Một đóa hoa thơ từ
Thu Nguyệt vốn luôn có ý thức về xuất xứ của mình và hình như
cũng ngấm ngầm tự hào về điều đó:
Tôi là con bé nhà quê
Quanh đi đâu cũng quẩn về bến sông
Nơi con nước lớn nước lớn nước ròng
Xuồng ba lá lướt tràn bông lụt bình
Trái cà na lúng liếng xanh...
(Tản mạn)
Như nhiều nhà thơ khác của đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nét
thiên nhiên và đời thường của quê hương luôn tìm cách chen vào các câu thơ của
chị; không chỉ bằng những hình ảnh cụ thể mà còn bằng cách nói riêng.
Đúng là Thu Nguyệt đã sớm trở thành nhà thơ nhờ sớm tìm thấy
cách nói và giọng thơ của mình, điều này tạo cho mỗi bài thơ của chị vừa có cái
gì rất quen vừa có cái gì rất riêng. Bài nào cũng có một vài câu lạ mà hay, dù
điệu thơ thường là điệu thơ lục bát:
Nhớ quê ngồi viết bài thơ
Bao nhiêu kỷ niệm mập mờ lãng quên
Giận đời người cũng như tên
Bắn chưa tới đích đã quên đường về...
... Buồn không biết nói câu gì
Rứt tàu lá dọc đường đi...thả về...
Chùa xa cuối nẻo đường mòn
Thu Nguyệt biết lặng ngắm cảnh vật và lắng nghe hồn mình rồi
ghi lại bằng những câu thơ tinh tế, nhiều lúc gợn nhẹ, xôn xao, có lúc xen một
nụ cười hóm hỉnh, tinh nghịch. Nhiều bài như những bức tranh xinh (có lẽ là
tranh lụa), âm vang mấy nốt nhạc thầm; có lúc đó là chút hoài niệm mong manh như
sương khói, tưởng chừng động đến là tan biến đi, thế nhưng thơ chị lại ghi lại
được những hương sắc của nó!... Những bài như Hương đêm, Tết xưa, Bạn cũ,
Tay tình... là những bài như thế. Người đọc thơ sẽ sung sướng khi nghĩ rằng làm
sao những cảm xúc và ý thơ tinh tế, mờ ảo dường ấy lại đọng lại thành thơ! Người
làm thơ hẳn phải rất thanh tĩnh để lắng nghe hồn mình kỹ lắm, đến từng xôn xao,
rung động như những đường tơ, như những sợi khói vương, thường là những hoài niệm
từ thời thơ ấu:
Lặng nghe gió hát về nguồn
Đốt nhang nhờ khói nhắc hương thuở nào...
Thôi thì còn chút nao nao
Mở trang nhật ký ghi vào: Tết xưa...
(Tết xưa)
Tôi cứ tiếc nuối khi trích những câu thơ của Thu Nguyệt. Vì
những bài thơ của chị liền mạch, toàn vẹn, không thể nào trích ra mà không để mất
vẻ đẹp hồn nhiên của nó.
Tóm lại, ấn tượng chung của tôi là từ phần lớn các bài thơ
hay của chị tỏa ra một thứ ánh sáng trong trẻo, dịu dàng như một ánh trăng thu.
Hay đúng hơn đây là những làn hương dịu nhẹ của bông súng, bông sen trên những
con mương, dòng sông quê chị.
Đọc thơ Thu Nguyệt, bên cạnh niềm vui có cái gì đó như một mối
lo. Không biết nhà thơ còn giữ lại được cho mình cái vẻ đẹp tinh tế, mong manh ấy
trong bao lâu nữa? Như nét măng tơ trên khuôn mặt người con gái, với thời gian,
bao giờ thì nó sẽ qua đi?
Nhưng bên cạnh nỗi lo, tôi lại có một niềm tin. Trong dáng vẻ
mong manh của thơ chị, tôi vẫn thấy có một điều như một sức nặng giữ cho thơ chị
trụ vững. Đây là một hồn thơ có cội nguồn, gắn bó thiết tha sâu nặng với quê
hương, đồng bằng đã sinh ra chị và thơ của chị. Quê hương ấy hiện lên qua một
câu đồng dao, một câu hát ru mà từ đó chị đã dệt nên những bài thơ cảm động về
tình yêu và nỗi nhớ quê hương, về chữ hiếu mà xưa nay phận làm con không mấy ai
cảm thấy được tròn:
Trót sinh con buổi trăng rằm
Cho nên chữ hiếu như trăng khuyết tròn
Lạy ba lạy má đừng buồn
Xưa nay mưa nước từ nguồn đổ xuôi...
(Lời ru)
Cuối thế kỷ XX rồi mà vẫn còn những câu thơ như vậy, thật là
quý.
Những đứa con rời quê hương đi lập nghiệp nơi xa, trong đó có
những nhà thơ mang hoài bão không chỉ làm nhà thơ của quê hương mà của cả đất
nước nữa, những đứa con ấy biết rằng mình như cánh diều phải bay cao nhờ gió bốn
phương, song vẫn còn nhờ một sợi dây ân tình buộc mình vào mảnh đất quê hương
ruột thịt. Xa rời nguồn cội ấy sẽ như thân phận con diều giấy đứt dây. Thu Nguyệt
có một bài thơ so sánh thân phận của mình với con diều giấy.
Thơ Thu Nguyệt rồi đây sẽ không còn giữ mãi vẻ non tơ đáng
yêu của thuở ban đầu đến với thơ. Tôi nghĩ không phải những vô thường, hư vô,
phù du, luân hồi... Những thứ triết lý dễ dãi và trống rỗng mà nhiều nhà thơ
khi bước ra khỏi tuổi thơ của thơ thường muốn bám lấy làm chỗ dựa trưởng thành
của mình, không phải những thứ đó sẽ giúp cho thơ chị tránh được nguy
cơ từ hoa thơm trở thành trái chua, trái nhạt. Chính sợi dây gắn bó với cội nguồn,
một cội nguồn nơi miền đất xiết bao tươi nhuận và sâu đậm, giàu truyền thống và
sức vươn lên, sẽ làm cho thơ chị từ hoa thơm trở thành trái ngọt, trong cả mùa
cây trái sum suê trên quê hương chị.
Dù sao thì hiện tại thơ chị đã là một đoá hoa thơ mang hương
sắc của tương lai, trong vườn hoa văn học đồng bằng sông Cửu Long, một miền
sáng tạo mới của văn học Việt Nam ta cuối thế kỷ XX, mà tôi muốn qua thơ chị
nhìn thấy sức trẻ và vẻ đẹp đầy tiềm năng và triển vọng của nó.
Trần Thanh Đạm
Nguồn: Báo
Văn Nghệ 5/2000
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét