Trí nhớ thực vật và trí nhớ
CHÚNG TA CÓ BA LOẠI TRÍ NHỚ. Thứ nhất: trí nhớ hữu cơ, cấu
thành bởi máu và thịt, là loại trí nhớ do bộ não điều hành. Thứ hai: trí nhớ
khoáng chất, theo nghĩa này, loài người đã biết hai loại: ngàn năm trước, đây
là loại trí nhớ thể hiện qua các phiến đất nung và các Rốn-tru-đá
(Obelisk) [2],
rất phổ cập ở đất nước này, trên đó người ta khắc các văn bản. Tuy nhiên, loại
trí nhớ thứ hai này cũng là bộ nhớ điện tử của máy điện toán hiện nay, trên cơ
sở silicon. Chúng ta còn biết một loại trí nhớ khác: trí nhớ thực vật, thể hiện
qua thứ giấy cói đầu tiên, một lần nữa, rất phổ cập ở đất nước này, và sau đó
thể hiện qua sách, làm bằng giấy. Bỏ qua sự thể là ở một giai đoạn nhất định,
giấy da cừu của các bộ luật cổ thì có gốc hữu cơ, và tờ giấy đầu tiên được chế
tạo từ da không phải từ gỗ. Để đơn giản vấn đề, tôi xin phép khi nói về trí nhớ
thực vật, tức là để chỉ sách.
Thư viện Alessandrina này, quá khứ đã là và tương lai sẽ là, nơi để bảo tồn
sách; cho nên, nó là và sẽ là một ngôi đền của trí nhớ thực vật. Thư viện, qua
nhiều thế kỉ, luôn luôn là một phương cách quan trọng nhất để giữ gìn trí khôn
tập thể. Nó đã và vẫn là một bộ não phổ biến, nơi có thể tìm lại cái đã quên và
cái vẫn chưa biết. Cho phép tôi được sử dụng ẩn dụ này, thư viện là sự mô phỏng
khả tính nhất của tâm trí con người về một tâm trí thần thánh, nơi toàn bộ vũ
trụ được thấy và lĩnh hội cùng lúc. Một người có khả năng lưu giữ trong tâm trí
nguồn thông tin cung ứng từ một thư viện vĩ đại, thì hẳn là qua một cung cách
nào đó đang thi đua với tâm trí Thượng Đế. Nói cách khác, chúng ta phát minh ra
thư viện bởi chúng ta biết chúng ta không có những quyền năng thần thánh, nhưng
cố gắng làm hết sức mình để mô phỏng những quyền năng ấy
Hôm nay, việc xây dựng, hoặc đúng hơn, việc xây dựng lại, một trong những thư
viện lớn nhất của thế giới có thể là một sự thử thách hoặc một sự khiêu khích.
Người ta thường thấy trong các bài báo hoặc các bài viết hàn lâm, một số tác
gia khi đối diện với thời đại mới của máy điện toán và internet, nói đến khả
tính "cái chết của sách". Thế nhưng, nếu sách rồi sẽ biến mất, như đã
xảy ra cho những cái Rốn-trụ-đá và các phiến đá của các nền văn minh cổ, thì điều
này hẳn không là một lí do có cơ sở để xóa bỏ thư viện. Trái lại, thư viện chắc
sẽ tồn tại như các bảo tàng nơi gìn giữ các sản vật của quá khứ, trong cùng một
phương thức khi chúng ta bảo tồn Phiến đá Rosetta [3] tại
một bảo tàng bởi vì chúng ta không còn giữ tập quán khắc tạc các văn bản trên
các bề mặt khoáng chất.
Tuy nhiên, lời ngợi ca thư viện của tôi sẽ lạc quan hơn. Tôi thuộc dạng người
tin rằng sách vẫn có tương lai và mọi nỗi sợ giả định về sự biến mất của sách
chỉ là nỗi sợ cuối cùng trong các nỗi sợ, hay chỉ là nỗi kinh hoàng cuối thiên
niên kỉ về sự kết thúc của cái gì đó, gồm cả thế giới.
Trong nhiều cuộc phỏng vấn, tôi buộc phải trả lời các câu hỏi kiểu: "Liệu các phương tiện truyền thông điện tử sẽ làm sách lỗi thời? Liệu liên mạng toàn cầu sẽ khiến văn học lỗi thời? Liệu văn minh siêu văn bản sẽ loại bỏ chính cái ý niệm tác gia?". Bạn thấy đấy, nếu bạn có một tâm trí thăng bằng, lành mạnh, thì thấy chúng là những vấn đề khác nhau, và một người khi nghĩ về sự sợ hãi tiềm ẩn trong các câu hỏi ấy có thể nghĩ rằng, người phỏng vấn hẳn sẽ yên lòng khi nghe câu trả lời: "Không, hãy bình tĩnh, mọi chuyện đâu sẽ vào đó". Không. Nếu bạn nói với những người đặt các câu hỏi ấy rằng sách, văn học, tính tác gia sẽ không biến mất, họ sẽ tỏ vẻ thất vọng. Thế thì còn gì là sự sốt dẻo! Công bố tin một người được giải Nobel vừa mới qua đời là một mẫu tin; nói rằng người ấy còn sống và khỏe mạnh thì chẳng ai quan tâm - trừ ông/bà ta, tôi đoán thế
Trong nhiều cuộc phỏng vấn, tôi buộc phải trả lời các câu hỏi kiểu: "Liệu các phương tiện truyền thông điện tử sẽ làm sách lỗi thời? Liệu liên mạng toàn cầu sẽ khiến văn học lỗi thời? Liệu văn minh siêu văn bản sẽ loại bỏ chính cái ý niệm tác gia?". Bạn thấy đấy, nếu bạn có một tâm trí thăng bằng, lành mạnh, thì thấy chúng là những vấn đề khác nhau, và một người khi nghĩ về sự sợ hãi tiềm ẩn trong các câu hỏi ấy có thể nghĩ rằng, người phỏng vấn hẳn sẽ yên lòng khi nghe câu trả lời: "Không, hãy bình tĩnh, mọi chuyện đâu sẽ vào đó". Không. Nếu bạn nói với những người đặt các câu hỏi ấy rằng sách, văn học, tính tác gia sẽ không biến mất, họ sẽ tỏ vẻ thất vọng. Thế thì còn gì là sự sốt dẻo! Công bố tin một người được giải Nobel vừa mới qua đời là một mẫu tin; nói rằng người ấy còn sống và khỏe mạnh thì chẳng ai quan tâm - trừ ông/bà ta, tôi đoán thế
CÁI TÔI MUỐN THỰC HIỆN HÔM NAY là tìm cách tháo gỡ mối lo sợ
đan bện vào nhau của một số vấn đề khác nhau. Làm sáng tỏ ý tưởng về các vấn đề
khác nhau ấy có thể giúp chúng ta lĩnh hội tốt hơn cái thông thường chúng ta
hay nghĩ về sách, về văn bản, về văn học, về diễn giải v.v... Như thế chúng ta
sẽ thấy bằng cách nào mà từ một câu hỏi ngây ngô lại có thể cho ra nhiều câu trả
lời khôn ngoan, và điều ấy hẳn là cái chức năng văn hóa của người phỏng vấn
chân chất.
Tôi xin bắt đầu bằng một câu chuyện Ai Cập, dù rằng đây là một câu chuyện do một
nhân vật Hi Lạp kể lại. Theo Plato (trong Phaedrus) khi Hermes - được cho là
người phát minh ra chữ viết - giới thiệu phát minh của mình với Pharaoh Thamus,
ông ca ngợi kĩ thuật mới cho phép con người nhớ được những gì nếu không sẽ bị
quên lãng. Nhưng Pharaoh không thoả mãn như Hermes, ông nói: "Anh bạn
Theut tài giỏi của tôi ơi! Trí nhớ là một món quà vĩ đại, cần phải giữ nó sống
động bằng cách luyện tập liên tục. Với phát minh của anh, thiên hạ sẽ không buộc
phải luyện tập trí nhớ nữa. Họ sẽ nhớ sự việc không vì một cố gắng bên trong,
nhưng vì tác dụng đơn thuần của một công cụ bên ngoài."
Chúng ta có thể hiểu mối lo của Pharaoh. Chữ viết, cũng như bất cứ công cụ kĩ
thuật mới nào khác, có thể làm trì độn năng lực con người nó thay thế và tăng
cường - như xe hơi khiến chúng ta bớt đi bộ. Chữ viết là một sự đe doạ vì nó giảm
năng lực trí óc bằng cách tặng con người một tâm hồn hoá đá, một biếm hoạ của
lý trí, một trí nhớ khoáng chất.
Hẳn nhiên, văn bản của Plato có tính cách châm biếm. Plato đang ghi lại những
luận cứ chống lại chữ viết. Nhưng ông ngụ ý rằng câu chuyện của ông được
Socrates kể, người không viết (vì Socrates không xuất bản, ông bỏ mạng trong cuộc
chiến hàn lâm của ông). Hôm nay, không ai chia sẻ nỗi lo ấy nữa, vì hai lí do rất
giản dị. Thứ nhất, chúng ta biết rằng sách không phải là cái để người khác suy
nghĩ hộ chúng ta; ngược lại, nó là những cỗ máy kích động thêm sự suy nghĩ. Chỉ
sau sự phát minh ra chữ viết mới có thể viết một kiệt tác trên trí nhớ hồn
nhiên như À la recherche du temps perdu (Tìm thời đã mất) của Proust.
Thứ hai, nếu ngày xửa ngày xưa, thiên hạ cần luyện trí nhớ để nhớ sự việc, sau
phát minh ra chữ viết họ cũng phải luyện trí nhớ để nhớ sách. Sách thách thức
và làm trí nhớ tốt hơn; sách không gây mê trí nhớ. Tuy nhiên, Pharaoh đang chứng
thực hoá một nỗi sợ muôn đời: nỗi sợ về một sự thành tựu kĩ thuật mới có thể giết
điều gì đó mà chúng ta xem là quý báu và bổ ích.
Tôi chủ ý dùng động từ giết vì khoảng 14 thế kỷ sau, trong tác phẩm Notre
Dame de Paris (Nhà thờ Đức Bà Paris), Victor Hugo kể câu chuyện về vị linh
mục Claude Frollo, buồn bã nhìn các tháp chuông thánh đường của ông. Truyện Nhà
thờ Đức Bà Paris xảy ra ở thế kỉ 15, sau phát minh về in ấn. Trước đó, những
văn bản chép tay được dành riêng cho thành phần đặc tuyển biết-chữ. Nhưng
phương tiện duy nhất để dạy quần chúng - về những câu chuyện trong Kinh thánh, về
cuộc đời Chúa, về cuộc đời các vị Thánh, về những nguyên tắc đạo đức, và ngay cả
về những chiến công của lịch sử xứ sở, về những khái niệm địa lí căn bản, hoặc
về khoa học tự nhiên (đặc tính của các dân tộc xa lạ, phẩm chất của dược thảo
hay đá quí) - là được cung ứng từ các hình ảnh của cái Thánh đường. Một Thánh
đường thời Trung cổ là một loại chương trình truyền hình không ngừng phát và
không thay đổi, giả định để chỉ dạy quần chúng mọi thứ thiết yếu cho đời sống hằng
ngày cũng như cho việc cứu rỗi vĩnh cửu của họ.
Thế nhưng, lúc này thì Frollo có trên bàn một quyển sách in và vị linh mục lầm
thầm: "ceci tuera cela", "cái này sẽ giết cái kia", hoặc
nói cách khác, quyển sách sẽ giết cái Thánh đường, chữ cái sẽ giết hình ảnh.
Sách sẽ khiến quần chúng lơ là những giá trị quan trọng nhất, sẽ khuyến khích
các thông tin không cần thiết, sẽ tự do giải thích Kinh thánh, sẽ gây tò mò
không lành mạnh.
Ở những năm sáu mươi, Marshall McLuhan [4] viết The
Gutenberg Galaxy (Thiên hà Gutenberg), trong đó ông tuyên bố rằng cách tư
duy tuyến tính, hỗ trợ bởi sự phát minh của nhà in đang trên đà được thay thế bằng
một cách nhận thức và lĩnh hội toàn diện hơn, qua hình ảnh truyền hình hoặc các
công cụ điện tử khác. Nếu không là McLuhan, chắc chắn nhiều trong số những người
đọc ông sẽ chỉ tay, trước, vào một màn ảnh truyền hình, sau đó, vào một quyển
sách in và nói rằng "cái này sẽ giết cái kia". Chắc chắn rằng, máy điện
toán là một công cụ qua đó người ta có thể sản xuất và xử lí hình ảnh, chắc chắn
rằng những chỉ dẫn sẽ được đáp ứng qua những hình tượng qui ước; nhưng cũng chắc
chắn rằng chiếc máy điện toán đã trở thành, trước hết, một công cụ của bộ chữ
cái. Trên màn ảnh hàng hàng con chữ chạy nhảy, và để dùng máy điện toán bạn phải
biết đọc và biết viết.
Liệu có những khác biệt giữa Thiên hà Gutenberg [5] trước
và Thiên hà Gutenberg sau không? Nhiều. Trước hết, chỉ có những bộ xử lí văn bản
mang giá trị khảo cổ hồi đầu thập niên 80 là cung ứng một kiểu truyền thông tuyến
tính. Hôm nay, máy điện toán không còn tuyến tính nữa khi hiển thị một cấu trúc
siêu văn bản. Đáng ngạc nhiên là, máy điện toán được phát minh như một Turing
machine [6] ,
có khả năng hoạt động từng bước, thật vậy, sâu trong máy, ngôn ngữ cũng hoạt động
theo cung cách ấy, qua lôgích nhị phân, 0 - 1, 0 - 1. Thế nhưng, đầu ra thì
không còn là tuyến tính mà là một cuộc bùng nổ pháo bông bằng kí hiệu. Mô hình
của nó không còn là tuyến tính mà là một thiên hà thực sự, nơi bất cứ ai cũng
có thể vạch những nối kết bất ngờ giữa các vì sao khác nhau để cấu thành những
hình ảnh mới trên bầu trời từ bất cứ một điểm du hành nào.
SONG, CHÍNH XÁC Ở ĐIỂM NÀY mà hoạt động tháo gỡ của chúng ta phải bắt đầu, bởi
vì, thông thường qua cấu trúc siêu văn bản, chúng ta muốn nói hai hiện tượng hết
sức khác nhau. Một: sự hiện diện của siêu văn bản. Với một quyển sách truyền thống,
ta phải đọc từ trái sang phải (hoặc từ phải sang trái, hay từ trên xuống dưới,
tuỳ theo nền văn hoá) trong một cung cách tuyến tính. Đương nhiên, một người có
thể đọc nhảy trang - chẳng hạn, khi đọc đến trang 300, lại trở ngược về trước để
kiểm lại hoặc đọc lại điều gì đó ở trang 10, nhưng đây là một đòi hỏi lao động
thể chất. Ngược lại, một siêu văn bản là một mạng đa chiều hoặc một mê cung,
trong đó bất cứ một điểm hoặc một gút thắt nào cũng đều mang tiềm năng liên lạc
với bất cứ điểm hoặc gút thắt khác. Hai: sự hiện diện của siêu văn bản toàn hệ.
Mạng toàn cầu WWW là Mẹ Cả của Tất cả các Siêu văn bản, một thư viện toàn thế
giới nơi bạn có thể, hoặc sẽ có thể trong một thời gian ngắn, lấy ra mọi quyển
sách bạn muốn. Mạng toàn cầu là hệ thống chung cho tất cả các siêu văn bản hiện
tồn.
Một sự khác biệt như thế giữa văn bản và hệ thống cực kì quan trọng, tôi sẽ trở
lại vấn đề này. Ở đây cho phép tôi loại ra các câu hỏi ngây thơ nhất trong các
câu hay được hỏi mà sự khác biệt ấy chưa được rõ. Nhưng trong khi trả lời câu hỏi
thứ nhất này mà ta có khả năng làm sáng rõ vấn đề hơn. Câu hỏi ngây thơ là
"Liệu các đĩa siêu văn bản, mạng internet, hoặc các hệ thống đa phương tiện
sẽ khiến sách lỗi thời?" Với câu hỏi này chúng ta bước vào phần cuối của
câu chuyện cái-này-sẽ-giết-cái-kia của chúng ta. Nhưng câu hỏi này thực ra là một
câu hỏi lộn xộn, vì nó có thể được thể hiện qua hai cách khác nhau: (a) Liệu
sách sẽ biến mất dưới dạng vật thể vật lý? và (b) Liệu sách sẽ biến mất dưới dạng
vật thể ảo?
Cho phép tôi trả lời câu hỏi thứ nhất trước. Ngay cả sau sự
phát minh của in ấn, sách chưa bao giờ là một công cụ thu thập thông tin duy nhất.
Đã có hội hoạ, tranh dân gian, giáo huấn truyền miệng, v.v... Một cách giản dị,
sách đã chứng tỏ là một công cụ thích hợp nhất để chuyển giao thông tin. Có hai
loại sách: loại để đọc và loại để tham khảo. Về loại sách-để-đọc, cách đọc
thông thường, tôi gọi là "cách đọc truyện trinh thám". Bạn bắt đầu từ
trang 1, nơi tác giả cho biết một tội ác đã phạm phải, bạn tiếp tục lần theo mọi
con đường điều tra, và cuối cùng bạn khám phá rằng kẻ tội phạm là một người quản
gia. Chấm dứt sách và chấm dứt kinh nghiệm đọc của bạn. Hãy nhớ là, sự thể cũng
diễn ra y như thế, ngay cả khi bạn đọc một chuyên luận triết học. Tác giả muốn
bạn mở sách từ trang đầu, đi tiếp một loạt những nghi vấn được đề ra, rồi xem bằng
cách nào mà ông/bà ta đi đến những kết luận cuối cùng. Chắc chắn rằng, các học
giả có thể đọc lại quyển sách này bằng cách nhảy cóc, tìm cách rút ra những
liên hệ có thể có giữa một phát biểu trong chương đầu và một phát biểu trong
chương cuối. Họ cũng có thể quyết định rút ra, chẳng hạn, mỗi lần xuất hiện của
từ "ý niệm" trong một tác phẩm nhất định, rồi nhảy hàng trăm trang để
tụ điểm sự chú ý chỉ trên những đoạn bàn về khái niệm này. Nhưng đấy là những
cách đọc mà một người bình thường có thể cho là không tự nhiên.
Về loại sách-để-tham-khảo, như loại sách chỉ nam và những từ điển bách khoa.
Đôi khi sách chỉ nam phải được đọc từ đầu đến cuối; nhưng một người đã biết vấn
đề, có thể chỉ tham khảo những đoạn hoặc chương nhất định. Hồi học trung học,
tôi phải đọc một cách tuyến tính toàn bộ cuốn cẩm nang toán học; bây giờ, nếu cần
một định nghĩa chính xác về lôgarít, tôi chỉ tham khảo. Tôi giữ cuốn chỉ nam ấy
trong ngăn tủ, không để đọc đi đọc lại mỗi ngày, nhưng để ôn lại nó mười năm một
lần, và để tìm cái mình cần tham khảo. Các bộ bách khoa được soạn ra chỉ để
tham khảo, không để đọc từ trang đầu đến trang cuối. Thông thường, ta lôi một
quyển trong bộ bách khoa ra để biết hay nhớ khi nào Napoleon chết, hoặc để biết
công thức nào là của acid sulfuric. Những nhà nghiên cứu xử dụng bộ bách khoa một
cách tinh vi hơn. Chẳng hạn, nếu tôi muốn biết có thể nào Napoleon gặp Kant hay
không, tôi phải lấy quyển mang mẫu tự K và quyển mang mẫu tự N của bộ bách
khoa: rồi thấy là Napoleon sinh năm 1769 và chết năm 1821, Kant sinh năm 1724
và chết năm 1804, lúc Napoleon đã lên ngôi hoàng đế. Thế thì, không hẳn không
thể xảy ra chuyện hai người gặp nhau. Để xác định điều này, hẳn tôi phải tham
khảo một cuốn tiểu sử về Kant, hoặc Napoleon - nhưng ở một cuốn tiểu sử ngắn về
Napoleon, người đã gặp quá nhiều người trong cuộc đời, khả năng gặp Kant có thể
được gạt đi, trong lúc trong một cuốn tiểu sử về Kant, một cuộc gặp gỡ với
Napoleon hẳn đã được ghi lại. Vắn gọn, tôi phải lật xuyên suốt nhiều quyển sách
trong nhiều ngăn tủ trong thư viện của tôi, tôi phải ghi chú, để sau đó so sánh
tất cả những dữ kiện thu thập được. Tất cả các điều này đòi hỏi một lao động thể
chất cực nhọc.
Thế nhưng, với một siêu văn bản, tôi có thể thăm dò toàn bộ bộ nét-bách-khoa.
Tôi có thể nối kết một sự kiện ghi ở phần đầu với một loạt sự kiện tương tự rải
dọc theo văn bản; tôi có thể so sánh phần đầu với phần cuối; tôi có thể rút ra
một danh sách của tất cả những từ bắt đầu bằng A; tôi có thể rút ra tất cả những
trường hợp tên của Napoleon liên hệ đến tên của Kant, tôi có thể so sánh ngày
sinh và ngày mất của họ - ngắn gọn, tôi có thể làm việc của tôi trong vài giây
hoặc vài phút.
Siêu văn bản chắc chắn sẽ khiến các bộ bách khoa và sách cẩm nang lỗi thời. Hôm
qua, ta có thể có toàn bộ bộ bách khoa trong một CD-ROM; hôm nay, ta có thể có
trên mạng trực tuyến với ưu thế là nó cho phép sự tham chiếu chồng chéo và sự
rút tỉa thông tin không tuyến tính. Toàn bộ các đĩa compắc, cộng với hệ thống
máy điện toán chỉ chiếm khoảng 1/5 chỗ của bộ Britannica. Một bộ bách khoa in
không dễ di chuyển và cũng không dễ cập nhật hóa như một CD-ROM. Những bộ bách
khoa hôm nay chiếm nhiều thước trong những ngăn tủ ở nhà tôi cũng như ở các thư
viện trong tương lai sẽ được giải thể, và không có lí do gì phải phản đối sự biến
mất của chúng. Chúng ta nên nhớ rằng đối với nhiều người, một bộ bách khoa nhiều
quyển là một giấc mơ không thể thực hiện, không hoặc không chỉ do giá tiền của
các quyển sách, nhưng do trị giá của các diện tích mặt tường nơi để các quyển
sách ấy. Phần tôi, khi khởi đầu công việc nghiên cứu như một nhà trung cổ học hẳn
là tôi muốn có tại nhà 221 quyển của bộ sưu tập tác phẩm của các tín đồ Kitô
giáo đầu tiên Patrologia Latina của Migne. Điều này rất tốn kém, nhưng tôi còn
có thể kham nổi. Cái tôi không đủ kham là một căn hộ mới có chỗ để cho 221 quyển
sách đồ sộ này mà không thể không loại trừ 500 quyển sách bình thường
khác.
Song, có thể nào đĩa siêu văn bản hoặc mạng toàn cầu WWW sẽ thay thế sách-để-đọc hay không? Một lần nữa, chúng ta phải xem câu hỏi này hàm ý coi sách như vật thể vật lí hay vật thể ảo. Và một lần nữa, chúng ta hãy xem xét vấn đề vật lí trước.
Song, có thể nào đĩa siêu văn bản hoặc mạng toàn cầu WWW sẽ thay thế sách-để-đọc hay không? Một lần nữa, chúng ta phải xem câu hỏi này hàm ý coi sách như vật thể vật lí hay vật thể ảo. Và một lần nữa, chúng ta hãy xem xét vấn đề vật lí trước.
Thật đáng mừng: sách vẫn hoàn toàn cần thiết, không chỉ cho
văn học mà còn cho mọi trường hợp khi ta cần đọc cẩn trọng, không chỉ để thu thập
thông tin mà còn để tư biện và suy ngẫm. Đọc trên màn ảnh máy điện toán không
giống đọc một quyển sách. Hãy thử nghĩ về quá trình học một lập trình mới.
Thông thường, lập trình có khả năng giới thiệu trên màn ảnh mọi chỉ dẫn cần thiết.
Nhưng thường thì đối với người sử dụng muốn học lập trình thì hoặc họ in các chỉ
dẫn, đọc chúng như trong dạng sách hoặc họ mua một cuốn sách chỉ dẫn. Ta có thể
hình dung một lập trình bằng hình ảnh giải thích tốt làm thế nào để in đóng một
quyển sách, nhưng để thu thập các hướng dẫn về việc làm thế nào để viết hoặc sử
dụng một lập trình, thì ta cần một quyển sách in.
Sau khi trải qua 12 tiếng trước một màn ảnh của máy điện toán, đôi mắt của tôi
như hai quả banh tennis, tôi thấy cần thoải mái ngồi xuống cái ghế bành và đọc
một tờ báo hoặc một bài thơ hay. Thế nên, tôi cho rằng máy điện toán đang truyền
bá một hình thái biết-chữ mới nhưng không có khả năng thoả mãn tất cả những nhu
cầu trí thức chúng đang khơi dậy. Xin nhớ rằng cả hai nền văn minh Hebrew và A
Rập thời đầu đều là các nền văn minh dựa trên một Quyển Sách và điều này không
độc lập với sự kiện cả hai đều là các nền văn minh du mục. Người Ai Cập cổ đã
khắc trữ liệu của họ trên những cái Rốn-trụ-đá, Moses và Muhammad thì không thể
làm như vậy. Nếu bạn muốn băng ngang Biển Đỏ, hoặc đi từ Bán đảo A Rập đến Tây
Ban Nha, thì một quyển sách cuộn là một công cụ thiết thực để lưu trữ và chuyên
chở Kinh Thánh và Kinh Koran hơn là một cái Rốn-trụ-đá. Đây cũng là lí do tại
sao hai nền văn minh dựa trên một quyển sách ấy đã ưu tiên chữ viết hơn hình ảnh.
Sách còn mang một lợi điểm khác so với máy điện toán. Ngay cả khi in trên loại
giấy có acid hiện thời, chỉ giữ được khoảng 70 năm, sách tồn tại lâu hơn các
nguồn từ trường. Hơn nữa, sách không sợ bị thiếu hoặc cúp điện, và bền hơn trước
những cú sốc
Cho đến nay, sách vẫn là một phương cách chuyển tải thông tin
tiết kiệm, linh hoạt, và tiện lợi nhất với giá thành thấp. Thông tin điện toán
đi trước bạn, sách đi cùng bạn, với vận tốc của bạn. Nếu bạn chìm tàu trôi dạt
vào một hải đảo trống vắng, nơi không có chỗ cắm điện, một quyển sách vẫn là một
công cụ sáng giá. Ngay cả khi máy điện toán của bạn chạy bằng pin mặt trời,
cũng không dễ đọc nó khi bạn nằm trên một cái võng. Sách vẫn là người bạn tốt
nhất cho một vụ chìm tàu, hoặc cho cái ngày sau đêm hôm đó. Sách thuộc loại
công cụ, một khi đã phát minh, thì chưa khi nào cần nâng cấp bởi chúng luôn làm
vừa lòng, như cái búa, con dao, cái thìa hoặc cái kéo.
THẾ NHƯNG HAI PHÁT MINH MỚI đang sắp được nền công nghiệp khai thác. Một là việc
in theo yêu cầu: sau khi rà xem danh mục của nhiều thư viện hoặc của các nhà xuất
bản, một người đọc có thể chọn quyển sách mình cần, người phụ trách kĩ thuật sẽ
ấn nút, máy sẽ in và đóng thành một bản đơn lẻ với kiểu chữ người đọc thích. Điều
này chắc chắn sẽ thay đổi toàn bộ thị trường in ấn. Có lẽ nó sẽ xóa bỏ các hiệu
sách, nhưng chắc chắn nó sẽ không xóa bỏ sách, và nó sẽ không xóa bỏ thư viện,
nơi duy nhất có thể tìm được sách, để rà xem và in lại. Nói một cách đơn giản:
mỗi quyển sách sẽ được cắt đặt phù hợp với ý muốn của người mua, như đã xảy ra
với các bản chép tay.
Phát minh thứ hai là sách điện tử, nơi mà bằng cách đưa một cuốn băng cực nhỏ
vào gáy hoặc bằng cách nối kết nó với mạng internet, một người có thể có một
quyển sách in ra trước mặt. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp này, chúng ta vẫn
có một quyển sách, dù nó khác với các quyển hiện hành, giống như những quyển
này khác với các bản chép tay khi xưa trên giấy da, và như cái khổ in
Shakespeare đầu tiên năm 1623 khác với ấn bản gần đây nhất của nhà xuất bản
Penguin. Thế nhưng, cho đến nay sách điện tử không chứng tỏ sự thành công như
những nhà phát minh ra nó mong muốn. Tôi nghe nói có những tay tin tặc, lớn lên
với máy điện toán, không quen lật sách để đọc, rốt cuộc đã đọc các kiệt tác văn
học qua sách điện tử, nhưng tôi nghĩ hiện tượng này vẫn còn rất giới hạn. Nói
chung, công chúng hình như vẫn thích cách đọc truyền thống trên giấy in khi đọc
một bài thơ hoặc một quyển tiểu thuyết. Sách điện tử chắc sẽ cho thấy sự tiện lợi
của nó trong việc tham khảo thông tin, như đã xảy ra với từ điển hoặc các tư liệu
đặc biệt. Chúng có lẽ sẽ giúp cho sinh viên học sinh khỏi phải đem theo hàng chục
quyển sách khi đến trường, nhưng chúng không thay thế các loại sách khác mà
chúng ta thích đọc trên giường trước khi ngủ, chẳng hạn.
