Vương quốc Cambodia - người bạn láng giềng nhỏ bé của Việt
Nam chúng ta, với tổng diện tích chỉ hơn 1/2 nước ta và dân số chỉ khoảng
15 triệu người, từ lâu đã nổi tiếng thế giới về kiểu kiến trúc của người Angkor
độc đáo. Đặc biệt nhất là quần thể đền đài Angkor Wat làm nổi bật lên nét văn
hóa Khmer truyền lại từ xa xưa của họ, ngoài ra Cam Bốt còn có hệ thống đảo cực kỳ đẹp với bờ cát siêu mịn và thiên nhiên còn hoang sơ làm say đắm biết bao du
khách phương Tây.
Vốn đã bị ấn tượng với kiến trúc độc đáo của xứ sở Chùa Tháp
này từ lâu, cho nên Tết Bính Thân vừa rồi, nhân dịp được nghỉ nhiều ngày tôi đã
cùng anh bạn Viễn
Du thực hiện một chuyến ngao du sang đất Cam Bốt bằng chiếc xe máy của
mình.
Nói thêm về chuyện ngao du kiểu này, tôi vốn là một kẻ mê bụi
bặm, tôi thích cái cảm giác đi thật xa, hứng đầy những tia nắng quyến rũ từ ông
mặt trời và hít những hơi thở đầy bụi đường, sau đó là cảm giác cay mắt đến nỗi
không còn muốn nhìn thấy đường nữa mới thôi. Khi đi như vậy, tôi thấy mình được
tự do, tự do tung hoành, tự do làm những điều mình thích, tự do la hét mà không
sợ bị người khác nghĩ là điên. Và tôi yêu cái cảm giác tự do ấy vô bờ bến!
Chuyện phượt Campuchia bằng xe máy chắc cũng không
còn là điều gì ghê gớm đối với các phượt thủ. Nhưng thành thật mà nói, chuyến
đi này là chuyến đi đầu tiên chúng tôi “đi nước ngoài” bằng xe máy. Cho nên
cũng gặp không ít bỡ ngỡ mặc dù đã chuẩn bị thật kỹ ở nhà. Tin tôi đi, tôi kĩ đến
mức đã dành cả chục trang giấy trong sổ tay của mình để ghi chép lại những
thông tin cần thiết chẳng hạn như địa chỉ & số điện thoại của Đại sứ quán
Việt Nam tại Cambodia, số điện thoại của hội Việt Nam tại Cambodia, số điện thoại
cấp cứu, cảnh sát, cách đăng ký 3G, nạp tiền, quay số,… bằng sim Cambodia.
Xe chúng tôi lăn bánh vào đúng 4 giờ sáng mùng 4 Tết, trời se
se lạnh đúng như cái phong thái dễ chịu của bà mẹ thiên nhiên vào những ngày
Xuân. Chúng tôi chọn cửa khẩu Mộc Bài ở Tây Ninh làm nơi xuất cảnh bởi nó gần
chỗ chúng tôi nhất, chỉ cách khoảng 100km.
Rong ruổi qua những con đường tối om và lạnh lẽo không một
bóng người, có những đoạn dài mấy cây số không một ngọn đèn đường. Thời khắc
ông mặt trời bắt đầu lóe lên những tia nắng đầu tiên cũng là lúc chúng tôi tới
được Tây Ninh, không quên ghé ngang một quán ăn lớn ở đây để nghỉ ngơi và ăn một
tô bánh canh Trảng Bàng vốn đã nức tiếng dân miền Nam từ lâu. No bụng thì biên
giới đã không còn xa, chưa đầy 30 phút sau, chúng tôi tới được cửa khẩu.
Làm thủ tục cũng không có gì là quá phức tạp và ly kỳ, ấy thế
mà chúng tôi cũng tốn hơn 40 phút mới xong được thủ tục xuất nhập cảnh cho
cả hai bên Mộc Bài và Bavet.
Cửa khẩu Bavet bên phía Campuchia
Sau khi làm thủ tục xong, tôi mua sim Metfone ngay tại cửa khẩu
luôn cho tiện rồi bắt đầu lăn những vòng bánh xe đầu tiên trên lãnh thổ của người
Khmer. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi qua biên giới là Choáng Ngợp, choáng
ngợp không phải vì vẻ đẹp của đất nước này, mà choáng ngợp là vì những sòng bạc
siêu lớn mọc hai bên đường và đông đúc những thanh niên Việt Nam đang lượn lờ
quanh đây.
Địa điểm chúng tôi chọn để tham quan lần này là Phnom Penh,
thủ phủ của Cam Bốt. Từ cửa khẩu Bavet đến thủ đô là đoạn đường dài hơn 170km.
Chạy được khoảng 20km, chúng tôi thấy một cái chợ nhỏ, bên phải là một cửa hàng
Sim, chúng tôi ghé vào để nhờ họ cắt giúp sim cũng như kích hoạt giùm và không
quên chắp tay nói “O-Kun” (cám ơn).
Nhận xét một chút về đường xá của Cambodia, phải công nhận một
điều là chạy được mấy chục km ở đây tôi mới nhận ra đường xá của Việt Nam vẫn
còn đẹp chán. Đường ở đây xấu và nhỏ, trong khi xe tải, xe khách chạy nhiều và
chạy với tốc độ cao. Có những nơi cho phép xe máy chạy với tốc độ 80km/h và
cũng hiếm khi thấy cảnh sát giao thông nên người dân nơi đây cứ ung dung mà chạy.
Chặng đường đến thủ đô không có gì đặc biệt ngoài việc bị
tia UV của anh mặt trời thiêu đốt và hơi đất khô cằn bốc lên khiến mặt chúng
tôi nóng bừng bừng và khóe mắt thì cay như trẻ con sắp khóc nhè.
Chạy được hơn 100 cây số, chúng tôi được dịp dừng chân tại
cây cầu xuyên Á Tsubasa, vốn mới được khánh thành năm ngoái. Đây là cây cầu dây
văng dài hơn 2km băng qua sông Mekong và nối liền hai tỉnh Kandal và Prey Veng. Đứng
trên cầu nhìn xuống sông MeKong và hứng những làn gió mát rười rượi nơi đây, có
thể nói đây là cảnh đẹp nhất kể từ khi chúng tôi đặt chân lên đất Cam Bốt này.
Cầu Tsubasa
Đến hai giờ chiều, chúng tôi đã đặt chân lên Phnom Penh - thủ
phủ của vương quốc Cam Bốt, đường xá và giao thông nơi đây không khác Sài Gòn
là mấy. Cũng bụi bặm, cũng kẹt xe, nhưng khác một chỗ là không bao giờ nghe thấy
tiếng còi xe. Tôi thấy mến con người ở cái xứ này lạ thường, họ sẵn sàng nhường
đường cho chúng tôi và tuyệt nhiên không cau có, không bóp còi inh ỏi như ở Việt
Nam, mọi người cứ thong thả mà chạy.
Việc tìm khách sạn/ nhà nghỉ ở đây không khó, chúng mọc lên
nhiều như nấm sau mưa vậy. Chúng tôi thuê được một khách sạn bình dân gần một khu
chợ nhỏ với giá chỉ $10. Nói thêm về tiền tệ ở Cambodia, dân nơi đây sử dụng
song song hai loại tiền đó là đô la Mỹ và tiền Riel, cứ 4000 riel thì bằng $1 Mỹ
và nếu mua gì nhỏ hơn $1, họ sẽ thối lại tiền riel.
Bụng đói rã rời vì ngoài tô bánh canh Trảng Bàng ra thì sáng
giờ đã ăn thêm gì đâu, chúng tôi đi bộ lang thang xuống khu chợ, tấp liền vào một
quán nhỏ nằm khuất cuối chợ. Không ngờ gia đình chủ quán là người Việt Nam, thế
là chúng tôi được ăn một bữa đồ ăn Khmer thịnh soạn với giá siêu rẻ. Đồ ăn của
người Khmer rất giống với khẩu vị người miền Nam, cái gì cũng siêu ngọt và cay.
Họ ăn ngọt đến mức mà trên tất cả các bàn ăn ngoài những gia vị như nước mắm ra
thì còn có hẵn một hủ đường.
Vốn là những kẻ thích tìm hiểu về văn hóa cũng như lối sống của
từng vùng, nên đi đến đâu chúng tôi cũng tìm cách nói chuyện với dân bản địa. Ở
Phnom Penh cũng không phải là một ngoại lệ, tuy đa phần người dân ở đây nói tiếng
Anh không được tốt lắm nhưng cũng có những người lao động nghèo nói tiếng Anh
siêu chuẩn. Người Khmer nơi đây nhìn có vẻ không được văn minh cho lắm
nhưng lại rất hiền, họ hiền như cục đất vậy, từ việc chúng tôi hỏi đường, đến
việc đi mua đồ đều được họ giúp đỡ nhiệt tình và luôn kèm theo nụ cười chất
phác vốn có của những người lao động lam lũ.
Như đã nói từ trước, Cambodia vốn được mệnh danh là xứ sở
Chùa Tháp nên trong ba ngày chúng tôi lưu tại đây, chúng tôi đã cố gắng tham
quan tất cả các chùa chiền, đền đài nơi đây. Những địa danh nổi tiếng như:
Cung điện hoàng gia, chùa bạc, bảo tàng quốc gia, đền Wat Phnom và hơn chục cái
Chùa, đền tự đều được chúng tôi ghé qua tham quan cho bằng hết.
Bên trong bảo tàng quốc gia
Du lịch ở đây khác biệt khá rõ giữa ngày và đêm. Nếu như du lịch
vào ban ngày là việc tham quan các chùa chiền, đền tự thì du lịch vào ban đêm lại
tập trung vào ẩm thực. Thật vậy, chúng tôi ở đây ba đêm là ba trải nghiệm hoàn
toàn khác nhau về Phnom Penh. Đêm đầu tiên chúng tôi bắt đầu bằng việc đi bộ
lang thang khắp nơi từ quảng trường cho đến bên hông biển hồ Tonle Sap, thành
phố về đêm đông vui nhộn nhịp trái ngược hoàn toàn với cảnh lam lũ vội vã ban
ngày. Mua vài lon nước và đi dạo hóng mát bên cạnh biển hồ Tonle Sap sau đó ăn một dĩa Khmer Food có lẽ là điều dễ chịu nhất lúc này sau cả ngày lái xe mệt mỏi.
Đêm thứ hai thì lại xa hơn một chút, chúng tôi được dịp leo lên
sân thượng của tòa nhà cao nhất Phnom Penh. Trên này có một quán bar rất nổi
tiếng tên là Eclipse, trải nghiệm tuyệt vời nhất đó là được ngắm hoàng hôn và
sau đó là ngắm toàn cảnh thủ đô Phnom Penh về đêm bên cạnh một chai bia Angkor
nhâm nhi kèm với tiếng nhạc không quá ồn ào và tóc thì luôn bay phấp phới vì
gió thổi không ngừng.
Eclipse Sky Bar. Các anh phục vụ nhiệt tình,
lịch sự. “Yes
sir”, “no sir” trong từng câu
Toàn cảnh Phnom Penh về đêm
Đêm cuối cùng ở đây chúng tôi đến một trong những nơi mà tất
cả các du khách không bao giờ bỏ qua được, đó là Night Market. Ban đêm ở đây
đông vui và náo nhiệt hơn bất cứ nơi nào khác ở thành phố. Xung quanh
thì những người bán hàng rao bán liên tục với đủ loại hàng hóa, còn trên
sân khấu thì những anh chàng ca sĩ đang “gào thét” nhạc rock bằng tiếng Khmer,
quang cảnh nơi đây bình dân và không thể thú vị hơn.
Đằng sau khu chợ là một khu ăn uống bình dân, vui ở chỗ là họ
trải chiếu ra và ngồi bệt lên chiếu để thưởng thức đủ loại đồ nướng. Thấy chúng
tôi đến lựa đồ ăn, họ biết chúng tôi là người Việt nên gọi một cậu nhóc tầm 14-15
tuổi tới phiên dịch. Mặt nó sáng với nụ cười rất tươi: “Hai anh người Dziệt
Nam hả?”
Hôm sau trước khi về chúng tôi còn may mắn có dịp chứng kiến
cảnh rước dâu truyền thống của người Khmer, cảnh họ đi bộ tung hoa trên nền nhạc
Khmer thật bình dị. Chia tay về nước nhưng lại thấy sao mà yêu con người nơi
đây quá!
Bởi mới nói, đi du lịch nhưng nhiều khi không mến cảnh bằng mến
người đâu. Dân xứ này họ hiền hòa và dễ thương gì đâu, không mời chào quá đáng,
không chặt chém khách nước ngoài, tiếp đãi lịch sự và miệng luôn cười. Đó là tất
cả những gì chúng tôi ấn tượng ở xứ sở Chùa Tháp này!.
Phong Nhiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét