Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2019

Ninh Thuận - Bản hòa tấu đặc sắc của thiên nhiên và con người

Ninh Thuận - Bản hòa tấu đặc sắc 
của thiên nhiên và con người
Có những vẻ đẹp rực rỡ, mang đến cảm xúc mãnh liệt rồi tan biến nhanh. Cũng có khung cảnh như một bản nhạc dịu êm để rồi đọng mãi trong ký ức của nhiều năm sau đó. Ninh Thuận là một điểm đến như vậy.
Nếu chỉ ngắm vùng đất này qua những bức ảnh đã chỉnh sửa đậm màu, bạn sẽ không thể nào cảm nhận được nét yêu kiều, e ấp của thiên nhiên nguyên sơ và sức sống mãnh liệt ẩn sau nụ cười bình dị của người dân nơi đây.
Tiếng gọi từ thiên nhiên
Đến Ninh Thuận, điều đầu tiên vẫy chào du khách là cái nắng gắt gỏng và bầu trời xanh biếc, nhưng bạn đừng vội nản lòng bởi vùng đất này vốn có nhiều hơn thế.
Còn gì tuyệt hơn trải nghiệm đón ngày mới lên trên những đồi cát được ví von là tiểu sa mạc của Việt Nam. Đồi cát Nam Cương, Sơn Hải đã trở thành nguồn cảm hứng để giới nhiếp ảnh nghệ sĩ cho ra đời hàng trăm tác phẩm nghệ thuật để đời.
Mỗi triền cát trải dài, uốn lượn như lớp vải lụa phô bày đường cong tuyệt mỹ của thiên nhiên. Lữ khách thường đến đây thật sớm để có thể chiêm ngưỡng khoảnh khắc rạng đông kỳ ảo, bởi họ biết rằng đây chính là thời điểm đồi cát cựa mình tỉnh giấc, mang theo những khoảng sáng tối diệu kỳ.
Nắng càng lên cao càng hiện rõ những dải màu nhấp nhô lượn sóng, phô ra hàng hàng lớp lớp trảng cát mà mới chiều qua còn in đậm dấu hân người. Đặt chân lên đỉnh đồi, bạn sẽ nhìn thấy đàn cừu trắng được trẻ mục đồng lùa về hướng thảo nguyên. Trên đường thi thoảng xuất hiện bụi cây thân thảo, kiên cường góp nhặt chút sắc xanh ít ỏi cho hoang mạc khô cằn.
Nằm trên cung đường du lịch lừng danh, Ninh Thuận được bao bọc bởi 3 mặt núi, một mặt biển, thiên nhiên phong phú từ Núi Chúa hoang sơ, vịnh Vĩnh Hy xanh êm, Tháp Chàm trầm mặc đến những cánh đồng muối lấp lánh và vườn nho xanh mướt.
Công viên đá của Vườn Quốc gia núi Chúa là nơi giao hòa giữa biển, núi, đất, trời; là bức tranh thiên nhiên hùng vĩ với hàng nghìn tảng đá xếp chồng lên nhau, thách thức thời gian, gió cát mà đứng vững từ ngàn đời. Dưới chân núi, bãi Thịt là nơi duy nhất ở đất liền của Việt Nam có các loài rùa biển tìm đến đẻ trứng như rùa xanh, đồi mồi, đồi mồi dứa.
Nằm trong khu vực vườn quốc gia Núi Chúa, biển Bình Tiên tựa như viên ngọc quý được cất giấu giữa núi rừng. Không như nhiều bãi biển khác, du khách phải vượt qua con đường đèo gian nan rồi mới được hít hà mùi gió biển, đắm mình trong làn nước xanh trong và chiêm ngưỡng toàn cảnh biển trời trong lòng những dãy núi.
Trong khi đó, cung đường đến Vĩnh Hy lại hùng vĩ, uốn lượn như bước ra từ tác phẩm điện ảnh Hollywood, bên này là biển xanh biêng biếc, bên kia là vách núi đá vôi sừng sững giữa trời. Đứng giữa gió biển mát rượi, nước xanh lấp lánh những hạt nắng thủy tinh, thi thoảng bắt gặp chiếc thuyền của ngư dân giăng lưới đánh cá, tự hỏi bạn có thấy nao lòng?
Tại Vĩnh Hy, tàu du lịch được thiết kế đáy kính trong suốt để du khách có thể ngắm nhìn những rạn san hô đa hình sắc. Theo các nhà nghiên cứu, khu bảo tồn biển Vĩnh Hy là nơi có rạn san hô đẹp và đa dạng nhất Việt Nam với trên 300 loài phong phú về hình dáng, màu sắc, trong đó có những loài nguyên thủy chỉ cách mặt nước 2-4 m.
Một sắc thái khác của san hô cũng có thể được tìm thấy ở Hang Rái. Sau hàng nghìn năm chịu ảnh hưởng bởi kiến tạo địa chất, quần thể đá san hô cổ đã kết hợp với địa hình lồi lõm của những tảng đá xung quanh để tạo nên vô vàn “bức tường” chắn sóng. Mỗi lần sóng đập vào vách đá sẽ dội lại bọt tung trắng xóa. Người ta gọi hiện tượng có một không hai này là “thác trên biển”. Mỗi thời khắc trôi qua, bãi san hô lại hòa với màu trời để chuyển sang sắc vàng, hồng, có khi tím biếc.
Ngoài Vĩnh Hy, Hang Rái - Núi Chúa, Ninh Thuận còn sở hữu nhiều cảnh đẹp khác, nổi bật là Mũi Dinh. Cách trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 40 km, Mũi Dinh là vùng đất lý thú, mang đến một luồng khí sinh động, nhộn nhịp hơn hẳn. Đúng như tên gọi, Mũi Dinh là một mũi đất vươn ra biển, nằm ẩn sau bãi cát rộng chừng 1 km.
Tại đây, du khách có thể tham gia đủ loại hình vui chơi như tắm biển ở Bãi Tràng, lái xe địa hình vượt đồi cát, leo dốc chinh phục ngọn hải đăng hay cắm trại xuyên đêm để được chiêm ngưỡng bầu trời đêm với hằng hà sa số vì tinh tú.

Dành cho các fan của du lịch mạo hiểm, khu Tanyoli nằm ở Mũi Dinh sẽ mang đến những trải nghiệm độc đáo như: chạy xe địa hình trên đồi cát, đắm mình trong làn nước xanh của biển Sơn Hải hoang sơ, chèo thuyền kayak, zipline, bắn cung, high wirt… Nơi đây được mệnh danh là Mông Cổ thu nhỏ với những ngôi nhà lều mô phỏng cuộc sống đặc trưng của người dân du mục.
Nếp sống du mục: Giao hòa với đất và trời  
Thiên nhiên ngoạn mục, cảnh sắc biến đổi diệu kỳ, nhưng có lẽ điều thôi thúc du khách nhớ về Ninh Thuận lại là lối sống chân chất, giao hoà với đất trời của con người nơi đây.
Trở về trung tâm trên tuyến đường ven biển 702 ôm quanh Núi Chúa, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những vườn nho trĩu cành, mọng quả tập trung chủ yếu ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải. Nắng xuyên qua kẽ lá, chiếu rọi những chùm nho đang căng mình chờ ngày cho trái ngọt. Loại quả vốn nổi tiếng là quý phái, đỏng đảnh dường như thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của người nông dân mà đơm hoa kết trái, đong đưa dưới giàn lá xanh tràn trề sức sống. 
Từ năm 1980, Ninh Thuận đã trở thành vùng đất của những vườn nho trải dải xanh mướt. Thời gian gần đây, du khách tìm đến vườn nho với mong muốn được tìm hiểu, trải nghiệm nên người nông dân bắt đầu làm du lịch.
Người dân ở đây đặc biệt hiếu khách, họ sẽ để bạn dạo chơi dưới những chùm nho xanh, đỏ, tím, đen đủ loại, nổi bật giữa muôn vàn tán nho xanh rì mà không hỏi đòi bất kỳ khoản phí tham quan nào. Bên cạnh trải nghiệm thưởng thức rượu nho và các chế phẩm từ nho được bày bán trực tiếp tại vườn, bạn còn có thể trò chuyện với chủ vườn về truyền thống làm vang nho xấp xỉ 100 năm tuổi.
Ngoài nho, không nhiều loài động thực vật có thể trụ lại và sinh sôi ở mảnh đất này. Trên những nẻo đường cát trắng, thi thoảng du khách sẽ bắt gặp những đàn cừu, dê vài chục con đang đi tìm nước và thức ăn… Cũng vì đặc trưng này nên trồng nho và chăn dê, cừu trở thành nghề chính nuôi sống người dân nơi đây.
Toàn Ninh Thuận có không ít trang trại nuôi cừu, trong đó nổi tiếng nhất với du khách nhất phải kể đến đồng cừu An Hòa. Cứ khoảng 7h-8h sáng, cừu sẽ được lùa ra đồng dưới sự hướng dẫn của người chăn cừu, cuộc sống giản đơn, bình dị như những người dân du mục vẫn được mô tả trong câu chuyện cổ của bà, của mẹ.

Muốn hiểu rõ hơn về người dân nơi đây, du khách có thể tìm hiểu nghề làm muối. Trên những con đường ven biển Ninh Thuận, bạn sẽ dễ dàng ngửi thấy vị mặn của “vựa muối miền Nam” trước khi trông thấy khung cảnh đồng muối dài bất tận.
Nhiều người chọn chiều tà để ngắm cảnh từng ô ruộng muối vuông vức liền kề, kết thành chiếc gương khổng lồ phản chiếu. Những vành nón lá nghiêng nghiêng in bóng trên ô ruộng đẫm ánh hoàng hôn sẽ khiến bạn thêm phần cảm phục người dân chăm chỉ găng muối, gánh gồng, góp phần mang lại hạt ngọc cho đời.
Đâu chỉ vượt khó vươn lên, người dân Ninh Thuận còn rất biết gìn giữ di sản quý báu của văn hóa Chăm Pa từ chữ viết, trang phục, lễ hội, các làng nghề truyền thống đến nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc. 
Nơi đây gần như còn nguyên vẹn hệ thống tháp Chăm xây dựng trong nhiều thế kỷ trước như tháp Hòa Lai, tháp Po Klong Garai, tháp Po Rome, trong đó Po Klong Garai được ví von là cụm tháp “3 nhất”: đẹp nhất, nguyên vẹn nhất và nhiều lễ hội nhất trong năm. 
Cách trung tâm thành phố Phan Rang 10 km về phía Nam, làng gốm Bàu Trúc và làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp là nơi bắt đầu câu chuyện của “những sản phẩm ấm tình người”.
Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp còn được gọi là “quê hương sợi chỉ đủ màu” - nơi những người phụ nữ ngày ngày nhịp nhàng bên khung gỗ. Dệt là nghề truyền thống đã có từ hàng trăm năm ở làng Chăm Mỹ Nghiệp. Người dân nơi đây dùng các khung gỗ, tre thô sơ làm khung dệt. Với đôi tay khéo léo, những sợi chỉ nhỏ dần biến thành từng mảnh thổ cẩm quý phái.
Giữa hàng trăm tấm thổ cẩm, khó có thể tìm được sự trùng lặp về hoa văn, kiểu cách bởi mỗi nghệ nhân khi tạo ra sản phẩm đều làm bằng sự sáng tạo và ngẫu hứng riêng. Không dừng lại ở các loại sản phẩm thô, làng dệt Mỹ Nghiệp còn có cơ sở chế tác áo, túi xách, ví, ba lô bằng thổ cẩm để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Còn bàu Trúc là làng gốm cổ nhất Đông Nam Á, nổi tiếng với sản phẩm gốm thủ công và kỹ thuật nung gốm độc đáo mang đậm nét văn hóa Chăm không thể trộn lẫn. Gốm Bàu Trúc được ngợi ca như một sản phẩm “ấm bàn tay con người” bởi được nắn, tạo hình hoàn toàn bằng tay. 
Sự dày công, khéo léo của những người nghệ nhân đã biến vùng đất nắng gió trở thành điểm thu hút khách tìm về. Đến Ninh Thuận, bạn sẽ cảm nhận được nhiều điều thú vị, không ồn ào, diễm lệ nhưng mang lại một cảm giác bình yên sau những bộn bề của cuộc sống.
Hà Mỹ Giang 
Theo http://www.vacne.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Miền cổ tích hoang hư 2

Miền cổ tích hoang hư 2 7 - Ngọ... Chiếc tàu thu mua hải sản ném Phương lên bờ tại cảng cá tanh hôi và ồn ào của Hải Phòng. Lôi thôi lếch ...