Thứ Hai, 18 tháng 2, 2019

Một số phương tiện và biện pháp tu từ trong ca dao Nam Bộ 1

Một số phương tiện và biện pháp tu từ 
trong ca dao Nam Bộ 1
1. MỞ ĐẦU 
1. Lý do chọn đề tài 
1.1. Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, ca dao chiếm một vị trí quan trọng. Ca dao là tiếng nói phản ánh đời sống tâm hồn, tình cảm của quần chúng nhân dân, phản ánh lịch sử xã hội, và do vậy, nó là một kho tài liệu phong phú về phong tục, tập quán trong các lĩnh vực sinh hoạt vật chất và tinh thần của nhân dân lao động. Nội dung trữ tình của ca dao hết sức phong phú. Ta bắt gặp trong ca dao những "tiếng tơ đàn" ngân lên những giai điệu về tình yêu đất nước, tình cảm gia đình, tình yêu lứa đôi, tiếng hát than thân, tiếng cười trào lộng… Xét về hình thức, ca dao là kho kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực nghệ thuật ngôn từ. Không phải ngẫu nhiên, nhiều nhà thơ tài năng ở các thời đại khác nhau đã tìm thấy ở ca dao những bài học sáng tạo đáng giá. Ta mới hiểu vì sao, đối với ngành Ngữ văn lâu nay, việc học tập, tìm hiểu, nghiên cứu ca dao vẫn chưa hề mất tính thời sự. Từ những góc nhìn khác nhau, các nhà nghiên cứu không ngừng cho ra đời các công trình có giá trị về mảng đề tài này. Tuy thế, ca dao Việt Nam, nhất là bộ phận ca dao thuộc các vùng miền vẫn ẩn chứa những vấn đề thú vị, đòi hỏi được tìm hiểu kỹ lưỡng, sâu sắc thêm. 
1.2. Trên tấm "bản đồ văn hóa dân gian Việt Nam" miền đất Nam Bộ có nhiều nét đặc thù. Bộ phận ca dao của vùng đất này là một minh chứng sinh động. Với những gì đã sưu tập được, ta có thể thấy tính đa dạng, phong phú và đặc sắc của ca dao Nam Bộ ở cả phương diện nội dung lẫn hình thức biểu hiện.Trong thực tế, việc nghiên cứu ca dao Nam Bộ vẫn chưa được tiến hành đầy đủ, đúng với những gì lẽ ra nó được tìm hiểu. Chọn vấn đề Một số phương tiện và biện pháp tu từ trong ca dao Nam Bộ làm đề tài luận văn thạc sĩ, chúng tôi muốn đi sâu vào một trong những biểu hiện đa dạng và đặc sắc nhất của hình thức ca dao vùng này, nhằm khám phá sâu sắc thêm các giá trị tiềm ẩn, cắt nghĩa sức sống lâu bền của nó, đồng thời hiểu được những nét riêng về văn hóa của một vùng đất. Đặt vấn đề này trong bối cảnh nghiên cứu của ngành Ngữ văn hiện nay, chúng tôi cho rằng đây là sự lựa chọn có ý nghĩa. 
1.3. Hiện nay, trong chương trình Ngữ văn THPT và nhất là bậc đại học, ca dao được đưa vào giảng dạy và học tập với số lượng tác phẩm đáng kể. Các nhà soạn sách giáo khoa đã có quan điểm đúng khi chú ý đến ca dao của người Kinh và của các tộc người thiểu số, của vùng Bắc cũng như vùng Trung và Nam Bộ. Việc có mặt các tác phẩm ca dao thuộc nhiều vùng miền khác nhau như vậy mới phản ánh được sự đa sắc của nó. Trước tình hình ấy, sự lựa chọn đề tài nghiên cứu của chúng tôi có thêm ý nghĩa thực tiễn. Nếu công trình thực sự có chất lượng, giải quyết tốt nhiệm vụ nghiên cứu đặt ra, chắc chắn sẽ góp phần thiết thực nhất định cho việc tìm hiểu, học tập ca dao ở các bậc học trong nhà trường. 
2. Lịch sử vấn đề 
Việc tìm hiểu tu từ nghệ thuật (nghiên cứu ở phương tiện tu từ ngữ nghĩa) trong ca dao đã và đang được nhiều người quan tâm từ hai góc độ: lý luận và nghiên cứu ứng dụng. Tất nhiên, trong những công trình, bài viết mang tính lý luận vẫn có những ví dụ minh họa như là một phần ứng dụng. Ngược lại, trong những công trình ứng dụng, không thể thiếu những luận điểm lý thuyết. 
Cho đến nay, đã có không ít công trình với những tính chất và qui mô khác nhau về ca dao Nam Bộ. Ca dao dân ca Nam Bộ (Bùi Mạnh Nhị chủ biên, Nxb Tp.HCM, 1984) là một cuốn sưu tập, nhưng cũng đã phác họa được đôi nét về đặc điểm nghệ thuật của bộ phận ca dao này. Cuốn Ca dao Đồng Tháp Mười (Đỗ Văn Tân, Sở VH - TT Đồng Tháp, 1984) đã tập hợp trên 900 câu ca dao - một thành công đáng kể trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hoá dân tộc ở vùng Đồng Tháp Mười. Giang Minh Đoán có Kiên Giang qua ca dao (Nxb Tp.HCM, 1997) sưu tầm 272 câu ca dao về thiên nhiên, con người ở vùng đất Kiên Giang, qua đó, tác giả nêu lên một số nét trong phong tục tập quán của vùng sông nước, khu sinh thái U Minh Thượng. Tập thể tác giả của Khoa Ngữ văn Trường đại học Cần Thơ đã sưu tầm các tác phẩm văn xuôi và văn vần dân gian, trong đó có 1020 câu ca dao đề cập đến phong tục tập quán, cách sinh hoạt và những đặc sản vùng miền ở 12 tỉnh thành của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Những nội dung đó được thể hiện qua công trình Văn học dân gian đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Giáo dục, 1997). 
Trong những công trình sưu tập, không thể không nhắc đến cuốn Ca dao - Dân ca Nam kỳ lục tỉnh của Huỳnh Ngọc Trảng, Nxb Đồng Nai, 1998, với 952 câu ca dao dân ca Nam Bộ, dựa trên các tài liệu sưu tập ca dao - dân ca được công bố từ những năm 50, 60 của thế kỷ XX. 
Về nghiên cứu, đáng chú ý có bài của tác giả Đặng Văn Lung (1968): Những yếu tố trùng lặp trong ca dao trữ tình, Tạp chí Văn học số 10 - 1968, sau này được in trong cuốn Văn học Việt Nam, Văn học dân gian - Những công trình nghiên cứu. Tác giả đề cập đến “những hình ảnh được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong ca dao, mỗi hình ảnh được khai thác ở một số khía cạnh nhất định: hình ảnh con cò, cây tre, trăng, thuyền với bến, cà với muối, cuội với trăng, quán mát với cây đa, bến xưa với đò cũ, mận với đào, lê với lựu… người nghe đã cảm thấy tâm hồn rung động vì đã hiểu được ý người hát, đã bắt đầu đồng cảm. Chính sự lặp đi lặp lại nhiều lần đã làm cho hình ảnh ấy trở nên thân thuộc. Những hình ảnh ấy được vận dụng qua hai cách so sánh trực tiếp và so sánh gián tiếp trong ca dao” [54]. Như vậy, tác giả chỉ đề cập đến phương tiện tu từ ngữ nghĩa (ẩn dụ) và biện pháp tu từ (so sánh) nhằm thể hiện sự tinh luyện về ngôn ngữ hình ảnh, lối nói ví von của nhân dân ta.

Với đề tài Hình ảnh sông nước Nam Bộ qua ca dao dân ca, tác giả Lê Ngọc Trinh (1992) [75] cho rằng sông - nước như một “hằng số” lặp đi lặp lại trong thơ ca dân gian Nam Bộ làm nên một nét văn hóa đặc thù, làm nên một diện mạo riêng biệt không lẫn vào đâu được. Trong bài viết Thiên nhiên trong ca dao - dân ca trữ tình Nam Bộ (1997) [65], Trần Thị Diễm Thúy đã nghiên cứu tính chất phong phú, đa dạng của những hình tượng thiên nhiên liên quan đến: sông nước, miệt vườn, ruộng rẫy, các hiện tượng tự nhiên, vật thể vũ trụ… Đặc biệt, bài viết đề cập rất cụ thể về thế giới nghệ thuật trong ca dao dân ca trữ tình Nam Bộ: thiên nhiên và các hiện tượng so sánh, ẩn dụ, biểu tượng… Tác giả xác định: “thiên nhiên thay đổi trong tiến trình khai phá thì văn hóa dân gian cũng in dấu rõ nét”. Đề tài đã góp phần tìm hiểu những đặc điểm riêng của văn hóa vùng đất Nam Bộ. Bùi Thị Tâm - tác giả luận văn thạc sĩ với đề tài Những đặc điểm ngôn ngữ trong ca dao đồng bằng sông Cửu Long (1998) - đã nghiên cứu sự phong phú và đa dạng của lớp từ ngữ mang sắc thái địa phương, đặc điểm câu và câu thơ trong ngôn ngữ ca dao đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, luận văn cũng đề cập một số công thức mang ý nghĩa biểu trưng như so sánh, ẩn dụ mặc dù công công trình không đi sâu nghiên cứu các phương tiện và biện pháp tu từ trong ca dao [61]. 
Với bài viết Hình ảnh “thân em” trong ca dao trữ tình đồng bằng sông Cửu Long (2000), tác giả Nguyễn Văn Nở đề cập đến vấn đề so sánh tu từ trong ca dao qua cấu trúc so sánh nổi “Thân em như…” [55]. Nguyễn Thị Ngọc Điệp đã phân loại, miêu tả các biểu tượng nghệ thuật thông qua các hình thức so sánh nổi, ẩn dụ tu từ trong ca dao, đồng thời trình bày cấu tạo và vai trò của chúng đối với thi pháp ca dao người Việt trong luận án tiến sĩ Biểu tượng nghệ thuật trong ca dao truyền thống người Việt (2002) [17]. Lê Thị Thu Thủy có bài Biểu tượng kênh, rạch, sông trong ca dao dân ca Nam Bộ (2002) [67] đề cập đến những hình ảnh quen thuộc với người dân vùng sông nước nơi đây là chiếc ghe, con đò, dòng sông, chiếc cầu... Trong luận án tiến sĩ Biểu trưng trong ca dao Nam Bộ (2004), Trần Văn Nam đã nghiên cứu về biểu trưng trong ca dao xét trên bình diện thi pháp học, từ đó, tác giả đã nêu bật vai trò của các biểu trưng trong việc thể hiện đặc điểm văn hóa của vùng đất và con người Nam Bộ [46]. Huỳnh Thị Kim Liên với bài Truyền thống và biến đổi trong ca dao dân ca Nam Bộ (2006) đã nghiên cứu sự biến đổi trong ca dao dân ca xét trên bình diện thi pháp học, xét tính biến đổi của ca dao dân ca Nam Bộ về mặt ngữ âm, ngữ nghĩa, từ vựng; có sự so sánh ca dao - dân ca tiêu biểu của người Việt ở cả ba miền Bắc- Trung - Nam [42].  
Trên trang web Vannghesongcuulong.org.vn, có bài viết Cảm xúc về sông nước qua ca dao Nam Bộ (2000) của Trần Phỏng Diều. Tác giả cho rằng, trong ca dao dân ca Nam Bộ, tác giả dân gian thường mượn các hình ảnh quen thuộc để ví von nhằm bộc lộ những gì mình muốn nói [13]. Bài viết của tác giả Nguyễn Thị Na Biểu trưng của hình ảnh sông nước trong ca dao Nam Bộ (2008) tập trung nghiên cứu về sông nước trong đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người dân Nam Bộ [43]. Trong luận văn thạc sĩ Từ địa phương trong ca dao - dân ca Nam Bộ (2008), Trần Đức Hùng tìm hiểu các lớp từ địa phương được sử dụng trong ca dao - dân ca. Tác giả còn chỉ ra vai trò nghệ thuật của từ địa phương như: từ địa phương với biểu tượng và cấu trúc sóng đôi; từ địa phương trong vai trò so sánh, ẩn dụ; vai trò nghệ thuật chơi chữ… [27]. Với đề tài Cấu trúc so sánh “Thân em…” trong ca dao Nam Bộ về chủ đề thân phận người phụ nữ (2009), Cao Thị Cẩm Tú tập trung phân tích giá trị của cấu trúc so sánh “Thân em như...” trong ca dao Nam Bộ để làm nổi bật chủ đề thân phận người phụ nữ [70]. 
Nhìn chung, vấn đề tu từ trong ca dao Nam Bộ được đề cập trong không ít bài viết, công trình nghiên cứu. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là những bài viết lẻ, hoặc chỉ là một vài tiểu mục nào đó trong luận văn, luận án, nghĩa là vẫn chưa có công trình nào khảo sát một cách đầy đủ, có hệ thống các phương tiện và biện pháp tu từ nghệ thuật. Điều đó càng kích thích chúng tôi mạnh dạn đi vào đề tài này. 
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là những đặc điểm tu từ nghệ thuật trong ca dao Nam Bộ. Tư liệu khảo sát chính về ca dao Nam Bộ là quyển Ca dao dân ca Nam Bộ [18]. Ngoài ra, chúng tôi còn tham khảo những quyển như: Văn học dân gian đồng bằng sông Cửu Long [33] (tập 3), Ca dao Đồng Tháp Mười [60], Ca dao dân ca Nam kỳ lục tỉnh [74].  
4. Mục đích nghiên cứu 
- Nhận diện một cách đầy đủ các phương tiện và biện pháp tu từ được sử dụng ở ca dao Nam Bộ, phân tích giá trị biểu đạt; so sánh, đối chiếu để làm nổi bật những nét riêng, đặc sắc của ca dao Nam Bộ so với ca dao các vùng miền khác, từ đó, thấy được những nét riêng trong bản sắc văn hóa của vùng đất này. 
- Vận dụng thao tác phân tích ngôn ngữ học vào việc tiếp cận tác phẩm ca dao, rút ra những nguyên tắc cần thiết cho việc đọc hiểu ca dao đang đặt ra trong nhà trường hiện nay. 
5. Phương pháp nghiên cứu 
Triển khai đề tài này, chúng tôi sử dụng và phối hợp các phương pháp chính sau đây: 
- Phương pháp thống kê, 
- Phương pháp hệ thống, 
- Phương pháp phân tích ngôn ngữ học, 
- Phương pháp so sánh, 
- Phương pháp nghiên cứu liên ngành. 
Cấu trúc luận văn 
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, luận văn được triển khai thành 3 chương: 
Chương 1: Ca dao và vấn đề nghiên cứu hình thức nghệ thuật của ca dao. 
Chương 2: Một số phương tiện tu từ trong ca dao Nam Bộ. 
Chương 3: Một số biện pháp tu từ trong ca dao Nam Bộ. Sau cùng là Tài liệu tham khảo.  
Chương 1: CA DAO VÀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU HÌNH THỨC NGHỆ THUẬT CỦA CA DAO 
1.1. Ca dao và các hướng nghiên cứu ca dao ở Việt Nam 
1.1.1. Khái quát về ca dao Việt Nam 
Trong ngành nghiên cứu Ngữ văn nước ta, ca dao là đối tượng được nghiên cứu khá sớm và đạt nhiều thành tựu. Riêng vấn đề thuật ngữ, khái niệm ca dao đã được lý giải ở nhiều công trình. Trong Việt Nam văn học sử yếu, Dương Quảng Hàm cho rằng: "Ca dao (ca: hát; dao: bài hát không có chương khúc) là những bài hát ngắn lưu hành trong dân gian, thường tả tính tình, phong tục của người bình dân" [Việt Nam văn học sử yếu, Dương Quảng Hàm, Trung tâm học liệu Sài Gòn in năm 1968, tr.11]. 
Từ điển thuật ngữ văn học, (Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi chủ biên) định nghĩa: "Ca dao còn gọi phong dao. Thuật ngữ ca dao được dùng với nhiều nghĩa rộng hẹp khác nhau. Theo nghĩa gốc thì ca là bài hát có khúc điệu, dao là bài hát không có khúc điệu. Ca dao là danh từ ghép chỉ toàn bộ những bài hát lưu hành phổ biến trong dân gian có hoặc không có khúc điệu. Trong trường hợp này ca dao đồng nghĩa với dân ca" [21, tr.31]. 
Các tác giả công trình Lịch sử văn học Việt Nam, tập 1 viết: "Ca dao là những bài hát có hoặc không có chương khúc, sáng tác bằng thể văn vần dân tộc (thường là lục bát) để miêu tả, tự sự, ngụ ý và diễn đạt tình cảm" [73, tr.3]. 
Theo Vũ Ngọc Phan, “Ca dao là một loại thơ dân gian có thể ngâm được như các loại thơ khác và có thể xây dựng thành các làn điệu dân ca” [56, tr.42]. 
Các nhà nghiên cứu văn học dân gian Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên cho rằng: “Ca dao vốn là một thuật ngữ Hán Việt. Theo cách hiểu thông thường thì ca dao là lời của các bài dân ca đã tước bỏ đi những tiếng đệm, tiếng láy, hoặc ngược lại là những câu thơ có thể bẻ thành những làn điệu dân ca” [31, tr.295-296]. 
Các định nghĩa về ca dao đã trình bày ở trên mặc dù có khác nhau ít nhiều, nhưng cơ bản vẫn thống nhất trên những điều cơ bản: ca dao là những câu thơ có thể hát lên, ngâm lên thành những làn điệu dân ca. 
Ca dao là lời dân ca tách khỏi điệu nhạc, dân ca là lời thơ dân gian đi kèm với điệu nhạc. Tuy nhiên, lời và nhạc gắn bó chặt chẽ với nhau. Trong văn chương, người ta đề cập tới ca dao dân ca như là thơ dân gian. 
Ca dao - dân ca bao gồm: dân ca nghi lễ, dân ca lao động, ca dao - dân ca trữ tình. Ca dao - dân ca trữ tình là tiếng hát "đi từ trái tim lên miệng", phản ánh trực tiếp những cảm xúc tâm trạng của con người, thái độ cảm xúc của con người đối với thực tại xung quanh. 
Như vậy, ca dao là những câu thơ có thể hát thành những làn điệu dân ca, hát ru… hoặc ca dao là lời dân ca đã lược bỏ những luyến láy khi hát. Ca dao thực sự là những sáng tạo của nhân dân ở phương diện ngôn ngữ văn học. 
Ca dao là một thể loại quan trọng của văn học dân gian. Ca dao Việt Nam là nơi lưu giữ nhiều giá trị tinh thần của nhân dân ta. Có thể nói, muốn biết tình cảm của nhân dân Việt Nam dồi dào, thắm thiết, sâu sắc đến mức độ nào, rung động nhiều về khía cạnh nào của cuộc đời thì không thể không nghiên cứu ca dao. Thật vậy, ca dao diễn tả đời sống tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của nhân dân trong các quan hệ lứa đôi, gia đình, quê hương, đất nước,… Ra đời trong xã hội cũ, ca dao trữ tình là những tiếng hát than thân, phản kháng; những lời ca yêu thương tình nghĩa cất lên từ cuộc đời còn nhiều xót xa, cay đắng nhưng đằm thắm ân tình của người bình dân Việt Nam sau lũy tre xanh, bên giếng nước, gốc đa, sân đình,… Bên cạnh đó, còn có những bài ca dao hài hước thể hiện tinh thần lạc quan của người lao động. 
Ngoài việc biểu hiện đời sống vật chất, tinh thần của con người, ca dao còn phản ánh ý thức lao động, sản xuất của nhân dân Việt Nam và tình hình xã hội thời xưa về nhiều mặt kinh tế, chính trị,… 
Ca dao không chỉ bộc lộ cảm xúc chân thành mãnh liệt thắm thiết của người bình dân, mà còn cho ta thấy phẩm chất của họ trong quan hệ với thiên nhiên và xã hội. 
Ca dao có những đặc điểm nghệ thuật riêng, khác với thơ của văn học viết. Lời ca dao thường ngắn, phần lớn đặt theo thể lục bát hoặc lục bát biến thể, ngôn ngữ gần gũi với lời nói hằng ngày, giàu hình ảnh so sánh, ẩn dụ và đặc biệt là lối diễn đạt bằng một số phương thức mang đậm sắc thái dân gian. 
1.1.2. Nghiên cứu ca dao dưới góc độ văn học 
Phải khẳng định rằng, cho đến nay, nghiên cứu về ca dao, thành tựu chủ yếu vẫn thuộc về các nhà nghiên cứu văn học. 
Từ những năm trước cách mạng tháng Tám năm 1945, một số nhà nghiên cứu đã có ý thức sưu tầm ca dao Việt Nam (lúc bấy giờ người ta còn gọi là phong dao). Một trong những người đi tiên phong là Nguyễn Văn Ngọc với công trình Tục ngữ phong dao, Nxb Vĩnh Hưng Long, 1928. Ngoài ra phải kể đến Phong dao và ca dao mới, Nhà in Phúc Văn, Hà Nội, 1932; Phong dao, ca dao, phương ngôn tục ngữ của Nguyễn Tấn Chiểu, Nhà in Thái Sơn, Hà Nội, 1934; Ca dao ngạn ngữ của Trần Công Hoán, Editions Hương Phong, 1939... Sau cách mạng, việc sưu tầm nghiên cứu văn học dân gian nói chung, ca dao dân ca nói riêng được đẩy mạnh. Về sưu tầm, có thể kể đến một số công trình tiêu biểu như: Ca dao Việt Nam trước cách mạng của Tổ Văn học dân gian (Viện văn học), Nxb Văn học, 1963; Ca dao sưu tầm ở Thanh Hóa của nhóm Lam Sơn, Nxb Văn học, 1963; Ca dao ngạn ngữ Hà Nội, Hội Văn nghệ Hà Nội xuất bản, 1971; Ca dao Nghệ Tĩnh, Nguyễn Đổng Chi, Ninh Viết Giao biên soạn, Sở Văn hóa Thông tin Nghệ Tĩnh xuất bản, 1984;... Quy mô hơn cả là bộ Kho tàng ca dao người Việt do Nguyễn Xuân Kính chủ trì biên soạn, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001. Đây là bộ sách tập hợp đầy đủ nhất ca dao Việt Nam trên cơ sở những tài liệu đã có từ trước. 
Bên cạnh sưu tầm, việc tìm hiểu, nghiên cứu ca dao cũng đã được chú ý đúng mức. Ngay từ những năm trước cách mạng, trong cuốn Việt Nam văn học sử yếu - một bộ sách giáo khoa đồng thời là một bộ lịch sử văn học - Dương Quảng Hàm đã có cách nhìn nhận, đánh giá về ca dao Việt Nam. Sau cách mạng, các bộ Lịch sử văn học Việt Nam của các trường đại học đều có phần viết về văn học dân gian, trong đó có ca dao. Công trình Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam của Cao Huy Đỉnh (1974) đã dành một phần đáng kể viết về thơ ca trữ tình dân gian. Tác giả Hoàng Tiến Tựu là nhà giáo, từng có công sưu tầm ca dao và giảng dạy ca dao ở trường đại học. Bên cạnh phần viết về Văn học dân gian của bộ Lịch sử văn học Việt Nam, ông còn là tác giả của công trình Bình giảng ca dao, Nxb GD, Hà Nội, 1992. Nghiên cứu ca dao từ góc độ thi pháp, Nguyễn Xuân Kính đã có cái nhìn khá toàn diện vấn đề hình thức ca dao, từ ngôn ngữ, thể thơ, kết cấu, thời gian và không gian nghệ thuật, một số biểu tượng hình ảnh... Những nội dung này được trình bày trong cuốn Thi pháp ca dao, Nxb ĐHQG Hà Nội, 2004. 
Như vậy, vấn đề nghiên cứu ca dao Việt Nam từ góc độ văn học đã có một bề dày lịch sử. Công việc sẽ còn được tiếp tục ở các thế hệ sau - những thế hệ có điều kiện tiếp cận với những phương pháp nghiên cứu mới của thế giới về folklore. 
1.1.3. Nghiên cứu ca dao dưới góc độ ngôn ngữ học 
Bên cạnh hướng nghiên cứu văn học, ca dao còn được tìm hiểu dưới góc độ ngôn ngữ học, và hướng nghiên cứu khá mới mẻ này cũng đã gặt hái được nhiều thành công. 
Dưới góc nhìn ngôn ngữ học, ca dao được tìm hiểu khá toàn diện về hình thức. Có thể nói, hầu như mọi cấp độ ngôn ngữ ca dao đều đã được nghiên cứu. Phong phú nhất, có lẽ là các bài viết, công trình tìm hiểu về từ ngữ trong ca dao. Có những bài đi sâu phân tích, thẩm bình nghệ thuật dùng từ ở những bài ca dao cụ thể (các bài bình ca dao của Hoàng Tiến Tựu). Nhiều bài đi sâu khảo sát một phương diện nào đó về từ ngữ trong ca dao. Đó là vấn đề địa danh của các địa phương trong ca dao; vấn đề phương ngữ, thành ngữ, tục ngữ, từ gốc Hán, điển cố gốc Hán trong ca dao; là hiện tượng từ trái nghĩa trong ca dao; so sánh cách dùng từ ngữ trong ca dao và trong thơ bác học; ý nghĩa của những con số thường gặp trong ca dao; cách sử dụng từ xưng hô trong ca dao... 

Về tu từ, không ít bài đi vào các phương tiện và biện pháp cụ thể mà ca dao sử dụng. Nguyễn Văn Liên tìm hiểu Một số phương tiện và biện pháp tu từ trong ca dao tình yêu đôi lứa xứ Nghệ (Luận văn thạc sĩ, trường Đại học Vinh, 1999); Hà Châu bàn về Cách so sánh trong ca dao ngày nay (Tạp chí Văn học, số 9, 1966); Nguyễn Thị Ngọc Điệp nghiên cứu Biểu tượng nghệ thuật trong ca dao truyền thống người Việt (Luận án tiến sĩ, Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh, 2002); Hoàng Thị Kim Ngọc khảo sát So sánh và ẩn dụ trong ca dao trữ tình người Việt (Luận án tiến sĩ, Viện Ngôn ngữ, 2004). Chuyên luận Thi pháp ca dao của Nguyễn Xuân Kính cũng là công trình đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến ngôn ngữ ca dao. Đây là điều tất yếu, bởi thi pháp là khoa học nghiên cứu hình thức trong mối quan hệ hữu cơ với nội dung tác phẩm. 
Ngoài ra, có không ít công trình, bài báo đặt nhiệm vụ nghiên cứu một cách toàn diện ngôn ngữ ca dao, từ các thể thơ, cách hiệp vần, đến giá trị biểu trưng của hình ảnh được sử dụng trong ca dao. 
Như vậy, việc nghiên cứu ca dao từ góc độ ngôn ngữ học là hướng đi đầy triển vọng. Với phương pháp nghiên cứu đặc thù, nó có thể khám phá những giá trị của ca dao truyền thống mà hướng nghiên cứu khác chưa đạt được. 
1.2. Vấn đề nghiên cứu hình thức nghệ thuật của ca dao 
Khi nhắc đến các phạm trù hình thức trong ca dao, người ta thường đề cập đến thể thơ và cấu tứ trong ca dao. 
Về thể thơ: trong ca dao truyền thống của người Việt có mặt hầu hết các thể thơ được dùng trong các thể loại văn vần khác nhau của dân tộc như: tục ngữ, câu đố, vè… Các thể thơ đơn giản (câu ngắn, ít âm tiết) thường được gọi là các thể nói lối hay các thể vãn (bao gồm vãn hai, vãn ba, vãn bốn, vãn năm, mỗi câu gồm hai, ba, bốn, năm âm tiết). Các thể thơ này đều thấy có trong tục ngữ, câu đố và được dùng phổ biến trong đồng dao và ca dao nghi lễ, phù chú. 
Thể vãn hai và vãn bốn thường dễ lẫn với nhau, khó phân biệt rạch ròi. Vì câu thơ bốn âm tiết (vãn bốn) được ngắt theo nhịp 2/2 thì đọc lên nghe cũng tương tự như câu thơ hai âm tiết (vãn hai). Ngược lại, những câu hai âm tiết, nếu đọc nhanh (không ngừng lâu ở âm tiết thứ hai) thì nghe cũng gần như thể vãn bốn. Chẳng hạn, những câu thơ sau đây có thể đọc thành vãn hai hay vãn bốn đều được: 
Chi chi chành chành 
Cái đanh nổi lửa 
Con ngựa chết trương 
Ba vương thượng đế 
Cấp kế đi tìm Ú tim ù ập… 
Ngoài yếu tố nhịp, thể vãn hai hay vãn bốn còn dễ hòa lẫn với nhau do yếu tố vần. Vần trong thể vãn bốn được gieo cả ở tiếng bằng lẫn tiếng trắc, cả ở câu cuối (vần cuối - cược vận) lẫn giữa câu (vần lưng - yêu vận), cho nên khi đọc muốn chuyển thành vãn hai rất dễ dàng, thuận lợi. 
Thể vãn ba, tuy ít được dùng nhưng tính độc lập rất cao, khó lẫn với các thể khác: 
Xỉa cá mè 
Đè cá chép 
Chân nào đẹp 
Đi buôn men… 
Hai thể thơ được dùng nhiều nhất đồng thời cũng tiêu biểu và quan trọng nhất trong ca dao truyền thống là lục bát và song thất lục bát. Thể lục bát (bao gồm cả lục bát chỉnh thể - mỗi câu gồm hai vế, vế trên sáu âm tiết, vế dưới tám âm tiết: “thượng lục hạ bát” và “lục bát biến thể” - số âm tiết trong mỗi vế có thể tăng hoặc giảm) được sử dụng rộng rãi và thường xuyên nhất trong ca dao các địa phương trong cả nước. Đây là thể thơ phù hợp với ngôn ngữ Việt và tâm hồn Việt. Do đó, nó cũng là thể thơ sở trường nhất của các nhà thơ Việt, kể cả văn học dân gian và bác học. Nhiều áng thơ hay trong văn học dân tộc thuộc thể lục bát (Truyện Kiều, thơ lục bát Nguyễn Bính, Huy Cận, Nguyễn Duy..). 
Thể song thất lục bát (hay lục bát gián thất) tuy không phổ biến và giàu sức biểu hiện bằng lục bát, nhưng cũng là một thể thơ dân gian, bắt nguồn từ dân ca mang cốt cách dân tộc độc đáo, khác với thể thơ bảy chữ (thất ngôn) của Trung Quốc. Thơ thất ngôn của Trung Quốc gieo vần ở cuối câu (vần chân - cước vận), ngắt nhịp ở tiếng thứ tư (nhịp 4/3), còn thể song thất lục bát của Việt Nam thì hai câu bảy được gieo vần trắc ở câu thứ nhất và tiếng thứ năm câu thứ hai (nghĩa là có cả vần chân và vần lưng), ngắt nhịp ở tiếng thứ ba (nhịp 3/4). Do những đặc điểm đó mà thể thơ này có khả năng thể hiện riêng, khác với thể thất ngôn Trung Quốc và cũng khác với thể lục bát. Nó diễn tả được những trạng thái tình cảm đặc biệt, những nỗi buồn đau uất hận ở mức độ cao, những sự gay cấn, khúc mắc, xung đột gay gắt trong tâm trạng. Khả năng biểu hiện đặc biệt này, phần lớn là do sự gieo vần ở tiếng trắc gây ra. 
Ngoài vần trắc (ở cuối câu thứ nhất và tiếng thứ năm câu thứ hai), thể song thất trong ca dao còn có thêm vần bằng ở giữa câu thứ nhất, có khi mở bài và kết thúc bằng thơ lục bát, còn bốn câu bảy nằm ở giữa như cái lõi của bài ca dao. 
Về cấu tứ trong ca dao: trong mỗi bài ca dao không chỉ có ý mà còn có tứ. Ý là nội dung tương đối độc lập với hình thức, còn tứ đã được tổ chức, thể hiện dưới một hình thức nghệ thuật nhất định, làm nên cái hay riêng của mỗi bài ca dao. Trong ca dao truyền thống, những câu, những bài giống nhau hoặc gần nhau về ý nhưng có cấu tứ khác nhau khá phổ biến. Khi giảng dạy và học tập ca dao, điều khó nhất là tìm được, nắm được cái tứ riêng của từng bài để hiểu đúng được cái hay riêng của nó. Nếu chỉ sa vào việc tìm ý mà coi nhẹ hoặc bỏ qua việc tìm tòi, phát hiện tứ và cấu tứ của từng bài thì sẽ làm cho công việc giảng dạy và học tập ca dao trở nên nghèo nàn, đơn điệu, khô cứng. 
Khi nói đến cấu tứ và nghệ thuật làm ca dao, các nhà nghiên cứu thường nêu lên ba kiểu cấu tứ phổ biến trong ca dao là thể phú, thể tỉ, thể hứng và coi hầu hết ca dao truyền thống đều được làm theo một trong ba thể ấy. 
Dựa vào sự phân chia cấu tứ, có thể phân ca dao truyền thống thành hai bộ phận lớn: bộ phận thứ nhất gồm những bài (kể cả những câu độc lập) không có cấu tứ độc đáo (hay nói cách khác là sự cấu tứ còn ở trình độ rất thấp, rất tự nhiên, ngộ nghĩnh nhiều khi có tính chất ngẫu nhiên, tản mạn). Phần lớn những bài đồng dao, những bài ca khấn nguyện, những câu hát bông đùa bâng quơ đều thuộc loại này. Bộ phận thứ hai, gồm những bài có cấu tứ độc đáo rõ rệt. Phần lớn những bài ca dao trữ tình có giá trị, được nhiều người lưu truyền ưa thích đều thuộc bộ phận này. Vì thế, mỗi bài có cấu tứ riêng rất độc đáo và nhiều khi rất tinh tế, không bài nào giống bài nào (dù là về nội dung tức là về ý rất gần nhau hoặc giống nhau). 
1.3. Tu từ nghệ thuật trong ca dao 
1.3.1. Khái niệm tu từ nghệ thuật 
Phong cách học là khoa học nghiên cứu sự vận dụng ngôn ngữ, là khoa học về các quy luật nói và viết có hiệu lực cao, nghĩa là, nói và viết đạt được tính chính xác và tính thẩm mỹ trong mọi phạm vi hoạt động của giao tiếp xã hội. Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người. Ngôn ngữ được sử dụng có hiệu quả cao có nghĩa là ngôn ngữ phải giúp con người chuyển tải được một cách đầy đủ nhất những nội dung cần thực hiện trong giao tiếp (kể cả dạng nói và dạng viết). Phong cách học là khoa học hướng tới những nhiệm vụ thiết thực nêu trên của ngôn ngữ. 
Theo một cách lý giải, “Phong cách học là một bộ phận của ngôn ngữ học nghiên cứu nguyên tắc, quy luật lựa chọn và hiệu quả lựa chọn, sử dụng toàn bộ các phương tiện ngôn ngữ nhằm biểu hiện một nội dung tư tưởng, tình cảm nhất định trong những phong cách chức năng ngôn ngữ nhất định” [69, tr.29]. 
Phong cách học có vai trò to lớn trong việc nghiên cứu, xác định cái đẹp của ngôn ngữ; nghiên cứu tác dụng trở lại của hình thức ngôn ngữ đối với nội dung diễn đạt tức là cũng nghiên cứu sự lựa chọn, sử dụng các phương tiện ngôn ngữ phù hợp nhất với nội dung tư tưởng, tình cảm trong những điều kiện hoàn cảnh giao tiếp nhất định. 
Muốn cảm nhận cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ, cần khảo sát, phân loại và miêu tả có hệ thống phương tiện tu từ và biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản. Qua đó, chúng ta sẽ thấy được giá trị nghệ thuật của các phương tiện tu từ và biện pháp tu từ ấy trong việc biểu hiện tư tưởng, tình cảm của tác phẩm văn học. Do đó, phương tiện tu từ là phương tiện ngôn ngữ mà ngoài ý nghĩa cơ bản (ý nghĩa sữ vật - lôgic) ra, chúng còn có ý nghĩa bổ sung, còn có màu sắc tu từ; còn biện pháp tu từ là cách phối hợp sử dụng trong hoạt động lời nói các phương tiện ngôn ngữ, không kể trung hòa hay tu từ (còn được gọi là diễn cảm) trong một ngữ cảnh rộng để tạo ra hiệu quả tu từ. 
1.3.2. Vấn đề tu từ nghệ thuật trong ca dao 
Phương tiện tu từ và biện pháp tu từ là khái niệm cơ sở của phong cách học. Mọi hoạt động ngôn ngữ đều có mục đích, phương tiện (công cụ) biện pháp (cách thức) nhất định. Muốn cảm nhận, chiếm lĩnh giá trị đích thực của tác phẩm văn học cần phải nắm vững và đánh giá được chức năng và vai trò của phương tiện tu từ và biện pháp tu từ - những yếu tố quan trọng tạo nên giá trị thẩm mỹ. Phân loại, phân tích đánh giá được các phép tu từ là nắm chắc chìa khóa để mở cánh cửa đi vào cảm thụ giá trị tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm văn chương. 
Phương tiện và biện pháp tu từ là những yếu tố quan trọng tạo nên vẻ đẹp của tác phẩm văn học dân gian, nhất là thơ ca trữ tình. Do yêu cầu biểu đạt của nó, ca dao là thể loại mà ở đó, các phương tiện và biện pháp tu từ được sử dụng một cách rộng rãi nhất. 
Chỉ cần đọc qua ca dao của bất cứ vùng đất nào, có thể dễ dàng nhận thấy tác giả dân gian thật phóng túng về phương diện tu từ. Về tu từ ngữ âm, cách gieo vần, tạo nhịp, phối ứng thanh điệu, sử dụng từ láy, phép điệp âm... là những biện pháp được dùng với tần suất cao. Về tu từ từ vựng, có thể nhận thấy sự khác biệt của các lớp từ mang dấu ấn phong cách như từ địa phương, từ địa danh, từ nghề nghiệp, từ thi ca, từ sinh hoạt... trong ca dao thuộc mọi chủ để. Về tu từ ngữ nghĩa, so sánh, nhân hóa, thậm xưng, chơi chữ, nói giảm, nói tránh... là những biện pháp rất được ưa dùng trong ca dao. Về tu từ cú pháp, phép song song, phép lặp, câu hỏi tu từ... cũng được sử dụng nhiều. Có thể khẳng định, ca dao là mảnh đất màu mỡ cho việc nghiên cứu các biện pháp và phương tiện tu từ trong văn học. Từ trước đến nay, nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ học, thi pháp học đã ít nhiều đề cập đến vấn đề tu từ trong ca dao trữ tình Việt Nam như Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Xuân Kính, Phan Đăng Nhật, Hoàng Tiến Tựu, Triều Nguyên… Các tác giả đã đưa ra những kiến giải, kết luận có giá trị về đặc điểm tu từ, màu sắc tu từ trong các tác phẩm văn chương nói chung, trong ca dao nói riêng dưới ánh sáng của phong cách học, thi pháp học. Các tác giả đã đánh giá sắc thái tu từ qua việc lựa chọn, sử dụng các phương tiện, biện pháp tu từ qua các mặt từ vựng, ngữ nghĩa, ngữ pháp và ngữ âm, từ đó, đưa ra những kết luận khoa học có giá trị. 
1.4. Ca dao Nam Bộ và việc sử dụng các hình thức nghệ thuật trong ca dao Nam Bộ 
1.4.1. Vài nét về vùng đất và con người Nam Bộ 
1.4.1.1. Vài nét vùng đất Nam Bộ 
Nam Bộ là một vùng đất cuối cùng phía Nam của Tổ quốc - miền đất vừa rất cổ lại vừa rất mới. Từ lâu đã có những nền văn hóa độc đáo nằm rải trên một địa bàn rộng lớn ở cả vùng trên, vùng dưới lưu vực sông Đồng Nai và sông Cửu Long. Trước thế kỷ XVI, miền đất này chìm trong hoang sơ của rừng rậm, sình lầy… Từ đầu thế kỷ XVII, cùng với số dân bản địa ít ỏi và thưa thớt (chủ yếu là người Chăm và người Khơ-me), những người Việt lớp trước và lớp sau, bằng nhiều con đường vượt bể, xuyên rừng, băng núi, với mọi nỗ lực phi thường, đã đến miền đất này lật thêm những trang sử vàng chói lọi cho một thời kỳ khai phá mới. 
Từ đó tới nay, hơn 300 năm, trên vùng đất mới này của Tổ quốc đã trải qua những biến động lớn. Từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, cuộc khẩn hoang vĩ đại nhất của dân tộc ta về chiều rộng cũng như chiều sâu. Trận thủy chiến vang lừng của nghĩa quân Tây Sơn đã tiêu diệt năm vạn quân Xiêm xâm lược. Nơi đây, chứng kiến sự nổi dậy và ngã gục của triều đình phong kiến nhà Nguyễn; chứng kiến bước đường xâm lược và sự thất bại nhục nhã của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chính nơi này, những truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã được giữ gìn và phát huy rực rỡ, phong phú. Thực dân Pháp xâm lược nước ta, thực hiện chính sách “chia để trị”, chia nước Việt Nam thành 3 kỳ: Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ. Trái với ý đồ của kẻ thù, nhân dân ta với tư tưởng và tình cảm hướng về một cội nguồn, một chỉnh thể thống nhất giữa các miền của Tổ quốc. “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi” (Hồ Chí Minh). 
Xét về mặt địa lý tự nhiên, vùng đất Nam Bộ bao gồm 17 tỉnh từ Bình Phước trở xuống phía nam và hai thành phố là thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ. Miền đất Nam Bộ đã hình thành hai khu vực lớn: Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Nối liền hai khu vực đó là thành phố Hồ Chí Minh. Đông Nam Bộ rộng khoảng 26.000 km2 , bao gồm các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh. Vùng đất này cao, phù sa cổ đệm giữa cao nguyên với châu thổ Cửu Long; có những ngọn núi thưa thớt xen giữa các triền đồi đất đỏ hoặc đất xám trùng điệp, lượn sóng nhấp nhô, rừng bạt ngàn, ít sông rạch. Những cư dân người Việt đã cư ngụ đầu tiên ở mảnh đất này trước khi lấn xuống đồng bằng sông Cửu Long. Còn Tây Nam Bộ với diện tích hơn 40.000 km2 , bao gồm các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ. Nhìn chung, vùng Tây Nam Bộ được khai thác muộn hơn Đông Nam Bộ. Nếu như trước đây, cư dân bản địa không thể khai phá rộng rãi và cư ngụ lâu dài ở châu thổ sông Cửu Long, buộc phải thu mình trên những giồng đất, gò đồi, thì sau này, những cư dân Việt đã làm được điều đó. Đồng bằng Tây Nam Bộ hay còn gọi là đồng bằng sông Cửu Long. Là sản phẩm bồi tụ của sông Cửu Long - một trong mười con sông lớn nhất thế giới. Đồng bằng sông Cửu Long tương đối thấp, bằng phẳng, khí hậu mát mẻ, điều hòa quanh năm, là châu thổ phì nhiêu, trung tâm công nghiệp lớn nhất của nước ta. Trên đồng bằng này có nhiều dòng chảy tự nhiên, tạo nên một mạng lưới sông rạch chi chít. Theo thời gian con người đã đan thêm vào hệ thống đường thủy tự nhiên ấy những hệ thống kênh đào dày đặc, phục vụ cho các mục đích kinh tế, văn hóa, quốc phòng. Hiếm có nơi nào mà đời sống con người lại gắn bó mật thiết với sông nước như ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, ở vùng đồng bằng sông Cửu Long còn có những cánh đồng mênh mông, màu mỡ - vựa lúa của nước ta và khu vực Đông Nam Á. Chính điều kiện tự nhiên và con người nơi đây đã góp phần quan trọng trong việc hình thành và phát triển nền văn học dân gian đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có ca dao Nam Bộ. 
Theo lịch sử, trước kia nơi đây vốn là lãnh thổ của nước Phù Nam và Chân Lạp. Thời chúa Nguyễn và nhà Tây Sơn, vùng đất này là xứ Gia Định, mới được khai khẩn từ thế kỷ 17. Năm 1698, xứ Gia Định được chia thành 3 dinh: PhiênTrấn, Trấn Biên và Long Hồ. Vua Gia Long nhà Nguyễn gọi vùng này là Gia Định Thành, bao gồm 5 trấn: Phiên An (địa hạt Gia Định), Biên Hòa, Vĩnh Thanh (tức là Vĩnh Long và An Giang), Vĩnh Tường và Hà Tiên. Năm 1834, vua Minh Mạng gọi là Nam Kỳ. Năm 1859, Pháp đánh chiếm thành Gia Định, mở đầu cuộc xâm lược đất Việt Nam. Ngày 13 tháng 4 năm 1862, triều đình Huế cắt 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định và Định Tường) nhượng cho Pháp. Năm 1867, Pháp đơn phương tuyên bố toàn bộ 6 tỉnh Nam Kỳ là lãnh địa của Pháp. Từ đó, Nam Kỳ được hưởng quy chế thuộc địa, với chính quyền thực dân, đứng đầu là một thống đốc người Pháp. Năm 1887, Nam Kỳ trở thành một vùng lãnh thổ nằm trong Liên bang Đông Dương. Tháng 3 năm 1945, Thống sứ Nhật Nashimura đổi Nam Kỳ thành Nam Bộ. Năm 1945, thời Đế quốc Việt Nam với chính phủ Trần Trọng Kim tuyên bố sáp nhập Nam Kỳ lại thành một bộ phận của nước Việt Nam độc lập. Sau khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, ủy ban Hành chính Lâm thời Nam Bộ đó ra mắt ngày 25 tháng 8 năm 1945 do Trần Văn Giàu làm Chủ tịch. Sau cuộc đảo chính Pháp tại Đông Dương ngày 9 tháng 3 năm 1945, quân đội Nhật đã tuyên bố trao lại quyền độc lập cho Việt Nam do vua Bảo Đại cai trị. Cùng với việc thành lập chính phủ, vua Bảo Đại cũng cho phân vùng lãnh thổ Việt Nam thành 3 khu vực hành chính, trong đó Nam Bộ là khu vực tương ứng với Nam Kì cũ. Thực dân Pháp nổ súng ở Sài Gòn ngày 23 tháng 9 năm 1945 rồi dần dần đánh rộng ra chiếm lại Nam Bộ. Chính phủ Nam Kỳ quốc được thành lập theo sự chỉ đạo của Pháp hòng tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam với tên Nam Kỳ Quốc. Không đánh bại được Việt Minh, Pháp phải dựng "giải pháp Bảo Đại", công nhận nền độc lập và sự thống nhất của Việt Nam. Cuối cùng ngày 22 tháng 5 năm 1949, Quốc hội Pháp chính thức bỏ phiếu thông qua việc trả Nam Bộ cho Việt Nam. Nam Bộ trở thành lãnh thổ nằm trong Quốc gia Việt Nam. Trải qua hơn 300 năm với nhiều tên gọi khác nhau, cuối cùng tên gọi Nam Bộ dùng để chỉ mảnh đất phía Nam của Tổ quốc. Nam Bộ là tên gọi được sử dụng lâu dài nhất cho đến ngày nay. 
Văn hóa Nam Bộ được tính mốc là năm 1623 khi vua Chân Lạp cho chúa Nguyễn di dân Việt đến định cư ở Prey Kụr (thành phố Hồ Chí Minh hiện nay). Vùng đất Nam Bộ bấy giờ chỉ là một vùng hoang dại với hệ thống đất đai trũng, úng, sình lầy và sông rạch chằng chịt. Bắt đầu từ các cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, Cửa Tiểu, Cửa Đại trở vào, dân cư chủ yếu là người Chăm và Khơ- me. Cuối thế kỷ 17, chúa Nguyễn tiếp nhận một đoàn người Hoa đến quy thuận và cho họ đến khai phá và định cư ở Biên Hoà - Đồng Nai. Tiếp đó mộ dân từ Quảng Bình vào và chia đặt doanh, huyện, lập hộ tịch. Như vậy, phải gần một thế kỷ sau Nam Bộ mới bước đầu được định hình một vùng văn hóa. Một nền văn hóa vùng miền hình thành qua thời gian một thế kỷ không phải là dài và khi người Việt đến vùng đất mới mang theo hành trang với vốn văn hóa đúc kết hàng ngàn năm của dân tộc Việt đã góp phần tạo nên nền tảng của hệ giá trị văn hóa Nam Bộ. Những giá trị trải qua quá trình tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội trong lịch sử, dần tạo nên những giá trị của nền văn hóa Nam Bộ như hiện nay.  
Đất Nam Bộ cũng là một vựa lúa chính, đồng thời là vựa trái cây nổi tiếng với đủ các chủng loại hoa quả miền nhiệt đới. Từ chôm chôm, vú sữa, măng cụt, sầu riêng cho đến mít, chuối, xoài, ổi, nhãn, cam, quít... Mỗi địa phương đều có bảo tồn loại sản vật riêng, đa dạng và phong phú. Với ưu thế sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, bưng biền ngập nước mênh mông là nơi sinh sống lý tưởng của rắn rết, cá sấu, rùa , ba ba, tôm, cá, cua, còng... và cả các loại chim chóc nữa. Nam Bộ tập trung nhiều món ăn ngon, nhiều sản vật lạ từ lâu đó đi vào kho tàng văn học dân gian. 
Nam Bộ là vùng đất vừa có bề dày lịch sử văn hóa lại vừa giàu sức trẻ do các tộc người ở đây đang dày công gây dựng nên. Từ vị thế địa lý, văn hóa, Nam Bộ đang trở thành trung tâm của quá trình tiếp biến văn hóa. Điều đó phần nào tạo cho vùng đất này những nét đặc thù, diện mạo mới đối với các vùng văn hóa khác ở Việt Nam. Hệ giá trị văn hóa Nam Bộ là truyền thống văn hóa dân tộc và những giá trị cốt lõi hình thành phong cách văn hóa riêng của vùng. Tính mở của một vùng đất mới đã làm nên tính năng động, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm của người dân Nam Bộ. Tính mở là cơ sở cho việc tiếp nhận và tiếp biến thành công nhiều giá trị văn hóa cao và tiến tới một nền văn minh hiện đại. 
Như vậy, vùng đất Nam Bộ hiện lên với vẻ hoang sơ nhưng rất cởi mở thuần hậu và chất phác,… Những nét độc đáo về địa hình sông nước và văn hóa của vùng “đất trẻ” đã tạo nên một Nam Bộ với sức sống riêng: mạnh mẽ, độc đáo và hấp dẫn. 
1.4.1.2. Vài nét về con người Nam Bộ 
Khi nghiên cứu ca dao Nam Bộ, chúng ta cần tìm hiểu về con người và tính cách đặc trưng của con người nơi đây. Bởi vì, ca dao Nam Bộ đã nêu bật được những nét tính cách, văn hóa, ngôn ngữ một cách rõ nét nhất. Khi nghiên cứu về tính cách người Việt ở Nam Bộ, các nhà nghiên cứu đều thống nhất cho rằng người Nam Bộ rất năng động sáng tạo, hào hiệp trong cuộc sống, hiếu khách, bình đẳng trong giao tiếp, ít bảo thủ, yêu nước nồng nàn, trọng nhân nghĩa, bộc trực, thẳng thắn.  
Thứ nhất là tính năng động sáng tạo của người Nam Bộ. Tính cách này thể hiện rõ ở nhiều khía cạnh khác nhau như khả năng thích nghi với cuộc sống khắc nghiệt trên vùng đất mới, sự cải biến các yếu tố văn hóa vật chất và tinh thần để hòa hợp với điều kiện mới. Chính điều này đã tạo cho người dân Nam Bộ có những nét riêng khá độc đáo so với các vùng miền khác. Vùng đất mới còn hoang sơ vừa khơi dậy tiềm năng khai thác dồi dào vừa là một thách thức nghiệt ngã đối với những con người muốn dấn thân. Nếu như không phát huy được tính cần cù, dũng cảm vốn có của người dân Việt thì khó có thể tồn tại được. Trong buổi đầu khai khẩn vùng đất Nam Bộ, chúng ta thấy có đủ hạng người đến đây quần tụ: phần đông là những người mất phương kế sinh nhai nơi quê cũ vì bị tước đoạt ruộng đất, những người chống đối lại triều đình, trốn lính, hay những kẻ phải mang những bản án tù tội. Tất cả họ đều muốn tìm một cuộc sống mới trên vùng đất mới dù biết trước những khó khăn, khắc nghiệt không dễ vượt qua. Phải nói rằng vùng đất phương Nam từ khi bắt đầu khai phá và phát triển trải qua mấy thế kỷ đến nay vẫn là địa bàn sôi động nhất, dẫn dụ mọi người đến mưu sinh. 
Thứ hai là lòng yêu nước nồng nàn. Yêu nước là một truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời của dân tộc ta. Đối với người dân Nam Bộ, tính cách này được thể hiện một cách phóng khoáng, sinh động. Chẳng hạn, Nguyễn Trung Trực không chịu đi nhận một chức vụ cao hơn theo lệnh của triều đình vì nhà Nguyễn muốn dẹp yên phong trào kháng chiến ở Nam Bộ để lấy lòng chính quyền Pháp. Câu nói khẳng khái của ông được lưu truyền trong nhân dân đến tận ngày nay: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”. Ngoài ra, các nhà thơ yêu nước như Phan Văn Trị, Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa... là những con người khí khái được mảnh đất Nam Bộ nuôi lớn, hun đúc cho một ý chí, một tấm lòng để rồi chính tên tuổi họ còn lưu danh mãi khi người ta nói về Nam Bộ. 
Thứ ba là tính hào phóng hiếu khách. Đây là một nét tính cách đặc trưng của người Việt ở Nam Bộ. Trong tất cả các mối quan hệ diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, tính cách này luôn được bộc lộ một cách rõ ràng, sinh động và đầy tính nhân văn. Trong gia đình, khi có khách đến nhà lúc nhà đang ăn cơm, chủ nhà mời mà khách từ chối thì hay bị hiểu lầm là khinh rẻ chủ nhà, đã ăn no rồi thì cũng nên ngồi vào mâm cùng ăn, cho vừa lòng chủ. Người dân Nam Bộ muốn dành những gì đẹp nhất trong đối nhân xử thế với hàng xóm, bạn bè và người thân của mình. Tiêu xài rộng rãi là một đặc điểm thường được nhắc tới khi nói về tính cách người Nam Bộ. Thiên nhiên hào phóng thì cũng sẽ tạo ra những con người hào phóng, người ta ít lo lắng cho cuộc sống của mình ở ngày mai. 
Thứ tư là trọng nhân nghĩa. Con người Nam Bộ từ nhiều vùng đất khác nhau đến nơi đây lập nghiệp nên họ cùng nhau quần tụ lại, lập thành xóm thành làng, cùng nhau khai khẩn, cùng sát cánh với nhau trong cuộc mưu sinh đầy gian khổ, trở thành “bà con một xứ”. Hàng xóm dù không thích nhau, nhưng những khi tối lửa tắt đèn cần sự giúp đỡ thì họ cũng sẵn sàng. Do vậy, người Nam Bộ rất quý trọng, tin cậy bạn bè. Bạn bè sa sút, túng quẫn lại vẫn được chia sẻ, cảm thông. Người Nam Bộ thích làm quen với người nghèo, giúp đỡ kẻ sa cơ thất thế, ghét cay ghét đắng những kẻ thay lòng đổi dạ, xu nịnh quyền tước. 
Thứ năm là người Nam Bộ rất bộc trực, thẳng thắn, ít khi nói chuyện văn hoa dài dòng, rào trước đón sau. Khi gặp những chuyện bất bình hoặc không vừa ý thì họ sẽ nói ngay không cần suy nghĩ và cũng chẳng sợ người nghe giận dữ. Nhưng khi câu chuyện được giải thích rõ ràng cặn kẽ, hợp tình hợp lý thì họ sẽ tiếp thu một cách tích cực, vui vẻ, thấy mình sai thì sẵn sàng nhận lỗi. Khi nói chuyện với người Nam Bộ, ta có được cảm giác rất gần gũi, họ không câu nệ chuyện ngôi thứ, lớn nhỏ, giai cấp, bốn bể là nhà, tứ hải giai huynh đệ. Ngôn ngữ của người nông dân Nam Bộ đậm vẻ hài hước, tinh tế thể hiện sự lạc quan, yêu cuộc sống. 
Lịch sử Nam Bộ dù có trải qua nhiều bước thăng trầm, con người Nam Bộ vẫn giữ được những tính cách rất riêng đáng quý ấy. 1.4.1.3. Vài nét về ca dao Nam Bộ 
Ca dao là nơi thể hiện sinh động tính cách tâm hồn văn hóa truyền thống của dân tộc, của các vùng miền. Cũng như ca dao các vùng miền khác của dân tộc, ca dao Nam Bộ lại mang âm hưởng riêng của mình. 
Ca dao Nam Bộ là bộ phận sáng tác dân gian ra đời muộn cùng với sự hình thành của vùng đất mới phía Nam, tuy vậy bản sắc riêng của ca dao vùng này khá đậm nét. Ca dao Nam Bộ nằm trong dòng chảy của ca dao Việt Nam nên về hình thức và nội dung ca dao Nam Bộ cũng như ca dao các miền khác là vừa có cái chung của ca dao dân tộc vừa có cái riêng gắn với hoàn cảnh tự nhiên, hoàn cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa, tâm lý, tính cách con người ở địa phương Nam Bộ. 
Ca dao Nam Bộ là nơi ghi nhận tình cảm của con người miền này. Từ ca dao, chúng ta có thể thấy được cách ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với hoàn cảnh sống. Hình ảnh con người cùng với mọi cung bậc tình cảm được thể hiện sinh động qua ca dao. Những biểu hiện tình cảm đó đã làm nổi bật những tính cách chung, đặc thù Nam Bộ. Điều kiện sinh sống vùng sông nước Nam Bộ buộc con người gắn bó mật thiết vào thiên nhiên. Từ thuở khai hoang lập địa, con người đã quen hình thức săn bắt, hái lượm sản vật tự nhiên hơn việc tổ chức sản xuất độc canh, ngoại trừ cây lúa vốn là đặc điểm nổi bật của cộng đồng cư dân nông nghiệp vùng Đông Nam Á. Với thiên nhiên hùng vĩ, trù phú của vùng Nam Bộ, con người có nhiều cơ hội để hòa vào tự nhiên hơn. Thiên nhiên hoang sơ trở thành đối tượng chính trong công cuộc khẩn đất, khai hoang và khám phá vùng đất mới. Con người và thiên nhiên gắn bó chặt chẽ với nhau trong một tổng thể phức tạp mà cũng thật đơn giản. 
Xét về hình thức: hình thức diễn xướng tổng hợp của ca dao Nam Bộ được thể hiện ở các thể loại: hò, hát, lý…, mỗi thể loại có những môi trường và hình thức thể hiện khác nhau. 
Về hò, gồm có hò chèo ghe, hò cấy… Hò chèo ghe là biểu hiện tập trung của hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian trên sông nước. Nhân dân đã biến sông nước thành những thủy lộ giao thông và những trung tâm sinh hoạt văn hóa cho mình. Đó là nơi họ bộc lộ tâm tư, tình cảm của mình qua câu hò. Hò cấy còn được gọi là hò công cấy, được hình thành trên đồng ruộng vào các mùa cấy, giúp cho người lao động tìm được niềm vui và lòng hăng say trong công việc. 
Về hát, là những hình thức diễn xướng tổng hợp hay sân khấu như hát ru, hát bội. Hát ru còn được gọi là hát đưa em, hát ru là tiếng hát của bà đưa cháu, của mẹ đưa con, của chị đưa em. Đây là loại bài ca gắn bó chặt chẽ với sinh hoạt gia đình và các mối quan hệ gia đình. 
Bên cạnh những điệu hò, câu hát trữ tình, ca dao Nam Bộ còn có những bài lý. Lý là những khúc hát ngắn gọn, vui tươi, dí dỏm với các nhịp điệu phong phú và sinh động. Lý có thể được hát trong nhà, trên đường hay ngoài đồng ruộng, sông rạch, khi lao động hay lúc giải trí. 
Nhìn chung, mỗi hình thức diễn xướng trong ca dao Nam Bộ đều thể hiện những khía cạnh khác nhau của tình cảm con người nơi đây. Xét về nội dung: ca dao dân ca Nam Bộ có thể chia thành ba thể loại: thơ ca nghi lễ, dân ca lao động và ca dao dân ca trữ tình. 
Thơ ca nghi lễ là một thể loại sáng tác dân gian có nguồn gốc rất cổ, nảy sinh trong quá trình lao động, sinh hoạt, gắn chặt với thế giới quan của người nguyên thủy cũng như ý thức tôn giáo của con người. Nội dung của thể loại này phản ánh kinh nghiệm lao động, biểu thị những khát vọng, mơ ước của nhân dân cũng như tài nghệ sử dụng tiếng mẹ đẻ diễn đạt tinh tế nỗi khát khao mong muốn một cuộc đời yên vui, hạnh phúc, thịnh vượng. 
Dân ca lao động là những bài ca được hò hát trong lao động với điều kiện là tiết tấu, nhịp điệu, sắc thái biểu cảm, tốc độ, cường độ và cách thức diễn xướng của nó phải gắn chặt với các quá trình của một công việc cụ thể nào đó của nhân dân. Dân ca lao động chỉ nảy sinh trên cơ sở của những công việc có sự lặp đi lặp lại về nhịp điệu và động tác lao động. Đó là những công việc như chèo ghe, đương đệm, tát nước, phát cỏ, kéo gỗ, giã gạo, xay lúa… Một bộ phận của những bài hát ru cũng được xếp vào loại này. 
Tuy nhiên, không phải mọi bài ca được hát trong lao động đều thuộc thể loại dân ca lao động. Trong lao động có rất nhiều câu hát, điệu hò mà nội dung của nó không trực tiếp liên quan đến công việc đang làm, tiết tấu nhịp điệu của nó không bám sát với lao động. Loại bài ca này được xếp vào thể loại ca dao - dân ca trữ tình. 
Ca dao - dân ca trữ tình (hay sinh hoạt) là những bài ca mà nội dung và hình thức diễn xướng của nó không nhằm mục đích nghi lễ và không kèm những động tác có tính chất nghi lễ. Những bài ca này vẫn được hát trong lao động, nhưng nội dung cơ bản của nó là nhằm bộc lộ tâm tư tình cảm của nhân vật trữ tình, bộc lộ tình yêu tha thiết của nhân dân đối với quê hương đất nước, tình cảm lứa đôi, tiếng ca tình nghĩa của nhân dân trong quan hệ gia đình và những mối quan hệ xã hội khác. Các bài ca của mỗi thể loại này mang một vẻ đẹp riêng và nó thể hiện thế giới nội tâm vô cùng đa dạng và đậm chất trữ tình. 
Cùng với ca dao các vùng, ca dao Nam Bộ cũng có các mảng chủ đề chung mang tính thống nhất làm thành dòng chảy của ca dao dân tộc. Ca dao in đậm trong trí nhớ, khắc sâu trong tâm hồn của mỗi người. Vì thế, ở vùng đất mới Nam Bộ, ta vẫn thấy rõ những bài ca cũ còn giữ nguyên vẹn phần lời, phần nghĩa, chỉ thay đổi về môi trường diễn xướng, điều kiện diễn xướng và ít nhiều về cách diễn xướng. Tính thống nhất của ca dao Nam Bộ thể hiện rõ rệt ở chủ đề của thể loại. Nội dung đó biểu hiện qua các mảng chủ đề sau: 
- Tình cảm của người dân Lục tỉnh đối với quê hương, đất nước; 
- Quan hệ yêu đương và suy tư của nam nữ thanh niên; 
- Tiếng ca tình nghĩa của người lao động trong quan hệ gia đình; 
- Những khúc ca vui buồn của nhân dân trong các mối quan hệ xã hội khác. 
Các mảng chủ đề này có quan hệ chặt chẽ với nhau, đan cài vào nhau, trong nhiều trường hợp khó xác định một cách dứt khoát bài ca thuộc mảng chủ đề nào. 
Ca dao Nam Bộ trước hết là ca dao của người Việt ở Nam Bộ nên nó mang đầy đủ yếu tố của vùng đất Nam Bộ, trong đó có việc sử dụng từ ngữ của con người ở đây. Song toàn bộ ca dao Nam Bộ không nằm ngoài các nội dung chủ yếu nêu trên. Chẳng hạn, cùng chủ đề quan hệ yêu đương và những suy tư của nam nữ thanh niên lao động nhưng ca dao Nam Bộ lại nổi rõ những khía cạnh độc đáo của nó trong sắc thái biểu hiện tình cảm, trong cách sử dụng từ ngữ… 
Cùng là bày tỏ tình yêu, cùng quan điểm yêu đương gắn liền với lao động với giai cấp và với hôn nhân, nhưng sắc thái biểu hiện tình cảm ấy ở ca dao Nam Bộ có những điểm không hoàn toàn giống với ca dao ở các miền khác. Nhân vật trữ tình trong ca dao Bắc Bộ bộc lộ tình yêu của mình: 
Bây giờ mận mới hỏi đào, 
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa? 
Mận hỏi thì đào xin thưa, 
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào?  
Còn đây là tâm trạng của một cô gái mới bước vào yêu đương được nói đến trong ca dao Nam Bộ: 
Hòn đá đóng rong vì dòng nước chảy, 
Hòn đá bạc đầu vì bởi sương sa. 
Em thương anh không dám nói ra, 
Sợ mẹ bằng đất, sợ cha bằng trời. 
Em với anh cũng muốn kết đôi, 
Sợ vầng mây bạc trên trời mau tan. 
Khác với ca dao các miền khác, ca dao Nam Bộ thể hiện niềm thương nỗi nhớ, thể hiện tình yêu một cách bộc trực, tự nhiên hơn. Phải chăng vì người ta ít chịu ràng buộc hơn bởi các kỷ cương? 
Khi yêu, không phải chỉ có các chàng trai, mà ngay cả các cô gái cũng quyết liệt, vượt qua những trở lực của lễ giáo phong kiến để bảo vệ hạnh phúc của mình. Khi một chàng trai nào đó còn do dự chuyện mai mối thì đã có những cô gái quả quyết hơn: 
Thò tay ngắt đọt trâm bầu, 
Thôi, anh có thương em thì thương đại đừng cầu ông mai. 
Khi đã yêu thì họ thể hiện tình yêu thật mãnh liệt: 
Anh thương em, 
Thương lún, thương lụn, 
Thương lột da óc, 
Thương tróc da đầu, 
Ngủ quên thì nhớ, 
Thức dậy thì thương,… 
Hoặc: 
Thương sao thương quá bất nhơn, 
Bữa nay gặp mặt thương hơn bữa nào. 
Tình cảm ở đây được bộc lộ một cách trực tiếp, nói thẳng, không bóng gió xa xôi, không úp mở, nhằm nói cho được hết cái thương cái nhớ đang cháy bỏng trong lòng mình, tưởng như không cần trau chữ, chuốt lời: 
Anh về em nắm vạt áo em la làng, 
Phải bỏ chữ thương, chữ nhớ giữa đàng cho em. 
Hoặc: 
Tui xa mình không chết cũng đau, 
Thuốc bạc trăm không mạnh, mặt nhìn nhau mạnh liền. 
Những cách biểu hiện tình cảm như vậy đã cho thấy sắc thái độc đáo của ca dao Nam Bộ. 
Tiểu kết chương 1 
Trong chương 1, luận văn đề cập một số vấn đề có tính chất khái quát. Sau khi tổng thuật các cách giới thuyết về khái niệm ca dao, chúng tôi đã trình bày những hướng nghiên cứu ca dao ở nước ta và giới thiệu những thành tựu chính đã đạt được (nghiên cứu từ góc độ văn học, nghiên cứu từ góc độ ngôn ngữ). Về hướng nghiên cứu ngôn ngữ học, luận văn nhấn mạnh yêu cầu của việc khảo sát các phương tiện và biện pháp tu từ trong ca dao người Việt nói chung, ca dao các vùng miền trên đất nước nói riêng. Phần cuối của chương 1, luận văn giới thiệu về mảnh đất, con người và ca dao Nam Bộ, làm tiền đề cho việc đi sâu các nội dung nghiên cứu ở hai chương tiếp theo. 
Chương 2: MỘT SỐ PHƯƠNG TIỆN TU TỪ TRONG CA DAO NAM BỘ 
2.1. Dẫn nhập 
Để rèn luyện kỹ năng lĩnh hội văn bản hay đánh giá được thái độ và chủ định của người nói, người viết qua văn bản, nhất là đánh giá được giá trị thẩm mỹ của văn bản nghệ thuật, nhất thiết phải nhận diện, phân tích được hình thức biểu đạt của nó, trong đó có các phương tiện tu từ. Chính các phương tiện tu từ đó đã làm cho văn bản có được những phẩm chất thẩm mĩ. Cái hay trong văn chương không chỉ ở nội dung mà còn ở hình thức trình bày, lối diễn đạt mới mẻ. Điều đó tạo ra sự khác biệt lớn giữa ngôn ngữ nghệ thuật với ngôn ngữ phi nghệ thuật, ngôn ngữ tự nhiên. 
Phương tiện tu từ là phương tiện ngôn ngữ mà ngoài ý nghĩa cơ bản (ý nghĩa sự vật - logic), chúng còn có ý nghĩa bổ sung, có màu sắc tu từ. 

Cũng như các ngôn ngữ khác trên thế giới, tiếng Việt có nhiều phương tiện tu từ, gắn với các cấp độ ngôn từ trong văn bản như: phương tiện tu từ ngữ âm, phương tiện tu từ từ ngữ, phương tiện tu từ ngữ nghĩa, phương tiện tu từ cú pháp, phương tiện tu từ văn bản [39, tr.160-175]. Nói một cách khái quát, tu từ có mặt ở mọi cấp độ của văn bản. 
2.2. Một số phương tiện tu từ trong ca dao Nam Bộ 
Trong tiếng Việt, số lượng các phương tiện tu từ tương đối nhiều, phong phú. Với đề tài đã chọn, chúng tôi chỉ tập trung khảo sát phương tiện tu từ từ ngữ, phương tiện tu từ ngữ nghĩa, trong ca dao Nam Bộ bởi đây là những bình diện rất tiêu biểu cho sự trau chuốt ngôn từ ở bộ phận ca dao này. 
2.2.1. Phương tiện tu từ từ ngữ trong ca dao Nam Bộ 
Theo Đinh Trọng Lạc và Nguyễn Thái Hòa, từ ngữ là phương tiện được tiếp nhận hiển nhiên nhất, đơn vị thực hiện đầy đủ các chức năng ngôn ngữ vừa phản ánh hiện thực khách quan, vừa bộc lộ thái độ chủ quan của người dùng. Phương tiện sử dụng từ ngữ trong văn bản nghệ thuật thực hiện đồng thời hai chức năng trên, đó là phương tiện tu từ từ ngữ [39, tr.161]. 
Nói đến phương tiện tu từ từ ngữ, người ta thường nói đến các lớp từ: 
- Lớp từ Hán - Việt so với từ thuần Việt tương đương; 
- Lớp từ xưng hô so với đại từ nhân xưng; 
- Lớp từ địa phương so với từ ngữ toàn dân; 
- Lớp từ thông tục so với từ ngữ sách vở (hay lớp từ thi ca so với lớp từ thông tục); 
- Lớp thành ngữ so với lớp từ ngữ tương đương. 
Sau đây, chúng tôi lần lượt đi vào tìm hiểu cách sử dụng các lớp từ ngữ trên với tư cách là phương tiện tu từ từ ngữ nhằm tìm hiểu màu sắc tu từ của các phương tiện này trong ca dao Nam Bộ. 
2.2.1.1. Từ ngữ thi ca 
Từ thi ca là lớp từ chuyên dùng trong thơ ca hoặc văn xuôi nghệ thuật, không dùng trong ngôn ngữ phi nghệ thuật, nếu được dùng cũng chỉ có ý nghĩa tu từ hoặc vì một mục đích nào khác. Đây vốn là lớp từ đắc dụng trong văn thơ xưa, ngày nay nếu dùng để chỉ những con người, sự vật hiện đại thì thấy kệch cỡm, buồn cười [39, tr.13]. Từ thi ca xuất hiện không nhiều trong ca dao Nam Bộ một mặt vì tính chất xưa cũ của nó, mặt khác, cách nói năng, giao tiếp của người Nam Bộ khá thẳng thắn và chân tình, nên nói văn hoa, bóng bẩy lại có vẻ không phù hợp. 
Tuy nhiên, ẩn bên trong những con người chất phác, thẳng thắn ấy là những tâm hồn rất đỗi thơ mộng, rất đằm thắm và có một nét duyên rất thi vị. 
Chính cái hay, cái thú vị và độc đáo đó đã được bộc lộ rõ qua mảng từ ngữ thi ca trong ca dao Nam Bộ. Theo khảo sát của chúng tôi, trong 2816 câu ca dao, có 53 từ thi ca, với 117 lượt dùng, chiếm 4,15%. Số liệu cụ thể được phản ánh trong bảng thống kê sau đây (khảo sát từ cuốn Ca dao dân ca Nam Bộ, Bảo Định Giang, Nguyễn Tấn Phát, Trần Tấn Vĩnh, Bùi Mạnh Nhị biên soạn, 1984, Nxb Tp. HCM). 
Bảng 2.1. Thống kê từ thi ca trong ca dao Nam Bộ
 STT
BÀI 
CA DAO/TRANG
TỔNG SỐ TỪ TRONG BÀI 
SỐ LƯỢT TỪ 
THI CA 
TỪ THI CA
1
Bài 734/ 234
32
1
thục nữ
2
Bài 742/ 236  59 
 anh hào, thuyền quyên
3
Bài 840/ 249  28   1   nguyệt lão
4
Bài 970/ 267  17   1  song thân
5
Bài 1034/ 276  39  1   tam tòng 
6
Bài 1569/ 344  22  quần hồng
7
Bài 1599/ 348   15   1   giọt châu
8
Bài 1623/ 352   17   3   ông tơ, bà nguyệt, phụ mẫu
9
 Bài 1766/ 370    20    3  dương gian, âm phủ, thác
10
Bài 501/202  48   chàng
11
Bài 586/ 214  14  1  tơ hồng
12
Bài 60/ 137  28   nam thanh, nữ tú
13
Bài 694/ 228  26 
kim lang, kim ngọc, chàng, lụy
14
Bài 539/ 207  24 
thiếp, nam nhi,tào khương
15
Bài 217/ 163  36   phụ mẫu
16
Bài 27/ 131  42   nàng
17
Bài 1336/ 314  18 1 liệt nữ
18
Bài 762/ 239  30   1  phu thê 
19
Bài 1426/ 326  14   1  sầu
20
Bài 1442/ 328  28   từ mẫu, hiếu trung 
21
Bài 1539/341  17  1  lụy
22
Bài 802/ 244  14   thuyền quyên
23
Bài 1499/ 336  14   2  bách niên giai ngẫu
24
Bài 1346/ 315  14   suối vàng
25
Bài 2704/ 491  14  1  đệ huynh
26
Bài 2721/ 493  28    1  sơn hà
27
Bài 1372/ 319 28   2  tài tử giai nhân
28
Bài 1339/ 314  14   2   màn loan gối phụng
29
Bài 1995/ 399  33   1   phòng đào
30
Bài 1660/ 356  15   1   phu quân
31
Bài 1960/ 395  17   2    thập tử nhất sanh
32
Bài 1849/ 380  14   1   dung nhan
33
Bài 1883/ 384  14   1    ưu phiền 
34
Bài 1910/ 388  28   loan phụng
35
Bài 1848/ 380  31   1   chương đài 
36
Bài 2604/ 478  18   1   thủ tiết
37
Bài 1557/ 343  44  1   đoạn trường
38
Bài 1366/ 318  30   hiệp nghĩa, phu thê
39
Bài 1003/ 271   56  1   nhân ngãi
40
Bài 1067/ 280  28   1   phu phụ
41
Bài 730/ 233  21  kim tiền, cổ hậu
42
Bài 866/ 252  37  loan hiệp
43
Bài 1562/ 343  26   ngôn dung 
44
Bài 493/ 201  16   1   quân tử 
Qua bảng thống kê, dễ nhận thấy từ thi ca trong ca dao Nam Bộ gồm những từ dùng để chỉ người, dùng để xưng hô, hoặc nói về tâm lý, tính cách, tình cảm của con người. 
Để chỉ người, lớp từ thi ca có các từ: quân tử, trang anh hùng, thục nữ, anh hào, thiên kim, chàng, nam nhi, nam thanh nữ tú... 
Thuyền quyên phải sánh anh hào 
Phụng hoàng đâu sánh thấp cao với diều 
Kiểng kia ai để bìm leo 
Gái khôn ai gá nghĩa theo người loàn. 
Thuyền quyên chỉ những người con gái đẹp nết, đẹp người; anh hào chỉ những chàng trai tuấn kiệt, văn võ toàn tài trong xã hội. Đây là những từ xuất hiện khá phổ biến trong thơ xưa, khi quan hệ giữa trai anh hùng - gái thuyền quyên luôn giữ một vị trí rất quan trọng và tình yêu đôi lứa luôn là một đề tài muôn thuở trong thơ ca. 
Trong thơ ngày nay, nếu dùng từ nàng, ta cảm thấy có vẻ kiểu cách, không phù hợp, nhưng ở những câu ca dao sau, từ này xuất hiện hoàn toàn tự nhiên: 
- Chợ Ba Tri thiếu gì cá biển 
Anh thương nàng anh nguyện về đây. 
- Anh ngó vô nhà nhỏ 
Thấy có đôi liễn đỏ 
Có bốn chữ vàng 
Gia đường chưa biết, thấy nàng vội thương.  
Trong quan hệ xưng hô, ta gặp các từ thi ca: mẫu thân, song thân, thiếp, phu quân, huynh đệ... 
Phu quân ơi, bỏ bạn sao đành 
Dưới sông cá lội, trên nhành chim kêu 
Phu quân là chồng theo cách gọi của người phụ nữ thời xưa, ngày nay không ai còn dùng từ này, trừ khi muốn dùng tạo sắc thái hài hước. Tuy nhiên, trong ca dao, cách nói này lại rất phù hợp, có thể khơi gợi cảm xúc cho người nghe. Cũng vậy, những từ nam nhi, thiếp, chàng, tào khương... được dùng rất tự nhiên, có giá trị biểu đạt cảm xúc chân thành của chủ thể trữ tình: 
- Cây chi trên rừng không lá 
Con cá chi dưới biển không xương? 
Trai nam nhi đối đặng, thiếp kết tào khương với chàng. 
Trong câu hát giao duyên xưa, không thể thiếu từ thi ca bởi lớp từ này làm câu hát trở nên duyên dáng, thi vị tạo sự ngân vang lớn, vang vọng vào tâm trí người nghe. 
Trong số 53 từ thi ca thì từ phụ mẫu xuất hiện nhiều nhất: 23 lần, chiếm 0,82 % số câu mà chúng tôi khảo sát. 
- Anh tham chi nhiều điều mặn lạt 
Em rút cây lông nhím bạc trao liền 
Em về phụ mẫu lo phiền 
Lỗi em chịu lỗi, nói đi cấy ruộng miền mất tiêu. 
- Em đành phụ mẫu không đành 
Hai đứa mình trải chiếu ngoài thành lạy vô. 
Người dân Nam Bộ thường gọi cha mẹ là tía má nhưng trong cả hai bài ca dao trên đều sử dụng từ phụ mẫu nhằm thể hiện tình cảm yêu quí, sự tôn kính và sắc thái trang trọng đối với cha mẹ vì công ơn của mẹ cha đối với con cái còn cao hơn núi và sâu hơn biển cả, đó là sự hiếu kính của người con đối với cha mẹ. Dù trong hoàn cảnh nào thì hiếu đễ vẫn được đặt lên hàng đầu.  
Ta còn gặp trong ca dao Nam Bộ những từ thi ca chỉ sự giao duyên: màn rồng, màn loan - gối phụng, chương đài, phòng loan, loan phụng, phòng đào, kết nguyền, thủ tiết... Người dân Nam Bộ nhìn nhận cuộc đời với một cái nhìn lạc quan, nhân ái, nên trong từng lời ăn, tiếng nói mộc mạc chân thành vẫn không thiếu chất thơ. Thi ca đã trở thành một phần xương máu, nó bắt nguồn cho một cái nhìn lãng mạn hơn, trữ tình hơn về vùng đất “Chín Rồng”. Chúng ta bắt gặp trong ca dao Nam Bộ nét mạnh mẽ của các chàng trai; sự e ấp, đằm thắm, dịu dàng của các cô gái trong tình duyên được biểu đạt bằng lối nói văn hoa. Gặp gỡ nhau, muốn thổ lộ lòng mình để không bị đối phương chê trách thì sử dụng từ thi ca là lựa chọn khôn ngoan: 
Gặp lúc trăng thanh gió mát 
Thú nào vui bằng thú hát huê tình 
Trời xui hội ngộ, hai đứa mình kết duyên. 
Ở bài ca dao trên, nếu không dùng từ thi ca, nét duyên sẽ không được thể hiện và tính thơ mộng trong giao kết nên đôi sẽ mất đi. Cũng như những vùng miền khác, người Nam Bộ khi đến tuổi thành gia lập thất cũng hay tổ chức các buổi gặp gỡ, hò đối đáp, giao duyên. Hát huê tình là hát đối giao duyên. Nếu có duyên gặp gỡ trong ngày hội này, được xe chỉ tơ hồng sẽ kết duyên giai ngẫu - trở thành vợ chồng, cùng chia bùi xẻ ngọt, vĩnh kết đồng tâm. 
Trong lớp từ thi ca giao duyên, phụng, loan cũng là hai từ xuất hiện khá nhiều. 
- Thương em chưa cạn chung trà 
Muốn gầy loan phụng, trời đà khiến xa. 
- Trên rừng băm sáu thứ chim 
Thiếu gì loan phụng sao anh tìm quạ khoang? 
Theo quan niệm xưa, chim loan phụng biểu tượng cho đôi lứa gắn bó. Loan là chim mái, phụng là chim trống. Đó là sự gắn bó keo sơn, không thể chia lìa. 
Lớp từ thi ca chỉ tình cảm, tính cách con người cũng xuất hiện khá nhiều. Đó là những từ: lệ, ưu phiền, lụy nhỏ, lụy ứa, giọt châu, sầu...  
Đi xa một chút ngó chừng 
Thấy em lệ nhỏ rưng rưng hai hàng. 
Lệ là nước mắt, khi khóc mới chảy ra nước mắt. Đó là nỗi sầu khổ khi chia xa, nhất là xa cách trong tình yêu. Từ lệ biểu hiện cho tâm trạng của chủ thể trữ tình: quá sầu muộn, đau khổ nhưng không biết làm sao nên đành phải để nước mắt tuôn chảy. Bài ca dao gợi nhiều cảm xúc xót xa cho đôi tình nhân không được ở cạnh bên nhau, phải chia tay trong nước mắt. 
Vùng đất Nam Bộ vẫn còn rất nhiều điều đặc biệt, gây bất ngờ và thú vị cho người tìm hiểu. Ở đây, không phải chỉ có những con người học cao hiểu rộng mới “xuất khẩu thành thơ”. Với lớp từ thi ca, ca dao Nam Bộ đã cho ta thêm một bằng chứng về "chất thi sĩ" của người nông dân miệt vườn. 
2.2.1.2. Từ ngữ Hán Việt 
Từ Hán Việt là những từ vay mượn từ tiếng Hán, là những từ Hán được Việt hóa theo cách đọc, cách hiểu và cách dùng của người Việt. 
Ngày nay, trong kho từ ngữ tiếng Việt vẫn tồn tại hàng loạt cặp từ thuần Việt và Hán Việt có nghĩa tương đương hay khác nhau về sắc thái ý nghĩa, về màu sắc biểu cảm, cảm xúc, phong cách. Đa số người Việt không hiểu chính xác tiếng Hán, nhưng vẫn dùng theo thói quen và có thể cảm nhận được các sắc thái tu từ của từ Hán Việt. 
Vậy từ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ xuất hiện với số lượng như thế nào, giá trị tu từ của bộ phận từ ngữ này ra sao? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã khảo sát, từ tìm hiểu về lượng, phân tích, đánh giá về định tính. 
Về lượng, chúng tôi đã thống kê lượt từ Hán Việt được sử dụng trong 44 bài ca dao trên tổng số từ có mặt. Tất cả có 141 từ Hán Việt, xuất hiện 234 lần trên 2816 câu ca dao, chiếm 8,3%. Số liệu cụ thể ở các bài được thể hiện trong bảng thống kê sau đây:  
Bảng 2.2. Thống kê từ Hán Việt trong một số bài ca dao Nam Bộ 
 STT
BÀI 
CA DAO/TRANG
TỔNG SỐ TỪ TRONG BÀI 
SỐ LƯỢT TỪ 
HÁNVIỆT
TỪ HÁN VIỆT
1
Bài 161/ 155 
14
 quân tử
2
Bài 173/157 
52 
 2  
 tào khang, kim cải  
3
Bài 316/ 177 
 34 
 2 
 phụ mẫu
4
Bài 554/209 
 36 
 1  
nhơn ngãi 
5
Bài 352/ 182 
17 
 1 
 căn duyên
6
Bài 749/ 237 
 14 
 1 
 tố hộ 
7
Bài 761/ 239 
 31 
huỳnh tuyền
8
Bài 1024/274 
31 
 1 
 ái ân
9
Bài 794/ 243 
14 
 1 
gia can
10
Bài 335/ 180 
15
 1 
 cang thường
11
Bài 854/ 251 
 19 
 1
 tái sanh
12
Bài 363/ 184 
 14 
 1 
mẫu từ
13
Bài 967/ 266 
 28 
 2 
vãng lai, ngãi nhân
14
Bài 969/ 267  
24 
 2 
 nhơn đạo, thịnh trị 
15
Bài 1080/ 282 
 52 
 5 
 nhơn tình, thuyền quyên, thục nữ, nhơn nghĩa 
16
Bài 1035/ 276 
 15 
 dương trần
17
Bài 1047/ 277 
30 
 3 
 mẫu thân, vô đệ, vô huynh 
18
Bài 1067/ 280 
 28 
 phu phụ
19
Bài 1085/283 
 23 
 2 
 hội ngộ, huê tình
20
Bài 1171/ 293 
 18 
 ngao du
21
Bài 1174/ 293 
 30 
  3 
 thiên kim, phấn thổ, nhân ngởi 
22
Bài 1196/ 296
28 
 6 
 họa cốt, họa bì nan họa cốt/ tri nhơn, tri diện, bất tri tâm 
23
Bài 1277/ 307 
 42 
 2 
hữu duyên, vô duyên
24
Bài 1288/ 308 
 32 
 1 
 song loan
25
Bài 1312/ 311 
 25 
 5 
 bất hành, bất đáo, bất đả, bất minh, minh bạch
26
Bài 1318/ 312 
 16 
 1 
 giao ngôn
27
Bài 1499/ 336 
14 
 4 
 bách niên, giai ngẫu, ngọc trầm, thủy thượng
28
Bài 1549/ 342 
 17 
 3 
 nhị nhân, đối khẩu, giao hòa
29
Bài 1200/ 296 
107 
 3 
 ấu tử, nam nhi 
30
Bài 1886/ 385 
63 
 6 
 nữ nhi, nam tử, kinh sử, xướng tùy, đăng sơn, nhập hải 
31
 Bài 1539/ 340 
14  
 1  
 náu nương 
32
Bài 1764/ 370 
19 
 1
 thiên đình 
33
Bài 1718/ 363 
20 
 1 
 song kiều
34
Bài 1896/ 387 
14  
 2   
quân tử nhứt ngôn  
35
Bài 1600/ 348 
14  
 1  
 tơ duyên 
36
Bài 1871/ 383 
24 
 3 
 thiên, nguyệt, thượng vân 
37
Bài 1879/ 384 
15 
 3  
sơn băng, thủy kiệt, nhật nguyệt 
38
Bài 1939/ 392 
29 
 3 
 lâm nguy, bất kiến đệ huynh 
39
Bài 1854/ 381 
14 
 1 
 thanh tân 
40
Bài 2797/ 502
 24 
 4 
tửu, nhơn diện, nhơn tâm, thế gian 
41
Bài 2719/ 493 
 14 
 1 
 ngũ luân
42
Bài 2721/ 493 
 28 
 2 
 sơn hà, trượng phu 
43
Bài 1372/319 
 28 
 3
tài tử, minh quân, giai nhân 
44
Bài 1423/326 
 14
1
cầu thân

Từ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ có thể là danh từ, tính từ, động từ. Cách sử dụng cũng hết sức linh hoạt trong từng ngữ cảnh. Danh từ có mặt ở 91 bài/ 234 bài, chiếm 39%; động từ có mặt 80 bài/ 234 bài, chiếm 34%; tính từ có mặt ở 63 bài/ 234 bài, chiếm 27%. 
Xét về trường từ vựng - ngữ nghĩa, từ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ khá phong phú. Nói về mẫu người lý tưởng thời phong kiến có: anh hùng, thuyền quyên, quân tử, anh hào, trượng phu, thục nữ, liệt nữ, thiên kim, nam nhi, nữ nhi, quý nhân, kim ngọc, kim lang, công hầu, nam thanh, nữ tú, minh quân, tài tử, giai nhân… Nói về mối quan hệ gia đình, nghĩa tình hay quan niệm về tình yêu mang màu sắc Nho giáo có: phu thê, phụ mẫu, nhơn ngãi, căn duyên, keo sơn, đoạn trường, nhân hậu, gá nghĩa, tái sanh, tri âm, tri kỷ, nhơn đạo, gia can, can thường, song thân, hồng nhan, đôn hậu, ái ân, nhân tình, mẫu thân, huynh đệ, keo sơn… Nói về thế giới tự nhiên có: sơn băng, thủy kiệt, nhật nguyệt, tứ hải, hoạn dương, dã tràng, tùng lâm, non đoài, sơn hà, cù lao, giang san... Nói về luân lý, đạo đức con người: tào khang, tam tòng, tứ đức, ông tơ, bà nguyệt, ô thước, chương đài, loan phụng, ngôn dung, song kiều, thiên lý mã, vạn lý cân, tam cương, ngũ thường, hiếu trung… Các từ nói về nơi chốn, chỗ ở, đồ dùng, tính cách của người đẹp: quần thoa, nguyệt hoa, loan phòng, phấn thổ, quần hồng, giọt châu, nhu mì, màn loan, màn rồng, gối phụng, thủ tiết... 
Phần lớn từ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ giữ nguyên hình thức ngữ âm như khi chúng được dùng trong thơ ca dân gian ở vùng miền khác hoặc trong văn chương bác học. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có một số từ Hán Việt có hiện tượng biến âm theo hướng phương ngữ hóa, chẳng hạn nhơn đạo, nhơn ngãi, phú quới, loan phụng... 
- Đời phải đời thịnh trị 
Cuộc phải cuộc văn minh 
Kìa là gió mát trăng thanh 
Biết đâu nhơn đạo bày tình cho vui. 
- Anh gặp em đây đứng lại giữa đàng 
Muốn phân nhơn ngãi, em ngỡ ngàng khó phân 
- Thương em chưa cạn chung trà 
Muốn gầy loan phụng, trời đà khiến xa. 
Trong ca dao Nam Bộ, không ít từ Hán Việt được sử dụng để chỉ đồ đạc, nơi ở, tính cách của giai nhân. Phải chăng với dân gian, những gì thuộc về giai nhân đều đẹp, đều sang trọng, cao quý. 
Thuyền em đậu bến Châu Giang 
Bấy lâu đóng cửa phòng loan đợi chờ. 
Xưa nay, tình yêu đôi lứa luôn là một đề tài muôn thuở, cho nên việc mượn từ Hán Việt nhất là động từ nhằm thể hiện tâm tư, tình cảm, ý nguyện của người dân luôn được các tác giả dân gian hướng đến, đó là ước mong xây đắp được một tình yêu đẹp, nên thơ; là thể hiện sự giao duyên, kết nghĩa chung tình, là thể hiện tình yêu thủy chung trọn vẹn.  
Gặp lúc trăng thanh, gió mát 
Thú nào vui bằng thú hát huê tình 
Trời xui hội ngộ, hai đứa mình kết duyên. 
Hội ngộ là gặp nhau nhưng nếu dùng hai chữ gặp nhau của từ thuần Việt lại rất đỗi bình thường, đó có thể là sự gặp gỡ của bạn bè, của anh chị em, của bà con xóm giềng. Còn hội ngộ lại mang nhiều tầng nghĩa, phải có duyên mới được gặp nhau. Bài ca dao chính là một lời tỏ tình ngụ ý, bóng gió xa xôi về chuyện tình duyên đôi lứa. Hội ngộ chứa đựng nguồn cảm xúc sâu nặng của người nói, dồn nén nhiều tâm tư tình cảm và sự vui mừng khi gặp được người có thể nên duyên. Vì thế, trong bài ca dao trên, không có từ thuần Việt cùng nghĩa nào có thể thay thế được hai chữ hội ngộ. Trường hợp bài ca dao sau đây, từ Hán Việt cũng được dùng đắc địa: 
Chị Hạnh Ngươn thủ tiết 
Ai có biết chăng là 
Sống nhơ không chịu, chẳng thà chết thơm. 
Hạnh Ngươn tức Hạnh Nguyên - nhân vật trong truyện Nhị Độ Mai. Hạnh Nguyên là con gái Trần Đông Sơ, đã hứa hôn với Mai Bích - tên tự là Lương Ngọc, con trai của Mai Bá Cao. Vì cha Hạnh Nguyên có hiềm khích với quan thái sư là Lư Kỷ nên Lư Kỷ trả thù, tâu vua bắt Hạnh Nguyên đi cống Hồ. Đi nửa đường, Hạnh Nguyên đã gieo mình xuống sông để thủ tiết, may nhờ có thần cứu trợ, về sau được sum họp cùng Lương Ngọc. Khó có từ thuần Việt mang nghĩa tương đương nào thay thế cho từ thủ tiết mà vẫn giữ được ý nghĩa và sắc thái biểu cảm như khi dùng hai từ này được. Thủ tiết là giữ và bảo vệ tình cảm thủy chung, son sắt đối với người mình yêu thương. Thủ tiết khơi gợi một tư thế gìn giữ, bảo vệ chắc chắn phẩm tiết với một quyết tâm cao độ, chính lẽ đó, nó có một âm hưởng vang vọng, tạo sắc thái trang trọng, tao nhã; đặc biệt, tạo được cảm giác quí trọng ở người nghe. 
Trong ca dao Nam Bộ, từ Hán-Việt cũng thường được dùng để thể hiện tính cách của con người. Đặc biệt, trong sự đối lập với từ thuần Việt, giá trị biểu đạt của chúng càng thể hiện rõ: 
Nên thì lập kiểng trồng hoa 
Chẳng nên đá kiểng trồng cà dái dê. 
Chẳng nên thiếp trở lộn về 
Dưỡng nuôi từ mẫu trọn bề hiếu trung. 
Hai chữ hiếu trung là chỉ sự kính yêu, biết ơn của con cái đối với hai đấng sinh thành, hiếu trung đồng nghĩa với hiếu thảo nhưng hiếu thảo là tấm lòng hướng về cha mẹ, có thể không ngày đêm cận kề chăm sóc, còn hiếu trung là tận tâm, suốt đời ở bên cạnh chăm sóc, lo lắng, báo đáp cho mẹ cha. 
Tình nghĩa phụ tử là ghi lòng tạc dạ; tình nghĩa phu thê là thủy chung, son sắt. Tục ngữ có câu “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Ở đây, quan trọng là phải có sự yêu thương, tin tưởng từ hai phía. Vợ chồng phải đồng lòng, cùng nhau xây dựng và vun đắp hạnh phúc. Khi phu xướng thì phụ phải tùy, cuộc sống vợ chồng viên mãn, hạnh phúc. Thông kinh sử ấy phần nam tử Giữ nét na là phận nữ nhi Xử sao vẹn chữ xướng tùy Tiếng ừ thì dễ em lo nghì về sau. Từ Hán Việt có thể được dùng tương đương nghĩa với từ thuần Việt, hay cũng có những từ Hán Việt được dùng mà không có từ thuần Việt mang nét nghĩa tương đương. Ngoài ra còn có sự kết hợp giữa hai thành tố Hán Việt. Chính sự đa dạng trong việc sử dụng các từ có cấu tạo khác nhau đã mang lại cho lớp từ Hán Việt một giá trị biểu đạt nổi bật và ấn tượng trong các sáng tác của ca dao Nam Bộ. 2.2.1.3. Từ nghề nghiệp 
Theo Đinh Trọng Lạc trong cuốn 99 phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt, "từ nghề nghiệp là những từ biểu thị công cụ lao động, sản phẩm lao động, quá trình sản xuất của một nghề nào đó thường chỉ được người trong ngành đó biết và sử dụng" [37, tr.28]. 
Chúng tôi đã tiến hành thống kê và nhận thấy có 47 từ nghề nghiệp với 60 lần xuất hiện (2,13%). Khảo sát cụ thể từ nghề nghiệp ở một số bài ca, chúng tôi có bảng thống kê sau đây:  
Bảng 2.3. Thống kê từ nghề nghiệp 
trong một số bài ca dao Nam Bộ
 STT
BÀI 
CA DAO/TRANG
TỔNG SỐ TỪ 
SỐ LƯỢT TỪ 
NGHỀ NGHIỆP 
TỪ NGHỀ NGHIỆP
1
Bài 54/ 135 
 14 
 đưa đò
2
Bài 774/240 
 14 
 2 
 bứt choại, bện đăng 
3
Bài 162/ 155  55 
 2 
 bán muối
4
Bài 169/ 156  28   2  cuốc đất, trồng cau
5
Bài 177/ 158   30  1
 buôn
6
Bài 453/ 195  28  1   làm mướn 
7
Bài 847/ 250   17  1   trồng
8
Bài 1922/ 390   15  đắp đập, be bờ, lờ
9
Bài 1923/ 390  15   3  gánh gạch xây thành, trồng cây
10
Bài 1926/ 390   18   1  xe sợi 
11
Bài 1504/ 336   29   4  đắp lũy bồi thành, trồng cây, hái trái
12
Bài 1332/ 314   17   1   thổi kèn
13
Bài 1334/ 314   16  1 thợ bào
14
Bài 1333/ 314   17   1 thợ cưa
15
Bài 1338/ 314   25  2  hò, hát
16
Bài 1359 / 317  16   1  quăng câu
17
Bài 2597/ 478  14   1  bán
18
Bài 2600/ 478  14  chèo ghe
19
Bài 2602/ 478  14   3 
chèo ghe, bắt cua, bắt rùa
20
Bài 2607/ 479  14   2  bắt nhái, cắm câu
21
Bài 2608/ 479   14   1 bắt kéc
22
Bài 2610/ 479   28   1  đi đăng 
23
Bài 2611/ 480 28  1   đi cày
24
Bài 2612/ 480   28  1  bán khoai 
25
Bài 2743/ 496   30   4 
thông ngôn, thợ bạc,ký lục
26
Bài 2688/ 489   17   ghe chài
27
Bài 112/ 145   17    1 hát bội 
28
Bài 274/ 172  23  lưới
29
Bài 297/ 175  14   4  cắt, may, đột, viền
30
Bài 298/ 175 
 14 
 vá 
31
Bài 354/ 183 
 15  
 1 
 rẫy 
32
Bài 356/ 183
 15  
 1 
 lờ 
33
Bài 411/ 190
16
1
nhuộm
34
Bài 507/ 203 
 14 
 hái
35
Bài 510/ 204 
 24 
 2 
 kép, đào
36
Bài 573/ 212 
 21 
 3 
 chài, lưới 
37
Bài 588/ 214 
 14 
 2 
 chẻ tre, bện sáo 
38
Bài 590/ 214 
14 
 3 
chẻ tre, lựa lóng, đan sàng 
39
Bài 233/ 166 
28
 3
om, lò
40
Bài 223/ 164 
28 
 4 
  gánh
41
Bài 197/ 161 
 14 
 2 
 cấy mướn
42
Bài 668/ 225 
 14 
 2
bán vàm 
43
Bài 680/ 227
32 
 2 
buôn bán, làm mướn 
44
Bài 770/ 240 
 14 
 1 
 chèo đò 
45
 Bài 773/ 240 
 14 
 1 
xay gạo
46
Bài 959/ 265 
14 
 2 
bắt ốc, hái rau
47
Bài 1210/ 299  
 16  
 1 
 nóp 
48
Bài 1394/ 322 
 14 
 1 
 tát nước 
49
 Bài 1498/ 335  
  28 
  1 
  may 
50
Bài 228/ 165 
86 
 9 
 cần câu

Từ nghề nghiệp trong ca dao Nam Bộ là lớp từ được tác giả dân gian sử dụng nhằm phản ánh, diễn tả cuộc sống lao động, cung cách sinh hoạt về vật chất và tinh thần của người dân vùng này. 
Tùy theo phạm vi, mức độ phản ánh gắn với đặc điểm riêng của lớp từ cụ thể về nghĩa mà chúng tôi đã phân loại và tìm hiểu luôn cả những cách sử dụng từ nghề nghiệp trong ca dao Nam Bộ. 
a) Lớp từ nghề nghiệp gắn với các phương tiện giao thông trên sông nước 
Nói đến Nam Bộ, người ta nghĩ ngay tới một vùng sông nước bao la, cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu gắn liền với sông nước nên ghe, đò, xuồng... đã trở thành phương tiện di chuyển, là "chân đi" của người dân vùng Nam Bộ. Vì vậy, dù nghèo khó, người dân Nam Bộ vẫn cố dành dụm sắm cho mình chiếc ghe, chiếc xuồng làm phương tiện đi lại. Từ những chiếc ghe, xuồng bơi, chèo, chống, luồn lách trong kênh, rạch nhỏ đến những chiếc ghe, tàu vài chục tấn, vài trăm tấn bằng động cơ máy nổ được sử dụng đan xen với nhau tạo nên nét đặc trưng riêng của vùng sông nước phương Nam này. 
Thậm chí, ghe, xuồng, thuyền... còn là mái ấm của nhiều gia đình. Việc ăn, ngủ, nghỉ trên đó đã trở thành nếp sinh hoạt của dân Nam Bộ và họ đã dùng những phương tiện đó phục vụ cho nhu cầu mưu sinh của mình. 
Chẳng hạn, có những nghề liên quan tới “chân đi” như nghề đưa đò, chèo ghe, ghe chài… 
Chừng nào chợ Quán hết vôi 
Thủ Thiêm hết gạo, em thôi đưa đò. 
Nghề đưa đò là nghề chèo đò chở khách qua sông. Nam Bộ vốn là một vùng sông nước bao la, cuộc sống của người dân nơi đây gắn liền với sông nước. Thuở xa xưa, vùng đất này không có cầu như bây giờ, họa chăng chỉ có mấy cây cầu khỉ bắc qua rạch, mương còn những con sông lớn phải dùng ghe, đò mới có thể sang bờ bên kia được. 
Đừng ham hốt bạc ghe chài 
Cột buồm cao bao lúa nặng, tấm đòn dài khó đi. 
Ghe xuồng không chỉ phục vụ việc đi lại và chuyên chở của con người mà còn là phương tiện đánh bắt thủy hải sản. Cư dân Nam Bộ có tập quán sống ven sông rạch, có nguồn cá tôm rất dồi dào nên người ta dùng chiếc ghe, chiếc xuồng của mình để đánh bắt cá, tôm: câu tôm, câu cá, giăng lưới, cất vó, đặt lọp, xây nò, đóng đáy cọc, chài lưới, thả câu... Chiếc xuồng, chiếc ghe, con đò còn phục vụ cho việc buôn bán rồi kết thành điểm chợ buôn bán, trao đổi hàng hóa trên sông, hình thành nên các khu chợ nổi hội tụ đủ các loại người tứ xứ đến buôn bán, làm ăn. Từ những người dân bình thường đến những kẻ tứ cố vô thân, rời bỏ quê hương tha phương kiếm sống, với một chiếc ghe chất đầy hàng hóa, nay họ ở chỗ này, mai chỗ khác, len lỏi vào tận những con kênh, con rạch, những đường nước hẹp đem hàng hóa phục vụ đến tận nhà... 
Sông nước là một đặc trưng nổi bật của vùng đất Nam Bộ mà gắn liền với nó là các sự vật, hiện tượng có liên quan và tất cả đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. Đây là lớp từ có sự đa dạng về tên gọi, phong phú và đậm nét, góp phần biểu hiện nét đặc trưng văn hóa rất riêng của Nam Bộ. 
b) Lớp từ nói về nghề đánh bắt thủy sản 
Miền tây Nam Bộ có diện tích mặt nước trên đồng ruộng, diện tích mặt nước trên sông, rạch, ao, hồ, đìa, đầm, vuông, xẻo… là nơi cung cấp nguồn lợi thủy sản như: cá, tôm, cua,… vùng nước ngọt, nước lợ. Đây là nguồn thực phẩm tự nhiên, sạch, an toàn và ngon. Do đó, khi đi tìm hiểu ca dao Nam Bộ, chúng ta bắt gặp nhiều nghề nghiệp gắn liền với sông nước: giăng câu, cắm câu, bắt cua, bắt rùa, bắt nhái... hay những dụng cụ lao động quen thuộc phục vụ việc đánh bắt như: thõng, lờ, lưới... 
Chèo ghe xuống biển bắt cua 
Bắt cua cua kẹp, bắt rùa rùa bơi. 
Cua, rùa là những loại động vật của miền sông nước nên chúng cũng trở thành thức ăn chính của người dân nơi đây. Việc đánh bắt những loài rùa, rắn, cá, tôm đã trở thành nghề để mưu sinh khi cuộc sống còn quá nhiều lo toan, vất vả. 
Bấy lâu đến ngọn sông chờ 
Muốn tìm cá lớn phải nhờ trời mưa 
Tiếc công đắp đập be bờ 
Để ai quảy đó mang lờ đến đơm. 
Lờ làm bằng ruột tre, cọng chuốt nhỏ. Lờ mảnh khảnh hơn lọp và nò nhiều lần vì lờ chỉ để đặt các loại cá nhỏ như cá sặc, cá chốt mà thôi. Có loại lờ bốn hom và loại lờ hai hom. Gặp phải lươn rằn chui vào thì sức lờ chịu không nổi. 
Ngoài lờ còn có dụng cụ đánh bắt khác như nơm - vật dụng làm bằng các thanh tre vót nhẵn, đầu nhọn hướng xuống phần miệng. Trên túm lại cỡ bằng cái tô, dưới miệng lớn bằng miệng thúng nhỏ. Những vũng nước nhỏ nghi có cá, người ta dùng nơm để bắt. Một dụng cụ khác là trúm - một ống tre già được thông mắt, mắt cuối cùng được chừa lại. Miệng trúm có hom, hom được đan bằng các thanh tre vót nhỏ, bện bằng dây lạt cà bắp (cây lá dừa nước còn non, chưa thành tàu lá), mồi nhử thường là cá, cua chết có mùi hôi, đặt trúm nơi bưng biền lắm lát, nhiều sậy. Lươn thích ăn thịt cá chết, tìm đến chui vào trúm và kẹt luôn trong đó. 
Người ta cũng có thể đánh cá bằng hình thức câu. Cần câu cá thường làm bằng trúc, tre. Cần câu có nhiều loại, tùy theo từng loại cá, mồi và cách cắm cũng khác nhau, chẳng hạn:  
Mặt nhìn trăng, trăng lại còn khuya 
Muốn quăng câu sợ cá mê đìa không ăn. 
Một số dụng cụ đánh bắt cá khác được người dân Nam Bộ quen dùng như chài, vó, dớ, đuôi chuột, lưới, sệp... Cách cấu tạo mỗi loại có khác nhau, nhưng chủ yếu là để bắt cá dưới sông. Chài được người vãi ra chụp lấy cá, tôm. Lưới thì giăng những nơi cá, rắn thường qua lại, vó có loại đặt cố định, có loại cất lên, đặt xuống; đuôi chuột bện bằng lưới, ven đăng rồi đặt suốt ngày đêm; sệp là lưới mắc vào hai thanh tre gác tréo rồi dùng sức người đẩy. 
Người Nam Bộ còn dùng lọp bắt cá. Lọp làm bằng tre, có hai hom: hom trước và hom sau. Cá, rùa, cua, tôm chui vào không tìm được đường ra, vì bị hom sau chặn đường, cứ thế, chủ đến “đổ lọp” mang về. 
Thủy sản vùng Nam Bộ rất phong phú. Nghề đánh bắt cũng đa dạng. Điều này phản ánh rõ qua lớp từ chỉ nghề nghiệp trong ca dao vùng đất này. 
c) Lớp từ chỉ nghề nông nghiệp 
Nam Bộ là nơi có những miệt vườn tốt tươi và đa dạng với nghề trồng lúa, trồng cây ăn trái. Trong những bài, câu ca dao Nam Bộ, vùng đất miệt vườn hiện lên rất đặc trưng với những sản phẩm thiên nhiên mang đậm sắc thái địa phương. 
Đất Kỷ cang anh trồng hàng vạn thọ 
Anh đi cưới vợ vườn về đọ với em. 
Vạn thọ là loài hoa tượng trưng cho sự vĩnh hằng, việc chàng trai trồng một hàng vạn thọ ngụ ý muốn thể hiện tấm lòng sắt son dành cho cô gái. Chàng trai mong muốn cưới được người vợ cùng nghề nghiệp canh điền như mình, có như thế tình cảm mới vững bền. Ngoài ra, lớp từ chỉ thiên nhiên, hoa trái miệt vườn cũng đem lại nhiều màu sắc: chôm chôm, nhãn, quýt, cam, dừa, kiểng, măng cụt, mãng cầu, sầu riêng, nhãn lồng, mù u, bình bát, bòn bon...  
- Cam sành rã rượt bờ ao 
Tưởng không anh hái, có rào thì thôi. 
- Bến Tre nước ngọt lắm dừa 
Ruộng vườn màu mỡ, biển thừa cá tôm, 
Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn 
Nghêu sò Cồn Lợi, thuốc ngon Mỏ Cày. 
Thế nhưng, nghề chính của người dân nơi đây vẫn là nghề lúa, quanh năm suốt tháng cày cấy. Việc đồng áng đã ăn sâu vào nếp suy nghĩ, nếp ăn ở và cả nếp sinh hoạt của Nam Bộ. 
Chiều chiều ông Ngữ đi đồng 
Bắt được cá lóc nhăn răng cười hoài 
Chiều chiều ông Ngữ đi cày 
Trâu kéo gãy ách khoanh tay ngồi bờ. 
Sự phong phú của lớp từ nghề nhiệp đã tạo nên dấu ấn rất riêng về vùng đất được thiên nhiên ưu đãi. Những từ biểu thị các nghề được khảo sát và phân tích trên đây phần nào minh chứng cho cung cách sinh hoạt của những con người vùng sông nước Cửu Long dạt dào tình nghĩa, chất phác, thật thà. 
2.2.1.4. Từ địa phương 
Từ địa phương là những từ chỉ được dùng trong các phương ngữ, các thổ ngữ [39, tr.30]; là lớp từ chỉ thông dụng trong một địa phương mà không phổ biến ở các địa phương khác. 
Sự xuất hiện của từ địa phương trong ca dao Nam Bộ là điều tất yếu. Trong cuốn Ca dao Nam Bộ (Bảo Định Giang chủ trì biên soạn), có 705 từ địa phương với 5009 lần xuất hiện, chiếm 25,04%, trong đó, danh từ có 309 đơn vị, chiếm 10,9%/ 2816 bài ca dao; động từ có 178 đơn vị, chiếm 6,3%/ 2816 bài ca dao; tính từ có 160 đơn vị, chiếm 5,7%/ 2816 bài ca dao; đại từ có 16 đơn vị, chiếm 0,58%/ 2816 bài ca dao; phụ từ có 25 đơn vị, chiếm 0,9%/ 2816 bài ca dao. Kết quả cụ thể được phản ánh trong bảng thống kê sau:  
Bảng 2.4. Thống kê từ địa phương 
trong một số bài ca dao Nam Bộ 
 STT
BÀI 
CA DAO/TRANG
TỔNG SỐ TỪ 
SỐ LƯỢT TỪ ĐỊA PHƯƠNG
TỪ ĐỊA PHƯƠNG ĐƯỢC SỬ DỤNG

1
Bài 113/ 146 
 112
 2 
cẳng
2
Bài 58/ 136 
42
 3 
 trổ 
3
Bài 372/ 185
16 
 5 
bậu, qua
4
Bài 286/ 174
 14 
 1 
má 
5
Bài 342/ 181 
 28 
1
 đươn
6
Bài 165/ 157
 28 
 5 
qua
7
Bài 557/ 210 
 44 
 1
tui 
8
Bài 05/ 126 
 14
 1 
miệt
9
Bài 2681/ 488 
 14 
 1
tèm hem
10
Bài 1809/ 375 
 19 
 1 
trển
11
Bài 882/ 255 
25 
 1 
thiệt
12
Bài 2068/ 408 
 15 
 4 
đẻ, má
13
Bài 769/ 240
14
 1
heo 
14
Bài 1063/ 280 
 28 
 2
 rày, đặng
15
Bài 802/ 244 
14 
 1 
 phang
16
Bài 1838/ 379 
 30 
 xí gạt
17
Bài 955/ 265 
28 
 3 
 hun
18
Bài 1054/ 278 
47 
 1 
 chỉ 
19
Bài 172/ 157 
14 
 1 
giựt
20
Bài 1071/ 281 
 28 
 ưng
21
Bài 2087/ 410 
 14 
 1 
chun
22
Bài 1047/ 329
 30 
 1
 rầu  
23
Bài 1364/ 318 
 15 
 1
mần
24
Bài 813/ 245 
 18
 thơm
25
Bài 877/ 254 
26 
 2 
 tỏ, lờ
26
Bài 952/ 264 
 37 
 2 
sanh
27
Bài 860/ 252
 14 
 1 
ẳm 
28
Bài 854/251 
19 
 1
đờn 
29
Bài 1081/282 
14
 vắn
30
Bài 1164/ 292 
15 
 1 
 trái 
31
Bài 2603/ 478 
 14 
 2  
 thằng 
32
Bài 789/ 242 
 17
 1 
bữa 
33
Bài 2612/ 480 
 28 
 1
tía
34
Bài 2647/ 484 
 15 
 1 
mình ên
35
Bài 1378/ 
 28 
 1
thủng thẳng
36
Bài 1136/ 289 
 14 
 1 
 chửa
37
Bài 1470/ 332 
 14 
 1 
bớ
38
Bài 1434/ 327 
 14
 1 
 khứa
39
Bài 1453/ 330 
 14 
 1 
 bển
40
Bài 2683/ 489 
14 
 1 
giò
41
Bài 2809/ 504 
 28 
 5
cậu, mợ, đờn, hờn
42
Bài 1824/ 377 
30 
 1 
nức
43
Bài 1847/ 380 
 19 
 2 
đờn, quờn
44
Bài 1938/ 391 
14 
 2 
nường
45
Bài 11/ 127 
14 
 1 
lượm
46
Bài 1344/ 315 
 18 
coi
47
 Bài 933/ 262 
  17 
  1 
 lột 
Từ địa phương Nam Bộ trong ca dao thể hiện những khía cạnh khác nhau của tự nhiên, đời sống xã hội cũng như những cung bậc khác nhau trong tâm tư, tình cảm của con người Nam Bộ. 
Danh từ trong từ địa phương Nam Bộ chiếm số lượng khá lớn. Thông qua lớp từ địa phương, ta thấy con người Nam Bộ ăn mặc rất giản dị và thể hiện rõ nét đặc trưng của vùng sông nước: áo bà ba, áo vá vai, áo vá quàng, khăn rằn... không lẫn với vùng miền khác trong nước Việt Nam. Chẳng hạn: 
- Khăn rằn nhúng nước ướt mem 
Tại anh chậm bước nên em có chồng. 
- Áo vá vai vợ ai không biết 
Áo vá quàng chí quyết vợ anh. 
Khăn rằn là loại khăn thưa, có sọc ô vuông, có ô đen trắng hoặc xanh dương trắng, thường được dân Nam Bộ đi đường mang theo quấn ở cổ; áo vá quàng là áo có vá ở vai qua lưng, chỉ sự nghèo khổ, áo bà ba là loại áo không có bâu, thân ngắn, tay dài có xẻ hở ở hai bên hông, được mặc thường ngày, khá phổ biến của phụ nữ Nam Bộ. 
Khi nhắc đến Nam Bộ, người ta nghĩ ngay tới một vùng sông nước bao la, cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu gắn liền với sông nước nên các danh từ địa phương chỉ các phương tiện di chuyển, là "chân đi" thậm chí là mái ấm (nơi ăn uống, ngủ nghỉ) của người dân vùng Nam Bộ: ghe, đò, xuồng... cũng xuất hiện khá nhiều. 
Chèo ghe sợ sấu cắn chưn 
Xuống bưng sợ đỉa, lên rừng sợ ma. 
Phổ biến nhất trong các phương tiện đi lại là ghe. Ghe gắn liền với vùng sông nước bao la, ghe được ghép từ nhiều miếng ván (có thể từ 13 - 21 miếng), thường có mui che. Đây là một phương tiện phổ biến nhất, gắn liền trong sinh hoạt đời sống của người Nam Bộ: ghe làm nhà ở, ghe bán hàng, ghe đưa đò, ghe đi chở thuê, có nhiều tên gọi để phân biệt ghe dựa vào đặc điểm hình dáng khác nhau của chúng như: ghe bầu, ghe lê. 
Còn bưng, nếu không phải dân Nam Bộ, khó ai hiểu được bưng là gì. Bưng là vùng đất hoang vu, ít có người đặt chân đến. 
Những từ địa phương trên xuất hiện là bắt nguồn từ thực tế ứng xử của người Nam Bộ với môi trường sông nước, đó là chứng tích của một nền văn minh sông nước trong ca dao. 
Trong ca dao, động từ là lớp từ mang đậm sắc thái địa phương, chẳng hạn: 
Ví dầu nhà dột cột xiêu 
Muốn đi nói vợ sợ nhiều miệng ăn 
Nhiều miệng ăn rằng anh không sợ 
Sợ duyên nợ không tròn gieo khổ cho nhau. 
Động từ nói trong bài ca dao trên có nghĩa là dạm hỏi, đi hỏi vợ, nghĩa là gia đình người con trai đến nhà người con gái để xin hỏi cưới người con gái cho con trai của mình. Nếu trong phương ngữ miền Trung, từ rầy để chỉ sự xấu hổ, mắc cỡ thì trong phương ngữ Nam Bộ, từ rầy có nghĩa là la, mắng, trách: 
Trăng lên con nước rong đầy 
Anh đừng đến nữa, má rầy khổ em. 
Từ xài là từ được dùng rất phổ biến trong giao tiếp của người Nam Bộ bởi tính chất đặc sắc và linh hoạt của nó.  
Anh đừng ham chữ phú mà phụ chữ bần 
Bạc trăm xài hết, ngãi duyên trần còn đây. 
Từ xài có rất nhiều nghĩa: xài1 tiêu sử dụng tiền vào việc mua sắm, ăn chơi; xài2 dùng, sử dụng mang lại một tiện ích nào đó cho con người; xài3 hay thay đổi trong quan hệ, hoặc sử dụng người, cách nói có hàm ý phê phán. 
Như vậy, từ xài trong bài ca dao trên đồng nghĩa với tiêu, dùng trong tiếng Việt toàn dân; tuy nhiên, tiêu, dùng không phải là hai từ đồng nghĩa cho nên từ xài có nghĩa rất rộng khiến cho chúng ta có nhiều cách hiểu khác nhau và hiểu như thế nào là phụ thuộc vào ngữ cảnh nhất định. 
Trong các sáng tác của ca dao Nam Bộ, tính từ cũng có một vai trò rất lớn trong việc thể hiện sắc thái địa phương Nam Bộ. Đây là lớp từ biểu thị tính chất, đặc tính khác nhau của sự vật, hiện tượng. Nhóm tính từ biểu thị mức độ nhẹ: líu ríu, lờ đờ, rưng rưng, le the, lắt lẻo. Những từ này tồn tại chủ yếu dưới dạng từ láy làm cho sắc thái có giảm nhẹ nên khi đọc ta có cảm giác êm ái, dễ nghe. 
Gió hiu hiu chín chiều ruột thắt 
Nhìn sao bên bắc, nước mắt chảy bên đông 
Ai xui chi những vợ vợ chồng chồng 
Không biết đây với đó dây tơ hồng có xe? 
Khi dùng nhóm tính từ này mục đích mà tác giả dân gian muốn hướng đến là làm giảm tính chất của sự việc, tạo cảm giác dễ chịu, êm ái lẫn dễ nghe. 
Nhóm tính từ biểu thị mức độ cao: chua lét, héo don, héo xàu, tèm hem, tối hụ, non èo, rũ liệt... Những từ này chủ yếu là từ ghép, chúng hàm chứa ý nghĩa tuyệt đối về đặc trưng tính chất. Trong ca dao Nam Bộ, nhóm từ này làm nổi rõ đặc điểm của sự vật ở mức độ cao nhất, nó được nhấn mạnh nhằm gây hiệu quả, tác động đến người nghe. 
Chim chuyền nhành ớt líu lo 
Lòng thương quân tử ốm o gầy mòn.  
Cái phép dụng vần trong ca dao không phải chỉ cốt đọc sao cho trơn tru mà cao hơn, nó thể hiện chiều sâu của ý, góp phần tạo hình tượng cho thơ: từ ốm o biểu thị tình trạng của con người, chỉ mức độ gầy gò chỉ còn da bọc xương. 
Gió lao rao tàu cau ngã liệt 
Anh xa em rồi rũ riệt chân tay. 
Rũ riệt chỉ sự mệt mỏi đến tột cùng có thể không gượng dậy nổi. Có thể thấy, lớp tính từ biểu thị mức độ của đặc điểm, tính chất là lớp từ mang tính khẩu ngữ, bình dị và thân quen của người dân Nam Bộ: vừa gây ấn tượng, vừa gợi hình cụ thể. Đặc biệt nhất là sự xuất hiện của từ láy trong lớp tính từ hết sức riêng biệt nhưng đầy lý thú về lời ăn, tiếng nói của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. 
Bên cạnh danh từ, động từ, tính từ, trong ca dao Nam Bộ, cách dùng đại từ cũng rất đáng chú ý. Theo khảo sát của chúng tôi, những đại từ có tần số xuất hiện cao nhất trong cuốn Ca dao Nam Bộ: bậu (198 lần, chiếm 7,03%), qua (85 lần, chiếm 3,01% ), tui (14 lần, chiếm 0,49%). 
Những số liệu trên đây đã cho thấy sự phong phú của lớp đại từ này trong ca dao của Nam Bộ. Trong quan hệ giao tiếp hiện nay, người Nam Bộ ít khi dùng bậu, qua, nhưng trong ca dao xưa, những đại từ này vẫn được sử dụng rất phổ biến. 
- Phong Bình đẹp lắm ai ơi 
Bậu về bên đó cho tôi về cùng. 
- Ai che con mắt bậu đi 
Bậu coi đồng bạc, đồng chì như nhau. 
Hai đại từ bậu, qua được dùng trong quan hệ xưng hô nam - nữ, vợ - chồng hoặc người yêu. Trong phương ngữ Nam Bộ, bậu nghĩa là bạn, qua nghĩa là tôi, ta và hai từ này ta chưa bao giờ bắt gặp ở phương ngữ Bắc Bộ. Sự khác biệt trong lối xưng hô này đã tạo nên một sắc thái rất riêng của vùng đất Nam Bộ. 
Mặc dù nhóm đại từ trong sáng tác ca dao của Nam Bộ có số lượng không nhiều, nhưng cũng đã góp phần thể hiện sắc thái địa phương rất rõ, ví dụ: bển (bên ấy), ổng (ông ấy), trển (trên ấy), chỉ (chị ấy), ngoải (ngoài ấy). 
- Em thương anh hết sức thương, nhớ hết sức nhớ 
Gặp anh vô cớ em chẳng dám nhìn 
Sợ chị lớn ở nhà chỉ sanh tâm biến tánh, hốt hỏa lôi đình 
Chỉ rình ngã ba, chỉ đón ngã bảy, không biết chết mình hay hại em. 
- Tay nắm tay cho chắc, mặt giáp mặt cho tường 
Để chiều nay về trển đôi đường cách xa. 
Những từ trên là hiện tượng rút gọn trong cách nói của người Nam Bộ, đây là một hiện tượng rất độc đáo mà ta không thể tìm thấy trong các sáng tác ca dao của Bắc và Trung Bộ. 
Ngoài ra, trong ca dao Nam Bộ, lớp phụ từ tuy số lượng không nhiều nhưng cách sử dụng cũng có những nét đặc sắc. Có những phụ từ mang sắc thái địa phương rõ rệt: mình ên, dữ... Nếu là người địa phương khác, khi đọc những câu ca dao như vậy, khó có thể hiểu ngay được ý nghĩa của nó. 
Từ đặng là một ví dụ điển hình, so với ngôn ngữ toàn dân, từ đặng có nghĩa tương ứng là được nhưng theo cách giải thích của Từ điển từ ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín [68, tr.48], từ đặng có bốn nghĩa: đặng1 có khả năng hiểu hoặc chấp nhận một điều gì đó; đặng2 sở hữu, có được một cái gì đó thường là tốt đối với mình; đặng3 đạt tiêu chuẩn, đạt yêu cầu, làm cho có thể hài lòng hoặc đủ điều kiện để thực hiện; đặng4 thắng trong một hoạt động nào đó có tranh hơn thua. 
- Ở đây chợ Quán thâm sầu 
Cơm ăn chẳng đặng, ăn trầu giải khuây. 
- Bao giờ cho đặng sum vầy 
Giao hoan đôi mặt dạ này mới vui. 
Tuy nhiên, trong ca dao Nam Bộ, từ đặng tùy từng trượng hợp giao tiếp cụ thể mà có những sắc thái nghĩa khác nhau:  
- Em vái ông tơ vài ve rượu thiệt 
Cầu bà nguyệt năm bảy con gà 
Xui cho đôi lứa hiệp hòa 
Sao em trả lễ đặng mà đáp ơn. 
- Ngó lên am tự chùa vàng 
Tu thời đặng đó bỏ nàng ai nuôi? 
Trong hai bài ca dao trên, đặng ở đây có nghĩa là để, để mà. Với nghĩa này, đặng đã làm cho bài ca dao vừa có ý nhẹ nhàng vừa đạt được mục đích diễn đạt. 
Trong vốn từ của một dân tộc, từ ngữ địa phương có sắc thái phong cách hết sức rõ rệt. Không phải ngẫu nhiên, trong các sáng tác dân gian, từ địa phương thường xuất hiện với tần số cao. Nhờ lớp từ này mà chúng ta có thể hiểu rõ hơn sắc thái văn hóa trong cách sử dụng từ ngữ của người dân một vùng miền cụ thể. Có thể thấy rõ điều này trong ca dao Nam Bộ. Việc sử dụng phong phú, đa dạng từ địa phương là một nét đặc biệt của ngôn ngữ văn hóa Nam Bộ, nhờ đó, đời sống tinh thần của con người vùng đồng bằng sông Cửu Long mới được biểu hiện đầy đủ đến thế. 
2.2.1.5. Từ láy 
Từ láy là những từ "được cấu tạo bằng cách nhân đôi tiếng gốc theo những quy tắc nhất định sao cho quan hệ giữa các tiếng trong từ vừa điệp vừa đối hài hòa với nhau về âm, và có giá trị biểu trưng hóa" [39, tr.33]. 
Trong thơ ca nói chung, thơ ca dân gian nói riêng, từ láy thường được sử dụng rất nhiều. Ca dao Nam Bộ cũng không phải là ngoại lệ. Khảo sát 2816 câu trong cuốn Ca dao Nam Bộ (Bảo Định Giang), chúng tôi thấy có 166 từ được sử dụng, với 281 lượt xuất hiện, chiếm tỷ lệ 10%. Số liệu cụ thể ở một số bài như sau:  
Bảng 2.5. Thống kê từ láy trong một số bài ca dao Nam Bộ 
 STT
BÀI 
CA DAO/TRANG
TỔNG SỐ TỪ
ĐƯỢC SỬ DỤNG
SỐ LƯỢT TỪ LÁY
TỪ LÁY
1
Bài 1/ 126
14 
lai láng
2
Bài 9/ 127 
28 
 1 
 lạnh lùng
3
Bài 18/ 129 
14 
 lờ đờ
4
Bài 20/ 129 
 28  
 1 
thong dong 
5
Bài 21/ 130 
 29 
 1 
so đo
6
Bài 46/ 134 
14 
 1 
 chiều chiều
7
Bài 69/ 138 
 14 
 1
 lấp lánh 
8
Bài 65/ 138
27  
 3
ròng ròng, hủng hỉnh, lia thia 
9
Bài 75/ 139 
 28  
 2 
 linh đinh, dật dờ 
10
Bài 103/ 143 
28  
 2  
 lù mù, lưa thưa 
11
Bài 109/ 145
28 
thon thon 
12
Bài 110/145 
 14 
 1
róc rách 
13
Bài 117/ 146 
 14 
 2 
mênh mông, óng ánh
14
Bài 742/ 236
  2 
 2 
 xinh xinh, nho nhỏ 
15
Bài 139/ 151 
 14 
 1 
 lênh đênh
16
Bài 191/ 160
14 
 1 
 cúm núm
17
Bài 269/ 171 
 19 
 1
lòng thòng
18
Bài 307/ 176 
 31
 1
 lêu lêu
19
Bài 323/ 178 
 14 
vòi vọi
20
Bài 341/ 181 
 22
 1 
rung rinh
21
Bài 345/ 182
 14 
 1 
xao xác
22
Bài 352/182
 17
 2 
 bát ngát, bâng khuâng
23
Bài 359/ 183 
16 
1
đỏng đảnh
24
Bài 415/ 191 
 15 
 bòng bòng
25
Bài 422/ 192
20
 1 
 cheo leo 
26
Bài 435/ 193 
 39
khoan khoan, sẵn sàng
27
Bài 436/ 193 
22
 1
vật vờ
28
Bài 439/ 194 
 16 
 2 
le the, lúp xúp
29
Bài 444/ 194 
28 
 1
cha chả 
30
Bài 449/ 195 
14 
 1 
xa xôi 
31
Bài 478/ 199 
 14 
 1  
 rộn ràng 
32
Bài 516/ 205 
 34 
 1
 long đong 
33
Bài 537/ 207 
14 
 thủng thẳng
34
Bài 526/ 206 
 17 
 1 
 ngại ngùng
35
Bài 587/ 214 
 14 
 1 
 lận đận
36
Bài 609/ 217 
 29 
 1 
 bơ vơ
37
Bài 644/ 222 
 14
 1
 tang tình
38
 Bài 650/ 223 
  14 
 1 
 thỏ thẻ
39
 Bài 658/ 224  
14 
  1  
 thăm thẳm 
40
Bài 664/ 225  
 29 
 1 
 se sẻ 
41
Bài 1854/ 381 
 14 
 1 
 hân hấn
42
Bài 922/ 261 
 14 
 2 
rủ rỉ, rù rì  
43
Bài 677/ 226
 24 
 phũ phàng
44
Bài 690/ 228 
21  
 2 
 bồn chồn, dè dặt  
45
Bài 712/ 230 
 19 
 1 
 vấn vương
46
Bài 727/ 233
 33 
trắc trở
47
Bài 735/ 234
 33 
 3 
tăng lăng, tíu líu, lịu địu
Nguyễn Thị Thanh Hằng
Theo http://lib.sgu.edu.vn:84/







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Miền cổ tích hoang hư 2

Miền cổ tích hoang hư 2 7 - Ngọ... Chiếc tàu thu mua hải sản ném Phương lên bờ tại cảng cá tanh hôi và ồn ào của Hải Phòng. Lôi thôi lếch ...