Vì sao nhà Táo quân hai ông chỉ có một bà?
Thế gian một vợ, một chồng,
Chẳng như vua bếp, hai ông một bà
Chẳng như vua bếp, hai ông một bà
Gia cảnh “tréo ngoe” của nhà Táo từ lâu đã được dân ta đem ra
răn dạy nhau, ăn ở vợ chồng phải có trước có sau, thế gian chỉ có tồn tại mối
quan hệ một vợ một chồng mà thôi. Thế nhưng hình ảnh hai ông một bà hóa ra lại
có ý nghĩa sâu sắc hơn nữa mà vô tình hay hữu ý lại trùng khớp với những nguyên
lý cổ xưa của học thuật Đông phương đầy huyền bí.
Có khá nhiều những tích truyện về việc vì sao nhà Táo lại có
hai ông, một bà. Nhưng tựu trung lại, các câu chuyện đều có điểm chung về việc
một người phụ nữ bị chồng đuổi đi hoặc giận chồng bỏ nhà đi rồi bằng lòng về
làm vợ một người đàn ông khác đã cưu mang mình. Người chồng cũ sau này đã hối lỗi
và tìm lại được vợ mình. Hai người đang nói chuyện thì người chồng mới về.
Để giữ phẩm hạnh và hạnh phúc cho vợ cũ, người chồng trốn vào
đống rơm và chịu bị chết cháy chứ không nhảy ra khi người chồng mới đốt đám rơm
để lấy tro bón ruộng. Người vợ thấy chồng cũ chết thì cũng thương tiếc mà nhảy
vào đống lửa. Người chồng mới không hiểu chuyện gì nhưng thấy vợ lao vào thì
cũng lao theo để rồi cả ba cùng chết cháy trong lửa nóng.
Ngọc Hoàng cảm động trước mối chân tình của cả ba người, nên
cho phép họ được ở bên nhau mãi mãi, bằng cách hóa phép cho ba người thành “ba
đầu rau” hay “chiếc kiềng 3 chân” ở trong mọi căn bếp của người Việt ngày xưa.
Từ đó, ba người ấy được phong chức Táo Quân, trông coi và giữ lửa cho mọi gia
đình, đồng thời có nhiệm vụ trông coi, giám sát phẩm hạnh của con người.
Một câu chuyện cảm động về tình nghĩa phu thê, thế nhưng nếu
lấy hình ảnh gia đình một bà hai ông làm biểu tượng cho căn bếp, nơi giữ lửa
cho hạnh phúc gia đình, thì cũng không hợp lý lắm vì nó trái ngược lại với mọi
quan niệm đạo đức của người xưa. Vậy thì vì lý do gì, nó lại được lưu truyền
qua bao đời như vậy?
Gia cảnh “độc nhất vô nhị” của nhà Táo
với hai ông một bà. (Ảnh:
Vietnam Architecture)
Táo Quân và Kinh Dịch
Cái chết của ba người cũng rất phi lý và dường như thiếu tính
nhân văn đối với một câu chuyện về chữ “tình”. Có thể người xưa muốn dùng hình ảnh
cụ thể để truyền tải một thông điệp nào đó. Cũng giống như những dự ngôn hay lời
sấm truyền đều rất khó hiểu, những bài học của người xưa chắc hẳn đều không thể
nông cạn, dễ hiểu.
Người ta lý giải rằng, chiếc bếp ba chân có trong mọi gia
đình Việt xưa hay còn gọi là ba ông đầu rau, có một chiếc đầu rau ở giữa có cái
lỗ lõm vào chỗ ngang người. Cái lỗ đó thường cho là cái lỗ rốn và chiếc đầu rau
có rốn để ở giữa là bà Táo. Hai cục hai bên không có rốn là hai ông táo.
Người ta lý giải rằng, chiếc bếp ba chân có trong mọi gia
đình
Việt xưa hay còn gọi là ba ông đầu rau. (Ảnh: Truyenxuatichcu)
Những người yêu thích và hiểu biết về Kinh Dịch nhận ra sự
tương đồng và liên hệ rằng đây chính là biểu tượng của quẻ Ly. Quẻ này gồm hai
hào dương kẹp một hào âm ở giữa. Nếu viết theo Việt Dịch Nòng Nọc thì hai hào
dương là hai cái que và hào âm ở giữa là một vòng tròn: IOI. Cái rốn ở chiếc đầu
rau Táo bà chính là hào âm hay vòng tròn.
Quẻ Ly là quẻ thuần thứ tám, tượng trưng cho mặt trời, cho lửa.
Nên có thể nói hình ảnh hai dương kẹp một âm ở giữa là biểu tượng của căn bếp
luôn ấm lửa trong mọi gia đình hạnh phúc.
Chủ của quẻ Ly là hào âm mềm ở chính giữa, cho nên lời hào
hàm nghĩa rằng phải “lấy mềm làm chính”. Vương Bật đã từng nói: “Quẻ Ly, lấy mềm
làm chính, cho nên tất phải chính bền, rồi sau mới hanh thông, cho nên nói ‘lợi
trinh, hanh’ vậy”.
Điều này lại vô cùng phù hợp với quan niệm về một gia đình hạnh
phúc của người xưa. Trong gia đình, người phụ nữ lo giữ gìn sự êm ấp bằng chính
sự nhu thuận, mềm mại của mình.
Người xưa ví rằng, người vợ phải giống như nước, ở vào vật chứa
hình vuông thì sẽ có hình vuông, vật chứa hình tròn thì cũng là hình tròn. Phải
thích ứng được mọi hoàn cảnh, giàu nghèo, cao thấp. Người vợ giống như nước, có
thể nuôi dưỡng được vạn vật mà lại không cùng vạn vật tranh chấp, luôn ở chỗ
trũng nhất, khi đến chỗ thấp thì chảy xuống. Nhún mình xuống để nâng gia đình
lên.
Dòng nước gặp chướng ngại vật cũng sẽ tự biết tránh, không đối
đầu, thế nên vĩnh viễn nước không bị ngăn cản. Đối diện với người đàn ông giận
dữ, người phụ nữ dịu dàng biết đối nhân xử thế, có thể lấy nhu mà thắng cương.
Người vợ cũng lại ví như Đất, khiêm nhường, bao dung, bởi Đất ở tại vị trí của
cung Khôn, lấy đức dày mà chở che được vạn vật vậy.
Trong “Nữ giới” sử học gia Huệ Ban viết: “Đặc tính âm - dương
hai bên là bất đồng, hành vi nam - nữ cũng có sự khác biệt. Dương tính lấy
cương cường làm phẩm cách, âm tính lấy ôn nhu làm biểu trưng; nam nhân lấy cường
tráng làm cao quý, nữ nhân lấy mềm yếu làm mỹ lệ”.
Thế nên với những việc đối nội trong gia đình, dù người chồng
có tài giỏi, chu toàn đến mấy, thì người vợ vẫn là người nắm giữ vượng khí của
gia đình. Lấy sự mềm mại của mình để tạo nên cái gốc chính bền của gia đình, rồi
từ đó mọi sự mới có thể hanh thông. Vậy nên mới có câu người phụ nữ chính là
phong thủy của gia đình.
Người vợ giống như nước, có thể nuôi dưỡng được vạn vật
mà lại
không cùng vạn vật tranh chấp, luôn ở chỗ trũng nhất,
khi đến chỗ thấp thì chảy
xuống. Nhún mình xuống
để nâng gia đình lên. (Ảnh: Pinterest)
Quẻ Ly cũng lại có một ý nghĩa khác vô vùng sâu sắc. Lý Đỉnh
Tộ dẫn Tuân Sảng viết: “Âm lệ thuộc dương, lệ thuộc lẫn nhau vậy, cũng có nghĩa
là biệt li, tách âm và dương vậy. Ly có nghĩa là lửa, do mộc mà có, tức là phải
lệ thuộc mộc vậy. Nhưng khi đã cháy xong, thì khói bay lên trời, tro than xuống
đất, đó là chuyện chia cách âm dương vậy”.
Quẻ Ly tượng trưng cho sự phụ bám, người vợ nương tựa vào chồng,
người chồng nhờ vợ mà yên tâm lo việc lớn. Hai vợ chồng âm dương lệ thuộc lẫn
nhau. Gia đình yên ấm thì mọi sự hanh thông. Ăn ở với nhau có tình có nghĩa, có
trước có sau đó là Đạo làm vợ chồng.
Thế nhưng khi tới lúc phải chia lìa cách biệt, khi ngọn lửa ấm
áp của căn bếp nơi giữ gìn hạnh phúc cháy xong, thì khói bay lên trời, tro than
xuống đất. Đó là quy luật của Đất Trời, không thể níu giữ, không thể cưỡng cầu
bám víu, cũng không thể bi lụy mà giày vò cả phần đời còn lại.
Phàm là quy luật của Đất Trời, con người chỉ có thể tuân
theo, không thể oán trách và tiếc nuối. Vợ chồng dù đã từng nồng ấm, keo sơn,
thì tới khi “Trời gọi ai người nấy dạ”, người ở lại cũng đừng vì thế mà đau khổ
trầm luân, vùi mình vào nỗi buồn mà chẳng thể thay đổi được điều chi.
Hình ảnh của ba ông đầu rau, hai ông một bà tréo ngoe của gia
đình Táo lại phù hợp một cách bất ngờ với ý nghĩa của quẻ Ly. Đã sống với nhau
nhờ duyên phận vợ chồng, thì phải lệ thuộc vào nhau, giúp đỡ lẫn nhau cho chọn
nghĩa, vẹn tình.
Trong gia đình phải lấy sự nhu mềm làm chính thì mọi sự sẽ
hanh thông. Đừng như ông Táo nặng lời, cũng đừng như bà Táo không đủ vị tha và
nhu thuận nhún mình như nước mà bỏ đi. Đã là vợ chồng một đời là vợ chồng. Bà
Táo ăn ở với người khác trong khi nghĩa tình chưa dứt với chồng cũ, và cũng bởi
quyến luyến, bi thương nên cả ba đã phải chết trong ngọn lửa.
Vợ chồng ở với nhau ở sự nhu mềm, thông cảm thì
mọi việc sẽ
trong ấm ngoài êm. (Ảnh: docbao.vn)
Nguồn gốc phương Nam
Đó giống như một lời nhắc nhở mãi vẫn còn đúng cho tới ngày
nay. Thế nhưng tục lệ Táo quân của người Việt thì liên quan gì tới Kinh Dịch của
người Hoa? Giới cổ học có giả thuyết rằng Bát Quái, Hà Đồ, Lạc Thư, thuyết âm
dương ngũ hành và Kinh Dịch là có nguồn gốc từ các bộ lạc phía nam sông Dương Tử
cổ đại.
Theo Lĩnh Nam Chích Quái của tác giả Trần Thế Pháp, một danh
sỹ đời nhà Trần (1226-1400), người dân Việt được cho là con Rồng cháu Tiên có
nguồn gốc ở cánh đồng Tương, Sông Tương, một chi lưu chính của sông Dương Tử.
Các tộc Việt trước đây cũng sinh sống trải dài từ phái nam sông Dương Tử cho tới
phái bắc Việt Nam ngày nay.
Nên cũng có thể người Việt đã từng cùng chia sẻ những kiến thức
Đông phương cổ xưa có nguồn gốc từ phía nam sông Dương Tử. Thậm chí nhiều nhân
sĩ đã đưa ra giả thuyết về việc chính tộc Việt là chủ nhân của những kiến thức
huyền bí này.
Người Hoa cũng có ông Táo, có trên 40 loại dị thoại nhưng
không có câu chuyện nào giải thích về cấu tạo của bếp lò phù hợp như Táo Quân của
người Việt. Dù nguồn gốc câu chuyện về Táo Quân là như thế nào, nhưng người Hoa
hạ và các tộc Việt xưa đều kính ngưỡng Thần linh, thể hiện qua tục lệ rước, tiễn
Táo Quân.
Do Tin tưởng rằng Táo Quân giám sát nhất cử nhất động của gia
đình trong một năm, đến ngày 23 tháng Chạp phải lên Thiên đình để báo cáo. Nên
mọi người tự nhiên sẽ kiềm chế bớt hành vi xấu, ác của bản thân mình, chăm lo
cho gia đình vẹn toàn, an hòa.
Người thời nay, vì chẳng sợ ai giám sát, chẳng màng tới sự trừng
phạt của Thiên Địa mà việc gì cũng dám làm. Cũng lại vì đã quá xa rời hay không
hiểu được hàm nghĩa của những hình ảnh mang tính biểu tượng đầy ý nghĩa mà người
xưa để lại, nên người ta chỉ cúng kiếng cho lành, cho may.
Thậm chí họ còn “đấm mồm, đấm miệng” ông Táo bằng những vật
phẩm như mía ngọt để ông có lên bẩm tâu gì với Ngọc Hoàng thì cũng lựa lời mà
nói. Thần linh là để ước thúc con người, chứ đâu có vì lợi lộc mà hạ mình xuống
như người phàm vậy.
Một năm cũ nữa lại sắp qua đi, hy vọng trong những ngày tất bật
này, thay vì chỉ lo mua sắm, sửa sang, cúng bái cho đúng bài, cho có kiêng có
lành. Thì mọi người trong chúng ta cũng hãy dành một vài phút để nghĩ suy về
cái đạo làm vợ làm chồng. Về ý nghĩa nhân sinh quan vô cùng sâu sắc từ câu chuyện
của gia đình bà Táo và hình ảnh ba ông đầu rau tương tự như quẻ Ly đầy nội hàm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét