Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2018

Nghệ sĩ Vô Thường

Tình cờ đọc được mẫu thông báo nhỏ của cháu Võ Diễm Khanh trên các báo, tôi mới có điện thoại, liên lạc, hỏi thăm hai người con của bạn tôi, nhạc sĩ Vô Thường. Từ ngày anh bỏ lại cây đàn guitar, tạm biệt bằng hữu, giã từ cõi tạm, tất cả sự nghiệp một thời phiêu lãng anh để lại cho hai cháu Diễm và Khanh, vừa đoàn tụ với bố được vài năm. Còn 2 tháng nữa là giỗ đầu của anh. Ngày 26 tháng 4, năm 2003, tôi còn nhớ thật rõ, bạn hữu đến giã biệt anh rất đông vì ngày tiễn anh là ngày 30 tháng 4, kỷ niệm sự mất mát lớn hơn của một quê hương dấu yêu.Vô Thường đã an nghỉ bên cạnh khu nghĩa trang quân đội, hàng năm, các chiến hữu của anh và chúng tôi sẽ tới thắp nhang, khói hương ấy sẽ được làn gió lùa vào Little Saigon, nơi anh và tôi đã tới định cư từ những ngày đầu của cuộc đổi đời bi thảm.
Vô Thường không xa lạ gì với người Việt Nam, khán thính giả thương mến anh anh đã vượt ra lằn ranh chủng tộc. Ngón đàn guitar của anh đã và đang réo rắt trong những cộng đồng bạn, Mỹ, Mễ, Miên, Lào, Ðại Hàn. Một sự tình cờ thích thú làm tôi vui lây cho đến nay; Khi có dịp đi Mễ chơi, tôi vào một nhà hàng ở Ensenada, khung cảnh hoàn toàn Mễ nhưng nghe âm vang nhạc guitar phát ra từ chiếc máy CD tôi tại thấy hơi quen quen. Tò mò hỏi, senorita Mễ mượn ông chủ cái CD đưa ra cho tôi xem, đó là một đĩa nhạc của bạn tôi, Vô Thường với chữ ký bằng bút lông đã cũ làm cho tôi cảm động. Chủ quán lân la ra ngồi tán dóc rất thú vị. Theo lời giải thích “bằng tay” của anh, vùng này đã có nhiều người Việt Nam qua chơi hàng tuần, có người còn lập nghiệp ở đây luôn, họ mang theo đĩa nhạc, thấy nhạc guitar của Vô Thường nghe gần gũi, họ nhờ mua giúp để phát cho khách quốc tế thưởng ngoạn.
Vô Thường đã từng là một thương gia thành công trong ngành furniture. Có lúc mình anh làm chủ đến 5 tiệm, thế nhưng, máu nghệ sĩ của anh còn cao hơn cả đầu óc thương mại. Lựa đúng thời cơ, Vô Thường nhảy ra mở vũ trường đầu tiên của người Việt hải ngoại: Khiêu vũ trường Ritz vang bóng một thời vào năm 1985-1986. Hai năm sau không kèn không trống anh nhượng Ritz lại cho nhạc sĩ Ngọc Chánh để chuyên trị ngón sở trường, đó là tự sản xuất băng, đĩa nhạc độc tấu guitar.
Ngón đàn guitar của anh rất bất thường vì, trong số nhạc sĩ guitar thế giới đánh đàn tay trái, chỉ có 15 người, và những người kia không được nhiều người biết tới. Thoạt đầu anh tự học đàn mình ên, những lúc ngồi rảnh, ở tiệm furniture, anh mang cây đàn guitar thùng ra khẩy chơi, ít lâu sau bạn bè khuyến khích anh thu vào cassette, tặng những khách hàng thân hữu bỏ nghe lúc lái xe. Bỗng dưng nhạc độc tấu của anh lại trở nên thông dụng và lan rộng vào những quán café, nhà hàng. Thính giả nồng nhiệt khen ngợi mở cho anh một con đường mới là thu thanh qui mô hơn vào băng và dĩa CD. Thời cực thịnh của Vô Thường tự biên tự diễn được 140 cuốn.
Tác phẩm của anh được bà con mọi giới đón nhận. Ở Việt Nam, nhạc Vô Thường được phổ biến khá rộng. Người kẹt lại sau 1975 ái mộ nhạc Vô Thường nhiều nhất, vì điệu nhạc đã quá quen thuộc, các nhà sản xuất khác không dám thu thanh lời “nhạc phản động”, thính giả quay ra nghe nhạc Vô Thường và chuyền tay nhau làm sống lại một thời vàng son nhạc vàng trước năm 1975.
Ngoài chuyện chơi đàn, Vô Thường cũng sáng tác một số ca khúc tình cảm ướt át, anh rất muốn phổ biến cho bằng hữu nhưng, có “những niềm riêng” chưa kịp nói hết thì cơn bạo bệnh bất thần chụp xuống làm cho anh phải bỏ ngang mọi dự án. Ðiều ước nguyện sau cùng anh là đoàn tụ với hai con gái vị thành niên đã xa cách từ năm 1975. Các cháu mới sang được vài năm thì Vô Thường lâm bệnh, anh tự biết cơ thể mình có những triệu chứng chẳng lành. Dù cố che giấu nhưng các cháu cũng biết, ngày chia tay với người cha đã gần kề. Những ngày còn lại, Vô Thường huấn luyện hai con việc thu thanh, in ấn ngay trong cái studio tại nhà, rất trung thực, anh trăng trối đó là gia tài duy nhất của cha để lại cho hai con.
Ngày Vô Thường giã biệt, hàng trăm anh chị em nghệ sĩ, chủ trung tâm, đến tiễn đưa thật cảm động. Ai cũng thấy mủi lòng xót thương cho hai cháu gái vừa đoàn tụ thì bố đã vội bỏ đi. Lúc sinh thời, Vô Thường hòa nhã, thân thiện với mọi người. Khi mất đi chắc hẳn bạn bè của bố, sẽ mãi mãi đứng bên cạnh yểm trợ các cháu.
Bất thần đọc lời thông báo của hai cháu Diễm, Khanh, tôi bàng hoàng nghĩ tới lúc chia tay, và lời hứa sẽ giúp các cháu. Các cháu cho biết có vài trung tâm đã sao chép và phát hành CD nhạc hòa tấu guitar của Vô Thường không có sự đồng ý của các cháu. Ðây là việc làm không lương thiện của các bậc cha chú đang cướp chén cơm manh áo của cháu con. Khi tiếp xúc với Diễm Khanh, các cháu rất tế nhị không cho biết danh tánh trung tâm nào, các cháu chỉ xin những trung tâm ấy hãy nghĩ tới bố cháu mà chừa lại một ngõ sống cho các cháu. Ðã va chạm với cuộc sống hiện tại, từ ngày bố mất, các cháu cũng được nhiều bà con chỉ bảo, biết cách nhờ cơ quan công quyền nào đứng ra bảo vệ miếng ăn. Nhưng, dĩ hòa vi quý, các cháu chỉ xin các trung tâm đang làm việc không phải, hãy ngưng tay, để các cháu khỏi nhờ đến luật pháp.
Giữ lời hứa với người bạn quá cố, tôi khẩn thiết xin các trung tâm đang sao chép trái phép các CD, băng nhạc của Vô Thường hãy lắng nghe tiếng nói của hai cháu Diễm Khanh. Thính giả mến thương người nhạc sĩ tài hoa này.
Nguyễn Ngọc Chấn
Theo  https://traixuviet.wordpress.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...