Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2018

“Diễm xưa” của Trịnh ở phố biển Quy Nhơn

“Diễm xưa” của Trịnh ở phố biển Quy Nhơn
Nhân ngày giỗ Trịnh. Tuy không nhiều, nhưng tôi có vài lần gặp và nghe Trịnh Công Sơn hát.
Diễm là một người con gái có thật trong cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tình yêu và nỗi hoài nhớ về Diễm là nguồn cảm hứng ra đời của ca khúc Diễm xưa. Nhưng có thể nói cuộc tình nào, người con gái nào đi qua cuộc đời Trịnh cuối cùng đều sẽ trở thành một Diễm xưa. Trong số đó, mối tình của Trịnh với một người con gái nơi phố biển Quy Nhơn tuy trầm lắng, nhưng có lẽ lại là một mối tình lớn nhất, với bao day dứt và có cả niềm ân hận của Trịnh Công Sơn. 
Diễm xưa của Huế mộng mơ
Qua những tư liệu và lời kể của chính nhạc sĩ, người ta biết tình yêu đầu tiên của Trịnh Công Sơn là cô nữ sinh trường Đồng Khánh (Huế) có tên Ngô Vũ Bích Diễm - một thiếu nữ xinh đẹp mảnh mai, con một vị giáo sư dạy Pháp văn. Đó là một mối tình có tính thần tiên, hầu như là vô vọng và một chiều. Hàng ngày, từ căn gác trọ của gia đình, Trịnh vẫn mơ mộng ngắm nhìn người con gái trong tà áo dài nữ sinh đi bộ dọc theo bờ sông Hương, qua cây cầu Phủ Cam đến trường Đồng Khánh.

Tự bao giờ, Trịnh yêu Diễm đến “mê mệt”! Những ngày không thấy Diễm đi qua anh đau khổ vô cùng. Con đường trước nhà bỗng “dài hun hút cho mắt thêm sâu”. Lúc ấy họa sĩ Đinh Cường thuê nhà ở gần nhà Diễm làm xưởng vẽ. Hai bạn canh chừng, những khi người thầy giáo có giờ dạy, mà Diễm đang ngồi ở nhà học bài, thì “liều” mình qua thăm. Diễm biết Trịnh yêu mình và hẳn trái tim cô cũng có những phút giây rung động, xao xuyến. Nhưng tình yêu của họ, nếu gọi là tình yêu, cũng chỉ là hương bay gió thoảng, mộng tưởng đầu đời. Đó là khoảng cuối năm năm 1961, khi Trịnh Công Sơn 22 tuổi.
Năm 1962, khi vào Quy Nhơn học ngành sư phạm, nhớ về Diễm, Trịnh đã viết ca khúc nổi tiếng “Diễm xưa”. Với những lời ca nồng nàn, đầy hoài niệm:
Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sầu.
Tháp Chàm ở Bình Định
Ngày nay, có nhiều thông tin không chính xác về thời gian ra đời của Diễm xưa. Nhưng với tình tiết “mưa bay trên tầng tháp cổ” có thể khẳng định chính Quy Nhơn là nơi Trịnh viết Diễm Xưa. Vì chỉ có ở Quy Nhơn (Bình Định) mới có những tòa tháp cổ của người Chăm (còn gọi là người Hời). Ở Huế không có tháp cổ.
Và Diễm Xưa của Biển nhớ Quy Nhơn
Trong khoảng ba năm (1962-1964), từ Huế vào học ở trường Sư phạm Quy Nhơn, chính từ phố biển xinh đẹp và nhỏ bé này, Trịnh Công Sơn đã sáng tác một loạt ca khúc tình yêu mà ngày nay có thể nói là những ca khúc bất tử, rất nổi tiếng. Đó là Biển nhớ, Diễm Xưa, Nắng thủy tinh, Nhìn những mùa thu đi, Chiều một mình qua phố, Cát bụi v.v... Những khúc tình ca gây kinh ngạc và thán phục trong lòng công chúng yêu âm nhạc. Đây là giai đoạn sáng tác đầu tiên, nhưng sung sức nhất trong cuộc đời của người nghệ sĩ lãng mạn nhưng cũng vô cùng cô đơn Trịnh Công Sơn.

Vậy người đẹp nào đã làm rung động con tim, tạo nên nguồn cảm hứng đến vô cùng trong Trịnh, để ông có thể cho ra đời những tác phẩm âm nhạc vô giá trong giai đoạn này? Tới nay hầu như không có nhiều thông tin về việc này. Song qua những gì Trịnh Công Sơn để lại và kể lại, dù không nhiều, có thể khẳng định ông đã có một mối tình rất lớn lao, sâu đậm, nếu không nói là sâu đậm nhất trong cuộc đời mình ở Quy Nhơn. Nhưng đó lại là một chuyện tình buồn và day dứt, có cả niềm ân hận - mà Trịnh Công Sơn luôn né tránh, lo sợ mỗi khi nghĩ về nó.
Tôi có một người bạn lớn tuổi người Bình Định, từng học chung với Trịnh Công Sơn ở Đại học sư phạm Quy Nhơn. Anh khẳng định biết rõ Trịnh Công Sơn từng có một mối tình rất nổi tiếng (vì được nhiều bạn bè biết đến) với một người con gái xinh đẹp đài các tên là Tôn Nữ Bích Khê. Vẫn còn dõi theo Trịnh cho đến hết cuộc đời, anh khẳng định có lẽ mối tình của Trịnh ở Quy Nhơn, tuy “kín tiếng” và ngắn ngủi, nhưng là lớn lao và mãnh liệt nhất của Trịnh. Thậm chí đây là một mối tình “khốc liệt” mà Trịnh sẽ không thể nào quên (!?). Người bạn của tôi cũng nói người con gái ấy (Bích Khê) đã qua đời từ những năm chiến tranh. 
Bãi biển thơ mộng rủ bóng dương ở Quy Hòa 
(Quy Nhơn), nơi từng in dấu chân Trịnh Công Sơn.
Ngày mai em đi 
biển nhớ tên em gọi về 
gọi hồn liễu rũ lê thê 
gọi bờ cát trắng đêm khuya 
Ngày mai em đi 
đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ 
sỏi đá trông em từng giờ 
nghe buồn nhịp chân bơ vơ 
Ngày mai em đi 
biển nhớ em quay về nguồn 
gọi trùng dương gió ngập hồn 
bàn tay chăn gió mưa sang 
Ngày mai em đi 
thành phố mắt đêm đèn mờ 
hồn lẻ nghiêng vai gọi buồn 
nghe ngoài biển động buồn hơn 
Hôm nào em về 
bàn tay buông lối ngỏ 
đàn lên cung phím chờ 
sầu lên đây hoang vu 
Ngày mai em đi 
biển nhớ tên em gọi về 
triều sương ướt đẫm cơn mê 
trời cao níu bước sơn khê 

Ngày mai em đi 
cồn đá rêu phong rủ buồn 
đèn phố nghe mưa tủi hờn 
nghe ngoài trời giăng mây tuôn 
Ngày mai em đi 
biển có bâng khuâng gọi thầm 
ngày mưa tháng nắng còn buồn 
bàn tay nghe ngóng tin sang 
Ngày mai em đi 
thành phố mắt đêm đèn vàng 
nửa bóng xuân qua ngập ngừng 
nghe trời gió lộng mà thương.

Đó là nguyên văn lời thơ trong ca khúc Biển Nhớ của Trịnh Công Sơn, ca khúc mà những người yêu nhạc Trịnh không thể không biết tới.
Họa sĩ Đinh Cường, bạn thân của Trịnh, cho biết Biển nhớ được viết cho Tôn Nữ Bích Khê, một nữ sinh trường Sư phạm Quy Nhơn vào mùa hè 1962. Một điều rất đặc biệt mà ít ai để ý, là Trịnh đã đặt tên hai người (Sơn và Khê) bên nhau trong một câu thơ đầy ai oán “Trời cao níu bước Sơn Khê”.
Qua Biển nhớ, Trịnh khóc cho mối tình của mình, khóc cho “ngày mai em đi”. Nhưng sao Trịnh lại đổ lỗi ông trời “níu bước sơn khê”, ngay trong thời khắc tình yêu của họ vẫn đang còn đó? Đang yêu sao nhạc sĩ lỡ nói lời “ngày mai em đi”? Sao phải “Biển nhớ gọi tên em về”?... Có lẽ chỉ có Trịnh mới biết và trả lời được.
Qua lời bài hát, Trịnh Công Sơn gắn bó và yêu thương đến nhường nào người con gái ấy. Giữa họ có biết bao kỷ niệm. Bao lần họ cùng đạp xe trên những con phố nhỏ, ngồi bên bờ cát, dưới những nhành liễu... Biển nhớ rõ ràng là lời khóc chia tay cho cuộc tình buồn và day dứt của Trịnh.

Trịnh Công Sơn từng nói “Quy Nhơn đối với tôi có quá nhiều kỷ niệm. Những kỷ niệm miên man về biển Quy Nhơn, Gành Ráng và những tháp Chàm cổ kính rêu phong”. Ông nói nắng Quy Nhơn lạ lắm, nắng vàng, rất vàng. Từ ngôi trường sư phạm Quy Nhơn nhìn xuống mặt biển lúc ban trưa, nắng vỡ vụn như hàng triệu triệu mảnh thủy tinh lấp lánh”. Đó chính là nắng Quy Nhơn trong “Nắng thủy tinh” của Trịnh. Nếu không có tình yêu say đắm chốn này, ông có viết được không những ca từ ấy?
Lùa nắng cho buồn vào tóc em
Bàn tay xanh xao đón ưu phiền
Ngày xưa sao lá thu không vàng
Và nắng chưa vào trong mắt em

Tình yêu nam nữ giữa Trịnh và người con gái mang tên Bích Khê rõ ràng đã gần đến mức gần nhất. Đã bao lần Trịnh “lùa nắng vào tóc” người con gái ấy. Mùa thu nhưng sao lá không vàng? Một mối tình buồn và trắc trở.
Ngay chính trong lúc viết Diễm Xưa, dù lòng vẫn nhớ về người con gái nơi xứ Huế, song người ta đã có thể thấy thấp thoáng một cuộc tình mới của Trịnh, một con người phiêu lãng, nhưng muốn quên mình là kẻ lãng du, với một người con gái ở phố biển Quy Nhơn.
Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em nhớ những vết chim di
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Để người phiêu lãng quên mình lãng du

“Diễm Xưa” không phải là một người  
Suốt đời mình Trịnh Công Sơn yêu thật nhiều, nhưng không chính thức kết hôn với ai. Mọi cuộc tình của ông đều dang dở, đều đẹp một cách mong manh, siêu thoát. Nhưng cũng thật buồn và đầy luyến tiếc.
Sau Diễm, Trịnh yêu Ngô Vũ Dao Ánh (em gái Diễm) trong thời gian 1964-1967, khi ông vào dạy học ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) và đã chia xa Biển nhớ Quy Nhơn.

Cuối những năm 1980, báo chí từng chính thức đưa tin Trịnh Công Sơn đính hôn và sắp kết hôn với một á hậu. Nhưng đám cưới của họ cũng đã chưa bao giờ có. Sau đó, Trịnh còn dính tin đồn tình cảm với ca sỹ Hồng Nhung, để cho ra đời ca khúc Bống bồng ơi…
Dịch giả Bửu Ý, một bạn thân của Trịnh, nói rằng đếm “sơ sơ” cũng thấy đã có khoảng 23 người đẹp đi qua đời ông.
Bà Ngô Thị Bích Diễm, nàng Diễm xưa ngày nào, trong một lần từ nước ngoài về thăm Huế thổ lộ: “Trong Huế có một tình yêu mà từ lâu tôi đã giữ im lặng. Tình cảm của Sơn dành cho tôi quá đẹp nên lúc nào tôi cũng trong trạng thái mơ hồ. Tôi không dám nhận mình là người con gái trong nhạc phẩm Diễm xưa. Nhưng đó là một mối tình rất đẹp của chúng tôi ngày ấy. Năm 1963, lúc 20 tuổi, tôi vào Sài Gòn học đại học, còn Sơn vào học Trường Sư phạm Quy Nhơn. Sau đó tôi du học ở Mỹ nên không có điều kiện gặp lại anh”.
Như vậy, Diễm xưa là một người còn gái có thật và đầu tiên. Nhưng dần dần đã trở thành một biểu tượng của người con gái đẹp, của những mối tình tan vỡ, mà người nhạc sĩ vẫn còn nhớ mãi về sau – qua những ca khúc trữ tình, làm say đắm biết bao lòng người. Trong những Diễm xưa của đời mình, nơi phố biển Qui Nhơn, người con gái Bích Khê có một chỗ đứng đặc biệt trong trái tim và ký ức của người nhạc si4.
Quy Nhơn: “Mỗi lần nhắc lại thì lòng trống trải buồn thiu”
Năm 1988, trong bài “Về một thành phố tôi đã xa” (in trong một nguyệt san), Trịnh Công Sơn đã viết như sau:
“Gần 30 năm tôi chưa trở lại với Quy Nhơn. Cái ý niệm về thời gian bao giờ cũng gây cho tôi một nỗi buồn. Dạo ở đó tôi còn trẻ và tôi yêu biển vô cùng. Biển nhớ là bài hát tôi viết cho những đường phố Quy Nhơn. Những đường phố và biển và một người bạn gái hằng đêm cùng tôi ngồi nhìn biển. 
Tôi nhìn thấy tôi ở biển trong những ngày biển động và biển lặng. Tôi nhìn thấy tôi lang thang trên đường phố Quy Nhơn một mình. Một mình đánh billard ở đường Võ Tánh. Một mình nằm ngủ trong căn nhà trọ. 
Dạo ấy còn trẻ mà sao cô đơn quá sức. Thỉnh thoảng người bạn gái đến gọi cửa trong giấc ngủ lưng chừng và bảo tôi đêm nay trăng đẹp quá hãy ra ngoài biển ngồi chơi. Người bạn ấy bây giờ chồng con bề bộn hay nhàn nhã, không hiểu khuôn mặt ấy giờ đây như thế nào. Đừng nhắc lại quá khứ vì mỗi lần nhắc lại thì lòng trống trải buồn thiu.
Đừng nhắc lại dĩ vãng. Nó đẹp nhưng không ích lợi gì cả. 
Quy Nhơn có những tháp Chàm đứng một mình lặng lẽ nghìn năm “mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ”. Cái giấc mộng dài nó buộc con người không được quên và phải nhớ về những dấu tích đã in thành vết không tàn phai trên tâm hồn mỗi con người. Tôi luôn luôn là người đãng trí. Tôi đã quên nhưng vẫn có kẻ tỉnh táo không bao giờ quên bất cứ một điều gì cứ mãi quanh quẩn cuộc đời tôi để nói khẽ vào tai tôi điều tôi không muốn nhớ nữa.
Có thể rất gần đây tôi sẽ chuẩn bị một chuyến trở về Quy Nhơn để tần ngần ngồi nhìn một bờ biển của những ngày xưa, lúc một hạt cát cũng đủ làm tôi cảm động”.          
Qua đó, người ta có thể cảm nhận một sự ân hận, một nỗi niềm day dứt. Thậm chí là một sự “sợ hãi” đối với ông. Vì sao?
Trịnh Công Sơn và Khánh Ly - Người đã hát 
những ca khúc của ông trọn kiếp đời
Trịnh Công Sơn (1939-2001) là một trong những nhạc sĩ lớn nhất của dòng âm nhạc hiện đại Việt Nam. Trong cuộc đời mình ông đã viết khoảng 600 ca khúc, phần lớn là tình ca.
Trịnh Công Sơn quê ở Hương Trà (Thừa Thiên - Huế. Tác phẩm đầu tiên của ông được công bố là ca khúc Ướt mi, ra đời năm 1959 qua giọng ca Thanh Thúy.
Năm 1962, ông theo học ngành Tâm lý giáo dục tại trường Sư phạm Quy Nhơn. Sau đó ông dạy tại một trường tiểu học ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Rồi chuyển về Sài Gòn.
Từ năm 1966, tên tuổi của Trịnh Công Sơn bắt đầu được nhiều người biết đến, khi ông cùng ca sĩ Khánh Ly hát tại Quán Văn, một quán cà phê nhỏ dựng trên bãi đất sau Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn.
Trịnh Công Sơn kể: "Gặp gỡ ca sĩ Khánh Ly là một may mắn tình cờ. Nghe qua giọng hát thấy phù hợp với những bài hát của mình đang viết tôi đã mời Khánh Ly hát và rõ ràng giọng hát của Khánh Ly rất hợp với những bài hát của tôi. Từ lúc đó Khánh Ly chỉ hát nhạc của tôi mà không hát nhạc người khác nữa. Đó cũng là lý do cho phép mình tập trung viết cho giọng hát đó và từ đó Khánh Ly không thể tách rời những bài hát của tôi cũng như những bài hát của tôi không thể thiếu Khánh Ly".
Sau 1975, có thời gian ông làm việc tại Hội Âm nhạc TP. HCM và tạp chí Sóng nhạc.
Đầu thập niên 1980, Trịnh Công Sơn bắt đầu sáng tác lại, với một số tác phẩm như: Em ở nông trường em ra biên giới, Huyền thoại Mẹ.
Trịnh Công Sơn mất tại TP. HCM ngày 1-4-2001. Hàng ngàn người đã đến viếng tang và đây là một sự kiện văn hóa lớn trong năm. Có thể nói không có nhạc sĩ nào lại được công chúng thương tiếc và mến mộ như Trịnh Công Sơn.
Tháng 3/2011, một con đường mới mở chạy ven dòng sông Hương ở phường Phú Cát, TP. Huế được đặt tên Trịnh Công Sơn.
Mới đây tháng 1/2015, tên Trịnh Công Sơn cũng được đặt cho một con đường ở Quận 9, TP. HCM.
Trần Hồng Phong
Theo http://dandensg.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...