Xuân tượng trưng - Tuyên ngôn
của thi sĩ rút hết Tinh huyết
cho thơ
Trong Thi nhân Việt Nam, thi sĩ Bích Khê được Hoài Thanh
và Hoài Chân chọn đăng hai bài: Duy tân và Xuân tượng trưng. Đặc
biệt, dưới bài Xuân tượng trưng, tác giả Thi nhân Việt Nam có
ghi chú: “Chúng tôi trích bài này vì chiều theo yêu cầu của ông Bích Khê”.
Trong lá thư gửi hai ông Hoài Thanh, Hoài Chân ngày 07/01/1941, Bích Khê nói ba
bài ông thích nhất là Duy tân, Nấm mộ Bích Khê, Giờ trút linh hồn.
Nhưng bức thư đề ngày 25/10/1941, Bích Khê lại nói ông thích bài Xuân tượng
trưng hơn cả(1). Vậy, có thể nói, tác giả Bích Khê đã rất cân nhắc và
xem Xuân tượng trưng là bài thơ ông ưa nhất, có thể hiểu theo nghĩa
tiêu biểu nhất cho khuynh hướng thơ “duy tân” theo thi phái tượng trưng của
mình.
Chủ nghĩa tượng trưng (tiếng Pháp: symbolisme) - trào lưu nghệ thuật, triết mỹ
xuất hiện ở Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX do Baudelaire khởi xướng - được
ra đời trên nguyên tắc mỹ học cho rằng giữa vũ trụ huyền bí và con người có những
mối liên hệ siêu việt. Thơ cần và phải nắm bắt những tương giao mơ hồ đó bằng sự
tương ứng giữa các giác quan, giữa màu sắc, ánh sáng, âm thanh, hương thơm,...
Những biểu tượng nghệ thuật được/ bị mờ hóa là công cụ hữu hiệu để vươn tới vẻ
đẹp siêu nghiệm của thế giới. Cùng với trực giác và biểu tượng, âm nhạc, mà thường
là âm giai du dương, là phương tiện đắc lực giúp nhà thơ đến được những ý niệm
huyền nhiệm và ý tưởng vô biên.
Phong trào Thơ mới ra đời với ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn
phương Tây, thành công siêu tốc với nhiều ngọn cờ phấp phới trên đường tiến: Thế
Lữ, Vũ Đình Liên, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Nguyễn Nhược Pháp, Xuân Diệu, Huy Cận,
Nguyễn Bính, v.v… Nhưng đến nửa cuối thập niên ba mươi, các thi sĩ Thơ mới ý thức
cần phải tìm hướng cách tân Thơ mới một lần nữa. Địa hạt thơ tượng trưng, siêu
thực nảy mầm hy vọng với Trường thơ Loạn, sau đó là nhóm Xuân thu nhã
tập và Dạ Đài, trong đó Trường thơ Loạn (Hàn Mặc Tử, Chế
Lan Viên, Xuân Khai (tức Yến Lan), Bích Khê,…) đóng vai trò chuyển hướng. Tên của
thi phái được Hàn Mặc Tử lấy từ chữ “loạn” trong tập Giếng loạn của Yến
Lan.
Bích Khê (1916 - 1946) lúc sinh thời chỉ in một tập Tinh
huyết năm 1939. Tập thơ in đậm phong vị của lối thơ do Hàn Mặc Tử khởi xướng,
đã góp phần đưa Thơ mới (1932 - 1945) từ chủ nghĩa lãng mạn chuyển nhanh sang ảnh
hưởng của trường phái thơ tượng trưng. Năm 1941, tác giả Thi nhân Việt Nam sơ
kết một chặng đường mười năm của phong trào Thơ mới đã trân trọng nhắc đến Bích
Khê: “Từ Xuân Diệu, Huy Cận, thơ Việt Nam đã có tính cách thơ Pháp lối tượng
trưng. Nhưng còn dè dặt. Bích Khê và ít người nữa như Xuân Sanh muốn đi đến chỗ
người ta thường cho là cao nhất trong thơ tượng trưng: Mallarmé, Valéry.”(2)
Khác với Hàn Mặc Tử tuyên ngôn về thơ, về nhà thơ và việc làm
thơ, Bích Khê chỉ sáng tác thơ. Nhưng qua thơ, Bích Khê tỏ rõ là “người công
dân trung thành của vương quốc” (tức Trường thơ Loạn). Trong lời tựa cho tập Tinh
huyết, Hàn Mặc Tử viết: “Ta có thể sánh văn thơ của Bích Khê như đóa hoa thần dị...
Và đem phân chất, ta sẽ thấy thơ chàng gồm có ba tính cách khác nhau: thơ tượng
trưng, thơ huyền diệu và thơ trụy lạc... Sự điên cuồng ấy uyên nguyên ở một phần
thiên tài, và ở một phần sự “Đau khổ”.
Bích Khê giống Hàn Mặc Tử ở chỗ cả hai đều mắc căn bệnh nan
y: Hàn Mặc Tử bệnh phong, Bích Khê bệnh lao. Vì vậy, bên cạnh những lý thuyết
thơ tượng trưng họ theo đuổi, thơ họ không thể không có ảnh hưởng của tâm lý cuồng
đau ác bệnh. Thi sĩ Hàn Mặc Tử làm Thơ Điên, Bích Khê có thơ Cuồng.
Tuy nhiên, với họ, quan niệm thơ vẫn là sự hòa điệu giữa “tượng trưng” và “huyền
diệu”, xứng đáng với những danh hiệu “thế giới kỳ dị” (lời Hoài Thanh về thơ
Hàn Mặc Tử), “đóa hoa thần dị” (lời Hàn Mặc Tử trao tặng Bích Khê).
Tập thơ Tinh huyết (1939) được Bích Khê sắp xếp
thành bốn phần: 1. Nhạc và lệ tặng Hàn Mặc Tử (người viết tựa),
2. Đẹp và dâm tặng Hoàng Trọng Miên (người viết bạt),
3. Cuồng và ánh sáng tặng hai anh Thoại và Hường,
4. Châu. Bài Xuân tượng trưng và Duy tân trong bản in lại năm 1995 (NXB Hội Nhà văn) được đưa vào mục Những bài thơ khác.
2. Đẹp và dâm tặng Hoàng Trọng Miên (người viết bạt),
3. Cuồng và ánh sáng tặng hai anh Thoại và Hường,
4. Châu. Bài Xuân tượng trưng và Duy tân trong bản in lại năm 1995 (NXB Hội Nhà văn) được đưa vào mục Những bài thơ khác.
Đi vào thế giới nghệ thuật Tinh huyết, có thể thấy mùa
thu hiện diện khá trội, như trong các bài Duy tân, Tỳ bà, Hoàng
hoa, Nghê thường, v.v… Nhưng bài Xuân tượng trưng chọn không - thời
gian nghệ thuật là đêm xuân:
- Đêm nay, xuân đã lại
Thuần túy và tượng trưng
Rừng xuân đêm ấy tắm ánh trăng, đâu đây một thứ âm nhạc huyền
diệu đến huyền hồ cất lên mang tới cảm giác nghiêng sang ảo giác:
Nâng
lên núm vú đồi
Sữa trăng nhi nhỉ giọt
Nếu thơ Chế Lan Viên mang âm hưởng bí ẩn, tỏ mờ của thành Đồ
Bàn (Bình Định) “điêu tàn” thì thơ Bích Khê vốn thường được sáng tác quanh Cổ
Lũy cô thôn (Quảng Ngãi) - những miền đất xưa của dân tộc Chiêm Thành - cũng thật
“man dại” và huyền bí. Tuy thế, chất “man dại” ấy của thơ Bích Khê cái chính là
do quan niệm thơ tượng trưng mang lại.
Bích Khê làm thơ khá sớm (15 tuổi) với các thể Đường luật, từ
khúc, hát nói. Nhưng khi Bích Khê đến với phong trào Thơ mới, chỉ trong vòng nửa
năm, ông đã bắt kịp tinh thần thơ tượng trưng để có đóng góp xuất thần cho sự
thống nhất mà đa dạng của thi phái Trường thơ Loạn bằng tập Tinh huyết và
nhiều thi phẩm khác (mà mấy chục năm sau mới được in, gọi là di cảo).
Bích Khê hầu như không tuyên ngôn mà quan niệm được thể hiện
qua sáng tác. Tuy vậy, cũng như các thi hữu xứ Bình Định, nhà thơ đất Thu Xà Quảng
Ngãi cũng quan niệm thơ là sự tận cùng đau thương đồng thời là tận cùng hoan lạc:
Thơ
bay về tắm mát suối âm ty
Xác tôi chết lạnh trôi đi
Lấy ai siêu độ từ bi;
Hồn xiêu hồn đến quy y bên nàng!
(Thơ bay)
Theo Bích Khê, thi sĩ có mặt ở trên đời là thực hiện thiên chức
đi tìm khoái lạc đến đê mê trong “thuần túy tượng trưng” để bật ra thơ làm cho
người khác cũng khoái lạc khi đọc thơ; thi sĩ say mê đến cuồng nhiệt đi tìm cái
siêu đẹp để sáng tạo. Điểm độc đáo nhất của quan niệm Bích Khê là cái đẹp ấy có
thể đến từ bất cứ nơi đâu dù thanh cao hay kinh dị, miễn là nó gây nên khoái cảm
cho thi sĩ. Đi vào thế giới nghệ thuật Tinh huyết, bạn đọc tìm thấy thế giới
của cái Đẹp “thuần túy”, dẫu đó là cái “sọ người”:
Ôi
khối mộng của hồn thơ chuếnh choáng
Ôi buồng xuân hơ hớ cánh đào sương
Ôi bình vàng! Ôi chén ngọc đầy hương!
Ôi hồ nguyệt đọng nhiều trăng lấp loáng!
(Sọ người)
Huống gì, Xuân tượng trưng là thế giới kỳ diệu, huyền
diệu của mùa xuân - nàng xuân:
Hỡi Lời ca man dại,
Ðiệu nhạc thở hơi rừng,
- Ðêm nay xuân đã lại
Thuần túy là tượng trưng
Ðiệu nhạc thở hơi rừng,
- Ðêm nay xuân đã lại
Thuần túy là tượng trưng
Thi sĩ phát huy tối đa sự cộng hưởng các giác quan, tất cả
ngũ giác, cả cảm giác, nhất là trực giác, tạc nên chân dung Nàng Xuân thần thái
khiết trong, ngời ngời. Dáng xuân trong thân vóc mỹ nữ với những đường cong tuyệt
mỹ của “núm vú đồi”, “khe uốn mình giai nhân”, “đường non dáng hình khỏa thân”,
“rồng uốn vóc tùng cong”…
Với dáng vóc ấy, Xuân tượng trưng sở hữu một sắc
xuân ưu việt, đọng ghém bao tinh hoa, tinh túy của thế giới mầu nhiệm. Đó là sắc
đẹp mềm mại hơn liễu (cụm liễu khơi), đài các hơn châu ngọc (tía ngọc), thướt
tha hơn lụa mây (lụa mây nẩy vàng), điệu đà hơn bộ lông công đang xòe (xòe xòe
màu lông công), gợi cảm hơn môi đào hé mở (môi đào chờ khoái lạc)… Một sắc xuân
ngời ngợi rời rợi mà mơ mơ hồ hồ!
Nàng Xuân ấy mang sức xuân thanh tân, rạng ngời, tỏa phát, phập
phồng nhựa sống qua những động từ, ngữ động từ diễn tả sự khởi đầu nhưng là cái
khởi đầu trong mỹ mãn: “nâng lên”, “nẩy”, “bén”, “điểm”, “uốn”, “múa”, “bốc lên”,
“ngậm”, “phun”…
Gây ấn tượng nhất là tình xuân nồng nàn, phơi phới, mê man:
Nâng lên núm vú đồi
Sữa trăng nhi nhỉ giọt
Sữa trăng nhi nhỉ giọt
Ðường non khéo điêu khắc
Những dáng hình khỏa thân
Những dáng hình khỏa thân
Ý xuân mát đến xương
Ngậm tuyết phun lã chã!
Ngậm tuyết phun lã chã!
Nàng Xuân vi diệu đến ảo diệu ấy là biểu tượng cho thần thái thơ tượng trưng mà
tác giả của nó muốn tuyên ngôn, muốn “triển lãm”; “đê mê”, “chới với” như đến với
một tín ngưỡng. Không! Hơn cả tín ngưỡng, một tôn giáo: “Hồn tôi như đỉnh hương/ Bốc
lên mình thánh giá”. Tuy nhiên, con chiên trong tôn giáo ấy không ứng xử theo
cung cách chiêm bái thông thường mà nhập cuộc đắm say, tận hưởng, hoan lạc.
Không phải chỉ một Xuân tượng trưng, thơ Bích Khê nhiều, rất nhiều lần,
ran lên khoái lạc như thế:
Thơ lõa
thể! - giai nhân tuần trăng mật,
Nữ thần ơi! Ta! Nô lệ bên người!
(Duy tân)
Quả là, thế giới thơ tượng trưng của Bích Khê đầy hình bóng giai nhân, với nhiều
chi tiết về hình thể, thân thể với vẻ đẹp nhục cảm mà vẫn trắng trong tinh khiết;
ham muốn tận hưởng vẻ đẹp nhục thể rất thánh thiện chứ không phải là ham muốn
trần tục. Đó là thi pháp thơ Bích Khê, là tư duy thơ mà tác giả gọi tên là “Đẹp
và dâm” - một cách ám thị quan niệm: thi hứng là những nguồn cảm hứng,
đột hứng tinh sạch, thơm tho!
Thơ tượng trưng coi trọng tính nhạc: “Âm nhạc trên hết, trên tất cả”
(Verlaine), “Thơ là sự dao động giữa âm thanh và ý nghĩa” (Valéry). Và thơ tượng
trưng ưa những điệu du dương, buồn buồn. Bích Khê vẫn được nhắc nhỏm đến với tư
cách nhà thơ cách tân những điệu nhạc bay bay lơi lơi lả lả bằng những bài thơ
toàn vần bằng như Tỳ bà, Hoàng hoa,…
Xuân tượng trưng mang nhạc điệu của hơi thở rừng, của
sương phất phơ, của gió lên,… Đó là thứ siêu âm đưa tâm linh đến vũ trụ tinh
túy. Ở bài thơ này, Bích Khê chọn lối thơ năm chữ, ngắt nhịp linh hoạt, mà đa
phần không ngắt nhịp. Toàn bài 29 câu chỉ có hai câu ngắt nhịp bất thường nhưng
thực chất là do lối thơ vắt dòng:
Những cườm tay điểm hột
Sương. Phất phơ lau lách
Sương. Phất phơ lau lách
Lời ca như hạc theo
Gió lên. (Tình múa reo
Những điệu vàng châu báu)
Gió lên. (Tình múa reo
Những điệu vàng châu báu)
như những nốt lặng trên bản giao hưởng du dương. Câu số 15 - câu chính giữa bài thơ: “Chủ xuân đang triển lãm!” - có bản chép tách riêng ra
một đoạn, chia bản nhạc thành hai trường đoạn: đoạn một gồm 14 câu chuẩn bị tiết
tấu cho “trăng” (ánh sáng) - “lời ca” (cái đẹp) “cuồng” lên, đoạn cuối cũng 14
câu là thi cảm bay bổng khơi vơi đậm đặc “thuần túy và tượng trưng”.
Có thể xem Xuân tượng trưng là thi phẩm tiêu biếu nhất cho Tinh
huyết nói riêng, cho thơ Bích Khê nói chung. Một bầu khí quyển mộng mị
(đêm trăng xuân), một tâm thế siêu thăng (“lời ca” xuất hiện hai lần), hình tượng
thơ giàu tính biểu tượng, nhạc thơ bay bổng. Đó là phút giây đạt đến tận cùng
siêu thăng nghệ thuật của “thi sĩ thần linh” trong tình điệu thơ “tượng trưng
thuần túy”.
Nếu thơ Hàn Mặc Tử từ “đau thương” vút lên cõi “thanh khí”
“sáng láng”, Chế Lan Viên “điêu tàn” trong bóng tối với tháp mờ, hồn ma, yêu
tinh, xương tủy,… thì Bích Khê rút “tinh huyết” cho cái đẹp “tượng trưng” chiết
ra từ “nhạc và lệ”, “đẹp và dâm”, “cuồng và ánh sáng” để đạt đến sự thăng hoa tột
đỉnh trong cõi thực tại.
Trong Trường thơ Loạn, tất cả đều trung thành với
“khuynh hướng thơ Baudelaire” nhưng mỗi thi sĩ đều có khát vọng tạo một cách tiếp
cận và biểu hiện của riêng mình. “Hàn Mặc Tử chủ trương thơ Điên. Chế Lan Viên
làm thơ Loạn […] Bích Khê làm thơ Dâm, hiểu theo nghĩa ông phơi mở và đề cao
thân thể người phụ nữ và các hoạt động thân thể mà ông cho là Đẹp, là Thơ.” (Phạm
Xuân Nguyên)(4). Gần mười năm, cùng với Hàn thi sĩ và Chế thi sĩ, Bích Khê thi
sĩ đã góp những vầng hào quang rực rỡ khác lạ trên thi đàn Thơ mới, góp sức
thúc đẩy Thơ mới đi nhanh hơn, tạo tiền đề cho thành tựu của phong trào thơ lộng
lẫy này cho đến khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
(1), (2), (3). Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam,
NXB Thanh Hóa, 2006.
(4). Phạm Xuân Nguyên, Bích Khê - “thi sĩ thần linh”,
thơ “lõa thể”, http://www.bichkhe.org/.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét