Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2019

Bình luận mỹ học: cũ và mới

Bình luận mỹ học: cũ và mới
Nhân có mấy bài viết trao đổi qua lại về mỹ học giữa GS Hoàng Ngọc Hiến và TS Đỗ Văn Khang (Văn nghệ số 24,26/ 2009), chúng tôi thấy có những thâu nhận lý thú muốn được bàn giải thêm.
Trong các bài viết của mình vấn đề mà hai vị quan tâm trao đổi và độc giả thấy nhiều lý thú đều xoay quanh cách hiểu về hình tượng nghệ thuật - một phạm trù cơ bản của mỹ học. Thật khó mà cho là các vị nói không trúng về vấn đề này - vấn đề cơ bản mà ai bước chân vào nghệ thuật đều có dịp làm quen, huống chi các vị là những bậc thầy về văn chương, học thuật - tuy nhiên khi nhìn dưới lăng kính đối sánh giữa mới và cũ thì không phải không có điều đáng bàn.  Xin đi vào mấy điểm hai vị tranh luận:
1. Mỹ học là gì? Ngoài định nghĩa Mỹ học là triết học về nghệ thuật mà TS Đỗ Văn Khang nhắc tới, trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia đã có mấy cách lý giải khác nhau của nhiều tác giả: Mỹ học là thuật ngữ chính xác nhất để chỉ bộ môn nghiên cứu cái đẹp. Mỹ học là một ngành quan trọng trong các bộ môn nghệ thuật. Mỹ học là một khoa triết học nghiên cứu quan hệ thẩm mỹ của con người với hiện thực... Như vậy hiện nay thuật ngữ này có những nội hàm không cố định, mà  do người dùng giới hạn trong từng văn cảnh.
2. Về hình tượng nghệ thuật, GS Hoàng Ngọc Hiến nêu quan điểm: “Nghệ thuật nhận thức sự vật bằng hình tượng cụ thể - cảm giác,chúng không có nhiệm vụ phản ánh bản chất của sự vật, chúng tiếp cận tính cách của sự vật”. TS Đỗ Văn Khang phê phán: hình tượng nghệ thuật rất phong phú, khi thì ước lệ, khi thì tả thực, khi thì huyền ảo chứ không thể lúc nào cũng cụ thể - cảm giác, nói nghệ thuật “không có nhiệm vụphản ánh bản chất của sự vật” nói thế không đúng, không hợp chức năng nhận thức của văn học - nghệ thuật! GS Hoàng Ngọc Hiến  biện luận rằng hình tượng nghệ thuật, chúng không có nhiệm vụ phản ánh bản chất của sự vật,chúng tiếp cận tính cách của sự vật, ví như: các tác phẩm khoa học thể hiện bản chất người nông dân, còn văn chương thể hiện tính cách Chí Phèo, ông Khúng. Nhà khoa học xác định các vấn đề bản chất làng xã bằng các luận điểm khoa học, qua chuyên luận khoa học, nhà văn thể hiện bằng hình tượng nghệ thuật “tính cách làng Vũ đại”, “tính cách xóm làng Chùa” qua tác phẩm văn chương và ông khẳng định thêm “Tính cách bao giờ cũng phong phú hơn bản chất” hay nói một cách khác nhiều tính cách ngoài bản chất, yêu cầu nghệ thuật phản ánh bản chất sự vật là bó hẹp tầm hoạt động của nó!
Chúng tôi cho rằng: Ý kiến các tác giả  đều là những suy nghĩ có cơ sở, tuy nhiên khi phân tích sự sâu sắc, tính thuyết phục cần phải dựa vào các lý giải đã được người đọc công nhận trong giới hạn lịch sử cũng như tính thời sự của vấn đề. Cái thú vị ở đây, vấn đề các vị bàn cãi không phải đã là những chân lý tuyệt đối quá rõ ràng “đáng chán”, theo cách nói của Enghen trong “chống Đuyrinh” (1878), mà là những phạm trù đang thuộc chân lý tương đối nên có sự thú vị khi tranh luận. Nó là khoảng giao thoa giữa tối và sáng!. Đứng ở thời điểm  này thì A có lý, nhưng lệch sang thời điểm kia thì B thích hợp hơn. Theo chúng tôi trong ý kiến của Hoàng Ngọc Hiến, yếu tố cấp tiến rõ hơn. Đó là quan niệm về hình tượng nghệ thuật mà các chủ thuyết, các tác giả hiện đại đang vận dụng và từ lâu cũng đã được những nhà lý luận nổi tiếng giải thích. Còn ý kiến Đỗ Văn Khang cũng thịnh hành một thời, nhưng nay đã có khác! Nhà trường nhiều năm đã tạo cho người đọc sự hiểu về hình tượng nghệ thuật khá phổ biến: hình tượng nghệ thuật là cái phương tiện mà khi phản ánh thế giới người nghệ sĩ hư cấu nên, ở nócó sự thống nhất giữa các yếu tố khách quan và chủ quan, giữa cái chung và cái riêng, giữa cảm tính và lý tính. Tuy nhiên theo thời gian, cái định nghĩa trên có nhiều thay đổi, các yếu tố lý tính, kháí quát giảm dần, nhường  cho các  yếu tố trực giác, cảm tính và cái nhiệm vụ “phản ánh thế giới” cũng chẳng còn là một chức năng nổi trội. Trong các công trình ngày nay, định nghĩa về hình tượng nghệ thuật thường được xem là phương thức phản ánh hiện thực một cách riêng biệt dưới hình thức những “hiện tượng cụ thể, sinh động, điển hình, được nhận thức trực tiếp bằng cảm tính”. Bách Khoa Toàn Thư (BKTT) khi nói đến  hình tượng nghệ thuật tuy có nêu lên có ba đặc điểm chủ yếu: 
1) Vừa phản ánh cái điển hình, vừa có cá tính. 
2) Vừa có tính khách quan của hiện thực, vừa có tính chủ quan của tác giả. 
3) Vừa xúc cảm, vừa duy lý... 
Nhưng bao trùm vẫn công nhận “hình tượng nghệ thuật là phạm trù cơ bản của mỹ học, một hình thức phản ánh hiện thực đặc thù . Hình tượng nghệ thuật khác với các phạm trù của tư duy khoa học (khái niệm, phán đoán, diễn dịch), do tính chất trực tiếp của nó”. Nói hình tượng nghệ thuật có tính chất trực tiếp hay nhận thức trực tiếp bằng cảm tính  khi phản ánh hiện thực là muốn nói đến tính chất cụ thể - cảm giác rồi đấy vì nếu  không cụ thể - cảm giác thì khó mà tác động trực tiếp cảm tính đến công chúng, khi đã trừu tượng - lý tính thì không còn là hình tượng nghệ thuật mà bước sang địa hạt các phán đoán của khoa học, buộc người ta gián tiếp suy ngẫm mới lĩnh hội được! Bởi vậy nói về Hình tượng nghệ thuật, chúng tôi cho rằng cụm từ “hình tượng cụ thể - cảm giác” của Hoàng Ngọc Hiến  là quan niệm mới nhưng không hoàn toàn xa lạ, nó  khác quan niệm cũ xem hình tượng nghệ thuật là bức tranh vừa khái quát - cụ thể, vừa lý tính - cảm tính...
Quan niệm đương đại hình tượng nghệ thuật thiên về cảm giác, cụ thể, khước từ lý tính, trừu tượng, tuy nó được thể hiện bằng nhiều hình thức tổng hợp thẩm mỹ từ cụ thể - lịch sử, sang tượng trưng - ước lệ, đến  huyền ảo - vô thức, sắc thái có khác nhưng đều có tính chất chung là trực tiếp, cụ thể, đánh mạnh vào cảm giác, vào nhận thức trực tiếp cảm tính, coi trọng sự biểu hiện ấn tượng, cảm xúc, hơn là sự tái hiện thực tại. Điều này không phải là sự nâng cấp về hiểu biết nghệ thuật mà là do một thời ta đi chệch, đồng nghiã Thế giới quan với Phương pháp sáng tác, luôn đưa các yếu tố nhận thức lý trí lên hàng đầu, nay trả cái bản lai diện mục của nghệ thuật về cho nó. Hêghen đã từng phân tích vấn đề này:
“... nó (nghệ thuật) đặt dưới mắt ta không phải là sự trừu tượng của các đối tượng, mà là hiện thực cụ thể của chúng, không phải là những ngẫu  nhiên của sự tồn taị mà là sự hiển nhiên, khiến chúng ta nắm được trực tiếp và toàn vẹn thực chất qua hình thức bên ngoài; biểu tượng trọn vẹn về sự vật và sự tồn tại của nó. Đó là sự khác nhau lớn giữa tư duy hình tượng và những gì hiện lên trước mắt ta bằng những phương thức biểu hiện khác (Hêghen - Mỹ học, những vấn đề căn bản - Nxb KHXH Hà Nội 1996, tr167). Cũng với cách hiểu này ông đã so sánh nghệ thuật và tôn giáo, và làm rõ tính đặc thù của nghệ thuật:“... tác phẩm nghệ thuật biểu hiện chân lý, tinh thần dưới hình thức cảm tính về một đối tượng và nhìn thấy ở đối tượng sự biểu hiện thích hợp, trong khi tôn giáo đưa tới sự suy ngẫm [...] Sự suy ngẫm xa lạ với nghệ thuật như vốn có (sđd, tr297).
3. Vấn đề liên quan giữa hình tượng nghệ thuật và bản chất sự vật , Hoàng Ngọc Hiến  cho rằng hình tượng nghệ thuật không phản ánh bản chất sự vật, là cũng theo một quan niêm thịnh hành đương đại. Quan niệm cũ xem nghệ thuật là tấm gương phản ánh cuộc sống, bởi vậy hình tượng nghệ thuật phải phản ánh hiện thực đúng bản chất. Ngày nay, giới sáng tạo hướng đến quan niệm nghệ thuật suy nghĩ về hiện thực, tái tạo chân lý đời sống, bởi vậy hình tượng nghệ thuật chỉ là phương tiện thể hiện những  suy cảm của tác giả - chủ thể sáng tạo - về cuộc sống. Một hiện thực có nhiều cách suy nghĩ, đánh giá tùy những hoàn cảnh riêng!. Vả lại, quan niệm bây giờ cũng khác trước về cái gọi là bản chất sự vật: Mỗi sự vật có nhiều trình độ bản chất, còn mỗi bản chất được bộc lộ ra qua nhiều hiện tượng. Con đường của nhận thức là từ nhiều hiện tượng đi đến bản chất, từ bản chất cấp độ một đến bản chất cấp độ hai và cứ thế mãi. Không thể nhận thức được bản chất sự vật một cách tổng thể, cố định, chỉ có thể nhận thức quá trình phát triển từng giai đoạn, từng hoàn cảnh của sự vật.  
Con người là một hiện hữu đa nhân cách, nghệ thuật hiện đại thể hiện con người, khi thế này khi thế kia vừa thế này vừa thế kia, không thể có cái gọi bản chất cố định của một con người!. Nói chung bàn luận về nghệ thuật bây giờ người ta ít nói đến các khái niệm bản chất, phản ánh bản chất để đánh giá tác phẩm, mà thiên về xác định các suy nghĩ của người nghệ sĩ!
Biện luận của Hoàng Ngọc Hiến có nhắc đến khái niệm tính cách của sự vật, cho rằng nghệ thuật tiếp cận tính cách của sự vật. Tính cách trong cách hiểu phổ biến là những đặc điểm về nội tâm của mỗi con người được biểu hiện qua suy nghĩ, lời nói và hành động của người đó. Còn BKTT có 2 giải thích: 
1/ Tính cách là tổng thể những đặc điểm tâm lý của nhân vật biểu hiện trong đời sống, trong cách xử sự và trong thái độ của nhân vật ở các tình huống cụ thể.
2/ Tính cách (như tính chất): Đặc điểm riêng, phân biệt sự vật này với sự vật khác. Như vậy câu văn của Hoàng Ngọc Hiến chỉ có thể hiểu tính cách (tính cách của sự vật) ở đây thuộc nghĩa thứ hai, là tính chất. Cách giải thích của Hoàng Ngọc Hiến về tính cách làng Vũ Đại, tính cách Làng Chùa  đều gần với cách hiểu này. (Có lẽ  tác giả phải giới thuyết thêm để tránh nhầm lẫn cho người đọc ở nghĩa thứ nhất (tính cách nhân vật) nhưng như vậy thì câu văn không còn nghĩa ban đầu của cái biểu đạt).
Thực tiễn trong các sáng tác sau thời kỳ đổi mới của văn học ta, lối viết hậu hiện đại phát triển, các yếu tố cụ thể - cảm giác chi phối rất nhiều so với yếu tố trừu tượng - lý tính và việc thể hiện cái gọi là bản chất sự vật thì nhiều tác giả đã  không còn câu nệ như trước. Các tác phẩm viết theo lối mới đã “giải thiêng” cái bản chất lịch sử như đã từng quan niệm (Kiếm sắc, Vàng lửa) và thể hiện một “thế giới hỗn dung ”đa tầng đa tuyến đầy nghịch lý thay dần cái gọi là bản chất xã hội (Tướng về hưu - Nguyễn Huy Thiệp, Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh)...
Tóm lại điều mà các tác giả tranh luận là những vấn đề chưa có hồi kết, ý kiến trao đổi của chúng tôi cũng chỉ là những suy nghĩ có tính cầu thị, mong có một sự lý giải rõ ràng hơn của các nhà nghiên cứu và các bạn đọc.
28-6-2009
Yến Nhi
Theo http://vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Miền cổ tích hoang hư 2

Miền cổ tích hoang hư 2 7 - Ngọ... Chiếc tàu thu mua hải sản ném Phương lên bờ tại cảng cá tanh hôi và ồn ào của Hải Phòng. Lôi thôi lếch ...