Thứ Ba, 22 tháng 10, 2019

Hậu Giang qua các tác phẩm văn học nghệ thuật

Hậu Giang qua các tác phẩm 
văn học nghệ thuật
Là một trong những địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long, có vốn văn hóa dân gian khá phong phú - vùng đất Hậu Giang đã sinh thành biết bao làn điệu dân ca, thấm sâu vào lòng người. Các điệu lý, câu hò, bài vè, hát ru, ca dao, đồng dao... từ hơn trăm năm qua, như nguồn sinh lực dồi dào nuôi lớn tâm hồn, nhân cách con người Hậu Giang.
Ngay trong thời kỳ kháng Pháp, chống Mỹ - nhiều văn nghệ sĩ quê quán ở Hậu Giang và khắp nơi đã cho ra đời nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, cổ vũ công cuộc đánh giặc, giải phóng dân tộc, với các tên tuổi quen thuộc: Đắc Nhẫn, Quốc Hương, Vĩnh Điền, Huỳnh Sơn Đàng, Hoàng Hà, Huỳnh Thương, Nguyễn Linh, Đặng Hồng, Quốc Thanh, Lý Cảnh, Vũ Tiến, Thanh Bình, Chí Sinh, Ba Kiên, Thanh Thơ...
Một số văn nghệ sĩ có lập trường tích cực ở các đô thị miền Nam thời chống Mỹ cũng “tức cảnh sinh tình”, ca ngợi vùng đất miệt vườn sông nước - con người, qua các tác phẩm nghệ thuật. Sau ngày miền Nam giải phóng, số lượng tác phẩm viết về các địa phương trong tỉnh Hậu Giang (cũ) ngày càng nhiều thêm với những tên tuổi lớn như: Viễn Châu, Ngô Hồng Khanh, Trần Long Ẩn, Trọng Nguyễn, Mường Mán... và nhiều anh, chị, em văn công nghệ sĩ gần, xa khác.
Xin điểm qua vài nét về một số tác phẩm văn học nghệ thuật gắn liền với vùng đất Hậu Giang.
“Tầm Vu! Tầm Vu! Đây đó vang lừng chiến công…”
Khi mặt trận Tầm Vu III, năm 1947 ta vừa thắng quân Pháp, nhạc sĩ Đắc Nhẫn và ca sĩ Quốc Hương đã viết ngay ca khúc này. Chẳng mấy chốc, bài Tầm Vu được hầu hết anh em bộ đội, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Khu 9 luôn miệng hát lên, rồi sau đó là Nam Bộ, và cả nước đều quen thuộc. Bài hát đã đi vào lịch sử âm nhạc, được Đài PTTH Cần Thơ chọn làm nhạc hiệu gần 30 năm qua. Một thời gian sau, với 3 lớp Tây Thi bài ca Mặt trận Tầm Vu ra đời, lan rộng trong giới đàn ca tài tử, các đoàn văn công. Tiếc là cho đến nay vẫn chưa biết ai là tác giả bài hát.
Phấn khởi trận đánh chìm tàu Tây tại con rạch Cái Sình (Vị Thanh) năm 1952, ông Hai Hoành, một tay chơi đờn ca tài tử viết liền một bài Kim tiền Huế Chiến thắng Cái Sình, phổ biến rộng rãi trong 2 cuộc kháng chiến vừa qua. Nhất là giới chơi đờn ca tài tử ai cũng biết bài ca này:
Pháp vô đây Pháp liền bỏ thây.
Đem máu xương tô, nhuộm núi sông này.
Lại có thêm chiếc tàu bự ghê, thấy mà phát mê.
Nghe cái đùng! Tây run sợ.
Hai bên bờ, chúng nó lại hoảng hồn khiếp kinh.
Lũ giặc nín thinh.
Tàu kia chở Tây đen nghẹt, bị chìm tại đây cùng 400 tên...
Cũng từ trận Cái Sình, nhạc sĩ Thanh Cao kịp thời viết ca khúc Chiến thắng Cái Sình, phục vụ kháng chiến với giai điệu, nội dung đầy tính chiến đấu.
Thời chống Mỹ, nhạc sĩ Lý Cảnh trong ca khúc Bài ca gởi Hà Tây đã thể hiện tâm tình của người Cần Thơ - Hậu Giang chiến đấu chống giặc kiên cường gởi về Hà Tây kết nghĩa:
Vì Hà Tây, TP. Cần Thơ anh dũng tuyệt vời
Có Nguyễn Việt Hồng, em bé Ngọc Trai
Dòng nước Xà No cuốn phăng tàu giặc
Đồng Long Mỹ, Kế Sách, Ô Môn, Phụng Hiệp, Châu Thành
Xác quân thù bón phân tươi màu lúa!
Một ca khúc khác, Tiếng hát Tây Đô của nhạc sĩ Vũ Tiến, người con của đất Đại Thành (Phụng Hiệp) ca ngợi Tiểu đoàn Tây Đô anh hùng...
Ai qua sông Cần Thơ, nghe đoàn quân Tây Đô chiến thắng
Dưới ánh nắng ban chiều, diệt đồn giặc giải phóng Phú Xuân
Ở lĩnh vực sân khấu, ngoài các bài vọng cổ nổi tiếng Giấc ngủ trầm tư. Tác giả Chí Sinh đã có bài ca cổ viết về một người mẹ Cần Thơ - Hậu Giang kiên cường, bất khuất hy sinh vì tổ quốc, đó là bài Người mẹ quê hương (1969). Lời ca nghe thống thiết, mà khẳng định lòng tin vào một ngày mai:
Mẹ chở đạn đưa vào lòng địch hậu
Giặc chặn đường
Giặc bắn mẹ hiền...
Đã nhứt định rồi, quê hương mình nay mai
Không còn bóng quân thù
Hoa xuân nở hồng trên mộ,
Chắc mẹ mĩm cười nghỉ giấc ngàn thu...
Không chỉ có những tác phẩm ca ngợi công cuộc kháng chiến - hình ảnh đất và người Hậu Giang tươi đẹp, lãng mạn trữ tình còn được thể hiện qua những tác phẩm ca cổ, ca nhạc, kể cả những tác phẩm điện ảnh phổ biến rộng rãi từ hàng chục năm qua.
Vùng đất Ngã Bảy - Phụng Hiệp, có lẽ là nơi có duyên với nhiều văn nghệ sĩ...
Soạn giả Viễn Châu kể lại khoảng năm 1964, có dịp ông ghé chợ Phụng Hiệp tại một đầu doi, nhìn thấy một thanh niên bán chiếu, ngồi mệt nhọc như chờ ai trước căn nhà, cửa đóng kín. Ông hỏi lý do, anh ta cho biết chủ nhà đặt anh làm đôi chiếu bông này, nay tới giao hàng nhưng không biết người chủ đi đâu vắng? Chuyện chỉ có vậy, nhưng nhờ sự am hiểu, yêu mến chợ Ngã Bảy - thế là trên chuyến xe đò về đến Sài Gòn - Soạn giả Viễn Châu hư cấu thành một câu chuyện tình đơn phương của anh trai Cà Mau đối với cô gái Phụng Hiệp, qua 6 câu vọng cổ Tình anh bán chiếu bất hủ.
... Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên kinh Ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào?...
... Sông sâu bên lở bên bồi, tình anh bán chiếu trọn đời không phai.
Bài hát này, đã góp phần đưa soạn giả Viễn Châu trở thành ông “vua” viết bài vọng cổ; nghệ sĩ nhân dân Út Trà Ôn lên hàng đệ nhất danh ca. Năm 1985 nhạc sĩ Trần Long Ẩn về thăm Phụng Hiệp, xuống đò chèo đi bảy ngã sông. Từ ấn tượng này, khiến nhạc sĩ cảm xúc viết một ca khúc Phụng Hiệp 10 năm đi tới với giai điệu đẹp, trữ tình được ca sĩ Bích Phượng thể hiện:
Dù có đi đâu hay về đâu
Không thể nào quên được chiếc cầu
Không thể nào quên được dòng sông
Con sông Ngã Bảy và chiến khu xưa, Phương Bình ơi...
Từ những năm 80 thế kỷ trước, nhà văn Mường Mán sáng tác nhiều truyện ngắn trong đó có những nhân vật liên quan đến đời sống, sinh hoạt ở chợ Ngã Bảy và các vùng lân cận. Năm 1995 như chưa thỏa mãn, ông tiếp tục viết kịch bản phim Chuyện Ngã Bảy. Nội dung cốt truyện được hư cấu gắn với chợ nổi, qua chuyện kể về cuộc đời của 3 chị em sống nghề buôn bán nhỏ trên ghe. Sau đó cô em chạy theo tiếng gọi của một anh chàng lừa đảo, rồi hai chị em bị gạ bán vào động mại dâm... Đài truyền hình TP.HCM tổ chức quay phim tại chợ Ngã Bảy cả tháng trời, do đạo diễn NSƯT Mỹ Hà phụ trách, cùng với các diễn viên Ngọc Điệp, Hồng Ánh...
Năm 1996, phim đạt giải nhất về phim truyện video trong liên hoan phim truyền hình toàn quốc, sau đó được chiếu rộng rãi cả nước.
Ở lĩnh vực khác, đối với nhà văn Trần Bạch Đằng, công việc sáng tạo nghệ thuật của ông cũng có duyên nợ ít nhiều với chợ Phụng Hiệp. Năm 1954, ông rời vùng giải phóng Khu 9 miệt Cà Mau, đi tàu đò đến chợ Ngã Bảy để lên Sài Gòn. Lúc này vừa trải qua kháng chiến 9 năm nên khu chợ có phần thu hẹp, nhưng ông vẫn cho là rất náo nhiệt. Có lẽ do ấn tượng nào đó, nên khi viết tiểu thuyết Ván bài lật ngửa ông cho ngay nhân vật Nguyễn Thành Luân rời vùng giải phóng ra chợ Phụng Hiệp, bắt đầu cuộc đời tình báo tài tình, gay go. Cảnh này khi đưa lên bộ phim nhiều tập Ván bài lật ngửa cũng được đạo diễn giữ nguyên.
Ngoài một số tư liệu khá tiêu biểu nêu trên, nhiều đoàn văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác đến chợ Phụng Hiệp để tìm cảm hứng nghệ thuật. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng như Lý Quầy, Nguyễn Xương, Văn Kỉnh có nhiều bức ảnh về chợ Ngã Bảy - Phụng Hiệp, đạt giải cao trong các cuộc thi, được đăng liên tục nhiều năm trên các bìa báo.
Thời kỳ thành lập tỉnh Hậu Giang trước đây (1976 - 1991), nhiều văn nghệ sĩ từ khắp nơi trong cả nước có những sáng tác về Hậu Giang. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn với Đàn sáo Hậu Giang gần như trở thành ca khúc để đời...
Người con gái Hậu Giang xưa như cánh sáo bay ra làng
Nay như những đóa sen hồng tươi dòng phù sa...
Chào Hậu Giang hôm nay, những con người phơi phới, đang bay xa...
Cũng giai đoạn này, một số ca khúc đã góp mặt trong đời sống âm nhạc Hậu Giang như: Tình người sông Hậu (Trần Quang Huy), Hậu Giang những mùa vàng (Trương Quang Lục), Vòng tay người mẹ Hậu Giang (Trương Tuyết Mai), Chiều Hậu Giang (Trí Thanh), Cây lúa Hậu Giang (Quách Trung Tín).
Những bài ca cổ viết về Hậu Giang cũng khá nhiều, soạn giả Ngô Hồng Khanh với Về Châu Thành đi suốt khúc dân ca, nghe đậm đà hương vị sông nước miệt vườn...
Ai đến Cái Răng, ai về Ba Láng
Chiều vô Vàm Xáng, mưa trắng Bảy Ngàn
Xuồng ai chở chuối mật, cam vàng...?
Kỷ niệm ngày cưới, một bài ca về sự tích chiến thắng Tầm Vu, qua câu chuyện kể trữ tình, lý thú được soạn giả Trọng Nguyễn biên soạn.
Trần Hồng Thắng, nhà thơ quá cố - quê quán ở Vĩnh Viễn, Long Mỹ, với tập thơ Tổ quốc với tình yêu và nhiều tập thơ thiếu nhi, cũng có những vần thơ về quê hương Cần Thơ - Hậu Giang.
“Cần Thơ sao, gạo trắng nước trong”
Câu hò quê tôi, cảm lòng khách lạ
Giặc Mỹ đến đây tán dừa xanh trụi lá
Không gian ốm vàng
Thương mẹ lưng còng
Chở nặng chuyến đò ngang.
Trong tuyển tập “Văn và Thơ” của Hội VHNT tỉnh Cần Thơ, xuất bản năm 2003, tác giả Đặng Hồng đã có một bài ký Thầy tôi viết về người thầy dạy ông hồi tiểu học ở chợ Phụng Hiệp, bên bờ sông Ngã Bảy, với cảm xúc mộc mạc, chân thành như lời văn sau đây: “một hôm tôi trở về quê cũ, thăm lại trường xưa. Từ đầu doi Bà Xi (sau này gọi là doi Tân Thái Hòa) theo con đường lát gạch ngược lên chừng 150 thước là ngôi trường tiểu học. Dưới mái trường này, những kỷ niệm sâu sắc về thầy tôi không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi, mặc dù với thời gian năm tháng, ngôi trường và cảnh vật không còn như xưa. Nhìn gốc cây me cổ thụ cạnh bến đò, tôi như thấy trọn vẹn hình ảnh thầy tôi đang đứng tại đây vào mỗi buổi sáng chờ con đò ngang đưa ra chợ..”
Nhà văn Trang Thế Hy, một cây bút khá quen thuộc trong làng văn, có rất nhiều tác phẩm viết về các địa phương Cần Thơ – Hậu Giang. Ở truyện ngắn Một nghệ sĩ ông viết về bối cảnh kháng chiến chống Pháp rất “văn nghệ” ở vùng Long Mỹ:
“... Mùa khô năm 1953, tôi đến xã Vị Thủy, thuộc huyện Long Mỹ dự cuộc mít tinh mừng thành tích thu thuế nông nghiệp xã. Sau mít tinh sẽ có một chầu hát bội...”
“Giữa bom đạn chiến tranh, người ta còn đem chiếu ra đồng trải lên gốc rạ ngồi coi hát bội từ lúc mặt trời chưa lặn cho đến khi sao mai mọc không biết mệt, đó là chuyện thế sự...”
Nhà văn Hoàng Hà (Nguyễn Trung Vinh), người quê ở vùng đất Phụng Hiệp, vẫn không quên hình ảnh quê hương trong tác phẩm của mình. Ngoài những kịch bản sân khấu, ông còn viết khá nhiều truyện ngắn. Truyện Chị Út ra đời từ năm 1977, kể về người nữ thương binh thật xúc động:
“Nhớ ngày miền Nam giải phóng, chị đứng một chân, một chân gác lên chiếc nạn lòng hả hê, mừng ra nước mắt. Chị cười và nhìn mãi lá cờ đỏ sao vàng bay phất phới trên nóc dinh thằng quận trưởng Ngã Bảy...”
Từ nỗi vui mừng đó, chị lại tiếp tục cho con nối chí ba nó, lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự:
“... Nước mắt chị cũng chảy dài, chị nhắc từng bước một, mỗi bước là một quyết định gỡ cái mốc câu ấy ra, chị khen chúng nó biết gỡ lấy danh dự của ba nó đã khuất. Chị lẩm bẩm - cho nó đi”.
Từ năm 2004, khi tỉnh Cần Thơ chia thành hai đơn vị hành chính mới: TP.Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang - qua vận động của ngành Văn hóa Thông tin và Đài Phát thanh truyền hình Hậu Giang, nhiều văn nghệ sĩ từ TP.HCM, Đồng bằng sông Cửu Long và lực lượng sáng tác tại chỗ, cho ra đời những tác phẩm viết về “Hậu Giang mới”, kịp thời phục vụ công chúng.
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn sau một chuyến “di hành” ở tỉnh Hậu Giang mới, đã sáng tác ngay ca khúc Người Hậu Giang. Ca sĩ Thanh Thúy thể hiện ca khúc, thành công trong nhiều chương trình biểu diễn. Ngay sau đó, Đài PTTH tỉnh Hậu Giang bắt tay thực hiện bộ phim Bên dòng Xà No (khởi quay trong tháng 4/1/2005) nói về truyền thống kháng chiến của người Hậu Giang trong chống Mỹ. Tác giả kịch bản Gia Vũ, đạo diễn Bá Lộc. Nhạc sĩ Lê Nghiệp được “đặt hàng” viết ca khúc cho phim này, với giai điệu ngọt ngào, thân thương.
Chuyện về bên dòng sông quê
Sóng xô xôn xao đôi bờ
Chuyện tình bên dòng Xà No
Nghe mênh mang gợi bao nỗi nhớ.
Khi nghe tin thành lập tỉnh Hậu Giang, nhạc sĩ Sơn Hà, người con của quê hương Phụng Hiệp, cũng có ngay ca khúc Về Hậu Giang nhé em. Sau đó, anh viết luôn ca khúc Bảy dòng sông nhớ nghe mượt mà, trữ tình, sâu lắng...
Giữa dòng trôi, thuyền ai ngược xuôi lênh đênh
Đời thương hồ sông về đâu?...
Sông mang tình yêu đầu tiên của tôi
Sông gieo lời ca lả lơi, dịu êm.
Bảy dòng sông thương, bảy dòng sông nhớ, trọn đời tôi...
Một soạn giả quê ở Hậu Giang - Nguyễn Văn Thế với bài ca cổ Hương bưởi tình xuân nghe chan chứa tình quê, tình người trong hương bưởi.
Từ cầu Cái Tư anh về thị xã
Qua Vàm Nước Đục lại đến Nước Trong
Cam vàng, bưởi ngọt đưa duyên...
Sung sướng nào hơn được nếm men cay từ bưởi
Hồn ngất say theo vị ngọt men nồng.
Với Người mẹ giao liên, soạn giả Nhâm Kính, một gương mặt quen thuộc, đã thể hiện bài ca vọng cổ hướng về truyền thống, khắc họa tinh thần đấu tranh, chịu đựng gian khổ, cả một cuộc đời đi làm giao liên của người mẹ, quê ở Long Mỹ.
Đất Hậu Giang những ngày binh lửa dậy
Có máu anh, em... có tình mẹ chan hòa...
Bình minh trên dòng sông xanh,
Hoàng hôn băng mình ngang tuyến lửa
Mẹ đã đi qua khắp mọi miền...
Rồi một lần nữa, soạn giả Ngô Hồng Khanh lại đến với Hậu Giang hôm nay, bằng với bài ca cổ Khóm ngọt. Qua cảm xúc, từ cái “tứ”: vị ngọt của khóm Cầu Đúc mà soạn nên bài ca này.
Soạn giả Trọng Nguyễn, bất chợt tìm gặp cái triết lý “trong, đục” từ hai con sông Nước Trong, Nước Đục của vùng đất Hậu Giang mà đồng cảm, viết nên bài Nước Trong, Nước Đục. Cặp song ca cổ Thanh Ngân - Trọng Phúc thể hiện được khán giả hết sức mến mộ.
Em ở bên nước trong
Anh bên dòng sông đục
Vậy khi lấy chồng...
Em phải chọn bến nào đây?...
Tình cảm lứa đôi là lời ru muôn thuở
Nước đục, nước trong từ tấm lòng mình thôi...
Ngoài một số gương mặt và các tác phẩm nêu trên, các soạn giả: Đức Hiền, Nhâm Hùng, Thu Tâm, Ngọc Thảo... và nhiều anh chị em văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh Hậu Giang vẫn luôn nặng lòng với vùng đất trẻ. Họ đã viết và sẽ còn nhiều hơn nữa những tác phẩm văn học nghệ thuật về Hậu Giang, góp phần cho xứ sở của miệt đồng, miệt vườn thêm bông, thêm trái; những dòng sông Cái Lớn, Ngã Bảy, Xà No, Nàng Mau... luôn ngọt ngào, chan chứa phù sa...
Nguồn: Trích “Tìm hiểu Đất và Người Hậu Giang”
Theo http://www.haugiang.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tính quy phạm và sư phá vỡ nó trong thể loại thơ đương luật văn học trung đại Việt Nam

Tính quy phạm và sư phá vỡ nó trong thể loại thơ đương luật văn học trung đại Việt Nam 1. Khái niệm 1.1. Thể loại Đường luật Thơ Đường là kh...