Thứ Năm, 16 tháng 8, 2018

Vì sao nói: Khí tiết của người quân tử như hoa mai ngạo nghễ nở trong gió tuyết

Vì sao nói: Khí tiết của người quân tử như 
hoa mai ngạo nghễ nở trong gió tuyết?
Hoa mai là loài hoa nằm trong Tứ Quân tử đại diện cho những phẩm chất, khí tiết hơn người của bậc đại trượng phu. Bạch mai (hoa mai trắng) là biểu tượng của sự thuần khiết, thanh cao, vươn mình lên khoe sắc giữa nghịch cảnh nhưng lại không quá phô trương. Đất trời hẳn là hữu ý, nên mỗi nhành cây, nụ hoa đều có nhắn gửi đạo lý cho con người. Chỉ đợi người nán lại, nhìn mà cảm nhận để rồi vỡ òa trong sự giác ngộ mà thôi.
“Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”
(Mười năm chu du tìm gươm báu
Một đời chỉ cúi lạy hoa mai)
Hai câu thơ bất hủ về hoa mai này được cho là của Tri phủ Hán Dương, Ngải Tuấn Mỹ tặng Nguyễn Tử Giản, nhưng cũng lại được người đời gán cho là của Chu Thần Cao Bá Quát. Bởi nó quá phù hợp với hình ảnh người quân tử khí phách, cốt cách thanh cao của ông.
Không rõ nguồn gốc thật sự của những câu thơ này là từ đâu, thế nhưng nó đã trở thành một “tuyên ngôn” kính ngưỡng đối với triết lý nhân sinh mà Thiên Địa đã gửi gắm vào trong loài hoa khiêm nhường này.
Ảnh: Pinterest
Khai nở đầu xuân khi tiết trời còn lạnh, tuyết chưa ngừng rơi và băng giá trên mặt đất vẫn còn chưa tan. Tuy thân mình gầy guộc đen đúa, cánh hoa mỏng manh, nhỏ bé, nhưng trắng muốt tinh khôi, hương thơm thì vô cùng dịu dàng thanh khiết hàm chứa sự kiêu dũng của người quân tử.
Vượt qua mọi gió sương băng hàn của mùa đông khắc nghiệt, vẫn kết nụ, đơm hoa, chồi lên từ tuyết lạnh, khi các loài hoa khác còn đang co ro và trụ lại cho tới khi những bông hoa cuối cùng của mùa xuân đã lụi tàn.
Vừa có cả sắc cả hương, lại có sức sống mãnh liệt, dáng vẻ thanh tao, tinh khiết, mai được phong là bách hoa khôi, đứng đầu trăm hoa, ví như thanh niên ưu tú, tuấn tài. Mai cũng lại thuộc bộ Tứ Quân tử (lan, cúc, trúc, mai) đại diện cho những phẩm chất của người quân tử: lan thanh khiết, trúc chính trực, cúc khiêm nhường và mai kiên cường, cao quý.
Cành mai có những nét uốn lượn, đâm xổ đến bất ngờ. Vừa cương nghị đâm ngang, xổ dọc mạnh mẽ, vừa uốn cong dịu dàng. Người xưa thích chơi mai trong chiếc chậu nhỏ như loại cây thế cũng là bởi đường nét làm “đã mắt” người thưởng thức.
Nó bất ngờ đâm ngoạc, vút lên đơn độc giữ không trung và nở một nụ hoa trinh bạch. Lúc lại đi sang trái rồi quặt lại sang phải hay buông lơi nghiêng ngả một góc trời và để lại sự bất ngờ thích thú đầy cảm xúc cho người ngắm bằng một chùm hoa mãn khai chen lẫn nụ hàm tiếu e ấp.
Vừa cương nghị đâm ngang, sổ dọc mạnh mẽ, 
vừa uốn cong dịu dàng. Người xưa thích chơi mai 
trong chiếc chậu nhỏ như loại cây thế cũng là bởi 
đường nét làm “đã mắt” người thưởng thức. (Ảnh: Zing)
Trước những cao nhân mặc khách, hoa mai không chỉ là một biểu tượng tuyệt đẹp của khí chất quân tử, mà còn là người bạn tâm giao, là bậc thầy gửi gắm triết lý nhân sinh cho bậc tu hành ngộ đạo.
Hiền sỹ Lâm Hòa Tĩnh đời nhà Tống xem mai là vợ, hạc là con. Nhà nho Lee Hwang, hiệu Thụy Khê thời Joseon khi trút hơi thở cuối cùng, đã nói: “Hãy tưới nước cho nhành mai!”.
Thiền sư Mãn Giác đời thứ 8 của dòng Thiền Vô Ngôn Thông lại dùng hoa mai để nói lên đạo lý mà mình ngộ được từ tầng thứ của mình trước khi viên tịch.
Nhà thơ Ngô Tất Tố có dịch lại bài “Cáo tật thị chúng” của Thiền sư như sau:
Xuân qua trăm hoa rụng
Xuân tới, trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước một nhành mai.
Vũ trụ vốn có quy luật bất biến của mình, thiên nhiên hay con người luôn phải tuân theo mà chẳng thể thay đổi. Quy luật với thiên nhiên là “Xuân qua trăm hoa rụng/ Xuân tới trăm hoa cười”. Quy luật với con người là “Trước mắt việc đi mãi/ Trên đầu già đến rồi”. Thế nhưng vẫn có những điều huyền diệu, thần kỳ xảy ra.
Vì Pháp lý của vũ trụ có vô số tầng thứ, tầng trên có thể siêu xuất tầng dưới. Con người có thể vượt qua được sự chi phối của quy luật sinh tử bằng cách tu luyện, rũ bỏ dục vọng, nhân tâm, để trong sạch hơn mà thăng thượng lên các tầng thứ cao hơn. Thế nên “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua, sân trước, một nhành mai”.
Hoa mai không chỉ quá đẹp trong áng thơ, văn cổ, nó còn là một biểu tượng của sự kiên cường đến từ sức mạnh nội tâm và lòng dũng cảm dám nói lên sự thật, tìm lại chính nghĩa trong chính thời đại ngày nay.
Mai thuộc bộ Tứ Quân tử (lan, cúc, trúc, mai) 
đại diện cho những phẩm chất của người quân tử: 
lan thanh khiết, trúc chính trực, cúc khiêm nhường 
và mai kiên cường, cao quý. (Ảnh: Twitter)
Ca khúc “Ngạo tuyết xuân mai” do Randall Effner sáng tác, mê đắm lòng người chính là kết tinh thành âm thanh mỹ diệu, day dứt mà hào sảng của câu chuyện hoàn toàn có thật.
Bài hát có ca từ:
Vào lúc giao mùa, tiết trời u ám
Khi người người mỏi mệt, 

chịu lạnh thấu xương đều ngóng trông mùa xuân đến
Dấu hiệu của sự sống tái sinh vừa tới, 

mang theo hy vọng và niềm vui
Từ Washington, Paris tới Bắc Kinh
Những cây mai mong manh bị lãng quên 

khi sắc xanh phủ khắp nơi
Khiêm nhường dưới cái nắng gắt của mùa hè
Nhưng trong cái lạnh tái tê, những đóa hoa mai bừng nở
Báo hiệu một mùa xuân mới đã lại bắt đầu
Ồ, mùa đông đã lùi xa, mặc cho gió mùa đông bắc vẫn thổi
Những bông mai mùa xuân nở bừng trên tuyết
Người phụ nữ tị nạn bồng con trên tay
Kiên cường ngày đêm dãi dầu sương gió
Tưởng nhớ người chồng quá cố, kể về quá trình anh bị bức hại
Rằng anh đã bị sát hại vì tu luyện Pháp Luân Công
Nối tiếp sứ mệnh của người đã chết vì đức tin, 
vợ anh vẫn luôn chân thành
Nói cho người dân trên khắp thế giới
Về điều mà những gia đình tan nát 

ở Trung Quốc phải trải qua
Khi cha mẹ bị tra tấn, bị bỏ tù, và bức hại
Những hạt giống của chính nghĩa 

mà họ gieo trồng sẽ nảy mầm và lớn lên
Những bông mai mùa xuân nở bừng trên tuyết
Trung Hoa huy hoàng xưa kia 
đang nhạt phai từng giờ
Trên phố tối tăm đồng tiền được tôn thờ
Những điều tốt đẹp nhất bị nhốt ở trong tù, 

khi những thứ tồi tệ nhất đang dựng xây quyền lực
Văn hoá cổ xưa bị dẹp lui vào ẩn dật
Nhưng mùa đông đã đi qua rồi, những bông mai đang nở rộ
Loài người ngẩng đầu hướng lên trời cao
Người tốt sẽ được phúc báo, kẻ xấu sẽ bị tiêu diệt, 

mặt trời chiếu rọi phá tan màn đêm tăm tối
Khảo nghiệm qua rồi, những ngày an vui đang tới
Ngàn hoa điểm đất trời, để dâng lên những gì tinh túy nhất
Những bông mai nở bừng trên tuyết.
Đó là câu chuyện về một người đàn ông đã phải mất mạng chỉ vì niềm tin vào Chân Thiện Nhẫn của mình. Bất chấp những lời vu khống, bịa đặt của chính quyền từ trong ra ngoài nước, vợ anh vẫn âm thầm ngày đêm truyền đi những thông điệp thiện lành.
Tiếp bước chồng mình, chị nói lên sự thật để cả thế giới đều được biết tới những giá trị tốt đẹp với tâm thái không hề ai oán, hận thù.
Bất chấp những lời vu khống, bịa đặt của chính quyền 
từ trong ra ngoài nước, vợ anh vẫn âm thầm ngày đêm truyền 
đi những thông điệp thiện lành. (Ảnh: ZhenShanRen Art)
Họ như những cây mai khiêm nhường để cho các loài hoa khác đua sắc, đua hương trong tiết trời ấm áp. Nhưng khi bão tuyết ập đến, giá buốt muôn trùng, hoa lại bừng tỉnh để đánh thức thế nhân, báo hiệu một mùa xuân đang đến.
Giữa những mất mát đến tận cùng, hạt giống của chính nghĩa vẫn được ươm trồng và nảy mầm sinh sôi. Giữa sự cuồng quay thật thật giả giả của những tuyên truyền ác độc, sự thiện lương vẫn âm thầm vươn lên, mãn khai và tỏa hương thanh khiết.
Bằng cốt cách thanh cao, phẩm hạnh khiêm nhường mà mạnh mẽ, hoa mai vẫn ngạo nghễ trên tuyết trắng mà không cần phải có một sự cố gắng, phô trương gì. Như người vợ kia và như cả những người tin tưởng vào Chân Thiện Nhẫn vẫn đang bị bức hại tại quê nhà kia, họ là đóa hoa mai mang tới hy vọng cho mùa xuân ấm áp.
Lại cũng có câu chuyện về cây tùng và cây mai, đều kiên cường bất chấp khắc nghiệt. Nhưng tùng có suy tư rằng người ta chỉ ca tụng màu xanh lá biếc của tùng và hương thơm, vẻ đẹp tinh khiết của mai mà mấy ai hiểu được những gì chúng phải chịu đựng.
Mai bèn nói: “Anh tùng ơi, nào có cần chi ai biết, nào cần kể lưu danh. Đông đến, xuân qua, hạ về, thu tới, chúng ta hiên ngang giữa đất trời. Chẳng phải đó đã là một điều mỹ diệu rồi sao? Chẳng phải như thế đã là mang đến cho đời một dư vị rồi sao?”.
Mai quân tử chính là như thế, trời cho ở vào địa vị nào, chức phận gì thì cứ làm tốt nhất có thể với địa vị, chức phận đó. Không hữu cầu, bon chen, nhưng cũng không ca thán, oán hờn. Đâu phải làm việc gì cũng tìm ra điểm lợi thì mới làm, gian khó quá thì không làm.
Giữa xã hội đầy biến động, người có khí chất 
luôn giữ cho mình phẩm chất như cây mai, 
cây tùng chống chịu tuyết sương (Ảnh: Falun Art)
Người quân tử chính là yêu cầu bản thân chứ không yêu cầu người khác. Là kiên định chứ không dễ dàng biến loạn theo thời cuộc. Là hòa chứ không đồng. Là không so bì thiệt hơn mà chỉ cần làm tốt những gì phải làm. Là trọng nghĩa chứ không trọng lợi. Là ung dung tự tại chứ không u sầu, ủ dột. Là khiêm nhường dù thắng hay thua.
Giống như hoa mai kia, ngạo nghễ trên tuyết nhưng vẫn nhường tuyết một phần trắng. Tỏa đi mùi hương nhẹ nhàng không dễ nhận biết nhưng đầy lưu luyến. Chịu đựng giá buốt, khắc nghiệt, vượt lên nghịch cảnh để báo tin vui cho thế nhân mà không đòi hỏi gì. Đã nở hoa thì tươi tắn, tinh khôi cho đến tận giờ phút cuối cùng.
Hoa là tạo vật của Đất Trời, nên hoa cũng chứa trong mình cái đạo của tạo hóa. Hoa không cần cố gắng, vẫn thuận theo đạo mà truyền đi ý nghĩa nhân sinh vô thường. Người lại không được như hoa, đã biến đổi, mê mờ trong vòng đời sinh tử.
Thế nhưng ngắm hoa lại có thể nhớ được mà quay trở về. Xuân này, chơi hoa, ngắm hoa, xin hãy dành cho Bạch Mai một chút chân tình. Bởi người nhún mình trước hoa sẽ ngửi được hương thơm thật mà như không thật, thấy được sắc tình đậm đà mà lại thoát tục, thanh cao. Hoa mà không phải chỉ là hoa, đó là lúc bạn đã đắc được vậy.
Thuần Dương
Theo https://www.dkn.tv/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...