Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2019

Về các phạm trù mỹ học và nền nghệ thuật mới

Về các phạm trù mỹ học 
và nền nghệ thuật mới
Trong cuộc trao đổi của hai nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến và Đỗ Văn Khang các vị có nhắc đến các phạm trù mỹ học hiện hành. TS Đỗ Văn Khang nói đến năm phạm trù cái bi, cái hài, cái trác tuyệt, cái đẹp, cái xấu, GS Hoàng Ngọc Hiến nhắc đến bốn là cái bi, cái hài, cái cao cả, cái đẹp. Quả là các tài liệu mỹ học thông dụng thường nhắc đến các phạm trù mà TS Đỗ Văn Khang nêu lên, cũng có tài liệu nêu thêm cái thấp hèn thành ba cặp đối lập: cái đẹp - cái xấu, cai bi - cái hài, cái cao cả - cái thấp hèn và ta cũng không lấy làm ngạc nhiên khi các tác giả của Nguyên lý mỹ học Mác - Lênin chỉ chú trọng đến ba phạm trù chính là cái đẹp, cái bi kịch và cái hài kịch (1), tuy nhiên trong trường hợp nào thì cái đẹp thường được xem là phạm trù trung tâm khi nói về mối quan hệ thẩm mỹ giữa nghệ thuật và hiện thực. Nhân việc trao đổi của các vị chúng tôi muốn biện luận thêm một vài vấn đề liên quan khá thú vị về mối quan hệ giữa các phạm trù thẩm mỹ hiện hành với nền nghệ thuật nước nhà đương đại.
Vấn đề số lượng các phạm trù thực ra không cố định trong lịch sử mỹ học, vì theo thời gian có phạm trù này mất đi và phạm trù kia thêm vào, nó không nhất thành bất biến. Vấn đề thực sự có ý nghĩa là nội dung các phạm trù và cách vận dụng vào các nền văn chương, nghệ thuật ra sao! Về số lượng các phạm trù mỹ học trong lịch sử thì có những phạm trù nay đã mất (Thí dụ phạm trù cái tốt đẹp - kalokagatiia - trong nền nghệ thuật cổ Hy lạp, thời kỳ sau không còn nữa). Có những phạm trù mà có thời và có quốc gia các nhà mỹ học bản địa đưa thêm vào, chẳng hạn phạm trù cái anh hùng!
Vào những năm giữa thế kỷ trước các nhà mỹ học Xô viết gắn cái anh hùng với Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, xem là “phạm trù biểu hiện những đặc trưng trong sáng nhất  của thời đại’ (2), sau đó trên cơ sở hai cuộc kháng chiến anh hùng của dân tộc, nền nghệ thuật chúng ta có những thành công trên mặt trận văn hoá chống đế quốc, có tác động giáo dục lớn đến tình cảm quần chúng, các nhà nghiên cứu Hà Huy Giáp và Lê Anh Trà tiếp tục cổ súy bổ sung phạm trù cái anh hùng cho nền nghệ thuật Việt Nam. Tuy không thật chặt chẽ về phương diện lý luận thẩm mỹ nhưng trên phương diện thực tiễn sáng tạo, bổ trợ cho việc xây dựng CNAHCM trong đạo đức, phạm trù cái anh hùng đã có những tác động nhất định vào lý tưởng thẩm mỹ của văn chương, nghệ thuật nước ta suốt quảng đường dài. Nhìn chung cái anh hùng trên góc độ thẩm mỹ gần với cái cao cả, cái đẹp  nhưng không đồng nhất và vì đến sau nên chưa thật có nhiều thành tựu gây ấn tượng!  
Trong những năm đánh giặc thì quan điểm chi phối nền nghệ thuật chủ yếu dựa trên phương diện đạo đức và chính trị. Đề tài gắn với thời sự phục vụ chủ trường đường lối, nhân vật chủ yếu là nhân vật tích cực để làm gương, chủ đề thì ngợi ca CNAHCM để giáo dục, đó là yêu cầu tất yếu mà lịch sử giao phó cho nền nghệ thuật cách mạng. Trong hoàn  đặc biệt của Tổ Quốc, phạm trù cái anh hùng trở thành nội dung thẩm mỹ chủ đạo của nền nghệ thuật chúng ta, vấn đề này lúc bấy giờ cộng hưởng được với tình cảm của dân tộc, các tác phẩm với cảm hứng anh hùng tạo được hiệu ứng thẩm mỹ lớn trong công chúng. Bước sang chặng đường mới, khi cuộc sống đã trở lại bình thường, đất nước phải lấy sự hội nhập làm thước đo phát triển thì nghệ thuật nước nhà, nếu kéo dài mãi tình hình trên sẽ không ít khó khăn, sẽ có nhiều hạn chế cho nền nghệ thuật mới trong việc phát triển để đi vào con đường lớn của nhân loại.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tâm sự trong một lần gặp gỡ hội thảo với các nhà thơ Đông Á đã nói đến khoảng cách đó, tuy ông chỉ nói về thơ nhưng có thể suy rộng ra cho cả nền nghệ thuật nước nhà:
... Từ khi nền thơ ca hiện đại Việt Nam ra đời, có thể nói nền thơ ca này mới chỉ cất tiếng nói chính thức của mình trên thế giới khoảng 20 năm nay. [...] Trước năm 1975 Thơ ca hiện đại Việt Nam không có một cơ hội nào xuất hiện ở phía bên kia của thế giới. Nhưng một nửa phía bên này thơ ca hiện đại Việt Nam cũng chỉ xuất hiện như là một dấu mờ nhạt trong những chính sách ngoại giao chứ không phải là sự tôn vinh vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ ca [...]. Chỉ đến những năm cuối cùng của thập kỷ 80 của thế kỷ 20, nghĩa là khoảng gần 30 năm trở lại đây, thơ ca hiện đại Việt Nam bắt đầu mới xuất hiện trước bạn đọc của nhiều nước trên thế giới.(3)
Ba mươi năm trở lại đây, nền  nghệ thuật ta  mới hội  nhập vào “sân chơi” thế giới với “vẻ đẹp đích thực của ngôn từ” chứ không bằng “chính sách ngoại giao”, ta đã đến chậm lại ít gây ấn tượng, vì sao? Không phải vì tác giả ta ít tài năng, độc giả ta bảo thủ, văn hóa ta thấp, mà vì phương thức sáng tạo, cách nhìn nhận về đối tượng thẩm mỹ cũng như sự sáng tạo về thủ pháp nghệ thuật vẫn còn theo lối cũ chưa thật hoà nhập với thế giới! Đề cao bản sắc dân tộc (tính đặc thù) nhưng cũng cần theo cái chuẩn thẩm mỹ của nhân loại (tính phổ quát) để có thể hội nhập nhanh chóng và có thành công lớn. Ngay thời chống Mỹ những tác phẩm đươc bạn đọc các nước yêu thích đa phần không phải là những tác phẩm nêu “gương sáng” mà là những tác phẩm giàu chất nhân văn, giàu tính thẩm mỹ. 
Người ta thích bài Hạn chế của Bác trong Nhật ký trong tù, đánh giá cao tính trào lộng của Hồ Xuân Hương, chất nhân văn của Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm..., gần hơn, các tác phẩm đương đại được đón nhận cởi mở cũng là nằm trong quỹ đạo đó. Tác phẩm của ta bấy nay thường hướng vào cái anh hùng, cái đẹp, cái hài và có không ít thành công, nhưng ít tiếp cận vào các phạm trù thẩm mỹ như cái cao cả, cái bi, đặc biệt là cái bi (có lúc ta cổ súy nhiều cho cái anh hùng  mà muốn bỏ qua cái bi), những phạm trù mà văn học thế giới thường tiếp cận thể hiện và thu được thành công lớn, hệ quả là nhìn chung toàn cục nền nghệ thuật có phần đơn điệu.
Cơ sở của các phạm trù thẩm mỹ trong nghệ thuật là các hiện tượng giàu tính thẩm mỹ trong đời sống. Cuộc sống hiện đại không  phải không có các hiện tượng gần gũi với các phạm trù thẩm mỹ đã nêu mà trái lại gặp rất nhiều, đó là những vấn đề mà thời nào, nơi nào nghệ thuật cũng có sự mệnh thể hiện và thức tỉnh. Khi gặp những hiện tượng có sự hài hòa bên trong và bên ngoài, nội dung và hình thức khiến ta nghĩ đến cái đẹp; ngược lại cái bên ngoài, hình thức lấn át nội dung, sự trống rỗng bên trong được che đậy bằng một vẻ ngoài hào nhoáng ta nghĩ đến cái hài; khi cuộc sống bên trong, tài năng nhân cách cao hơn số phận, con nguời  đương đầu với sức mạnh to lớn vớí một tinh thần đầy tự hào  ta  nghĩ đến  cái  cao  cả; những tính cách cao đẹp, mãnh liệt bị thất bại do giới hạn của thời đại, ta nghĩ về cái bi... Những phẩm chất thẩm mỹ trong nghệ thuật đều bắt nguồn từ đời sống. Cuộc sống với những oan trái, bất hạnh khiến Nguyễn Ngọc Tư đã thú nhận văn mình nghiêng về “những giọt nước mắt”; cái cao cả chùm lên cuộc đời các chiến sĩ như bí thư Kim Ngọc, chủ tịch Nguyễn Tư Thoan, cũng như sự chống chọi mạnh mẽ của những ngư dân trong mùa cá đương đầu cùng bão tố; cái bi của những số phận trong CCRĐ, trong chiến tranh vừa do hạn chế của  thời  cuộc, vừa do sai lầm của con người; cái đẹp tràn đầy trong cuộc sống bình dị hài hoà  của người dân sông nước miền cực Nam, hoặc cần cù, phóng khoáng  của người dân miền núi  cực Bắc, cũng như nơi cảnh trí nên thơ của Hạ Long, Phong Nha - Kẻ Bàng ... Cuộc đời của Bác chẳng phải là một hiện hữu sinh động tuyệt vời của cái cao cả đó sao! Về phía ngược lại, kẻ thù bây giờ, nội cũng như ngoại, bọn tham nhũng đầu cơ áp bức, đủ các mưu mẹo ác độc, đểu giả tác oai, tác ác là những mẫu hình cho việc xây dựng cái hài, cáí xấu, cái thấp hèn. Rất nhiều tiền đề cho sự thể hiện các phạm trù thẩm mỹ hiện đại.
Tiếp cận các hiện tượng thẩm mỹ trong đời sống, thể hiện nó dưới ánh sáng của các phạm trù thẩm mỹ, đó là một yêu cầu không mới đối với các nền nghệ thuật thế giới nhưng với chung ta thì đang là một thử thách. Có những hiện tượng đáng ra có thể khai thác dưới góc nhìn của các phạm trù thẩm mỹ để tạo những hiệu ứng cao thì tác giả lại đi theo lối mòn tiếp cận điển hình đạo đức kiểu cũ nên trên mặt bằng văn chương, nghệ thuật ít có thành công mới lạ độc đáo. Theo lối viết quen thuộc, miêu tả mặt trái đời sống, về cái xấu, ta mới chỉ làm cho độc giả ghét mà chưa taọ được sự khinh bỉ hay phẩn nộ, viết về mặt sáng, tích cực của đời sống chỉ mới làm cho độc giả công nhận chưa tạo được cảm giác xót thương, sợ hãi, say đắm hay vui sướng, khoái trá, vì chưa xây dựng các hình tượng nghệ thuật được soi dọi bởi những đặc trưng thẩm mỹ, tạo được những tình cảm mãnh liệt mà chỉ dừng lại những tình cảm thường thường, chưa làm được cái gọi là “thanh lọc tâm hồn” mà chỉ dừng lại mức cảm nhận chung chung. Suy cho đến cùng, thật sâu sắc khi các nhà kinh điển đều cho rằng nghệ thuật là “quy luật riêng của tình cảm” mà tình cảm thẩm mỹ luôn là sở hữu thượng phong của nghệ thuật!. Vấn đề là cùng một hiện thực ta khám phá và thể hiện theo khuynh hướng nào để đạt hiệu quả cao về phương diện thẩm mỹ nghĩa là tạo được sự thích thú, khoái trá - cảm giác thường gặp của con người trước cái đẹp!.
Cuộc sống dân tộc đang trên chặng đường mới, hội nhập đã trở thành một nhu cầu tất yếu, cần có một sự soi sáng về lý luận nói chung và  mỹ học nói riêng thích hợp đáp ứng yêu cầu phát triển của nghệ thuật. Trong quan niệm học thuật cũng như thực tiễn sáng tác không ít tác giả ngoài việc tập trung thể hiện cái anh hùng, chỉ quanh quẩn với các phạm trù thẩm mỹ quen thuộc như cái xấu, cái hài, phạm trù cái đẹp thể hiện cũng chưa thật đầy đặn. Các phạm trù như cái bi, cái cao cả, cái đê tiện ít tiếp cận vì thấy chưa thiết thực, hoặc lấn cấn lẫn lộn giữa chính trị, đạo đức và thẩm mỹ nên ít vận dụng một cách tự giác, thảng hoặc có một vài sáng  tác  thể hiện có tính tự phát thì hình tượng nghệ thuật chưa thật đậm nét. Không phải chỉ khi hướng cái nhìn vào quá khứ ta mới thấy các nhân vật đầy tính thẩm mỹ như Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly, Cao Bá Quát, Phan Thanh Giản, hay qua kịch lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi ta mới gặp những số phận  giàu tính bi, tính hài; thấp thoáng trong các trang viết của Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Xuân Khánh... đều có những số phận thời nay gần với cái bi, cái  cao cả. Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương, Nguyễn Quang Thiều... và một số tác giả trẻ trong những chùm thơ mới so với  thơ thời chống Mỹ đã có nhiều đổi thay khi thể hiện cái đẹp, cái xấu trong đời thực và trong cả tâm linh,với một nhãn quan mới mẻ; tất cả tiến dần đến một cách viết đầy cách tân mà trong đó có thể tìm thấy khá rõ dấu ấn các phạm trù kể trên, tác động tới bạn đọc bởi vậy cũng đa dạng hơn, sâu sắc hơn.
Hài hòa truyền thống, bản sắc dân tộc, với  cái chuẩn lớn mà thế giới hướng đến tạo nên sức sống mới của nghệ thuật!. Bao nhiêu năm, phẩm chất anh hùng nổi bật trong đời sống dân tộc đã được văn chương ta ghi lại khá nổi bật, bên cạnh, so với các phạm trù phổ quát khác như cái cao cả, cái bi, cái đẹp thì quả thật nghệ thuật ta còn có khoảng cách, chưa đồng đều, nên chăng trong hướng đi tới bằng những hình thức tổng hợp thẩm mỹ giàu tính hiện đại mà đậm đà bản sắc dân tộc, văn chương, nghệ thuật ta cần hóa giải cái khoảng cách đó để tiếp cận hoàn hảo thị hiếu thẩm mỹ cộng đồng nhân loại, gia nhập một cách tự tin vào quỹ đạo nghệ thuật thế giới!.
Ghi chú:
(1) Viện HLKH LX - Nguyên lý mỹ học Mác Lênin tập 3 - Cái đẹp, Cái bi kịch và Cái hài kịch - NXB Sự thật, Hà Nội 1963.
(2) Sách đã dẫn, tr.127
3) Nguyễn Quang Thiều - Thông điệp về Cái đẹp và Tự do - Tham luận trình bày ở Hội thảo “Thơ Đông Á trong thời đại toàn cầu hóa” tổ chức tại làng Manhea, Hàn Quốc.
30/07/2009
Yến Nhi
Theo http://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Miền cổ tích hoang hư 2

Miền cổ tích hoang hư 2 7 - Ngọ... Chiếc tàu thu mua hải sản ném Phương lên bờ tại cảng cá tanh hôi và ồn ào của Hải Phòng. Lôi thôi lếch ...