Khám phá không gian
Đà Lạt là sự pha trộn hài hòa giữa những tuyệt tác thiên
nhiên và các sản phẩm du lịch mang đậm dấu ấn tinh hoa của Tây Nguyên, nổi bật
là văn hóa cồng chiêng.
Không phải ngẫu nhiên Đồi Mộng Mơ được nhắc đến như một biểu
tượng của thành phố ngàn hoa - Đà Lạt. Nơi đây là sự pha trộn hài hòa giữa những
tuyệt tác thiên nhiên và các sản phẩm du lịch mang đậm dấu ấn tinh hoa của Tây
Nguyên. Đến với khu du lịch Đồi Mộng Mơ, du khách sẽ được được khám phá
căn nhà dài của đồng bào dân tộc dựng bằng gỗ vững chắc, dùng làm nơi biểu diễn
nghệ thuật ca múa nhạc, trưng bày những bộ chiêng ché cổ và bán hàng lưu niệm.
Ở một nhà dài khác, du khách sẽ bị cuốn hút bởi không gian
trưng bày chum, ché cổ của người Tây Nguyên. Ở đây, chum, ché được bày theo bộ
và mỗi bộ như vậy chứng tỏ đẳng cấp của chủ nhân sở hữu nó.
Phần đặc biệt nhất trong không gian Tây Nguyên tại Đồi Mộng
Mơ chính là sân khấu cồng chiêng. Sân khấu được thiết kế với kiến trúc mái hình
rẻ quạt, sức chứa lên đến 1.500 khách. Chương trình cồng chiêng được tổ chức
hàng đêm, du khách sẽ được thưởng thức các điệu múa, những lời ca mang đậm bản
sắc của người dân tộc bản địa.
Đây là nơi các nghệ sĩ người K’ho biểu diễn các tiết mục văn
nghệ bằng tiếng dân tộc và tiếng Kinh, các vũ điệu cồng chiêng, tái hiện các lễ
hội gắn liền với sinh hoạt cộng đồng của người K’Ho như lễ hội cầu mùa, cúng mừng
lúa mới…. Du khách được đắm mình trong bầu không khí đậm chất Tây Nguyên khi vừa
được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc, vừa được thưởng thức thịt nướng
rượu cần, hòa mình vào các giai điệu cồng chiêng cùng những nghệ sĩ K’Ho trên
sân khấu.
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh
Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng. Chủ nhân của di sản văn hóa
quý giá và đặc sắc này là 17 dân tộc thiểu số thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Á
(Austro-Asian) và Nam đảo (Austronesian) sống trên khu vực cao nguyên trung bộ
của Việt Nam. Chứa đựng bên trong mỗi chiếc chiêng, chiếc cồng là một vị thần.
"Cồng chiêng càng già thì thần linh càng mạnh và càng thiêng". Hầu
như nhà nào cũng có cồng chiêng, thậm chí có gia đình có tới vài bộ. Điều này
thể hiện sự giàu có và quyền thế, đồng thời cũng là vật che chắn, bảo vệ cho
gia đình.
Bao đời nay, cồng chiêng gắn với Tây Nguyên như một phần
không thể thiếu trong suốt vòng đời mỗi con người và trong hầu như tất cả sự kiện
quan trọng của cộng đồng: từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh, lễ cưới xin, lễ tiễn
đưa người chết, lễ đâm trâu trong ngày bỏ mả… cho đến lễ cúng máng nước, mừng
lúa mới, lễ đóng cửa kho, lễ mừng nhà rông mới… Ngày 25/11/2005, Tổng giám
đốc Tổ chức Văn hóa - Khoa học và Giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) Koichiro
Matsuura đã trân trọng trao bằng công nhận kiệt tác di sản phi vật thể “Văn hóa
cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên - Việt Nam”.
Nhằm gìn giữ và phát huy giá trị của di sản văn hóa cồng
chiêng, các cơ quan chức năng cùng cộng đồng cần có những hành động cụ thể nhằm
khôi phục các giá trị truyền thống, trả lại cho cồng chiêng linh hồn và cuộc sống
đích thực của nó. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp ngành du lịch đừng quá ỷ
lại vào thế mạnh của thiên nhiên, của di sản... mà quên đi việc tạo ra các sản
phẩm tương đồng thu hút du khách.
Sơn Trà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét