Thứ Tư, 20 tháng 2, 2019

Giọng điệu trong văn xuôi Vũ Bằng

Giọng điệu trong văn xuôi Vũ Bằng
Giọng điệu là một phương diện biểu hiện quan trọng của chủ thể tác giả. Theo Katie Wales, giọng điệu (tone) “được dùng với nghĩa một phẩm chất âm thanh đặc biệt nào đó có liên quan đến những cảm xúc hoặc tình cảm đặc biệt nào đó” [7, tr.478]. Với X.J.Kenedy thì “bất cứ cái gì khiến ta luận ra thái độ của tác giả thường được gọi là giọng điệu” [9, tr.74]. Các nhà nghiên cứu Việt Nam cho rằng: “Giọng điệu phản ánh lập trường xã hội, thái độ tình cảm và thị hiếu thẩm mĩ của tác giả, có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn và tác dụng truyền cảm cho người đọc” [6, tr.112].  Như vậy, điểm nổi bật của giọng điệu là qua nó, nhà văn thể hiện thái độ, tư tưởng, tình cảm của chính mình.
Sự phong phú trong giọng điệu xuất phát từ mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể, từ sự lựa chọn thể loại, lời văn nghệ thuật và các motif, hình tượng… Trong sáng tác của Vũ Bằng có ba giọng chính - giọng tâm tình, giọng hoạt kê và giọng triết luận. Sự đa dạng trong giọng điệu biểu hiện những cách nhìn, cách cảm, cách đánh giá đời sống… trong nhiều hoàn cảnh, nhiều thời điểm khác nhau của nhà văn. 
Sự phong phú giọng điệu trong sáng tác của Vũ Bằng không chỉ bắt nguồn từ cảm hứng chủ đạo mà còn có mối liên quan với sự di động điểm nhìn trần thuật -  yếu tố có tác động lớn đến giọng điệu của nhà văn.
1. Giọng tâm tình
Cảm hứng chủ đạo tạo nên giọng tâm tình trong sáng tác của Vũ Bằng là cảm hứng hoài niệm và cảm hứng thương cảm, thể hiện cái tôi nội cảm của con người ưu tư, cô đơn, ưa lần về với quá khứ. Đó là nguồn cảm hứng chủ đạo trong các tác phẩm ký (Thương nhớ mười hai, Cai, Bốn mươi năm nói láo, Người Hà Nội nhớ người Hà Nội), trong các truyện ngắn viết về những thú chơi văn hóa truyền thống (Mê chữ, Ăn Tết thủy tiên, Mơ về một cuộc chọi trâu) hay trong những truyện về những cảnh đời bất hạnh (Không biết tại sao đêm nay tôi buồn, Ngày mai tôi sẽ chết, Đợi con, Đất khách, Một chục bạc, một trận đòn, một kiếp người…).Trong sáng tác của Vũ Bằng, chất tự sự làm nên tính chân thực và sống động của những câu chuyện, những sự việc, những nhận xét và những cảm xúc của nhà văn. Tuy nhiên, đọc kí và nhiều truyện ngắn của Vũ Bằng, người đọc dễ dàng nhận ra độ đậm của sắc thái trữ tình trong cách thức và giọng điệu trần thuật.
Về cách thức trần thuật, ở điểm nhìn từ bên trong, Vũ Bằng kể chuyện như giãi bày, tâm tình tâm trạng, cảm xúc của mình với người bên cạnh. Nhân vật chính trong câu chuyện vì vậy không còn là nhân vật tự sự mà là nhân vật trữ tình với đời sống nội tâm được trình bày một cách tự nhiên. Kết cấu của tác phẩm là kiểu kết cấu tâm lý theo dòng cảm xúc của nhân vật trữ tình mà hầu như chính là người kể chuyện.
Vũ Bằng là con người tình cảm. Qua thể loại ký, nhà văn khẳng định sở trường bộc lộ cái tôi trữ tình nồng nàn trong những  suy tưởng, chiêm nghiệm, hồi tưởng của một người từng trải. Trong ký của Vũ Bằng, từ nhan đề đến lời đề tặng hay những lời giới thiệu, đều mở rộng cảm xúc. Có thể nói, nhà văn đã phát tín hiệu tình cảm ngay từ đầu tác phẩm, rồi từ đó, đưa dẫn người đọc theo những cảm xúc của mình.
Trong hầu hết các tác phẩm ký, từ hiện tại, nhân vật hồi tưởng về quá khứ với những cảm xúc mạnh mẽ trước những ám ảnh của kỷ niệm. Trước Cách mạng tháng Tám, từ một số tùy bút đến hồi ký Cai, Vũ Bằng  đã chú trọng khai thác chiều sâu thế giới nội tâm phức tạp nơi “cái tôi” của con người trong đời sống hiện hữu… [10, tr.421]. Và từ đó về sau, nhà văn vẫn luôn chú trọng đến thế giới nội tâm của con người.
Khơi nguồn cho các tác phẩm ký của Vũ Bằng là nỗi tương tư, là mối hoài cảm vốn dồn nén, tích tụ, chất chứa sâu trong ông. Do vậy, ký của nhà văn là tiếng lòng trào dâng của người sầu xứ luôn một lòng đi về, nhớ thương với những gì xa cách, hờ hững với những cái gần gũi và cũng là những ưu tư, trăn trở của người luôn quan tâm về xã hội, con người. Bối cảnh khơi gợi nỗi sầu thương, nhớ tiếc, suy tư là các cảnh huống của hiện thực đời sống. Giọng điệu trong ký vì vậy cũng giàu sắc thái biểu cảm theo mạch cảm xúc nhiều cung bậc của nhà văn: khi chân thành, da diết, lúc thổn thức, xót xa…
Là tùy bút được viết trong gần mười hai năm đằng đẵng (bắt đầu viết từ tháng giêng năm 1960, mãi tới 1971 mới xong), Thương nhớ mười hai thể hiện giọng văn trữ tình đa dạng nhất và tiêu biểu nhất. Tác phẩm tràn ngập và thấm đẫm cảm xúc nhớ thương, tự hào, tiếc nuối… đối với văn hoá truyền thống của đất nước, đối với quê hương, gia đình…
Cái tôi nội cảm của Vũ Bằng không chỉ thể hiện ở sự nhiệt tình, tha thiết bộc lộ, giải bày nỗi niềm, tâm sự  của chính cuộc đời, thân phận nhà văn mà ngay cả khi nói về hiện thực xã hội như tệ nạn nghiện hút (Cai) hay lịch sử hoạt động báo chí (Bốn mươi năm nói láo).
Trong nhiều tác phẩm truyện, Vũ Bằng vẫn tiếp tục mạch tự sự về “cái tôi” đa sự, đa đoan ấy. Không đứng ngoài, nhà văn hòa mình vào câu chuyện, tỏ ra hiểu và nắm bắt được tâm lý người trong truyện - tâm lý muôn hình muôn vẻ và luôn luôn biến chuyển không dễ gì nắm bắt được.
Đặc biệt, tiểu thuyết Thư cho người mất tích và các truyện ngắn Ngày mai tôi sẽ chết, Đợi con, Một chục bạc, một trận đòn, một kiếp người được Vũ Bằng sử dụng hình thức viết thư - hình thức phù hợp với giọng tâm tình - để nhân vật xưng tôi bộc bạch, thổ lộ những điều muốn nói với người thứ hai. Qua những dòng thư, người trong cuộc bộc lộ quá trình diễn biến nội tâm để người đọc tường tận những ẩn ức sâu kín: sự hụt hẫng, vỡ mộng và nỗi lo sợ về thời cuộc của một người hồi cư (Thư cho người mất tích), sự bi quan, tuyệt vọng (Ngày mai tôi sẽ chết), sự day dứt, ăn năn (Một chục bạc, một trận đòn, một kiếp người)…
Thể hiện giọng tâm tình, người kể chuyện Vũ Bằng thường đứng ở vị trí ngôi thứ nhất và thường là từ điểm nhìn nội tâm bộc lộ cảm giác, cảm xúc của nhân vật. Sự lựa chọn giọng kể này đã phơi bày trọn vẹn con người đa cảm, ưu tư và ưa hoài niệm của nhà văn Vũ Bằng.
2. Giọng triết luận
Giọng điệu phân tích xã hội, mang những suy tư, chiêm nghiệm về thế sự, nhân sinh của Vũ Bằng được tạo nên từ nhiều nguồn cảm hứng: cảm hứng thương cảm và cảm hứng phê phán.
Trân trọng và nâng niu những giá trị văn hóa của dân tộc, Vũ Bằng đã từng nêu những nhận định mang tính triết lý về các vấn đề liên quan đến văn hóa như văn học, ẩm thực…
Hoà đời sống của riêng mình vào đời sống chung của dân tộc, Vũ Bằng vỡ lẽ ra nhiều điều. Từ hoàn cảnh đất nước trải qua hai cuộc chiến tranh; từ những cảnh đời; từ sự thay đổi, biến chất của nhiều người; từ những mất mát trong cuộc đời và từ nỗi cô đơn đáng sợ của riêng mình, Vũ Bằng đã không ngừng suy tư, chiêm nghiệm về thế thái nhân tình. Nhà văn đã có những lý giải và đánh giá của riêng ông về những tình thế đời sống vốn mang tính kịch căng thẳngấy. Đó cũng là cái cách nhà văn khẳng định sự trải nghiệm của cá nhân, khẳng định quan điểm, thái độ sống của ông. Giọng triết luận cho thấy sự xuất hiện rất rõ con ngườiVũ Bằng, nhất là qua ngôn ngữ trữ tình ngoại đề, qua sự hoà quyện giữa giọng điệu người kể chuyện và giọng của nhân vật trong truyện.
Cảm hứng thương cảm và phê phán của nhà văn xuất phát từ cách nhìn, cách nghĩ của ông về chiến tranh, về sự tồn sinh của kiếp người, về đạo đức - nhân sinh. Đồng thời, nó cũng xuất phát từ trái tim yêu thương, biết đồng cảm và biết sẻ chia của nhà văn. Không phân tích, phát biểu về những điều quy mô, Vũ Bằng suy tư, chiêm nghiệm, nhận định về những điều bình thường diễn ra trong thực tế, gắn với hiện thực cuộc sống, số phận con người.
Nhà văn phát biểu nhiều suy nghĩ triết luận về chiến tranh, về hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, về số phận con người trong chiến tranh thông qua những đoạn trữ tình ngoại đề và thông qua nhân vật trong tác phẩm. Trong cách nhìn của Vũ Bằng, đất nước có chiến tranh “y như thể nước đại dương: bên trên thì êm ả, nhưng sóng ngầm bủa giăng ở dưới”. Chiến tranh thì tàn bạo và khốc liệt: “Bao nhiêu người chết, bao nhiêu lòng chết”. Chứng kiến và phân tích hiện thực đầy những chết chóc, đau thương, nhà văn nhận ra thực tế phũ phàng từ cuộc chiến tranh của dân tộc và đi đến kết luận đầy đau đớn: “Không phải vì nước ngoài giết chóc mình - nhưng lại chính người mình giết người mình…”  [4, tr.528].
Để các nhân vật nói về hiện thực là cách nhà văn nhấn mạnh tính chất khách quan trong sự nghĩ suy, đánh giá. Cái cách triết lý một cách vô lý của người chồng trong Bữa cỗ khi nhìn thấy vợ nằm chết còng queo sau khi anh ta trở về từ một bữa cỗ nghe thấy dửng dưng, lạnh lùng nhưng ẩn sâu trong đó là thái độ tố cáo gián tiếp chiến tranh của tác giả  trước sự vô lý đến không ngờ về cái chết của của con người: “Tản cư khổ như thế mà chẳng việc gì thì không có lẽ nào hồi cư về thành sống cứ như tiên mà lại lăn ra chết được” [5, tr.226]. Từ đó, tác giả kết luận với thái độ chua chát, mỉa mai: “Thì ra người nghèo chết cũng có điều giản dị hơn người giàu” [5, tr.226].
Những triết luận về đạo đức, nhân sinh của Vũ Bằng cũng chính là những suy tư, khắc khoải của nhà văn về sự đổi thay, tha hóa nhân cách con người trong thời loạn lạc. Trong nhiều tác phẩm, nhà văn đã nhập vào nhân vật để lên tiếng. Người cha thất nghiệp (trong Giặt áo Tết cho con) cay đắng kết luận về sự sa đọa nhân phẩm ăn sâu vào những mối quan hệ ruột rà: “Ác nhất là chính trong thời chiến tranh, mạng người như cỏ rác, anh em ruột thịt phải thương nhau hơn cả bao giờ hết thì người ta lại ghét bỏ nhau, chửi bới nhau, ám hại nhau” [5, tr.409]. Người cha trong Đợi con phát biểu về sự hèn kém của con người: “Ở bất cứ bến bờ nào, con người cũng yếu hèn, bất lực”[5, tr.294]. Nhân vật tôi (trong Người làm mả vợ) nghiệm ra một thực tế: “Chết vì thanh toán, vì tư thù, vì tình, vì tiền hàng ngày có khối ra” [5, tr.264]. Thái độ phê phán, bất bình trước chiến tranh phi nghĩa, trước thế sự nhiễu nhương, trước sự lung lay phẩm chất đạo đức càng có ý nghĩa khi từ hiện thực, nhà văn không thôi nghĩ ngợi, tiếc nuối quá khứ và hi vọng về tương lai.
Những triết luận của Vũ Bằng về văn hóa, đất nước, thân phận con người… tuy không thâm trầm  và sắc sảo như Nguyễn Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường nhưng đó là những chiêm nghiệm đầy trầm tư, suy tưởng không kém phần xác đáng, sâu sắc, đáng trân trọng đã được “chắt” ra từ những trải nghiệm của nhà văn yêu nước Vũ Bằng.
3. Giọng hoạt kê
Giọng hoạt kê trong sáng tác của Vũ Bằng thể hiện cảm hứng châm biếm, hài hước và thái độ dí dỏm, bỗ bã, suồng sã, mỉa mai của nhà văn. Một mặt, nó bắt nguồn từ tính bướng bỉnh, hay châm chọc, ưa dí dỏm; mặt khác, nó cũng bắt nguồn từ sự nhạy cảm, phản ứng nhanh trước lối sống giả tạo, trước thói đạo đức giả, trước những hèn kém của con người…
Theo Pospelov,“thiên hướng khám phá chất hài trong đời sống và tái tạo nó trong tác phẩm, không chỉ là do những đặc điểm tài năng bẩm sinh của nhiều nhà văn mà còn do những đặc điểm thế giới quan làm cho họ tập trung chú ý vào sự không phù hợp giữa kỳ vọng và khả năng thực tế của những con người thuộc một giai tầng xã hội nhất định” [8, tr.171].
Vũ Bằng là người mà theo Nguyễn Vỹ là ranh mãnh, có nụ cười mỉa mai và trào lộng, là người tinh nghịch nhất của làng văn Bắc Hà thời Tiền chiến. Cũng theo Nguyễn Vỹ, Vũ Bằng “vẫn là người bạn “khó chịu” nhất vì ưa châm biếm và chọc ghẹo các bạn” [11, tr.279].
Vũ Bằng cũng là người có vốn sống phong phú, là người nhạy cảm trong quan sát, trong cảm nhận về nhiều lĩnh vực của đời sống và đặc biệt là về tính cách, về lối sống của con người. Do vậy, tất nhiên ông có phản ứng nhanh nhạy trước những gì bất thường, những gì vô lý.
Từ cảm hứng châm biếm, hài hước, nhà văn thường coi thường những chuẩn mực trong cách thể hiện. Ở Vũ Bằng, cảm hứng hài hước tạo nên cách nói mộc mạc, tếu táo, bỗ bã với việc tận dụng sự phong phú của hệ thống khẩu ngữ; cảm hứng châm biếm tạo nên cách nói giễu nhại, mỉa mai với nhiều hình thức thể hiện mới mẻ, lạ lẫm.
Nhiều sáng tác, khảo luận của Vũ bằng cho thấy ông quan tâm đến cái cười. Cười Đông, cười Tây, cười kim, cười cổ là một tập biên khảo tìm hiểu về ý nghĩa và giá trị của tiếng cười, về những chuyện vui lạ chung quanh tiếng cười và về cái cười trong văn chương Việt Nam.
Bốn mươi năm nói láo là một hồi ký vốn được xem là “lịch sử một kiếp sống lê thê của người viết báo chuyên nghiệp”, là lịch sử báo chí Việt Nam “trong vòng già nửa thế kỷ XX”,nhưng ngay từ tựa đề đã thể hiện cảm hứng hài hước. Bởi lẽ, “nói láo”, cũng lại là nói chuyện vui vẻ, hào hứng và bổ ích [1, tr.9].
Chất dí dỏm, hài hước trong sáng tác của Vũ Bằng được thể hiện ở cách nói tếu táo, có phần bỗ bã mà ngôn từ hầu như là lời ăn, tiếng nói của cuộc sống đời thường. Nó đánh dấu cái chất đời cho sự thể hiện của văn chương Vũ Bằng. Nói cách khác, nhà văn đã đưa cái chất đời gần gũi vào trong văn chương một cách nhẹ nhàng, khéo léo. Những nhận định, đánh giá hay sự đúc kết kinh nghiệm được thể hiện trong cách nói gây vui, gây cười một cách nhẹ nhõm và ý vị: xem những tay “su mô” đấu “păng cờ rát” bẻ đầu, bẻ cổ, bẻ chân, bẻ tay nhau oanh oách…, gớm ghê cho các bố già, bất cứ vật gì cũng có thể tạo thành sự tích, cây phật thủ trồng mà không có chất đàn bà, cây nhất định cứ ì ra nằm vạ…
Đặc biệt, chất hài hước, dí dỏm hầu như được dịp tung hoành khi tác giả nói về những món ăn trong sự thưởng thức chân xác, tận cùng cái ngon, cái giá trị của chúng. Vũ Bằng tinh tế vô cùng khi liên tưởng đến những hình ảnh bay bổng, nên thơ từ các món ăn nhưng Vũ Bằng cũng thực tế vô cùng khi khẩu cái được thoả mãn: món gỏi cá anh vũ quỷ thần không hưởng thì thôi chớ đã hưởng một chén chắc chắn cũng phải đòi ăn chén nữa, ăn cốm và hồng mòng mấy mà không nghĩ rằng thịt ướp lấy thịt, da ướp lấy da để hoà làm một cũng chỉ mê ly đến thế chứ không thể nào hơn được…
Sự linh hoạt trong cách thể hiện tạo nên sự đa dạng cho cái dí dỏm, bỡn cợt của Vũ Bằng.Cái ngon của dồi chó - cũng chỉ là một món ăn- được tác giả miêu tả trong sự phối hợp hòa nhịp của các từ Hán- Việt vốn dĩ mang sắc thái trang trọng đã làm nên chất hài hước rất Vũ Bằng: “Gắp một miếng muối chanh, rồi đưa cay một hơi rượu, ta thấy tất cả tiết, sụn, lá thơm và đậu xanh ở trong miếng dồi nâng đỡ nhau, đoàn kết nhau thành một khối bất khả chia lìa, không những thấy ngon lành cho khẩu cái mà thôi, nhưng lại còn làm cho ta mát gan nở ruột vì cái đẹp tinh thần do sự nhất trí tạo thành” [4, tr.172].
E.G. Rudneva cho rằng: “Cảm hứng châm biếm là sự phủ định, nhạo báng căm phẫn, mạnh mẽ và gay gắt nhất đối với những phương diện nhất định của đời sống xã hội” [8, tr.170]. Cảm hứng châm biếm của Vũ Bằng là sự nhạo báng, giễu nhại về thực trạng nhân sinh với sự tồn tại, hoành hành của cái xấu, cái ác mà qua đó, ta thấy được thái độ không khoan nhượng nhưng rất ung dung và hiểu được tấm lòng đầy trách nhiệm của nhà văn đối với cuộc đời.
Trong những truyện sáng tác trước Các mạng tháng Tám (1945), Vũ Bằng “đã chủ ý nhại cái trào lưu viết truyện với những cốt truyện giật gân, ly kỳ” bằng các truyện không có chuyện của ông như Chàng Kim người Bắc cô Kiều người Kinh, Gặp nhau lại xa nhau, Một người rơi xuống hố… Ở những truyện này, sự giễu nhại bộc lộ ở ý nghĩa thủ pháp.
Trong những sáng tác từ sau 1945, giọng hoạt kê, giễu nhại được thể hiện ở nhiều cấp độ như kết cấu, nhân vật, ngôn ngữ mà ở đó, nhà văn Vũ Bằng đã có lúc quên đi những chuẩn mực thông thường để tạo nên cách thức thể hiện mới lạ.
Xây dựng chân dung biếm họa một ông lớn hợm hĩnh trong thời đại nhiễu nhương, nhà văn đã lựa chọn một lối viết lạ với toàn những dấu gạch ngang. Thói đạo đức giả, nịnh bợ của nhân vật bị phơi bày ra bởi nghệ thuật điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc, bởi sự phong phú của các từ loại và bởi một kết cấu như một bài hát đồng dao:
“Ông lớn - Nguyên giám đốc Sở Bách Phân - Ông lớn - Nguyên quan to Hội Đồng An Dân - Ông lớn - Suýt thì làm bộ trưởng mấy lần - Vốn được bố nuôi - Nâng đỡ - Che chở - Quên làm sao được công ơn! - Quyết ý - Làm cho - Bố nuôi - Toại chí - “Phải thế! Phải thế! - Không có - Sang năm - Còn trông cậy Ngài nhiều! - Ngài không giúp đỡ thì… tiêu!” [5, tr.413].
Nhân vật Trần Văn Hủ trong Truyện một lịch trình tranh đấu được mô tả bằng ngôn ngữ hài hước trong sự mâu thuẫn giữa suy nghĩ và hành động. Ông ta đã tức nổ ruột, muốn nhổ đầy ra cả cõi đời khi thấy người ta dùng tiền mua chức. Nhưng sau đó, chính ông lại mang năm nghìn bạc - số tiền cực to đối với ông - quẳng vào lòng người mà ông hy vọng sẽ cho ông “boóng” cái công danh.
Lối sống cơ hội, lường gạt và thái độ tàn nhẫn, hèn nhát của nhân vật Vũ trong Đoàn kết và thân ái được xây dựng bởi những yếu tố bất ngờ mang chất hài hước, mỉa mai. Trong vai trò của một chính trị gia giả hiệu, chuyên móc nối với các chính khách để làm kinh tế, Vũ hiện ra với phong cách “nghĩ theo một phương pháp thực tiễn, nói bằng những danh từ thích đáng và hành động theo chính trị” nhưng khi phát hiện có một tên trộm nằm dưới gầm giường thì sợ hãi, thấy người rã rời rồi nghĩ đến cái chết.
