Bốn tập thơ trong 10 năm - tôi chẳng biết như thế là nhiều
hay ít với một phụ nữ làm thơ, song câu chữ của những tập thơ ấy hầu như rất ít
lặp lại, còn cái tình, cái tứ của người viết thì vẫn xuyên suốt, chân thành
không đổi trong hàng trăm bài với đủ mọi thể. Sinh và lớn lên ở Cao Lãnh - Đồng
Tháp (vùng đất mà mỗi lần lũ đến thường được xem là khắc nghiệt nhất các tỉnh
miền Tây Nam Bộ) nhưng sau đó Sài Gòn là nơi Thu Nguyệt dừng chân và cũng từ
vùng đất ấy đã chắp cánh cho thơ chị bay xa.
Những người bạn thường đùa với nhau: Ngay cả tiếng cười của
Thu Nguyệt cũng đượm chất con gái miền Tây, chứ đừng nói gì tiếng nói và tiếng
thơ của chị - luôn đậm nét chân quê đôn hậu. Câu chữ trong thơ Thu Nguyệt không
hề chải chuốt một cách cố tình, nó cứ thật thà chân chất, cứ như là nói vậy mà
làm người đọc phải ngẩn ngơ, nhíu mày, rồi tròn mắt xuýt xoa…
“Thời trẻ con tôi nghịch bùn số một
Mặt mũi lấm lem, tóc cháy hoe vàng
Mẹ tôi mắng suốt ngày như hát:
“Con bé này không thể giàu sang!”
Mẹ mất, tôi học giỏi nhất làng
Ra thành thị, móng chân vàng sơn đỏ
Sang trọng bước qua thời tuổi nhỏ
Nay trở về thăm mộ mẹ… bâng khuâng…
Trẻ con nhà bên xúm đến rần rần
Mặt mũi chúng không khác tôi ngày ấy
Những ánh mắt như thiên thần thơ dại
Tôi nghe mình khét cháy một vùng tim”...
Không là dân Nam Bộ chính gốc thì chẳng thể nào có được
câu “Trẻ con nhà bên xúm đến rần rần” đắt đến thế được và nếu không
là một ngòi bút tài hoa, thì cũng chẳng thể nào có được câu kết làm cho đoạn
thơ như một mũi kim làm nhói lòng người đọc “Tôi nghe mình khét cháy một
vùng tim”.
Để cuối cùng bài thơ được kết bằng sự bất lực của chị (hay của
chính con người) trước dòng chảy của cuộc đời. Có ai nắm giữ được quá khứ bao
giờ:
“Mái tóc vàng hoe giờ biết đâu tìm
Cái mũi lấm lem mần sao tôi làm được?
Mới hay cái giòng đời như nước
Xối sạch mình cả điều muốn và không”.
Mẹ qua đời khi Thu Nguyệt vẫn còn tấm bé, thế nên trong thơ
chị là những hoài niệm về mẹ, về một quảng đời thơ trẻ chưa biết hết sự bao la
của tình mẹ, để đến khi mình làm mẹ, chị mới hiểu được…
“Ngày mẹ mất bông cà na rụng trắng
Hoa như mưa nhòe nhoẹt rối tơi bời
Trong nắm đất con lấp từ biệt mẹ
Có rất nhiều những cánh hoa rơi.
Hoa cũng như đời mẹ, mẹ ơi!
Nở lặng lẽ và rơi lặng lẽ
Cô đơn nào hơn những người mẹ trẻ
Con chưa đủ lớn khôn để chia sẻ vui buồn.
Giọng ru buồn len lén hoàng hôn
Ba mươi năm sau đời con mới hiểu
Nỗi cô đơn mẹ âm thầm gánh chịu
Nhiều như bông cỏ dại quê mình.
Giờ con cười bên những đứa con xinh
Nghe nước mắt chảy vào trong lặng lẽ
Bông cà na vẫn trắng tinh như thế
Nỗi cô đơn vùi xuống đất muôn đời.
Ngắm con khờ con thầm gọi mẹ ơi
Mưa tí tách ngoài thềm như tiếng vọng
Nhìn lên vách con khóc cùng với bóng
Mẹ bây giờ mới hiểu mẹ ngày xưa”.
(Mẹ trẻ)
Bên cạnh đó, “tiếng lòng” trong thơ chị là những điều rất cụ
thể về cha. Với chị, cha là tất cả - không chỉ là tình thương của cha dành cho
mà bóng cha, dấu chân của cha cũng theo chị suốt cuộc hành trình của kiếp người:
“Đồng ruộng quê mình làm bằng dấu chân ba
Từ đấy cần cù mọc lên ngọn lúa
Con lớn lên trên cánh đồng ngậm sữa
Đứng nơi nào cũng trên dấu chân ba.
Để bây giờ trong mỗi chuyến đi xa
Có bàn chân ba nâng bàn chân con bước
Con đã thay ba đi mọi miền đất nước
Như hạt gạo quê mình đến với mọi người thân.
Trong mơ con vẫn có những dấu chân
Là nốt nhạc bỗng trầm trong hương lúa
Dẫu đi đến nơi nào con vẫn nhớ
Bàn chân mình đứng trên dấu ba”.
Hoặc:
“Bất ngờ tiếng chim rơi cuối phố
Điếng lòng trong trẻo tiếng quê xa
Thành thị ta ngồi nghe nước mắt
Tí tách rơi tuôn nỗi nhớ nhà.
Nơi ấy Ba ta già yếu lắm
Cuối vườn hái trái nhớ con xa
Lá rơi xuống tóc không thèm phủi
Lẩm bẩm buồn vui với chó gà…”
Để rồi trong nỗi nhớ quê nhà quay quắt ấy, lần lượt hình bóng
những người thân khác đã hiện ra trong chị một cách sắc nét, rõ ràng - như
không phải là điều chị tưởng tượng, mà là điều có thật:
“Nơi ấy em ta nghèo khó lắm
Suốt ngày chân đất với tay chai
Vất vả sớm hôm bùn bết tóc
Ra ngõ nhìn xa lén khóc hoài.
Nơi ấy cháu ta gầy bé lắm
Lá me, trái sắn… tiệc nhà vua
Cào cào dế nhủi đều đem nướng
Bóng khách đằng xa đã chạy ùa.
Để rồi, chị ước ao hóa kiếp lục bình để ngày ngày được quẩn
quanh bên những người thân. Nhưng làm sao được…
Nơi ấy sông đầy bè hoa tím
Theo dòng trôi xuống lại quay lên
Ôi giá cuộc đời hiền như nước
dòng sông quê - ta: kiếp lục bình”.
(Nhớ nhà)
Có thể nói, xuyên suốt trong bốn tập thơ của Thu Nguyệt, đất quê xưa
là hình ảnh luôn được tái hiện - nó như nỗi ám ảnh không bao giờ phai mờ trong
tâm thức chị:
“Má ơi con vịt chết chìm
Con thò tay xuống vớt, cá lìm kìm nó cắn tay con”
Ca dao
“Con mương nhỏ mỗi chiều tôi nghịch nước
Có chú lìm kìm cắn khúc ca dao
Mười năm qua không đắp không đào
Lá tre rụng, con mương sâu thành cạn.
Chú lìm kìm năm xưa bỏ bạn
Xuôi ngược đâu rồi theo lời mới dân ca
Tay khỏa nước gọi lìm kìm đâu hỡi?!…
Mười năm nữa con mương thành đường mới
Chị tôi rồi phải quét lá tre rơi
Tôi trở về nhớ mãi nước mương vơi
Những mắt cá lìm kìm đầy cơn khát.
Vịt có chết chìm đâu? (Tôi buồn tôi hát)
Sao cá lìm kìm cắn mãi… trái tim tôi”.
(Hát về con mương nhỏ)
Nơi miền quê ký ức ấy chị chẳng quên điều gì, khi mà không có
cách nào khác - phải rời xa nó…
“Một lần con bước đi xa
Hành trang từ đất quê nhà: Tiếng ru
Con bươm bướm, ngọn mù u
Cầu tre lắc lẻo phập phù bước chân.
Phồn hoa, ừ… cũng đôi lần
Rụt rè chân xúi bàn chân thử liều
Đêm nằm nghe thạch sùng kêu
Ngỡ mình nói mớ cái điều sau tim.
Lời ru từ đó chao nghiêng
Quê nhà từ đó ngỡ miền xa xăm
Sông dài cá lội biệt tăm
Rừng cao lá rụng biết nằm cội ai!
Bước đi là bỏ lại rồi
Hành trang khéo giữ một thời cũng phai
Thạch sùng nát lưỡi ru ai:
Muốn về chốn cũ phải quay lại mình”.
(Bước đi là bỏ lại rồi)
Để rồi, trong nỗi dằn vặt ở - về ấy, có lúc chị đã không kìm
nén được nỗi lòng, phải thốt lên:
“Thôi mình trở lại với quê
Lá cao đến mấy cũng về cội thôi!
Quê nhà ta mến yêu ơi
Đây bờ tre chốn ta ngồi ngêu ngao
Đây trong vắt nước kinh đào
Tấm gương soi chẳng lừa nhau bao giờ.
Ta xin lỗi cỏ gà xưa
Một thời tuổi nhỏ ngắt bừa đá nhau
Bây giờ ta mới biết đau
Biết thương phận cỏ rơi đầu vì xanh
Ta xin lỗi ớt và chanh
Cay chua có mấy xưa mình cứ kêu
Ta xin lỗi nhé cánh diều
Đứt dây ta bỏ quên chiều gió mưa
Chân trần trở lại quê xưa
Mới hay là cỏ đã thưa vì màu
Mới hay là chẳng nơi đâu
Chân ta bước vững như cầu bến ta”.
(Thôi ta về)
“Thị thành điếc đặc khói xe
Trưa nay ngồi dưới vòm tre quê mình
Quá cưng…
chú nhện trên cành
Quá thương….
Mắt chú chim rình ngó ta
Chời ơi ngọn gió quê nhà
Mát từ kiếp trước mát qua kiếp này
Nhẹ nhàng lá rụng trên vai
Dịu dàng thanh thản hai tay ắp đầy.
Đi đâu rồi cũng về đây
Dưới vòm tre thấy tháng ngày nhẹ bâng
Không muộn phiền, chẳng băn khoăn
Tóc buông, áo bỏ ngoài quần, chân không.
Nghêu ngao hát với ruộng đồng
Không không, sắc sắc, không không…
tắng tằng…!
tắng tằng…!
Nhân gian ơi có biết rằng
Thế gian đâu cũng chẳng bằng nơi đây”.
(Vòm tre)
Thế gian đâu cũng chẳng bằng nơi đây”.
(Vòm tre)
Nhưng cuộc đời đâu phải muốn mà được. Sài Gòn - nơi “thị
thành điếc đặc khói xe” ấy chị phải hoàn thành một nghĩa vụ cao cả khác - người
vợ, người mẹ. Chuyện học hành của con, công việc của chồng… đâu dễ dàng gì để
người phụ nữ đau đáu nỗi nhớ quê làm tất cả những gì mình muốn! Thế nên, chị
đành tự an ủi mình…
“Hồn nhiên mình hát với con
Những bài ca thuở mình còn bé xưa.
“Một vầng trăng tỏ” nên thơ
Cây đa chú cuội bơ vơ nẻo trời
“Bắc kim thang” bí rợ cười
Le le bìm bịp học đòi nhạc công
Thương đời con sít lội sông
Lang thang một kiếp tang bồng héo hon.
Hồn nhiên mình hát với con
Nghe thời niên thiếu như còn đâu đây
Lời ca như bát nước đầy
Đời mình như chén mẻ, tay run cầm
Ghé tai con trẻ nhắc thầm
Này con chớ có hát nhầm lời ca
Tuổi thơ gần, tuổi thơ xa
Hát cùng con để lời ca nhắc mình”.
(Hát với con)
Thương chồng thương con đến cháy lòng, song trong một góc khuất
của trái tim, quê nhà vẫn mãi là nỗi nhớ quay quắt của thời thơ ấu:
“Mùa hạ đến hằng năm không trễ hẹn
Chỉ có ta lấn bấn cuối xuân thừa
Ép vào vở giúp con cành phượng đỏ
Bỗng ngỡ ngàng nhớ điếng cổng trường xưa.
Xe nước mía bóng me trùm mát rượi
Trái xoài xanh chấm muối đập vô tường
Bài toán học bỏ quên thành cửa sổ
Gió thổi vèo cuốn lịch sử theo luôn!
Rồi tiếng trống cuối cùng năm học cuối
Đánh chúng ta văng tứ tán giữa đời
Quay tất bật giữa bốn mùa sinh kế
Thoáng hạ về nhìn phượng… bỗng xa xôi.
Còn ít phượng thừa ta ép cho tôi
Con bướm nhỏ mất vòi, lệch cánh
Đặt vào ví bên những tờ tiền lạnh
Mùa hạ nát nhàu, bầm đỏ xác thời gian”.
(Thoáng hạ)
Yêu quê nhà, yêu cha mẹ, yêu những người thân, yêu thuở thiếu
thời của mình… thế nào, thì tình yêu của chị dành cho chồng cũng nồng thắm như
thế. Phải chăng vì thế mà Họa sĩ Nguyễn Việt Hải thuở sinh thời đã được bạn bè
phong là “người đàn ông yêu thương vợ con nhất trên đời” (?).
“Mái tóc đã từng in dấu tay anh
Em không dám cắt đi
sợ mất dấu tình in trên ấy
Tóc dài mấy, dấu tay còn nguyên đấy
Nằng nặng như đời, nhè nhẹ như mơ…
Tóc vô tư cứ dài thờ ơ
Nuôi lớn dấu tình, nhắc hoài lời dịu ngọt
Rồi tóc xưa bạc dần rơi xuống
Dấu tay gầy, nhẹ theo tháng năm.
Một chiều sương khói xa xăm
Ngồi chải tóc lơ mơ em hát
Vẫn còn đây trên từng sợi bạc
Mơ hồ, thấp thoáng dấu tay xanh…”
(Dấu tình)
Hoặc:
“Tôi là con bé nhà quê
Đôi khi nhấp chút bùa mê thị thành
Chút văn minh, chút lanh chanh.
Bùi Nguyễn Trường Kiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét