Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2018

Cõi lạ: Cõi thơ

Cõi lạ: Cõi thơ
Tôi viết văn xuôi, nhưng cũng thích đọc thơ. Thơ của người xưa, người nay, thơ của bạn bè… Những bài thơ hay ở lại trong lòng tôi, đọc qua là thuộc. Lâu nay, tôi đọc thơ Thu Nguyệt đăng trên các báo. Giờ đọc tập Cõi lạ của Thu Nguyệt, tôi bị một sự thúc giục ngồi vào bàn viết, dẫu biết mình có thể "múa rìu qua mắt thợ"… Nhưng tôi tự an ủi: một người đọc bình thường cũng có thể phát biểu ý kiến, nếu một tập thơ nào đó lay động lòng mình…                    
Tập thơ có 39 bài, mở đầu là bài Cõi lạ, chỉ có bốn câu: Trút tình vào chốn hư không/ Ta như sợi chỉ đèo bòng treo chuông/ Loay hoay giữa một con đường/ Chuông không ai gióng mà buồn cứ ngân. Bài này đã đăng trên báo Văn Nghệ, số phát hành dịp Đại hội VI Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng ở đây, nó trở nên như một đề từ cho tập thơ. Cõi lạ là cõi nào? Cõi đời chăng? Đúng hơn, nó là cõi thơ (gồm luôn cả cõi sáng tạo). Cái chuông nào đây? Đúng là cái chuông của sự sáng tạo (chẳng riêng nghề thi ca mà cả những gì nằm trong lĩnh vực của sự sáng tạo). Những ai luôn trăn trở vì sự sáng tạo đều mang trong mình suốt đời một nỗi buồn, đều đã gặp không ít lần thất bại, không ít lần  cảm thấy mình bất lực, đều cảm thấy như đã trút hết tình vào chốn hư không, đều cảm thấy mình đã định làm những việc quá sức, như sợi chỉ lại muốn đèo bòng treo chuông, đều cảm thấy mình đang loay hoay giữa con đường sáng tạo ấy với nỗi buồn mắc "nợ nhân gian". Không ai gióng cái chuông ấy ư? Chính là Thu Nguyệt đang gióng đấy thôi. Và cái buồn ấy cứ ngân, cứ hỏi: bạn đang sáng tạo điều gì chăng? Để làm gì và để cho ai? Câu trả lời là ngoài ý người hỏi. Và chắc chắn đó phải là một câu trả lời đầy tính hướng thiện.
Toàn bộ tập thơ mang mác một nỗi buồn. Núi buồn, đá tựa vào sương/ Em ngồi, bóng tựa vào đường gió đi (Với núi). Ngủ ngoan nào nhé, đá cưng/ Suối quanh co kiểu người dưng… mặc tình/ Ta ru đá lẫn ru mình/ Buồn ngây ngất giữa chông chênh đất trời (Ru đá). Loay hoay một góc vỉa hè/ Lén đưa tay nhặt lá về thở than/ Chớm thu Hà Nội hoang mang/ Mình như chiếc lá nửa vàng nửa xanh (Thương lá)… Toàn bộ tập thơ có những từ đèo bòng, loay hoay, chông chênh… xuất hiện với tần số cao: Ta mang chút phận đèo bòng/ Thương giùm, khóc hộ mênh mông đất trời (Sóng rơi). Nỗi buồn đắp một con đê/ Chông chênh nghiêng giữa bốn bề tính toan (Miền tình). Ta cầm chữ hiếu loay hoay/ Hiểu chưa kịp, sợ đến ngày trắng khăn (Lời ru)… Nhưng những nỗi buồn, những sự loay hoay, chông chênh, đèo bòng ấy… đều nặng trĩu tâm hồn, nặng trĩu suy tư…, nói theo ngôn ngữ bây giờ là đều mang tính tư tưởng. Thật ra ngày nay không ai hiểu tính tư tưởng là cái gì mang tính đạo lý, dạy đời… mà cái buồn cũng có thể mang nặng tính tư tưởng miễn cái buồn đó đầy tính hướng thiện. Phải chăng "tính tư tưởng" trong văn chương suy cho cùng vẫn nằm trong một chữ: thiện, hay nói theo thuật ngữ bây giờ là chủ nghĩa nhân văn. Xét theo ý nghĩa đó thì Cõi lạ là một tập thơ có tính tư tưởng, ngay cả trong mỗi một bài. Tác giả loay hoay với thân phận chông chênh của kiếp người, đèo bòng duyên phận làm thơ… và nhờ vậy mà có những bài thơ, câu thơ  có "tính tư tưởng" làm người ta dễ thuộc. Cũng như người xưa đã từng không muốn làm người mà "làm cây thông đứng giữa trời mà reo", hay ví kiếp người như con chim hồng lưu lại dấu chân trên tuyết rồi bay đi mất (Nhân sinh bách tuế như hà tự/ Ưng tự chinh hồng đạp tuyết nê/ Nê thượng bỗng nhiên lưu chỉ trảo/ Hồng phi na phục kế đông tê)… Thu Nguyệt chưa đạt được mức ấy, cô chỉ buồn, song cái buồn lại gợi… Đó là nét riêng của Thu Nguyệt: Núi hời! cao để làm chi/ Ta hời !ta để làm gì cho ta?! (Với núi); Kiếp phù du, giấc phù hoa/ Lấy ai ru đá giùm ta sau này/ Thôi thì đá ngủ cho say/ Để rồi thức giấc ngày mai một mình (Ru đá); v.v…
Nếu cho điểm khắt khe thì khoảng ba phần tư số bài trong tập đạt được chất lượng như bài Cõi lạ, và những câu dễ thuộc như Chuông không ai gióng mà buồn cứ ngân có thể bắt gặp ở rất nhiều bài. Như câu: Bạc đầu con sóng vẫn không hiểu mình; hoặc: Chùa xa cuối nẻo đường mòn/ Mặt trời đỏ chạm tiếng chuông bỗng vàng (Núi ở biển). Hay như: Mai đây ta vắng đi rồi/ Đất trời cũng vẫn đất trời như nay/ Chỉ còn ngọn gió loay hoay/ Lạc loài tìm mãi bàn tay thuở nào (Vô thường). Bếp nghèo khói cũng như sương/ Mịt mờ ôm những nỗi buồn trắng tay (Trăng nguyên)… Hay như: Nếu mà ta biến ra thành đá/ Biết có ai người hóa đá luôn?! (Ước). Vân vân…
Một nét rất riêng và cũng là một đóng góp riêng của Thu Nguyệt là cái chất mộc mạc, hồn nhiên của một cô gái làm thơ ở xứ Nam bộ. Chất Nam bộ trong thơ Thu Nguyệt ở cả trong đề tài, trong ý tứ, và trong ngôn ngữ, dù đó thật sự vẫn là thơ. Đề tài như So đũa hoa, một thứ hoa đặc biệt Nam bộ, có hương thơm, có mật ngọt, là món đặc sản cho tô canh chua trứ danh của Nam bộ, nhưng được đối xử như không phải là hoa vì không ai cắm nó trong bình: Cũng là hoa, khác gì đâu/ Cắm vào bình, lại lắc đầu, bỏ ra/ Thôi mà, hoa chỉ là hoa/ Cũng là màu sắc ấy và cũng hương/ Đã thương thì cứ liều thương/ Sao còn tẩn mẩn đo lường săm soi… Hoa vô tư nở bên đời/ Ta vô tình lại học đòi xót xa. Hàng trăm năm nay, ai không thấy hoa so đũa, nhưng chỉ có cô gái hay thương giùm khóc hộ là Thu Nguyệt mới thấy nó ở khía cạnh này, và người Nam bộ bỗng thấy mình sao giống hoa so đũa của Thu Nguyệt quá! Hay như : Núi ơi là núi xa rồi/ Cái ngày leo núi ta cười trong mưa/ Núi ơi là núi ngày xưa/ Ta cô gái chỉ biết mưa đồng bằng (Với núi). Đúng là con gái Nam bộ ở nơi ruộng đồng thẳng cánh cò bay mới gặp núi! Về ý tứ thì: Lòng như bông súng trắng phau/ Nổi theo con nước lao xao gió đồng (Trăng nguyên); Ta như sen súng giữa đồng/ Ngắn dài theo nước mà bông vẫn đầy (Miền tình); Nghẹn lòng gọi nước yêu ơi/ Vắng mình sông cũ lở bồi ai thương (Nhớ nước); và khi đến "rằm tháng chạp lặt lá mai" thì Con xa lần lữa không về/ Ba ngồi nhìn khói thuốc rê bay rời/ Mặt bàn đầy cánh mai rơi/ Lẻ loi vàng một góc trời mong manh/ Cội già ngồi nhớ lá xanh/ Lá rụng về… nẻo thị thành xa xôi/ Lạnh vừa thôi gió bấc ơi/ Cành mai nhỏ xíu lại rơi giọt vàng/ Thiệt rồi sao giao thừa sang/ Ba ngồi đón Tết hai ngàn lẻ nguyên (Lẻ nguyên); v.v…
Cõi lạ là tập thơ thứ ba của Thu Nguyệt, nhà thơ nữ  sinh năm 1963 tại Cao Lãnh (Đồng Tháp).  Hy vọng nó sẽ được nhiều người đọc vì quả thật nó rất đáng đọc trong thời buổi mà thơ nhiều đến mức người ta ngán đọc thơ. Và hy vọng nó sẽ được những cặp "mắt xanh" chú ý khi nhắc tới những tập thơ hay.
Trần Thanh Giao
Nguồn: http://www.tranthanhgiao.com
Theo http://thunguyetvn.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...