Thứ Ba, 19 tháng 2, 2019

Lý Bạch, ánh trăng nghìn năm tỏa sáng bầu trời thi ca

Lý Bạch, ánh trăng nghìn năm 
tỏa sáng bầu trời thi ca
Thi tiên hạ phàm, ngâm thơ múa kiếm
Lời tòa soạn: Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hóa của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay. 
Lý Bạch (701-762), tự Thái Bạch, được đánh giá là một trong những ngôi sao chói lọi nhất của thi ca thời Đường. Ông được người đời sau tôn kính gọi là “Thi Tiên”, đã làm hàng ngàn bài thơ. Thơ Lý Bạch thấm đẫm phong cách lãng mạn, trữ tình, phong thái siêu trần, thoát tục, từ hàng ngàn năm qua đã in sâu vào lòng độc giả Á Đông. Loạt bài về Lý Bạch sẽ giúp bạn có được cái nhìn toàn diện nhất về thi nhân vĩ đại này. 
Có bài thơ rằng:
“Tràng Canh Tinh Tinh thanh liên thủy,
Kim Túc Như Lai Chủ Phật quy.
Thi Tiên chuyên bút phong lôi động,
Kiếm hiệp thanh mang nghĩa khí phi.
Nho Thích Đạo pháp tồn hung nội,
Tiên gia Hoàng viện nhậm truy tùy.
Thi phong thành tựu thước thiên cổ,
Thần truyền văn minh bảo trung khôi”.
Dịch nghĩa:
Ông tiên Tràng Canh ở Thanh Liên (Tràng Canh là tên khác của sao Thái Bạch, cũng là biệt hiệu của Lý Bạch), là chuyển thế của Chủ Phật Kim Túc Như Lai (Kim Túc Như Lai Phật là tiền kiếp của Đại Bồ Tát Duy Ma Cật). Ông Tiên thơ vung bút gió thổi sấm động. Hiệp khách vung kiếm nghĩa khí bay. Trong lòng chứa cả đạo Nho Thích Lão. Ông Tiên chẳng màng danh lợi chốn Hoàng cung. Thơ phong nổi danh rực sáng ngàn năm. Là viên ngọc quý của nền văn minh Thần truyền.
Chân Dung Thi tiên Lý Bạch. 
Ảnh dẫn theo qqai.net
Tạm dịch thơ:
“Tràng Canh thần tiên ở Thanh Liên,
Kim Túc Như Lai giáng sĩ hiền.
Thi Tiên vung bút vang trời đất,
Kiếm khách sáng lòa nghĩa khí bay.
Trí lớn chứa cả Nho Thích Đạo,
Cung đình chẳng sánh thú tiêu dao.
Thơ phong rực rỡ ngàn năm sáng,
Báu vật văn minh bởi Thần truyền”.
Trong vũ trụ mênh mông này, các sinh mệnh nhiều vô số. Trái Đất không phải là nơi duy nhất tồn tại sự sống và sinh mệnh, bởi các hệ thiên thể khác nhau cũng có sinh mệnh và sắc thái văn hóa khác nhau.
Khi Sáng Thế Chủ toàn năng sắp đặt cho các hệ thiên thể khác nhau đưa tinh túy văn hóa đặc trưng của mình xuống Trái Đất, thì nền văn hóa đó đã được đặt định ở chốn này cho nhân loại thừa hưởng.
Cụ thể thơ hay, văn hay, kịch hay… không chỉ nuôi dưỡng tâm tính, tình cảm, tiết tháo của tác giả, mà còn giúp độc giả thọ ích, thăng hoa, giúp đạo đức toàn xã hội nâng cao trở lại. Đương nhiên chỉ khi trở về nguồn cội, truyền thống, người ta mới cảm nhận được điều đó. 
Văn hóa Á Đông quan niệm những người do các hoàng đế, quân vương chuyển sinh đến thế gian đều có sứ mệnh thay đổi triều đại, kết nhân duyên với các chúng sinh trên mặt đất này, xoay chuyển càn khôn, thúc đẩy cả xã hội và thiên tượng thay đổi, biến hóa. 
Những người do các quan, tướng, tài tử, chân nhân đến với thế gian này cũng có các sứ mệnh đặc biệt của họ, kết mối nhân duyên, đặt ra nội hàm cho văn hoá theo phong cách riêng, ở những lĩnh vực đặc biệt.
Lý Bạch là thi nhân, đã khai sáng văn phong, thi phong chính thống, dẫn dắt đạo lý chân chính trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, chỉ rõ cho mọi người biết trong nghệ thuật thì sự tu luyện và đề cao quan trọng thế nào, con đường mà văn nghệ sĩ phải đi là gì, thế nào là văn hóa nghệ thuật Thần truyền chính thống.
Nhìn khắp nền văn minh Trung Hoa 5.000 năm, mỗi một triều đại khác nhau lại sử dụng các loại chữ viết, các hình thức nghệ thuật khác nhau để truyền tải lịch sử, văn hóa của mình. Từ các thần thoại thời thượng cổ, tản văn thời tiên Tần, đến từ phú thời lưỡng Hán, văn biền ngẫu thời Ngụy Tấn, cho đến Đường thi, Tống từ, Nguyên khúc, tiểu thuyết thời Minh Thanh, văn học các triều đại rực rỡ sắc màu.
Nó không chỉ làm phong phú văn hóa chốn nhân gian, mà còn để đặt định cho con người nhân gian tiến nhập vào tương lai. Đồng thời tất cả những điều này cũng được dùng để chuyển tải nền văn hóa Thần truyền, để con người đời sau có thể nghe được tiếng kêu gọi của Sáng Thể Chủ toàn năng thời viễn cổ.
Khi người đời sau đã không còn tin vào Thần nữa, đã bị những thứ biến dị, ma tính bên ngoài phá hoại, con người phảng phất vẫn có thể thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật lưu truyền thiên cổ này để thấy được thần ngôn, thần tích, giữ được mối liên hệ giữa Thần với con người. Có như thế người ta mới không bị hoàn toàn tiêu huỷ vào trong hư vô.
“Thượng Dương Đài Thiếp” - Bút tích chân thực 
duy nhất còn lại của Lý Bạch, hiện cất giữ 
ở Viện bảo tàng Cố Cung - Bắc Kinh.
Cùng với suy đồi đạo đức nhân loại, thần ngôn, thần tích trong văn hóa Thần truyền bị cắt xén, chỉ còn lại lác đác. Trên vùng đất Thần Châu rộng lớn, nhiều đời Thánh vương như: Tần Hoàng, Hán Vũ, Ngụy Vũ, Đường Tông vẫn thắt chặt mối quan hệ giữa Thần và con người.
Nhưng đến các triều đại sau, đặc biệt thời cận đại, nhân loại đã bị phong bế ngày càng chặt hơn. Cuộc sống vật chất thực tiễn đã làm cho con người hoàn toàn xa rời khỏi vị Thần tạo ra họ. Trong “Đại cách mạng văn hóa” ở Trung Quốc, nền văn minh Thần truyền huy hoàng 5000 năm bị coi là 4 cái thủ cựu và bị phá hủy không thương tiếc. 
Nhưng bề dày văn hóa Thần truyền truyền thống 5000 năm, văn học, nghệ thuật, thi từ, ca phú truyền tải văn hóa Thần truyền đã để lại dấu ấn không cách nào xóa bỏ được trong tư tưởng, cốt tủy và ý thức của con người.
Trong “Đại cách mạng văn hóa”, nội hàm văn hóa Thần truyền, người - Trời hợp nhất, tín ngưỡng Thần Phật, bất chấp việc thẩm tra kiểm soát vô cùng nghiêm ngặt vẫn cứ phản ánh trong những vở kịch, tác phẩm thơ văn, nghệ thuật nhân văn… Thi từ của Thi Tiên Lý Bạch vẫn cứ xuất hiện trên sách giáo khoa và trong văn hóa truyền miệng của người đời.
Chính là tất cả những điều này đã làm cho tâm hồn của con người tiếp tục không ngừng được gột rửa. Cũng bởi thế, người ta còn giữ lại được chút thuần khiết chân thực cuối cùng của mình và đang đợi chờ được cứu độ khỏi bể khổ trần ai. 
Thời thịnh thế Đại Đường, hoàng đế Đường Thái Tông mở ra một thời đại thiên triều mới, khai sáng, bảo vệ và hoằng dương văn hóa Thần truyền Á Đông, gây dựng thời kỳ toàn thịnh trong lịch sử Trung Hoa, thúc đẩy tam giáo Nho, Thích, Đạo và văn hóa nghệ thuật đều hưng thịnh.
Nhưng sau đó là lúc Cao Tông kế vị, Võ Tắc Thiên hồi cung, cuối cùng đắc thế đổi Lý Đường thành Võ Chu, suýt nữa giết chết giang sơn Đại Đường. Sau thời đại ngắn ngủi của Trung Tông và Duệ Tông, Lý Long Cơ (Đường Huyền Tông sau này) quả quyết ra tay, dẹp bỏ Vi Hậu và Thái Bình Công chúa, đoạt quyền rồi lên ngôi.
Huyền Tông dốc sức trị quốc, mở ra thời thịnh trị Thịnh Đường, mở mang bờ cõi, kế tục vẻ vang võ công của hoàng đế Đường Thái Tông. Huyền Tông làm Thiên tử, không những trọng dụng hiền thần, sửa sang triều chính, mà còn thúc đẩy văn hóa, thơ ca, nghệ thuật, thư pháp, hội họa của Đại Đường lên cực đỉnh, bản thân cũng ra sức thực hiện.
Là thi nhân, Đường Huyền Tông thông qua chính sáng tác của mình đã ảnh hưởng tích cực lên thơ đàn Thịnh Đường. Thơ của ông lưu truyền đến nay vẫn còn trên 70 bài, chỉ sau Đường Thái Tông.
Duyên phận của ông với Thi Tiên Lý Thái Bạch rất sâu sắc. Chính vì vậy, Thần đã an bài Lý Bạch làm Thi Tiên, làm kiếm khách chuyển sinh thế gian, dẫn dắt phong cách đặc sắc, thúc đẩy cả nền văn hóa Trung Quốc, đặc biệt là thơ ca nghệ thuật thời đó đã lên đến cực đỉnh.
Thơ Lý Bạch ẩn chứa triết lý tu đạo thâm sâu. 
Ảnh minh họa dẫn theo kknews.cc
Lý Bạch có một cuộc đời rất năng động, phóng khoáng. Ông là con nhà thương nhân giàu có, do vậy tính tình rất hào sảng, coi nhẹ bạc tiền, vật chất. Lúc nhỏ Lý Bạch học đạo, ca vũ, múa kiếm, lớn lên lại thích ngao du sơn thủy, “chống kiếm viễn du”, từng đặt dấu chân lên khắp mảnh đất Trung Hoa.
Năm 25 tuổi, ông lên núi Nga My ngắm trăng, ngâm thơ, “Ngẩng đầu nhìn trăng sáng. Cúi đầu nhớ cố hương” rồi xuôi dòng Trường Giang qua hồ Động Đình, lên Sơn Tây, Sơn Đông thăm người bạn cũ ở núi Thái Sơn cùng “ẩm tửu hàm ca” (uống rượu ca hát). Sau này ông được tiến cử vào cung vua Đường, về kinh đô Trường An trong 3 năm. Cuộc sống cung đình nhàm chán và có phần vô vị không níu giữ được bước chân lãng du của thi nhân. Ông lại từ tạ nhà vua, lên đường ngao du sơn thủy.
Đến Lạc Dương, Lý Bạch gặp được tri âm của đời mình là Đỗ Phủ, kết làm bạn vong niên (Đỗ Phủ kém Lý Bạch 11 tuổi), lại quen biết thêm Cao Thích, cùng nhau săn bắn, vui chơi, ngắm hoa, thưởng trăng suốt nửa năm. Lý Bạch lại chia tay bạn, đi về phương nam.
Những năm cuối đời, ông ẩn cư ở Lư Sơn. Người ta truyền nhau rằng, một lần ông đi chơi thuyền trên sông Thái Thạch (An Huy), uống say, thấy trăng soi lung linh đáy nước, nhảy xuống ôm trăng mà chết.
Sau khi ông qua đời, di sản thơ văn của ông được người đời sưu tầm lại. Tương truyền ông làm tới 20.000 bài nhưng thường không có thói quen cất giữ nên chỉ còn lưu lại được khoảng 1.800 bài. Thơ ông phóng khoáng, lãng mạn nhưng cũng rất nhân văn, sâu sắc, ẩn chứa triết lý tu Đạo thâm sâu.
Để kết lại bài viết này, chúng ta hãy cùng thưởng thức lại một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của ông - “Tĩnh dạ từ”, viết trong lúc Lý Bạch lên núi Nga My múa kiếm, ẩn cư, ngắm trăng, uống rượu:
Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương.
Dịch thơ:
Trước giường trăng mênh mang
Ngỡ sương móc rơi tràn
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương.
Nam Phương biên dịch 
Chim bằng tung cánh, thơ phú vang danh
Lý Bạch sinh vào năm thứ nhất đời Đường Trung Tông (năm 701) ở làng Thanh Liên, Quảng Hán (nay là Chương Minh), Tứ Xuyên. Làng này tên gốc là Thanh Liêm, sau này do tên hiệu của Lý Bạch là “Thanh Liên cư sĩ”, nên đã đổi tên thành làng Thanh Liên.
Tương truyền, mẹ Lý Bạch mơ thấy sao Tràng Canh rơi vào trong thai (tức là sao Thái Bạch Kim Tinh), do đó đặt tên tự cho Lý Bạch là Thái Bạch. Lý Dương Băng trong “Thảo Đường Tập Tự” đã gọi Lý Bạch là “Thái Bạch Tinh Tinh” (Thần tiên sao Thái Bạch). Phạm Truyền Chính sau này viết văn bia cho Lý Bạch cũng dùng cách gọi tên này: “Phu nhân mộng Tràng Canh là điềm lành, nên đặt tên tự cho tiên sinh, lấy theo thiên tượng”. 
Lý Bạch có cốt cách thần và đạo, có thể cùng thần tiên 
du chơi bát cực. Ảnh dẫn theo gushiwen.org
Sau này, Lý Bạch tự lấy tên hiệu cho mình là Thanh Liên cư sĩ. Ông đã tự thuật thân thế trong “Đáp tộc điệt tăng Trung Phu tặng Ngọc Tuyền Tiên Nhân Chưởng trà - Tự” (Lời tự - trả lời cháu họ tăng nhân Trung Phu đã tặng trà Ngọc Tuyền Tiên Nhân Chưởng):
Thanh Liên cư sĩ trích tiên nhân,
Tửu tứ tàng danh tam thập xuân.
Hồ Châu cư sĩ hà tu vấn,
Kim Túc Như Lai hậu thế thân.
Dịch nghĩa: Cư sĩ Thanh Liên là ông tiên bị giáng xuống trần. Ẩn danh nơi quán rượu 30 năm. Cư sĩ Ôn Châu sao phải hỏi. Chính là hậu thân của Kim Túc Như Lai chuyển thế.
Dịch thơ:
Cư sĩ Thanh Liên thực Trích Tiên,
Ẩn danh tửu quán mấy mươi niên.
Ôn Châu cư sĩ đâu cần hỏi,
Kim Túc Như Lai tại nhãn tiền.
Thanh Liên vốn có nguồn gốc từ Tây Vực, trong tiếng Phạn gọi là hoa Ưu bát la (cũng có tên là hoa Ưu đàm bà la), trắng xanh rõ ràng, không nhiễm bụi trần. Kinh Phật viết: “Khi hoa Ưu bát la nở, Pháp Luân Thánh Vương - Vương của vạn vương sẽ đến thế gian phổ độ chúng sinh“.
Lý Bạch tự xưng là Thanh Liên, và “hậu thân của Kim Túc Như Lai”, ngụ ý khi hoa Ưu bát la nở, Chuyển Luân Thánh Vương đem chân lý như ý xuống thế gian. 
Hoa Ưu đàm khai nở. Ảnh: DKN
Từ các bài thơ dưới đây của Lý Bạch, chúng ta cũng có thể nhìn ra chút thân thế của ông. Trong bài thơ “Thù vương bổ khuyết Huệ Dực Trang Tống Thừa Thử tống biệt” (Mời rượu tiễn biệt Tống Thừa Thử được vua bổ nhiệm Huệ Dực Trang), ông viết: 
Học đạo tam thập niên,
Tự ngôn Hy Hoàng nhân.
Hiên cái uyển nhược mộng,
Vân tùng trường tương thân.
Dịch nghĩa: Học đạo ba mươi năm. Tự nói là vua Phục Hy chuyển sinh. Chốn triều đình như giấc mộng. Nên làm bạn lâu dài với mây và tùng.
Dịch thơ:
Học Đạo ba mươi xuân,
Vốn Phục Hy hạ trần.
Cung đình như giấc mộng,
Mãi mãi bạn mây tùng.
Trong bài thơ: “Hý Trịnh Lật Dương” ông cũng viết:
Thanh phong bắc song tiểu,
Tự vị Hy Hoàng nhân.
Hà thời đáo Lật lý?
Nhất kiến bình sinh thân.
Dịch nghĩa:
Gió mát thổi nhẹ ngoài cửa sổ phía bắc. Tự nói là vua Phục Hy chuyển sinh. Khi nào đến vùng sông Lật Thủy. Thoáng nhìn sẽ thấy rất thân quen.
Dịch thơ:
Ngoài song cơn gió nhẹ,
Hy Hoàng xuống trần gian.
Lúc đến sông Lật Thủy,
Ắt sẽ rất thân quen.

“Hy Hoàng” trong thơ Lý Bạch tức là vua Phục Hy, vị vua đứng đầu trong “Tam Hoàng” của lịch sử văn minh Hoa Hạ. 
Lý Bạch từ nhỏ đã đọc sách, luyện chữ, 5 tuổi đã bộc lộ tài năng thiên bẩm hơn người. Trong “Thượng An châu Bùi Trường Sử thư” (Thư gửi Bùi Trường Sử châu Thượng An), ông có viết:
“Ngũ tuế thông lục giáp, thập tuế quan bách gia” (Năm tuổi đọc thông lịch pháp, mười tuổi đọc Chư tử Bách gia - Nho gia, Đạo gia, Âm Dương gia, Pháp gia, Danh gia, Mặc gia, Tạp gia, Nông gia, Tiểu Thuyết gia, Tung Hoành gia). 
Và “Thường hoành kinh tịch tư, chế tác bất quyện” (Thường đọc thư tịch, sáng tác không mệt mỏi). Lục Giáp là lịch pháp dạy cách tính ngày tháng năm, còn Bách gia là các trước tác của Bách gia Chư Tử. 
Lúc Lý Bạch 5 tuổi, cha ông đã cho đọc “Tử Hư phú” (Tác phẩm thơ phú thời Hán do Tư Mã Tương Như viết). Năm lên 10, ông đã sáng tác “Minh đường phú” (Tập thơ Minh đường), đã có thể sánh vai với Tư Mã Tương Như. 
Trong bài “Tặng Trương Tương Cảo”, Lý Bạch cũng tự nhận rằng: “Thập ngũ quan kỳ thư, tác phú lăng Tương Như” (15 tuổi xem được sách kỳ lạ, làm thơ phú vượt cả Tương Như). 
Cha Lý Bạch đã từng gửi ông đến núi Tượng Nhĩ (My Châu) học. Ban đầu Lý Bạch học không chuyên tâm, vẫn còn trốn học. Theo “Phương dư thắng lãm - My Châu - Ma Châm khê” ghi chép, Lý Thái Bạch học trong núi, chưa học xong đã trốn đi chơi. Đi qua con suối nhỏ, gặp một bà lão bên bờ suối đang mài một cái gậy sắt to bằng cái chày giã gạo.
Lý Bạch về núi khổ công học tập, 
đạt được bước tiến lớn. Ảnh dẫn theo miidd.com
Lý Bạch lấy làm lạ hỏi, bà lão trả lời: “Mài thành cái kim thêu”. Lý Bạch hỏi: “Gậy sắt mài thành kim, có thể được không?”. Bà lão đáp: “Chỉ cần công phu sâu!”. 
Lý Bạch nghe xong rất cảm động, quay về núi khổ công học tập, đạt được bước tiến lớn. Bà lão vốn họ Vũ, ngày nay bên Ma Châm Khê (suối mài kim) có hòn đá Vũ Thị Nham (hòn đá bà Vũ). Đời sau lưu truyền điển cố “Mài sắt nên kim” là bắt nguồn từ đây. 
Năm Khai Nguyên thứ 6 (năm 718) Lý Bạch rời nói Tượng Nhĩ, ẩn cư ở núi Đai Khuông đọc sách, học thuật Tung Hoành của Triệu Nhuy. Ở núi Đại Khuông mấy năm, ông đến Bàng Quận, dạo chơi Kiếm Các, Tử Châu.
Năm 20 tuổi du ngoạn Thành Đô, yết kiến Tô Đĩnh, Trường Sử Ích Châu. Lúc đó, Tô Đĩnh và Trương Thuyết là hai cây bút lớn, Lý Bạch đem thơ văn của mình ra xin thỉnh giáo.
Tô Đĩnh đọc xong ca ngợi rằng: “Ông thiên tài hoa lệ, hạ bút không dừng. Tuy phong cách chưa định hình nhưng có thể thấy cốt cách riêng, nếu học rộng thêm, có thể sánh cùng Tương Như đó”. 
Sách “Thiên Bảo di sự” viết, Lý Thái Bạch lúc thiếu thời mơ thấy các cây bút ông đã dùng trên đầu đều sinh hoa, sau này thiên tài vòi vọi, nổi danh khắp thiên hạ. Người đời sau thường nói đến câu “Diệu bút sinh hoa” (đầu bút nở hoa) là có xuất xứ từ đây. 
Năm Khai Nguyên thứ 13 (năm 725), Lý Bạch 25 tuổi, sau khi đã du ngoạn khắp Thục Trung, bắt đầu xách kiếm viễn du. Ở Giang Lăng, ông tình cờ gặp Đan Khâu Sinh, qua Đan Khâu Sinh đã kết giao với Tư Mã Thừa Trinh, đạo sỹ Thiên Thai nổi tiếng. 
Tư Mã Thừa Trinh, tự Tử Vi, hiệu Bạch Vân Tử, là đạo gia danh tiếng triều Đường. Ông đã nhiều lần được 3 đời Hoàng Đế: Võ Tắc Thiên, Duệ Tông, và Huyền Tông triệu kiến. 
Tư Mã Thừa Trinh không chỉ là một đạo sĩ nổi tiếng, đạo thuật tinh sâu, mà còn là viết chữ Triện rất đẹp, thơ cũng bay bổng như tiên. Vua Huyền Tông rất tôn kính ông, đã từng mời ông vào nội cung, thỉnh giáo đạo pháp, rồi lại xây Dương Đài Quán cho ông. Em gái Huyền Tông là công chúa Ngọc Chân còn bái ông làm thầy. 
Lý Bạch phong độ hiên ngang, tư chất bất phàm, Tư Mã Thừa Trinh vừa thấy đã rất vui thích, vừa ý. Đến khi đọc thơ Lý Bạch, Tư Mã Thừa Trinh càng kinh ngạc khen ngợi không ngớt: “Có cốt cách thần và đạo, có thể cùng thần tiên du chơi bát cực”. 
Đây là thiên tài mà mấy chục năm qua, khắp trong ngoài triều đình, ông chưa từng gặp. Tư Mã Thừa Trinh đã dùng từ khen ngợi cao nhất của Đạo gia dành để ca ngợi Lý Bạch. 
Nói Lý Bạch có “Tiên căn”, tức là có mang cốt cách thần tiên. Sau này Hạ Tri Chương cũng ca ngợi Lý Bạch là “Trích tiên nhân” (Ông tiên bị đày giáng trần) là cũng cùng một ý, cả hai người đều coi Lý Bạch không phải là người phàm trần. 
Một phần bức tranh “Tàng vân đồ” do Thôi Tử Trung đời Minh vẽ, lưu giữ ở Viện bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh, miêu tả Lý Bạch ngồi xếp chân song bàn ngay ngắn trên xe, chầm chậm đi trên đường núi, ngẩng đầu chăm chú nhìn mây trên đỉnh đầu. Ảnh: Epochtimes.com
Sau khi gặp Tư Mã Thừa Trinh, Lý Bạch viết “Đại bằng ngộ hy hữu điểu phú” (Bài phú chim bằng gặp chim hiếm). Đây chính là bài phú khiến tên tuổi Lý Bạch nổi danh thiên hạ. 

“Đại bằng ngộ hy hữu điểu phú cập tự” (Bài phú và lời tựa chim bằng gặp chim hiếm) 
“Tôi từng hội ngộ Tư Mã Thừa Trinh ở Giang Lăng, ông nói tôi có cốt cách thần và đạo, ông có thể cùng tôi vân du bát cực. Tôi liền sáng tác “Bài phú chim bằng gặp chim hiếm” để mở rộng ý này. Bài phú này đã truyền ra thế gian, người thường cũng đã thấy. Vì là tác phẩm thiếu thời, chưa hết được ý rộng lớn thoáng đạt, nên đến trung niên thì vứt bỏ.
Đến khi đọc “Tấn thư”, thấy Nguyễn Tuyên Tử viết bài thơ “Ca ngợi đại bằng”, tự cho là chỉ có vậy mà thôi. Nhớ lại năm xưa viết “Bài phú đại bằng gặp chim hiếm”, nó có nhiều chỗ khác với bản đang lưu truyền thế gian. Hiện còn lưu bản thảo, không phải truyền cho mọi người, chỉ muốn cho các đệ tử xem mà thôi.
Trang tử ở Tất Viên có linh cơ thiên phú, nói ra lời đàm luận cao chót vót, giảng lời kỳ lạ mênh mông. Từ sách “Tề Hòa” thu thập các chuyện quái dị, nói về Bắc Hải có con cá lớn, tôi không biết nó dài mấy nghìn dặm, tên nó là Côn.
Côn hóa thành Đại Bằng, bản thể ngưng kết thành phôi thai hỗn độn. Thoán rụng vây trên hải đảo, trước cổng trời giương cánh, Bột Hải trỗi vạn dặm sóng xuân, bay về phía đông nơi triều dương ấm áp. Lừng lẫy vũ trụ, bay vút cao vượt Côn Luân. Mỗi lần vỗ cánh, khói mây mù mịt, đất cát mịt mù. Ngũ Nhạc vì vậy mà rung chuyển, trăng sông vì vậy mà sạt trôi.
Đạp đất vút lên, xông thẳng thiên không, xuyên qua chín tầng mây, vượt qua các trùng dương. Bắn ra ba ngàn con sóng lớn, bay vọt chín vạn tầng trời xanh. Sống lưng như dãy núi nguy nga, đôi cánh như mây dài ngang dọc. Lắc lư quay tròn, quấy đảo cả bỗng nhiên sáng rực, đột nhiên tối mịt.
Thân thể cường tráng bay xuyên các tầng trời, bay đến cổng trời cao vòi vọi. Làm chấn động thiên giới hỗn nguyên, bùng lên vạn sấm sét lôi đình. Các sao dịch chuyển, thiên thượng động, núi cao rung lắc, biển lớn lộn nhào. Nổi giận, chẳng ai dám đánh nhau với nó. Xưng hùng, chẳng ai dám cùng nó cạnh tranh. Phảng phất có thể thấy khí thế và hùng tư của nó.
Chân có cầu vồng bao quanh, mắt nó sáng như nhật nguyệt. Bay lượn xoay tròn, vun vút như chớp nhoáng. Phun khí, bốn phương rực sáng mây màu. Rũ lông, ngàn dặm tuyết hoa bay. Từ nơi hoang sơ cực bắc, bay đến cực nam. Hoặc vung cánh xoay tròn, hoặc cưỡi gió bay thẳng. Bắc cực Chúc Long Hàm Hỏa Tinh chiếu sáng cho nó, thần phóng điện vung roi dài vì nó mở đường.
Ba trái núi chỉ là mấy hòn đất, ngũ hồ nhỏ như mấy bát nước. Nó động thì có Thần hưởng ứng, nó đi thì có Đạo tùy tùng. Nhiệm Công Tử nhìn thấy chẳng buông câu, Hữu Cùng Thị không dám giương cung bắn tiễn, ném cần câu, vứt cung tên, chỉ biết ngửa mặt lên trời kêu kinh ngạc.
Dáng nó oai hùng hoành tráng, che cả đất trời. Trên chạm trời xanh, dưới trùm mặt đất. Bàn Cổ khai thiên nhìn mà cũng chẳng biết làm sao, Hy Hòa dựa mặt trời chỉ biết nhìn than thở. Đất bát hoang cũng cảm thọ khí thế ngút trời, tứ hải quá nửa bị che khuất.
Ngực nó chắn mặt trời như mà đêm che phủ, mịt mù như lúc trời đất chửa khai thiên. Đột nhiên thân thể lật nghiêng quay tròn bay, lập tức thấy ráng chiều phổ chiếu, mây khói tiêu tan.
Sau bay tận 6 tháng chỉ nghỉ có một lần, hạ xuống bờ biển. Bỗng bay ngang che kín mặt trời, bỗng từ trên trời lao thẳng xuống. Hơi thở khắp vô biên đồng nội, mỏ mổ giữa hồ lớn mênh mông.
Nó bay dũng mãnh, gió lốc nổi lên, biển xanh gào thét, núi biếc đổi màu. Thủy thần Thiên Ngô kinh hoàng kiếp sợ, Đông Hải Thần run sợ bất an. Cự Ngao đội núi còn giấu đầu tháo chạy, Trường Kình nhào lộn cũng ẩn dưới biển sâu. Ngao co đầu, Kình giấu râu, chỉ nhìn còn không dám. Tôi cũng chẳng ngờ nó lại thần kỳ quái dị như thế này, đó là Tạo Hóa làm ra vậy!
Đại Bằng chẳng sánh nổi Hoàng Hộc đảo Bồng Lai, khoe xiêm y vàng bạc với cúc vàng? Đại Bằng cũng thẹn với Phượng Hoàng Thương Ngô, khoe bộ lông rực rỡ hoa vân. Những loài chim muông này, đã từ lâu bị thần tiên sai khiến, đã từ lâu thuần phục trong lồng.
Tinh Vệ cần cù ngậm cành lấp biển, Viên Cư bi sầu chẳng uống ăn. Thiên Kê trên cây bàn đào báo sáng, Kim Ô phát sáng giữa mặt trời. Chẳng thể khoáng đạt thỏa thích, lại câu nệ thủ thường thế này? Đều chẳng được như Đại Bằng tiêu dao, chẳng có loài nào sánh nổi với Đại Bằng.
Đại Bằng chẳng kiêu căng hung bạo, luôn luôn thuận thời ứng thế. Tham ngộ Đại Đạo, trường thọ diên niên, uống no nguyên khí của trời đất. Ở Dương Cốc nơi mặt trời mọc đùa giỡn bồi hồi, du ngoạn Viêm Châu nơi Nam Hải, thỏa sức vẫy vùng.
Chẳng bao lâu, con chim hiếm gặp Đại Bằng, nói: “Đại Bằng vĩ đại thay! Thật là thỏa chí. Cánh phải của tôi che kín cực Tây, cánh trái phủ kín cõi Đông, vượt qua đất lớn, bay lượn vòm trời, lấy mơ hồ làm tổ, lấy hư vô làm chỗ chơi. Tôi mời anh du ngoạn, tôi với anh cùng bay”. Đại Bằng đồng ý, vui vẻ đi cùng. Hai con chim khổng lồ này đã bay vào thiên không bát ngát, mà mấy con chim sâu nhỏ bé lại đứng bên bờ giậu mà cười chê”.
Bài phú đọc lên nghe tràn đầy khí phách tiêu dao, trong lời văn thấy có giọng của Trang Tử trong “Tiêu dao du” (Nam Hoa Kinh). Lý Bạch lại ví mình như con chim Bằng, ngao du sơn thủy, uống đầy tinh khí đất trời mà gặp được con chim hiếm khác cùng nhau tiêu dao tự tại. Khí phách ấy đúng là không có ở người thường.
Chim Bằng một loài thần thú. 
Ảnh minh họa dẫn theo taici.org
“Hai con chim khổng lồ này đã bay vào thiên không bát ngát, mà mấy con chim sâu nhỏ bé lại đứng bên bờ giậu mà cười chê“. Bài phú kết thúc với một giọng điệu cảm khái như vậy, cũng chính là nói lên ý tứ rằng người quân tử như chim Bằng không mong được loài chim sâu nhỏ bé hiểu được chí hướng của mình. Người quân tử cũng chắc chắn không thể ở cùng chỗ kẻ tiểu nhân.
Lý Bạch từng vào cung vua, làm thượng khách của Đường Minh Hoàng, lại được Dương Quý Phi vô cùng mến mộ. Thế nhưng cuộc sống cung đình thực là ngột ngạt, chốn gai góc cũng không phải là nơi chim loan, chim phượng đậu. Lý Bạch chán nản, ngày đêm chỉ biết làm bạn với bầu rượu, túi thơ, lại bị Dương Quốc Trung gièm pha, xúc xiểm.
Không lâu sau, Lý Bạch từ giã Đường Minh Hoàng. Vua tặng cho biết bao vàng bạc cũng không cầm một nén. Cuối cùng Đường Minh Hoàng tuyên bố Lý Bạch có thể uống rượu tại bất cứ quán hàng nào ông đi qua, triều đình sẽ trả tiền rượu. Vậy là Lý Bạch lại tiếp tục chống kiếm lên đường, ngao du bốn biển như loài chim Bằng ngạo nghễ, khí phách kia.
Để thay lời kết cho kỳ này, mời quý độc giả thưởng thức lại một trong những bài thơ rất được yêu mến của Lý Bạch: “Nguyệt hạ độc chước” (Một mình uống rượu dưới trăng).
Hoa gian nhất hồ tửu
Độc chước vô tương thân
Cử bôi yêu minh nguyệt
Đối ảnh thành tam nhân
Nguyệt ký bất giải ẩm
Ảnh đồ tùy ngã thân
Tạm bạn nguyệt tương ảnh
Hành lạc tu cập xuân
Ngã ca nguyệt bồi hồi
Ngã vũ ảnh linh loạn
Tỉnh thì đồng giao hoan
Tuý hậu các phân tán
Vĩnh kết vô tình du
Tương kỳ mạc Vân Hán
Tạm dịch thơ: 
Có rượu không có bạn
Một mình chuốc dưới hoa
Cất chén mời trăng sáng
Mình với bóng là ba
Trăng đã không biết uống
Bóng chỉ quấn theo ta Tạm cùng trăng với bóng
Chơi xuân cho kịp mà!
Ta hát, trăng bồi hồi
Ta múa, bóng rối loạn
Lúc tỉnh cùng nhau vui
Say rồi đều phân tán
Gắn bó cuộc vong tình
Hẹn nhau tít Vân Hán.
(Bản dịch của Tương Như)
Sơn Hải biên dịch
Từ bỏ hoàng cung, tìm tiên học đạo
Đường Mạnh Khải trong “Bản sự thi - Cao dật” khen rằng: “Lý Thái Bạch khi mới rời Tây Thục đến kinh thành, ở quán trọ. Hạ Tri Chương nghe danh tiếng ông đến thăm, rất kinh ngạc về dung mạo bất phàm của Lý Bạch, sau đó hỏi về văn chương của ông. Lý Bạch đem “Thục đạo nan” (Đi đường đất Thục khó khăn) cho xem. Đọc chưa xong, Hạ Tri Chương bật lời khen mấy lần, gọi ông là Trích tiên (ông tiên bị lưu đày xuống trần), tháo Kim quy (đồ trang sức của quan lại đời Đường) đổi lấy rượu, cùng ông uống say”.
Hạ Tri Chương yêu thích “Thục đạo nan” như thế, nhưng ngặt vì không đem theo tiền, bèn tháo Kim quy đeo ở đai áo ra đổi lấy rượu cùng Lý Bạch đối ẩm. Thơ ca đẹp lạ lùng và thần thái phóng khoáng phi phàm của Lý Bạch làm cho Hạ Tri Chương vô cùng kinh ngạc, bèn nói: “Ông là Thái Bạch Kim Tinh hạ phàm xuống chốn nhân gian phải không?”. Nhân đó bèn gọi Lý Bạch là “Thái Bạch Tinh Tinh” (Thần tiên sao Thái Bạch) và “Trích tiên nhân” (Ông tiên bị lưu đày).
Hạ Tri Chương tự gọi mình là “Tứ minh cuồng khách” (cuồng khách có 4 điều sáng chói thông tuệ) vang danh khắp trong và ngoài triều đình. Vậy mà đối với Lý Bạch, một kẻ hậu bối trong giới thơ ca lại dùng liền hai từ “thần tiên”, “ông tiên” để xưng hô. Thiên chất và tài năng thiên bẩm của Lý Bạch quả thực không người thường nào có thể sánh nổi. Thế là hai người trở thành đôi bạn vong niên, cùng là bạn thơ, lại là bạn đạo.
Mùa hè năm Khai Nguyên thứ 20 (năm 732), Lý Bạch theo sông Hoàng Hà xuôi về phía Đông, lần lượt ngao du Giang Hạ, Lạc Dương, Thái Nguyên. Năm Khai Nguyên thứ 24, “Học kiếm đến Sơn Đông” (trong bài “Trả lời ông già trên sông Vấn trong chuyến đi Đông Lỗ tháng 5”).
Khi ngụ cư ở Nhiệm Thành, ông hội ngộ với nhóm người Khổng Sào Phụ ở núi Tồ Lai, thỏa sức uống rượu say sưa. Mọi người gọi là “Trúc Khê lục dật” (6 ẩn sĩ suối Trúc Khê). Sau đó lại du ngoạn Hà Nam, Hoài Nam và vùng Hồ Nam, Hồ Bắc, về phía bắc leo núi Thái Sơn, về phía nam đến Hàng Châu, Cối Kê… Lý Bạch đi đến đâu là làm thơ ngâm vịnh đến đó, tiếng tăm bay xa, chấn động khắp trong và ngoài triều đình.
Khoảng năm Khai Nguyên thứ 23 (năm 735), Lý Bạch du ngoạn Thái Nguyên. Chính thời gian này, Lý Bạch “huệ nhãn thức anh hùng” (mắt sáng nhìn ra anh hùng), kết giao với Quách Tử Nghi khi đó vẫn là anh lính. Vốn Quách Tử Nghi mang trên mình tội nhà binh, Lý Bạch trượng nghĩa đã nói giúp với quan trên, xin gỡ tội cho. Vì vậy, Quách Tử Nghi rất cảm kích. Sau này chính Quách Tử Nghi đền đáp Lý Bạch khi ông từ quan thoát tội.
Hai người thực tâm thành ý lo cho nhau, đã viết nên giai thoại thiên cổ. Sau khi xảy ra loạn An Sử, Quách Tử Nghi làm Tiết độ sứ Sóc Phương, dẫn quân thu phục lại hai kinh đô Lạc Dương và Tràng An, công dẹp loạn đứng đầu, được tấn phong làm Trung thư lệnh, Phần Dương Quận vương.
Thời con của Đường Túc Tông là Đường Đại Tông, Quách Tử Nghi lại bình định được Bộc Cố Hoài Ân phản loạn, đồng thời thuyết phục được tù trưởng Hồi Hột, phá được Thổ Phiên, giang sơn Đại Đường nhờ vậy mà được giữ yên. Quách Tử Nghi cả đời binh nghiệp, nhiều lần lập chiến công kỳ tích, Đại Đường nhờ ông mà được yên bình hơn 20 năm.
Sử sách có ca ngợi ông “Quyền khuynh thiên hạ mà triều đình không e ngại, công trùm một đời mà vua không nghi”. Tất cả nhờ Lý Bạch trượng nghĩa mà Đại Đường có thêm một đại tướng rường cột.
Bức hình Quách Tử Nghi, 
do Nam Huân Điện, đời Thanh vẽ.
Năm Thiên Bảo thứ nhất (năm 742), do đạo sĩ tên tuổi Ngô Quân, công chúa Ngọc Chân, em gái Huyền Tông và Hạ Tri Chương cùng ca ngợi, Huyền Tông đã xem thơ phú Lý Bạch, vô cùng ngưỡng mộ, bèn hạ chiếu triệu ông vào cung.
Lý Bạch vào cung, vua mừng lắm, xuống xe đi bộ nghênh đón. Vua ngồi Thất bảo tọa, ban Lý Bạch ăn cùng, tự tay vua múc canh. Vua nói: “Khanh là người áo vải mà trẫm biết danh tiếng, không chứa đầy đạo nghĩa, thì sao lại được như vậy?”.
Huyền Tông lại hỏi một số sự việc đương thời, Lý Bạch đối đáp trôi chảy. Huyền Tông hết sức tán thưởng, lập tức lệnh Lý Bạch làm Cống phụng hàn lâm, soạn thảo văn cáo, hầu bên hoàng đế.
Huyền Tông mỗi lần yến tiệc hay du ngoạn đồng nội, đều phải có Lý Bạch tùy tùng. Lý Bạch được Huyền Tông sủng ái, tín nhiệm như thế này, các quan lại đồng liêu không ngớt ngưỡng mộ, nhưng cũng có người vì thế mà sinh lòng đố kỵ.
Trong đó có giai thoại ngàn năm Cao Lực Sĩ cởi giày, Dương Quốc Trung mài mực, Thái Bạch say viết thư chữ Man mà lịch sử lưu truyền. Huyền Tông tuy ba lần muốn phong quan cho Lý Bạch, nhưng vì nịnh thần phỉ báng, đố kỵ nên cuối cùng đành thôi.
Thực ra, sứ mệnh của Lý Bạch không phải là ở hoàng cung. Ông chỉ ở hoàng cung chưa đầy 3 năm, sau dâng tấu và được ân chuẩn ban vàng về núi.
Lực Sĩ cởi giày, Quý Phi mài mực. 
Tranh xuất bản đời Thanh, bảo tàng nước Anh.
Lý Bạch ở hoàng cung kết mối nhân duyên đã xong, tiếp tục tiên du các nơi danh sơn đại xuyên, ngao du sơn thủy, tìm tiên tu đạo, đồng thời đem văn thơ, văn phong của ông truyền ra nhân gian, làm cho văn hóa thi phú đời Thịnh Đường bước lên đỉnh cao.
Mùa hè năm Thiên Bảo thứ 3 (năm 744), Lý Bạch đến Lạc Dương miền đông. Ở đây, ông gặp Đỗ Phủ. Lúc này Lý Bạch đã nổi danh khắp nước, mà Đỗ Phủ xuất đạo chưa lâu, khốn khổ ở thành Lạc Dương. Lý Bạch hơn Đỗ Phủ 11 tuổi, hai người vừa gặp mà đã như cố tri, trở thành đôi bạn thân. Khi ở Lạc Dương, họ đã hẹn lần sau gặp nhau ở Lương Tống (vùng Thương Khâu, Khai Phong hiện nay), để thăm đạo tìm tiên.
Vào dịp thu đông năm đó, Lý, Đỗ gặp nhau rồi chia tay, mỗi người đi tìm thầy Đạo giáo tạo Chân Lục (sách bí truyền của Đạo Giáo), truyền thụ đạo lục. Lý Bạch đến Tử Cực Cung, Tế Châu (vùng Tễ Nam, Sơn Đông ngày nay) thỉnh đạo sĩ Cao Thiên Sư Như Quý truyền thụ đạo lục, chính thức làm nghi lễ tu đạo, trở thành đạo sĩ, tiếp tục tu luyện.
Trước khi vào hoàng cung, Lý Bạch đã tu luyện, và cũng có các Thần, Phật, đạo sĩ mời ông tu luyện. Sau khi ông rời hoàng cung, trải qua khổ luyện, Lý Bạch đã đạt được đến cảnh giới cao thâm, có thể nhìn thấy nhiều cảnh tượng kỳ diệu ở các không gian khác, đồng thời có thể câu thông được với các Thần, tùy ý du ngoạn các tiên giới khác nhau. Những điều này có thể thấy được phần nào qua thơ văn ông viết trước khi vào hoàng cung.
Lý Bạch từ nhỏ đã học hết các kinh sách Nho, Thích, Đạo, tam giáo cửu lưu đều chứa hết trong lòng. Người đời sau đã thử làm rõ xem Lý Bạch rốt cuộc là tin Phật, hay Đạo, hay là tu Nho, mà đâu có biết còn có pháp môn cao hơn, là cái nguồn của vạn Pháp. Lý Bạch tu luyện chốn nhân gian, nhưng không bị giới hạn bởi Nho, Thích, Đạo.
Do đó không thể nào nói rõ được nguồn gốc sâu xa của pháp môn mà Lý Bạch tu luyện đắc đạo. Những gì Lý Bạch thấy và gặp trong quá trình tu luyện, và sau khi tu thành được miêu tả trong thơ, phú của ông, chỉ là rất nhiều người đời và người không tu luyện, đặc biệt là người vô Thần thời cận đại không thể lý giải nổi. Họ chỉ có thể cho rằng đó là mộng tưởng, là ảo tưởng, là những lời của chủ nghĩa lãng mạn hay lời của người say rượu.
Lý Bạch đã để lại nhân phẩm cao quý cho hậu thế, lòng can đảm nghĩa hiệp được ca ngợi ngàn năm. “Mấy mươi năm làm khách (cõi trần gian), chưa từng có ngày nào hổ thẹn” (“Tạp Ngôn ký - Lý Bạch”). Trước quyền quý không hề khuất phục, trượng nghĩa với bằng hữu thâm giao, bản sắc anh hùng trọng nghĩa khinh tài đã để lại tiếng thơm muôn đời.
Bức tranh “Đối nguyệt đồ” do người đời Minh vẽ lại theo Mã Viễn đời Nam Tống, đã diễn giải ý thơ “Cử bôi yêu minh nguyệt, đối ẩm thành tam nhân” (Mời trăng cùng nâng chén, với bóng nữa thành ba) trong bài thơ “Nguyệt hạ độc chước” (Một mình uống rượu dưới trăng) của Lý Bạch. Hiện cất giữ ở bảo tàng Cố Cung Đài Bắc.
Người đời sau đa phần khi phân tích, thưởng thức thơ Lý Bạch, thường đặt tinh lực vào nơi người bình thường có thể nhìn thấy và hiểu được, mà hầu hết không đề cập đến những đạo lý Phật, Đạo, Thần và cảnh Tiên giới mà ông viết, cũng như bản ý mà ông đem tu luyện chính đạo vào trong thi, từ, ca, phú.
Điều ông đem đến cho Đại Đường, cho nhân gian là lấy chính lý tu luyện làm chủ đạo sáng tác thi, từ, ca, phú, để ngợi ca Thần, đồng thời để lại nhân cách vĩ đại của mình, để lại thi phong, văn phong Thần truyền chính thống, tức là văn hóa Thần truyền chân chính.
Năm Thiên bảo thứ 14 (năm 755), loạn An Sử nổ ra, Lý Bạch lánh nạn ẩn cư núi Lư Sơn. Lúc đó, Vĩnh vương Lý Lân Kháp đang xuất sư tuần thú miền Đông, ôm chí bình định loạn An Sử, Lý Bạch nhận lời mời đến trướng. Vĩnh vương và Túc Tông tranh ngôi vị, không lâu thì thất bại, bị giam vì mưu phản thất thế. Lý Bạch cũng vì vậy mà bị giam ở ngục Tầm Dương.
Lúc này Quách Tử Nghi xin được từ quan để chuộc tội, đứng ra cứu Lý Bạch. Lý Bạch được miễn tội chết, chuyển thành lưu đày Dạ Lang (vùng Đồng Tử, Quý Châu ngày nay). Do Lý Bạch nhân phẩm cao quý, vốn danh tiếng lẫy lừng, nên dọc đường đi đày đều được các quan địa phương mở tiệc thết đãi, mọi người đều rất tôn trọng ông, và không coi ông là tội nhân bị lưu đày.
Năm Càn Nguyên thứ 2 (năm 759), Lý Bạch đến núi Vu Sơn, triều đình đại xá. Ông liền thuận theo dòng Trường Giang vun vút xuôi dòng. Bài thơ nổi tiếng “Tảo phát Bạch Đế thành” (Buổi sáng rời thành Bạch Đế) phản ánh rõ nhất tâm trạng ông lúc đó:
Triêu từ Bạch Đế thái vân gian
Thiên lý Giang Lăng nhất nhật hoàn
Lưỡng ngạn viên thanh đề bất trú
Khinh chu dĩ quá vạn trùng san
Tạm dịch thơ:
Bạch Đế ra đi sớm đẹp trời
Giang Lăng ngàn dăm một ngày thôi
Đôi bờ tiếng vượn kêu không dứt
Non nước muôn trùng thuyền nhẹ trôi 
Năm Thượng Nguyên thứ 2, Lý Bạch đã ngoài 60, trở lại Kim Lăng. Ở Kim Lăng, ông làm khách ở nhà chú họ Lý Dương Băng, làm Huyện lệnh. Năm Thượng Nguyên thứ 3 (năm 762), ông làm bài phú “Lâm chung ca” xong rồi quy tiên, năm đó ông 62 tuổi. Đường Đại Tông sau khi kế vị triệu Lý Bạch ra làm quan Tả thập di, nhưng Lý Bạch đã quy tiên rồi. Bài phú “Lâm chung ca” như sau:
Đại Bằng phi hề chấn bát duệ
Trung thiên tồi hề lực bất tế
Dư phong khích hề vạn thế
Du phù tang hề quải tả duệ
Hậu nhân đắc chi truyền thử
Trọng Ni vong hề thùy vị xuất thế?
Dịch nghĩa:
Chim Đại Bằng bay kìa, chấn động cả tám cõi
Giữa trời cánh gãy kìa, lực chẳng còn đủ bay nữa
Tàn phong vẫn tung lên kìa, đến vạn thế
Bay tới cây Phù tang kìa, treo cánh trái
Người đời sau có được và lưu truyền
Trọng Ni mất rồi kìa, ai sẽ khóc ông đây?
Tạm dịch thơ:
Đại Bằng tám cõi lẫy lừng
Than ơi cánh gãy giữa lưng chừng trời
Hùng phong còn lại vạn đời
Phù tang treo cánh tìm nơi quy hồi
Đắc nó truyền nhé ai ơi
Trọng Ni đã mất ai rơi lệ sầu?
Thi Tiên nổi danh từ chim Đại Bằng, trước lúc quy tiên lại bằng bài ca Đại Bằng vân du Phù tang giữa trời gãy cánh, đã kết thúc một đời kỳ vĩ, hùng phong còn lại vạn đời, anh hùng danh tiếng muôn đời truyền lưu!.
Hải Sơn biên dịch
Theo https://www.dkn.tv/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Miền cổ tích hoang hư 2

Miền cổ tích hoang hư 2 7 - Ngọ... Chiếc tàu thu mua hải sản ném Phương lên bờ tại cảng cá tanh hôi và ồn ào của Hải Phòng. Lôi thôi lếch ...