1- Hai khái niệm Tính hiện đại và Bản sắc dân
tộc về mặt ý nghĩa chúng có mối quan hệ biện chứng và có
những thay đổi theo thời gian. Khi đứng cạnh nhau chúng không còn tồn
tại trong những phạm vi ý nghĩa riêng rẽ mà tích hợp trở thành một
biểu tượng kép, thành phẩm chất chung cho nhiều hiện tượng đời sống,
tuy nhiên lĩnh vực được nhắc đến nhiều nhất và đầy đặn nhất vẫn là
lĩnh vực văn hoá và đỉnh cao tập trung của sự thể
hiện là văn chương - nghệ thuật.
Trên phương diện triết học quan hệ giữa hai phạm trù
trên không gì khác hơn là quan hệ giữa hai tính chất của cái khái
quát và cái cá biệt, giữa quy luật và hiện tượng. Ta có thể hiểu,
bản sắc dân tộc là cá tính tinh thần của một bản chất
chung loài người thể hiện nơi một cộng đồng và hiện đại chính
là cáí chung nhân loại ở tầm cao thời đại, cũng là cái mà dân tộc
phải vươn tới để tồn tại một cách hài hoà!. Bản sắc dân tộc,
thực chất là cái nét riêng, một biểu hiện của tính đa
dạng, là đặc tính của từng cộng đồng nảy sinh trong hoàn cảnh cụ
thể đặc biệt. Nói phấn đấu xây dựng nền văn hoá hiện đại giàu bản
sắc dân tộc, bên cạnh cái ý giữ lấy cái nét riêng truyền
thống của dân tộc, còn muốn nói đến cái ý phải phát triển đưa
cái tính dân tộc Việt lên ngang tầm thế giới, ngang tầm thời
đại để luôn trong cái này có cái kia như nhà thơ Chế Lan Viên
từng viết: Đi đến tận cùng Dân tộc, ta gặp Nhân loại.
Bản sắc dân tộc không phải là một hằng số, nó là
một khái niệm có tính lịch sử, nó luôn biến đổi có khi phát triển
nhảy vọt tạo sắc thái mới để tồn tại trong hoàn cảnh mới. Tính
hiện đại cũng vậy, yêu cầu phải luôn tiếp thu các thành quả tiếp
diễn của Nhân loại, để đứng ở tầm cao thời đại. Các tính chất này
không dừng lại ở những yếu tố hình thức bên ngoài như các
thủ pháp nghệ thuật học được đâu đó mà chính là hồn cốt bên trong
chi phối cả nội dung tư tưởng và thủ pháp nghệ thuật.
2- Như trên đã phân tích, văn chương - nghệ
thuật là nơi thể hiện tập trung nhất, cao nhất phẩm chất Hiện đại -
Dân tộc. Phẩm chất này vừa là mục tiêu vừa là giá trị của các
sáng tạo nghệ thuật. Với quan điểm lịch sử thì phẩm chất này đã có mầm
mống trong quá khứ, tính hiện đại trong quá khứ chính là tính
thời đại, đỉnh cao của tư tưởng- thẩm mỹ nhân loại đương thời
và bản sắc dân tộc chính là “hồn cốt dân tộc” ẩn chưá trong
đó. Hai đặc tính một phẩm chất, chúng hoà quyện trong nhau, những
tác phẩm có giá trị cao đều có phẩm chất này trong quá khứ cũng
như hiện tại. Cố nhiên hai đặc tính này từ xưa chưa được
nâng thành lý luận như bây giờ mà chỉ hình thành một cách tự phát
như là những “yếu tố” .Trong lịch sử văn học Việt, thơ ca phát triển
sớm và các thời đại đều có những đỉnh cao, tiền đề của những đặc
điểm này bởi vậy cũng đã có rất sớm. Những bài thơ của Sư Lưu, Sư
Thuận với sứ Tàu thời Tiền Lê có lẽ là những tác phẩm tiêu biểu
đầu tiên vừa thể hiện tinh thần dân tộc vừa có tính chất thời đại.
Trong quá khứ Phật giáo là một trào lưu tư tưởng chung của nhân loại,
nhưng vào Việt Nam laị có những biểu hiện tính dân tộc rất nhuần
nhị. Bài thơ: "Nga nga lưỡng nga nga...”, một bài thơ thuộc dòng
thơ nhà chùa ( Phật giáo), nhưng lại đầy Việt tính. Đặt lại bài thơ
trong bối cảnh sau can qua của các triều đại lúc bấy giờ mới thấy
hết cái đặc sắc.Trong không khí thanh bình ( ta đã đổi bằng máu của
cuộc chiến tranh vệ quốc) Sứ Tàu đi với Sư Ta , thấy đôi
ngỗng bơi lội phô sắc đẹp đẽ, trong làn nước xanh, Sứ nhà Tống Lý
Giác ứng khẩu câu thơ có cái ý “ngửa mặt hướng về trời xa”
(ngưỡng diện hướng thiên nha) đầy vẻ tự mãn , Sư Thuận ứng
đối câu thơ tặng lại “chèo hồng quậy sóng xanh”( hồng trạo
bãi thanh ba) đầy vẻ tự hào quê hương . Tả cảnh, ngụ tình và cả ngụ
ý. Phật tính sâu xa đó là tình yêu tạo vật, tình yêu con người, nhưng
cũng là tính Việt kín đáo gửi gắm ở sự bình đẳng, tình bè bạn,
yêu hoà bình . Bài thơ, một thông điệp hoà hiếu của dân tộc thời bấy
giờ! Sức sống bài thơ nằm ở sự cảm hóa khiến sứ nhà
Tống khâm phục thốt lên:
“Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu/ Khê đàm ba tịnh
kiến thiềm thu.”
(Ngoài trời lại có trời soi sáng/ Vầng nguyệt trong in ngọn
sóng đầm.)
Câu Ngoài trời lại có trời soi sáng, tác giả có ý
xưng tụng vua nước Việt cũng “soi sáng” như vua của họ, nhờ khẩu khí thơ văn
xướng họa mà đã làm chuyển đổi được tư thế của nước nhà, đang từ thế bị động
sang hẳn một thế chủ động. Chính bởi điều đó nên sau này Lê Quí Đôn cho
là“ Câu thơ của thiền sư Pháp Thuận, làm cho sứ giả nhà Tống phải kinh dị”
( Sư Thuận thi ca,Tống sứ kinh dị- Thiền Dật ).
3- Trong quá trình tiếp cận thi ca bấy nay
không it người nghĩ rằng tính hiện đại là sự đổi mới
các thủ pháp nghệ thuật ở các phương diện cấu trúc, xây dựng hình
tượng, ngôn ngữ, thể loại v.v..., mà chủ yếu là phỏng theo các thi
phái thơ tồn tại trên thế giới như Thơ ngôn ngữ, Tân Hình thức, Hậu
hiện đại v.v...Đó là gì? là ngôn ngữ xù xì thô ráp, là thơ không
vần, không ngắt câu, là hình tượng chứa đầy ảo giác vô
thức...Còn tính dân tộc là thể thơ, là ngôn ngữ là
phong tục, tập quán Việt...Những điều vừa nói đúng là những dữ liệu, những đặc
điểm tạo nên sự khác biệt, nhưng nếu dừng lại đó thì chúng chỉ đẩy các tác phẩm
ra xa nhau như đi về hai hướng! Vậy thì ý nghĩa của mối quan hệ thẩm mỹ lớn
lao và sâu sắc tạo nên chân giá trị của các tác phẩm theo các khuynh hướng Dân
tôc- Hiện đại nằm ở đâu? Khi mà Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn rất xa cách
nhau về phong cách so với Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn; Thanh Thảo, Inrasara cũng
không gần gũi gì về cá tính sáng tạo với Dương Tường , Hoàng Hưng… Nên tìm sự gặp
gỡ của họ ở một bình diện khác, nơi mà tác phẩm họ có một dấu nối của giá trị
chung! Đó không là cái áo khoác ngoài,dù là áo dài dân dã hay áo đầm
dạ hội mà chính cái sắc thái tổng thể, cái hồn cốt tạo nên vẻ đẹp hoa hậu VN.
Cái áo chùng không làm nên ông thầy tu, người ta đã nói thế!
Văn chương thời nay nói chung và thơ ca nói riêng ghi
nhận khá nhiều thành công về sự hài hoà Bản sắc dân tộc và Tính
hiện đại (nếu hiểu đó là Tính thời đại). Thương lượng với thời
gian - thơ Hữu Thỉnh: tình yêu con người thể hiện trong một âm
hưởng chân chất mà sâu sắc pha chút hóm hỉnh ảnh hưởng
nhiều sắc thái dân gian. Sự mất ngủ của lửa - Nguyễn Quang
Thiều, một cái nhìn xuyên thời gian về nỗi đau cũng như sức sống dân
tộc. Lôlô - Ly Hoàng Ly, Gửi VB - Phan Thị Vàng Anh, những cảm
nhận về đời thường nhưng đầy sức khái quát về một chủ nghĩa nhân
văn mới đang hình thành trong cuộc sống đương đại. Rồi trường ca Đổ
bóng xuống mặt trời, Ngày đang mở sáng - Trần Anh Thái, Metro- Thanh
Thảo là những suy tưởng, những cảm nhận về con đường dân tộc trải qua
trong gần thế kỷ với bao thăng trầm âm ỉ và đột biến vượt lên đau
thương mất mát để “rũ bùn đứng dậy sáng loà” sánh vai
cùng bè bạn năm châu đi trên con đường mới. Và gần đây trong cuộc hội
thảo về thơ Mai Văn Phấn - Đồng Đức Bốn ở Hải Phòng, nhiều tác giả
đã nhận thức khá rõ vấn đề đặt ra cho thơ ca đương đại: từ
“chưng cất các giá trị truyền thống” để qua đó thấy các “chân trời
thơ ca mới”, “mở rộng biên độ sáng tạo không ngừng”... Những tác phẩm
thể hiện cuộc sống và con người Việt Nam, nhưng tầm nghĩ và tầm cảm
của các tác giả vươn lên ngang tầm thời đại, “phát huy nhân tính” hoà
quyện với tâm lý cộng đồng hoà vào dòng chảy chung. Thơ
Đồng Đức Bốn và Mai Văn Phấn khác nhau, có thể xem như hai phong cách, sự khác nhau chủ yếu ở thủ pháp nghệ thuật ở cách xử dụng ngôn
ngữ. Một bên ưa dùng những thủ pháp ẩn dụ, tỉ dụ, lối chuyển nghĩa
dân gian đầy nhạc tính biểu cảm truyền thống, bên kia lại tìm đến
một cách nói, cách thể hiện mới đầy tính siêu nghiệm và tượng trưng
cùng một ngôn ngữ tạo sinh đa nghĩa. Nhưng điều đó không đủ tạo nên
giá trị và sức hấp dẫn của thơ họ. Họ vẫn đi trên một lối chung mà
đằng sau và bên cạnh còn nhiều“bạn bè” tạo thành một khuynh hướng.
Cái mà họ làm xúc động người đọc, cái mạch chìm ẩn trong sự mới
lạ của hình thức làm tác phẩm họ đọng lâu tròng lòng độc giả, đó
là mối đồng cảm với những bất trắc, những nghịch lý nhân sinh thực
tại, những tình yêu đồng loại, tình yêu quê hương lan tỏa trong mọi cung
bậc đời sống, tạo nên cái mà Hữu Thỉnh với lối nghiệm suy triết
học gọi là “nhân tính”, mục đích của mọi sáng tạo. Ở họ đều có
một lối viết đi sâu vào các tầng ngầm nội tâm, thể hiện những rung
động bề sâu của tâm hồn; theo ý chúng tôi đó là sự gặp gỡ trên một
dòng chung văn hóa: tính thời đại và bản sắc dân tộc.
Sự phát triển của VH-NT đương đại hướng đến hai tính
chất thoáng nhìn như “trái ngược” nhưng thực ra có một quan hệ
biện chứng, là đồ thị một hệ phương trình mà trục tung là tính dân
tộc, trục hoành là tính hiện đại, tuy có hai tham số nhưng tích hợp
lại cùng một phương. Trong ý nghĩa sâu xa của nó, khi một nền văn hóa phát triển đạt được bản sắc dân tộc ở tầm cao cũng tức là đạt
tính hiện đại và ngược lai khi nó đạt tính hiện đại sâu
sắc thì cũng sẽ hàm chứa bản sắc dân tộc, hay nói một
cách khác: Với cách nhìn có tính lịch sử, nghệ thuật nói chung và
thơ ca nói riêng nếu có giá trị chân chính ở thời nào cũng có tính
hiện đại và bản sắc dân tộc thời đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét