Chất thơ của truyện ngắn Tôi đi học
(Thanh Tịnh) qua hệ thống
từ láy
Có lẽ không mấy ai không biết câu văn giản dị nhưng thấm
thía xúc động mở đầu truyện ngắn Tôi đi học của nhà văn Thanh Tịnh:
“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những
đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường.”
Câu văn mở đầu ấy như một bài thơ nho nhỏ, xinh xắn bởi cái
tứ hoài niệm bồi hồi, bởi giọng điệu nhẹ nhõm, bay bổng, lâng lâng… Và cái
“thi cảm” ấy có được nhờ nhiều yếu tố, như tiết tấu êm êm (nhịp 6 - 5 - 9 -
14), thanh điệu hài hòa (18 âm tiết mang thanh bằng trong tổng số 34 âm tiết),
vần điệu uyển chuyển (sự hòa phối thanh bằng - trắc của những âm tiết chỗ ngắt
nhịp, “thu” (B) - “nhiều” (B) - “bạc” (T) - “trường” (B). Ngoài ra, chúng ta
không thể không chú ý đến ba từ láy: “bàng bạc”, “nao nức”, “mơn man” rất biểu
tả và biểu cảm.
Bất giác, ta giở lại tác phẩm rất nổi tiếng ấy và ta nhận
ra khả năng biểu đạt tuyệt vời của hệ thống từ láy trong truyện ngắn nhẹ
nhàng và giàu chất trữ tình này.
Tác phẩm có cốt truyện khá đơn giản: tác giả nhớ lại những
kỷ niệm nhẹ nhàng, trong trẻo trong buổi sáng cuối thu lần đầu tiên cắp vở đến
trường. Vì là một cậu bé hiếu động nên ngôi trường làng Mỹ Lý cũng không quá
xa lạ với kỷ niệm lần đi bẫy chim quyên trước đó mấy hôm. Con đường làng “đã
quen đi lại lắm lần” nhưng trong “buổi mai đầy sương thu và gió lạnh” ấy bỗng
thấy “bỡ ngỡ”, lạ lẫm, “mơn man” cả hình, trí, tâm. Vì “hôm nay tôi đi học”!
Sự kiện “đi học” đối với một cậu bé nông thôn là một sự kiện
trọng đại, được hồi tưởng qua ba chặng: trên con đường đến trường, khi sắp
hàng được “ông đốc” gọi tên vào lớp và khi ngồi trong lớp chép bài học đầu
tiên. Biết bao là nôn nao và náo nức trong chiếc áo vải dù đen dài tươm tất,
ôm trên tay hai quyển vở mới tinh đi bên sự âu yếm của mẹ từ cái nắm tay cho
đến ánh nhìn trong buổi tựu trường đầu tiên của cuộc đời: “Tôi quên thế nào
được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi
mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.”
Thế giới tuổi thơ đi học ai cũng từng trải qua nhưng không
phải nhà văn nào cũng viết thành công về những xúc cảm ấu thời đó. Vì nó
không có gì là rõ ràng. Vì nó có ít hoặc không có kịch tính. Tài tình của
Thanh Tịnh là đã chuyển đến cho mỗi chúng ta tâm trạng “lúng túng”, “run run”
của mấy cậu học trò nhỏ khi nghe hồi trống điểm và được gọi tên vào lớp. Cảm
giác “chơ vơ” rời bàn tay người thân đã khiến những giọt nước mắt trong trẻo
đầu tiên của thời học sinh lăn trên má: “Một cậu đứng đầu ôm mặt khóc. Tôi bất
giác quay lưng lại rồi dúi đầu vào lòng mẹ tôi nức nở khóc theo. Tôi nghe sau
lưng tôi, trong đám học trò mới, vài tiếng thút thít đang ngập ngừng trong cổ.”
Nhà văn đã ghi lại rất đắt thế giới cảm giác “rụt rè” của một
đứa trẻ khi đã yên tâm ở trong không gian mới mẻ của lớp học với một niềm tin
rất trẻ thơ nhưng rất thực: “trưa nay được về nhà và ngày mai lại được nghỉ cả
ngày nữa”. Khi không còn mẹ bên cạnh để dựa dẫm nữa, cậu bé bắt đầu khám phá
thế giới lạ lẫm mà “hay hay” để đi đến sự “quyến luyến” non nớt với bức tranh
trên tường phòng học, với bàn ghế, chỗ ngồi, với “người bạn tí hon ngồi bên”,
với “thầy tôi” - “một thầy trẻ tuổi, gương mặt tươi cười”… Không phải không
có chút “thèm thuồng” khi thấy “một con chim con liệng đến đứng bên bờ cửa sổ,
hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao”; không phải tâm trí không “đầy rẫy”
“kỷ niệm cũ đi bẫy chim giữa cánh đồng lúa hay bên bờ sông Viêm” nhưng “tiếng
phấn gạch mạnh trên bảng đen” đã đưa cậu bé về với “cảnh thật”, với bài tập
viết đầu đời.
Cả một thế giới tâm trạng trẻ thơ trong trẻo, hồn nhiên được
ngòi bút lãng mạn của nhà văn Thanh Tịnh phác họa tinh tế và tài tình.
Ai cũng có thể tìm thấy kỷ niệm của mình trong áng văn này, một truyện ngắn nghiêng về tùy bút, một tùy bút đậm chất thơ êm ái. Khả năng biểu cảm thế giới nội tâm phong phú ấy có sự đóng góp rất lớn của 55 từ láy, trong đó từ “lúng túng” xuất hiện bốn lần; từ “rụt rè” ba lần; “cẩn thận”, “âu yếm” hai lần. Ngoài ra, những từ láy “nao nức”, “tưng bừng”, “rộn rã”, “vẩn vơ”, “bỡ ngỡ”, “dềnh dàng”, “run run”, “rộn ràng”, “sung sướng”, “lưu luyến”, “nức nở”, “thút thít”, “ngập ngừng”, “vụng về”, “thèm thuồng”, “lẩm nhẩm”… đã biểu đạt thành công những trạng thái, tâm trạng, cảm xúc mong manh, chưa định hình, khó gọi tên của thế giới tâm hồn trẻ thơ.
Không thể không kể đến sức biểu đạt tuyệt vời của những
hình ảnh so sánh độc đáo (“…như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời
quang đãng”, “…như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi”, “…như con chim con
đứng bên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ”…);
song, thành công của truyện ngắn Tôi đi học còn là thành công trong
việc sử dụng hệ thống từ láy khá dày và công phu để phô diễn dòng cảm nghĩ của
tuổi thơ về những ấn tượng không bao giờ quên về buổi tựu trường đầu tiên.
Trong hệ thống từ láy mà Thanh Tịnh sử dụng, bên cạnh những
từ tượng hình để miêu tả hình ảnh, động thái, màu sắc, ánh sáng (như “bàng bạc”,
“quang đãng”, “trang trọng”, “đứng đắn”, “tươm tất”, “nhí nhảnh”, “sạch sẽ”,
“sáng sủa”…), một số ít từ láy tượng thanh gợi âm thanh (như “nức nở”, “thút
thít”) còn thì đa số là những từ láy biểu đạt tâm trạng, mà đó lại là những
tâm trạng rất khó diễn tả một cách rõ ràng, rạch ròi, tâm trạng trẻ thơ lần đầu
đi học - một dấu mốc khó quên trong cuộc đời mỗi con người.
Tâm trạng bỡ ngỡ nhưng háo hức, háo hức nhưng hồi hộp, sợ sệt
được tái hiện rất tài qua nhiều từ láy như “rụt rè”, “vẩn vơ”, “run run”, “lúng
túng”, “nặng nề”, “ngập ngừng”, “lưng lẻo”, “quyến luyến” v.v… Tất cả chúng
đã làm cho câu văn Thanh Tịnh hàm súc, có chất nhạc bên cạnh chất thơ bàng bạc.
Bởi vì, bản thân mỗi từ láy đã có sự hòa thanh - thanh bằng và thanh trắc,
thanh cao và thanh thấp([1]).
Nhà nghiên cứu - phê bình Đặng Tiến nhận xét về nghệ thuật
truyện ngắn Tôi đi học (Thanh Tịnh) như sau: “Về hình thức, câu văn
trong sáng, cú pháp minh bạch. Từ vựng giản dị, nôm na, nhưng kỳ thật đã là
phong phú vào thời điểm 1941, với những tính từ: bàng bạc, nao nức, mơn
man, quang đãng… tuy là thuộc vốn từ vựng cũ, nhưng cách dùng thì mới mẻ.”([2])
Quả vậy, từ láy là vốn từ toàn dân. Điều cốt lõi là nhà văn
sử dụng chúng như thế nào và để làm gì. Truyện của Thanh Tịnh như những tùy
bút trữ tình, hơn thế, như những bài thơ văn xuôi êm dịu. Nhà văn đã dụng
công chọn từ, đặt vào những vị trí đắc địa để diễn tả uyển chuyển thế giới tâm
trạng, cảm xúc của điểm khởi đầu tuổi hoa niên. Có thể nói, hệ thống từ láy
truyện Tôi đi học đã nói lên giá trị của phong cách: phong cách thể
loại và cả phong cách văn Thanh Tịnh, “gợi cảm, đằm thắm và trong sáng” ([3]).
Ghi chú: |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét