Thứ Năm, 16 tháng 8, 2018

Lắng đọng tâm hồn với “Tình trong cõi vô thường”

Lắng đọng tâm hồn với 
“Tình trong cõi vô thường”
Nguyễn Phương Thúy, bút danh Viên Nguyệt Ái là cái tên quen thuộc trên diễn đàn. Con đường đến với nghệ thuật sáng tác thơ văn của cô không giống với những tác giả khác, bởi cô bị mất khả năng vận động. Song bằng ý chí và nghị lực phi thường, Nguyễn Phương Thúy đã vượt qua bệnh tật giành được nhiều giải thưởng văn chương và xuất bản các tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả.
Sinh năm 1985 ở khu Hương Trầm, phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì, 12 tuổi Thúy mất khả năng vận động toàn thân phải nằm một chỗ. Bằng nghị lực phi thường Thúy cầm bút nằm tập viết với hai ngón tay co quắp, đau điếng và cô đã viết được. 14 tuổi, bài báo đầu tiên của cô được đăng trong chuyên mục phóng viên nhỏ của Báo Thiếu niên tiền phong.
Những bài báo, bài thơ được đăng trên các báo, những tác phẩm được giải thưởng là động lực khiến cô thấy cuộc sống tươi đẹp hơn, nỗ lực hơn trên con đường sáng tác. Các tác phẩm thơ, văn của cô được nhiều độc giả và các nhà văn, nhà thơ có tên tuổi khen ngợi. Đến nay, Nguyệt Ái đã xuất bản được 6 tác phẩm, đó là: “Cho em một lần…” (Truyện ngắn); “Hôn thầm trong mơ” (Thơ); “Khi hoa tình nở” (Thơ); “Đi qua cơn mưa yêu” (Thơ); “Bí mật đêm giáng sinh” (Truyện dài) và mới đây nhất là tập thơ “Tình trong cõi vô thường”.
Tác phẩm như tiếng lòng bộc bạch nỗi niềm, nhận thức về nhân sinh, tái hiện một số góc cạnh đời sống con người thăng trầm nhưng với lối viết giản dị, mộc mạc, dễ đi vào lòng người. Trong tập thơ này, Nguyệt Ái tập trung khai thác ở 3 mảng chủ đề: Đời sống, nhân văn và xã hội; gia đình, tình thân và tình yêu.
Ở chủ đề "Đời sống, nhân văn và xã hội" là một thế giới tinh thần thu nhỏ mà trong đó tác giả phác họa những con người, sự việc, hoàn cảnh trong cộng đồng hoặc gần gũi xoay quanh mình.

Ta sẽ thấy tin yêu vào tình nghĩa với giá trị sẻ chia, tiếp sức, bao dung và động lực để vượt lên những ảnh hưởng tiêu cực bởi các mặt trái của xã hội. Trong phần này, đâu đó thấp thoáng bóng dáng của tác giả qua chính những vần thơ đầy hình ảnh; qua đó thể hiện ý chí lạc quan, tin tưởng vào ngày mai tươi sáng:
“Trên chiếc xe lăn em mỉm cười
Ánh nhìn trìu mến, nét môi tươi
Đôi chân không bước, hồn em bước
Thân thiện yêu thương với mọi người”
(Từ vòng quay của bánh xe lăn)
Đừng nên đổ lỗi cho số phận, cho cuộc đời; bởi ai sinh ra, sống ở trên đời mà không gặp phải những khó khăn, vất vả. Hãy lấy đó làm hành trang, làm động lực để vượt qua tất cả, giúp ta vững tin tiến về phía trước:
“Em đừng tủi hờn vì số phận mình éo le
Đừng trách trời không thương nên cho em nhiều hạn vận
Nước mắt của người đời thì giọt nào cũng mặn
Cuộc sống của người đời ai cũng lận đận với những khó khăn riêng…”
(Khát vọng)

Về đề tài “Gia đình, tình thân”, tác giả gần như lấy nguyên liệu từ chính hoàn cảnh thực tế của mình, ta không khỏi xúc động khi thấy được gốc gác của mỗi con người xuất phát từ tình yêu vô điều kiện của gia đình, người thân. Nó được thể hiện qua từng bài thơ rất thật, sâu sắc và thậm chí “nhức nhối” sẽ thức tỉnh những gì mà chúng ta trót lãng quên hoặc lơ là với người thân của mình.
Trong phần này, Nguyệt Ái dành nhiều cảm xúc để viết về mẹ, về cha với lời thơ, ngôn từ không hề hoa mỹ nhưng thể hiện được tình cảm chân thành, biết ơn đến bậc sinh thành đã mang cô đến với cuộc đời và là “đôi cánh” nâng những giấc mơ, biến nó thành hiện thực:
“Mẹ là đôi chân của con
Mười lăm năm mẹ đi mòn đường quê
Từ khi con bệnh ê chề
Nỗi đau con chịu, tái tê mẹ hiền”.
(Mẹ là đôi chân của con)
Qua những ý thơ mộc mạc, ta thấy được hình ảnh cần cù, chịu thương chịu khó của người mẹ. Trong sâu thẳm cõi lòng, người mẹ luôn mong sao những đứa con của mình được sống hạnh phúc, ấm no thì dù có phải chịu bao nhiêu khổ cực, vất vả mẹ cũng cam lòng. Với Phương Thúy, mẹ cha là người trần mắt thịt nhưng lại giống như bà tiên, ông bụt mang đến những điều kỳ diệu trên cõi đời này.
“Vì có gia đình, vì có người thân
Con vượt lên gian truân hai mươi năm vừa lẻ
Nội ngoại hai bên chung tay san sẻ
Đùm bọc con trong lặng lẽ phận người….
Con may mắn là thành viên trong đại gia đình có tấm lòng sâu rộng
Nghĩa tình thiêng liêng ôm con để con sống mạnh mẽ với nụ cười”
(Tình thân ăm ắp ở đời)
Và chủ đề “Tình yêu” dường như không còn xa lạ khi nhắc đến thơ Nguyệt Ái, khi thì ngọt ngào tường tận như có thể chạm vào được, khi lại xa vời day dứt như ảo ảnh nghiệt ngã. Không giống quy luật muôn đời của kẻ đang yêu, tác giả những dòng thơ này như muốn cắt nghĩa lại rằng: Tình yêu không phải là điều “đã có” hoặc “đang có” mà nó mãi là cái “sẽ có”. Điều xác tín ấy được nung nấu qua từng câu chữ, cất lên từ thẳm sâu nội tại, ráo riết và không ngần ngại đánh cược cả cuộc đời mình thâm nhập vào mọi trạng thái tình yêu rồi trao lại cho mọi người…
“Tình trong cõi vô thường” như lời tâm sự nhẹ nhàng của tác giả. Qua đó cho chúng ta thấy được sự lắng đọng trong tâm hồn, tìm thấy niềm rung cảm sâu sắc, đồng điệu suy nghĩ, gần gũi để mở rộng trái tim yêu thương đối với cuộc sống. Tác phẩm cũng thể hiện thái độ lạc quan của tác giả với cuộc sống, tình yêu mong muốn hướng tới giá trị chân, thiện, mỹ.
Mộc Trà
Theo http://baophutho.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...