa trên nền tảng phê phán lịch sử chính trị Trung Hoa cổ đại và căn cứ vào
thực trạng chính trị Đại Việt thế kỷ XVIII. Xuất phát từ nhu cầu củng cố chế độ
lưỡng đầu song tồn triều đường - vương phủ, Lê Quý Đôn đã lựa chọn những nội
dung trong vương đạo và bá đạo mà ông cho là thích ứng nhất cho sự vững bền của
chế độ mà ông phụng sự: đường lối nhân nghĩa hợp lòng dân kết hợp với chính
sách nâng cao sức mạnh quân sự và kinh tế, giáo hoá dân chúng kết hợp với kỷ
cương luật pháp. Đó là những nội dung cơ bản nhất trong lý luận chính trị nhị
nguyên của Lê Quý Đôn.
Từ quan điểm quán xuyến chung về đường lối chính trị đó, Lê
Quý Đôn đã đưa ra những tư tưởng chính trị thực hành cụ thể, góp phần hoàn chỉnh
hệ thống tư tưởng chính trị nhị nguyên của mình.(16)
Tư tưởng chính trị thực hành của Lê Quý Đôn tập trung vào hai
nội dung lớn: Xây dựng đạo làm vua và đạo làm quan. Khi xác định mối quan hệ
chính trị căn bản nhất là quan hệ giữa vua - quan và dân, ông coi đây là mối
quan hệ gắn kết hữu cơ: “Gốc của nước là dân, mệnh của vua cũng là dân. Bọn cường
thần gây loạn bên trong, nước thù địch quấy rối bên ngoài đều chưa đáng lo lắm.
Chỉ khi lòng dân dao động mới là điều đáng sợ”(18). Trên cơ sở nhận thức tầm
quan trọng của việc yên dân và vai trò quyết định của người làm vua, làm quan
trong sứ mệnh yên dân, ông đặc biệt tập trung vào việc xây dựng tư tưởng về đạo
làm vua, làm quan.
Lê Quý Đôn nhận thức tầm quan trọng của đạo làm vua là: “Đạo
trị thiên hạ của người làm vua là làm quy củ cho việc quản lý đất nước, điều
khiển bách quan, bảo vệ cho muôn dân. Làm cho mọi người được quân bình là việc
vô cùng vĩ đại, người vận hành việc thiên hạ sao có thể không để tâm tới?” (19).
Vua trước hết phải nêu gương đạo đức yêu cha mẹ, kính huynh trưởng thì dân sẽ
noi gương và thiên hạ thái bình. Những chính sự cơ bản mà nhà vua phải làm để
trị dân được quy định từ xưa đến nay bao gồm trong “bát chính”, đó là các việc:
Lo ăn ở cho dân (thực); lo hoá vật sinh sôi nảy nở (hoá); lo thờ cúng cha mẹ, tổ
tiên (tự); lo định làng, lập ấp, yên định dân cư (tư không); lo giáo dục dân
(tư đồ); lo giữ an ninh, pháp luật (tư khấu); lo nghi thức đối ngoại tiếp đón,
lễ lạt (tân); lo tu trị quân sự (sự) (20). Như vậy, những việc vua phải lo toan
quán xuyến là bao gồm toàn bộ việc đối nội, đối ngoại, giữ gìn an ninh, thờ
cúng cha mẹ, tổ tiên, trời đất, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người
dân.
Ngoài bát chính, Lê Quý Đôn còn đưa ra tư tưởng người làm vua
phải thực hành “tam bảo, lục thủ” trong trị nước. Tam bảo là: đại nông, đại
công, đại thương. Lục thủ là: nhân, nghĩa, trí, tín, dũng, mưu. Lục thủ phát
triển thì nước thịnh vượng, tam bảo toàn vẹn thì vua yên (dân yên) (21). Không
chỉ là nhị nguyên luận chính trị thể hiện rõ ràng trong quan niệm này, ở đây,
chúng ta còn thấy rõ ảnh hưởng của sự phát triển kinh tế đối với tư tưởng chính
trị của ông.
Tư tưởng người làm vua phải trọng dụng người tài trong trị nước
là một trong những nội dung hết sức quan trọng trong chính trị thực hành của Lê
Quý Đôn. Bởi lẽ, theo ông, người làm vua phải biết chọn người tài giỏi làm tướng,
làm quan giúp vua trị dân, hoàn thành được đạo làm vua. Ông khẳng định phải chọn
người tài giỏi làm tướng trước, còn những việc trị nước cụ thể bàn sau: “Người
làm vua bàn việc trị nước, có ai bàn trước đến việc chọn người làm tướng đâu.
