Thứ Tư, 27 tháng 2, 2019

Nghìn năm nghe gió nói lời cây

Nghìn năm nghe gió nói lời cây
Cây Chò ở Cúc Phương
Còn là mầm cây
Cắt ngang một cái móng tay
Thì làm gì có cây Chò đứng kia
Để những sải tay nối nhau ôm không kín
Mười năm cây
Không gặp người dựng nhà mang dao đi tìm cột
Trăm năm cây
Không gặp người xây cất lâu đài đem rìu đi chọn nóc
Ngàn năm cây
Gặp bước người lội mòn rừng lên gốc
Tìm gì trong gió nói lời cây
Bình Nguyên
Cây Chò ở Cúc Phương đã trở thành biểu tượng, là điểm nhấn đối với khu rừng nguyên sinh này. Nói đến rừng Cúc Phương là người ta nghĩ ngay tới cây Chò nghìn năm. “Độc trụ bất thầnh lâm”, một cây chẳng thành rừng. Nhưng với Cúc phương thì khác, nếu thiếu đi cây Chò này, chắc chắn thiếu đi sự hấp dẫn, thiếu đi cái thần thái linh thiêng huyền bí, kỳ thú của rừng. Và rồi cả tính chất nguyên thủy, nguyên sinh của rừng cũng không dễ ràng bị thuyết phục. Chắc trong lập trình mọi chuyến tham quan rừng Cúc Phương của du khách, thì cây Chò bao giờ cũng là đích đến số một, nó đã đi vào thi ca, vào lòng người nhiều thế hệ. Tưởng nhà thơ Bình Nguyên cũng như nhiều người khác, chú mục vào những nét đẹp huyền diệu ấy, những ưu thế riêng có ấy, mà ngợi ca rừng, ngước lên, chặc lưỡi khâm phục về chiều kích, quầng tán cây Chò. Không, với anh cây Chò nghìn năm, biểu tượng nên thơ, đặc sắc như một biệt đãi của thiên nhiên ấy, chỉ là cái cớ để liên tưởng, để suy ngẫm đến những điều hệ trọng khác, phổ quát lớn lao hơn. Ở mối quan hệ sinh tồn giữa con người với thiên nhiên, với muôn loài trong cõi nhân thế biến đổi không ngưng nghỉ này. Đấy mới là điêù khác lạ, ở sự quan sát, phát hiện bất ngờ, làm nên tứ thơ độc đáo thu hút người đọc.
Còn là mầm cây
Cắt ngang một cái móng tay
Thì làm gì có cây Chò đứng kia
Để những sải tay nối nhau ôm không kín
Những câu mở, lại như là cách tóm tắt nội dung truyện về cây Chò mà nhà thơ sẽ luận bàn về nó. Đây cũng là thi pháp khác lạ, buộc người đọc phải chú ý ngay từ đầu,
xem tác giả đưa mình tới đâu trong câu chuyện có vẻ nửa kín nửa hở này. Nếu còn là mầm cây đã bị một cái móng tay, một trò chơi vô thức nào đó ngắt đi, thì làm gì còn thành cây, chứ nói chi đến cây những vòng tay nối nhau ôm không kín. Chính cái cách diễn giải đơn giản như sự thật hiển nhiên, như chẳng có gì để phải nghĩ ngợi ấy, mới làm bừng thức trong ta những trực cảm, đẩy những liên tưởng lên từng tẩng nấc của cõi thiêng ngữ nghĩa. Một cái mầm non nớt dễ lụi, dễ héo tàn, nếu không bị một cái móng tay nào đó của con người bấm đi, thì nó có cơ thành cây, thành đại thụ, đại ngàn. Nhưng để có cây Chò làm nên kỳ quan thiên nhiên hôm nay thì đâu có giản đơn vậy:
Mười năm cây
Không gặp người dựng nhà mang dao đi tìm cột
Trăm năm cây
Không gặp người xây cất lâu đài đem rìu đi chọn nóc
Là ngôn ngữ hình tượng đầy sức biểu cảm, chỉ là những mốc thời gian tượng trưng, với hai trạng huống điển hình. Nhà thơ Bình Nguyên đã sử dụng lối thể hiện như điệp ngữ để trập trùng những hiểm hoạ theo thời gian có thể ập xuống đối với cây Chò bất cứ luc nào. Mười năm cây, trăm năm cây… lòng tham lam tư lợi với chồng chất những toan tính mưu mô của con người, thì sự chà sát đốn hạ, mối nguy hiểm thường trực diễn ra hàng ngày hàng giờ chứ đâu phải đợi đến thế. Cây Chò những sải tay nối nhau ôm không kín hôm nay, đã phải trải qua ngàn năm may rủi mong manh. Đời cây như đời người, không biết cây Chò đã vượt qua biết bao kiếp nạn để góp phần vào tạo dựng cảnh quan thiên nhiên, cân bằng sinh thái. Nghĩ đến những hậu quả do lũ ống, lũ quét, bão biển, nước dâng…diễn ra liên tiếp, cả trong nước lẫn thế giới, mới thấy hết hiểm hoạ của những cánh rừng đầu nguồn bị triệt hạ. Mà sự triệt phá ấy chính là những cái móng tay ngắt mầm vô thức, là những nhát dao, nhát dìu thậm chí cả cưa máy, xâu xé cạnh tranh tư lợi của con người. Cứ thế mà người đọc mở rộng, mà liên tưởng để thấy hết những hành vi nguy hại, thiếu thân thiện với môi trường của con người. Chính con người là tác nhân phá vỡ thế cân bằng tự nhiên dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu - tiềm ẩn những thảm họa khủng khiếp khôn lường.
Ngàn năm cây
Gặp những bước người lội mòn rừng lên gốc
Tìm gì trong gó nói lời cây
Nghìn năm, một thiên kỷ đi qua, cây đứng đó uy nghi, trầm lặng như một đại triết gia. Nhà thơ coi cây Chò như nhân chứng của lịch sử để ký thác. Để ngày nối ngày năm nối năm dòng người lặn lội mòn rừng tìm về với cây, để được nghe cây, nghe hồn người nhập thế, sống sót qua muôn ngàn kiếp nạn thầm thì, trò chuyện. Đến đây tứ thơ mới bật dậy, phát sáng. Cái kết trong thế mở, để ta tha hồ mà tưởng tượng nghe gió nói lời cây. Hẳn lời cây nhiều lắm, nhưng chắc không bao giờ quên điều dạy ta về đạo lý làm người. Biết loại trừ cái ác, hướng tới chân thiện mỹ - nguồn năng lượng vĩnh cửu thắp sáng tâm hồn con người của mọi thời đại.
Bài thơ Cây Chò ở Cúc Phương của nhà thơ Bình Nguyên là một bài thơ hay, độc đáo. Nghệ thuật làm nên tính độc đáo, chính là sự giản dị ở ngôn từ, giản dị như lời ăn tiếng nói, nhưng nó lại được điều khiển xắp đặt vào những vị tri không thể thay thế (đắc địa). Nhờ vậy mà câu thơ đa nghĩa, đa tầng, có sức mở, sức gợi, sức liên tưởng, sức dồn nén, để rồi bất ngờ bùng nổ tứ thơ, đúng ở câu chữ cuối cùng. Nó để lại nỗi ám ảnh, dư ba nơi hồn người đọc.
Bài thơ sẽ toàn bích, nếu nhà thơ lược bớt được hai hư từ “đi” ở câu 6 và câu 8. Bởi cái tinh túy của thơ đòi hỏi ở tính khúc chiết và rất kiệm lời. Song  rất may, cái hay, cái đẹp của “viên ngọc thơ” đã đạt chuẩn, lấn át được những tỳ vết nhỏ nhẹ, để lấp lánh hấp dẫn người đọc tới cùng.
Âu văn cũng là người, “Nhân vô thập toàn”. Nhưng bài thơ giàu lòng nhân hậu, nhân văn, lòng trắc ẩn - phẩm chất cao quý vốn có của người cầm bút chân chính.
Ninh Bình, 15/9/2009
Lâm Xuân Vi
Theo https://www.vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Miền cổ tích hoang hư 2

Miền cổ tích hoang hư 2 7 - Ngọ... Chiếc tàu thu mua hải sản ném Phương lên bờ tại cảng cá tanh hôi và ồn ào của Hải Phòng. Lôi thôi lếch ...