Gần đây xung quanh vấn đề gọi là “hư cấu lịch sử” (HCLS), có
nhiều ý kiến chưa thống nhất, về nội hàm HCLS có người xem chỉ là việc
bôi nhọ danh nhân “lấy những nhân vật lịch sử có thật, nổi tiếng dựa vào đó bịa
đặt hư cấu (thật ra là nói xấu) để gây chú ý cho người đọc...” (*), về ngoại
diên HCLS lại có cách hiều quá rộng, nâng lên thành “thuyết”, “luận
thuyết”, thực ra HCLS theo cách dùng bấy nay chỉ là một thủ pháp nghệ thuật mà
nhiều chủ thuyết nghệ thuật từ Chủ nghĩa hiện thực phê phán, Chủ nghĩa hiện thực
kỳ ảo, Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đến Chủ nghĩa hậu hiện
đại... đều có sử dụng. Với những xuất phát điểm như vậy việc lý giải và rút ra kết
luận về học thuật, đạo lý, pháp lý, nhiều khi chưa thật thuyết phục. Sau
đây chúng tôi xin biện giải một vài ý kiến về vấn đề
HCLS trọng giới hạn quen thuộc - hư cấu nghệ thuật trong các tác phẩm
văn chương viết về đề tài lịch sử, vấn đề quan hệ giữa cái có thật
và cái sáng tạo thêm, liều lượng và tác dụng của chúng!
I- Hư cấu lịch sử (HCLS) - nhu cầu thẩm mỹ tất yếu trong
các tác phẩm văn chương viết về đế tài lịch sử.
Nhân vật lịch sử (đặc biệt là danh nhân) là con người có thật
trong một thời kỳ lịch sử, có tiểu sử, có hành trạng rõ ràng được ghi
chép trong sử sách cũng như trong trí nhớ của cộng đồng. Nhân vật lịch
sử được thể hiện trong kho tàng văn hóa dân tộc thường gặp là loại truyện
danh nhân. Truyện danh nhân là loại tự sự ghi lại cuộc đời
và công trạng của các danh nhân lịch sử. Ở thể tài này người viết sắp
xếp các tình tiết, xâu chuổi các nhân vật trong mối quan hệ xác thực, hình tượng
hóa nó lên để tăng cường sự hấp dẫn, tăng cường giá trị thẩm mỹ,
người viết không thêm bớt những tình tiết, đưa vào những sự kiện không có thực. Truyện
danh nhân chính là thể “ký” trong bình diện đề tài lịch sử (Truyện
danh nhân đất Việt- Nhiều tác giả). Còn tác phẩm văn chương (Kịch, Truyện
ngắn và Tiểu thuyết lịch sử) thuộc thể loại cho phép người
viết thêm bớt, sáng tạo xung quanh cái sườn lịch sử. Tính chất văn
chương tạo một khoảng rộng cho sự hư cấu. Người viết
tác phẩm văn chương - lịch sử không chỉ chọn lọc, sắp xếp các sự kiện mà có thể
thêm bớt, sáng tạo kể cả việc xử dụng các yếu tố ảo, vô thức,các thế lực siêu
nhiên. Giới hạn của việc tạo tác này là không đi ngược lại bản
chất của lịch sử, bản chất của nhân vật. Truyện danh nhân là
“cái đã có”, còn văn chương viết về lịch sử là
“cái có thể có”.
Các tác phẩm văn chương viết về quá khứ, về lịch sử
là tái tạo lịch sử, đánh giá lịch sử trong con mắt thời đại mới. Lịch
sử chỉ một nhưng đánh giá có nhiều cách.
Tuy nhiên sự đánh giá nào xuyên tạc, đi ngược lại quan điểm của nhân dân ngược lại sự thật đều không bền vững. Ở đây có một vấn đề tế nhị. Sự đánh giá của cộng đồng đối với các nhân vật lịch sử cũng không phải nhất thành bất biến mà thay đổi theo thời gian. Thời đại mới cung cấp cho cộng đồng nhiều dữ kiện mà trước đây chưa có hoặc chưa được dung nạp, tạo điều kiện xuất hiện cách đánh giá mới về lịch sử có thể rất khác trước. (Thí dụ cách đánh giá về vai trò Nhà Nguyễn, cách đánh giá các nhân vật lich sử như Phan Thanh Giản...). Đây cũng là một quy luật của nhận thức trên chặng đường tiếp cận chân lý. Trong các tác phẩm kiểu này, hiện thực không phải là mục đích chính của nhà văn khi miêu tả, mà đó chỉ là phương tiện, là cái cớ để thể hiện tư tưởng của nhà văn. Các thông điệp mà tác giả gửi gắm thông qua đề tài lịch sử là những kiến giải đã lọc qua cái kính tam lăng tư tưởng của con người hiện đại. Bức tranh lịch sử trong các tác phẩm văn chương không chỉ được chuyển dịch mà còn được cải biến theo tâm lý thời đại. Các tác giả không chỉ phản ánh một thời kỳ đã qua mà còn muốn lấy xưa nói nay! Chính bởi yêu cầu này mà có những hư cấu, thêm bớt tô đậm hay làm nhạt một số sự kiện, tính cách nhân vật nhằm bộc lộ rõ chủ đề tác phẩm). Điều này rất gần gũi khi ta đối chiếu với các nhân vật anh hùng trong quá khứ được thể hiện trong văn học thế giới như Napôlêông (Napôlêông tiểu đế - V.Huygô), Cutudôp (Chiến tranh và Hòa bình - L. Tônstôi), Piôt đại đế (tác phẩm cùng tên của A.Tônstôi), Tào Tháo (Tam Quốc Chí - La Quán Trung). Những nhân vật này trong lịch sử và trong tác phẩm văn chương đều có những khoảng cách, những hư cấu trong tác phẩm văn chương đã làm sống động “tính người” của các danh nhân, tăng cường những hiệu ứng thẩm mỹ trong lòng độc giả ...
Tuy nhiên sự đánh giá nào xuyên tạc, đi ngược lại quan điểm của nhân dân ngược lại sự thật đều không bền vững. Ở đây có một vấn đề tế nhị. Sự đánh giá của cộng đồng đối với các nhân vật lịch sử cũng không phải nhất thành bất biến mà thay đổi theo thời gian. Thời đại mới cung cấp cho cộng đồng nhiều dữ kiện mà trước đây chưa có hoặc chưa được dung nạp, tạo điều kiện xuất hiện cách đánh giá mới về lịch sử có thể rất khác trước. (Thí dụ cách đánh giá về vai trò Nhà Nguyễn, cách đánh giá các nhân vật lich sử như Phan Thanh Giản...). Đây cũng là một quy luật của nhận thức trên chặng đường tiếp cận chân lý. Trong các tác phẩm kiểu này, hiện thực không phải là mục đích chính của nhà văn khi miêu tả, mà đó chỉ là phương tiện, là cái cớ để thể hiện tư tưởng của nhà văn. Các thông điệp mà tác giả gửi gắm thông qua đề tài lịch sử là những kiến giải đã lọc qua cái kính tam lăng tư tưởng của con người hiện đại. Bức tranh lịch sử trong các tác phẩm văn chương không chỉ được chuyển dịch mà còn được cải biến theo tâm lý thời đại. Các tác giả không chỉ phản ánh một thời kỳ đã qua mà còn muốn lấy xưa nói nay! Chính bởi yêu cầu này mà có những hư cấu, thêm bớt tô đậm hay làm nhạt một số sự kiện, tính cách nhân vật nhằm bộc lộ rõ chủ đề tác phẩm). Điều này rất gần gũi khi ta đối chiếu với các nhân vật anh hùng trong quá khứ được thể hiện trong văn học thế giới như Napôlêông (Napôlêông tiểu đế - V.Huygô), Cutudôp (Chiến tranh và Hòa bình - L. Tônstôi), Piôt đại đế (tác phẩm cùng tên của A.Tônstôi), Tào Tháo (Tam Quốc Chí - La Quán Trung). Những nhân vật này trong lịch sử và trong tác phẩm văn chương đều có những khoảng cách, những hư cấu trong tác phẩm văn chương đã làm sống động “tính người” của các danh nhân, tăng cường những hiệu ứng thẩm mỹ trong lòng độc giả ...
II- Các phương diện hư cấu nghệ thuật quen thuộc
được thể hiện trong các tác phẩm văn chương viết về lịch sử:
1- Xây dựng nhân vật không theo một sơ đồ giản lược định
sẵn mà thể hiện tâm lý trong mối tổng hòa đa dạng có chiều sâu, với cả những
góc khuất thầm kín, có sự phát triển tính cách khá sinh động, tinh
tế. Ngay từ những năm giữa thế kỷ trước Nguyễn Huy Tưởng đã có
những bước đi táo bạo đặt nền móng cho kịch và tiểu
thuyết lịch sử hiện đại Việt Nam. Trong các tác phẩm của Nguyễn Huy
Tưởng cảm hứng lịch sử đã trở thành chủ đề bao trùm hầu hết: Đêm
hội long trì, An Tư công chúa (Tiểu thuyết), Vũ Như Tô, Cột đồng
Mã Viện, Thái bình diên yến (kịch)…
Tuy nhiên lịch sử trong tác phẩm chỉ
là cái cớ để ông thể hiện những băn khoăn về thân phận con người,
cũng như vận mệnh đất nước trong cái thời cuộc đầy tao loạn. Bằng
“cái nhìn văn chương”, Nguyễn Huy Tưởng thể hiện các nhân vật như
Trịnh Sâm (Đêm hội long trì) Vũ Như Tô, Đan Thiềm (Vũ Như
Tô), An Tư cho đến Toa Đô, Thoát Hoan của phiá bên kia (Thái
bình diên yến), với tính cách phức tạp, là những con
người thực sinh động với hỷ, nộ, ái, ố… Các nhân vật
không rập khuôn khô cứng theo một ý định có sẵn mà sống
động với thế giới nội tâm tự nhiên, sâu sắc.
Mở rộng sang lĩnh vực Truyện ngắn thời đổi mới,
Nguyễn Huy Thiệp với những trang viết về danh nhân trong quá khứ tuy có gây nhiều
bàn cãi nhưng cũng định hình được một thủ pháp: văn chương là tái tạo
lịch sử hay nói một cách khác là viết lại lịch sử theo minh triết và
óc tưởng tượng của nhà văn. Hình ảnh Quang Trung và Gia Long trong tác phẩm
Nguyễn Huy Thiệp dẫu là những “khối nguyên liệu vô giá” nhưng
khi làm vua, cái quy trình cung đình hóa mà thời đại dung
dưỡng không thể không để lại những vết bùn dục vọng trên những bước
chân của các vị! Cảm quan dân chủ khiến Nguyễn Huy Thiệp thể hiện
các anh hùng lịch sử gần gũi với đời thường, cái gì “thuộc về con
người đều không xa lạ” (K.Marx) với họ.
Trong các tác phẩm tiểu thuyết lịch sử, nhân vật được phóng
tác trên hai bình diện tâm lý và hành động. Nhân vật
không minh họa cho một khái niệm có sẵn mà là một con người sống đích thực. Tâm
lý phát triển biện chứng kéo theo những hành động, mà có thể chỉ là “khả năng” trong
lịch sử. Nguyễn Mộng Giác trong “Sông Côn mùa lũ” đã khá thành công
với nhân vật Nguyễn Huệ. Một Nguyễn Huệ bình dị
trong đời thường, nhưng cũng rất anh hùng, không phải anh hùng một cách khô cứng, đơn giản mà là
con người có những suy tưởng, trăn trở đầy trí tuệ. Vũ
Ngọc Tiến với bộ ba tiểu thuyết lịch sử “Ba nhà cải
cách” gây được ấn tượng với độc giả nhờ ông viết về lịch sử
với một cảm quan mới mẻ, ông đã mạnh dạn đưa những mưu
mô giả trá, sự gian hùng lồng vào trong tính cách của Trần Thủ Độ, Khúc Hạo và
cả Đào Duy Từ, minh chứng cho sự thật muôn thuở nghiệt
ngã trên chính trường các triều đại. Bên cạnh là những trang viết sinh động diễn
tả nội tâm của những người phụ nữ Việt như Trần Thị Dung, Khúc Huyền, Thục
Nga... Hồ Quý Ly trong tác phẩm cùng tên của Nguyễn Xuân Khánh cũng
là một tính cách đa dạng: một tài nặng, một nghị lực, một tham vọng, một hoài bão, nhưng cũng là một cá tính độc đoán có khi hơi tàn
nhẫn. Từ Đạo Hạnh, nguyên phi Ỷ Lan, cung nữ Ngạn La (Giàn thiêu) là những
sáng tạo sinh động của Võ Thị Hảo, tác giả nhìn lịch sử từ nhiều phía nên miêu
tả nhân vật thực sự trần thế, có những nét riêng của tính cách con người thực,
hoặc hằn học, mù lòa, hoặc yêu thương thánh thiện, hoặc từ bi đức độ…
2- Cùng với việc khắc họa sâu săc tâm lý các nhân vật chính
diện cũng như phản diện, các tác giả đưa thêm
vào nhiều sự kiện rất sống động giàu ý nghĩa, tạo dựng nhiều
nhân vật không có trong lích sử: Nguyễn Huy Tưởng sáng tạo cảnh
vua Thiếu Bảo ăn cơm nắm với dân, cảnh An Tư bế cháu Huyền Trân nức nở trong buổi
chia tay, ông cũng mạnh dạn đưa vào nhiều nhân vật như Hùng Chi, Khúc Việt
(Cột đồng Mã Viện) Nguyễn Mai, Bảo Kim (Đêm hội long
trì) những nhân vật không có trong lịch sử làm tăng sức hấp
dẫn. Nếu Nguyễn Huệ là một nhân vật thoát thai từ lịch sử thì An là sản
phẩm thuần túy con đẻ trí tưởng tượng tác giả. Nhân vật An - người yêu Nguyễn Huệ
- một sáng tạo độc đáo của Nguyễn Mộng Giác (Sông Côn mùa lũ) mà GS Mai
Quốc Liên đã phẩm bình một cách sâu sắc “là người phụ nữ Việt Nam của mọi thời
biến động, nhẫn nại, yêu thương, đi hết số phận mình và phong phú, đẹp đẽ biết
bao trong nội tâm,… người gánh lịch sử, đất nước, chồng con... trên
đôi vai bé nhỏ, yếu đuối của mình”. Vũ Ngọc Tiến cũng thêm vào
những nhân vật không có trong lịch sử như đại sư Duy Giác - thầy dạy
Đào Duy Từ, đại sư Minh Luân - nhà sư thông tuệ, bí ẩn hiện thân của Phật học
VN. Những nhân vật được bổ sung thêm vào này đã làm rõ thêm tính cách của nhân
vật chính, với phục vụ tốt cho chủ đề tác phẩm. Nó nằm trong từ trường
của “cái có thể” mà thể loại cho phép.
3- Với tiểu thuyết lịch sử, các tác giả có điều kiện mở rộng
biên độ tưởng tượng, hư cấu. Các chiêu thức biến hóa luân hồi,
các huyền thoại, huyền sử đều được sử dụng để tô đậm bối cảnh góp phần thể
hiện tư tưởng tác giả. Các yếu tố huyền ảo như giấc mơ, sự biến đổi
truyền kiếp, luân hồi, các thế lực siêu nhiên mây gió, bão tố... được sử dụng hợp
lý khiến độc giả thích thú (Giàn thiêu, Con gái nữ thủy thần).
Không thể không nhắc đến cái sự gợi ý ban đầu cho thể loại
văn xuôi lịch sử, đó là truyện ngắn Lời than vãn của Bà Trưng Trắc -
Nguyễn Ái Quốc, viết từ những năm hai mươi thế kỷ trước. Tác giả không câu nệ
những nền luật cũ đã vẽ nên hình ảnh Khải Định một ông vua nhu nhược,
hài hước làm xấu quốc thể, rồi để cho bà Trưng Trắc đã
hiện về trong giấc mơ quở trách. Tính hai mặt của nhân vật là một sáng tạo, chất
huyền hoặc của giấc mơ lại là một sáng tạo độc đáo thứ hai. Chúng đóng vai trò
mở đầu cho việc cách tân các thể loại nghệ thuật - lịch sử mà sau này
trở thành một vệt dài,đậm trong văn học Việt Nam hiện đại.
Tìm hiểu về sự sáng tạo của các tác giả trong văn chương Việt
Nam về đề tài lịch sử, dẫu có muộn những vẫn có một bề dày truyền thống kể từ Hoàng
Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái) cho đến nay, vấn đề hư cấu nghệ thuật
quả thật đã được lý giải phần nào, đã có một buớc tiến dài trong nhận thức lý
luận cũng như thực tiễn sáng tạo. Có thể lý thuyết chưa theo kịp thực tiễn, nhưng trong không khí cách tân các tác giả với những học
hỏi giao lưu văn chương thế giới, và tầm tư duy mới mà xã hội mang
lại đã khiến các tác giả khi thực hiện nhu cầu gửi gắm những thông điệp
mang tinh thần mới của thời đại qua các đề tài lịch sử đã kéo theo
những cách tân trong thủ pháp xây dựng hình tượng, cũng
như việc sử dụng một ngôn ngữ theo những quy chuẩn mới. Ở
đây chúng tôi loại trừ các tác phẩm viết về danh nhân lịch sử với một
động cơ ngoài văn chương.
(*) Trần Thanh Giao - “Thuyết hư cấu lịch sử” - Báo Văn nghệ số
32-2009.
Yến Nhi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét