Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2019

Thủ pháp ẩn dụ - Biểu tượng trong thơ

Thủ pháp ẩn dụ
Biểu tượng trong thơ
Một trong những thủ pháp quen thuộc mà thơ ca truyền thống cũng như văn nghệ dân gian thường xử dụng là biểu tượng, nay các tác giả đương đại phát triển nâng cao tăng hiệu quả thẩm mỹ. Theo cách hiểu quen thuộc Biểu tượng thực chất cũng là một kiểu ẩn dụ, là “Sự liên tưởng về mối tương đồng (có tính chất hiện thực hoặc được tưởng tượng ra) giữa hai đối tượng về mặt nào đó” (TĐBKTT) mà ở đây thì sự vật A thường là trừu  tượng sự vật B thường là cụ thể (biểu tượng). Biểu tượng là phương tiện diễn đạt có giá trị hình tượng, có sức mạnh biểu cảm, được sử dụng với tần số khá cao trong thơ
Biểu tượng (ẩn dụ - biểu tượng), một thủ pháp sáng tạo nghệ thuật mà trực giác của người nghệ sĩ có vai trò rất quan trọng. Sự vật được phản ánh dưới hình thức biểu tượng có tính chỉnh thể, thường được bọc bằng một lớp vỏ ngôn ngữ trực cảm nhưng chứa nhiều yếu tố của sự phản ánh tổng hợp, biểu tượng được dùng đắc địa trong những trường hợp muốn thể hiện một điều khái quát nhưng phải cụ thể dễ lĩnh hội, một điều dễ lĩnh hội nhưng lại hàm chứa nhiều ẩn ý sâu kín, một dấu gạch nối giữa lý tính và cảm tính. Hình tượng được kiến tạo từ những yếu tố trực giác, cảm tính (biểu tượng) nhưng lại mang ý nghĩa trừu tượng, khái quát. Nó được hình thành trên cơ sở những tương quan chìm ẩn của các sự vật (ẩn dụ), khác hình thức nhưng chung một ý nghĩa.
Nguyễn Quang Thiều trong tập thơ Sự mất ngủ của lửa đã sử dụng thủ pháp này qua biểu tượng "lửa". Ngọn Lửa trong tác phẩm là một  biểu tượng đa nghĩa. Nó vừa cụ thể thân quen vừa trừu tượng huyền bí, vừa mang ý nghĩa của “một loại vật chất vừa mang dáng dấp của một sinh thể và chứa đựng trong bản thân mình nhiều ý nghĩa khái quát lớn lao”. Lửa là biểu tượng  về cội nguồn văn minh nhân loại cũng như sức sống dân tộc. Dùng “lửa” làm biểu tượng, Nguyễn Quang Thiều đã phát đi một  thông điệp khái quát mà cụ thể đánh mạnh vào tâm thức nhắc nhủ mọi người bảo vệ cho những giá trị văn hóa truyền thống ngày càng bị mai một. Bài thơ Lễ tạ trong tập Châu thổ, Tứ bài thơ xoay quanh hai biểu tượng hồ nước và con đường. Con đường từ đất quê (hồ nước) ra đi, trải bao ký ức: lúc hỏi người hái hoa kiếp trước, khi gặp người thưa chuyện thời sau, lúc lên bảy tầng trời cao khi xuống ba tâc đât sâu, lúc tiếp cận những thiên nhiên kỳ vĩ (vầng mây đỏ, nổ vang tiếng sẩm trời) khi gặp gỡ những sinh cảnh bình dị, tuơi xinh (nhũng miền cỏ trắng nở đóa sen tươi)... để mong tìm được những giải đáp nhân sinh, tìm được con đường mơ ước, nhưng để rồi câu giải đáp lại ở chính nơi đất quê, nơi “hồ nước cũ” từ đó anh ra đi! Hồ nước, con đường là những  biểu tượng cụ thể về đất quê hằng ngày ta sống nhưng cũng là một ẩn dụ sâu kín về sự mật thiết, bình dị và lớn lao của cội nguồn quê hương nơi ta sinh ra nuôi ta khôn lớn. Cám ơn đất quê đã dạy ta bao điều trong cuộc sống để ta trưởng thành. Lễ tạ là lời tạ ơn của con người đối với quê hương, với cha ông.
Hữu Thỉnh có nhiều bài thơ thiên về chất lập ngôn, tỏ bày những chiêm nghiệm về đời sống, về văn chương. Tác giả nhờ những thủ pháp so sánh trực giác giàu tính biểu tượng hàm súc mà gợi tả, tránh được sự khô khan, lại còn khêu gợi sự tò mò đồng cảm đầy ấn tượng của độc giả. Một lời nói, với những so sánh khi như mái chèo, khi là lưỡi cưa, lúc  là giếng nước  là những ngụ ý kín đáo mà cụ thể về đời sống về nhân tình thế thái. Tiếp thu cách nói đầy tính thẩm mỹ của dân gian, tác giả ví von“ lời nói” (hẹp là một nhận xét, một ý kiến, rộng là một thông điệp, một tác phẩm văn chương) nó có thể  ác độc giết hại con người (vô đạo), lời nói cũng có thể cứu sống con người (nhân đạo) và trên hết lời nói có thể bao dung được lẽ sống trong đời, bao dung cả đạo trời và đạo người (thiên đạo).
Tập Thương lượng với thời gian của tác giả ngổn ngang tâm trạng và đau đáu nỗi niềm. Đây là một tác phẩm trữ tình. Mô - típ thời gian vĩnh cửu xuyên suốt tập thơ. Trong tác phẩm này nổi lên nhiều hình ảnh có tính lưỡng phân vừa tả thực vừa biểu tượng, nhưng cái phần biểu tượng gợi nhiều suy tưởng, cảm hứng hơn: Buổi sáng lo kiếm sống/ Buổi chiều tìm công danh/ Buổi tối đem trí khôn ra mài dũa/ (Thương lượng với thời gian, tr.36) Buổi sáng, Buổi chiều, Buổi tối  là biểu tượng thời gian về lộ trình  của những con người trong  một kiếp mưu sinh. Sáng, chiều, tối, là những khoảnh khắc hữu hạn  nối tiếp làm thành dòng liên tục thời gian vô hạn. Tương quan với thời gian là những hoạt động (kiếm sống, tìm công danh, mài rũa trí khôn) của con người cá thể muốn khắc hoạ cái vẻ đẹp cần lao sáng tạo riêng của mình vào cái vô hạn của thời gian chung, hình tượng thơ bởi vậy còn là một ẩn dụ ý nghĩa về cuộc sống trần thế!
Tập thơ Lô lô (Ly Hoàng Ly) nhiều bài xoay quanh cái biểu tượng Đêm đầy ẩn dụ: Peformance Hambơgơ, Đêm và Anh, Mở nút đêm, Tôi muốn, Đốt, Phòng trắng, Con cuốn chiếu.., đặc biệt hình tượng thơ trong các bài cũng giàu tính hội họa (sắp đặt). Sự liên kết sắp đặt - biểu tượng giúp tác giả xác lập được phong cách cho riêng mình. Viết về những điều gần gũi, tứ thơ vừa nhẹ nhàng vừa sâu kín phải suy nghĩ mới nghiệm ra cái điều tác giả gửi gắm. Cáí vỏ “biểu tượng” làm tăng tính cụ thể của hình tượng nhưng không giảm  tính khái quát của suy tưởng. Con quấn chiếu, một bài thơ ngắn gọn, thuộc loại khá dễ hiểu trong tập thơ, qua hình tượng con quấn chiếu mà thực - hư, riêng - chung, người - vật, khen - chê  pha trộn:
Nằm cuộn như con quấn chiếu
Cảm xúc cũng quấn chiếu…
Đá tảng  rơi trứớc mặt nhẹ tênh
Một hạt cát sà buốt óc,
Run tịt
Chân chằng chịt
Cắt hết chân đi.
Một sự phê phán kín đáo và bao dung về thói bảo thủ trì trệ? Rất mới về ngôn ngữ, vần nhịp, nhưng không hoàn toàn xa lạ, lối tư duy này ta cũng từng gặp đâu đó trong thơ cổ, nhưng ở đây được tạo lập bằng một ngôn ngữ tự do trẻ trung hơn. Có thể kể thêm nhiều, rất nhiều, lối xây dựng hình ảnh kiểu này qua các thi phẩm của các tác giả khác như Con chồn hoang - Nguyễn Vĩnh Tiến, Sphanh, Trương Chi - Văn Cầm Hải...
Và đây, ta hãy nghe một tác giả lý giải về sự sáng tạo của nhà thơ “Hành trình của cây”... Từ nửa đêm cái mầm cây chồi lên từ đất, sương, nắng, mưa, gió và tất cả những gì rơi xuống, những gì bao quanh nắn cho thân cây thẳng, rồi mỗi năm choàng thêm một vòng vân, cây trưởng thành trổ cành đâm tán:
… Mơ ước của đời cây có là gỗ quan tài nổ bừng trong lửa?
Hay trăm năm ẩm áp gói hòm da thịt giữa đất đen?
Khi vươn lên chẳng cây nào nghĩ mình rồi thành giường tủ
Không một thân cây nào uốn mình cho giống hình khung cửa
Kéo rèm.
Mỗi bài thơ tôi tôi giết một ước mơ cây giết đến tận cùng
Thành bột giấy.
(Vàng Anh - Gửi VB)
Biểu tượng bao trùm toàn bài là “hành trình của cây”. Thông điệp của bài thơ mà tác giả gửi đến và được người đọc cảm nhận có nhiều cách giải thích. Câu kết “điểm đọng” của bài thơ gợi chúng ta hướng suy nghĩ về công cuộc sáng tạo của nhà thơ. Tác phẩm như mầm cây được sinh ra và lớn lên trong sự trăn trở và tiếp nhận bao nguồn sinh thái. Nó dần lớn lên qua giai đoạn nở “hai lá mầm” rồi thành "tán”. Phải chăng mơ ước của đời cây sẽ trở thành một “vật linh” chở che hình hài con người đi vào chốn vĩnh hằng? Phải chăng vì hoài bão đó nên cây sống tự nhiên không pha tạp, uốn éo trong một dạng hình thực dụng nào cả (hoặc “giường tủ” hay “khung cửa kéo rèm”?). Nhưng cuộc đời với những quy luật vô hình đã nhào nặn xay nghiền gỗ cây “thành bột giấy” đi ngược lại mơ ước ban đầu của cây, một hành trình không suôn sẻ và tác giả liên hệ, triết lý về việc làm thơ của mình: Mỗi bài thơ tôi tôi giết một ước mơ cây giết đến tận cùng/ Thành bột giấy. Cái kết cục đó nên buồn hay vui, vì bột giấy không là linh vật như gỗ quan tài, nó tầm thường nhưng cũng có ích lắm chứ, tác giả để ngừơi đọc tự luận. Ý nghĩa bài thơ có thể có cách hiểu khác, ở đây chúng tôi muốn lưu ý rằng cách lập tứ đầy tính biểu tượng, đầy ẩn ý như ở bài thơ này là nét mới nhưng khá phổ biến trong nhiều thi phẩm đương đại.
Hoàng Vũ Thuật, trên chặng đường thơ mới của mình sử dụng rất nhiều thủ pháp ẩn dụ - biểu tượng. Nhà thơ đi qua thời gian, đi qua không gian tìm về những ký ức, lật xới để chiêm nghiệm một ứng xử nhân sinh:
 ... năm ngày lặn giữa cánh rừng/ trườn qua lối mòn vắng dấu chân/ gai nghìn tuổi xẻ đôi lòng tay/ lá trăm năm mài mòn vòm ngực/ anh là con thú ngồi liếm vết thương
... năm đêm ngụp trong đám tinh vân/ nhào lộn với bầu trời đen đặc/ đôi cánh tả tơi đôi cánh mọc dậy chấm sao linh ứng vỡ òa/ anh là chim bão khản giọng mùa qua (năm ngày đêm).
Bài thơ là một ẩn dụ cả về đường đời lẫn đường thơ. Có nhà thơ thế kỷ trước ví thi sĩ như con chim bồ nông tự cắn vỡ ngực mình đem sự sống cho thơ. Nhà thơ thời nay thấy mình như con thú ngồi liếm vết thương sau chuyến băng rừng đầy gai góc, như chim báo bão khản giọng sau bao đêm ngụp lặn trong bầu trời đen mong tìm một lối đi, một nghiệm sinh cho Thơ! Cay đắng vất vã nhưng hy vọng không nguôi tàn: từng ngày từng ngày từng ngày/ từng đêm từng đêm từng đêm/ cây khô lại mướt sao tàn lại hiện...
Và đây, nổi lên trong dãy dài biểu tượng thơ ca về người con gái  (mai, liễu, hoa hồng ,tầm xuân, thỏ, bồ câu...) Vi Thùy Linh thêm vào một biểu tượng nữa “vì sao”. Một cách nói nồng nàn chân thật mà độc đáo, chị nói về mình, tự thoại về nỗi khó khăn và khát vọng sống, vươn lên một cách tự chủ - người thiếu nữ đầu tk 21 - không lãng tránh nỗi xót xa thân phận giữa dòng đời “mặn xót”:
Con/ Vì sao lạc/ Lớn lên và sáng bằng nước mắt
Bầu trời không ngừng bão tố
Sấm, sét, chớp rạch đầy những cánh sao mảnh dẻ của con
Con cố vươn cánh sáng hơn những ngôi sao chi chít kia, để nối gần bố mẹ
Con muốn mình lớn thật nhanh để đối mặt với mọi cuộc đời,
... Con/ Rơi/ Xuống
... Nước sông mặn xót, đầy sinh vật muốn tấn công
Những cánh sao lại rướn lên mặt nước
(Những đối lập)
Ý thức giới tính của Mai Văn Phấn thì mang hình cái bút - một biểu tượng độc sáng - đang tự nhiên ngắm nỗi cô đơn chưa được chấm vào mực của mình!
Chiếc bút trên bàn. Khi dọn dẹp? muốn để lại. Cầm bút thư giãn vừa lạ vừa quen.

Quản bút nhẵn ngón tay cầm. Đôi khi tháo ruột bút xem (phải tháo trộm vì hành vi quái đản). Mở nắp bút như bật cánh cửa, cậy nắp hầm tối… cảm giác chợt thức, chợt mở mắt. Muốn tháo nắp bút một nơi. Nắp bút ở trên, thân bút bên phải hay ở dưới. Cả ngược lại
Mở… Lắp…
Thơ đương đại có nhiều thay đổi về nội dung cũng như hình thức xét trên mối quan hệ với đời sống xã hội, nó phải thay đổi cho tiến gần đời sống, cập nhật đời thường với tâm lý con người bây giờ. Trong các yếu tố tạo thành thi phẩm như đề tài, tư tưởng, kết cấu, hình tượng, thể tài, ngôn ngữ… thì ở cấp độ trung gian hình tượng có nhiều tác động qua lại nhất. So với đề tài và tư tưởng thì nó là hình thức thể hiện, nhưng so với thể tài và ngôn ngữ thì nó chính là nội dung chi phối. Khi thủ pháp xây dựng hình tượng thay đổi nó kéo theo sự thay đổi các yếu tố thứ cấp như bố cục, thể tài, ngôn ngữ. Trong không khí bộn bề của sự tìm tòi đổi mới của thơ ca nhiều tác giả không còn quá dụng công vào cái việc đi tìm nhãn tự, thần cú mong gây được nhiều ấn tượng sâu sắc với công chúng mà họ tập trung vào các thủ pháp xây dựng hình tượng mà phép ẩn dụ với các biến điệu sinh động là một đặc trưng nổi trội, tạo được nhiều thành công gây nhiều hiệu ứng mỹ cảm cho thơ.
Yến Nhi
Theo http://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Miền cổ tích hoang hư 2

Miền cổ tích hoang hư 2 7 - Ngọ... Chiếc tàu thu mua hải sản ném Phương lên bờ tại cảng cá tanh hôi và ồn ào của Hải Phòng. Lôi thôi lếch ...