Phần giới thiệu dẫn nhập:
Tôi gặp nhạc sĩ Mai Đức Vinh (MDV) trong chuyến anh đưa gia đình về thăm mẹ tại Nam Cali, anh cho tôi biết anh vừa thực hiện xong dĩa CD mới nhất, CD mang tên "Lầu Thơ Vút Cánh Hạc Vàng", được anh phổ theo thơ của thi sĩ Hải Đà Vương Ngọc Long (VNL). Tôi cũng quen biết anh VNL qua vài tác phẩm thi tập và vài CD do nhiều nhạc sĩ phổ thơ anh. Anh VNL ngoài việc làm thơ Việt Ngữ, anh còn phóng tác thơ Hán, thơ Pháp, thơ Anh sang Việt ngữ. Giờ đây tôi xin hân hạnh giới thiệu tác phẩm văn hóa nghệ thuật chung của hai anh VNL và MDV. Đây có thể là CD đầu tiên, từ xưa đến nay tạo nét hỗn hợp độc đáo vô tiền khoáng hậu một tác phẩm thi ca đông phương giữa cái cổ điển và cái tân thời, giữa thi ca và âm nhạc giao duyên, giữa cái thanh tao và cái chân chất mà hai tác giả cố đóng góp vào kho tàng nghệ thuật âm nhạc văn hóa Việt Nam.
CD gồm 15 ca khúc từ bài đầu "Hoàng Hạc Lâu" đến bài cuối "Xuân Tiêu Vọng Hàn Giang". Tôi nghe miên man, nghe mê mãi sự thâm thúy truyền cảm của thi ca, nét mới lạ của những dòng nhạc độc đáo, phong phú và trữ tình của nhạc sĩ MDV. Sau đây là bài chi tiết về nội dung các bài thơ được phỏng tác hay sáng tác bởi thi nhân VNL.
Phần chi Tiết của "LẦU THƠ VÚT CÁNH HẠC VÀNG":
Thế giới của Đường Thi là một thế giới siêu thoát, không bến bờ, bát ngát, triền miên và vô tận. Thời Đường đã đưa Đường Thi lên đến tuyệt đỉnh, cực thịnh của nền thi ca nhân loại, diệu vợi, có một không hai. Đó là tinh hoa của nền văn hóa Trung Quốc... Với một di sản đồ sộ, thơ Đường rất phong phú và đa dạng, tả tình, tả cảnh, nói lên cái khí hạo nhiên của con người, cái đạo Trung Hiếu Nhân Nghĩa làm đầu.Thơ Đường chia ra nhiều thể loại, nội dung khác nhau: những bài thơ thời chinh chiến tả cảnh biên thùy, nỗi lòng người lính thú xa nhà, những bài thơ tả cảnh đồng quê dân dã, bốn mùa xuân hạ thu đông, những thú tiêu khiển thiên nhiên, hưởng nhàn, đọc sách, ngâm vịnh, câu cá, du thuyền, những bài thơ phơi bày thảm trạng chua xót của xã hội, những bài siêu trần thoát tục, hệ lụy nhân sinh v.v... không sao kể xiết. Đọc thơ Đường để cảm nhận tiếng lòng xao xuyến của người xưa vọng lại, của hồn xưa trăn trở còn phảng phất đâu đây... Những bài thơ với những từ diệu điêu luyện, ý tưởng phong phú, cảnh tình thắm thiết… đậm đà tình cảm sâu sắc, nồng nàn, với những ngôn ngữ thâm thúy, tự nhiên hàm súc, ý tưởng chân thật thanh đạm, luật thi rất tinh mật, hoặc có những bài thơ giàu chất trí tuệ hơn cảm xúc… có đặc trưng, phong cách và vẻ đẹp riêng biệt.
Mỗi một bài thơ Đường là một bức tranh sống động với các màu sắc hài hòa, có âm vang kỳ diệu và sức truyền cảm tuyệt vời, gợi mở, quyến rũ và đi thẳng vào lòng người đọc, để lại những suy tư trầm lắng và rung động không nguôi… Đường Thi là sự kết tụ mỹ thuật, tinh hoa văn học nghệ thuật... Mỗi một bài thơ Đường nổi tiếng xứng đáng là viên ngọc quí vô giá lung linh sáng chói, chẳng bao giờ phai nhạt qua cơn bụi lốc mịt mù và gió bão của thời gian và không gian vô tận… Bộ Toàn Đường Thi ấn hành vào năm 1707 chia làm 30 tập, gồm 900 quyển, với hơn 49.000 bài của ngót hơn 2200 thi sĩ. Thơ Đường có thể nói đã trải qua gần 300 năm (618-907). Dựa vào sự biến chuyển của các triều đại nhà Đường, có thể chia ra làm 3 thời kỳ tóm tắt như sau với những sắc thái riêng biệt, đặc trưng của thi ca, và phong cách, trường phái của các nhà thơ: thời Sơ Đường, thời Thịnh Đường và thời Vãn Đường, trong đó phải đáng kể Thời Thịnh Đường là thời kỳ vàng son rực rỡ của Đường Thi.
Thời Thịnh Đường (713-846):
Với sự lên ngôi của Lý Long Cơ (tức Đường Minh Hoàng) đã đề ra sự "phục bích" (dựng lại bức tường cũ), nhắc lại sự việc lật đổ Võ Tắc Thiên (705) và Lý Long Cơ diệt Vi Hậu (713) để khôi phục nhà Đường. Đường Minh Hoàng là nhà vua có nhiều tài năng, là một nghệ sĩ (tự nhuận sắc khúc Nghê Thường), say mê ca múa thi văn, quí trọng văn nhân thi sĩ, đã lập ra Văn Học quán, nơi chốn để đàm đạo thảo luận thơ văn... Văn họcTrung Quốc vào thời kỳ nầy đã có cơ hội phát triễn rực rỡ muôn màu, muôn sắc... Đây là thời kỳ đã đưa thơ Đường lên đỉnh cao chói lọi… Đại diện cho thời Thịnh Đạt nầy có thể nói có bà nhà thơ rất nổi tiếng, đó là Lý Bạch, Vương Duy và Đỗ Phủ. Lý Bạch với phong cách hào phóng đại diện cho dòng thơ lãng mạn bay bổng tự nhiên, đôi khi siêu thoát ra ngoài thựïc tế. Thơ Vương Duy (thi sĩ còn là một họa sĩ có tài) man mác hương vị thiền, thanh đạm hồn nhiên, chịu ảnh hưởng của Phật Giáo Thiền Tông... Đỗ Phủ đại diện cho dòng thơ hiện thực trữ tình, mang những tư tưởng Khổng Mạnh của một kẻ sĩ đứng đắn nhận thức được trách nhiệm đối với vua, nước và dân. Hơn nữa bản thân của Đỗ Phủ cũng sống trong cảnh cơ hàn nghèo khó. Thời kỳ thi ca của Đỗ Phủ cũng là giai đoạn cảnh thái bình thịnh trị trôi qua, khi Đường Minh Hoàng say mê nhan sắc Dương Quý Phi, bỏ bê công việc triều chính và chiến tranh nhiễu nhương xẫy ra, và chính Đỗ Phủ đã dùng ngọn bút tài ba của mình để miêu tả những hoàn cảnh xã hội tang thương trong giai đoạn nầy… Trong khi Vương Duy có những dòng thơ chịu ảnh hưởng Phật Giáo, thơ Lý Bạch man mác màu sắc Đạo Tiên, thì thơ Đỗ Phủ tiêu biểu tinh thần Nho Giáo, mang tính chất hiện thực của thời đại... Cho nên người ta thường gọi Vương Duy là Thi Phật, Lý Bạch là Thi Tiên và Đỗ Phủ là Thi Thánh... Thơ Đường rất phong phú vừa nội dung lẫn hình thức, kỹ thuật và nghệ thuật, phản ảnh rộng rãi cái hiện thực thời đại, các sinh hoạt xã hội, quan niệm nhân sinh, thiên nhiên, lịch sử cá nhân, cung đình…
Quan niệm "Thi Ngôn Chí" (Thơ nói lên cái Chí) rất thịnh hành trong thi ca Trung Quốc, thơ phản ảnh chí hướng, tình cảnh, cảm xúc, cuộc đời của con người. Các thi sĩ Đường Thi đã ôm hoài bảo "kinh bang tế thế", "trí quân trạch dân", quan niệm thơ là một phương tiện để bảo tồn phong hóa, là công cụ để giáo hóa nhân tâm, là hình thức để di dưỡng tinh thần con người… Thơ chính là những tâm tình bộc bạch, là tiếng lòng thổn thức, là tâm hồn của người thơ đã dàn trải… là thế giới tiềm thức của con người, là những phẩm chất tinh hoa xuất phát từ trái tim nhân ái, từ trí tuệ tinh khôi, giàu yêu thương và tình cảm. Thơ gắn liền với cuộc đời, là những sợi dây tình cảm dạt dào lãng mạn và tư duy ràng buộc con người với ngoại cảnh và tha nhân.
Thơ là những cảm xúc nội tâm và nét thẩm mỹ tiềm ẩn kết hợp bởi những yếu tố: Ý Tứ, Hình Tượng, Nhạc Điệu, Tình Cảm, Từ Ngữ, ngẫu nhiên đem lại những hấp lực vô hình làm rung động lòng người... nhờ những âm thanh và ngữ điệu... mời gọi những thưởng thức đam mê và cảm thụ say đắm… Nhạc và Thơ đã phối hợp hài hòa, để từ đó không phải chỉ là những dòng chữ nghĩa đơn thuần, mà đã tạo nên những dòng âm thanh hài hòa gây ra ấn tượng thích thú, rung động cho người đọc và người nghe… sẽ không còn hàm ẩn nữa, mà lôi cuốn, gây sự gợi mở rất phong phú, ấn tượng cụ thể cho sự cảm thụ đồng tình giữa tác giả và thính giả...
Những bài thơ dịch phóng tác đã tạo nên những sự liên kết đặc biệt của những ý từ, biến hóa linh hoạt của câu thơ, tạo ra những âm thanh từ điệu, những hình ảnh biểu tượng cái cảm xúc của thơ, những sắc thái tình cảm tinh tế… tỏa bùng ra những sắc màu, âm vang, và nhịp điệu… Ở đó ta đã tìm thấy cái rung động xao xuyến của âm điệu réo rắt trong thơ, tìm thấy những hình ảnh sinh động qua những ý từ tha thiết mà thi nhân muốn trút hết nỗi niềm tâm tư thầm kín của mình vào đó.
Những bài thơ Đường có một cấu trúc cô đọng, ngôn ngữ đặc trưng, đầy những ẩn dụ, nhân hóa… ngắn gọn, nhưng qua sự phóng tác tài tình, đã đem thêm nhiều hình tượng và hình ảnh để tạo nên những dòng nhạc trữ tình… mà vẫn không đi xa ý chính của bài thơ nguyên tác… để giải bày những tâm trạng tha thiết, những cảm xúc dạt dào, những quằn quại của nội tâm, tạo nên những tính nhạc âm vang. Nhà thơ Paul Verlaine (1844-1896) đã đề cao vai trò âm nhạc trong thơ "Nhạc phải là đầu tiên, cần phải có nhạc, có hoài và có mãi"
Thơ đã được cải biến qua nhạc, đã được đem vào nhạc thì người đọc không cần phải sử dụng siêu giác quan để cảm thơ và hiểu thơ, mà họ chỉ cần nghe những lời ca, tiếng hát, tiếng đàn, âm điệu nhạc, nghĩa là dễ cảm thông với xuất xứ tác phẩm, cuộc đời tác giả, và đi xa hơn là cái hồn của bài thơ, đã đem những cái hình tượng sinh động đập vào mắt và rung động trái tim con người…
Cũng vào thời Thịnh Đường, từ khúc là một thể điệu mà nhiều nhà thơ rất ưa thích, vì dạt dào thanh điệu của nhạc và ý tứ của lời, với tiết điệu du dương, ngôn từ tươi sáng. Nhiều nhà thơ đã đựa theo giai điệu có sẵn mà đặt ra lời ca. Từ khúc chan chứa nhạc điệu sinh động và ý thơ trong sáng đẹp đẻ.
Cảm xúc bất chợt bắt nguồn từ thiên nhiên ngoại cảnh, và từ đó làm rung động và chi phối lòng người, những cảm xúc đó qua dòng thơ trữ tình và điệu nhạc trầm bổng đã trở nên dạt dào, lai láng biến thành những con suối chuyên chở những đồng cảm, tâm tư đến các người đọc và người nghe, tạo ra những khung trời tri âm, tri kỷ... Thật ra âm nhạc và thơ phú đã đi đôi với nhau từ đầu đời Đường qua các thể điệu gọi là nhạc phủ, thi nhân đã dựa vào nhạc phủ để làm thơ, hoặc những bài thơ nổi tiếng đã được phổ nhạc để trở thành ca khúc phổ thông lưu truyền trong nhân gian. Có những thể loại nhạc phủ chỉ có giá trị âm nhạc mà không có giá trị văn chương như Nghê Thường Vũ Y của Đường Minh Hoàng hoặc ngược lại những bài như Trương Tiến Tửu, Thái Liên Khúc, Vọng Xuân Từ, Du Tử Ngâm v.v... là những bài nhạc phủ có giá trị văn chương hơn là âm nhạc.
Theo Tạp Chí Giao Lưu Văn Hóa (số 6):
Thơ Đường đã được dịch sang Châu Âu khá sớm, bài Tống Xuân Từ là bài Đường Thi đầu tiên đã được giáo sĩ người Pháp Saint Demain phiên dịch vào khoảng năm 1750. Sang thế kỷ 20, các nước Âu Mỹ giới thiệu thơ Đường càng ngày càng nhiều, trong đó nhiều bài thơ Đường được soạn thành ca khúc và phổ nhạc. Năm 1905 nhà văn Đức Bêcher xuất bản tập thơ cổ Trung Quốc với tên "Tiếng Sáo Trung Quốc" (Trung Quốc Chi Địch), mà nhà soạn nhạc Thụy Điển Sweikensel và nhà soạn nhạc Australia Wylphe Sthehow đã lấy những bài thơ trong "Tiếng Sáo Trung Quốc" ra phổ nhạc. Các bài thơ của Lý Bạch như "Xuân Nhật Túy Khởi Ngôn Chí" (Ngày Xuân Uống Rượu say, ngủ dậy, nói chí mình) và bài "Tĩnh Dạ Tứ" (Xúc cảm đêm trăng) đã được nhiều nhạc sĩ Âu Châu soạn thành nhạc . Bài Tống Biệt, Tạp Thi của Vương Duy, bài Hướng Lưu thập cửu của Bạch Cư Dị đã được nhà soạn nhạc Tiệp Khắc phổ nhạc. Nhạc sĩ Pháp Lasailler cũng đã phổ bài thơ Tiết Phụ Ngâm, trong đó có 2 câu "Trả ngọc sáng, lệ như mưa. Tiếc không gặp gỡ khi chưa lấy chồng" thành một ca khúc nổi tiếng.
Trải qua gần hai nghìn năm, qua bao nhiêu thế cuộc thăng trầm, biến thiên theo cát bụi mờ của thời gian, mỗi một bài thơ Đường được gọi là xuất sắc, nổi tiếng là một đóa hoa phong nhụy kiều diễm tràn đầy hương sắc vẫn tỏa hương thơm ngào ngạt trong khung trời nghệ thuật, mà mỗi người yêu thích thơ Đường khi đọc lại vẫn tưởng chừng như một cái gì thật mới mẻ, sống mãi trong lòng người…
Do sự gắn bó hài hòa giữa Thi, Họa và Nhạc, mỗi bài thơ Đuờng hay đều tạo nên những âm vang sâu lắng rung động lòng người… Những bài thơ Đường được VNL lựa chọn, tuyển dịch trong CD "Lầu Thơ Vút Cánh Hạc vàng" là những bài thơ nổi tiếng trên thi văn đàn Trung Quốc.
Học giả Trần Trọng San, trong bài bạt "Tôi bước vào cảnh giới Đường Thi từ bến Phong Kiều qua lầu Hoàng Hạc" đã tâm sự rằng "Phong Kiều Dạ Bạc và Hoàng Hạc Lâu là hai bài đã in trong tôi ấn tượng sâu đậm nhất trong số những bài thơ Đường mà gia nghiêm dùng dạy tôi học chữ Hán trong lúc ấu thời..." (TTS)
Như đã biết, Phong Kiều Dạ Bạc là một trong những bài thơ Đường nổi tiếng của Trung Quốc và chính vì nhờ bài thơ nầy đã được dịch ra nhiều thứ tiếng mà chùa Hàn Sơn đã trở nên một danh lam thắng cảnh thu hút rất nhiều du khách ngoại quốc đến viếng thăm hằng năm.
Một câu hỏi được đặt ra là, tại sao một bài thơ "tả cảnh thiên nhiên" với những cảnh sắc bình thường như cây cầu, bến nước, hàng phong, trăng tà, sương đầy trời, tiếng quạ kêu, khách thuyền thơ v.v... mà lại nổi tiếng và được lưu truyền vượt thời gian và không gian? Cái khung-cảnh "thiên nhiên" trong bài thơ này không lãnh đạm, vô tình, mà là một cảnh sắc trữ tình sống động, trầm lặng tịch liêu, bàng bạc cái tâm bao la của thiên nhiên vạn vật, làm người nhìn phải xao xuyến, đăm chiêu, rồi đắm chìm trong nỗi sầu nhớ triền miên, trong cái buồn bát ngát hư không, quay cuồng với muôn vàn nỗi nhớ thương: nhớ quê, nhớ nhà, nhớ gia đình. Con người với một tâm thức lãng mạn, chỉ còn là một sinh vật bé nhỏ, hữu hạn, cảm thấy cô đơn và lạc lõng, và bị bao trùm phong tỏa trong cái vũ trụ vô chung vô thủy, chìm ngập trong cái vô tận của màn đêm, cái bát ngát mênh mang của sương khói vô hình, không bến bờ. Chúng ta có thể tưởng tượng rằng thi-sĩ Trương Kế, trong một đêm trăng mùa thu, neo thuyền tại bến nước Phong Kiều, lặng thầm nhìn trời đất chung quanh... Một đêm cô liêu quạnh quẽ chỉ người và cảnh vật gợi cảm, gợi tình... nhìn lên màn trời đen là hình ảnh của một một mảnh trăng vàng vọt đang từ từ lặn vào cõi vô cùng, và mờ mờ gần xa là một màn sương khói dầy dặt quanh thuyền mà ông tưởng chừng hàng hàng lớp lớp sương mờ ảo hư vô đó đang tỏa dâng đầy ắp khung trời. Những làn sương khói hư ảo đó đã đem lại cảm giác liêu trai lành lạnh thấm dần vào cơ thể, cảm xúc và tâm hồn của nhà thơ. Khung cảnh đêm huyền ảo, mông lung, tịch mịch, và tiếng quạ kêu lanh lảnh như chọc thủng màn đêm cô quạnh... Ở gần đó là cây cầu cong bắc ngang sông, chia cách kẻ bên này, người bên kia, và những lá phong đỏ ối, phơ phất trong gió, và chiếc thuyền nan neo trên sóng nước bập bềnh đã gợi lại nỗi nhớ nhà da diết, đem lại niềm sầu cảm vô biên... Lá phong chuyển màu đỏ ối, như trong một câu thơ Kiều". Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san", và cũng như một chiếc lá ngô đồng rơi xuống, cơn gió heo may tha thướt... là những báo hiệu cho một mùa thu đã trở về trên bến sông đất khách quê người... "Ngô đồng nhất diệp lạc, Thiên hạ cộng tri thu" (Một chiếc lá ngô đồng rơi xuống, cả thiên hạ biết mùa thu đã trở về...).
Hãy tưởng tượng khi nhà thơ một mình nằm trên thuyền trong một đêm thu, nhìn những hàng cây lá phong đỏ ối, lả tả rơi rụng trên giòng sông cuốn trôi, đóm lửa chài bập bùng, tiếng quạ kêu, và văng vẳng trong đêm thanh vắng là tiếng chuông chùa ngân vang, ai mà chẳng chùng lòng não nuột...
Tiếng quạ kêu sương bóng nguyệt mờ
Cầu phong đốm lửa giấc sầu mơ
Hàn Sơn khuất bãi Cô Tô vắng
Đêm điểm hồi chuông khách sững sờ...
(Phong Kiều Dạ Bạc - Trương Kế)
Hoàng Hạc Lâu cũng là một bài thơ tả cảnh, bàng bạc tình yêu quê hương da diết và man mác hương vị Thiền, ẩn hiện cái lý chân không, vô thường và vô ngã, mạch thơ tự nhiên uyển chuyển và biến hóa, không gò bó câu nệ trong khuôn khổ đối ngẫu niêm luật của thể thơ Đường, lời thơ siêu thoát rung động tâm hồn người đọc. Mặc dầu biết rằng một bài thơ là do ngôn ngữ tạo thành, "dùng từ để biểu đạt cái nội dung là điều ắt có và phải cần… nhưng còn có điều quan trọng hơn nữa đó là phương thức và phong cách để hình tạo nội dung đó…" Cái phương thức mà thi sĩ Thôi Hiệu dùng trong bài Hoàng Hạc Lâu là tất cả một kỹ thuật hàm xúc, tinh vi, độc đáo, một thế giới đặc thù riêng biệt và mới lạ của thứ ngôn ngữ hiền triết, đã kết nối được tất cả hình ảnh, ý niệm, tâm thức, cảm nhận, và giác quan một cách tài tình và hài hòa trong vũ trụ, con người, thời gian và không gian. Ngôn ngữ thi ca đã bay bổng tự nhiên một cách phóng khoáng, không dụng công đẽo gọt. Thôi Hiệu đã thành công chuyển đạt được nghệ thuật tinh vi, thâm thúy, đầy hình tượng sáng sủa và âm thanh đãi lọc, có sức thuyết phục lôi cuốn được sự chú ý và tạo được cảm xúc mạnh mẽ nơi người đọc. Hoàng Hạc Lâu đúng là một bông hoa diễm tuyệt, một viên ngọc vô giá trong rừng thơ Đường, là bài thơ tuyệt tác bất hủ, sống mãi mãi muôn đời…
Có thể nói những bài thơ Thiên Nhiên Sơn Thủy, miêu tả cảnh núi sông cây cỏ cũng đã là những đề tài phong phú vô tận cho các thi nhân cầm bút bằng những nét chấm phá cô đọng, những đã gợi rất nhiều liên tưởng sâu sắc, qua những vần thơ đó tác giả đã muốn gửi gấm tất cả những tâm tình u uẩn, cũng như cảm xúc dạt dào của mình vào trong đó. Ngôn ngữ thơ Đường rất giàu hình ảnh và cảm xúc. Người ta thường nói "ý tại ngôn ngoại" (ý tại ngoài lời), những bài thơ Đường ngắn gọn như bát cú, tứ tuyệt, chỉ giới hạn trong một số từ ngữ nhất định, mà đã diễn đạt tất cả những suy tư cảm xúc của tác giả , mặc dầu cô động hạn chế, nhưng rất hàm súc, toàn bài thơ như đôi mắt… cửa sổ của linh hồn đã giải bày được đời sống nội tâm, trạng thái tư duy, dung hòa giữa mẫn cảm của con tim và nhận thức của khối óc.
Nhạc điệu câu thơ hài hòa, tiết tấu nhịp nhàng ngân nga, âm hưởng sâu sắc nồng nàn, tạo nên những cảm giác nhẹ nhàng êm ái dễ đi vào tâm hồn người đọc. Cái phong cách của Đường Thi là một tổng hợp tinh vi của một nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ phong phú điêu luyện qua thi pháp, thể loại, từ điệu, âm nhạc… đồng thời đã phản ảnh những quan điểm tích cực và tiêu cực, những tư tưởng triết lý của nhà thơ, được ăn sâu như gốc rễ qua các triều đại lịch sử… Khi nhà thơ đã đắm chìm phong tỏa trước một thế giới vật chất chung quanh, của một khung cảnh thiên nhiên bao la vô hạn, con người thơ chỉ cảm thấy mình là một sinh vật nhỏ nhoi bất lực, đành mang một tư tưởng yếm thế thụ động "Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong"… Có những nhà thơ suốt đời mang hoài bão "trí quân trạch dân", "kinh bang tế thế " đến khi gặp cảnh không may, gian khổ, cảnh ngộ éo le, thì chán nản buông xuôi thích tìm đến thiên nhiên với cuộc đời "bán quan bán ẩn"… Họ đã tìm thú tiêu khiển bằng cách điền viên ẩn dật, phỏng đạo cầu tiện... Nội dung thơ miêu tả thú điền viên, sơn thủy, lối sống ẩn dật thanh nhàn chịu ảnh hưởng đạo lý vô vi đã chiếm một vị trí quan trọng trong thơ Đường.
Tĩnh Dạ Tứ: là một kiệt tác của Lý Bạch. Lý bạch thuở nhỏ thường lên đỉnh núi Nga Mi ở quê nhà ngắm trăng, lớn lên ông ngao du sơn thủy, nơi đất khách quê người. Trong một đêm thanh tĩnh, ánh trăng sáng vời vợi trên đầu giường của nhà thơ cũng chính là trăng sáng trên núi Nga Mi của quê hương ông. Chỉ còn trăng sáng và thi nhân, và nỗi nhớ quê hương biền biệt đã xao động lòng người thi sĩ để viết nên bài thơ Tĩnh Dạ Tứ. Trong một đêm trăng vắng vẻ nhà thơ Lý Bạch nằm trong thư phòng, bóng trăng khe khẽ len qua khung cửa sổ rọi sáng đầu giường, giữa một không gian tịch mịch nửa đêm, hồn thơ đã nhập vào hồn trăng bay lâng lâng vào một cõi mộng ảo vô cùng… đã đi từ trạng thái mơ hồ đến tỉnh thức. Ánh trăng sáng vời vợi trên bầu trời cao kia, tỏa những tia sáng lặng lẽ, êm ái huyền diệu trên chiếc giường ngủ, rất gần gũi và thân thiết với là thơ làm sao, và đó cũng chính là vầng trăng mà Lý Bạch đã mải mê ngắm trên núi Nga My trong những ngày niên thiếu ở quê nhà. Bức tranh thu đã được tô đẹp bằng một vầng trăng thu huyền ảo… Trăng soi lồng lộng trên sóng nước bập bềnh biến dòng sông thành một giải lụa vàng óng ả… Những tia sáng của trăng chập chờn mờ ảo đã làm nhà thơ ngỡ ngàng như sương khói bao phủ đầu giường, nhìn trăng mà lòng buồn vời vợi, ngỗn ngang trăm mối tơ lòng… Có nỗi buồn nào ray rức, da diết ngấm tận tâm hồn bằng nỗi sầu nhớ cố hương, quê cha đất tổ: Giường khuya trăng chiếu bời bời
Sương rơi phủ đất ngỡ đời chiêm bao
Ngẩng đầu trăng sáng trên cao
Cúi đầu ngấn lệ nghẹn ngào... cố hương
(Tĩnh Dạ Tứ - Lý Bạch)
Thiên nhiên của thơ Đường bàng bạc tình Xuân, Hạ, Thu, Đông… Bốn mùa hoa lá thay màu, đâm chồi nẩy lộc sẽ tuần tự biến thiên theo định luật vô thường của vũ trụ… nhưng Tiết Thu, Tình Thu, Ý Thu mãi mãi là sức hút lôi cuốn mãnh liệt muôn chiều của thi ca nghệ thuật trong nền văn hóa Đông Tây kim cổ… Những đại thụ sừng sững trên thi đàn Trung Quốc như Đỗ Phủ, Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Trương Kế, Vương Duy, Giả Đảo, Lưu Vũ Tích… là những ngôi sao lấp lánh trên thi đàn đời Đường Tống đã xử dụng bút pháp tinh vi và mẫn tuệ tuyệt vời để ca ngợi một mùa Thu mênh mang, một tình Thu dịu vợi, một ý Thu bàng bạc, một hồn Thu lâng lâng, trầm lặng đến nao lòng của trăng sương, gió núi, với những phút giây thanh thản hồn nhiên, trong nỗi bâng khuâng cánh nhạn bay về, hòa lòng xao xuyến theo nhịp chày đập vải may áo, nỗi niềm ray rứt đón gió heo may the thắt lạnh lùng, nỗi lòng ảm đạm nhìn ánh lửa bập bùng đom đóm trong đêm, những tiếng tơ lòng khao khát ngân vang trầm mình trên những phím đàn thánh thót dưới ánh trăng ngà, với lá ngô đồng rơi lả tả đầy ắp thềm trăng…
Những khung cảnh thiên nhiên chan chứa khí vị Đạo học, phù hợp với tâm trạng nhàn dật, tư tưởng Nho gia, cái triết lý về cuộc đời, nhân sinh quan của tác giả, đôi khi mang những tư tưởng bi quan yếm thế, quan điểm cuộc đời chỉ là một giấc hoàng lương mộng, kiếp sống tạm bợ, phù du. Và trong cái nỗi khắc khoải suy tư đó, nhà thơ chỉ ước ao thầm mong có một kẻ tri âm, một tâm hồn đồng điệu, và có những đêm dài nhà thơ đã trăn trở, trằn trọc, dằn vặt, đay nghiến, cấu xé với hồn thơ và từng con chữ như Giả Đảo, một nhà sư nổi tiếng “thôi xao”, “ba năm làm được hai câu”, sự lựa chọn từ ngữ rất kỹ càng công phu, có chiều sâu của cảm nghĩ thâm thúy... Bài thơ Dạ Bạc Ngưu Chử Hoài Cổ man mác tình hoài cổ, trong một đêm thu giữa cảnh trời đất mênh mông bát ngát, người thơ bỗng cảm thấy lòng trống trải cô đơn, nghĩ đến chuyện xưa tích cũ mà ngao ngán ngậm ngùi nghĩ chuyện đời nay, tìm đâu ra người tri âm tri kỷ… Nhà thơ đã dùng quá khứ để làm lăng kính chiếu vào hiện tại bằng những tia sáng triết lý muôn màu nói lên sự biến đổi của nhân thường thế thái khi thời gian như một con nước chảy qua cầu và vũ trụ biến đổi không ngừng…
Thu Phố Ca được tác giả phóng tác từ 4 bài thơ theo ý thơ của Lý Bạch (Thu Phố Ca, Dạ Bạc Ngưu Chử Hoài Cổ), của Giả Đảo (Tuyệt Cú) và Tiền Khởi (Giang Hành)
Thuyền trôi ru nhẹ giấc nồng
Gió hây hây thổi, sóng bồng bềnh chao
Đôi bờ lau sậy lao xao
Tiếng thu trầm bổng xạc xào giữa đêm
Bến Ngưu thuyền đậu sông Tây
Trời im trong vắt chẳng mây nhuốm màu
Thuyền thu ngắm cảnh trăng thâu
Muốn quên chuyện cũ lại sầu nhớ ai
Cất cao vút… giọng ngâm dài
Người xưa nào biết lòng này hay chăng?
Mai thuyền bỏ bến buồm căng
Lá phong rơi rụng bẽ bàng người đi...
Buồn ơi tóc trắng phau phau
Dài ba nghìn trượng sầu đau nghẹn ngào
Hỏi rằng gương sáng nơi nao
Sương thu có biết lối vào hay không?
Hai câu ròng rã ba năm
Rưng rưng ngấn lệ... sầu ngâm, tủi thầm
Ngậm ngùi vắng bóng tri âm
Thu về góc núi đêm nằm suy tư… Nhạc phẩm Xuân Vọng, phóng tác theo ý thơ Đỗ Phủ gồm 3 bài Xuân Vọng, Giang Mai, Tuyệt Cú 12. Nói đến tình yêu quê hương thiết tha mỗi độ xuân về phải nhắc đến nhà thơ Đỗ Phủ, một ngôi sao sáng chói trên Thi đàn Trung Quốc vào thời Thịnh Đường. Ông là nhà nho tiến bộ, hấp thu được những tư tưởng Khổng Mạnh thâm thúy sâu sắc, có một nhận thức rất đứng đắn về nhiệm vụ, bổn phận, và vai trò của kẻ sĩ thanh liêm, nghiêm túc đối với vua, với nước và với dân... Thơ ông rất thành thực, phát xuất tự đáy lòng, tự nhiên, đượm đà tình yêu nước thương dân nồng nàn thắm thiết, tình nhân-đạo vị tha bao dung… Thơ ông đã phản ảnh trung thực đời sống của những người dân bị áp bức bóc lột dưới chế độ phong kiến tàn bạo của giai cấp quan liêu thống trị… Thơ Đỗ Phủ là tiếng nói nhân nghĩa đậm đà của chính lòng ông, gây lại một ấn tượng mãnh liệt làm xúc động người đọc... Nỗi nhớ quê nhà của ông thấm thiết vô cùng khi mỗi độ xuân về khi thấy những cây mai vàng đã bắt đầu hé nụ:
Tháng chạp mai hé nụ
Sang năm nở đầy hoa
Biết rằng ý xuân đẹp
Sao khách vẫn sầu a
Cây chung màu tuyết trắng
Gió vờn sóng sông xa
Vườn cũ tìm đâu thấy
Núi Vu cây rườm rà
(Giang Mai - Đỗ Phủ)
Cố quận quê hương ruột thịt thì mịt mùng xa cách, nỗi nhớ nhung nơi chôn rau cắt rún khi phải sống cuộc đời lữ thứ tha phương... một nỗi buồn mênh mông sâu lắng và dằng dặc vô cùng để nhà thơ phải khắc khoải tựï hỏi "hôm nao mới được về nhà thăm quê?"… Bài thơ u hoài vương vấn một nỗi buồn riêng mang khắc khoải và kín đáo:
Sông xanh càng trắng chim trời
Núi cao biếc thắm rạng ngời đỏ hoa
Thấy rằng năm hết xuân qua
Hôm nao mới được về nhà thăm quê?
(Tuyệt Cú 12 - Đỗ Phủ)
Thơ Đỗ Phủ đã biểu lộ tính cách hiện thực vì ông là nhân chứng của thời đại đã tai nghe mắt thấy được những thảm họa chiến tranh, những nỗi bi thương trầm thống của xã hội phong kiến bất công suy đồi, sựï xa hoa trụy lạc của giai cấp thống trị quan liêu, và chính bản thân ông, đời sống ông cũng đã trải qua những thăng trầm tang thương qua cuộc sống cơ hàn, vất vả, và khốn khổ... Cuộc đời ông hầu như bôn ba tứ xứ nơi đất khách quê người, nên ông đã chứng kiến thường xuyên những cảnh chiến tranh chết chóc, những nhiễu nhương của xã hội và cuộc sống bần cùng, không những của chính bản thân ông mà còn của những kẻ tha nhân không quen biết… Ông đã không được may mắn, thành công trên con đường thăng quan tiến chức như bao kẻ quyền sang biết luồn cúi và nịnh bợ triều đình … Tính tình ông quá ngay thẳng. Ngay khi ông mất nơi đất khách quê người, gia đình ông cũng không đủ tiền đem được linh cửu của ông về quê vì quá nghèo... Có những bài thơ được sáng tác để ghi nhớ, hồi tưởng lại một giai đoạn lịch sử nào đó, nhớ lại một thời vàng son nhung gấm, khi nhà thơ đã nhập thế, làm quan, lo việc triều cung, nhưng đôi khi gặp hoàn cảnh không may, không được thăng quan tiến chức, mà thất vọng chán nản, đành thúc thủ an phận, chấp nhận số mệnh một cách tiêu cực theo đạo lý Trung Dung: "Thượng oán bất thiên, hạ bất vưu nhân, cư dị dĩ sĩ mệnh" (Trên không oán trời, dưới không trách người, sống bình dị đợi mệnh)
Thơ của ông tràn đầy tình nhân đạo sâu sắc, yêu nước thương dân… Chính thơ đã phản ảnh được cái chức năng "Thi ngôn chí", tức thơ đã nói lên cái chí khí kẽ sĩ trong một giai đoạn lịch sử nào đó... qua bài thơ Xuân Vọng Mất nước, còn sông núi
Cây cỏ mọc thành xuân
Thương tình hoa tủi lệ
Biệt ly chim bần thần
Ba tháng tràn khói lửa
Thư nhà giá vô vàn
Tóc bạc ngày thêm ngắn
Cài trâm ắt phân vân
(Xuân Vọng - Đỗ Phủ)
Có những nhà thơ còn chút may mắn hơn Đỗ Phủ là đến cuối cuộc đời già, đã đạt được cái hoài bão về thăm quê hương… HạTri Chương đi làm quan xa nhà mãi đến năm 86 tuổi vì già ốm xin từ quan về quê. Sau hơn năm mươi năm xa cách, ông mới về quê vào dịp xuân về, và ông đã cảm khái viết nên bài Hồi Hương Ngẫu Thư (2 bài). Khi ra đi chỉ mang theo kỷ niệm dạt dào và tình cảm gắn bó với quê nhà, mà sau bao nhiêu năm mải mê đeo đuổi sự nghiệp công danh, vẫn cảm thấy tình quê hương là tình cảm thiêng liêng cao quí chẳng hề đổi thay trong lòng dạ người thơ. Nhưng lúc về đến nhà thì bao nhiêu cảnh vật, sự kiện đã đổi thay, đám trẻ quê nhao nhao vì nghĩ rằng nhà thơ cũng chỉ là kẻ lạ lẫm từ phương trời nào xa lạ tạm ghé qua đây. Cha mẹ thì đã qua đời từ lâu, còn bạn bè thì kẻ mất người còn, tạo nên nỗi chán chường ảo não tuyệt vọng của nhà thơ trước cảnh biến thiên của muôn sự, cuộc đời dâu bể tang điền thương hải mong manh vô cùng, nên nhà thơ chỉ còn biết bám víu vào một hình ảnh bất biến đó là sóng nước mặt hồ Gương vẫn còn nguyên vẹn với gió xuân phe phẩy, làm dịu mát lòng người…
Trẻ ra đi, lão mới về
Tóc bông thưa thớt, tiếng quê dạt dào
Trẻ con lạ lẫm nhao nhao
Hỏi cười "Khách ở phương nào đến đây?”
Quê nhà xa cách tháng năm
Bạn bè thưa thớt biệt tăm phương trời
Mặt Hồ Gương trước ngõ soi
Gió xuân chắc chẳng đổi dời sóng xưa
(Hồi Hương Ngẫu Thư - Hạ Tri Chương)
Bài Tống Xuân Từ, phóng tác theo ý thơ Vương Duy gồm 4 bài: Tống Xuân Từ, Điểu Minh Giản, Chung Nam Biệt Nghiệp, Võng Xuyên Nhàn Cư. Mùa xuân trong Đường Thi là bức tranh thủy mạc màu sắc hài hòa, có những nhà thơ tả cảnh thiên nhiên núi sông cây cỏ hoa bướm bằng những nét chấm phá đơn sơ, mộc mạc, nhưng đó là những gam màu pha trộn của một nghệ thuật hội họa tinh vi và sâu sắc... Bằng những tầm mắt xa rộng, họ đã cho chúng ta thấy cái huyền diệu của thiên nhiên vũ trụ bao la, của hương vị Thiền và Đạo man mác, của sựï thư thái và an nhàn để mà suy tư về sự vô thường và hữu hạn của cuộc đời . Những hình ảnh linh động và âm thanh dạt dào trong ngôn từ tinh vi cô động đã biểu hiệu cảm xúc chân thành, và gợi lên những liên tưởng thâm thúy và tư duy mẫn cảm... Hãy lắng nghe tiếng chim kêu lanh lảnh bên khe suối mùa xuân của thi sĩ Vương Du:
Người nhàn hoa quế rụng
Đêm xuân núi đìu hiu
Trăng lên chim thảng thốt
Khe xuân vọng tiếng kêu
(Điểu Minh Giản - Vương Duy)
Thi sĩ Vương Duy được gọi là Thi Phật và Họa sư, Tô Đông Pha đã nói về thơ Vương Duy: "Trong thơ có họa, và trong họa có thơ" (Thi trung hữu họa, họa trung hữu thi). Thơ của Vương Duy phản ảnh cái quan niệm của Ông đã chịu ảnh hưởng Đạo Học và Phật Học, xem cuộc đời là ngắn ngủi phù du vô thường như bóng câu bên cửa sổ, thoáng mây bay cuối trời, xem sự nghiệp công danh như một tuồng vân cẩu, đã lấy tư tưởng vô vi xuất thế để làm phương châm cho thực tại nhân sinh, khinh ghét thói đời đua chen danh lợi, chối bỏ nếp sống quan liêu phong kiến áo mũ xêng xang… Vương Duy đã chịu ảnh hưởng bởi cái quan niệm của Lão tử, đã dùng hình tượng Đạo Lý để chi phối cái quy luật tự nhiên: “Người noi theo Đất, Đất noi theo Trời. Trời noi theo Đạo. Đạo noi theo tự nhiên". Cái chế độ phong kiến của Trung Quốc đôi khi chỉ là một lớp son phô trương lòe loẹt, một phồn vinh giả tạo, một tập đoàn bè phái vương tộc, những nhà nho nhập cuộc với quan điểm "nhập thế hành đạo", nhưng đôi khi họ cảm thấy chán nản vì không thực hiện được cái hoài bão to lớn của họ mà họ ngán ngẩm thời thế, đành phải từ bỏ quyền cao chức trọng, để lui về ẩn dật, vui thú điền viên, bỏ hết tục lụy trần ai, dùng ngòi bút ca ngợi sự thanh nhàn theo quan điểm đạo Phật "xuất thế vô vi", hoặc cầu cứu đến phép vô sinh, thuốc tiên huyễn hoặc phù phiếm… Thiên nhiên qua bốn mùa hoa lá đổi thay là đề tài bất tận cho thi nhân.
Xuân đến và xuân đi như gió thoảng mây trôi… Xuân đến cho muôn hoa đua nở, mạch sống tuôn tràn… Xuân đi cho hoa lá héo tàn, lòng người cô quạnh, cảnh trời hiu hắt... Tuổi xuân cũng chỉ ngắn ngủi tấc gang, chẳng sống được dài lâu... Xuân đã đi rồi đi đem lại nỗi sầu tàn phai, thương tiếc, nhớ nhung như nhà thơ Vương Duy đã bộc bạch trong bài thơ Tống Xuân Từ:
Già theo ngày tháng trôi nhanh
Năm quanh quẩn hết, xuân xanh đến hoài
Vui cùng cốc rượu mà say
Cần chi thương tiếc hoa bay ngoài trời
Tuy thế giới Đường Thi lớn lao và đồ sộ như vậy nhưng chỉ có một số ít ỏi những bài thơ Đường ca tụng nghĩa Mẹ ơn Cha. Với một ý thức hệ nho gia phong kiến, lấy "trung hiếu" làm đầu, dựa trên nền tảng triết lý nhân sinh đại chúng và đạo lý cương thường xã hội, trong một chế độ quân chủ về chính trị và phụ quyền về xã hội, mà chúng ta rất ngạc nhiên khi thấy hiếm hoi những bài thơ ca tụng Tình Mẹ.
Bài thơ Du Tử Ngâm là một bông hoa hiếm hoi đã vươn mình khoe sắc rực rỡ trong khu rừng Đường Thi trùng trùng điệp điệp... Bài thơ có tính cách nội dung giáo dục đề cao về chữ Trung Hiếu nầy, đầy trắc ẩn lòng nhân là do sự ảnh hưởng của Đạo Nho, lấy Nho Học làm kim chỉ nam cho đời sống tâm linh, đề cao cái tính Thiện: “Cái trời sinh ra cái Tính, noi theo Tính gọi là Đạo, sửa mình theo Đạo gọi là Giác" hay theo quan niệm Khổng Mạnh: "Nhân chi sơ tính bản thiện". Bài thơ Du Tử Ngâm (Khúc Ngâm Cho Người Con Đi Xa) kết hợp bằng những giai điệu rất hài hòa, âm thanh tình mật thiết quyện vào nhau, đã diễn tả được những gì khăng khít nhất, những khắc khoải lo lắng bồi hồi của người mẹ, sợ con đi xa lâu trở về, trên bước đường viễn du không một bàn tay săn sóc, Mẹ chỉ mong sao cho manh áo được dầy kín, để đủ sưởi ấm thân con trẻ trên bước đường tha phương lưu lạc. Bài thơ với từ ngữ mộc mạc, giản dị, nhưng đã diễn đạt được cái tận cùng của một bản sắc dân tộc, một cội nguồn của nhân bản: Tình Mẹ, của một đời dầm mưa dãi nắng, của những chuỗi ngày triền miên, cay đắng, chịu đựng, và đợi chờ…
Mẹ ngồi xe chỉ trên tay
Chắt chiu áo mỏng, đợi ngày con đi
Đường khâu mũi vá chi li
Băn khoăn lo lắng con đi lâu về
Hỏi rằng tấc cỏ lòng quê
Ba Xuân nắng ấm đền bù được chăng?
Phải chăng những nhà thơ Đường, trong cái sĩ khí của nhà Nho, ngày đêm dùi mài kinh sử để mong đến ngày thi đỗ ra làm quan, thực hiện cái hoài bão "kinh bang tế thế, trị quốc an dân...", hoặc nếu không thành đạt như ý, họ bất lực chán nản buông xuôi và tự ẩn dật chìm mình trong tư tưởng vô vi, hướng về những đề tài thiên nhiên, sơn thủy điền viên, với tư tưởng "lạc thiên tri mệnh" (vui trời biết mệnh). Phải chăng họ đã mang mặc cảm ngại phơi bầy những tình cảm gia đình mật thiết riêng tư, những xúc động chân thành như tình Mẹ, vì bị ràng buộc bởi quan niệm nghiệt ngã "trọng nam khinh nữ", "tam tòng tứ đức" đè nặng trong xã hội hủ tục phong kiến, sợ người đời gán cho là kẻ yếu đuối, hèn nhác không phải là bậc đại trượng phu trong thiên hạ? Hình ảnh người phụ nữ trong xã hội đó phải chăng chỉ là những chiếc bóng âm thầm, tủi nhục, mang cái thân phận bèo bọt "chồng chúa vợ tôi", có nhiệm vụ tôi mọi nô bộc, chỉ biết đầu tắt mặt tối làm việc và không được chia sẻ cái chân lý căn bản của lẽ sống gia đình: hạnh phúc và tình yêu. Thật là thảm thương khi ta mường tượng đến hình ảnh của người phụ nữ, một người Mẹ, một người vợ trong cái xã hội quan liêu bất công đó. Vương Kiến với bài Vọng Phu Thạch, Lưu Vũ Tích với bài Vọng Phu Sơn, Trương Tịch với bài Tiết Phụ Ngâm đã đề cao cái công dung ngôn hạnh của người phụ nữ, ca ngợi cái phẩm chất tốt đẹp , đáng kính của người phụ nữ như như đoan trinh, thủy chung, cần cù, nhẫn nại, và hy sinh của người phụ nữ… Vọng Phu Thạch tức là Đá Trông Chồng. Chuyện xưa kể rằng ở thành phố Vũ Xương, tỉnh Hồ bắc Trung Quốc, có một người vợ có chồng đi xa lâu ngày không về. Hàng ngày nàng vẫn ra bến sông ngong ngóng đợi chồng về. Người vợ kiên trinh vẫn giữ vững lòng chung thủy, vẫn chờ đợi, chờ hoài nhưng người chồng vẫn không bao giờ trở về, và nàng đã hóa thành đá, vẫn muôn đời chờ đợi chồng mặc cho gió mưa vần vũ. Hòn đá đó được đặt tên là Vọng Phu Thạch, vẫn đứng sừng sững bên bờ sông Trường Giang, gần thành phố Vũ Xương. Bài thơ nói lên cái nỗi sầu bi thảm của người thiếu phụ trông chồng mòn mỏi, bấp chấp cả không gian và thời gian của vũ trụ mênh mông nghìn trùng... Mặc cho gió táp mưa sa, mặc cho nắng quái mưa dầm, khói sương mù mịt, mây phủ trên đỉnh non cao vời vợi... nhưng tình chung thủy và lòng tiết trinh của người đàn bà vẫn muôn đời bất biến…
Bên sông ngồi ngóng trông chồng
Trăm năm khắc khoải một lòng sắt son
Hóa thân thành đá mỏi mòn
Gió mưa vần vũ... đầu không ngoảnh về
Phải chăng nàng giữ lời thề
Đến khi đá nói... lúc nghe chàng về!
Bài thơ Tiết Phụ Ngâm của Trương Tịch có màu sắc lãng mạn, nhưng đó là một câu chuyện tình nhẹ nhàng và trong trắng, ca ngợi cái phẩm chất quý giá đáng kính trọng của người phụ nữ, đó là tâm hồn đoan chính và tấm lòng thủy chung, đậm đà màu sắc nghĩa tình, đạo lý... Trương Tịch là người có nhận xét sâu sắc, ông đã dùng ngôn từ chân thật để diễn tả nỗi khổ sở bất công của nhân dân, sự bóc lột tàn bạo của giai cấp thống trị, ông đã dùng thơ văn để bênh vực phụ nữ, vạch trần những bất công của xã hội đối với người phụ nữ, và luôn đề cao phẩm giá và tư cách của người phụ nữ vốn đã chịu rất thiệt thòi...
Biết rằng em có chồng
Sao chàng vẫn chờ mong
Thương em chàng trao tặng
Đôi ngọc màu biếc trong
Em đeo giữa yếm hồng
Tình chàng ôi mênh mông
Cuồng si và tha thiết
Chất ngất tận cõi lòng
Nhà em ở lầu cao
Đêm vàng tuôn ánh sao
Hương hoa vườn ngự uyển
Thơm ngát tình chiêm bao
Chồng em giờ xa vắng
Canh gác đền Minh Quang
Tình chàng luôn quân tử
Trong sáng tựa trời trăng
Từ khi em lấy chồng
Luôn nhớ chữ tâm đồng
Nguyện thề cùng sống chết
Trọn kiếp đời thủy chung
Trả ai đôi ngọc sáng
Mắt em lệ chảy ròng
Xót xa mà tiếc nuối
Chẳng quen lúc chưa chồng
(Trương Tịch) Một số ít bài thơ ca tụng tình yêu, mang tích chất lãng mạn, lẳng lơ, mặc dầu rất ít oi, đã đem lại những luồng gió tươi mát, ngan ngát mùi hương phấn dịu dang... Tình yêu trai gái cũng đã được đề cập trong nội dung một số bài thơ Đường, nhưng đó là thứ tình cảm thanh tao tế nhị, không vượt qua vòng lễ giáo, nhưng cũng không kém rạo rực, xao xuyến… Qua ngòi bút của thi nhân họ đã khắc họa hình ảnh của những thiếu nữ hồn nhiên, với những cảnh ngộ trong cuộc sống của họ, thành những áng thơ đẹp ca tụng tình yêu đẹp, nhẹ nhàng và hồn nhiên, sâu sắc và thiết tha, trong trắng, hồn nhiên, tế nhị chan chứa những cảm xúc chân thật lành mạnh, biểu tượng cho một niềm hạnh phúc cao cả và thanh khiết. Lý Bạch với bài thơ Trường Can Hành, Bạch Cư Dị với bài Tỳ Bà Hành, Lương Ý Nương với bài Trường Tương Tư, Thôi Hộ với bài thơ Đề Đô Thành Nam Trang là những đóa hoa kiều diễm trong vườn thơ tỏa đầy hương sắc ca tụng tình yêu muôn thuở.
Lý Bạch đã dùng ngòi bút tuyệt vời để miêu tả về tình yêu, là một đề tài mà ít người muốn viết dưới chế độ phong kiến Trung Quốc, vì những quan niệm nghiệt ngã "văn dĩ tải đạo”, “trọng nam khinh nữ, “tam tòng tứ đức", “ tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử"… hoặc những hủ tục bất nhân vì cái nhìn lệch lạc của giai cấp thống trị, tầng lớp quí tộc đầy quyền uy tối thượng. Thân phận của người phụ nữ bấp bênh "mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu". Bài thơ "Trường Can Hành" của Lý Bạch đề cao tình yêu lãng mạn đối với người con gái đẹp, là một trong những bông hoa quí hiếm có trong khu vườn Đường Thi trùng trùng điệp điệp…
Gió thu rụng lá đầy
Bướm bay vàng tháng tám
Dập dìu cỏ phía tây
Cảnh buồn thiếp xót xa
Hồng nhan thương phận già
Khi nào đến Tam Ba
Chàng ơi gửi thư nhé
Em chẳng ngại đường xa
Hẹn đón Trường Phong Sa
(Trường Can Hành - Lý bạch)
Đời hậu Chu, thời Ngũ Quý ở tỉnh Hồ Nam vùng sông Tiêu Tương có nàng Ý Nương vừa đẹp lại hay chữ. Ở trọ nhà nàng có chàng Lý Sinh hàn sĩ phong lưu tuấn tú. Một đêm Trung thu hai người thưởng trăng gặp nhau trai tài gái sắc tâm đầu ý hợp nên sau đó thường hay lui trao đổi tâm tình. Cha của Ý Nương là Lương Công hay biết tức giận đuổi Lý sinh đi. Ý Nương lấy làm đau đớn sinh bịnh mới làm khúc Trường Tương Tư mong gởi nguồn tâm sự cho người yêu. Lý Sinh nhận được bài thơ cảm xót vô cùng đầm đìa nước mắt nhờ người mai mối đến năn nỉ với Lương Công xin hỏi cưới Ý Nương. Ban đầu Lương Công còn dùng dằng sau đọc được bài thơ của con gái mình, cảm động chấp nhận cho hai người thành duyên...
Tương Tư là như thế đó, là nhớ nhau da diết, bâng khuâng xao xuyến, là khát khao giao cảm, là bước chân hụt hẫng giữa mộng và thực trong cái xúc động vô bờ của tình yêu tha thiết, là những đau khổ dằn vặt vì nhớ nhung, lo lắng, giận hờn, ghen tuông, hoài nghi, là những sầu hận luyến tiếc vì lỡ làng, trăn trở, hoài niệm... Chính những cái đau khổ đó là chất men để làm những áng thơ tình mỹ lệ, ngây ngất, dậy sóng, thành những âm thanh huyền diệu vang mãi trong lòng, dào dạt và nồng nàn… Đau khổ vì tương tư là cái cảm xúc huyền hoặc không thể thiếu được để làm xao động tâm tư, tạo sự xung đột nội tâm của người nghệ sĩ.
Sông Tương thăm thẳm đáy sâu
Tương tư da diết nỗi sầu hơn sông
Sông có đáy dễ dò sông
Sầu tương tư chỉ mênh mông vô bờ
Đầu sông chàng đứng thẫn thờ
Bẽ bàng mình thiếp đợi chờ cuối sông Nhớ thương xa cách mịt mùng
Nước sông thắm thiết ta cùng uống chung
(Trường Tương Tư - Lương Ý Nương)
Tỳ Bà Hành là một bài thơ cổ kính, súc tích, lồng vào một câu chuyện thi vị, tạo ra một âm hưởng nhạc thơ nhẹ nhàng, tha thiết làm xao động lòng người. Cái thân phận bèo bọt của người đàn bà đã dùng tiếng đàn để bộc lộ nỗi than oán và uất hận của mình… Bạch Cư Dị là nhà thơ đã mạnh dạn đề cập đến giá trị của người phụ nữ, cái bất công của xã hội phong kiến đối với vai trò của người phụ nữ... Bạch Cư Dị đại diện cho dòng hiện thựïc phê phán vì ông đã trải qua một giai đoạn lịch sử đen tối với chế độ quan liêu phong kiến đồi trụy và Bạch Cư Dị đã dùng thi ca với những lời lẽ giản dị thành thựïc để mạnh dạn đấu tranh và tố cáo những hành vi áp bức, sự bất công trong xã hội, vạch trần sựï bóc lột của bọn quan lại quý tộc. Thơ của ông phản ảnh được nỗi lòng và cảnh trầm luân thống khổ của dân chúng trước thế sựï thời cuộc ba chìm bảy nổi...
