Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2019

Nghệ thuật góp phần hoàn thiện nhân cách

Nghệ thuật góp phần hoàn thiện nhân cách
Trong vài chục năm gần đây cùng với các khái niệm phương pháp sáng tạo, phong cách nghệ thuật, tiến trình văn học, quan điểm lịch sử, hình tượng, thi pháp…, quan niệm nghệ thuật về cuộc đời và con người là một khái niệm được giới nghiên cứu lý luận văn học quan tâm. Trước đây, trong giới lý luận văn học Nga đã có nhiều tác giả ứng dụng khái niệm này để khảo sát các nền văn học trên thế giới như: P.X.Likhasốp, I. Êrêmin, V.R.Secbina, V. V.Timôphiep, N.G.Giulinxki… ở Việt Nam vấn đề này được lưu ý như là một công cụ đắc lực cho việc khám phá thế giới nghệ thuật của nhà văn, bởi để sáng tạo một tác phẩm văn học, nhà văn phải có quan niệm về thế giới ấy qua góc nhìn nghệ thuật như một điều kiện không thể thiếu. GS Trần Đình Sử cho rằng: “Tìm hiểu khái niệm quan niệm nghệ thuật trong nghiên cứu văn học Xô Viết cho ta thấy rằng quan niệm nghệ thuật là một phạm trù nghệ thuật học, nó gắn bó với quan niệm thế giới quan, triết học, xã hội học về con người và thế giới nói chung, nhưng tự bản thân nó đã là một “ý thức hệ” đặc biệt gắn liền với miêu tả nghệ thuật”. Như vậy, cái thúc đẩy sức sáng tạo nghệ thuật chính là quan niệm nghệ thuật về cuộc đời và con người thể hiện sự thống nhất giữa hiện thực được phản ánh và năng lực cắt nghĩa, lý giải nghệ thuật của nhà văn. ứng với một quan niệm về cuộc đời và con người là một thế giới nghệ thuật tồn tại ngay trong khám phá của nhà văn. Trên cơ sở quan niệm nghệ thuật đã hình thành trước trong tư duy, trong cảm xúc, tác giả có thể lựa chọn và xây dựng những hình tượng nghệ thuật khác nhau. Và mỗi hình tượng nghệ thuật như vậy trong những tác phẩm khác nhau của cùng một tác giả lại gặp nhau ở cùng một điểm dưới sự chỉ đạo của quan niệm nghệ thuật của tác giả. Mỗi nhà văn lớn đều có một quan niệm về nghệ thuật và cuộc đời của riêng mình. Chính điều này chi phối quá trình thai nghén tác phẩm và phong cách nghệ thuật của nhà văn, đồng thời giúp độc giả xác định được mức độ chiếm lĩnh con người của hình tượng văn học và sự đóng góp tích cực của hiện tượng văn học đó vào lịch sử văn học cũng như vào sự phát triển nhân cách con người.
Quan niệm nghệ thuật về cuộc đời và con người của các nhà văn hiện thực phê phán là “nghệ thuật vị nhân sinh”. Vũ Trọng Phụng từng viết: “Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết, còn tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời”. Với nguyên tắc coi hiện thực trực tiếp là đối tượng của nghệ thuật và đặc biệt coi trọng mối quan hệ giữa tính cách và hoàn cảnh mà văn học hiện thực phê phán đã phát hiện ra nhiều kiểu nhân vật mới, làm phong phú thêm khả năng chiếm lĩnh hiện thực khách quan và con người.
Hiện thực khách quan đầu thế kỷ XX là một xã hội thực dân nửa phong kiến với bao nhiêu áp bức nặng nề, phơi bày nhiều mặt bất công ngang trái. Con người Việt Nam thời này chịu nhiều khổ cực: Sự đày đọa cuộc sống dưới ách đế quốc thực dân và phong kiến; sự hủy hoại văn hóa, đạo đức truyền thống dân tộc; sự xâm nhập của văn minh phương Tây trong ý đồ đen tối của thực dân Pháp. Hoàn cảnh lịch sử trên đã tác động tới việc hình thành quan niệm nghệ thuật về cuộc đời và con người của các nhà văn hiện thực phê phán. Phản ánh hiện thực khách quan như nó tồn tại, chú trọng miêu tả con người gắn với hoàn cảnh, tính cách con người bị quy định bởi hoàn cảnh, văn học hiện thực phê phán đã tạo ra một bước ngoặt mới trong việc khám phá đời sống con người, đề cập đến kiểu người tha hóa sâu sắc và toàn diện nhưng lại bao hàm khả năng hoàn thiện nhân cách của con người và của chính nhà văn.

Với đặc trưng phản ánh cuộc sống bằng hình tượng cảm quan sinh động và cụ thể, mang dấu ấn chủ quan của người nghệ sĩ, văn học là tấm gương phản chiếu xã hội, là sản phẩm của sự nhận thức thẩm mỹ của chủ thể sáng tạo. Hình tượng nghệ thuật chỉ có giá trị khi nghệ sĩ dùng nó để miêu tả và bảo vệ cái đẹp, lên án cái xấu, tác động đến cảm xúc của công chúng, định hướng thẩm mỹ và định hướng nhân cách cho công chúng.
Với ý nghĩa đó, văn học là một phương tiện quan trọng dùng ảnh hưởng của nó hướng con người đến Chân, Thiện, Mỹ. Song để ảnh hưởng đến mức cao nhất, văn học không thể tác động một cách chung chung, trừu tượng mà cần tạo nên những kinh nghiệm, những tấm gương về tư cách người, những điển hình văn học bất hủ. Arixtốt đề cao sự thanh lọc hóa tâm hồn của con người, J.Locke nói đến sự phản tỉnh, Hêghen đề cập quá trình tự nhân đôi của con người qua tác động của thế giới nghệ thuật. Chúng tôi muốn đi sâu hơn vào quá trình con người tự làm mình tốt lên, hoàn thiện hơn dưới sự tác động của văn học.
“Cái đẹp cứu rỗi nhân loại” (Đôxtôiépxki), văn học đã cứu rỗi vị thế xã hội của con người. Trong văn học hiện thực phê phán ở Việt Nam có một hiện tượng, mà nhà văn Nguyên Hồng vẫn khẳng định, ngay ở những con người dưới đáy, họ vẫn mang bản tính là những con người trong sạch. Chỉ có hoàn cảnh làm xấu con người, chứ con người không muốn tự làm xấu mình. Đó chính là quan niệm nghệ thuật góp phần hoàn thiện nhân cách con người, chi phối toàn bộ những sáng tác của văn học hiện thực phê phán.
Ngô Tất Tố phát hiện ra hình ảnh một người phụ nữ nông thôn Việt Nam trong sạch, đẹp đẽ và lung linh trong màn đêm của xã hội thực dân và phong kiến. Những phẩm chất: thủy chung, hiền dịu, đảm đang, giàu sức quật khởi ở chị Dậu là tấm gương sáng mà bạn đọc mãi mãi đi tìm.
Nguyễn Công Hoan, với quan niệm “Cuộc đời là một sân khấu hài kịch”, đã nhìn vào mặt trái của cuộc đời, của con người, để phỉ nhổ vào những xấu xa, bỉ ổi của xã hội, để cười ra nước mắt những điểm xấu của con người dưới đáy nhằm lên án xã hội đảo điên. Con người trong quan niệm của Nguyễn Công Hoan hoàn toàn bị tha hóa, thậm chí bị vật hóa, đồ vật hóa. Từ vị quan huyện béo tốt, một bà lớn với khuôn mặt thịt nung núc, đến những đứa ăn mày, ăn xin, kẻ cắp, người trốn nợ, bà cụ nhà quê… là những con người bị tha hóa. Cách nhìn “Đời là một sân khấu hài kịch” đã chi phối sâu sắc Nguyễn Công Hoan trong việc chọn đề tài, chủ đề, xây dựng nhân vật, biến cố và tình tiết… mang đậm chất hài kịch. Cái nhìn phê phán khiến cho tác phẩm của ông có sức công phá mạnh mẽ đối với xã hội thực dân nửa phong kiến; từ đó toát lên nhu cầu cần phải thay đổi tận gốc rễ cái xã hội tối tăm, mục ruỗng và tàn bạo ấy để trả lại chân dung thực sự cho con người.

Từ quan niệm đời là “bát nháo”, “vô nghĩa lý”, bằng nghệ thuật trào phúng, Vũ Trọng Phụng xây dựng được nhiều kiểu nhân vật mới - sản phẩm của xã hội Âu hóa, tái tạo được bức tranh hiện thực xã hội tư sản với nhiều nỗi đắng cay, ai oán. Bên cạnh đó, ông không quên khơi gợi ở các nhân vật của ông ý thức làm người chân chính, góp phần hoàn thiện nhân cách người đương thời. Ông viết: “Tôi quan niệm văn chương là một phương tiện tranh đấu của những người cầm bút muốn loại khỏi xã hội con người những nỗi bất công, nhân lên trong lòng người nỗi xót thương đối với những người bị chà đạp lên nhân phẩm, kẻ yếu, kẻ bị đày đọa vào cảnh ngu tối, bị bóc lột, mỗi ngày kiếm ra đủ bữa ăn tối để nhịn sáng hôm sau”. Vì vậy, các nhân vật điển hình bị tha hóa của ông, mặc dầu bị chi phối bởi hoàn cảnh nhưng vẫn tự nhìn lại mình, đối thoại với chính mình để giận mình và giận đời như Thị Mịch (Giông tố). Huyền (Làm đĩ) là nhân vật trượt dài theo số phận nhưng vẫn thường căn vặn: “Vì lẽ gì em đến nỗi trụy lạc”. Phúc trong Trúng số độc đắc, khi sống trong cảnh giàu sang vẫn cảm thấy chẳng vui vẻ chút nào! Viết về các nhân vật này, Vũ Trọng Phụng hẳn mong muốn một ngày kia họ sẽ nhận thức lại được hành động của mình, rồi sẽ thay đổi, làm người có nhân cách.
Nguyên Hồng là một nhà văn có phong vị riêng. Người ta thường gọi ông bằng cái tên rất đỗi trìu mến “nhà văn của những người lao khổ”. Nguyên Hồng là một trong số những nhà văn hiện thực có quan điểm nghệ thuật rất rõ rệt ngay từ khi bước vào nghề văn. Với ông, quan niệm văn chương là “sự thực ở đời” luôn được khẳng định một cách mạnh mẽ. Người nghệ sĩ “đi thẳng vào cuộc đời… xốc vác lấy một phần công việc với mọi người” (Hai dòng sữa), phải “trông thẳng vào cuộc sống, thấu suốt nó, nhận thấy nó rồi biến đổi để thuận tiện cho sự nảy nở sinh lực của mình” (Ngọn lửa). Nguyên Hồng sớm nhận thức được mối quan hệ khăng khít giữa nhà văn với hiện thực, giữa tác phẩm văn học và cuộc đời. Nhà văn có tắm mình trong cuộc sống của nhân dân thì nghệ thuật và con người công dân mới kết hợp làm một và tiếng nói nghệ thuật mới cộng hưởng được với hơi thở và nhịp đập của cuộc sống người lao động.
Chính xuất phát từ quan điểm nghệ thuật này mà trong sáng tác trước Cách mạng tháng Tám, Nguyên Hồng đặc biệt hướng ngòi bút vào tầng lớp dưới đáy xã hội với một niềm ưu ái, cảm thông, trân trọng. Đó là lối đi riêng không giống với những nhà văn hiện thực cùng thời. Ngòi bút của ông chủ yếu hướng tới một chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc. Điều đó bắt nguồn từ một quan niệm rất riêng về cuộc đời và con người của ông. Nguyên Hồng từng quan niệm đời là một chuỗi đau thương, đầy thương cảm nên những trang viết của ông thường đi sâu khai thác những nỗi khổ cực nhiều mặt của tầng lớp dân nghèo thành thị với một niềm cảm thông sâu sắc. Đặc biệt, nhờ quan niệm con người bị tha hóa vẫn hướng về bản chất người mà cảm hứng chủ đạo trong các tác phẩm của ông không phải nghiêng về phía phê phán mà nghiêng về phía thánh thiện, ngợi ca, tuân thủ lập trường nhân đạo mà ông khẳng định: “Nghệ thuật nhân đạo phải hướng thiện cho con người và cuộc sống tiếp thêm sức mạnh giúp con người vượt lên đau khổ vươn tới cuộc sống tươi đẹp ngày mai”. Muốn vậy, nó phải “làm bừng sáng những tính tình, làm rộng mở những tâm hồn… làm nảy nở mạnh mẽ thêm ý thức trong sự vui tin” (Hai dòng sữa). Vì vậy các nhân vật bị tha hóa trong tác phẩm của Nguyên Hồng vẫn để lại trong tâm trí người đọc những tin yêu, hoặc xót thương. Bỉ vỏ viết về cuộc sống của những kẻ “chạy vỏ”, sống trong vòng tội lỗi.
Nhưng giữa cuộc sống đâm chém, cướp giật tưởng như không có tính người ấy lại ánh lên bao nét đẹp của tình nghĩa. Các nhân vật như xích lại gần nhau hơn để chở che, an ủi trước sóng gió cuộc đời. Trong cuộc sống thấp thỏm, lo âu vì sự săn đuổi của mật thám họ vẫn dành cho nhau những tình cảm trong sáng, lành mạnh, thủy chung, son sắt. Những nhân vật này vẫn giữ được bản chất người là do sự chi phối của tư duy nghệ thuật, trực tiếp là quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn. Có thể thấy rõ hơn điều này trong Bảy Hựu, Sông máu, Chín Huyền, những tác phẩm viết về kẻ ngoài vòng pháp luật, tuy sống lẩn lút trên bến sông, nhà ga… nhưng lại là những người có tấm lòng khẳng khái, giàu lòng hi sinh. Bởi được chiếu dọi bằng một thứ ánh sáng trong trẻo, khoẻ khoắn nên trong tâm hồn họ vụt sáng vẻ đẹp của những trang nghĩa hiệp. Phải chăng Nguyên Hồng từng mơ ước cuộc đời của những con người tội lỗi kia sẽ có một ngày lật sang trang mới. Giai đoạn 1940-1945, khi được tiếp cận ánh sáng của Đảng, khát vọng đổi thay đó được nhà văn đề cập trong rất nhiều tác phẩm. Những con người dưới đáy đã biết hướng tới những chân trời mới với tinh thần đấu tranh “tự giải phóng thoát khỏi những áp chế” (Hai mẹ con). Tiếng nói của họ là “Những tiếng kêu rên thống thiết của sự đau đớn, chua xót đời gọi sự thay đổi cho cuộc đời no ấm, yên vui rất xứng đáng phần cho những người mẹ hiền từ, chịu khó (Vực thẳm). Hành động phản kháng của họ là “một sự chồm dậy, hất tung và san bằng những cái đè nén và ràng buộc cái đời đàn bà nhà quê cằn cỗi” (Cô gái quê), một sự “phá bỏ rồi thay đổi hẳn lại thì mới được thở một bầu không khí trong lành, một nguồn ánh sáng bên một cuộc đời mới, không đói rét, không đầu tắt mặt tối” (Hàng cơm đêm). Như vậy Nguyên Hồng đã đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa nhân đạo khi nhìn nhận các vấn đề cuộc sống và con người, một chủ nghĩa nhân đạo thống thiết, luôn chan chứa niềm tin yêu vững chãi ở phẩm chất tốt đẹp và sức sống mãnh liệt của những con người lao khổ. Chính đây là cơ sở để tác phẩm của Nguyên Hồng có khả năng hướng thiện và góp phần hoàn thiện nhân cách của nhà văn và bạn đọc mọi thời.
Nam Cao là nhà văn nhanh chóng đến với chủ nghĩa hiện thực với một quan điểm nghệ thuật tiến bộ: “nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối. nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ thoát ra từ những kiếp lầm than” (Giăng sáng). Với quan điểm nghệ thuật này, Nam Cao đòi hỏi nghệ thuật phải trở về với hiện thực, phản ánh chân thật hiện thực. Nghệ thuật chân chính, nhà văn có lương tâm không thể nhắm mắt bịt tai trước nỗi khổ đau của nhân dân, trốn tránh sự thực “tàn nhẫn” mà phải “đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy những vang động của đời” (Giăng sáng). Ngòi bút của ông đã thể hiện sâu sắc một khía cạnh mới khi miêu tả con người: Con người bị tha hóa bủa vây nhưng quyết không chịu tha hóa đến cùng. Đến Nam Cao, kiểu con người tha hóa được khai thác một cách toàn diện từ ngoại hình đến tâm lý, tính cách trên cơ sở một quan niệm khá sâu sắc, thấm đượm tinh thần nhân đạo. Chí Phèo là nhân vật điển hình cho kiểu con người bị tha hóa nhưng quyết không chịu tha hóa đến cùng. Nam Cao đã cố gắng đi tìm những nét đẹp còn ẩn sâu trong tâm hồn của những người nông dân bị tha hóa và đó là một quan niệm tiến bộ về con người của ông.
Vượt hẳn các nhà văn hiện thực phê phán đương thời, Nam Cao đã đem đến cho hình tượng con người cá nhân luôn biết tự vươn lên để hoàn thiện nhân cách của mình. Qua tác phẩm về đề tài tiểu tư sản, Nam Cao đã đưa ra một quan niệm khá đầy đủ và toàn diện về con người và sự phát triển của con người, trong đó điều cốt lõi nhất là ý thức về giá trị sự sống, ý thức về cá nhân. Nhà văn lên án kịch liệt lối sống có tính chất sinh học hằng ngày. Thứ trong Sống mòn phát biểu rõ tư tưởng đó: “Có thú vị gì cái lối sống co quắp vào mình, cái lối sống quá ư loài vật, chẳng cần biết một việc gì ngoài cái việc kiếm thức ăn đổ vào dạ dày”. Nam Cao cho rằng đó thực chất chỉ là “chết trong lúc sống”. Lên án lối sống bo bo, chật hẹp trong những chuyện cơm ăn áo mặc, Nam Cao hướng tới một cuộc sống có ý nghĩa xã hội. Theo ông, con người phải có lý tưởng cao đẹp, phải có văn hóa. Con người phải sống cuộc sống có giá trị, có ý nghĩa đúng với cuộc sống của con người. Muốn đạt được cuộc sống ấy, trước hết con người phải có lý tưởng, hoài bão. Thứ (Sống mòn) từng có những “ước vọng cao xa”, bất đắc dĩ trở thành anh “giáo khổ trường tư” vẫn hướng tới một cuộc sống có ý nghĩa. Hộ (Đời thừa) là một “gã tuổi trẻ say mê lý tưởng. Lòng hắn đẹp, đầu hắn mang một hoài bão lớn”. Không chỉ đề con người sống có lý tưởng, hoài bão, Nam Cao còn cho rằng cá nhân con người cần phải được khẳng định trước cuộc đời. Thứ (Sống mòn) nghĩ đến những phương kế để xếp đặt cho người với người ổn thỏa hơn với ý thức sâu sắc “phải có một trình độ học thức khá cao. Phải luyện tài, có học, có tài y mới đủ năng lực phụng sự cái lý tưởng của y”. Hộ (Đời thừa) cũng có ý tưởng gần như vậy. Tuy bị “áo cơm ghì sát đất” nhưng anh vẫn mơ ước có một tác phẩm có giá trị: “Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bằng… Nó làm cho người gần người hơn”. Điền (Giăng sáng) một thi sĩ mơ mộng, rất yêu trăng và mơ đến “những cuộc tình duyên lãng mạn” nhưng rồi những trăn trở, nghĩ suy với cuộc sống thực tế của gia đình đã khiến anh chợt tỉnh giấc mộng: “Điền chẳng cần đi đâu cả. Điền chẳng cần trốn tránh. Điền cứ đứng trong lao khổ mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời”. Rõ ràng Nam Cao đặt vấn đề cá nhân với tư cách một nhân cách để nói lên niềm khát khao của những người trí thức tiểu tư sản muốn khẳng định mình trước cuộc đời. Và theo ông, nhân cách lớn nhất của con người là “phải diệt cho hết những kẻ ngồi không hưởng những thức của kẻ khác làm ra mà chẳng làm ra được cái gì”. Đó là nhân cách của những người không chịu làm nô lệ!.
Rõ ràng, văn học hiện thực phê phán đã tiến xa hơn văn học trung đại ở chỗ góp phần nâng cao ý thức về cách sống của con người xã hội. Đây chính là cái mới, phù hợp với sự tiến bộ của văn học, thức tỉnh nhân cách của con người, giúp họ vươn lên từ địa vị thấp hèn, hoàn cảnh tù túng, phong bế, sống cho ra sống và có ích cho dân tộc.
Nguyễn Thị Thu Thủy
Theo http://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Miền cổ tích hoang hư 2

Miền cổ tích hoang hư 2 7 - Ngọ... Chiếc tàu thu mua hải sản ném Phương lên bờ tại cảng cá tanh hôi và ồn ào của Hải Phòng. Lôi thôi lếch ...