Tôi không có được sự may mắn biết nhiều về nữ sĩ Bàng Ái Thơ
(con gái nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên và là cháu gọi nhà thơ Bàng Bá Lân bằng
bác), người có hai câu thơ nổi tiếng: Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh
trăng vàng đổ đi mà một thời gian dài không ít người nhầm tưởng đấy là hai câu
ca dao và cũng chưa được đọc hết những tập thơ mà chị đã xuất bản.
Tình cờ trong một đợt đi công tác cùng đoàn nữ nhà văn vào
Thanh Hóa, lần đầu tiên tôi gặp chị và được chị tặng tập thơ Mắt lặng, in năm
2011, vẽ hình một con mắt mở rất to, nhưng cũng… rất lặng. Về Hà Nội chị tặng
tiếp tập Bạch lạp và Hoa hồng, in 2013, là cuốn sách in gần đây nhất của chị.
Chỉ cần liếc qua bìa và tên của hai tập sách, linh tính mách
bảo với tôi rằng, đây là một người thơ khác biệt. Vâng, khác, rất khác! Từ cách
vẽ bìa đến tên gọi của tập sách, tôi mơ hồ nhận ra hai điều: Một người thơ kỹ
tính trong việc chọn chữ đặt tên cho đứa con tinh thần của mình và, quan trọng
hơn đây có thể là một người thơ hướng nội.
Sau khi đọc hết hai tập Mắt lặng, Bạch lạp và Hoa hồng, tôi
thấy thơ của chị không dễ đọc chút nào. Nhiều bài tôi phải đọc đi đọc lại vài lần.
Trừ một số bài viết để trả ơn cho một vùng đất nào đấy mà chị đã từng qua như:
Tản Viên, Phú Quốc, Hạ Long, Hòn Gai, Cô Tô..., còn lại hầu hết là những cuộc
siêu phẫu về bản thân bằng ngôn ngữ thơ.
Tuy nhiên, những bài trả ơn, hoàn nghĩa ấy vẫn nằm trong nguồn
mạch thi hứng cá nhân, cái mà người ta quen gọi là tạng. Tạng thơ của Bàng Ái
Thơ cần phải đọc chậm, rất chậm, đọc để chiêm nghiệm, nghiền ngẫm, vì dường như
thơ chị chỉ dành cho những tâm hồn đồng điệu, tấm lòng cộng cảm, chứ không phải
loại thơ đọc để biết, đọc cho vui hoặc tìm kiếm một điều gì mới lạ về thi tứ
hay ngôn từ biểu đạt, thể thức...
Những tưởng một người phụ nữ như Bàng Ái Thơ, suốt ngày bận vẽ
tranh, bán kiếm tiền để... đi làm từ thiện mãi tận vùng núi cao Hòa Bình, nơi
thường có những cuộc đời không may mắn, những số phận nổi trôi theo kiếp người,
chị còn lấy đâu ra thời gian để mà tự làm những cuộc siêu phẫu khác công phu
như vậy.
Thế nhưng, giả tưởng ấy của tôi bỗng dưng trở thành điều ngớ
ngẩn. Minh chứng là chị đã xuất bản 6 tập gồm: Sớm mai xuân, Ánh sáng từ viên sỏi,
Trở lại mình, Cát loãng và hai tập tôi đang cầm trong tay là Mắt lặng, Bạch lạp
và Hoa hồng. Chẳng cần biết Ái Thơ làm thơ vào lúc nào và càng không nên biết
bao giờ thơ thôi tràn chảy trong tâm hồn chị, bởi tạng người như chị, khi nào
còn thở được khí giời là còn thơ.
Qua những bài thơ của chị mà tôi từng đọc, cảm nhận chung là
một hồn thơ mông lung và hướng nội. Chị thích và dường như có thế mạnh khai
thác những gì mà bằng các giác quan thông thường khó ai có thể nhận biết được.
Thơ chị giàu chất chiêm nghiệm và suy tư về kiếp người, cõi đời và lẽ trái
ngang chỉ dành cho phận hồng nhan nói riêng và những con người yếu thế nói
chung.
Chẳng hề ngẫu nhiên mà trong thơ của chị, hai chủ đề cũng có
thể xem là hình tượng thơ nổi trội là đêm và giấc mơ, hay nói rộng ra và đầy đủ
hơn là những khoảng lặng, những nỗi u sầu dằng dặc dài và thăm thẳm sâu, đeo
bám tâm hồn người thơ. Ngay mở đầu tập Bạch lạp và Hoa hồng, bạn đọc có thể nhận
thấy ở bài Giấc mơ của ngón tay đêm. Tên bài thơ dường như là sự đánh đố đối với
người đọc. Ở đời không ai ít hơn một lần mơ về một điều gì đấy. Nhưng ngón tay
mơ thì chưa thấy ai nói cả. Đã vậy lại còn phân biệt ngón tay đêm chứ không phải
là ngón tay ngày. Đành rằng người ta thường mơ về ban đêm nhưng cũng không ngoại
trừ có người mơ ban ngày. Có lẽ vì thế người thơ cần thiết phải phân biệt
chăng? Kỹ tính, kỹ nết đến thế là cùng!
Ở tập Mắt lặng, ngay ở bài thứ hai Không giờ đã là đêm chưa vừa
là một câu hỏi, nhưng là tự hỏi mình, chứ không hỏi người, vừa là câu trả lời để
nhắc nhở mình đừng mãi quấn vào vòng luẩn quẩn: Đêm mòn hao ai tước đoạt mất
gì/ Đêm cồn cào bởi đêm chẳng loãng/ Ôm ước mơ chân thật mà cô đơn thảm loạn/ Sự
sợ hãi nào làm rêu phong đời tôi/…/ Đành quên dần những cảm giác nghỉ ngơi/ Điểm
từng canh buông mình trôi trên phố/ Chợt nhớ về những bước chân đã lỡ/ Để quên
rồi xưa phố thảng hoàng lan...
Đêm đen, đêm tối thì người ta nói nhiều, chứ đêm loãng quả thật
là của riêng Bàng Ái Thơ. Cồn cào ruột gan, tâm trí làm đêm cứ đặc quánh lại, đến
mức không thể loãng ra được để người thơ còn hít thở khí giời, ngõ hầu tìm lại
chút thanh thản cho tâm hồn. Thế mới biết lòng người thơ chộn rộn đến mức nào.
Từng canh và từng đêm người thơ buông mình trôi trên phố, chẳng biết để làm gì.
Một câu thơ bất định. Dường như cái phần xác của con người hiện tồn kia chẳng hề
ăn nhập gì với phần hồn của chính nó. Chỉ biết thi thoảng người thơ chợt nhớ đến
những bước chân lầm lỡ trên đường đời. Rồi người thơ tiếp tục suy nghĩ, ngõ hầu
tìm ra câu trả lời vì sao. Nhưng tất cả đều bất lực:... Úp bàn tay lên mặt cạn
khô ý nghĩ rồi/ Đêm thật đêm xin một lần về lại/ Tôi rẽ bước vào lòng đêm ấy/
Dành lại những sát na siêu nhỏ chốn hoài nghi/ Lấp đầy những khoảng trống trái
tim/ Mai trở dậy niềm vui không phờ phạc/ Đợi không giờ/ đợi đêm/ loài sâu rên
mê mệt/ Phố ứa đêm sao vẫn trắng mặt người.
Tha thẩn cố đi tìm lại một đêm thật đêm mà nào đâu có thấy.
Càng không thấy, người thơ càng chờ đợi, quên cả thời gian. Đến cả loài sâu
cũng rên mê mệt mà người thơ cứ đợi đêm, đợi không giờ. Tưởng đến không giờ sẽ
là đêm. Nhưng dường như cái đêm trăng sao vằng vặc đến mức ứa cả phố kia là đêm
của người ta, còn cái đêm mà Bàng Ái Thơ đi tìm thì vẫn trắng mặt người. Và
đương nhiên là đấy đâu phải là cái đêm thật đêm mà người thơ đang đi tìm. Xét ở
khía cạnh này thì không giờ chưa hẳn đã là đêm. Một câu thơ thật sự ám ảnh người
đọc.
Tôi đi tìm cõi vô thường trong tập Mắt lặng, một bài thơ
không dài, chỉ có 10 câu, viết theo thể lục bát. Ở đây, ta bắt gặp một tâm hồn
cô liêu, buồn rời rợi lang bang đi tìm địa chỉ ngôi nhà trăm năm - đấy chính là
ngôi nhà của hạnh phúc gia đình mà nào đâu có thấy: Đi hoài theo những quẩn
quanh/ Tình cờ lạc lối vướng cành phù dung...
Đối với người thơ, ngôi nhà trăm năm chẳng khác nào những
cành phù dung sớm nở tối tàn, mịt mù như bóng chim, tăm cá.
Phần đông người phụ nữ thường đi tìm ngôi nhà trăm năm, còn với
Bàng Ái Thơ, dường như đấy là một cái gì đó vừa xa ngái, vừa xa xỉ nên chẳng mơ
mộng. Thay vì đi tìm cái không tìm được nữa như cốc nước đã hắt đi, Bàng Ái Thơ
tha thẩn đi tìm cõi vô thường dù chỉ có trong tâm tưởng và minh định bằng một
thứ ngôn ngữ đặc biệt mà ta quen gọi là thơ. Âu đấy cũng là chốn nương thân cuối
cùng để Bàng Ái Thơ còn được vui sống mỗi ngày. Tôi cầu chúc cho chị sống vui
khỏe, kiên trì theo nghiệp văn chương để có thêm nhiều vần thơ mông lung và thẳm
sâu.
Ngọc Đỗ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét