Thứ Tư, 27 tháng 2, 2019

Tiếng Việt có dấu - Nhìn đâu có xấu

Tiếng Việt có dấu - Nhìn đâu có xấu
Một trong những điều làm cho tôi bực mình nhất khi lướt web là “tệ nạn” viết tiếng Việt không dấu, khủng bố hơn nữa là nhiều bạn trẻ còn chế biến tiếng Việt thành một thứ ngôn ngữ mới mang đậm dấu ấn tuổi teen, giới giang hồ đồn đại là Teencode.
Chữ Quốc Ngữ - thứ mà chúng ta đang đọc và viết hàng ngày được ra đời vào khoảng thế kỷ 17, do các giáo sĩ phương Tây đến Việt Nam để truyền đạo Công Giáo nghĩ ra để làm cho việc truyền đạo trở nên dễ dàng hơn. Người có công lớn nhất với lịch sử của chữ Quốc Ngữ đó là Cha Alexandre de Rhodes với một công trình đồ sộ: Tự điển Việt Bồ La - hệ thống hóa cách ghi âm tiếng Việt.
Có thể coi đây là một phát minh vĩ đại mà người Pháp đã làm cho chúng ta. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, bọn thực dân Pháp đã quá thâm độc khi cho ra đời chữ viết tiếng Việt theo mẫu tự Latin này vì nó làm cho chúng ta quên đi chữ Nôm truyền thống của dân tộc. Nhưng theo quan điểm của tôi, chữ Quốc ngữ hiện nay vẫn là một tuyệt tác bởi tính linh động về dễ sử dụng của nó, hơn nữa nhờ sử dụng bảng mã Latin nên chúng ta dễ dàng học tiếng Anh và các ngôn ngữ khác như Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha,… Tôi tôn trọng chữ Nôm, vì nó mang tính lịch sử. Tôi tôn trọng chữ Quốc ngữ, vì nó mang tính thực dụng.
Thế nhưng, một loại chữ trong sáng, tinh túy đến thế lại bị biến hóa thành hàng ngàn thứ chữ viết “người không ra người, ngợm không ra ngợm”, chẳng hạn như một vài lời tâm sự của một bạn trẻ trên Facebook như sau:
Bạn không dịch được người này nói gì phải không? Đừng lo lắng, vì tôi cũng vậy! Tôi gọi đó là “mật ngữ” vì nó đã được mã hóa thành một ngôn ngữ riêng biệt mà chỉ có “dân trong nghề” mới hiểu nổi.
Thật không thể hiểu nổi tại sao nhiều bạn lại cố tình biến mình thành đấng sáng tạo, tự tạo ra một ngôn ngữ cho riêng mình - chỉ có mình mới hiểu được như thế? Chúng ta cần phải làm vậy? Viết tiếng Việt thực sự quá khó sao?
Cái nạn viết tiếng Việt không dấu và Teencode này có lẽ xuất hiện và phát triển mãnh liệt nhất là vào thời đại của blog Yahoo! 360, cái thời mà các bạn trẻ gặp nhau là “cho mình xin nick chat đi”, rồi về viết blog - chat chit tâm sự tỏ bày các kiểu. Khi ấy xuất hiện nhiều nam thanh nữ tú có lẽ là vì yêu nhau nhưng sợ bố mẹ phát hiện tin nhắn nên mới tập viết “mật ngữ” để đề phòng lỡ phụ huynh có phát hiện thì cũng bó tay. Lâu dần thì kiểu viết ấy trở thành xu hướng của những người chơi blog, những người trẻ thường xuyên sử dụng Yahoo! rồi nó tự biến mình thành một thứ “thời trang” ảo, hễ đứa nào chat mà biết viết kiểu ấy thì gọi là dân chơi, đứa nào viết tiếng Việt đúng chuẩn thì bị liệt vào đám nhà quê ngay.
Đây đã từng là một vấn đề nóng hổi và đau đầu của các bậc phụ huynh, đến mức một vài lập trình viên đã viết ra một công cụ được gọi là “công cụ hồi teen”, mục đích là để dịch từ Teencode sang tiếng Việt hoặc ngược lại, bạn có thể vào đây để thực hiện quá trình hồi teen cho chính mình: https://sites.google.com/
Hỡi các đấng sáng tạo, xin đừng giết chết tiếng Việt nữa. Nhiều công trình nghiên cứu cho rằng trong vòng một hoặc hai thế kỉ tới sẽ có trên 2000 ngôn ngữ trên thế giới đi vào dĩ vãng, nghĩa là chẳng một ai sử dụng nó nữa, tất cả chúng ta đều không muốn điều này xảy ra với tiếng Việt. Vì vậy, tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm với nó, hãy tôn trọng nó bằng cách sử dụng tiếng Việt đúng chuẩn, có dấu.
Tôi không bao giờ nhắn tin cho ai mà viết không dấu cả, chỉ trừ vài trường hợp đặc biệt khi mà điện thoại tôi dùng không thể viết có dấu được, khi ấy tôi sẽ xin lỗi người đọc tin nhắn trước. Đối với tôi, nhắn tin bằng tiếng Việt chuẩn không chỉ là tôn trọng và gìn giữ tiếng Việt, mà còn thể hiện sự tôn trọng của mình với người nhận, thể hiện sự cẩn thận trong từng lời nói của bản thân với mọi người xung quanh.
Vì vậy, hãy sử dụng tiếng Việt thật chuẩn.
Chúng ta còn - tiếng Việt còn!.
Phong Nhiên
Theo https://vietvuvo.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Miền cổ tích hoang hư 2

Miền cổ tích hoang hư 2 7 - Ngọ... Chiếc tàu thu mua hải sản ném Phương lên bờ tại cảng cá tanh hôi và ồn ào của Hải Phòng. Lôi thôi lếch ...