Thực vậy, nhiều công cụ kỹ thuật mới đã không biến các công cụ trước đó lỗi thời.
Xe hơi chạy nhanh hơn xe đạp, nhưng xe hơi không làm xe đạp lỗi thời và không một
cải tiến kĩ thuật nào có thể làm một chiếc xe đạp hơn như nó đã là. Ý kiến cho
rằng một kĩ thuật mới sẽ xoá bỏ kĩ thuật trước đó là quá giản lược. Dù rằng sau
phát minh ra ảnh chụp, các họa sĩ không cảm thấy bị buộc phải phục vụ như một
nghệ nhân sản xuất lại hiện thực, nhưng điều này không có nghĩa là sự phát minh
của Daguerre chỉ khuyến khích hội hoạ trừu tượng. Cả một truyền thống hội họa
hiện đại hẳn không thể hiện hữu nếu không có người làm mẫu qua ảnh chụp, thử
nghĩ về ví dụ của trường phái siêu tả thực (hyper-realism). Ở đây, hiện thực được
nhìn dưới mắt nhà họa sĩ qua mắt máy chụp ảnh. Điều này có nghĩa là trong lịch
sử văn hóa chưa từng bao giờ xảy ra trường hợp cái gì đó giết cái kia một cách
giản dị. Đúng hơn, một cái mới phát minh thì luôn luôn thay đổi cái cũ một các
sâu sắc
Để kết thúc cái chủ đề mâu thuẫn về ý niệm biến mất của sách về mặt vật lí, cho
phép tôi nói rằng nỗi sợ này không chỉ liên quan đến sách mà còn về các dữ liệu
in ấn nói chung. Chao ôi! nếu có lúc nào đó chúng ta hi vọng rằng máy điện
toán, và đặc biệt các bộ xử lí văn bản, sẽ góp phần vào việc cứu vãn cây cối,
nhưng đây vẫn là điều mơ tưởng. Thật vậy, máy điện toán khuyến khích việc sản
xuất các dữ liệu in. Máy điện toán tạo ra những phương thức mới trong việc sản
xuất và truyền bá dữ liệu in. Để đọc lại và sửa một văn bản, nếu không giản dị
là một lá thư ngắn, ta cần phải in ra, đọc lại, sửa tại máy rồi lại in. Tôi
không tin rằng người ta có thể viết và sửa một văn bản một trăm trang mà không
in nhiều lần.
Hôm nay có những thi pháp siêu văn bản mới lạ theo đó ngay cả một quyển sách-để-đọc,
một bài thơ, cũng có thể biến thành một siêu văn bản. Tới đây, chúng ta chuyển
sang câu hỏi thứ hai, vì vấn đề không còn, hoặc không chỉ, là một vấn đề vật
lí, mà thật ra nó liên quan đến thực chất của hoạt động sáng tạo, của quá trình
đọc, và để tháo gỡ mớ rắc rối này, trước hết chúng ta phải chọn cái chúng ta
hàm nghĩa về một nối kết siêu văn bản.
Xin nhớ rằng nếu câu hỏi liên quan đến khả năng diễn giải bất định hoặc không
xác định từ phía người đọc, thì hẳn là nó rất ít liên quan đến vấn đề đang được
thảo luận. Đúng hơn, nó liên quan đến thi pháp của Joyce chẳng hạn, người nghĩ
về Finnegans Wake của mình như một văn bản được một người đọc lí tưởng
mang một căn bệnh mất ngủ lí tưởng đọc. Câu hỏi này liên quan đến giới hạn của
sự diễn giải, của cái đọc giải cấu trúc và của sự diễn giải quá mức, mà tôi đã
có các bài viết khác. Không: cái bây giờ đang được khảo sát là các trường hợp
trong đó tính bất định, hoặc ít ra là cái tính dồi dào không xác định của diễn
giải, không chỉ thuộc quyền chủ động của người đọc mà còn của cái tính lưu động
vật lí của chính văn bản, được sản xuất chỉ để được viết lại. Để lĩnh hội cách
hoạt động của các văn bản kiểu này, chúng ta cần phải phân xử rằng cái vũ trụ
văn bản mà chúng ta đang bàn là có hạn và xác định, là có hạn nhưng hầu như bất
định, là bất định nhưng có hạn, hay là vô hạn và bất định.
Trước hết, chúng ta cần phân biệt giữa hệ thống và văn bản. Một hệ thống (chẳng
hạn một hệ thống ngôn ngữ) là toàn thể khả năng biểu lộ của một ngôn ngữ vốn
có. Một tập hợp xác định các qui tắc ngữ pháp cho phép người phát biểu tạo ra
vô số câu, và mỗi ngữ tiết có thể được diễn giải dưới dạng các ngữ tiết hoặc kí
hiệu khác - một từ bởi một định nghĩa, một sự việc bởi một ví dụ, một con vật
hoặc một đóa hoa một bởi một hình ảnh, v.v…
Thử lấy một từ điển bách khoa chẳng hạn. Nó có thể định nghĩa một con chó là một
động vật có vú, cho nên bạn phải tìm đến mục từ động vật có vú, và nếu động vật
có vú được định nghĩa như những sinh vật thì bạn lại phải tìm đến mục từ sinh vật
v.v... Cùng lúc, đặc tính của chó có thể lấy ví dụ hình ảnh từ các con chó khác
loại; nếu bộ bách khoa nói rằng đó là một loại chó nhất định sống ở Lapland thì
bạn phải tìm đến mục từ Lapland để biết địa phương ấy ở đâu, và cứ thế mà tiếp
tục. Hệ thống là xác định, một bộ bách khoa về mặt vật lí là có hạn, nhưng hầu
như vô hạn, theo nghĩa là bạn có thể vòng quanh trong nó theo một kiểu vận động
xoắn ốc, vô tận. Theo nghĩa này, chắc chắn tất cả các quyển sách có thể tưởng
tượng được, đều được bao hàm trong một bộ từ điển và một hệ ngữ pháp tốt. Nếu bạn
có khả năng sử dụng một từ điển tiếng Anh thì bạn có thể viết Hamlet, và
chỉ là chuyện tình cờ mà khi xưa đã có người viết trước bạn. Hãy đưa cùng một hệ
thống về văn bản cho Shakespeare và cho một cậu học trò, cả hai đều tự do như
nhau để sáng tạo Romeo and Juliet.
Ngữ pháp, từ điển, và các bộ bách khoa là những hệ thống: bằng cách sử dụng
chúng, bạn có thể tạo ra mọi văn bản bạn muốn. Nhưng một văn bản tự nó không phải
là một hệ thống ngữ pháp hoặc bách khoa. Một văn bản đã có thu lại khả năng bất
định hoặc không xác định của một hệ thống để tạo ra một vũ trụ đóng. Chẳng hạn,
nếu tôi thốt ra câu nói: "Sáng nay tôi dùng điểm tâm với...", thì từ
điển cho phép tôi liệt kê rất nhiều món, miễn là hữu cơ. Nhưng nếu tôi đưa ra một
văn bản xác định và phát biểu: "Sáng nay tôi dùng điểm tâm với bánh mì
bơ", thì tôi đã loại bỏ phó-mát, trứng cá muối, thịt bò hun khói và táo. Một
văn bản cắt bỏ khả năng bất định của một hệ thống. Ngàn lẻ một đêm có
thể được diễn giải qua nhiều, rất nhiều cách, nhưng câu chuyện xảy ra ở Trung
Đông mà không ở Italia. Hãy cho rằng câu chuyện kể lại hành vi của Ali Baba hoặc
của Scheherazade và không liên quan đến một viên đại tá kiên quyết bắt cho bằng
được một con cá voi trắng, hoặc một nhà thơ vùng Toscani đi thăm Hỏa Ngục, Lò
Luyện Ngục và Thiên Đàng.
Thử lấy câu chuyện tiên Cô bé quàng khăn đỏ. Văn bản bắt đầu với một tập hợp
các nhân vật và tình huống - một cô bé, một bà mẹ, một người bà, một con sói, một
người tiều phu - và qua một loạt bước phát triển xác định, đi đến một giải
pháp. Chắc chắn rằng, bạn có thể đọc câu chuyện tiên này như một truyện ngụ
ngôn và khoác cho các sự cố và hành vi của các nhân vật những ý nghĩa đạo đức
khác nhau, nhưng bạn không thể biến Cô bé quàng khăn đỏ thành Cô bé lọ lem.
Chắc chắn Finnegans Wake mở ra nhiều cách diễn giải, nhưng cũng chắc
chắn rằng nó không bao giờ cung ứng cho bạn một chứng minh về định đề cuối của
Fermat [7],
hoặc một thư mục trọn vẹn về Woody Allen. Điều này có vẻ không đáng kể, thế
nhưng sự sai lầm triệt để của nhiều nhà giải cấu trúc là ở chỗ họ tin rằng bạn
có thể làm bất cứ gì bạn muốn với một văn bản. Điều này là hoàn toàn giả tạo.
Bây giờ giả dụ rằng chúng ta có một văn bản xác định và có hạn,
được tổ chức một cách siêu văn bản qua nhiều nối kết, nối những từ đã cho với
các từ khác. Trong một từ điển hoặc một bộ bách khoa, từ chó sói có khả năng nối
kết với mọi từ hợp thành sự định nghĩa, hoặc sự miêu tả nó (chó sói nối kết với
thú vật, với loài có vú dữ tợn, với chân, với bộ lông, với mắt, với rừng, với
các địa danh nơi có chó sói.v.v...). Trong Cô bé quàng khăn đỏ, con sói chỉ
có thể nối kết với các đoạn văn trong đó nó xuất hiện hoặc rõ ràng được gợi
lên. Khả năng của các loạt nối kết thì xác định và có hạn. Vậy thì, để một văn
bản xác định và có hạn có thể "mở ra", các chiến lược siêu văn bản
nào đã được sử dụng?
Khả năng thứ nhất là làm văn bản trở thành vô hạn về mặt vật lí, theo nghĩa một
câu chuyện có thể được dồi dào thêm qua các đóng góp kế tiếp của nhiều tác gia
khác nhau và có thể nói, trong một nghĩa kép: hai hoặc ba chiều. Qua điều này
tôi muốn nói rằng, chẳng hạn với truyện Cô bé quàng khăn đỏ, tác gia thứ
nhất đề xuất một tình huống khởi đầu (cô gái đi vào rừng), rồi nhiều người đóng
góp khác nhau có thể lần lượt triển khai câu chuyện, ví dụ, cho cô gái không gặp
con sói mà gặp Ali Baba, để cả hai bước vào một lâu đài kì diệu, sắp xếp cuộc đối
đầu với một con cá sấu ma quái, v.v..., do đó câu chuyện có thể được tiếp tục
nhiều năm. Nhưng văn bản cũng có thể bất định theo nghĩa là tại mỗi chỗ ngắt mạch
chuyện kể - chẳng hạn khi cô bé đi vào rừng - các tác gia có thể đưa ra nhiều
chọn lựa khác nhau. Cho tác gia này, cô bé có thể gặp cậu bé người gỗ
Pinocchio, cho tác gia kia cô bé có thể biến thành một con thiên nga, hay bước
vào một Kim tự tháp và khám phá ra châu báu của con trai hoàng đế
Tutankhamen.
Hôm nay điều này có thể xảy ra, bạn có thể tìm trên Net một số ví dụ thú vị của các trò chơi văn học như thế.
Hôm nay điều này có thể xảy ra, bạn có thể tìm trên Net một số ví dụ thú vị của các trò chơi văn học như thế.
TẠI ĐIỂM NÀY, người ta có thể đặt nghi vấn sự tồn tại của chính cái khái niệm
tác gia và tác phẩm nghệ thuật, như một tổng thể hữu cơ. Tôi giản dị chỉ muốn
thông báo rằng điều này đã từng xảy ra trong quá khứ mà không gây nhiễu cả tính
tác gia lẫn các tổng thể hữu cơ. Ví dụ thứ nhất là về Commedia dell'art của
Ý, hình thái hài kịch mà nhờ có một canovaccio - một tóm lược về câu
chuyện cơ sở - nên mỗi lần trình diễn, tùy theo tâm trạng và trí tưởng tượng của
diễn viên, đều khác nhau khiến chúng ta không thể nhận ra được bất cứ một tác
phẩm riêng nào, có cái tên Arlecchino servo di due padroni (Arlequin
người hầu của hai chủ), của một tác gia nào đó, và chỉ có thể ghi nhận một chuỗi
trình diễn liên tục, phần lớn đã hoàn toàn thất lạc, và tất cả chắc chắn đều khác
nhau.
Một ví dụ khác có thể được nêu lên là một buổi tụ họp chơi nhạc jazz ứng tác
(Jam Session). Chúng ta có thể tin rằng trước kia đã có một buổi diễn tấu Basin
Street Blues đặc biệt được ưa thích, trong khi chỉ còn lại một buổi diễn tấu sau
đó được thu lại, nhưng chúng ta biết rằng điều này là không chính xác. Đã có từng
ấy Basin Street Blues tương ứng với từng ấy buổi diễn tấu, và trong
tương lai, chỉ cần hai hoặc nhiều nhạc công gặp nhau và trình tấu bản chơi
riêng và mới của họ trên chủ đề ban đầu, thì sẽ còn nhiều buổi nữa chưa được biết.
Tôi muốn nói là chúng ta đã quen với ý niệm thiếu vắng tác gia trong nghệ thuật
dân gian tập thể, khi mỗi người tham dự thêm vào điều gì đó, với kinh nghiệm
như của các câu-chuyện-không-kết kiểu nhạc jazz.
Việc thực hiện các cung cách sáng tạo tự do như thế rất đáng được hoan nghênh
và là phần của mô thể văn hóa của một xã hội.
Tuy nhiên, có một sự khác biệt giữa việc thực thi các hoạt động sản xuất ra văn
bản bất định và vô hạn, và sự hiện hữu của các văn bản đã được sản xuất, vốn có
thể được diễn giải qua những phương cách bất định nhưng có hạn về mặt vật lí.
Trong nền văn hóa đương đại giống nhau của chúng ta, chúng ta chấp nhận và đánh
giá một buổi diễn tấu Giao hưởng số 5 của Beethoveen cũng như một buổi chơi nhạc
jazz ứng tác trên chủ đề Basin Street tùy theo các tiêu chuẩn khác nhau. Theo
nghĩa này, tôi thấy, nói chung, không có cách nào trò chơi quyến rũ của việc tạo
ra các câu chuyện tập thể bất định trên Net lại có thể lấy mất của chúng ta nghệ
thuật và văn học tác gia. Đúng ra, chúng ta đang diễn hành về một xã hội giải
phóng hơn trong đó tính sáng tạo tự do sẽ chung sống với sự diễn giải các văn bản
viết đã có. Tôi thích điều này. Nhưng chúng ta không thể nói chúng ta đã thay
thế một cái cũ với một cái mới. Chúng ta có cả hai.
Bấm vụt đài truyền hình là một loại hoạt động rất khác, không dính gì đến việc
xem phim theo nghĩa truyền thống. Một dụng cụ siêu văn bản cho phép chúng ta
sáng tác ra các văn bản mới vốn không liên quan gì đến khả năng diễn giải các
văn bản đã có. Tôi đã liều lĩnh đi tìm một ví dụ về các tình huống văn bản vô hạn
và xác định, nhưng không có khả năng làm được chuyện đó. Thật vậy, nếu bạn có
vô vàn yếu tố để xử lí, thế thì tại sao lại phải tự giới hạn vào việc tạo ra một
vũ trụ xác định? Đây là một vấn đề thần học, một loại thể thao vũ trụ, trong đó
một người, hoặc chính Người, có thể thực hiện mọi diễn tấu khả dĩ, nhưng lại tự
qui định một luật tắc, có nghĩa là những giới hạn, và tạo ra một vũ trụ rất nhỏ
và giản dị. Tuy nhiên, cho phép tôi xét một khả năng khác mà với cái liếc nhìn
đầu thì hứa hẹn một con số vô tận về khả năng và một con số xác định về yếu tố,
giống như một hệ thống kí hiệu, nhưng trên thực tế nó chỉ đề xuất một ảo tưởng
về tự do và sáng tạo.
Một siêu văn bản thậm chí có thể mang lại ảo tưởng mở cho một
văn bản đóng: một câu chuyện trinh thám có thể được cấu trúc theo phương cách
mà người đọc có thể lựa một giải pháp của chính mình, quyết định vào lúc kết cuộc
là kẻ tội đồ phải là viên quản gia, vị giám mục, tay thám tử, người kể chuyện,
tác gia hay người đọc. Như thế họ có thể dựng nên câu chuyện riêng của họ. Ý tưởng
ấy không phải là mới. Trước phát minh ra máy điện toán, các nhà thơ và các nhà
kể truyện đã mơ về một văn bản hoàn toàn mở nơi người đọc có thể soạn lại qua
vô số cách khác nhau. Đấy là ý tưởng về Le Livre(Quyển Sách) được Mallarmé
tán dương. Raymond Queneau còn phát minh ra phép algôrít tổ hợp nhờ đó người ta
có thể soạn, từ một nhóm câu thơ xác định, ra hàng triệu bài thơ. Trong những
năm đầu của thập niên 1960, Max Saporta viết và xuất bản một quyển tiểu thuyết
mà những trang của nó có thể dời chỗ để soạn ra những câu chuyện khác nhau, và
Nanni Balestrini đưa vào máy điện toán một danh sách những câu thơ rời rạc để
chiếc máy trong những cách phối hợp khác nhau, soạn ra những bài thơ khác nhau.
Nhiều nhà soạn nhạc đương đại đã tạo ra những nhạc bản để một người, bằng cách
xử lý chúng, có thể soạn ra các diễn tấu khác nhau.
Tất cả các văn bản có thể dời đổi được một cách vật lí ấy có thể mang lại một ấn
tượng về một sự tự do tuyệt đối cho người đọc, nhưng đây chỉ là một ấn tượng, một
ảo tưởng về tự do. Bộ máy duy nhất cho phép ta tạo ra một văn bản bất định với
một con số xác định về yếu tố đã từng hiện hữu cả thiên niên kỉ nay, đấy là bộ
chữ cái. Sử dụng một bộ chữ cái với một số chữ giới hạn, người ta có thể sản xuất
hàng tỉ văn bản, đây chính xác là điều đã được làm từ Homer đến nay. Ngược lại,
một văn-bản-kích-gợi (stimulus-text) không cung ứng chữ hoặc từ nhưng các chuỗi
từ hoặc trang tiền ấn định, không đặt chúng ta trong tình trạng tự do sáng tác
bất cứ cái gì chúng ta muốn. Chúng ta có tự do dời chuyển những đoạn văn bản tiền
ấn định qua khá nhiều cách. Mobile của Calder hấp dẫn không bởi sự thể nó tạo
vô số khả năng chuyển động mà bởi sự thể chúng ta ngưỡng mộ cái qui luật sắt mà
nhà nghệ sĩ áp đặt trong nó, cái khiến tác phẩm chỉ chuyển động theo cách
Calder muốn.
Tại ranh giới cuối cùng của tính văn bản tự do, có thể có một văn bản khởi đầu
như một văn bản đóng, thử nghĩ về Cô bé quàng khăn đỏ hoặc Ngàn
lẻ một đêm. Tôi, người đọc, có thể thay đổi theo khuynh hướng của mình, thảo ra
một văn bản thứ hai, không còn giống văn bản gốc nữa, mà tác giả là chính tôi,
dù rằng việc xác định cương vị tác gia của tôi là một vũ khí chống lại khái niệm
cương vị tác gia xác định. Mạng Net mở ra cho thử nghiệm, và phần lớn các thử
nghiệm ấy có thể hay và bổ ích. Không ai có thể cấm cản một người viết ra câu
chuyện nơi Cô bé quàng khăn đỏ ngấu nghiến con chó sói. Không ai có
thể cấm cản chúng ta việc phối hợp nhiều câu chuyện khác nhau thành một hình thức
nối chắp chuyện kể. Nhưng điều này chẳng có gì liên quan đến chức năng thực sự
và sự quyến rũ thâm sâu của sách.
MỘT QUYỂN SÁCH TRAO CHO CHÚNG TA MỘT VĂN BẢN, kể điều gì đó vốn không thể thay
đổi, trong lúc mở ra nhiều cách diễn giải. Giả dụ bạn đang đọc Chiến tranh
và Hòa bình của Tolstoj: bạn mơ ước một cách tuyệt vọng rằng Natasha sẽ
không nhận sự săn đón của một anh chàng du thủ du thực khốn khổ là Anatolij; bạn
mơ ước một cách tuyệt vọng rằng chàng trai tuyệt vời là hoàng tử Andrej sẽ
không từ giã cõi đời, rồi chàng và Natasha có thể sống hạnh phúc muôn đời bên
nhau. Nếu bạn có Chiến tranh và Hòa bình trong dạng CD-ROM siêu văn bản
và xử lý tương tác, bạn có thể viết lại câu chuyện của chính bạn, theo mong ước
của bạn; bạn có thể tạo ra vô số Chiến tranh và Hòa bình, trong đó Pierre
Besuchov thành công trong việc hạ sát Napoleon hoặc là, theo khuynh hướng của
mình, bạn để Napoleon đánh bại hoàn toàn tướng Kutusov. Quả là tự do, thật là
kích động! Bất cứ một Bouvard hay Pécuchet [8] nào
đều có thể trở thành Flaubert!
Than ôi, với một quyển sách đã viết mà số phận đã được giải quyết qua giải pháp
áp đặt của tác gia, chúng ta không thể làm được chuyện đó. Chúng ta buộc phải
chấp nhận số phận, và nhận ra rằng không thể thay đổi định mệnh. Một tiểu thuyết
siêu văn bản và xử lý tương tác cho phép chúng ta thực hành sự tự do và sáng tạo.
Tôi hy vọng loại hoạt động sáng tạo như thế trong tương lai sẽ được thực thi ở
nhà trường. Nhưng tác phẩm đã xong và đã xác định, Chiến tranh và Hòa bình,
không khiến chúng ta phải đối đầu với khả năng vô hạn của trí tưởng tượng, mà với
qui luật nghiêm khắc vận hành sự sống và cái chết.
Tương tự, trong Les Misérables (Những kẻ khốn cùng), Victor Hugo miêu
tả trận Waterloo hết sức hấp dẫn. Waterloo của Hugo thì khác với Waterloo của
Stendhal. Trong La Chartreuse de Parme (Tu viện thành Parma),
Stendhal quan sát trận đánh qua cặp mắt nhân vật chính, nhìn từ bên trong sự kiện
và không hiểu sự phức tạp của nó. Ngược lại, Hugo miêu tả trận đánh từ điểm
nhìn của Thượng Đế, theo sát từng chi tiết, thống lĩnh toàn bộ cảnh tượng qua
phối cảnh chuyện kể của ông. Hugo không chỉ biết cái đã xảy ra mà còn biết cả
cái có thể đã xảy ra mà trên thực tế đã không xảy ra. Ông biết nếu Napoleon biết
bên kia đỉnh Saint Jean có một vách đá, thì đạo quân kị binh áo giáp của Tướng
Milhaud đã không quị ngã dưới gót quân Anh, nhưng tin tức bên trong sự cố thì
mơ hồ hoặc thiếu vắng. Hugo biết rằng nếu người chăn cừu chỉ đường Tướng von
Bulow gợi một lộ trình khác, thì đạo quân Phổ đã không thể đến đúng lúc khiến
quân Pháp phải bại trận.
Thật vậy, trong một trò-chơi-sắm-vai, một người có thể viết lại Waterloo để
Grouchy đem quân tới cứu Napoleon. Nhưng cái đẹp bi thiết Waterloo của Hugo là ở
chỗ người đọc cảm thấy sự thể xảy ra độc lập với ước muốn của họ. Cái quyến rũ
của văn học bi thiết là ở chỗ, chúng ta cảm thấy các nhân vật chính có thể trốn
thoát số phận của họ, nhưng họ không thành công bởi do các yếu điểm, do danh dự,
hoặc do sự mù quáng của họ.
Ngoài ra, Hugo còn bảo chúng ta: "Thế thì có phải một sự bàng hoàng, một lỗi lầm, một đổ nát, một cú ngã như thế, cái đánh động toàn bộ lịch sử, lại không có nguyên nhân hay sao? Không...sự biến đi của con người vĩ đại ấy là tất yếu cho thế kỉ mới đang đến. Có người nào đó, chẳng gì cưỡng lại được, đã chăm lo sự cố... Thượng Đế đã ghé ngang, Dieu a passé.".
Ngoài ra, Hugo còn bảo chúng ta: "Thế thì có phải một sự bàng hoàng, một lỗi lầm, một đổ nát, một cú ngã như thế, cái đánh động toàn bộ lịch sử, lại không có nguyên nhân hay sao? Không...sự biến đi của con người vĩ đại ấy là tất yếu cho thế kỉ mới đang đến. Có người nào đó, chẳng gì cưỡng lại được, đã chăm lo sự cố... Thượng Đế đã ghé ngang, Dieu a passé.".
Đây là điều mà các quyển sách vĩ đại bảo chúng ta, rằng Thượng Đế đã ghé ngang,
và Ngài đã ghé cho người tin cũng như người hoài nghi. Có những quyển sách
không thể viết lại, vì chức năng của chúng là để dạy sự tất yếu, và chỉ bằng
cách tôn trọng chúng như chúng đã là, thì chúng mới có thể cung ứng cho chúng
ta một trí khôn ngoan như thế. Bài học áp đặt của sách là tuyệt đối cần thiết để
đạt đến một cõi tự do trí tuệ và đạo đức cao hơn.
Tôi hy vọng và mong ước rằng Bibliotheca Alexandrina sẽ là nơi tiếp tục lưu giữ
các quyển sách loại này, để cung ứng cho người đọc mới, sự trải nghiệm không thể
thay thế được. Ngôi đền của trí nhớ thực vật muôn năm.
Đây là toàn văn bài nói chuyện ngày 1/11/2003 tại
Bibliotheca Alexandrina, Ai Cập, được xây dựng lại và khánh thành ngày
16/10/2002, sau hơn 16 thế kỉ tiếp tục tồn tại trong huyền thoại. Thư viện
Alexandrina nguyên thủy được sáng lập vào thế kỉ thứ III trước CN, nơi nhiều
nhân vật lẫy lừng thời cổ đại từng hoạt động (Archimede, Euclide, Eratosthenes,
St. Mark và Manetho...), vào thế kỉ IV thì bị thiêu hủy hoàn toàn. Đây cũng
là nơi hoàn thành bản dịch Kinh Cựu Ước đầu tiên từ tiếng Hebrew sang tiếng Hy Lạp. Công trình mới mở này, một dự án được UNESCO hỗ trợ, là một trong những
thư viện tân kỳ và lớn nhất thế giới, tiếp tục nuôi dưỡng niềm hi vọng được là
nơi để các nền văn hóa và các nền văn minh gặp nhau và kết trái. [1]
[1] Một
số thông tin về thư viện:
www.arcspace.com/
[2] Cột
đá, thường được dựng từng cặp trước các ngôi đền cổ Ai Cập với những trạm trổ
và ghi chú có tính chất tôn giáo và tri ân các Hoàng Đế.
[3] Phiến
đá tìm được năm 1799 gần Rosetta, chứa những câu khắc song song bằng chữ Hy Lạp,
chữ tượng hình và chữ cổ Ai Cập, giúp cho việc giải mã chữ tượng hình cổ Ai Cập.
[4] Marshall
McLuhan (1911 - 1980), lý thuyết gia truyền thông người Canada.
[5] Johannes
Gutenberg (sinh, thập niên cuối thế kỷ 14- mất, 1468?), người phát minh ra
phương pháp in bằng bản kim khí tháo gỡ được ở Phuơng Tây, đưa sự hiệu quả in ấn
lên một trình độ mới. Cho đến thế kỷ 20, phương pháp này không thay đổi gì nhiều.
[6] Một
công cụ giả định, dùng trong toán học, do nhà toán học Anh Alan M. Turing
(1912-54) miêu tả năm 1936
[7] Pierre
Fermat (1601 - 1665), nhà toán học Pháp, người được cho là nhà sáng lập ra lý thuyết về số. Cùng với Descartes, ông là một trong hai nhà toán học đứng đầu của nửa đầu thế kỷ 17. Định đề toán học hóc búa nổi tiếng của ông gần đây mới được
chứng minh.
[8] Bouvard
et Pécuchet: tên tác phẩm còn dở dang trên bàn viết khi Gustave Flaubert mất
(1821-1880) [được xuất bản năm 1881], cũng là tên hai nhân vật chính, làm nghề
sao chép, một sự thừa kế bất ngờ cho phép họ thực hiện giấc mơ lui về cuộc sống
ẩn dật khai thác ruộng đất, nhưng thất bại. Để tìm hiểu nguyên do, họ lao đầu
vào học lần lượt đủ các bộ môn khoa học, rồi khảo cổ, lịch sử, văn học, chính
trị, thể dục, và cả chuyện muốn tìm hiểu tình yêu, phù thuật, triết học, tôn
giáo, giáo dục, nhưng vẫn thất bại, cuối cùng đành phải trở lại nghề sao chép
và quyết định thực hiện một tuyển tập các điều ngu đần của loài người.
Umberto Eco
Người dịch: Vũ Ngọc Thăng
Nguồn: http://weekly.ahram.org.eg/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét