Miền ấu thơ khắc khoải
(Cảm nhận bài thơ Miền ấu thơ
của Nguyễn Thi Ngọc Hà)
Thôi đừng gọi chị bằng em
Để lời mưa gió ướt đêm hội làng
thôi đừng “lối dọc tình ngang”
để cho hờn dỗi đa mang dỗi hờn
chị ôm đầy ắp trăng tròn
chờ đến mỏi mòn… em có lớn đâu
ngày chị buộc phải làm dâu
mắt em… một thoáng… chị đau cả đời
ngược xuôi trên cánh đồng Người
cái thuở chín mười ấm ngọt khó quên
trước xưa thầm sáng ánh đèn
rưng rưng chị gục xuống miền ấu thơ
cầm bằng
ngõ vắng ngập mưa
đường trơn
em có dám đưa chị về
rũ đi muôn nỗi bộn bề
lại trinh nguyên bước trẻ quê độ nào
Nguyễn Thi Ngọc Hà
Lời bình:
Miền ấu thơ, bài thơ thêm một minh chứng sinh động cho thuộc
tính muôn thuở của tình yêu không có tuổi. Nếu bạn đọc được nghe nhà thơ kể
đây là câu chuyện tình có thật của mình, và được viết sau bao năm gặp lại, khi
cả hai đều đã lên chức: “ông, bà” thì chắc cũng có chung cảm nhận với tôi là
bài thơ thật cảm động và thú vị:
Thôi đừng gọi chị bằng em
Tình cảm chị em gắn bó thân thương hồn nhiên lớn lên trên một
miền quê như biết bao đứa trẻ khác. Bỗng một đêm hội làng đương độ mải vui, em
bất ngờ gọi chị bằng em. Sự chuyển đổi cách gọi nhanh chóng đến ngỡ ngàng,
chị bàng hoàng không tin vào tai mình, tưởng trời đất cũng nổi cơn cớ gió mưa ướt
nhòe đêm hội: để lời mưa gió ướt đêm hội làng, sự rung cảm và
liên tưởng thật tinh tế.
Muốn lưu giữ mãi cái hồn nhiên trong sáng đẹp đẽ của tuổi thơ
một đi không trở lại, chị khuyên em và hình như cũng tự khuyên mình:
thôi đừng “lối dọc tình ngang”
để cho hờn dỗi đa mang dỗi hờn
Thôi, chúng mình đều còn là trẻ con, đừng vội ôm đồm tình ái
đa mang, yêu cảm tính thế, sao có thể nuôi dưỡng và giữ gìn tình yêu được, rồi
lại chỉ dỗi hờn, hờn dỗi làm khổ nhau thôi.
Nói thì nói vậy, nhưng chính câu gọi chị bằng em và
tình cảm mơ hồ với em vốn có trong chị đã bừng thức để dần lớn lên một thứ tình
cảm khó lý giải, gần thương xa nhớ, để rồi cứ ngẩn ngơ mong mỏi đợi chờ.
chị ôm đầy ắp trăng tròn
chờ đến mỏi mòn… em có lớn đâu
Lòng chị cũng đã thầm hứa, cũng đã nuôi hy vọng, đầy ắp
trăng tròn. Nhưng còn gia đình họ hàng, còn biết bao tập tục lề thói phải tuân
thủ đối với người con gái khi đã đến tuổi thành duyên, mà chị đã chờ, chờ
em đến mỏi mòn, em có kịp lớn đâu? Mới đọc đến đây, tưởng chỉ là một bài
thơ vui vui, hai người có được nhau thì tốt, không thì ai phận nấy. Đọc tiếp
câu sau thì người đọc giật mình, tình yêu giữa họ là thật sự nghiêm túc và cũng
đã sâu nặng lắm rồi:
ngày chị buộc phải làm dâu
mắt em… một thoáng… chị đau cả đời
Từ buộc và phải đã nói hết nguồn cơn lòng
chị ngày dứt áo ra đi làm dâu nhà người. Một thoáng nhìn rầu rĩ thất thần của đứa
trẻ trong đổ vỡ đã thành nỗi đau khắc sâu suốt đời trong tâm khảm chị. Câu thơ
thương cảm, song liệu có quá chăng? nếu phải gồng lên, thì nỗi đau ấy lại làm hạn
chế đi sự xúc động và khả năng chia sẻ, mắt em…một thoáng… chị đau cả đời.
Chị đi làm dâu, cuộc đời đã rẽ sang ngả khác, bươn trải ngựơc xuôi trên cánh đồng
nhân thế, càng chiêm nghiệm càng thấm thía:
ngược xuôi trên cánh đồng Người
cái thuở chín mười ấm ngọt khó quên
Bể khổ đời người mà được nhà thơ liên tưởng, ẩn dụ ngược
xuôi trên cánh đồng Người (chữ Người viết hoa) thì thật là sâu sắc. Câu thơ có
thể chỉ là cái nền chuyển tiếp để tạo đà đẩy cảm xúc khai thác sâu hơn cái tứ gọi
chị bằng em ở những câu sau nhưng cũng thật ấn tượng. Cái gì đến rồi cũng
phải đến:
trước xưa thầm sáng ánh đèn
rưng rưng chị gục xuống miền ấu thơ
Trước xưa, trước em, hay trước miền ấu thơ. Tôi võ đoán cũng
chỉ là một, câu thơ là tâm trạng lần gặp lại sau bao năm xa cách mừng mừng tủi
tủi, từ ký ức được ánh đèn kỳ diệu như thần đèn thầm sáng, soi gọi, dẫn
dắt em, dẫn dắt chị, con người bằng xương bằng thịt hiển hiện trước nhau, để mà
gục xuống miền ấu thơ cũng là gục vào nhau cho bõ, cho thỏa… Có lẽ đây là câu
thơ đinh, câu thơ níu giữ, viết trong cảm xúc dâng trào rưng rưng chị gục
xuống miền ấu thơ, mơ hồ, quyết liệt mà vẫn chín mịn tinh tế.
Thế rồi chắc nhờ sự mách bảo của trái tim sau bao năm xa
cách, vẫn thổn thức, vẫn rung động bỏng rát, vẫn đủ độ tin cậy để chị ướm lời:
cầm bằng
ngõ vắng ngập mưa
đường trơn
Câu hỏi hóm hỉnh mà cũng thật kín nhẽ, cứ như chơi chơi lỏng
lẻo tuỳ lòng, mà hóa ra rất cao cờ ghê gớm, ràng buộc bền chặt. Dẫu không ai
nghe được câu trả lời của em, nhưng ta tin một con người khi mới ở tuổi
chín mười đã dám gọi chị bằng em, đã có ánh nhìn tiếc nuối đến thắt lòng được
mang theo suốt đời chị thì dám lắm. Ngõ vắng ngập mưa, đường trơn là
chuyện nhỏ, con người này còn ghê gớm hơn, cả khi ngõ đời chị không
bình yên em cũng có gan dám đón chi về, chứ không chỉ đưa chị về đâu
nhé, mà từ đón hay đưa ở đây cũng có nghĩa tương tự. Nếu đã có một nhà ái tình
học nào nói, đại ý: khi yêu người ta sẽ thành thi sĩ, thì với sắc độ
yêu này, Nguyễn Thị Ngọc Hà sẽ là nhiều lần thi sĩ.
rũ đi muôn nỗi bộn bề
lại trinh nguyên bước trẻ quê độ nào
Là nhà thơ nói vậy, chứ rũ sao được nỗi bộn bề, đấy chỉ là
cách nói, chính nhờ câu sáu có vẻ hơi chủ quan khinh khi này mà cặp câu kết mới
đứng được. Biết đâu từ cái buổi chị gục xuống miền ấu thơ ấy, nỗi bộn
bề lại nặng nề hơn, cột chặt hơn đời chị. Trên đời mọi chuyện đều có thể,
nhất là đối với trái tim đa cảm mong manh thi sĩ, càng cần “cảnh giác” coi chừng.
Miền ấu thơ, là bài thơ gây được sự xúc động bất ngờ thú
vị, hấp dẫn người đọc. Bởi có cái run rẩy chân thành tự chuyện mang tính phổ
quát, nên chia sẻ được với nhiều đối tượng bạn đọc, nhất là lớp trẻ, tuổi đang
yêu, thứ nữa là cách lập tứ độc đáo gây ấn tượng. Nguyễn Thị Ngọc Hà tỏ rõ khả
năng điêu luyện với thể thơ lục bát, nhuyễn, dụng công trong ngôn từ, nhưng
không sa vào cầu kỳ, gần gũi hóm hỉnh mà vẫn mới. Mang hơi thở thời đại, nên
bài thơ được đón nhận và sẽ đứng được trong lòng bạn đọc. Chị cũng sẽ có công
chúng của riêng mình, đó là hạnh phúc lớn nhất của người cầm bút.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét