Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2018

Cúc vàng mùa thu

Cúc vàng mùa thu
Đất trời đang vào Thu... Trời rất trong và nắng rất hanh. Cúc vàng, đang nở rộ, cứ vàng rực, cứ sáng ngời giữa đất trời, trong hồn người... Sớm heo may. Vừa bước chân ra khỏi con ngõ nhỏ, bất ngờ, một mầu vàng rực, rung rinh hiện ra trước mắt. Đặt gánh hàng hoa xuống, bà cụ xởi lởi: “Cô mua hoa cho già đi. Cúc vàng mùa thu đấy!”. 
Chao ôi! Cúc vàng mùa thu! Câu nói thật lãng mạn của người già khiến người nghe phải định thần lại. Tóc bạc trắng, vấn trần. Đôi viền môi khô mà vẫn nét. Đôi mắt nheo cười hiền hậu, hóm hỉnh, gợi cái nét nghịch ngầm từng gặp đâu đây.
Phải rồi, hình như là nét thanh xuân phảng phất của nữ điêu khắc gia nổi tiếng họ Điềm, xứ Huế, với cái dáng tượng nằm có cái tên rất ngộ - “vắt mảy" - hình như chỉ người Huế mới hiểu, độc đáo, xuân thì, bất tử và vĩnh cửu với thời gian. Khác chăng, là tấm áo nâu sồng của người miền quê xứ bắc, và đôi quang gánh như tạc trên vai. Ngày xưa, hẳn là người duyên ngầm, hút hồn thiên hạ lắm đây.
Tôi cúi xuống đón từ tay bà lão một bó cúc. Hai người đàn bà, một đã già và một đang tới, nhìn nhau. Mắt cười, miệng cười và hoa cũng như cười. Như đón nhận mối tình muôn thuở mặn nồng nhất khi thu sang. Đón lấy cái màu vàng rực rỡ mà ấm áp. Một mùi thơm thoảng, hăng hắc, nồng say. Những bông cúc to đang độ hàm tiếu, cứ cong cong, cum cúp, như má lúm đồng tiền con gái tủm tỉm ẩn giấu điều riêng bí ẩn. Tôi không hiểu lắm nụ cười của cúc vàng. Nhưng lại yêu cúc đến nặng lòng. Tình yêu vốn đa diện, lạ kỳ và oái oăm mọi lẽ. Có thể càng hiểu lại càng yêu. Mà cũng có khi chỉ cần cảm thấy yêu mà không cần hiểu.
Dường như trong cuộc đời mỗi người thiếu nữ, mỗi người đàn bà đều chọn cho mình một loại hoa để yêu, để nhớ, để gửi gắm, tình tự, để thấy nó gần với mình, nó là chính mình. Nhưng tôi không chọn cúc vàng mà chính cúc vàng chọn tôi.

Bông cúc vàng đầu tiên đã “chọn” tôi lại là bông cúc trong... tấm bưu ảnh của “người ấy”. Một bông cúc đại đoá vàng rực như không thể vàng hơn. Những cánh hoa mỏng manh, quăn quăn, còn rõ những giọt sương (hay giọt nước) ngân ngấn. Thế thôi. Cũng đủ nghe thấy tiếng con tim thình thịch. Cũng đủ có những phút giây như đãng trí một mình ngồi nghĩ xa xăm mà chẳng hiểu nghĩ gì. Cũng đủ để bỗng thấy thoắt vui thoắt buồn, vô cớ.
Những tiếng đập khe khẽ ngây thơ, khờ dại rồi cũng đi qua. Chỉ cúc vàng còn ở lại. Bông cúc vàng trong ảnh đã đánh thức tuổi thơ tôi, một thời khăn quàng đỏ ngày ngày cắp sách qua bờ hồ Hoàn Kiếm, đẹp tuyệt vời những khoảnh vườn nhỏ quanh hồ đầy cúc vàng. Tôi tung tăng trong bài thơ của sách giáo khoa ngày khai trường:
“Cứ mỗi độ thu sang.
Hoa cúc lại nở vàng.
Ngoài vườn hương thơm ngát.
Ong bướm bay rộn ràng.
Em cắp sách tới trường...”

Không giống những tiểu thư con nhà giàu nhung lụa ở Hà Nội, tìm thấy mình trong vị thế của hồng nhung, không giống những ni cô nhà chùa tìm thấy mình trong hồn của hoa sen, tôi không dám yêu hồng cũng chẳng dám yêu sen. Vì hồng kiêu sa quá, khuê các quá ít ai dám gần. Còn sen thì thanh khiết quá, nhưng mỏng manh quá, sớm nở, sớm tàn. Khi những cánh sen rụng bời bời, nhuỵ sen héo rũ, tôi thấy se lòng.
Tôi chỉ là đứa con gái nhỏ một gia đình công chức cũ hạng trung lưu của Hà Nội, bị cuốn theo những chìm nổi, những thăng trầm, những biến thiên của thời cuộc, càng trải nghiệm và hiểu cái cay đắng của cuộc đời, tôi càng yêu cúc vàng. Không phải chỉ vì cúc vàng đã “chọn” tôi, mà chính vì càng ngắm cúc, càng quan sát cúc, tôi càng ngưỡng mộ cúc những phẩm chất “người”.

Cái đẹp của cúc ngời sáng và thánh thiện như gương mặt thiếu nữ, nhưng lại đằm thắm duyên dáng như tâm hồn thiếu phụ. Giản dị đấy mà không kém phần kiêu hãnh. Mềm mại đấy mà không kém phần cứng cáp. Ngay cả khi chết đi rồi, tàn úa rồi, thân cúc khô quắt lại, lá cúc héo rũ, cúc vàng vẫn như cười nụ, nụ cười bí ẩn với thời gian, với nhân gian.
Tình yêu cúc vàng còn nhân lên gấp bội khi tình cờ được biết cúc còn là loài hoa có ích - có thể là một vị thuốc dân gian - và còn để ướp trà. Tôi yêu thêm hoa cúc bởi nhũng vẻ đẹp hữu ích và hương săc bền lâu ấy. 
Cúc vàng còn hiển hiện trong tâm thức nghề nghiệp của tôi, khi một nhà báo đồng nghiệp, nguyên là nhà giáo, cũng là người Hà Nội gốc, còn cha chị, một giáo sư, gia đình chị cũng là gia đình nhà giáo nổi tiếng của Hà Nội xưa, nói: “Em biết không, hoa cúc cũng là hoa tượng trưng cho nghề dạy học, cho nhà giáo đấy, vì nó có vẻ đẹp rất thanh cao!”.
Tôi theo học một lớp ngoại ngữ, tiếng Anh. Thày giáo của tôi, một người Hà Nội gốc, gia đình có nhà thờ họ rất lớn. Khi thày còn sống, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20- 11, tôi đều mang tới tặng thầy bó hoa cúc tươi rói, vàng rực. Trong nhà thầy, mỗi gian nhà thiết kế nội thất theo từng phong cách, phương Đông phương Tây. Bó hoa cúc vàng của tôi bao giờ cũng được thầy cắm trang trọng trong phòng khách lớn.
Thầy mất rồi, thi thoảng tôi bỗng nhớ đến hình ảnh của thầy. Một ông giáo già cao lớn như người phương tây, có mái tóc bạc hơi lượn sóng nghệ sĩ, thầy thường đeo chiếc kính trắng, khoác chiếc áo măng tô và chống chiếc can. Nhớ đến câu nói của thầy: “Có lúc thầy nhớ tới em và tự hỏi, không biết con bé Dung của thầy có hạnh phúc không?”. Rồi thầy cười, nụ cười thật hiền hậu. Tôi đã lớn rồi, có chồng, có con, nhưng trong mắt thầy tôi vẫn chỉ là con bé...
Tôi đã theo cúc vàng hay cúc vàng theo tôi trên mọi nẻo đường công tác, không biết nữa. Chỉ biết tôi đã sửng sốt, đã sững sờ, dọc con đường lên cao nguyên Lâm Đồng, cơ man nào là những vạt hoa cúc vàng. Những bông cúc quỳ nổi tiếng, từng nhẹ nhàng bước vào những trang văn tinh tế của Trần Thùy Mai, rực màu cam, cánh cứng cáp, vươn cao giữa nắng giữa gió, cứ lao xao trò chuyện suốt dọc đường.
Vẳng đâu đây, tiếng hát trầm ấm đầy nội tâm của Cẩm Vân: “Nơi anh gặp em có hoa vàng rực rỡ, có khung trời mộng mơ...”. Và tôi đã không tin nổi trước mắt mình, phía xa, sau sân bay Liên Khương (Đà Lạt), cả một trời hoa, cả một cánh đồng hoa cúc vàng. “ Mùa thu vàng” trên cao nguyên là đây.
Và, còn có điều này chắc nhiều người không biết. Mùa thu, trời rất trong và nắng rất hanh, nhưng lại là mùa khắc nghiệt. Đến làn da con gái còn trở nên khô ráp. Không một loài hoa nào sung mãn với mùa thu. Mùa thu không phải mùa của “Hoa đến thì... hoa nở”. Chỉ riêng cúc vàng, với sức sống và bản lĩnh sinh học, cứ vươn cao, cứ nở rộ, cứ vàng rực, cứ sáng ngời giữa đất trời. Như con người giữa cuộc đời vậy. 
Ôi, cúc vàng mùa thu!.

Nhạc sĩ Cung Tiến và Đặng Thế Phong
Chiều Thương
Theo  http://nguoihatinh.net/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...