Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2018

Sự tinh khiết của nghệ thuật bị vẩn đục vì ô trọc đời thường

Sự tinh khiết của nghệ thuật 
bị vẩn đục vì ô trọc đời thường
Tối qua, rảnh rảnh, mình đọc báo Thanh Niên, thấy có tờ văn bản của nhạc sĩ, rồi viết và post bài Trịnh Công Sơn bán tác quyền sử dụng ca khúc cho Khánh Ly giá 5.000 USD. Tất cả chỉ trong khoảng 20 phút. Trước khi enter đưa lên mạng, mình suy nghĩ một chút về cái tiêu đề. Viết cụt ngủn hai cái tên Trịnh Công Sơn/ Khánh Ly có vẻ vô văn hóa chăng? Hay là viết "nhạc sĩ Trịnh Công Sơn", "ca sĩ Khánh Ly" cho lịch sự và đầy đủ? Nhưng cuối cùng mình quyết định viết "cụt ngủn" là Trịnh Công Sơn và Khánh Ly. Đơn giản là vì mình nghĩ chính cái tên Trịnh Công Sơn cũng đủ để mọi người biết ngay đó là một nhạc sĩ tài năng của Việt Nam mình. Còn Khánh Ly thì nay bà đã lớn tuổi, không còn là một ca sĩ chuyên nghiệp nữa. Hơn nữa, cái tên Khánh Ly cũng đã quá lớn, quá đủ rồi.
Mình lại suy nghĩ về chữ "bán tác quyền", dùng chữ "bán" có nặng nề hay thực dụng quá không? Có bóp méo mối quan hệ tình cảm, không vụ lợi (mà nói thẳng ra là những người bên ngoài mối quan hệ đó cũng không thể biết hết, đánh giá hết - nên biết gì mà bình, bàn theo kiểu chợ trời) giữa hai người hay không? Song mình nghĩ một khi Khánh Ly đã công bố, tức là bà muốn minh bạch chuyện bà được Trịnh Công Sơn cho phép bà hát ca khúc của ông - một cách minh bạch và có cơ sở pháp lý đàng hoàng. Và vì thấy đó là một giao dịch dân sự nghiêm túc, có sự mua - bán sòng phẳng, rõ ràng, chứ không phải là sự vụ lợi - điều đó là tốt cho Khánh Ly, tốt cho Trịnh Công Sơn - nên tôi quyết định dùng chữ "bán".
Bản thân tôi, tự trong tâm khảm, tuyệt đối tin rằng Trịnh Công Sơn và Khánh Ly là một bộ đôi huyền thoại trong nghệ thuật. Giữa họ không bao giờ và không thể có chút vương vấn chuyện tiền bạc, chuyện bán mua. Mà ngày xưa ấy, có ai nói chuyện bán mua tác quyền. Nhưng khi lập tờ giấy ấy, là Trịnh Công Sơn đã thể hiện trách nhiệm và tình cảm với Khánh Ly. Ông cảm nhận và biết được khả năng có thể có những rắc rối pháp lý liên quan đến các sáng tác của ông. Nên ông muốn Khánh Ly có một cái "bình phong" có thể dùng khi bị những tai ương nào đó. Ông ghi "5.000 USD", chính là để muốn "ai đó" sau này hiểu rằng ông đã lấy tiền của Khánh Ly rồi, đừng có "bon chen" vào nữa...
Nếu ai đã nghe nhạc Trịnh Công Sơn, đã say tiếng hát Khánh Ly, thì hẳn hoàn toàn đồng ý với những điều tôi nói ở trên. Còn nhớ Khánh Ly mặc áo dài, đi chân đất hát trong vòng tay sinh viên, trong tiếng Ghita thùng bập bùng của Trịnh Công Sơn... Còn nhớ Trịnh Công Sơn giọng Huế giới thiệu "bây giờ tới lượt Khánh Ly hát"...
Trong các mối quan hệ pháp lý ngoài xã hội, không ít trường hợp người ta phải lồng yếu tố TIỀN vào, chính là để bảo đảm cho yếu tố TÌNH. Một người hoàn toàn có thể cho người khác một món quà, nhưng thay vì tặng, người ta bán, người ta lấy tiền!
Lấy ngay như trường hợp sếp cũ của tôi là anh Nam Đồng (nguyên tổng biên tập báo Pháp luật TP. HCM), hiện nay đang tổ chức nhiều quán cơm từ thiện Nụ Cười ở Sài Gòn. Ông bán cơm giá 2000 đồng. Thực ra, ông/và những người chung sức chung lòng, có thể cho. Nhưng ông bán. 2000 đồng thực chất là tượng trưng, thể hiện sự tôn trọng của người cho đối với người nhận, bảo đảm cho họ một chỗ đứng công bằng trong cõi nhân gian, bảo đảm tình cảm của mình giành cho người nghèo được trọn vẹn.

Chính vì vậy, sáng nay đọc báo, thấy có một nhạc sĩ phân tích tờ văn bản của Trịnh Công Sơn theo kiểu tính toán thực dụng, toàn Tiền và Tiền, thấy không ít ý kiến bàn ra bàn vào về mặt pháp lý ... - tự nhiên thấy lòng buồn man mác.
Để đọc một cuốn sách hay, thậm chí tuyệt hay, bất hủ, để nghe một bản nhạc tuyệt hay, thậm chí bất hủ ... - thật sự dễ dàng lắm và cũng không tốt kém gì đáng kể, ai cũng có thể tự mình thực hiện.
Nhưng để hiểu, để cảm nhận và thẩm thấu thì hoàn toàn không dễ dàng và cũng cần phải có thời gian, có sự tích tụ về kiến thức, cảm xúc, trải nghiệm cuộc sống... Nhưng điều quan trọng nhất, có lẽ vậy, theo tôi - là cần phải bảo đảm sự
TINH KHIẾT của nghệ thuật, của môi trường nghệ thuật. Vì trong nghệ thuật không có chỗ cho sự ô trọc, thực dụng. Nghệ thuật hay trường tồn mãi với thời gian, sẽ tạo ra giá trị, tạo ra tiền, thậm chí rất nhiều tiền - nhưng đó là công việc của những người kinh doanh.
Xin đừng hủy hoại, hãy giữ gìn sự tinh khiết vô thường cho
TRỊNH CÔNG SƠN - KHÁNH LY.

Để gió cuốn đi
Trần Hồng Phong
Theo http://dandensg.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...