Thứ Tư, 2 tháng 10, 2019

Ngô Thụy Miên: Người nhạc sĩ tài hoa

Ngô Thụy Miên: Người nhạc sĩ tài hoa
"Tôi không viết nhạc để sống, nhưng sống để viết nhạc". 
Ngô Thụy Miên
Lời dẫn nhập: 
Tôi nhận được điện thoại từ xa của chị Diễm Chi trong sự tình cờ, vì sau bẵng đi một thời gian dài anh chị Chương và Diễm Chi (CDC) rời Nam Cali sang Texas tôi không có liên lạc nữa. Tôi rất vui khi nhận lại tiếng nói quen thuộc của anh chị, vốn vừa vui vẻ mà pha chút tếu lâm, dí dõm. Chị CDC hôm nay đề nghị tôi viết interview những nghệ sĩ Việt Nam hải ngoại trong mục âm nhạc và văn học trên báo Kịch Ảnh. Tôi bảo chị CDC tôi sẽ viết về nhạc sĩ Ngô Thụy Miên (NTM) trước vì mới đây anh có 2 buổi nhạc thính phòng vinh danh nhạc NTM và dĩ nhiên cả hai đều thành công như hai ban tổ chức mong đợi. 
Vào dịp cuối hè, một số anh em trong nhóm Starts Entertainment Group tai nam Cali đứng ra tổ chức buổi nhạc thính phòng tại khiêu vũ trường Majestic. chương trình gồm phần đầu là các ca sĩ Ý Lan, Thiên Kim, Hoàng Nam hát nhạc NTM, phần sau là các ca sĩ hát nhạc yêu cầu. Sau sự thành công tại nam Cali, chị Bạch Hạc, một người có lòng với âm nhạc và văn học trên Minnesota phối hợp với các thân hữu đia phương tổ chức buổi nhạc thính phòng tại Saint Paul lấy tên “Một Lần Là Mãi Mãi" để gây quỹ tương tế cộng đồng, chương trình chỉ hát nhạc NTM, vào ngày 13/9/03, MC là nhà văn Ngọc Thủy từ San Jose bay lên tiếp tay với Bạch Hạc. Chiều hôm đó có những khuôn mặt sáng giá của âm nhạc Việt Nam như Khánh Ly, Khánh Hà, Tuấn Ngọc, Trần Thái Hoà và nhiều ca nhạc sĩ khác nữa. Trước đây người vẫn thường tổ chức những buổi nhạc vinh danh người nhạc sĩ tài hoa này, rồi bây giờ vẫn tiếp tục và có lẽ sẽ còn nhiều nữa trong tương lai.

Duyệt qua tiểu sử NTM mà thi sĩ Trường Đinh bên Anh quốc đã cung cấp cho tôi thì có thể cho một cái nhìn khái quát về NTM như sau:
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên tên thật là Ngô Quang Bình, sinh năm 1948 tại Hải Phòng. Ông tốt nghiệp năm 1965 tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn về hai bộ môn vĩ cầm và nhạc pháp. Ông bắt đầu viết nhạc từ năm 1963.
Bản nhạc đầu tiên ông viết vào năm 1963 có tên là "Bốn Mùa" hoàn toàn ảnh hưởng bởi nhạc cổ điển Tây Phương. Sau đó tình khúc đầu tiên mà Ngô Thụy Miên đã hoàn tất là bài "Chiều Nay Không Có Em" (1965), đã được giới sinh viên tại các giảng đường đại học và các hội quán văn nghệ hưởng ứng rất nồng nhiệt. Vài năm sau đó, ông đã cho xuất bản một tập nhạc đầu tay lấy tựa đề là "Tình Khúc Đông Quân" do Khắc Hạnh Ronéo phát hành tại Sài Gòn (1969). Đông Quân là bút hiệu đầu tiên của nhạc sĩ Ngô Quang Bình trước khi ông đổi qua bút hiệu mới là Ngô Thụy Miên. Trong tuyển tập "Tình Khúc Đông Quân" mà ông đã ghi lời tâm bút thay cho lời ngỏ trên trang đầu của tuyển tập là những tình khúc viết cho bạn bè và tình yêu, trong đó gồm 12 bản tình ca: Giáng Ngọc, Mùa Thu Này Cho Em (sau đổi là Mùa Thu Cho Em), Gọi Nắng (sau đổi là Giọt Nắng Hồng), Dấu Vết Tình Yêu (sau đổi là Dấu Tình Sầu), Cho Những Mùa Thu (sau đổi là Thu Trong Mắt Em), Tình Khúc Tháng 6, Nhạt Tình (sau đổi là Dấu Vết Tình Yêu), Mây Hồng (sau đổi là Tuổi Mây Hồng), Gọi Tên Em, Ái Xuân, Mùa Thu Về Trong Mắt Em (sau đổi là Mắt Thu) và Ngày Mai Em Đi. Ca khúc mới nhất của NTM có tên "Một Lần Là Mãi Mãi”
Nhận xét về NTM, thi sĩ Trường Đinh đã phát biểu như sau: "Ngô Thụy Miên, của mặt trời thức và ngủ, trong khiêm tốn và nhã nhặn, với nụ cười rất trẻ, từ trái tim và tâm hồn mãi nâng niu và trân quý những kỷ niệm thời gian...". Riêng nhạc sĩ Nghiêm Xuân Cường nhận xét về NTM như sau: “Con người ngoài đời của anh NTM có lẽ cũng giống như những hình chụp hoặc trong các video ca nhạc Ngô Thụy Miên, anh rất bình dị và trầm mặc, cởi mở và khiêm nhường. Ít ai trong chúng ta lại không có trong ký ức một câu nhạc nào đó của NTM, hay nói đúng hơn, ít nhất là vài đoạn nhạc liện hệ tới một khoảng thời gian êm đềm nào đó của tuổi trẻ của mình. Riêng về cá nhân anh NTM, là người yêu nhạc của anh trên 30 năm nay từ lúc còn ở trung học và tôi quen biết anh được khoảng 10 năm nay, anh luôn luôn đối với tất cả mọi người với một thái độ khiêm cung, dễ mến và có một thái dộ hết sức rộng mở với tất cả các nét nhạc, một điều mà có lẽ rất ít thấy trong các nhạc sĩ đã thành danh"

Trong một chương trình Thúy Nga phát thanh tại nam Cali, ca nhạc sĩ Trọng Nghĩa đã nhận xét là: “NTM là người nhạc sĩ hiền hòa về cá tính và khiêm nhường về phong cách”.
Nói tới âm nhạc NTM là nói đến những tình tự ngọt ngào chân chất, những dòng nhạc NTM chuyên chở chúng ta về không gian xưa của quê hương có Sài Gòn trong giấc mơ xa xưa, những bản tình ca bất hủ của NTM đem chúng ta về giai đoạn đã qua, của một thuở có nắng Sài Gòn của “Áo Lụa Hà Đông”, của mùa thu ngày cũ khi dìu nhau trong dĩ vãng êm ả đầy nhớ mong, về khung trời kỷ niệm dấu yêu có “Mùa Thu cho Em”. Vâng, âm nhạc NTM đã tỏa nét ấp ủ những yêu thương bất tận, là tiếng nói của những con tim xao xuyến khi yêu nhau, là lời dịu dàng nhất, đầm thắm nhất, đắm say nhất của một đời để yêu và một đời tưởng nhớ miên viễn thiên thu. Nói với đời, nói với tất cả khán thính giả ái mô. NTM, anh tâm sự: “Tôi chỉ xin được nhớ đến như một người viết tình ca không hơn, không kém”. Anh đã tạo cho mình một vị thế đặc biệt trong đời sống, người nghệ sĩ với cá tính hòa nhã với mọi người, và là một con người đa cảm khi viết nhạc, nhưng rất thủy chung với gia đình. Anh như tấm gương soi phản chiếu hai hình ảnh tổng hợp của Văn Cao và Đoàn Chuẩn. Vâng, cái đức tính khiêm tốn, khoan thai, dịu dàng và thủy chung đó đã tạo cho NTM là NTM của sự độc đáo.
Với ngần ấy đóng góp cho đời sống và cho kho tàng âm nhạc Việt Nam, xin cám ơn người nhạc sĩ tài hoa NTM mà anh Trọng Nghĩa đã cho lời nhận xét như là một khuôn mẫu đáng quý.
Việt Hải
Theo http://phorum.vietbao.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Miền cổ tích hoang hư 2

Miền cổ tích hoang hư 2 7 - Ngọ... Chiếc tàu thu mua hải sản ném Phương lên bờ tại cảng cá tanh hôi và ồn ào của Hải Phòng. Lôi thôi lếch ...