Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2019

Đọc thơ Lê Quốc Hán

Đọc thơ Lê Quốc Hán
(Trạm dừng chân thứ tư: Bất biến, 
NXB Hội nhà văn2009)
Bất biến, tập thơ mới, “trạm dừng chân thứ tư” trên hành trình thơ của Lê Quốc Hán. Một tập thơ có hình thức độc đáo. Độc đáo không vì cái khổ vuông 17-17, cái màu bìa tím trầm hắt hiu mà vì cái thư - tờ rơi ở bên trong của tác giả gửi bạn đọc. Nhà thơ gợi ý: 36 bài thơ của tập làm thành 9 chùm, mỗi chùm bốn bài, sau mỗi chùm là một trang để trắng mà tác gỉa gọi là “bài thơ không lời” - khoảng lặng mong độc giả dừng chân suy nghẫm. Đã có những khoảng lặng trong dòng thơ, bài thơ, nay ta lại gặp những khoảng lặng trong tập thơ. Mỗi nhà thơ là một cá tính, mỗi tập thơ là một cách cảm nhận riêng tư trước cuộc đời, đây cũng chỉ là một ước vọng nhỏ khiêm tốn của tác giả, người đọc rộng tình có thể tìm được vài phút thú vị nơi cái khoảng lặng đó chăng? Anh đã có ba tập thơ, ba chặng đường sáng tạo: Lời khấn nguyện (1996), Bến vô cùng (1999), Mạc khải (2004. Cuộc hành trình về bến thi ca của nhà toán học (anh là PGS Toán học ở ĐHSP Vinh) đã được 15 năm, bằng con số thời gian lưu lạc của nàng Kiều, có nghĩa là với tập thơ này anh đã là một thi sĩ khá ổn định về phong cách để thăng bằng hai loại tư duy toán học và thi ca, lôgic và hình tượng mà theo anh chúng không hề mâu thuẩn mà hổ trợ cho nhau trong những nhân cách văn hoà lớn thời hiện đại “Toán học và thi ca có những sự giao thoa sâu sắc rộng lớn và đã vô tình tạo nên một sợi dây vô hình nối kết chặt chẽ chúng với nhau [...] Toán học xem trí tuệ là mẫu thân, thi ca tôn thờ tâm hồn là mẹ hiền.” (tr76)
Tập thơ có một dáng vẻ riêng trong dòng thơ hiện nay, cái dáng riêng này phát triển từ tập thơ đầu cho đến bây giờ, nó “bất biến” theo thời gian chỉ ngày càng phong phú thêm. Đó là sự hài hòa trí tuệ và tâm hồn là sắc thái “tĩnh” Phương Đông trong sự trầm tích văn hoá nói chung và thơ ca nói riêng, mà đương đại nhiều nhà văn hoá tìm đến. Nói một cách khác, thơ anh say đắm mà trầm tĩnh và nhiều chiêm nghiệm, trong đó ánh sáng tâm linh đóng vai trò không nhò như là sườn cốt của tập thơ. Lời đề từ: “những gì chưa rõ hình hài, thì xin có mặt trong vài câu thơ” phần nào nói lên cái định tính này, nói rõ cái dạng thức  thơ ca của anh.
Anh thiên về những cái chưa rõ hình hài, cái tâm linh. Tập thơ trước có một câu thơ được bạn đọc lưu tâm “Nhắm  mát nhìn xuyên bốn cõi, trông ra thế giới mù lòa“. Anh chiêm nghiệm cuộc đời bằng ánh sáng nội tâm. Sự rung cảm nhân sinh gói trọn trong ánh sáng trí tuệ. Phải chăng đó là nét riêng của tập thơ mới này và của thơ anh nói chung. Tình cảm trong thơ anh “đậm hương thơm tư tưởng” hay nói như Bielinski “lạ lùng sao trí nhớ (tuệ) của con tim!“
Trên phương diện đề tài, anh khai thác nhiều các tâm thế trừu tượng của đời sống. Cứ đọc tên các bài thơ thì rõ: “ga thời gian”, “chén đời”, “vĩnh hằng”, “tin”, “phận”, “bất biến”, “tồn tại”... Anh có hai bài thơ về thời gian Ga thời gian và Bài thơ thời gian, trong đó thời gian phân thân thành nhiều dạng  hữu hình và vô hinh, trong ta và ngoài ta: ga thời gian, con tàu thời gian, cây thời gian. Thời gian khách quan và thời gian tâm linh, hình tượng thơ xui ta nghĩ đến cái đồng hồ thời gian nửa phẳng nửa nghiêng  trong tranh Sanvado Dali.
đêm đêm thường mơ/ chuyến tàu thời gian/ giật lùi phía trước
đêm đêm thương mơ/ cây thời gian đôi bờ/ rể  mọc ngược
ga cuối cùng lạnh ngắt/ hoa thẹn  thùng cúi mặt.
(ga thời gian)
Trái đất ơi ngược vòng quay/ cho ta nhặt lại cái ngày đầu tiên.
(bài thơ thời gian)
Thời gian và cuộc đời trong thơ anh có một liên kết,một tương quan nghịch lý, thời gian thì trôi xuôi mà anh lai mong nó chạy ngược, mong nó giật lùi phía trước, mong nó ngược vòng quay... vì anh sợ nếu thời gian trôi nhanh, hạnh phúc, niềm vui vụt biến đã đành nhưng anh lại sợ hơn, thời gian trôi đi cuộc sống càng đầy thêm nhiều nghịch lý nhiều cay đắng, chẳng được “trong trẻo” nguyên vẹn như ngày còn thơ, ngày xưa; đến ga cuối cùng ấy cuộc đời “lạnh ngắt” và tất cả... đến hoa cũng thẹn thùng cúi mặt!
Đọc thơ anh dễ mà cũng khó. Khó hiểu muốn qua nhanh,nhưng dừng lại suy ngẫm hiểu rồi thấy thích. Cấu tứ thơ anh thường là những nghịch dụ, những so sánh ngầm dựa trên các mâu thuẫn nhân sinh. Tập thơ có nhiều bài viết về tinh cảm gia đình, về cha mẹ, về bè bạn, tình yêu như bốn khúc ca về mẹ, gặp em ở bến Ninh Kiều, bất biến, mây Hàn, Vũng Tàu đêm nay... Thế sự, gia đinh, sự nghiệp, tình yêu, hiện hữu trong những mâu thuẩn nội tâm, những băn khoăn, lo âu, vui buồn... nhưng nhà thơ với niềm mong ước nhân văn  khuyên ta trở về “bến thiện” ban đầu. Cái cảm giác chung là khi ra khỏi các bài thơ người đọc ít nhiều cảm thấy mình vừa mừng vui, vừa lo âu... Ở Vũng Tàu thi “chưa quen đã lạ”, ở Ninh Kiêu thì “ngập ngừng chưa kịp cầm tay, ngước lên: Sông Hậu rót đầy mắt em”. Những giọt nước mắt chia ly!
Một phương diện cảm nhận khác  về cuộc đời trong thơ anh là triết lý nhân quả. Nhà thơ nghĩ rằng cuôc đời không có gì từ hư không. Tồn tại có cái nhân hợp lý của nó Gốc nào quả ấy, rễ nào hoa ấy, nhưng cái điều cảm nhân riêng trong tập thơ anh là nhận thức để cho đời sau tươi đẹp thì đời nay phải hướng thiện, phải hy sinh, để cho cuộc đời thơm hương con người đôi khi phải cay đắng nhẫn nhục! Những triết lý nằm trong chữ “nhẫn” đó phải chăng có đượm màu đạo giới. Nhìn một đóa mai vàng khoe thắm trong sắc xuân, hẳn nhiều người liên tưởng đến nhành mai của Mãn Giác thiền sư như là một tiếp nối cuộc sống vô tận “chớ tưởng xuân tàn hoa rụng hết, đêm qua sân trước một nhành mai”, LQH lại chiêm nghiệm một điều khác, chiêm nghiệm tâm linh về thân phận con người:
gốc mai  già nua/ lá dần thưa/ sắc rũa
sinh ra phận hoa/ xuân gõ cửa ...  
(Phận)
Phận con người là thế, kiếp này già nua, chiụ đựng tàn phai, để mong có một  kiếp sau tươi nở trong màu xuân! Không có một hạnh phúc nào, tươi tốt nào nảy ra từ hư không! Hay như loài sen kia: tháng ngày nép mình lặng lẽ/ hồ ao sau nhà/
không lặn lội trong bùn/ làm sao thơm thảo thế/ 
(nhớ sen)
Thủ pháp nghệ thuật trong Bất biến chủ yếu là các ẩn dụ tâm linh. Kỷ niệm về tình yêu một thuở - hoa cỏ may -  như những mũi tên mà cánh cung thời gian theo tháng ngày rải dần lên mái tóc sương tuyết. Kỷ niệm dẫu buồn (vui) vẫn làm giàu thêm cho tâm hồn tác giả:
đâu rồi hoa cỏ may/ thời gian cong thành nỏ/ hoa chuốt thành tên bay/ có một chiều già buốt/ hoa rủ hình tên rơi/ gió tình cờ nhặt được/ đem rải dần tóc tôi.
(hoa cỏ may)
Nhìn chung tập thơ đưa đến cho người đọc một cảm quan mới về thơ ca. Cái mới chủ yếu là nhịp độ rung cảm, là cách lập tứ giàu tính biểu tượng, là những liên tưởng qua lại giữa hữu thức và vô thức, giữa sắc và không, đôi lúc pha màu siêu thực chứ không dừng lại ở các phép tu từ về ngôn ngữ hay thể loại: không viết hoa, vắt dòng, leo thang, thơ văn xuôi... Bất biến ghi đậm thêm một phong cách thơ không nhằm lặp trong nền thơ hôm nay.
Tháng 3 - 2010
Yến Nhi
Theo http://vanchuongviet.org/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Miền cổ tích hoang hư 2

Miền cổ tích hoang hư 2 7 - Ngọ... Chiếc tàu thu mua hải sản ném Phương lên bờ tại cảng cá tanh hôi và ồn ào của Hải Phòng. Lôi thôi lếch ...