Có một chợ trăng của nữ nhi cửu vạn
(Bình bài thơ Chợ đêm Long Biên
của nhà thơ Nguyễn Thị Mai)
Buôn đêm để bán sáng ngày
Một vùng không ngủ kề ngay phố phường. Ngợp trời rau quả muôn phương Về đây từ khắp nẻo đường bán mua. Chợ đêm dù bão dù mưa Vẫn đông người vợ, vẫn thưa người chồng Chuyển khuân, bốc dỡ, gánh gồng Nón che kín mặt kiếm đồng sinh nhai Nữ nhi cửu vạn đêm dài Vác khiêng hùng hục, sụn vai vẹo người Giữ lành quả ngọt, rau tươi Chị tay đen đúa, em cười nhọ nhem Mồ hôi, sương muối ố hoen Buốt lưng cửu vạn đã quen với nghề Đồng công năm bảy sẻ chia Nẻo cơm quán trọ, nẻo về nuôi con Chợ trăng đêm khuyết đêm tròn Khiêng sương, vác gió cũng mòn hai vai Bữa ngon, hiểu được mấy ai? Chỉ cây cầu biết, thở dài với sông Nguyễn Thị Mai Lời bình:
Bài thơ Chợ đêm Long Biên của nhà thơ Nguyễn Thị Mai được
giải nhì (không có giải nhất) trong cuộc thi thơ lục bát với chủ đề
"Ngàn năm thương nhớ" do 6 báo đồng tổ chức năm 2010, trong đó có
báo Văn nghệ, nhân dịp kỷ niệm đại lễ Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội.
Buôn đêm để bán sáng ngày/ Một vùng không ngủ kề ngay phố
phường. Với cách lập ngôn: mua đêm, bán ngày nghe có vẻ lạ. Chinh sự lạ ấy mà
ngay từ cặp câu mở này đã đưa ta tới một phiên chợ bằng những hoạt động của
những người mua đi bán lại, những nữ nhi “cửu vạn” khuân vác diễn ra sôi động
quần quật thâu đêm suốt sáng. Tất cả làm nên một không gian riêng - "một
vùng không ngủ", "vùng không ngủ" có lẽ chỉ có trong khái niệm
không gian văn học mà nhà thơ sáng tạo nên
Có thể nói, ở bất cứ phiên chợ nào, thì số đông người tới
chợ vẫn là phụ nữ, nhưng nữ ở Chợ đêm Long Biên chắc có điều gì khác lạ, nên
nhà thơ không gọi vậy, mà: Chợ đêm dù bão dù mưa/ Vẫn đông người vợ vẫn
thưa người chồng. Nếu thiếu cảm quan tinh nhạy, ta dễ mắc sai lầm, nghĩ nhà
thơ làm phức tạp những vấn đề đơn giản. Sao lại còn phải người vợ, người chồng
trong thi cảnh này? Xin thưa! đó là lối “bẻ ghi” điệu nghệ, cách biến đổi
sáng tạo, hướng người đọc vào một điều hệ trọng khác, vào khái niệm thiên chức
gia đình, để khai thác về thân phận người phụ nữ, và những đòi hỏi về giải
phóng phụ nữ, bình đẳng giới - tư tưởng chủ đạo, cái đích đến của bài thơ.
Đã là vợ chồng trong gia đình, thì dù “luật bất thành văn”
mọi công to việc lớn, vất vả nặng nhọc đương nhiên người chồng phải đảm nhận,
vì họ vốn "chân yếu tay mềm". Thế là đã rõ cái dụng ý thâm sâu của
nhà thơ không dễ nhận ra.
Nhà thơ Nguyễn Thị Mai thường rất thành công khi đưa những
thành ngữ, ca dao, thậm chí cả tiếng lóng trong ngôn ngữ đời thường hợp thi cảnh
rất hiệu quả cho thơ. Ví như: “nữ nhi cửu vạn" làm tăng cái sự ngược đời,
trái khoáy, việc đáng lẽ của người chồng nhưng ở đây người vợ phải gánh vác.
Trừ những người chồng ích kỷ vô cảm, còn liệu ai có thể cam lòng để người vợ
phải "vác khiêng hùng hục, sụn vai vẹo người". Nhưng đó lại là một
thực trạng phổ biến đang diễn ra hàng ngày trong đời sống xã hội, không chỉ ở
Chợ đêm Long Biên, nên công tác bình đẳng giới và những đòi hỏi bức xúc giải
phóng phụ nữ phải được đặt ra ở một nước tiến bộ, văn minh.
Đức tính nhân hậu, hiền thục, chịu thương chịu khó lam làm
của người phục nữ Việt Nam vốn có đã ngàn đời được nhà thơ khai thác tôn
vinh. Họ không oán thán kêu ca, muốn cho mọi sự vẹn tròn. Nặng nhọc mệt mỏi
là thế, nhưng vẫn luôn nhắc nhau phải khéo léo, nhẹ nhàng tay chân, để
"giữ lành quả ngọt rau tươi". Bởi, niềm vui hạnh phúc của
họ chỉ có thể có được khi tiếng cười đầy ắp trong mỗi bữa ăn của mọi nhà. Được
vậy thì dẫu "Chị tay đen đúa, em cười nhọ nhem" cũng bõ, cũng thỏa. Dù
khi cuộc sống mưu sinh hàng ngày với họ thật nghiệt ngã: "Đồng công năm bảy
sẻ chia/ Nẻo cơm quán trọ, nẻo về nuôi con". Đồng công là sự sống của cả
gia đình họ mỗi ngày, quan trọng là thế, nhưng đồng thời "Giữ lành quả
ngọt rau tươi" cũng mang lại cho họ mãn nguyện, và quan trọng chẳng kém.
Có lẽ với họ, đó là “thương hiệu”, là uy tín của những “nữ nhi cửu vạn”. Nguyễn
Thị Mai gây ấn tượng với người đọc bằng những chi tiết rất điển hình, ngôn ngữ
giản dị nhưng tinh tế và hóm hỉnh, mà hiệu quả mang lại thật bất ngờ. Người
phụ nữ thường được tạo hoá ban cho đôi bàn tay đẹp "búp măng" và nụ
cười "duyên" quyến rũ. Chị lại nhắm vào những ưu thế của cái đẹp
riêng có trời cho cần được bảo vệ, giữ gìn ấy để khai thác. Với công việc nặng
nhọc vất vả của họ phải làm thì gìn giữ cái đẹp là việc bất thi. Buộc phải chấp
nhận “chị tay đen đúa, em cười nhọ nhem”, đó là sự phát hiện tìm tòi, cách biểu
cảm sáng tạo độc đáo làm xa xót, xúc động trái tim người đọc. Có nỗi buồn khổ
nào hơn với phụ nữ khi cái đẹp bị che khuất, biến dạng. Nhưng cao hơn hết với
họ là tình yêu dành cho con cái và hạnh phúc gia đình. Biết cái đẹp bị phôi
phai, sự nuối tiếc lớn nhất của đời người phụ nữ, họ vẫn lạc quan yêu đời dù
nụ cười"nhọ nhem"và tay ngà đen đúa”. Những thân phận, những con
người như thế lẽ ra phai được trân trọng tôn vinh, trái lại những kẻ vô cảm,
ô trọc lại cậy tiền, coi thường kinh rẻ họ, đó là sự bất bình đẳng tệ hại nhất.
Chắc những "nữ nhi cửu vạn" cảm động lắm nếu khi
biết có một bài thơ được giải cao của một cuộc thi lớn viết để sẻ chia đề cao
và tôn vinh họ. Rồi những hình ảnh: mồ hôi, sương muối ố hoen, buốt lưng cửu
vạn... Bao nhiêu gian nan vất vả được đẩy mâu thuẫn đến tận cùng ở Chợ
đêm Long Biên, càng xót xa với thân phận của người phụ nữ, những con người
cần được cảm thông nâng đỡ sẻ chia, cần những thiết chế tiến bộ của Đảng và
nhà nước để giải phóng họ. Bởi "vùng không ngủ" nằm trong lòng một
thủ đô được phong tặng danh hiệu “hòa bình”, văn minh, hoa lệ nhưng cũng còn
chứa đựng nhiều nghịch lý: ở sự phân cực giàu nghèo vô lối, ở thói hành xử bất
bình đẳng giữa con người với con người. Chính vì thế khổ kết bài thơ không
khép lại mà lại được mở ra với nhiều chiều suy ngẫm:
Chợ trăng đêm khuyết đêm tròn
Khiêng sương vác gió cũng mòn hai vai
Bữa ngon, hiểu được mấy ai
Chỉ cây cầu biết,
thở dài với sông
Chợ đêm Long Biên, bài thơ được dừng lại bằng những câu thơ
bâng khuâng, biến ảo nhiều liên tưởng. Những phiên chợ như vốn có, như tự
nhiên trời đất sinh ra cho con người, vì con người. Nó được nối tiếp, sự lặp
lại đêm đêm, đêm này qua đêm khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm
khác tưởng như chẳng đổi thay gì. Vẫn những “người vợ”, những “nữ nhi cửu vạn”-
những phận người mong manh như sương gió, như vầng trăng khi tỏ khi mờ, khi
khuyết khi tròn. Bằng những cung bậc diễn biến tâm lý, tình cảm và những chi
tiết hành động được mã hóa vi diệu trong vỏ bọc ngôn từ. Đã làm ta xúc động
thấm thía, tìm được sự đồng điệu sẻ chia, để miễn dịch được với căn bệnh thờ
ơ, vô cảm. Sự vô cảm bi thảm đến mức cả cây cầu sang chợ vô tri cũng phải
buông xuống dòng sông tiếng thở dài thế sự.
Cúc Phương, 4.6.2012
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét