Thứ Tư, 20 tháng 2, 2019

Vũ Bằng và mối ưu tâm đặc biệt với văn hóa tâm linh

Vũ Bằng và mối ưu tâm đặc biệt 
với văn hóa tâm linh
Là nhà văn, nhà báo hiện diện trên văn đàn Việt Nam từ những năm ba mươi của thế kỷ XX, Vũ Bằng quan tâm đặc biệt đến văn hóa dân tộc. Sự ảnh hưởng của văn hóa dân tộc truyền thống - trong đó có văn hóa tâm linh - đến đời sống tinh thần của nhà văn thể hiện ở cách nghĩ, cách nhìn và cách phản ánh của ông về vấn đề văn hóa truyền thống và về cuộc đời, số phận con người. Văn hóa tâm linh trong sáng tác của Vũ Bằng vừa khẳng định những truyền thống quý báu về ý thức, niềm tin, lối sống và lòng nhân ái của dân tộc, vừa nhắc nhở người đọc sống tốt, sống có đạo lý và sống có ý nghĩa.
1. Sự ảnh hưởng của văn hóa tâm linh trong tình yêu văn hóa truyền thống của Vũ Bằng
Tình yêu văn hóa dân tộc nồng nhiệt, sâu đậm của Vũ Bằng thể hiện ở nhãn quan văn hóa đa dạng, ở những kỷ niệm về văn hóa được lưu giữ trong ký ức. Với ông, văn hóa được biểu hiện ở những lĩnh vực cụ thể và sống động. Đó là cảnh sắc thiên nhiên của đất nước, những lễ hội thường niên, những phong tục tập quán lâu đời, nền ẩm thực đa dạng và những thú chơi tao nhã của người đam mê cái đẹp… Đặc biệt, khi viết về đền chùa, lễ hội và phong tục, nhà văn cho thấy ông chịu ảnh hưởng khá sâu sắc văn hóa tâm linh của dân tộc.
Đền chùa và những lễ hội thường niên
Trân trọng cội nguồn sâu thẳm của văn hóa với những giá trị nhân văn sâu sắc, Vũ Bằng quan tâm đến những di tích đền đài, chùa chiền. Đó là những công trình nghệ thuật kiến trúc mà nghệ nhân thời xưa đã lưu lại ở các địa phương bằng trí tuệ, tâm hồn, tài năng của họ; cũng là những vật thể nuôi giữ giá trị thẩm mỹ và tâm linh, mang tính huyền thoại. Trong Thương nhớ mười hai, Mơ về một cuộc chọi trâu, Hội Lim, Hội Lim đã mất, Vũ Bằng viết về những đền chùa cổ kính ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc được khách thập phương đặt niềm tin như đền Ngọc Sơn, Quán Thánh, Hàng Trống, Quan Phước, chùa Quán Sứ, Dâu, Kim Cổ, Trấn Quốc, Bà Đá, Liên, Trầm, Hương, Vua, đình Thiên Hương, Ủng… Đó là  những nơi thờ Phật hay thờ thần thánh gắn với những hội lễ mang tính thiêng liêng và gắn với ước mơ hoà bình, an lạc của dân tộc.
Sự phong phú của các lễ hội ở miền Bắc từ đầu năm cho đến cuối năm, từ lễ chùa, lễ Phật đến lễ tiên tổ ông bà được Vũ Bằng mô tả tường tận trong Thương nhớ Mười hai. Riêng về lễ tết hàng năm, có Tết Nguyên đán, tết Hàn Thực, tết Đoan Ngọ, tết Trung Thu, tết Trùng cửu… tuần tự diễn ra theo thời gian. Sau lễ là hội, từ hội tế thần, tế thánh, rước thần đến hội rước vía và những cuộc thi, trò vui, trò diễn dân gian như hát ví, đánh cờ người, cờ bỏi, đấu vật, chọi gà, chọi cá… diễn ra khắp các địa phương. Kể ra các lễ hội với các nghi lễ của tín ngưỡng dân gian, tôn giáo và các sinh hoạt tập thể, Vũ Bằng đề cao nếp sống cộng đồng, ý thức về tổ tiên, nguồn cội cao cả của người Việt Nam, đồng thời khẳng định sự quan trọng của đời sống tâm linh người Việt với mong muốn được giao cảm với thế giới siêu nhiên và đặt niềm tin vào thần thánh do họ tưởng tượng ra.
Chịu ảnh hưởng tín ngưỡng tâm linh của dân tộc, Vũ Bằng cho rằng các lễ hội còn có ý nghĩa “thanh lọc tâm hồn”, khiến “lòng nhẹ thênh thênh quên hẳn tục lụy”. Văn hóa lễ hội là một nét riêng của Vũ Bằng so với các nhà văn viết về đề tài văn hóa khác.
Những phong tục dân tộc
Phong tục làng quê cổ truyền thể hiện sức sống và bản sắc dân tộc của làng xã Việt Nam. Theo Vũ Ngọc Khánh, “tâm lý hướng về cội nguồn, tự hào về dòng giống của mình là tâm lý chung của tất cả các dân tộc trên trái đất  này” (1). Lớn lên ở vùng đất của những đền chùa, tín ngưỡng, lại sống trong môi trường gia đình với những người phụ nữ giàu đức tin, Vũ Bằng thấm nhuần ý thức cội nguồn qua những tập tục đã thành nề nếp, thể thức của dân tộc.
Từ tập tục thờ cúng ông bà, tổ tiên của người Việt, nhà văn cho thấy ý thức về cội nguồn của dân tộc ta không chỉ là “tự hào về dòng giống của mình” mà đó còn là lòng biết ơn tổ tiên, ông bà - một đạo lý làm người. Thể hiện đạo lý làm người, những người đi trước, những người trong mối quan hệ gắn bó lại nhắc nhở nhau giữ gìn, vun bồi cho những hành động hợp lẽ với đạo đức truyền thống của ông cha. Họ “lấy tâm tư mà nói chuyện với nhau, lấy đạo lý mà khuyên bảo, dạy dỗ nhau cách nào cho vẹn đạo làm người, chớ có thấy giàu mà ham, chớ vì sang mà bỏ nghĩa, chớ vì cầu an mà làm tôi mọi cho người ngoài” (2).  
Có nhiều sinh hoạt cụ thể gắn bó với phong tục như chuyện kiêng kỵ trong tín ngưỡng, cưới xin, ăn uống… Nhớ về quê hương, về văn hoá dân tộc, nhà văn Vũ Bằng đặc biệt nhớ đến những phong tục, tập quán gắn liền với tín ngưỡng của dân tộc. Tín ngưỡng cũng là một dấu ấn về văn hoá trong tâm thức làng quê của người Việt từ bao đời. “Đó là những thói quen đã ăn sâu vào đời sống xã hội từ lâu đời, được đại đa số mọi người thừa nhận và làm theo” (3). Đó là một niềm tin có phần huyền bí mà rất cụ thể, có phần thiết thực mà rất thiêng liêng. Những vấn đề của phong tục dân gian như nếp sống, sinh hoạt tinh thần, sinh hoạt vật chất, sinh hoạt tâm linh… là những điều bình thường trong cuộc sống người Việt.
Mơ về những cái Tết xa xưa với những anh em văn nghệ tiền chiến, Chén trà đầu xuân, Ngoảnh lại trông xuân, Tranh gà tranh lợn với ngày Tết Việt Nam… là những hồi ức về tết dân tộc của Vũ Bằng. Viết về tết dân tộc, nhà văn đồng thời cũng kể đến những phong tục gắn với niềm tin và ước muốn tốt đẹp đã trở thành thói quen của nhân dân ngày tếtnhư tục viết câu đối dán ở cột trước cửa và ngoài sân, mua trầm để đốt trên bàn thờ, treo tranh gà lợn trên tường, thăm mộ gia tiên nội ngoại, trồng nêu, vẽ vôi bột, gói bánh chưng, dọn cửa lau nhà, chúc tụng nhau ngày tết…
Nêu ý nghĩa của một số phong tục, nhà văn thể hiện quan niệm rất mới và có giá trị về mối quan hệ giữa phong tục với dân tộc, gia đình. Về tục thờ cúng ông Táo và tiễn đưa ông Táo về trời, theo ông, nó “chứng tỏ rằng người mình lúc ấy đã tổ chức thành gia đình nhỏ, mà cái bếp của ông Táo là tượng trưng cho gia đình, cái bếp là đơn vị nhỏ nhất của xã hội. Cái gia đình ấy, cái đơn vị ấy đồng nhất từ Bắc vào Nam cho nên không có kẻ nào chia rẽ được Nam với Bắc” (4). ÔngTáo ở Bắc lên chầu trời “cưỡi một con cá chép”, ông Táo ở Trung “cưỡi một con ngựa yên cương chĩnh chạc”, còn ông Táo trong Nam thì được đồng bào “cúng một cặp giò - cặp hia để cho ông đi lên Thiên Đình cho lẹ”. Dù Bắc hay Nam, dù tiễn ông Táo về trời bằng hình thức nào, người Việt Nam vẫn hiểu rõ giá trị của mái ấm gia đình. Trong cuộc sống hiện đại, khi bữa cơm gia đình ngày càng thiếu vắng, chúng ta càng trân trọng những suy nghĩ có ý nghĩa về tổ ấm của nhà văn.
Các tập tục mà nhà văn kể ra thể hiện những phần sâu kín trong tâm hồn con người, gắn với tâm linh nhưng lại thiết thực, cụ thể. Người miền Nam có tục xin xăm, “xin một quẻ thẻ đầu năm để biết kiết hung”. Người Việt Nam có tục cầu trời khấn Phật, “xin các sức huyền bí viện trợ cho mình”. Mọi nhà làm lễ cúng bái, tháng bảy đại lễ Vu Lan bồn, xá tội vong nhân ở nơi âm phủ cho những người quá cố… “Trông vào một Đấng Tối Cao trong cõi vô hình”, theo Vũ Bằng, niềm tin của ông cha phát xuất từ nhu cầu thực tế về sự tồn tại, bình yên: “Từ bao nhiêu đời nay tổ tiên mình, rồi đến ông cha mình tin tưởng, rồi đến mình đây tin tưởng…”  (5).  
Về những phong tục gắn với những kiêng kỵ, nhất là những kiêng kỵ ngày tết, nhà văn nói đến việc kiêng cữ chửi mèo mắng chó, “không được quét nhà vì sợ đuổi thần tài ra cửa, không được đánh vỡ chén bát để tránh đổ vỡ suốt năm, không được khâu vá vì kim chỉ tượng trưng cho công việc làm ăn vất vả” (6). Kiêng gọi tên con khỉ, con chó, con lợn vì sợ nói đến tên chúng thì không may mắn; kiêng nói đến tên “cầy” trước khi cúng bái cày, kiêng viết lách trước khi làm lễ khai bút; kiêng buôn bán hàng trước khi làm lễ tiên sư ở quầy hàng,… Tất cả những tục kiêng cữ ấy đều xuất phát từ nguyện vọng có được cuộc sống tốt đẹp, như ý. Với ông, những phong tục, kiêng cữ ấy có ý nghĩa “chứng tỏ tính chất đồng nhất của xã hội”.
Am hiểu tường tận những biểu hiện của văn hóa trong đời sống dân tộc, với nhà văn, những thói quen đã thành nếp, đã ăn sâu vào đời sống xã hội của mọi người không phải là sự cả tin mù quáng đáng phê phán mà là những mong muốn, ước ao đáng trân trọng: “Cứ tin như thế, người ta thấy đời đẹp hơn, đáng yêu hơn” (7). Tất cả cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa con người với cuộc sống vật chất và với đời sống tinh thần.
2. Sự ảnh hưởng của văn hóa tâm linh trong quan niệm về số phận con người của Vũ Bằng
Vấn đề số phận con người đã được văn học phương Tây quan tâm từ thuở xa xưa, khi con người còn trong bộ áo nửa thần nửa người. Số phận con người trong thần thoại chịu sự chi phối của định mệnh.
Trong văn học Việt Nam, vấn đề số phận con người đã từng được đặt ra… Vũ Bằng viết tiếp về số phận con người gắn với suy nghĩ về nghề nghiệp, linh hồn, thế giới bên kia, luật nhânquả, trả vay… Theo ông, sống chết, bệnh tật, tai nạn, thành công hay thất bại… “tất cả đều quay trong một cái vòng tròn mà “số mệnh” là trung điểm” (8). Trong mạch suy tư về con người của Vũ Bằng thì những suy tư về con người trong sự đặt định của số phận xuất phát từ một nhân tâm hướng thiện và thể hiện những chiêm nghiệm của ông về đời người mà nguồn gốc sâu xa là từ sự ảnh hưởng đời sống tâm linh của dân tộc.
Quan niệm nghề là nghiệp dĩ 
Vũ Bằng là nhà văn và cũng là nhà báo. Ông đến với nghiệp văn, nghiệp báo bắt đầu từ sự yêu thích, say mê  từ thuở nhỏ... Vũ Bằng trải lòng: “Nếu quả viết văn là dại, tôi cứ muốn dại cho tới khi nhắm mắt và sang đến kiếp sau vẫn cứ dại luôn!” (9). Đây là một quan niệm, một thái độ quyết liệt sống chết với nghề, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù thế nào chăng nữa cũng chẳng đổi thay.
Đối với nghề văn hay nghề báo, Vũ Bằng đều xem đó là nghiệp nhưng không phải trong ý nghĩa là một cái nghề làm ăn, sinh sống. Đúng là trong nhiều năm của cuộc đời, bằng việc viết văn, làm báo, ông đã nuôi sống được vợ con. Nhưng ông đã không xem điều đó là trọng. Hơn nữa, nhìn cả cuộc đời say mê và cống hiến cho báo chí, văn chương của ông, không thể nói nhà văn chỉ xem đó là nghề kiếm sống. Vũ Bằng nói đến nghề văn nghề báo với ý nghĩa nghiệp dĩ - vốn đã như thế rồi, có nghĩa là phần họa phúc, sướng khổ của nghề dành riêng cho cuộc đời mỗi người đã được định đoạt từ trước. Đây cũng là quan niệm của nhiều nhà văn cùng thời với ông. Tam Ích, trong bức thư cuối cùng gửi cho Vũ Bằng trước khi chết, khẳng định: “Đối với tôi, văn chương là cái nghiệp. Đã là cái nghiệp thì phải trả”(10).
Vũ Bằng cũng từng nhắc đến những nhà văn như Trần Huyền Trân, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Khổng Dương, Cuồng Sỹ… dù nghèo khổ nhưng vẫn không bỏ nghề văn bút để đi làm nghề khác. Với họ, đã mang lấy nghiệp vào thân thì dù vui buồn, sướng khổ thế nào cũng phải đón lấy hoặc gánh chịu. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng quan niệm nghiệp dĩ của các nhà văn lại xuất phát từ lòng yêu nghề của họ. Nói rõ hơn, từ lòng yêu nghề, gắn bó lâu dài với nghề mà các nhà văn, nhà báo đã xem đó là nghiệp dĩ.
Một cách nghĩ khác của Vũ Bằng và nhiều bạn văn của ông là gắn bó với nghề văn, nghề báo còn vì họ là “những người bị tiền oan nghiệp chướng,... nên bị đày đọa xuống trần để trả cho xong nợ” (11). Dù quan niệm thế nào thì ta vẫn thấy rõ họ đã cột chặt đời mình vào văn chương, chấp nhận vướng víu với văn chương, xem như mắc nợ và phải trả món nợ văn chương.
Sự lý giải về nghề nghiệp theo quan niệm đạo Phật, mang tính duy tâm của Vũ Bằng cho thấy với ông, nghề văn và nghề báo là cái nghiệp đeo đẳng ông từ kiếp này đến kiếp khác, là sự an bài của số mệnh. Quan niệm của nhà văn có tính chất duy tâm khi nhắc đến nghiệp dĩ, nghiệp chướng nhưng hoàn toàn xuất phát từ thực tế. Nói cách khác, trong quan niệm của Vũ Bằng, yếu tố hiện thực làm nền cho tư duy mang tính chất tâm linh. Điều đó cho thấy nhà văn chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng, tinh thần của ông cha trong văn hoá truyền thống. Tất nhiên, cuộc đời hoạt động báo chí, văn chương và sự nghiệp sáng tác của Vũ Bằng do chính ông định đoạt. Nhưng cũng từ quan niệm của nhà văn, ta nhận ra ông yêu nghề tha thiết, gắn bó sâu sắc với nghề, sống chết với nghề và xem nó như là một phần của đời người (ở kiếp này và cả kiếp sau). Chính vì vậy mà chúng ta trân trọng biết bao sự nghiệp sáng tác của Vũ Bằng nói riêng và của các nhà văn nói chung.
Quan niệm linh hồn và kiếp sau
Đời sống tâm linh là phần sâu lắng trong tâm hồn con người, khó mà giải đáp theo khoa học. Đó là sự tiếp cận với một thế giới thiêng liêng, huyền ảo, có phần mơ hồ nhưng lại cụ thể, thậm chí trở nên gần gũi, tạo cho con người có một niềm tin huyền bí nhưng thiết thực trong cảm nghiệm - đi tìm chỗ dựa ở những giá trị đã ổn định trong quá khứ. Con người tìm đến một thế lực linh thiêng để cầu mong được an ủi và phò trợ. Trong đời sống tâm linh của dân tộc Việt Nam, trời, chúa, phật, thần linh, thành hoàng và tổ tiên là những đấng tối cao mà người dân có thể tìm đến.
Ngoài tín ngưỡng thành hoàng và tổ tiên, Vũ Bằng và gia đình chịu ảnh hưởng của Phật giáo. Theo Vũ Ngọc Khánh, “trước khi Nho giáo trở thành quốc giáo, nước ta đã đi theo Phật giáo, tiếp thu đạo Phật cùng với những tín ngưỡng bản địa, để có riêng một cách sống, một cách ứng xử trong gia đình cũng như trong xã hội” (12). Trong đời sống của người Việt Nam, nhiều biểu hiện tinh thần, tâm hồn, sinh hoạt… có gốc từ Phật giáo. Vũ Bằng tin có những đấng tối cao trong cõi sống vô hình nên khi viếng chùa thì khấn vái, “cúi đầu trước khói nhang thắp lung linh khắp các bàn thờ, trong khắp các động và lầm thầm khấn vái đức Phật từ bi cứu vớt chúng sinh chìm đắm trong ta bà thế giới” (13). Ông mang niềm tin về đấng tối cao đầy quyền năng huyền bí, có thể giúp con người thoát khỏi tình trạng nguy khốn hay tuyệt vọng.
Vũ Bằng đã từng khẳng định ông vẫn đeo mang nghiệp làm văn, làm báo ở kiếp sau, kiếp có khả năng “trở lại làm người”. Quan niệm con người có linh hồn, có kiếp sau của nhà văn chịu ảnh hưởng từ đạo Phật. Theo thuyết luân hồi của nhà Phật, chết ở kiếp này sẽ lại sinh ra ở kiếp khác, trong một thể xác khác; kiếp trước và kiếp sau có quan hệ nhân quả với nhau, cứ quay vòng mãi mãi như vậy. Vũ Bằng tin ở những điều thuộc về tâm linh. Ông cho rằng vạn vật có tâm hồn. Quan niệm vạn vật đều có linh hồn của người xưa có nguồn gốc từ sự sợ hãi vì không hiểu, không giải thích được và không khống chế được tự nhiên. Quan niệm vạn vật có tâm hồn của Vũ Bằng xuất phát từ tấm lòng nhân ái và từ niềm tin về sự hướng thiện.
Vũ Bằng tin người chết có linh hồn, tin người cô ở nơi suối vàng dõi theo và phù hộ cho ông, tin các linh hồn lang thang trong cõi hư vô, đến ngày lễ Vu Lan cùng tìm lại mà phối hưởng những phẩm vật của người trần gian. Người cha trong truyện ngắn Đợi con đã nghĩ đếnlinh hồntrong niềm mong mỏi che chở cho con: “Nếu quả người ta chết mà linh hồn vẫn sống, con ơi, ba sẽ luôn luôn ở bên con để phù hộ cho con” (14).
Tiểu thuyết thứ bảysố 11-1949 ra mục Tân truyền kỳ mạn lục với mục đích “đánh bạo theo cổ nhân tìm cách thoát ra khỏi cuộc đời trong chốc lát và cũng thử ghi lại một ít sự kiện tâm lý và khả năng đạo đức trong đời này”.Báo cũng nêu rõ: “Những chuyện chúng tôi đăng trong mục này sẽ sưu tập những linh kỳ, truyền thuyết từ ải Nam Quan đến vụng Cà Mau vào chính cái hội mà chúng ta đương sống hiện nay - kể từ lúc dân ta bị khủng bố về những thảm trạng máu sông, xương núi”(15). Cây hoa hiên bên bờ sông Na của Vũ Bằng là truyện đầu tiên được in trong mục này. Và từ đó, những truyện kỳ lạ viết theo phong cách tân truyền kỳ mạn lục  như Đám cưới hai u hồn ở chùa Dâu, Bát cơm, Người làm mả vợ, tập  truyện ký Cái đèn lồng, Bảy đêm huyền thoại, Những kẻ gieo gió, truyện dài Bóng ma nhà mệ Hoát là những sáng tác mà trong đó, Vũ Bằng thể hiện rõ quan niệm về linh hồn, về con người ở cõi âm. Đó là những truyện được viết theo lối huyền thoại, vừa có yếu tố tâm linh, vừa mang yếu tố hiện thực, mang tính chất bí ẩn khoa học dường như chưa lý giải được và có khi còn được xem là truyện ma quái. Nó là tiếng nói riêng của Vũ Bằng về những điều kỳ bí của thế giới tâm linh.
Người thiếu phụ trong Bát cơm mặc dù được đối đãi cực tốt ở thiên đình  sau khi chết nhưng lại luôn đau buồn, khóc lóc vì thương chồng con còn khổ ở trần gian. Được “trời chiều lòng”, linh hồn nàng đã “về hạ giới để gặp chồng con, hằng đêm vỗ về an ủi chồng con”. Rồi chồng và con bị bom ném chết, ba cái vong lại được sứ giả dắt về trời… Và dù đã được ở trên thiên đình, họ vẫn quan tâm đến sự đói no của các chiến sĩ ở trần gian.                                                
Trong Đám cưới hai u hồn ở chùa Dâu, linh hồn của cô gái tên Chi sau khi bị máy bay giặc bắn chết, đã đi tìm người yêu tên Thạch. Biết Thạch bị thương và chết ở chiến khu D, Sư Phổ Giác, người trụ trì chùa Dâu, đã  lập một đàn tràng để chiêu hồn Thạch, giúp Thạch và Chi tái ngộ và làm đám cưới cho hai u hồn.
Bảy đêm huyền thoại là bảy câu chuyện huyền thoại được liên kết bằng một câu chuyện bên ngoài miêu tả cuộc sống thời kỳ kháng chiến chống Pháp của những người kể chuyện. Nhà văn hướng vào những chuyện kỳ bí của thế giới linh hồn người chết và quan tâm đến những cái ám ảnh vô thường của đời sống nhân sinh. Đó là hồn của một ông lão tiều phu đêm đêm hiện về với “tiếng khóc não nề” vì hối hận đã làm điều có tội (Cây tỳ bà với gió tương tư). Đó là “cái hồn không tiêu tan được của Đông Du”, người đã hy sinh trong một trận đánh ác liệt, hoá ra một loài chim biết kêu tiếng người (Quý Ly, đền tội đi!). Đó là hồn những nho sĩ hiện lên “vịnh thơ, làm phú, ca ngâm” mỗi khi có tết nhất, hội hè (Nước vối Cầu Tiên)… Kể lại những câu chuyện liên quan đến sự ẩn hiện của các linh hồn, nhà văn bộc lộ suy nghĩ rằng các linh hồn tồn tại là các linh hồn không được siêu thoát, hoặc còn căm tức điều gì, hoặc còn tiếc nuối điều gì, hoặc còn quyến luyến điều gì…
Tuy viết về những điều vẫn đang còn là một sự thách đố đối với khoa học nhưng rõ ràng Vũ Bằng đã xây dựng nhiều huyền thoại trên một cái nền hiện thực là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Qua những câu chuyện thể hiện đời sống tâm linh của con người,  nhà văn Vũ Bằng còn cho thấy tình cảm yêu thương gắn bó giữa những người sống và người chết. Giữa hai thế giới còn có sợi dây tình cảm ràng buộc lấy nhau. Nói đến linh hồn, kiếp sau cũng là một cách ông nhắc nhở con người biết tu dưỡng, sống tốt đẹp. Vũ Bằng không nói cao siêu về đức bác ái, từ bi của đạo Phật, mà nói giản dị, gần gũi về lòng nhân ái của con người trong cuộc sống hàng ngày.
Quan niệm gieo hành động gặt số phận
Theo quan niệm của đạo Phật và theo quan niệm của người Việt Nam nói chung, nguyên nhân có từ kiếp trước tạo ra kết quả ở kiếp sau và ngược lại, kết quả ở kiếp sau là do nguyên nhân từ kiếp trước. Đó cũng là một lẽ báo ứng, một cách định đoạt những phúc, tội của con người. Trong rất nhiều truyện, Vũ Bằng đã thể hiện niềm tin có quả báo, trừng phạt, tiền oan nghiệp chướng, âm phù dương trợ, luân hồi.
Bóng ma nhà mệ Hoát,  Cái đèn lồng, Cái cóng thuốc của Hàn lang, Đường mòn Tôn Điền Tùng cương,tập truyện Những kẻ gieo gió… là những truyện báo oán được nhà văn  viết lại từ những câu chuyện được nghe kể, được phóng tác, được đăng tải trên báo chí… Đó là những truyện hầu như khoa học chưa lý giải được nhưng nhằm chứng minh cho thuyết quả báo của nhà Phật. Cái chết không toàn thây của sĩ quan người Nhật Tô Ku Bê (trong Bóng ma nhà mệ Hoát) là cái chết bị hồn linh báo oán. Tô Ku Bê đã hại đời cháu gái mệ Hoát, đã cho xe chở cổ ngoạn mệ Hoát đi và phá nát bao nhiêu cổ vật không chở hết được. Thế nên, ông ta phải gánh chịu cái chết đầy oán thù. Cái chết của ba người bạn chí thân - giai nhân Giáng Tiên, cùng nàng nữ tỳ và vợ của chàng Đại Thông Thái Lang (trong Cái đèn lồng) - đều là những cái chết đau thương, tức tưởi do bị báo oán bởi những hồn ma của những người ngày xưa đã bị họ hại chết. Cái chết của Hàn Lang (trong Cái cóng thuốc của Hàn Lang) là do sáu người bạn bị chết oan bởi lời tố cáo của chàng (tố cáo họ làm cách mạng để lãnh thưởng) báo oán. Trong tập truyện Những kẻ gieo gió, hai mươi hai truyện tập trung vào đề tài báo oán - làm ác thì nhận quả ác báo, gieo gió thì gặt bão.
Những truyện về đề tài luật nhân quả của Vũ Bằng còn có ý nghĩa lên án cái xấu, cái ác.  Trong đó có những truyện  bộc lộ rất rõ dụng ý luân lý “dĩ oán báo oán, oán ấy chất chồng” nhằm nhắc nhở, cảnh tỉnh con người đừng sa chân vào tội ác (theo ngoại bang hãm hại đồng bào, tham tiền mất hết lương tri…), kẻo nhận lấy những hậu quả đau đớn khôn lường, bị trừng phạt bởi luật nhân quả.
Trong nhiều truyện, tác giả cũng thể hiện luân lý “dĩ đức báo oán, oán ấy tiêu tan” nhằm nhắn nhủ con người hướng theo cái tốt, làm điều thiện. Khi con người biết tu nhân tích đức thì mọi oán cừu sẽ được xóa bỏ. Hồn ma người vợ của Hàn Lang (Cái cóng thuốc của Hàn Lang) tin rằng “nếu cứ theo dõi được Hàn Lang mà che chở và khuyên chàng làm được điều âm đức thì rồi cũng hưởng lấy cái phúc của chồng” (16). Sự hối hận (đi tu và làm việc nhân đức, cứu người, giúp đời suốt hai mươi năm trời) của vị lão tăng về một quá khứ đầy tội lỗi (thông dâm với vợ của chủ nhân rồi giết chủ nhân) đã giúp lão tăng ấy xoá hết được nợ với đời (Đường mòn Tôn Điền Tùng Cương).
Truyện Vũ Bằng nhắc nhở người của thế hệ trước tu dưỡng, làm việc, ăn ở tốt đẹp để lưu lại kết quả cho thế hệ sau. Đây là một quan niệm, một ý thức văn hóa của phương Đông, của Việt Nam. Người Việt không chỉ sống cho mình, cho hiện tại, mà còn sống cho con cháu, cho tương lai.
Từ những chiêm nghiệm về cuộc đời con người, về cuộc sống xô bồ mênh mang những buồn vui, thua được, Vũ Bằng đã nghĩ về kiếp làm người bằng tấm lòng nhân hậu của một nhà văn có trách nhiệm, có lương tâm.
Tuy nhiên, ngoài Bóng ma nhà mệ Hoát, những truyện kỳ ảo của Vũ Bằng vẫn còn thiếu sự dụng công về mặt ngôn từ, dựng truyện và xây dựng tính cách nhân vật.
Mặc dù vậy, sáng tác của Vũ Bằng cũng góp một phần có giá trị vào mảng truyện kỳ ảo, truyện truyền kỳ như là một dòng mạch liên tục trong lịch sử văn học Việt Nam. Bởi lẽ, từ trước Cách mạng tháng Tám 1945, các nhà văn Thế Lữ, Tchya, Thanh Tịnh, Nguyễn Tuân… đã được xem là những nhà văn liêu trai khi viết loại truyện kỳ dị, “xây dựng nên một nhánh riêng của văn xuôi thời cận hiện đại”. Sau một thời gian dài, loại truyện mang màu sắc kỳ ảo vắng bóng trên văn đàn, đến cuối những năm tám mươi, Nguyễn Huy Thiệp, Ngô Văn Phú, Lưu Minh Sơn… đã  đạt được thành công với những truyện có “sự trở về của yếu tố kỳ ảo”.                                                              
Ghi chú:
1,12. Vũ Ngọc Khánh, Nghiên cứu văn hóa cổ truyền Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.352, 319.
2, 13. Vũ Bằng, Tuyển tập Vũ Bằng, Tập 2, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2000, tr.27, 50.
3. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam,  Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2004, tr.234.
10. Vũ Bằng, Mười chín chân dung nhà văn cùng thời, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.6.
4,5,6,7,8,9,11. Vũ Bằng, Tuyển tập Vũ Bằng, Tập3, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2000, tr.286, 273, 307, 311, 451, 758, 754.
14.Vũ Bằng, Truyện ngắn, Nxb. QĐND, Hà Nội, 2001, tr.294.
15.Tiểu thuyết thứ bảy, số 11-1949, tr.5.
16. Vũ Bằng, Những kẻ gieo gió, Tập 1, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2003, tr.196.
Hà Minh Châu  
 Theo http://www.vanhoanghean.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Miền cổ tích hoang hư 2

Miền cổ tích hoang hư 2 7 - Ngọ... Chiếc tàu thu mua hải sản ném Phương lên bờ tại cảng cá tanh hôi và ồn ào của Hải Phòng. Lôi thôi lếch ...