Tiếp theo và hết chuyện Lưu Bình Dương Lễ, Tất cả để chiến thắng, Con dấu hóa… là những truyện được viết trong mạch cảm hứng hài hước, châm biếm. Nó cho thấy sự nhất quán trong một giọng điệu chủ đạo - giọng hoạt kê.
Với Số đỏ, “Vũ Trọng Phụng đã tặng cho văn học sử một cuốn hoạt kê tiểu thuyết” còn Vũ Bằng lại thành công trong việc thể hiện giọng hoạt kê ở thể loại ký và truyện ngắn. Riêng “Nguyễn Tuân châm biếm theo lối nhà Nho, kín đáo hơn và có vẻ hiền lành hơn, (Nguyễn Tuân chịu ảnh hưởng nho học rất nhiều còn Vũ Bằng thì châm biếm theo lối Tây, khúc khuỷu và tàn nhẫn)” [11, tr. 282]. Tuy khác nhau về phong cách nhưng ở họ lại có điểm tương đồng là cùng trăn trở trước những giá trị đạo đức, nhân phẩm của con người, bởi như Vũ Bằng đã nói: “Những người viết văn trào phúng hầu hết đều là những người suy tưởng nhiều”.
Lối văn đa giọng điệu của Vũ Bằng chính là văn phong riêng của ông. Nó thể hiện sự sáng tạo không ngừng trong cách viết của ông.
Trong sáng tác của Vũ Bằng, giọng điệu mang nhiều sắc thái và bắt nguồn từ nhiều cảm hứng khác nhau. Tuy nhiên, sự phân định các loại giọng điệu chỉ mang tính chất tương đối, dựa vào sự nổi trội của mỗi loại giọng trong các sáng tác cụ thể. Bởi lẽ, sự hòa điệu, trộn giọng cũng là đặc điểm của lời văn nghệ thuật trong sáng tác của Vũ Bằng. Mặt khác, chủ âm chính của sáng tác Vũ Bằng là giọng tâm tình, thủ thỉ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Vũ Bằng (1969), Bốn mươi năm nói láo, Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai, Sài Gòn.
Vũ Bằng (2000), Tuyển tập Vũ Bằng (Tập 1), Nxb. Văn học, Hà Nội.
Vũ Bằng (2000), Tuyển tập Vũ Bằng (Tập 2), Nxb. Văn học, Hà Nội.
Vũ Bằng (2000), Tuyển tập Vũ Bằng (Tập3), Nxb. Văn học, Hà Nội.  
Vũ Bằng (2001), Truyện ngắn, Nxb. QĐND.
Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (Chủ biên) (1992), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
Katie Wales (1990), Adictionary of stylistics, Longmen, Lodon.
G.N.Pôxpêlôp (Chủ biên) (1998), Dẫn luận nghiên cứu văn học, Nxb.Giáo dục, Hà Nội.
X.J.Kennedy, & Dana Gioia (1995), Literature: An Introduction to Fiction, Poetry, and Drama (Sixth Edition), Harper Collins College Publishers.
Nguyễn Ngọc Thiện (2005), Phong cách và đời văn, Nxb. KHXH, Hà Nội.
Nguyễn Vỹ (1969),Văn thi sĩ tiền chiến. Chứng dẫn của một thời đại, Nxb. Khai Trí, Sài Gòn.  
Hà Minh Châu  
 Theo http://www.vanhoanghean.com.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Miền cổ tích hoang hư 2

Miền cổ tích hoang hư 2 7 - Ngọ... Chiếc tàu thu mua hải sản ném Phương lên bờ tại cảng cá tanh hôi và ồn ào của Hải Phòng. Lôi thôi lếch ...