Nhưng nếu chọn được người tài giỏi thì muôn việc đâu vào đấy, nếu chọn phải kẻ
bất tài thì muôn việc sẽ đổ vỡ. Việc chọn lựa ấy thật là khó, trách nhiệm ấy thật
là nặng nề” (22).
Coi đội ngũ nhân sự trong bộ máy triều chính là nhân tố quyết
định thành bại của việc thi hành đường lối trị nước của vua, Lê Quý Đôn cho rằng,
nguyên nhân nước yếu là do dùng người tầm thường thay chỗ người hiền tài. Ông cảnh
báo việc người làm vua chỉ thích dùng người giống mình, dùng kẻ hương nguyện (23),
không thích người tân tiến sẽ khiến người tài bị hao mòn tráng chí, nguyên khí
của quốc gia bị hao tổn, dẫn tới sự suy yếu của thế nước.
Đề cao việc trọng dụng người tài trong đạo làm vua, Lê Quý
Đôn quan niệm tùy tài mà trao chức. Ông phân biệt ra ba loại người tài để tuỳ
theo mỗi loại mà dùng cho đúng mục đích, sở trường của họ: Hạng tài năng, độ lượng
siêu việt xuất chúng; hạng bình thường, không có lỗi và hạng bình tĩnh, hoà
nhã, thích làm việc phải, thuỷ chung: “Đem 3 loại ấy để định luận nhân cách thì
đều đắc dụng ở triều” (24).
Cùng với tư tưởng về đạo làm vua, Lê Quý Đôn còn đưa ra tư tưởng
xây dựng đạo làm quan. Theo ông, đạo làm quan là: “Trên thờ vua, dưới trị dân,
giữ trọn chức trách, theo đòi chính sự, kẻ làm tôi có phép thường, đấng thánh
thân đã dạy sẵn, các vị tiên nho đời này qua đời khác lại càng nắm vững những lời
dạy bảo ấy. Công nghiệp to lớn thường ở đó mà ra” (25). Ông cho rằng, trăm quan
quyết định việc trị hay loạn của một nước, người có đức, có tài nhậm chức thì
trị, người bè cánh, hung ác nhậm chức thì loạn; do vậy, xây dựng được một đạo
làm quan chuẩn mực để người làm quan lấy đó mà thực hiện, noi theo là hết sức cần
thiết. Ông xác định những nhiệm vụ của người làm quan ở mọi nơi, mọi lúc: “Kẻ
sĩ làm quan hành chính... phải nghĩ làm sao để vỗ về binh nông, dấy lợi trừ hại,
tuyên bố giáo điều, dời đổi phong tục, hết khả năng tâm lực mà làm điều chức phận
nên làm, để thoả lòng bề trên, ban ơn dân chúng. Dẫu thời có khó dễ, thế có nên
chăng, theo thời mà châm chước tính lường thì việc gì cũng thích đáng cả” (26).
Lê Quý Đôn cho rằng, người quân tử phải đạt tiêu chuẩn có được
“chín điều hay” (27) về ngôn từ và tri thức Nho giáo thì mới là người có đức,
mới có thể làm quan đại phu. Ông đã đồng nhất văn với đức, với tài, với sự hiểu
biết và cách thức thể hiện tri thức theo những hình thức của văn (bói rùa, ra mệnh
lệnh, làm minh, làm thơ ca, làm lời thệ, đặt tên hèm...). Ngoài chín điều mà
người làm quan phải biết, ông còn đưa ra một số lời khuyên trong đạo làm quan,
như sáu điều nên theo và sáu điều nên bỏ của kẻ sĩ đi làm quan: “Mình có cái
hay thì chớ giữ riêng, dạy bảo cho người kém thì không nên trễ biếng; việc đã
qua thì không nên xoi mói; lỡ lời không nên chống đỡ, có làm điều gì bất thiện
thì đừng bỏ qua, muốn làm điều hay thì không chần chừ”(28). Đây là những lời
khuyên có tính chất ứng dụng thực tiễn có thể giúp người làm quan giữ gìn sự
bình an và thành đạt, xuất phát từ chiêm nghiệm của bản thân ông trong quá
trình làm quan. Theo ông, kẻ làm chính sự phải khéo léo, hiểu thấu nhân tình,
có cứng, có mềm và phải biết kết hợp cứng mềm. Người làm quan cũng phải luôn tu
dưỡng sao cho được lòng người và hợp ý trời, phải hiểu được ích lợi của việc kiệm
ước và tai họa của sự xa xỉ. Ông cho rằng, sự ham muốn khiến cho người làm quan
dễ mắc vào tai vạ, tội lỗi, đi sai chính đạo. Do vậy, ông đặc biệt đề cao tri
thức và sự tu dưỡng cá nhân trong việc thực hiện đạo làm quan.
Xác định rõ ràng vị trí và vai trò của từng nhân tố trong mối
quan hệ chính trị cơ bản nhất của xã hội là quan hệ vua-quan-dân, Lê Quý Đôn tập
trung vào việc xây dựng những nội dung cốt yếu, quan trọng nhất của đạo làm vua
và đạo làm quan, hình thành nên hệ thống tư tưởng chính trị thực tiễn của mình.
Tư tưởng trị nước của Lê Quý Đôn đặc biệt đề cao tính biện chứng. Ông cho rằng,
người làm chính trị phải luôn luôn vận động, thay đổi, không khư khư một học
thuyết nào hay một phương tiện nào, không nên câu nệ về đời xưa hay tuỳ thích về
đời nay: “Nước chảy không thối, then cửa không mọt, vì nó luôn vận động, huống
chi trị thiên hạ mà lại không vận động liệu được sao?” (29). Đó là nguyên tắc cơ
bản trong tư tưởng chính trị thực hành của Lê Qúy Đôn.
Có thể nói, tư tưởng chính trị nhị nguyên của Lê Quý Đôn là sản
phẩm mang đậm dấu ấn của thời đại mà ông đang sống, thời đại manh nha một sự đa
dạng học thuật và phát triển kinh tế thương mại, góp phần tạo lập, hợp lý hoá
và phát triển xu hướng chính trị kết hợp vương đạo với bá đạo về mặt lý luận.
Đường lối nhị nguyên chính trị này đã tỏ ra thích ứng với thực trạng xã hội
đương thời. Ông là người duy nhất trong lịch sử tư tưởng chính trị Việt Nam đã
công khai ca ngợi đường lối bá đạo của Quản Trọng và lấy đó làm một tấm gương
trị nước. Tinh thần quyền biến, tùy thời trên nền tảng lấy nhân nghĩa làm kim
chỉ nam trong tư tưởng chính trị của ông là một giá trị đặc sắc trong lịch sử
tư tưởng chính trị Việt Nam.
Ghi chú:
([1]) Từ dùng của nhà nghiên cứu Lê Kim Ngân để chỉ thể chế
chính trị vừa có vua, vừa có chúa ở Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII trong tác phẩm Chế
độ chính trị Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII. Tủ sách khảo cứu Đại Việt. Bản in lần
thứ 2, Phân khoa Khoa học xã hội, Đại học Vạn Hạnh ấn hành, 1974.
([2]) Lê Quý Đôn. Quần thư khảo biện. Trong Tư
tưởng Việt Nam thế kỷ XVIII. Bản in roneo, tư liệu Viện Triết học, tr.170.
(3) Lê Quý Đôn. Quần thư khảo biện. Trong Tư
tưởng Việt Nam thế kỷ XVIII. Sđd., tr.171.
(4) Lê Quý Đôn. Quần thư khảo biện. Viện Nghiên cứu Hán
Nôm, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.214.
(5) Lê Quý Đôn. Vân đài loại ngữ. Trong Tư tưởng Việt
Nam thế kỷ XVIII. Sđd., tr.236.
(6) Lê Quý Đôn. Quần thư khảo biện. Trong Lịch sử
tư tưởng Việt Nam thế kỷ XVIII. Sđd., tr.164.
(7) Lê Quý Đôn. Quần thư khảo biện. Trong Lịch sử
tư tưởng Việt Nam thế kỷ XVIII. Sđd., tr.179.
(8) Lê Quý Đôn. Thư kinh diễn nghĩa. Trong Lịch sử
tư tưởng Việt Nam thế kỷ XVIII. Sđd., tr.191.
(9) Lê Quý Đôn. Thư kinh diễn nghĩa. Sđd., tr.190.
Câu này có nguồn từ thiên Ngũ tử chi ca - Hạ thư.
(10) Lê Quý Đôn. Quần thư khảo biện. Trong Lịch
sử tư tưởng Việt Nam thế kỷ XVIII. Sđd., tr.175.
(11) Lê Quý Đôn. Quần thư khảo biện. Trong Lịch
sử tư tưởng Việt Nam thế kỷ XVIII. Sđd., tr.175-176.
(12) Lê Quý Đôn. Quần thư khảo biện. Trong Lịch sử
tư tưởng Việt Nam thế kỷ XVIII. Sđd., tr.177.
(13) Phép nội chính là chính sách cai trị dân trong nước,
cũng là chính sách quân lệnh, do Quản Trọng giúp Tề Hoàn Công xây dựng thành
công nghiệp bá, gồm những biện pháp về kinh tế, chính trị, quân sự, nhằm làm
cho nước Tề giàu mạnh, như trị dân phải giữ đúng lễ, nghĩa, liêm, sỉ; phải
thương yêu dân, giảm thuế cho dân, ổn định đời sống của sĩ, nông, công, thương.
Lại đặt ra chế độ dùng tiền của chuộc tội cho người phạm pháp, lấy số tiền của
đó để trang bị cho quân đội. Ngoài ra, còn khai mỏ, đúc tiền, làm muối để tăng
thêm của cải cho nước, quân lính chỉ cần tinh, không cần nhiều, cốt yếu là phải
đồng lòng vì nước.
(14) Lê Quý Đôn. Quần thư khảo biện. Viện Nghiên cứu
Hán Nôm. Sđd., tr.94.
(15) Lê Quý Đôn. Quần thư khảo biện. Trong Lịch
sử tư tưởng Việt Nam thế kỷ XVIII. Sđd., tr.163.
(16) Lê Quý Đôn. Vân đài loại ngữ. Trong Lịch sử tư
tưởng Việt Nam thế kỷ XVIII. Sđd., tr.252.
(17) Lê Quý Đôn. Thư kinh diễn nghĩa. Trong Lịch sử
tư tưởng Việt Nam thế kỷ XVIII. Sđd., tr.186.
(18) Lê Quý Đôn. Quần thư khảo biện. Viện Nghiên cứu Hán
Nôm. Sđd., tr.348.
(19) Văn sách thi đình của Lê Quý Đôn. Dẫn theo: Nguyễn Tài
Đông. Quan niệm về trung trong tư tưởng luân lý Nho giáo của Lê Quý Đôn. Bài
tham luận tại Hội thảo quốc tế “Nho giáo Việt Nam truyền thống và đổi mới”, Viện
Triết học-SINICA, Huế, 9/2011.
(20) Lê Quý Đôn. Thư kinh diễn nghĩa. Trong Lịch sử
tư tưởng Việt Nam thế kỷ XVIII. Sđd., tr.196.
(21) Lê Quý Đôn. Quần thư khảo biện. Trong Lịch sử
tư tưởng Việt Nam thế kỷ XVIII. Sđd., tr.176.
(22) Lê Quý Đôn. Quần thư khảo biện. Viện Nghiên cứu
Hán Nôm. Sđd., tr.331.
(23) Hương nguyện là người chỉ theo ý người khác, không dám
có ý riêng, thậm chí hùa nhau, kết bè đảng chống lại người khác ý mình.
(24) Lê Quý Đôn. Vân đài loại ngữ. Trong Lịch sử tư
tưởng Việt Nam thế kỷ XVIII. Sđd., tr.197.
(25) Lê Quý Đôn. Vân đài loại ngữ. Trong Lịch sử tư
tưởng Việt Nam thế kỷ XVIII. Sđd., tr.208.
(26) Lê Quý Đôn. Phủ biên tạp lục. Trong Lịch sử tư
tưởng Việt Nam thế kỷ XVIII. Sđd., tr.246.
(27) 9 điều hay đó là: “Khi xây dựng một nước thì phải biết
bói rùa; khi đi săn bắn, thì biết ra mệnh lệnh; khi làm đồ đạc gì, thì biết làm
được bài minh; khi đi sứ có thể tạo ra được từ mạng (tạo mệnh, giữ gìn được
tính mạng); khi lên cao thì biết làm thơ ca; trong việc sư lũ thì biết làm lời
thệ quân, về núi sông thì có lý thuyết, trong việc tang ma thì biết đặt tên hèm
(đặt tên cho người chết theo đức tính của họ khi sống); trong việc tế tự thì
nói được nghi tiết”.
(2[8]) Lê Quý Đôn. Vân đài loại ngữ. Trong Lịch sử
tư tưởng Việt Nam thế kỷ XVIII. Sđd., tr.238.
(29) Lê Quý Đôn. Quần thư khảo biện. Viện Nghiên cứu Hán
Nôm. Sđd., tr.389.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét