Hoàng Vũ Thuật là nhà thơ trưởng thành từ thời
chống Mỹ, mảnh đất khói lửa Quảng Bình làm nền cho những vần thơ bi
tráng một thời và chính cái chất bi tráng đó phần nào
tạo được nét riêng trong cái nền thơ chùng hào hùng thời bấy giờ. Cho
đến nay anh đã đi một chặng đường dài trên con đường thơ với một hoài
vọng, tự tin riêng và quả thật diện mạo thơ của anh bây giờ đã khác
trước rất nhiều. Đã có mươi đầu sách, mỗi đầu sách là
một cố gắng tự đổi thay để bắt gặp cái khuynh hướng chung của thơ
đương đại và anh đã theo kịp. HVT có thơ đăng khá nhiều trên báo viết
cũng như báo mạng trong cũng như ngoài nước. Sự hội nhập đó cũng
phần nào nói lên cái nét riêng năng động, nhạy cảm của anh so với
các bạn thơ cùng lứa!
1. Những thoáng phiêu diêu tâm linh:
Không khó tìm thấy cái nét mới trong thơ
anh khi ta tiếp cận bất cứ bài thơ nào, tuy nhiên
cái sự thành công, cái nét riêng, cái phẩm tính thi ca
trong bộn bề câu chữ đọng lại nơi hồn người đọc lại không hiện lên
vội vã hào nhoáng mà có phần đằm sâu, buộc người đọc
phải lưu ý làm quen với cách cảm thụ mới
không quá thiên về ý thức, về tư tưởng như cũ. Trước kia
thơ anh cũng như các nhà thơ cùng trang lứa ngồn ngộn chất sống và
chi tiết đời thực, nay đã có phần hòa trộn thực tại với những cảm
thức tâm linh. Cái nét mơ hồ, thoáng đôi chút linh giác vô thức, sự
ngụ ý triết lý trừu tượng đằng sau những cảm nhận cụ thể đã làm
nên cái sương khói khiến người đọc lắng
đọng, muốn tìm tòi suy cảm sau những buồn
vui vội vã. Trước sự mất còn của một sinh thể tác giả
thấy “nghi lể phục sinh lộng lẩy/giữa lạnh lẽo đêm dài/... thiên thần/
thiên thần/ tôi thảng thốt trong mê/ sau nghìn năm vẫn thấy mình đang
bay/ trên chiếc khăn nâu huyền thủy/”. Cõi đời vô thủy vô chung, đời như giấc mơ lớn “xử thế nhược đại
mộng”, mà người xưa từng nhắc đến nay tác giả cùng chung
một cảm khái “... ba vạn chín nghìn bậc ta chưa hết một nghìn/ thôi
ngủ đi ngày mai biết đâu rồi khác/ ta gõ tiêng chuông cho số kiếp lạc
loài/ mây trắng chở về miền thiên hư/”... Băn khoăn về cõi thực, nghĩ
suy về cõi ảo... đó cũng là niềm day dứt của bao thế hệ thi ca Á
Đông chứ không phải riêng HVT hôm nay... Và bức tranh ngôn ngữ về cõi
vĩnh hằng xui ta nghĩ đến một “cõi về” khác bằng màu sắc
trong tranh của Lêvitan (Nga).
“tôi mơ thấy mùa thu/
dưới võng mềm đất ủ/
và mẹ già tay ru/
đưa tôi vào giấc ngủ”
(giấc mơ...)
Nhiều suy tưởng tâm linh, hình tượng thơ cua HVT không
đi theo lối cụ thể lịch sử mà trong nhiều bài nặng về linh
giác - tâm thức.
“... người ơi. Người hay trăng muộn/ mọc xế góc đời ta
đây/ ta mong manh. Và ta lơ lửng/ vô hồn giữa những đám mây”
(vầng trăng hiền thục)
Hay:
“nàng lơ đãng nàng không nhìn rõ/ vòng luân
hồi xô đẩy đêm nay/ ta chỉ là linh hồn cây cỏ/
ta muốn ngừng hơi thở sau cùng/ để ánh sáng
vầng trăng khâm liệm/ chôn đời ta dưới gốc trần gian”
(cây trần gian)
Khi cảm thức đã lấp đầy hư ảo thì cú pháp cũng xô
đẩy bộn bề. Chín sự vật vờ mông lung cuả tâm thức, tạo nên cú pháp:
đây vầng trăng. Đám mây cổ
lang thang nét hoa văn.Và gió
và gương mặt hiền thục hiện về
mùa thu bỏ quên đôi guốc đỏ
(vầng trăng hiền thục)
Câu thơ tự do, lối vắt dòng không mới, dùng nhiều
ẩn dụ - cũng vậy, nhưng lẫn một ít chất siêu thực trong thủ pháp cấu
tứ, đó là nét mơ hồ là bề sau đầy thi vị của hình tượng
thơ!
Cố nhiên ở nhiều bài thơ HVT vẫn xử dụng lối cấu tứ
quen thuộc, lối viết duy cảm, chuộng cách tả thực và suy lý theo
một thế giới quan lôgic, nhất nguyên, đôi khi phảng phất hơi thơ cổ:
tiếng gà vắt ngang rặng tre sớm/ đánh thức hương vườn chín/ trên
thềm/ lấm chấm/ dấu chân rêu. Vẫn gợi cảm và làm tập thơ thêm đa
dạng. Nhưng ở đây chúng tôi chỉ muốn lẩy ra một vài nét mới trong
bộn bề thơ anh để thấy con đường sáng tạo của anh vẫn chưa dừng lại
và độc giả còn có thể chờ đợi một cách lạc quan
về một hồn thơ đang độ chín.
2. Cái Tôi nhọc nhằn thế sự:
Đọc thơ HVT rất khó thấy rõ cái hình hài cụ thể
của hiện thưc, anh cũng có nhắc đên những hàng cây, những
bến đò, những con phố..., nhưng đó chỉ là những cái bóng hiện về
trong tâm tưởng. Đi trong cuộc đời trăn trở suy nghĩ, và những bức ảnh
nhân thế chỉ là cáí cớ để anh bày tỏ nhưng suy cảm của mình. Đó
là cái mạnh nhưng cũng là cái khó của thi sĩ. Tả cụ thể nói được
nhiều chi tiết, dễ nhận biết, thể hiện nội tâm dễ trừu
tượng, khó lĩnh hội và đôi khi chênh vênh trên nhịp cầu siêu thưc. HVT
cố gắng thử sức mình theo dấu chân các nhà thơ lớn đương đại, có
bài thành công, có bài không, nhưng đó là hướng đi đáng trân
trọng. Theo ý chúng tôi đó mới chính là lối đi của thơ, phẩm tính
trở về cái bản chất của thơ mà người đời trông đợi: tâm trạng cuả
nhà thơ trước cuộc đời.
một cái gì đó hiện hữu sẽ tốt lên rất nhiều
cho mỗi thời khắc sống hướng về phía trước
anh đã bước lên không mệt mỏi
bằng đôi chân nối dài
mảnh ghép quả cảm
(một cái gì đó)
Với anh, dẫu tôn trọng cái nét riêng của cá thể thì
trong cuộc đời đầy biến thiên, con người vẫn nối tiếp những
bước đi của lịch sử để mà tiến về phía trước dẫu trải
bao vật vả, khó khăn và mất mát chăng nữa:
ngôi tháp sống với thế giới riêng của mình/ bước chân lịch sử
đang đến đi qua rồi lại đến
dấu rêu xanh mảng tường vỡ viên gạch bào mòn gió mưa
... đời chật hệt căn nhà bộn bề trăm thứ tiện nghi/ tôi tự ném
mình qua cửa sổ
như quả chanh vắt/ khô
(tháp nghiêng)
Cuộc sống với nhiều nghịch lý, nhà thơ bước đi nhiều
trăn trở, và nhìn lại thời gian trôi cháy không thể không thấy những
nét phí pham, những dòng đời đáng tẩy xóa, nhưng không ngừng vươn
tới-một thức nhận cuả con người không mệt mỏi trước ngưỡng cửa chân
lý:
ánh sáng mở ra phía bên này
như trang giấy với nhiều dòng gạch xóa
ánh sáng hệt nét mắt buồn
nhìn ngày tháng cạn dần trôi đi
gạch xóa lên trang giấy đời tôi
(di sản)
Trước ánh sáng chân lý, anh ngộ ra một điều, nhà
thơ là một hành nhân lãng du tha hương lạc lối đang tìm về với những
gì gần gũi mà thân thuộc, từ cõi ảo trở về với bến thực:
một ngôi nhà con, một giếng cát đầy,
một ngôi nhà con, một giếng cát đầy,
một thân cau, một lá trầu cay, một tiếng sơn ca khuya khoắt, một
tia nắng ấm mai này...
... cành cây vươn ra khi anh quỵ xuống
con suối hiện ra cơn khát trưa hè
à ơ đẫm ướt anh và cơn mê
mấy độ tha hương lạc lối tìm về
trong ánh sáng ảo
Nghịch lý cuộc đời, nhưng hữu lý trong sáng tạo, khi
anh suy ngẫm về một hiện hữu sự sống và cái chết, cái mất
đi cái còn lại:
nằm dưới kia
một ông vua một hoàng hậu một người hầu
một thanh gươm một tuấn mã một mê nón
một lệnh truyền một trống giục một lời van
một trung thực một đớn hèn một điên loạn
một ngọn lửa một đêm tối một chiều tà
một vận hạn một thức thời một nguyền rủa
tất cả dưới kia...
Sắc sắc không không, hào quang vương đế một thời qua
đi, trên di hài cũ còn lại chùm hoa mần trầu. Tứ bài thơ không mới
nhưng hình ảnh “đọng”, tương phản giữa quá khứ và hiện tại, giữa
“câm lặng” và “lên tiếng” cuối bài “xoáy” vào người đọc một cảm
giác lạ:
trầm mặc thành quách/ câm lặng
lên tiếng/ bên ngách tường/ xoáy/ chùm hoa mần trầu.
Nhà thơ đi qua thời gian, đi qua không gian
chiêm nghiệm một lối đi trong cuộc đời:
... năm ngày lặn giữa cánh rừng/ trườn qua lối mòn vắng dấu
chân/ gai nghìn tuổi xẻ đôi lòng tay
lá trăm năm mài mòn vòm ngực/ anh là con thú ngồi liếm vết
thương
... năm đêm ngụp trong đám tinh vân/ nhào lộn với bầu trời đen
đặc/đôi cánh tả tơi đôi cánh mọc dậy
chấm sao linh ứng vỡ òa/ anh là chim bão khản giọng mùa qua
(năm ngày đêm).
Bài thơ là một ẩn dụ cả về đường đời lẫn đường
thơ. Có nhà thơ thế kỷ trước ví thi sĩ như con chim bồ nông tự
cắn vỡ ngực mình đem sự sống cho thơ. Nhà thơ thời nay thấy mình như
con thú ngồi liếm vết thương sau chuyến băng rừng đầy gai góc,
như chim báo bão khản giọng sau bao đêm ngụp lặn trong bầu trời
đen mong tìm một lối đi, một nghiệm sinh cho Thơ! Cay đắng
vất vã nhưng hy vọng không nguôi tàn: từng ngày từng ngày từng ngày/ từng
đêm từng đêm từng đêm/ cây khô lại mướt sao tàn lại hiện..
Trong chặng đường mới của thơ anh, cuộc sống hiện lên
không còn đơn giản, một chiều, mà là một thế giới có nhiều nghịch
lý, cuộc đời “không là một thang gác pha lê mà có nhiều đinh và
nhiều dằm gỗ” (Langxtơn Hiugơ), nhà thơ là một hành nhân
nhiều trăn trở, anh muốn tìm về một một bến “thiện” trong đời thực,
không nép mình vào những khuôn sáo cũ, muốn chọn một lối riêng.
3- Những câu thơ hoa vỡ:
Tuy không có nhiều bài thơ nghĩ về nghề, nhưng trong
một số ý tứ độc giả vẫn nhận chân được những suy nghĩ của anh về
nghệ thuật, về người nghệ sĩ. Thơ không thề tách rời cuộc
sông, mãi mãi mang ơn Đời:
bông hoa vỡ ngàn cánh máu
rỏ xuống lót ổ câu thơ
bào thai thiên thần
(hoa vỡ)
Thơ phải thể hiện nhịp thở cuộc sống,dẫu trực tiếp
hay gián tiếp, dẫu êm ái hay dữ dội, thơ luôn phập phồng hơi thở cuộc sống, Chính sự phập phồng đó tạo nên chân giá trị của Thơ.
con thuyền neo hai bờ sông mắt/ những câu thơ phía bên kia tường/ vọng
tới mái ngói đã ngủ
... phố hệt người đàn bà/ im lìm giữa cát và sóng/ câu thơ cơn
gió chướng/ phập phồng vạt áo tơ
Vượt lên kỷ niệm một thời, gián tiếp qua những bức
Chân dung thơ của Nhà thơ Xuân Sách, tác giả muốn gửi gắm một tâm sự, một ai điếu cho quá khứ, rút ra những bài học cho sáng tạo nghệ
thuật hôm nay. Những thăng trầm hiện trên trang giấy:
.... hiện ra trên trang giấy những gương mặt/ chằng chịt đường
gân thớ thịt căng phồng
... cái thời/ trên gương mặt ấy/ chân lý đường cong/ cái
nhíu mày/ đủ cho người ta đi thụt lùi ra cửa
... trên trang giấy gương mặt ông vẽ/ máu thấm bao cánh hoa/
không còn hương sắc/ những cánh hoa/ bốc cháy/ nơi miền đất chết
... gương mặt của cõi người/ ông để tang từng số phận
(Chân dung)
HVT nhà thơ có quan niệm sống và quan niệm thơ ca nhất
quán và cấp tiến. Anh không chọn lối đi bằng phẳng dễ dãi,
vì như vậy “sức sáng tạo vì thế bị chững lại”. Anh đề cao cá tính sáng
tạo, dấu ấn cá nhân - nhân tố tạo sức sống bền lâu cho thơ
ca:
“... Chúng ta đều nhận thức tác phẩm văn học mang dấu ấn cá
nhân thường là tác phẩm giàu năng lượng sáng tạo, thu hút người đọc và sức sống
bền lâu. Bởi vì bản sắc xã hội của mỗi người là những hạt nhân tích cực góp phần
làm nên cá tính sáng tạo. Không nhà văn nào khi cầm bút lại không say sưa với
những chi tiết đời thường nhỏ nhặt, khuất lấp đâu đó, trái nghịch đâu đó, nhưng
đó là những nét có khả năng khái quát tô đậm bức tranh rộng lớn, thấm đẫm thân
phận của một cộng đồng, một dân tộc. Tôi e rằng cứ chăm chăm vào cái lớn lao,
say mê với viễn cảnh bao la trời đất dễ dàng không nhìn thấy nơi mình đang đứng,
bóng dáng cụ thể của chính mình.”
(Hoàng Vũ Thuật - Tham luận tại Hội thảo Văn học với xu thế
hội nhập, các tỉnh bắc miền Trung - Sầm Sơn - Thanh Hóa, 17-18/12/2008).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét