Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2018

Quan điểm nghệ thuật của Lev Tolstoy

Quan điểm nghệ thuật của Lev Tolstoy
Trong tác phẩm Nghệ thuật là gì? được xuất bản năm 1896, tác giả Chiến tranh và hòa bình đã định nghĩa nghệ thuật như một hình thức truyền đạt các cảm xúc mà một người đã trải qua tới những người khác, khiến cho những người này cũng bị lây nhiễm các cảm xúc đó và thấy như mình cũng trải qua những kinh nghiệm đó.
Theo Tolstoy, để hiểu nghệ thuật một cách đúng đắn, chúng ta cần từ bỏ thói quen coi nghệ thuật như công cụ tạo nên khoái lạc, như hoạt động nhằm tạo ra cái Đẹp. Cái Đẹp là một khái niệm chủ quan, vì thế không thể dùng cái Đẹp như một tiêu chuẩn khách quan để định ra cái gì là nghệ thuật, cái gì không phải là nghệ thuật. Nghệ thuật là một trong những điều kiện của cuộc sống con người, là một trong những phương thức giao tiếp giữa con người với nhau. Nghệ thuật không phải là của riêng của một giai cấp đặc biệt nào trong xã hội. Việc giới hạn nghệ thuật nhằm phục vụ quyền lợi của một vài giai cấp nào đó, bất kể đó là tư sản, công nhân, hay nông dân, v.v., là chối bỏ chân lý rằng nghệ thuật là quan trọng cho toàn xã hội. Lời bàn: Như vậy theo Tolstoy, nghệ thuật là phi giai cấp. Mọi quan điểm cho rằng nghệ thuật nhằm phục vụ lợi ích riêng của bất cứ giai cấp, tầng lớp, đảng phái chính trị nào trong xã hội đều là nhảm nhí. Các đảng phái có thể bị tiêu vong, các chế độ chính trị có thể bị suy tàn, nhưng nghệ thuật đích thực tồn tại mãi mãi.
Tolstoy phân biệt giữa nghệ thuật đích thực và nghệ thuật tồi. Ông cho rằng nghệ thuật đích thực bao giờ cũng thông thái nhưng có thể hiểu được. Nghệ thuật tồi thường nông cạn về tư duy nhưng lại rối rắm khó hiểu. Càng giới hạn nghệ thuật cho một số khán giả đặc biệt nào đó thì càng làm cho nghệ thuật trở nên tối tăm và khó được cảm nhận đối với các khán giả khác nằm ngoài số khán giả đặc biệt nói trên. Nghệ thuật đích thực có thể giao tiếp với công chúng rộng rãi vì lẽ nó biểu hiện ý nghĩa theo một cách mà ai cũng có thể hiểu được. Tolstoy thậm chí tin rằng nghệ thuật chỉ là đích thực một khi nó được đa số đánh giá cao, rằng một tác phẩm nghệ thuật lớn chỉ thực sự là “lớn” nếu tất cả mọi người đều hiểu nó. Ông lý luận rằng nếu không chấp nhận nghệ thuật là thông thái và có thể cảm nhận được thì bất cứ biểu hiện nông cạn và khó hiểu nào của tư duy hoặc cảm xúc đều có thể được gọi là “nghệ thuật”. Như vậy định nghĩa của nghệ thuật sẽ mất dần ý nghĩa cho đến khi trở nên vô nghĩa hoàn toàn.
Nghệ thuật đích thực có hình thức và nội dung thống nhất với các ý tưởng và cảm xúc mà nó khơi dậy. Nghệ thuật tồi không có sự nhất quán đó. Nó nông cạn, trùng lặp, sống sượng, nhạt nhẽo, giả tạo, hoặc tầm thường. Theo Tolstoy, phẩm chất quan trọng nhất của một tác phẩm nghệ thuật là tính chân thành. Chân thành ở đây được hiểu như sau: Một tác phẩm nghệ thuật đích thực bao giờ cũng bộc lộ những ý nghĩ và cảm xúc thực, không giả tạo, vay mượn, ép buộc. Ông còn đi xa hơn khi chỉ ra rằng các cảm xúc cao cả nhất mà nghệ thuật có khả năng biểu hiện là những cảm xúc liên quan đến nhận thức về tôn giáo.
Tolstoi cho rằng tính chuyên nghiệp là nguyên nhân dẫn đến sự thiếu chân thành trong người nghệ sĩ. Ông lý luận rằng nếu nghệ sĩ phải kiếm sống bằng việc sản xuất nghệ thuật, thì thứ nghệ thuật “xuất xưởng đó” sẽ thiên về đồ rởm, thiếu chân thành hơn là nghệ thuật đích thực. Tolstoi cũng cho rằng diễn đạt lại hoặc phê bình nghệ thuật là điều phi lý và không cần thiết, vì lẽ bất cứ tác phẩm nghệ thuật đích thực nào cũng có khả năng tự biểu hiện tư duy và cảm xúc mà mọi người đều cảm nhận được. Tolstoy cho rằng mọi sự lý giải các tư duy và cảm xúc đều là thừa, vì nghệ thuật truyền cảm xúc và trải nghiệm theo một cách mà lời nói không thể nào diễn tả lại được. Trên cơ sở này, Tolstoy cho rằng giảng dạy nghệ thuật đồng nghĩa với tiêu diệt nghệ thuật, tiêu diệt cá tính của nghệ sĩ. Mọi toan tính dạy dỗ nghệ thuật thực chất chỉ đưa đến việc bắt chước các tác phẩm nghệ thuật của người khác.
Quan niệm nghệ thuật là phổ cập cho tất cả mọi người của Tolstoy khẳng định rằng nghệ thuật là phổ cập nếu nó biểu hiện các tư tưởng và cảm xúc mà bất cứ ai cũng có thể trải nghiệm. Theo Tolstoy, bất cứ ai cũng có thể trải nghiệm các tư tưởng hoặc cảm xúc tôn giáo. Vì vậy nghệ thuật là phổ cập khi nó biểu hiện các cảm xúc mang tính tôn giáo. Nhận thức có tính tôn giáo được thể hiện bằng nghệ thuật là nhận thức rằng hạnh phúc của nhân loại phụ thuộc vào sự hài hòa và hiểu biết lẫn nhau trong xã hội.
Sưu tầm
Theo http://redsvn.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...