Bạch Cư Dị chủ trương đổi mới thi ca, ông muốn thi ca phải gắn bó với đời sống, phản ảnh hiện thực xã hội, tràn đầy tư tưởng nhân đạo, nhân văn. Bạch Cư Dị đã nói Làm văn phải vì thời thế mà làm, làm thơ phải vì thực tại mà viết" (Văn chương hợp vi thời nhi trước, thi ca hợp vi sự nhi tác). Thơ Bạch Cư Dị mang tính hiện thực. Bài Trường Hận Ca của ông diễn tả mối tình đẹp của Đường Minh Hoàng và Dương Quí Phi, nhưng cũng có những ý tưởng sâu sắc thầm kín mỉa mai…
Bài Tỳ Bà Hành của ông theo lối "thuật hoài" (miêu tả), cảm ngộ, để gửi gắm tâm sự, nỗi buồn riêng tư thầm kín của tác giả như một người mang số phận hẩm hiu để mà thông cảm xót thương như người ca nữ trong câu truyện, gặp nhiều cảnh éo le, không may mắn trên đường đời Bài thơ ngân vang một cảm xúc ngậm ngùi, một nỗi buồn thắm thía... Đó là những lời bộc bạch chân tình, nói lên cái tâm huyết của một người trí thức muốn bày tỏ tấm lòng ưu thời mẫn thế, cũng như nỗi bi phẫn của tác giả bị chèn ép, bạc đãi trong một xã hội phong kiến đầy dẫy bất công... Nhà thơ đã tìm thấy một tâm hồn đồng điệu, một nghĩa tương thức tri âm qua người kỹ nữ gặp trên sông Tầm Dương.
Bến Tầm Dương lạnh lá phong rơi
Tiễn khách sang sông luống ngậm ngùi
Sóng nước mênh mông làn khói bạc
Đàn ai dìu dặt điệu chơi vơi
Mỗi tiếng đàn rung thấm thía sầu
Dạt dào âm điệu khóc mưa ngâu
Tỉ tê như trút niềm tâm sự
Sướt mướt tình riêng hạt lệ châu
Ngập ngừng khoan nhặt tiếng tơ vàng
Líu lót oanh ca suối ngỡ ngàng
Tung tóe muôn vàn tia nước vỡ
Ngỡ ngàng tiếng lụa xé kêu vang
Tỳ bà em dạo tuổi mười ba
Một thuở vàng son đã khuất xa
Nhan sắc tàn phai mình với bóng
Thuyền trôi sông tẻ lạnh trăng tà
Có một đêm nằm tỉnh giấc mơ
Lệ hồng má phấn nhạt phai mờ
Tuổi xuân nay đã thành mây khói
Thổn thức đàn khuya khóc ngẩn ngơ
Thuyền trăng lơ lửng nước xuôi giòng
Nhịp gõ đàn ngân tiếng não nùng
Dạ khúc tỳ bà chan chứa lệ
Ngậm ngùi ly khách khóc rưng rưng…
(VNL phóng tác theo ý thơ Tỳ Bà Hanh - Bạch Cư Dị) Bài thơ Đề Đô Thành Nam Trang của Thôi Hộ là một giai thoại văn học nói lên một mối tình xuân muôn thuở... Hình ảnh của người đẹp với má hồng ưng ửng đứng tựa cây đào rực rỡ thắm tươi dưới muôn vàn tia nắng như vui đùa nhảy múa trong trí tưởng của người thơ, tạo nên một hấp lực vô hình thôi miên quyến rũ và mê hoặc người thơ, càng nhìn càng đắm đuối say mê… Rồi cũng đến giờ phút từ giã chia tay… Nỗi nhớ tha thiết dâng trào khôn nguôi đã thôi thúc người thơ về lại chốn cũ để tìm lại người xưa… Cũng vẫn là cảnh đó… gợi sầu da diết, cảnh còn đây, mà người ở đâu? Hoa vẫn nở vẫn thắm tươi khoe sắc như muốn bỡn cợt với gió đông, và dửng dưng với nỗi bồi hồi nhung nhớ của người thơ...
Năm ngoái hôm nay cũng cửa nầy
Hoa đào má phấn đỏ hây hây
Người đi đâu mất, còn hoa đó
Ghẹo gió đông cười hoa ngất ngây
(Đề Đô Thành Nam Trang - Thôi Hộ)
Một bài thơ tình mang gốc huyền thoại thần tiên mà người đời vẫn còn ưa thích, đã trở thành điệu hát ca trù rất phổ biến đó là Lưu Nguyễn Du Thiên Thai. Chùm thơ "Thiên Thai" của Tào Đường gồm có 5 bài. Câu truyện kể rằng: vào thời Vĩnh Bình (58-76) vào đời Hán Minh Đế, nhân Tiết Đoan Ngọ, hai chàng trai Lưu thần và Nguyễn Triệu lên núi Thiên Thai (tỉnh Chiết Giang) để hái cây thuốc, và hai chàng đã gặp được hai tiên nữ, mời Lưu Nguyễn về nhà tiếp đãi ân cần và họ đã kết duyên vợ chồng. Ở đây được chừng nửa năm, Lưu Nguyễn nhớ gia đình và quê làng nên muốn xuống núi về nhà. Hai Tiên nữ lưu lại không được, rồi cũng phải tiễn biệt hai chàng đi. Hai chàng về đến quê làng, mới biết trần gian đã trải qua bảy đời người, và không ai nhận ra mặt được, chỉ có người cháu bảy đời kể lại là có Cụ Tổ đã vào núi hái thuốc và không bao giờ thấy trở về nữa. Hai chàng không còn gia đình và nơi chốn để nương tựa, muốn trở về núi, nhưng tìm đường không ra. Cuối cùng người ta không biết hai chàng lưu lạc về đâu...
Gãy khúc nghê thường chẳng có ai
Mộng trần đâu biết mộng tiên dài
Trời riêng góc động xuân thanh vắng
Nẽo khuất dương trần nguyệt úa phai
Khe thắm cỏ tiên vờn cát ngọc
Suối thơm đào ngát nước xanh trôi
Mỏng manh sương sớm đèn trong gió
Muốn gặp chàng Lưu biết hỏi ai?
Lại tìm Tiên Nữ động Thiên Thai
Đá trắng rêu xanh bụi phủ đầy
Lặng lẽ hang sâu im tiếng nhạc
Đìu hiu xóm quạnh vắng chim bay
Tàn phai sắc cũ hờn cây cỏ
Hờ hững xuân xưa chạnh khói mây
Nước chảy hoa đào phơ phất đó
Cố nhân hầu rượu chẳng còn đây!
(Tào Đường)
Nhà thơ chẳng khác gì một viễn khách đi truy tầm cái diễm lệ của thơ ở nơi chốn bồng lai tiên cảnh, đi tìm cái cung đàn muôn điệu qua tiếng sáo Thiên Thai, tiếng hót của chim oanh trên cành liễu… có năng lực cảm thụ tinh tế, hữu hình hóa những cái trừu tượng mơ hồ, tạo ra vô số cảm giác, muôn vàn hình ảnh… Những hình tượng và liên tưởng nối liền nhau, tạo sự hài hòa giữa ý từ, màu sắc, âm thanh, gây những âm vang chấn động lòng người đọc. Hồn thơ Đường đã mở ra những cánh cửa của tâm hồn để bay bổng hòa mình với không gian bát ngát của vũ trụ muôn trùng.
Xuân Tiêu Vọng Hàn Giang:
Trong cuộc lữ hành đi tìm cái thâm thúy của khung trời Đường Thi, dạt dào những hình ảnh sinh động phong phú, đầy những cảm xúc, âm điệu, rung động, sâu sắc, chân thật và nồng nàn... Tác giả Hải Đà VNL có lẽ đã cảm thụ được cái hay cái đẹp, những nét thanh tao tinh tế của Thơ Đường, và muốn tự gửi gắm cái tình ý sâu thẳm xôn xao khó tả của mình qua bài thơ Đường "Xuân Tiêu Vọng Hàn Giang" (Đêm Xuân Nhớ Sông Hàn). Phải chăng đó là nỗi niềm của người thơ trên bước đường phiêu bạt, đến một lúc nào đó cảm thấy đơn lẻ, để muốn tâm hồn của mình chấp cánh bay bổng về nơi chôn nhau cắt rún… nơi đó có dòng sông của muôn vàn nỗi nhớ xôn xao, mênh mông sóng nước chập chùng. Con sông đó có tên là Sông Hàn (Hàn Giang) ở Đà Nẵng mà tác giả đã trải qua thời thơ ấu mến yêu với muôn vàn kỷ niệm luyến lưu, cồn cào xao động lòng kẻ xa nhà đã lâu. Tác giả đã mạo muội sáng tác bài thơ Đường "Xuân Tiêu Vọng Hàn Giang". Rồi VNL đã tâm sự với một số vốn nhỏ bé về Hán Học, học ở truờng, học từ thân phụ vốn là nhà nho, và tự tìm tòi học hỏi thêm, nên cảm thấy có nhiều thiếu sót và mong các cụ túc nho trưởng thượng, tiền bối cao kiến và bạn đọc yêu thơ nhạc muôn phương lượng thứ và thông cảm nếu có sự thiếu xót và bất cẩn trong việc thực hiện cái đam mê thi ca của anh VNL. Tác giả xin chân thành gửi lời cảm tạ.
Xuân Tiêu Vọng Hàn Giang
Phong xuy lạc diệp động sầu âm
Nguyệt chiếu hà lương khách tứ thâm
Hỷ vũ hỷ hoa vô hỷ sắc
Hàn Giang hàn thủy bất hàn tâm
Tha phương uẩn nộ phi nan giảm
Cố quận nhân yên bất khả tầm
Tịch mịch xuân tiêu cô đối ảnh
Hương quan bán dạ Việt thi ngâm
Hải Đà
Dịch nghĩa:
Gió thổi lá rơi vọng tiếng sầu
Trăng chiếu cầu bên sông làm khách nhớ nhà da diết
Mưa vui, hoa vui, nhưng mặt chẳng vui
Sông lạnh, nước lạnh, nhưng lòng không lạnh
Ở phương xa, nỗi sầu giận khó giảm đi
Quê cũ khói lam dễ đâu mà tìm thấy
Qụanh quẽ đêm xuân một mình thân với bóng
Nhớ nhà nửa đêm ngâm nga bài thơ Việt
Thơ dịch Hải Đà
Đêm Xuân nhớ Sông Hàn
1-
Lá rơi gió thổi tiếng sầu vang
Trăng chiếu cầu sông khách bẽ bàng
Mưa thuận, hoa cười, đâu sắc thắm
Lạnh sông, buốt nước, chẳng khô lòng
Tha phương uất hận nào thuyên giảm
Cố quận khói mờ há dễ trông
Quạnh quẽ đêm xuân thân với ảnh
Khuya ngâm thơ Việt nhớ quê làng
2-
Lá rơi gió thổi sầu ngân
Cầu sông trăng chiếu bần thần khách xa
Mặt buồn dẫu có mưa hoa
Lạnh sông lạnh nước… khó mà lạnh tâm
Hận sầu viễn xứ trầm ngâm
Mịt mùng cố quận khói lam khó tìm
Một mình với bóng lặng im
Nửa đêm thơ Việt vịnh ngâm nhớ nhà…
Hải Đà
Bàn về việc dịch Thơ, một học giả Trung Hoa cho rằng việc dịch thơ cần phải dựa trên ba yếu tố căn bản và thiết yếu là "Tín, Đạt, Nhã":
"Tín" là đòi hỏi phải trung thành với nguyên bản của bài thơ, cần nghiền ngẫm chu-đáo kỹ lưởng, tìm hiểu lai lịch gốc tích, ý nghĩa của từng từ ngữ, cũng như điển tích của từ ngữ thơ, để cảm nhận nét hay vẻ đẹp của bài thơ gốc.
"Đạt" là đòi hỏi chính xác và thành đạt như bài thơ gốc, đúng như tư duy và cảm nghĩ, ý tưởng của tác giả bài thơ.
"Nhã" nghĩa là trang nhã, đẹp và hay, đọc bài thơ dịch cần có âm điệu, đọc lên gây sự rung cảm sâu xa cho người đọc.
Nhưng nếu theo đúng khuôn mẫu, phép tắc của ba yếu tố "Tín, Đạt, Nhã" thì e rằng việc dịch thơ sẽ khó khăn vô cùng... Cho nên dịch thơ đôi khi cũng cần sự phóng khoáng, cởi mở và không phải gò bó theo đúng khuôn phép, tuy nhiên tránh việc làm lệch lạc "ý" của bài thơ gốc , nghĩa là phải lựa chọn chữ để đem được cái "ý tưởng", "tâm hồn" và "thần sắc'' vào bài thơ dịch, để độc giả khi đọc bài thơ đó tự nhiên có cảm tưởng biết ngay cái nguồn gốc của bài thơ dịch là từ đâu... Chứ không thể thêm thắt bừa bãi để biến thành "dịch" là "phản" thì thật là bất công và vô tâm đối với tác giả bài thơ gốc. Thơ không phải là ngôn ngữ của "khoa học" (một cộng với một là hai) mà thơ là nguồn tinh khôi của cảm nhận và ý tưởng hòa đồng, và từ sự vật cụ thể để dẫn dắt đến cái trừu tượng bao la khó diễn tả, không thể sờ, mó, ngửi... mà chỉ cảm nhận bằng tâm hồn và cảm xúc. Thơ là một ngôn ngữ của trực quan, có sức truyền cảm mãnh liệt. Sở dĩ chúng tôi xin nêu ra vài quan điểm về sự dịch thơ để tìm một giải đáp có thể chấp nhận trong việc tìm hiểu và giải thích ý nghĩa những từ ngữ. Từ những sự thể nhỏ bé ở trong cái không gian bao la của vũ trụ, nhờ có một tâm hồn thơ, một tinh thần ung dung tự tại, thi nhân mới có thể cảm nhận và chiêm nghiệm và từ đó đưa đến sự hình thành những câu thơ vi diệu và độc đáo, chi phối mãnh liệt tâm hồn người đọc, và dẫn dắt người đọc thơ đi "dạo" chơi giữa cái lâng lâng vô cùng... mà không hề hay biết... "Đất trời vô cùng tận, kiếp người tựa sương mai" - "Thiên địa vô cùng cực, nhân mệnh nhược triêu sương (Tống ƯngThị của Tào Thực ) Một đặc trưng khác của thơ Đường là "thiên, địa, nhân" nối kết và liên hợp và con người chỉ muốn hòa nhập, gắn bó mật thiết vào không gian và thời gian diễn tả trong bài thơ. Đi vào cõi thơ là những bước chân hụt hẫng chênh vênh giữa tịnh và động, giữa cụ thể và trừu tượng, giữa xác thực và mơ hồ...
Một bài thơ Đường khi đã đạt đến mức độ toàn mỹ và trác tuyệt, mỗi một chữ, một lời, một ý như những viên ngọc quý đã được kết hợp hài hòa, chi ly, để hình tạo một chuỗi kim cương lấp lánh, một dải giai chương tuyệt vời... Vì lòng đam mê văn chương và thi ca, tác giả mạo muội chỉ xin mượn ý và phỏng dịch từ Thơ ra Thơ. Vì phải giữ cấu tứ, âm điệu, thể cách, luật bằng trắc nên chắc chắc có rất nhiều thiếu sót vì nhiều chữ không được sát nghĩa, khó lột đúng tinh thần nguyên tác, cái khó khăn là phải giữ cái hồn thơ và ý thơ của nguyên bản, và đồng thời thi điệu của bài thơ dịch. Hơn nữa có một số chữ và câu trong bài thơ Đường sau nhiều lần trước tác, biên soạn, đã tam sao thất bản, gây sự sôi động bàn cãi nhiều lần.
Những bài thơ Đường nguyên tác trong CD "Lầu Thơ Vút Cánh Hạc Vàng" này đã được rất nhiều nhà chuyên khảo Hán Học uyên bác, các học giả tiền bối Việt Nam, và các thi sĩ say mê Đường Thi đã dịch với những bản dịch nguyên tác trác tuyệt, phong phú và tài hoa. Mỗi dịch giả có một cách nhìn riêng về bài thơ nguyên tác, có một phong cách sáng tạo và cách dịch thâm thúy khác nhau dưới các khía cạnh thưởng ngoạn đa dạng với những nhận thức tinh tế, những cảm xúc nghệ thuật và rung động thẩm mỹ muôn chiều khi đọc, ngâm, vịnh một bài thơ Đường, và đã làm thêm phong phú và tăng gía trị của một bài thơ Đường. Người đi sau bao giờ cũng có cái may mắn là học hỏi được nhiều kinh nghiệm các vị tiền bối trưởng thượng.
Những bài thơ phóng tác trong CD nay sở dĩ được hình thành là do lòng đam mê, đắm say vì văn chương nghệ thuật, đó là kết quả của tấm lòng thích thú yêu thơ nhiệt thành, của sự tìm tòi học hỏi vì đam mê… vì tôi nghỉ rằng tác giả vốn biết rằng dịch Thơ Đường là một công việc rất công phu, tỉ mỉ đòi hỏi sự uyên bác về chữ Hán, kiến thức thâm sâu về văn hóa cổ xưa, cái mà Việt Hải không dám mơ ước tới và chính tác giả chỉ cũng nhìn nhận là "hậu sinh" với cái vốn tự học chắc hẳn còn thiếu sót rất nhiều để làm công việc nghiên cứu, dịch thuật này. Cũng may thay có rất nhiều học giả uyên bác, những thi sĩ tiền bối thâm nho, đã dịch trước rất nhiều bài thơ Đường ra chữ quốc ngữ như nguồn tài liệu tha kkhảo thật là giá trị… cũng như tác giả đã được gặp gỡ vài bậc thâm nho xem như những bậc Thầy để được học hỏi thêm, cũng như giải thích những ý nghĩa của những bài thơ hoặc điển tích mà tác giả tự nhận chưa có đủ khả năng, cũng như một số bạn bè thân đã trao đổi thảo luận về thú vui này, cũng như đã cung cấp cho tác giả một số tài liệu văn học quí báu rất cần thiết cho việc tham khảo. Tác giả VNL nói là anh rất tri ân những sự hiểu biết và phổ biến của các bậc thầy nho học tiền bối, cũng như những bạn bè thân thiết đã giúp đỡ, khuyến khích cho CD này được hình thành… và chắc hẳn không tránh khỏi nhiều khiếm khuyết, sai sót về ngôn ngữ và ý từ...
Việc phóng tác thơ Đường là điều cần thiết để Nhạc sĩ Mai Đức Vinh phổ thành nhạc, những bài thơ ngắn gọn, súc tích chỉ có 4 câu như Phong Kiều Dạ Bạc, Đề Đô Thành Nam Trang, Tĩnh Dạ Tứ, Du Tử Ngâm, Vọng Phu Thạch… tác giả cần tìm hiểu bối cảnh, thời gian, không gian của bài thơ, mà dưạ theo đó phóng tác thêm lời, vì lời rất cần thiết cho một bản nhạc thành hình. Cũng có những bài thơ đã đủ lời cho bản nhạc như Tiết Phụ Ngâm, Trường Can Hành. Hoặc những bài thơ dài quá như Tỳ Bà Hành, mà bài thơ nguyên Tác gồm 88 câu 7 chữ, nên tác giả chỉ đưa những ý chính để cô đọng thành bài thơ phổ nhạc chỉ gồm 24 câu, hoặc 1 chùm thơ của Lưu Nguyễn Du Thiên Thai (5 bài), nhưng tác giả chỉ dùng 24 câu, lấy từ mỗi bài thơ nguyên tác 4 câu… Có những bản nhạc tác giả đã tổng hợp lời của những bài thơ ngắn khác nhau nhưng có chung một ý từ để làm lời cho toàn bản nhạc như bài Vọng Xuân Từ, Thu Phố Ca…
Kết Luận:
Thế giới Đường Thi là một bức tranh thủy mạc hài hòa với những con chữ lẫn hồn thơ, ý nhạc là một sự phối hợp tuyệt tác giữa các màu sắc tuyệt mỹ và âm thanh trầm bổng làm quyến rũ người thưởng ngoạn vô cùng… Trên thi văn đàn Trung Quốc, mỗi một thi-sĩ có một cá tính sắc thái riêng biệt, một phong cách và khuynh hướng khác nhau... Kho tàng của Đường Thi chất ngất vô vàn, như khu rừng trùng trùng điệp điệp đầy hoa thơm cỏ lạ… Những người yêu thơ nhạc dầu ở cách xa nhau ngàn dặm, không nói, mà vẫn có những điểm tương đầu ý hợp khi cảm xúc được một bài thơ hay, một câu thơ đẹp, một ý thơ thâm thúy, một âm điệu nhạc trầm bổng xao xuyến nào đó trong tôi. Nếu cho tôi chọn một thi sĩ làm thơ Đường, VH xin đề nghị thi sĩ Hải Đà Vương Ngọc Long và tương tư nếu cho tôi chọn một nhạc sĩ phổ thơ Đường, VH xin đề nghị tiếp là nhạc sĩ Mai Đức Vinh. Một nhà thơ Pháp nào đó đã nói: "La poésie, art suprême, c’est la musique qui pense et la peinture qui se meut" (Thơ là một nghệ thuật cao cả, là âm nhạc biết suy tư và bức họa có sinh động).
Nhạc sĩ Mai Đức Vinh và thi sĩ Vương Ngọc Long nhắn nhủ là hai anh mong mỏi đóng góp một chút tình đam mê thơ nhạc vào vườn hoa văn nghệ thi ca và văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Mong quý vị và các bạn thích bộ môn thi ca và âm nhạc giao duyên nên có một dĩa CD để tìm hiểu công trình sáng tạo bằng tim óc của hai nghệ sĩ này.
Tôi gặp nhạc sĩ Mai Đức Vinh (MDV) trong chuyến anh đưa gia đình về thăm mẹ tại Nam Cali, anh cho tôi biết anh vừa thực hiện xong dĩa CD mới nhất, CD mang tên "Lầu Thơ Vút Cánh Hạc Vàng", được anh phổ theo thơ của thi sĩ Hải Đà Vương Ngọc Long (VNL). Tôi cũng quen biết anh VNL qua vài tác phẩm thi tập và vài CD do nhiều nhạc sĩ phổ thơ anh. Anh VNL ngoài việc làm thơ Việt Ngữ, anh còn phóng tác thơ Hán, thơ Pháp, thơ Anh sang Việt ngữ. Giờ đây tôi xin hân hạnh giới thiệu tác phẩm văn hóa nghệ thuật chung của hai anh VNL và MDV. Đây có thể là CD đầu tiên, từ xưa đến nay tạo nét hỗn hợp độc đáo vô tiền khoáng hậu một tác phẩm thi ca đông phương giữa cái cổ điển và cái tân thời, giữa thi ca và âm nhạc giao duyên, giữa cái thanh tao và cái chân chất mà hai tác giả cố đóng góp vào kho tàng nghệ thuật âm nhạc văn hóa Việt Nam.
CD gồm 15 ca khúc từ bài đầu "Hoàng Hạc Lâu" đến bài cuối "Xuân Tiêu Vọng Hàn Giang". Tôi nghe miên man, nghe mê mãi sự thâm thúy truyền cảm của thi ca, nét mới lạ của những dòng nhạc độc đáo, phong phú và trữ tình của nhạc sĩ MDV. Sau đây là bài chi tiết về nội dung các bài thơ được phỏng tác hay sáng tác bởi thi nhân VNL.
Phần chi Tiết của "LẦU THƠ VÚT CÁNH HẠC VÀNG":
Thế giới của Đường Thi là một thế giới siêu thoát, không bến bờ, bát ngát, triền miên và vô tận. Thời Đường đã đưa Đường Thi lên đến tuyệt đỉnh, cực thịnh của nền thi ca nhân loại, diệu vợi, có một không hai. Đó là tinh hoa của nền văn hóa Trung Quốc... Với một di sản đồ sộ, thơ Đường rất phong phú và đa dạng, tả tình, tả cảnh, nói lên cái khí hạo nhiên của con người, cái đạo Trung Hiếu Nhân Nghĩa làm đầu.Thơ Đường chia ra nhiều thể loại, nội dung khác nhau: những bài thơ thời chinh chiến tả cảnh biên thùy, nỗi lòng người lính thú xa nhà, những bài thơ tả cảnh đồng quê dân dã, bốn mùa xuân hạ thu đông, những thú tiêu khiển thiên nhiên, hưởng nhàn, đọc sách, ngâm vịnh, câu cá, du thuyền, những bài thơ phơi bày thảm trạng chua xót của xã hội, những bài siêu trần thoát tục, hệ lụy nhân sinh v.v... không sao kể xiết. Đọc thơ Đường để cảm nhận tiếng lòng xao xuyến của người xưa vọng lại, của hồn xưa trăn trở còn phảng phất đâu đây... Những bài thơ với những từ diệu điêu luyện, ý tưởng phong phú, cảnh tình thắm thiết… đậm đà tình cảm sâu sắc, nồng nàn, với những ngôn ngữ thâm thúy, tự nhiên hàm súc, ý tưởng chân thật thanh đạm, luật thi rất tinh mật, hoặc có những bài thơ giàu chất trí tuệ hơn cảm xúc… có đặc trưng, phong cách và vẻ đẹp riêng biệt.
Mỗi một bài thơ Đường là một bức tranh sống động với các màu sắc hài hòa, có âm vang kỳ diệu và sức truyền cảm tuyệt vời, gợi mở, quyến rũ và đi thẳng vào lòng người đọc, để lại những suy tư trầm lắng và rung động không nguôi… Đường Thi là sự kết tụ mỹ thuật, tinh hoa văn học nghệ thuật... Mỗi một bài thơ Đường nổi tiếng xứng đáng là viên ngọc quí vô giá lung linh sáng chói, chẳng bao giờ phai nhạt qua cơn bụi lốc mịt mù và gió bão của thời gian và không gian vô tận… Bộ Toàn Đường Thi ấn hành vào năm 1707 chia làm 30 tập, gồm 900 quyển, với hơn 49.000 bài của ngót hơn 2200 thi sĩ. Thơ Đường có thể nói đã trải qua gần 300 năm (618-907). Dựa vào sự biến chuyển của các triều đại nhà Đường, có thể chia ra làm 3 thời kỳ tóm tắt như sau với những sắc thái riêng biệt, đặc trưng của thi ca, và phong cách, trường phái của các nhà thơ: thời Sơ Đường, thời Thịnh Đường và thời Vãn Đường, trong đó phải đáng kể Thời Thịnh Đường là thời kỳ vàng son rực rỡ của Đường Thi.
Thời Thịnh Đường (713-846):
Với sự lên ngôi của Lý Long Cơ (tức Đường Minh Hoàng) đã đề ra sự "phục bích" (dựng lại bức tường cũ), nhắc lại sự việc lật đổ Võ Tắc Thiên (705) và Lý Long Cơ diệt Vi Hậu (713) để khôi phục nhà Đường. Đường Minh Hoàng là nhà vua có nhiều tài năng, là một nghệ sĩ (tự nhuận sắc khúc Nghê Thường), say mê ca múa thi văn, quí trọng văn nhân thi sĩ, đã lập ra Văn Học quán, nơi chốn để đàm đạo thảo luận thơ văn... Văn họcTrung Quốc vào thời kỳ nầy đã có cơ hội phát triễn rực rỡ muôn màu, muôn sắc... Đây là thời kỳ đã đưa thơ Đường lên đỉnh cao chói lọi… Đại diện cho thời Thịnh Đạt nầy có thể nói có bà nhà thơ rất nổi tiếng, đó là Lý Bạch, Vương Duy và Đỗ Phủ. Lý Bạch với phong cách hào phóng đại diện cho dòng thơ lãng mạn bay bổng tự nhiên, đôi khi siêu thoát ra ngoài thựïc tế. Thơ Vương Duy (thi sĩ còn là một họa sĩ có tài) man mác hương vị thiền, thanh đạm hồn nhiên, chịu ảnh hưởng của Phật Giáo Thiền Tông... Đỗ Phủ đại diện cho dòng thơ hiện thực trữ tình, mang những tư tưởng Khổng Mạnh của một kẻ sĩ đứng đắn nhận thức được trách nhiệm đối với vua, nước và dân. Hơn nữa bản thân của Đỗ Phủ cũng sống trong cảnh cơ hàn nghèo khó. Thời kỳ thi ca của Đỗ Phủ cũng là giai đoạn cảnh thái bình thịnh trị trôi qua, khi Đường Minh Hoàng say mê nhan sắc Dương Quý Phi, bỏ bê công việc triều chính và chiến tranh nhiễu nhương xẫy ra, và chính Đỗ Phủ đã dùng ngọn bút tài ba của mình để miêu tả những hoàn cảnh xã hội tang thương trong giai đoạn nầy… Trong khi Vương Duy có những dòng thơ chịu ảnh hưởng Phật Giáo, thơ Lý Bạch man mác màu sắc Đạo Tiên, thì thơ Đỗ Phủ tiêu biểu tinh thần Nho Giáo, mang tính chất hiện thực của thời đại... Cho nên người ta thường gọi Vương Duy là Thi Phật, Lý Bạch là Thi Tiên và Đỗ Phủ là Thi Thánh... Thơ Đường rất phong phú vừa nội dung lẫn hình thức, kỹ thuật và nghệ thuật, phản ảnh rộng rãi cái hiện thực thời đại, các sinh hoạt xã hội, quan niệm nhân sinh, thiên nhiên, lịch sử cá nhân, cung đình…
Quan niệm "Thi Ngôn Chí" (Thơ nói lên cái Chí) rất thịnh hành trong thi ca Trung Quốc, thơ phản ảnh chí hướng, tình cảnh, cảm xúc, cuộc đời của con người. Các thi sĩ Đường Thi đã ôm hoài bảo "kinh bang tế thế", "trí quân trạch dân", quan niệm thơ là một phương tiện để bảo tồn phong hóa, là công cụ để giáo hóa nhân tâm, là hình thức để di dưỡng tinh thần con người… Thơ chính là những tâm tình bộc bạch, là tiếng lòng thổn thức, là tâm hồn của người thơ đã dàn trải… là thế giới tiềm thức của con người, là những phẩm chất tinh hoa xuất phát từ trái tim nhân ái, từ trí tuệ tinh khôi, giàu yêu thương và tình cảm. Thơ gắn liền với cuộc đời, là những sợi dây tình cảm dạt dào lãng mạn và tư duy ràng buộc con người với ngoại cảnh và tha nhân.
Thơ là những cảm xúc nội tâm và nét thẩm mỹ tiềm ẩn kết hợp bởi những yếu tố: Ý Tứ, Hình Tượng, Nhạc Điệu, Tình Cảm, Từ Ngữ, ngẫu nhiên đem lại những hấp lực vô hình làm rung động lòng người... nhờ những âm thanh và ngữ điệu... mời gọi những thưởng thức đam mê và cảm thụ say đắm… Nhạc và Thơ đã phối hợp hài hòa, để từ đó không phải chỉ là những dòng chữ nghĩa đơn thuần, mà đã tạo nên những dòng âm thanh hài hòa gây ra ấn tượng thích thú, rung động cho người đọc và người nghe… sẽ không còn hàm ẩn nữa, mà lôi cuốn, gây sự gợi mở rất phong phú, ấn tượng cụ thể cho sự cảm thụ đồng tình giữa tác giả và thính giả...
Những bài thơ dịch phóng tác đã tạo nên những sự liên kết đặc biệt của những ý từ, biến hóa linh hoạt của câu thơ, tạo ra những âm thanh từ điệu, những hình ảnh biểu tượng cái cảm xúc của thơ, những sắc thái tình cảm tinh tế… tỏa bùng ra những sắc màu, âm vang, và nhịp điệu… Ở đó ta đã tìm thấy cái rung động xao xuyến của âm điệu réo rắt trong thơ, tìm thấy những hình ảnh sinh động qua những ý từ tha thiết mà thi nhân muốn trút hết nỗi niềm tâm tư thầm kín của mình vào đó.
Những bài thơ Đường có một cấu trúc cô đọng, ngôn ngữ đặc trưng, đầy những ẩn dụ, nhân hóa… ngắn gọn, nhưng qua sự phóng tác tài tình, đã đem thêm nhiều hình tượng và hình ảnh để tạo nên những dòng nhạc trữ tình… mà vẫn không đi xa ý chính của bài thơ nguyên tác… để giải bày những tâm trạng tha thiết, những cảm xúc dạt dào, những quằn quại của nội tâm, tạo nên những tính nhạc âm vang. Nhà thơ Paul Verlaine (1844-1896) đã đề cao vai trò âm nhạc trong thơ "Nhạc phải là đầu tiên, cần phải có nhạc, có hoài và có mãi"
Thơ đã được cải biến qua nhạc, đã được đem vào nhạc thì người đọc không cần phải sử dụng siêu giác quan để cảm thơ và hiểu thơ, mà họ chỉ cần nghe những lời ca, tiếng hát, tiếng đàn, âm điệu nhạc, nghĩa là dễ cảm thông với xuất xứ tác phẩm, cuộc đời tác giả, và đi xa hơn là cái hồn của bài thơ, đã đem những cái hình tượng sinh động đập vào mắt và rung động trái tim con người…
Cũng vào thời Thịnh Đường, từ khúc là một thể điệu mà nhiều nhà thơ rất ưa thích, vì dạt dào thanh điệu của nhạc và ý tứ của lời, với tiết điệu du dương, ngôn từ tươi sáng. Nhiều nhà thơ đã đựa theo giai điệu có sẵn mà đặt ra lời ca. Từ khúc chan chứa nhạc điệu sinh động và ý thơ trong sáng đẹp đẻ.
Cảm xúc bất chợt bắt nguồn từ thiên nhiên ngoại cảnh, và từ đó làm rung động và chi phối lòng người, những cảm xúc đó qua dòng thơ trữ tình và điệu nhạc trầm bổng đã trở nên dạt dào, lai láng biến thành những con suối chuyên chở những đồng cảm, tâm tư đến các người đọc và người nghe, tạo ra những khung trời tri âm, tri kỷ... Thật ra âm nhạc và thơ phú đã đi đôi với nhau từ đầu đời Đường qua các thể điệu gọi là nhạc phủ, thi nhân đã dựa vào nhạc phủ để làm thơ, hoặc những bài thơ nổi tiếng đã được phổ nhạc để trở thành ca khúc phổ thông lưu truyền trong nhân gian. Có những thể loại nhạc phủ chỉ có giá trị âm nhạc mà không có giá trị văn chương như Nghê Thường Vũ Y của Đường Minh Hoàng hoặc ngược lại những bài như Trương Tiến Tửu, Thái Liên Khúc, Vọng Xuân Từ, Du Tử Ngâm v.v... là những bài nhạc phủ có giá trị văn chương hơn là âm nhạc.
Theo Tạp Chí Giao Lưu Văn Hóa (số 6):
Thơ Đường đã được dịch sang Châu Âu khá sớm, bài Tống Xuân Từ là bài Đường Thi đầu tiên đã được giáo sĩ người Pháp Saint Demain phiên dịch vào khoảng năm 1750. Sang thế kỷ 20, các nước Âu Mỹ giới thiệu thơ Đường càng ngày càng nhiều, trong đó nhiều bài thơ Đường được soạn thành ca khúc và phổ nhạc. Năm 1905 nhà văn Đức Bêcher xuất bản tập thơ cổ Trung Quốc với tên "Tiếng Sáo Trung Quốc" (Trung Quốc Chi Địch), mà nhà soạn nhạc Thụy Điển Sweikensel và nhà soạn nhạc Australia Wylphe Sthehow đã lấy những bài thơ trong "Tiếng Sáo Trung Quốc" ra phổ nhạc. Các bài thơ của Lý Bạch như "Xuân Nhật Túy Khởi Ngôn Chí" (Ngày Xuân Uống Rượu say, ngủ dậy, nói chí mình) và bài "Tĩnh Dạ Tứ" (Xúc cảm đêm trăng) đã được nhiều nhạc sĩ Âu Châu soạn thành nhạc . Bài Tống Biệt, Tạp Thi của Vương Duy, bài Hướng Lưu thập cửu của Bạch Cư Dị đã được nhà soạn nhạc Tiệp Khắc phổ nhạc. Nhạc sĩ Pháp Lasailler cũng đã phổ bài thơ Tiết Phụ Ngâm, trong đó có 2 câu "Trả ngọc sáng, lệ như mưa. Tiếc không gặp gỡ khi chưa lấy chồng" thành một ca khúc nổi tiếng.
Trải qua gần hai nghìn năm, qua bao nhiêu thế cuộc thăng trầm, biến thiên theo cát bụi mờ của thời gian, mỗi một bài thơ Đường được gọi là xuất sắc, nổi tiếng là một đóa hoa phong nhụy kiều diễm tràn đầy hương sắc vẫn tỏa hương thơm ngào ngạt trong khung trời nghệ thuật, mà mỗi người yêu thích thơ Đường khi đọc lại vẫn tưởng chừng như một cái gì thật mới mẻ, sống mãi trong lòng người…
Do sự gắn bó hài hòa giữa Thi, Họa và Nhạc, mỗi bài thơ Đuờng hay đều tạo nên những âm vang sâu lắng rung động lòng người… Những bài thơ Đường được VNL lựa chọn, tuyển dịch trong CD "Lầu Thơ Vút Cánh Hạc vàng" là những bài thơ nổi tiếng trên thi văn đàn Trung Quốc.
Học giả Trần Trọng San, trong bài bạt "Tôi bước vào cảnh giới Đường Thi từ bến Phong Kiều qua lầu Hoàng Hạc" đã tâm sự rằng "Phong Kiều Dạ Bạc và Hoàng Hạc Lâu là hai bài đã in trong tôi ấn tượng sâu đậm nhất trong số những bài thơ Đường mà gia nghiêm dùng dạy tôi học chữ Hán trong lúc ấu thời..." (TTS)
Như đã biết, Phong Kiều Dạ Bạc là một trong những bài thơ Đường nổi tiếng của Trung Quốc và chính vì nhờ bài thơ nầy đã được dịch ra nhiều thứ tiếng mà chùa Hàn Sơn đã trở nên một danh lam thắng cảnh thu hút rất nhiều du khách ngoại quốc đến viếng thăm hằng năm.
Một câu hỏi được đặt ra là, tại sao một bài thơ "tả cảnh thiên nhiên" với những cảnh sắc bình thường như cây cầu, bến nước, hàng phong, trăng tà, sương đầy trời, tiếng quạ kêu, khách thuyền thơ v.v... mà lại nổi tiếng và được lưu truyền vượt thời gian và không gian? Cái khung-cảnh "thiên nhiên" trong bài thơ này không lãnh đạm, vô tình, mà là một cảnh sắc trữ tình sống động, trầm lặng tịch liêu, bàng bạc cái tâm bao la của thiên nhiên vạn vật, làm người nhìn phải xao xuyến, đăm chiêu, rồi đắm chìm trong nỗi sầu nhớ triền miên, trong cái buồn bát ngát hư không, quay cuồng với muôn vàn nỗi nhớ thương: nhớ quê, nhớ nhà, nhớ gia đình. Con người với một tâm thức lãng mạn, chỉ còn là một sinh vật bé nhỏ, hữu hạn, cảm thấy cô đơn và lạc lõng, và bị bao trùm phong tỏa trong cái vũ trụ vô chung vô thủy, chìm ngập trong cái vô tận của màn đêm, cái bát ngát mênh mang của sương khói vô hình, không bến bờ. Chúng ta có thể tưởng tượng rằng thi-sĩ Trương Kế, trong một đêm trăng mùa thu, neo thuyền tại bến nước Phong Kiều, lặng thầm nhìn trời đất chung quanh... Một đêm cô liêu quạnh quẽ chỉ người và cảnh vật gợi cảm, gợi tình... nhìn lên màn trời đen là hình ảnh của một một mảnh trăng vàng vọt đang từ từ lặn vào cõi vô cùng, và mờ mờ gần xa là một màn sương khói dầy dặt quanh thuyền mà ông tưởng chừng hàng hàng lớp lớp sương mờ ảo hư vô đó đang tỏa dâng đầy ắp khung trời. Những làn sương khói hư ảo đó đã đem lại cảm giác liêu trai lành lạnh thấm dần vào cơ thể, cảm xúc và tâm hồn của nhà thơ. Khung cảnh đêm huyền ảo, mông lung, tịch mịch, và tiếng quạ kêu lanh lảnh như chọc thủng màn đêm cô quạnh... Ở gần đó là cây cầu cong bắc ngang sông, chia cách kẻ bên này, người bên kia, và những lá phong đỏ ối, phơ phất trong gió, và chiếc thuyền nan neo trên sóng nước bập bềnh đã gợi lại nỗi nhớ nhà da diết, đem lại niềm sầu cảm vô biên... Lá phong chuyển màu đỏ ối, như trong một câu thơ Kiều". Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san", và cũng như một chiếc lá ngô đồng rơi xuống, cơn gió heo may tha thướt... là những báo hiệu cho một mùa thu đã trở về trên bến sông đất khách quê người... "Ngô đồng nhất diệp lạc, Thiên hạ cộng tri thu" (Một chiếc lá ngô đồng rơi xuống, cả thiên hạ biết mùa thu đã trở về...).
Hãy tưởng tượng khi nhà thơ một mình nằm trên thuyền trong một đêm thu, nhìn những hàng cây lá phong đỏ ối, lả tả rơi rụng trên giòng sông cuốn trôi, đóm lửa chài bập bùng, tiếng quạ kêu, và văng vẳng trong đêm thanh vắng là tiếng chuông chùa ngân vang, ai mà chẳng chùng lòng não nuột...
Tiếng quạ kêu sương bóng nguyệt mờ
Cầu phong đốm lửa giấc sầu mơ
Hàn Sơn khuất bãi Cô Tô vắng
Đêm điểm hồi chuông khách sững sờ...
(Phong Kiều Dạ Bạc - Trương Kế)
Hoàng Hạc Lâu cũng là một bài thơ tả cảnh, bàng bạc tình yêu quê hương da diết và man mác hương vị Thiền, ẩn hiện cái lý chân không, vô thường và vô ngã, mạch thơ tự nhiên uyển chuyển và biến hóa, không gò bó câu nệ trong khuôn khổ đối ngẫu niêm luật của thể thơ Đường, lời thơ siêu thoát rung động tâm hồn người đọc. Mặc dầu biết rằng một bài thơ là do ngôn ngữ tạo thành, "dùng từ để biểu đạt cái nội dung là điều ắt có và phải cần… nhưng còn có điều quan trọng hơn nữa đó là phương thức và phong cách để hình tạo nội dung đó…" Cái phương thức mà thi sĩ Thôi Hiệu dùng trong bài Hoàng Hạc Lâu là tất cả một kỹ thuật hàm xúc, tinh vi, độc đáo, một thế giới đặc thù riêng biệt và mới lạ của thứ ngôn ngữ hiền triết, đã kết nối được tất cả hình ảnh, ý niệm, tâm thức, cảm nhận, và giác quan một cách tài tình và hài hòa trong vũ trụ, con người, thời gian và không gian. Ngôn ngữ thi ca đã bay bổng tự nhiên một cách phóng khoáng, không dụng công đẽo gọt. Thôi Hiệu đã thành công chuyển đạt được nghệ thuật tinh vi, thâm thúy, đầy hình tượng sáng sủa và âm thanh đãi lọc, có sức thuyết phục lôi cuốn được sự chú ý và tạo được cảm xúc mạnh mẽ nơi người đọc. Hoàng Hạc Lâu đúng là một bông hoa diễm tuyệt, một viên ngọc vô giá trong rừng thơ Đường, là bài thơ tuyệt tác bất hủ, sống mãi mãi muôn đời…
Có thể nói những bài thơ Thiên Nhiên Sơn Thủy, miêu tả cảnh núi sông cây cỏ cũng đã là những đề tài phong phú vô tận cho các thi nhân cầm bút bằng những nét chấm phá cô đọng, những đã gợi rất nhiều liên tưởng sâu sắc, qua những vần thơ đó tác giả đã muốn gửi gấm tất cả những tâm tình u uẩn, cũng như cảm xúc dạt dào của mình vào trong đó. Ngôn ngữ thơ Đường rất giàu hình ảnh và cảm xúc. Người ta thường nói "ý tại ngôn ngoại" (ý tại ngoài lời), những bài thơ Đường ngắn gọn như bát cú, tứ tuyệt, chỉ giới hạn trong một số từ ngữ nhất định, mà đã diễn đạt tất cả những suy tư cảm xúc của tác giả , mặc dầu cô động hạn chế, nhưng rất hàm súc, toàn bài thơ như đôi mắt… cửa sổ của linh hồn đã giải bày được đời sống nội tâm, trạng thái tư duy, dung hòa giữa mẫn cảm của con tim và nhận thức của khối óc.
Nhạc điệu câu thơ hài hòa, tiết tấu nhịp nhàng ngân nga, âm hưởng sâu sắc nồng nàn, tạo nên những cảm giác nhẹ nhàng êm ái dễ đi vào tâm hồn người đọc. Cái phong cách của Đường Thi là một tổng hợp tinh vi của một nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ phong phú điêu luyện qua thi pháp, thể loại, từ điệu, âm nhạc… đồng thời đã phản ảnh những quan điểm tích cực và tiêu cực, những tư tưởng triết lý của nhà thơ, được ăn sâu như gốc rễ qua các triều đại lịch sử… Khi nhà thơ đã đắm chìm phong tỏa trước một thế giới vật chất chung quanh, của một khung cảnh thiên nhiên bao la vô hạn, con người thơ chỉ cảm thấy mình là một sinh vật nhỏ nhoi bất lực, đành mang một tư tưởng yếm thế thụ động "Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong"… Có những nhà thơ suốt đời mang hoài bão "trí quân trạch dân", "kinh bang tế thế " đến khi gặp cảnh không may, gian khổ, cảnh ngộ éo le, thì chán nản buông xuôi thích tìm đến thiên nhiên với cuộc đời "bán quan bán ẩn"… Họ đã tìm thú tiêu khiển bằng cách điền viên ẩn dật, phỏng đạo cầu tiện... Nội dung thơ miêu tả thú điền viên, sơn thủy, lối sống ẩn dật thanh nhàn chịu ảnh hưởng đạo lý vô vi đã chiếm một vị trí quan trọng trong thơ Đường.
Tĩnh Dạ Tứ: là một kiệt tác của Lý Bạch. Lý bạch thuở nhỏ thường lên đỉnh núi Nga Mi ở quê nhà ngắm trăng, lớn lên ông ngao du sơn thủy, nơi đất khách quê người. Trong một đêm thanh tĩnh, ánh trăng sáng vời vợi trên đầu giường của nhà thơ cũng chính là trăng sáng trên núi Nga Mi của quê hương ông. Chỉ còn trăng sáng và thi nhân, và nỗi nhớ quê hương biền biệt đã xao động lòng người thi sĩ để viết nên bài thơ Tĩnh Dạ Tứ. Trong một đêm trăng vắng vẻ nhà thơ Lý Bạch nằm trong thư phòng, bóng trăng khe khẽ len qua khung cửa sổ rọi sáng đầu giường, giữa một không gian tịch mịch nửa đêm, hồn thơ đã nhập vào hồn trăng bay lâng lâng vào một cõi mộng ảo vô cùng… đã đi từ trạng thái mơ hồ đến tỉnh thức. Ánh trăng sáng vời vợi trên bầu trời cao kia, tỏa những tia sáng lặng lẽ, êm ái huyền diệu trên chiếc giường ngủ, rất gần gũi và thân thiết với là thơ làm sao, và đó cũng chính là vầng trăng mà Lý Bạch đã mải mê ngắm trên núi Nga My trong những ngày niên thiếu ở quê nhà. Bức tranh thu đã được tô đẹp bằng một vầng trăng thu huyền ảo… Trăng soi lồng lộng trên sóng nước bập bềnh biến dòng sông thành một giải lụa vàng óng ả… Những tia sáng của trăng chập chờn mờ ảo đã làm nhà thơ ngỡ ngàng như sương khói bao phủ đầu giường, nhìn trăng mà lòng buồn vời vợi, ngỗn ngang trăm mối tơ lòng… Có nỗi buồn nào ray rức, da diết ngấm tận tâm hồn bằng nỗi sầu nhớ cố hương, quê cha đất tổ: Giường khuya trăng chiếu bời bời
Sương rơi phủ đất ngỡ đời chiêm bao
Ngẩng đầu trăng sáng trên cao
Cúi đầu ngấn lệ nghẹn ngào... cố hương
(Tĩnh Dạ Tứ - Lý Bạch)
Thiên nhiên của thơ Đường bàng bạc tình Xuân, Hạ, Thu, Đông… Bốn mùa hoa lá thay màu, đâm chồi nẩy lộc sẽ tuần tự biến thiên theo định luật vô thường của vũ trụ… nhưng Tiết Thu, Tình Thu, Ý Thu mãi mãi là sức hút lôi cuốn mãnh liệt muôn chiều của thi ca nghệ thuật trong nền văn hóa Đông Tây kim cổ… Những đại thụ sừng sững trên thi đàn Trung Quốc như Đỗ Phủ, Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Trương Kế, Vương Duy, Giả Đảo, Lưu Vũ Tích… là những ngôi sao lấp lánh trên thi đàn đời Đường Tống đã xử dụng bút pháp tinh vi và mẫn tuệ tuyệt vời để ca ngợi một mùa Thu mênh mang, một tình Thu dịu vợi, một ý Thu bàng bạc, một hồn Thu lâng lâng, trầm lặng đến nao lòng của trăng sương, gió núi, với những phút giây thanh thản hồn nhiên, trong nỗi bâng khuâng cánh nhạn bay về, hòa lòng xao xuyến theo nhịp chày đập vải may áo, nỗi niềm ray rứt đón gió heo may the thắt lạnh lùng, nỗi lòng ảm đạm nhìn ánh lửa bập bùng đom đóm trong đêm, những tiếng tơ lòng khao khát ngân vang trầm mình trên những phím đàn thánh thót dưới ánh trăng ngà, với lá ngô đồng rơi lả tả đầy ắp thềm trăng…
Những khung cảnh thiên nhiên chan chứa khí vị Đạo học, phù hợp với tâm trạng nhàn dật, tư tưởng Nho gia, cái triết lý về cuộc đời, nhân sinh quan của tác giả, đôi khi mang những tư tưởng bi quan yếm thế, quan điểm cuộc đời chỉ là một giấc hoàng lương mộng, kiếp sống tạm bợ, phù du. Và trong cái nỗi khắc khoải suy tư đó, nhà thơ chỉ ước ao thầm mong có một kẻ tri âm, một tâm hồn đồng điệu, và có những đêm dài nhà thơ đã trăn trở, trằn trọc, dằn vặt, đay nghiến, cấu xé với hồn thơ và từng con chữ như Giả Đảo, một nhà sư nổi tiếng “thôi xao”, “ba năm làm được hai câu”, sự lựa chọn từ ngữ rất kỹ càng công phu, có chiều sâu của cảm nghĩ thâm thúy... Bài thơ Dạ Bạc Ngưu Chử Hoài Cổ man mác tình hoài cổ, trong một đêm thu giữa cảnh trời đất mênh mông bát ngát, người thơ bỗng cảm thấy lòng trống trải cô đơn, nghĩ đến chuyện xưa tích cũ mà ngao ngán ngậm ngùi nghĩ chuyện đời nay, tìm đâu ra người tri âm tri kỷ… Nhà thơ đã dùng quá khứ để làm lăng kính chiếu vào hiện tại bằng những tia sáng triết lý muôn màu nói lên sự biến đổi của nhân thường thế thái khi thời gian như một con nước chảy qua cầu và vũ trụ biến đổi không ngừng…
Thu Phố Ca được tác giả phóng tác từ 4 bài thơ theo ý thơ của Lý Bạch (Thu Phố Ca, Dạ Bạc Ngưu Chử Hoài Cổ), của Giả Đảo (Tuyệt Cú) và Tiền Khởi (Giang Hành)
Thuyền trôi ru nhẹ giấc nồng
Gió hây hây thổi, sóng bồng bềnh chao
Đôi bờ lau sậy lao xao
Tiếng thu trầm bổng xạc xào giữa đêm
Bến Ngưu thuyền đậu sông Tây
Trời im trong vắt chẳng mây nhuốm màu
Thuyền thu ngắm cảnh trăng thâu
Muốn quên chuyện cũ lại sầu nhớ ai
Cất cao vút… giọng ngâm dài
Người xưa nào biết lòng này hay chăng?
Mai thuyền bỏ bến buồm căng
Lá phong rơi rụng bẽ bàng người đi...
Buồn ơi tóc trắng phau phau
Dài ba nghìn trượng sầu đau nghẹn ngào
Hỏi rằng gương sáng nơi nao
Sương thu có biết lối vào hay không?
Hai câu ròng rã ba năm
Rưng rưng ngấn lệ... sầu ngâm, tủi thầm
Ngậm ngùi vắng bóng tri âm
Thu về góc núi đêm nằm suy tư… Nhạc phẩm Xuân Vọng, phóng tác theo ý thơ Đỗ Phủ gồm 3 bài Xuân Vọng, Giang Mai, Tuyệt Cú 12. Nói đến tình yêu quê hương thiết tha mỗi độ xuân về phải nhắc đến nhà thơ Đỗ Phủ, một ngôi sao sáng chói trên Thi đàn Trung Quốc vào thời Thịnh Đường. Ông là nhà nho tiến bộ, hấp thu được những tư tưởng Khổng Mạnh thâm thúy sâu sắc, có một nhận thức rất đứng đắn về nhiệm vụ, bổn phận, và vai trò của kẻ sĩ thanh liêm, nghiêm túc đối với vua, với nước và với dân... Thơ ông rất thành thực, phát xuất tự đáy lòng, tự nhiên, đượm đà tình yêu nước thương dân nồng nàn thắm thiết, tình nhân-đạo vị tha bao dung… Thơ ông đã phản ảnh trung thực đời sống của những người dân bị áp bức bóc lột dưới chế độ phong kiến tàn bạo của giai cấp quan liêu thống trị… Thơ Đỗ Phủ là tiếng nói nhân nghĩa đậm đà của chính lòng ông, gây lại một ấn tượng mãnh liệt làm xúc động người đọc... Nỗi nhớ quê nhà của ông thấm thiết vô cùng khi mỗi độ xuân về khi thấy những cây mai vàng đã bắt đầu hé nụ:
Tháng chạp mai hé nụ
Sang năm nở đầy hoa
Biết rằng ý xuân đẹp
Sao khách vẫn sầu a
Cây chung màu tuyết trắng
Gió vờn sóng sông xa
Vườn cũ tìm đâu thấy
Núi Vu cây rườm rà
(Giang Mai - Đỗ Phủ)
Cố quận quê hương ruột thịt thì mịt mùng xa cách, nỗi nhớ nhung nơi chôn rau cắt rún khi phải sống cuộc đời lữ thứ tha phương... một nỗi buồn mênh mông sâu lắng và dằng dặc vô cùng để nhà thơ phải khắc khoải tựï hỏi "hôm nao mới được về nhà thăm quê?"… Bài thơ u hoài vương vấn một nỗi buồn riêng mang khắc khoải và kín đáo:
Sông xanh càng trắng chim trời
Núi cao biếc thắm rạng ngời đỏ hoa
Thấy rằng năm hết xuân qua
Hôm nao mới được về nhà thăm quê?
(Tuyệt Cú 12 - Đỗ Phủ)
Thơ Đỗ Phủ đã biểu lộ tính cách hiện thực vì ông là nhân chứng của thời đại đã tai nghe mắt thấy được những thảm họa chiến tranh, những nỗi bi thương trầm thống của xã hội phong kiến bất công suy đồi, sựï xa hoa trụy lạc của giai cấp thống trị quan liêu, và chính bản thân ông, đời sống ông cũng đã trải qua những thăng trầm tang thương qua cuộc sống cơ hàn, vất vả, và khốn khổ... Cuộc đời ông hầu như bôn ba tứ xứ nơi đất khách quê người, nên ông đã chứng kiến thường xuyên những cảnh chiến tranh chết chóc, những nhiễu nhương của xã hội và cuộc sống bần cùng, không những của chính bản thân ông mà còn của những kẻ tha nhân không quen biết… Ông đã không được may mắn, thành công trên con đường thăng quan tiến chức như bao kẻ quyền sang biết luồn cúi và nịnh bợ triều đình … Tính tình ông quá ngay thẳng. Ngay khi ông mất nơi đất khách quê người, gia đình ông cũng không đủ tiền đem được linh cửu của ông về quê vì quá nghèo... Có những bài thơ được sáng tác để ghi nhớ, hồi tưởng lại một giai đoạn lịch sử nào đó, nhớ lại một thời vàng son nhung gấm, khi nhà thơ đã nhập thế, làm quan, lo việc triều cung, nhưng đôi khi gặp hoàn cảnh không may, không được thăng quan tiến chức, mà thất vọng chán nản, đành thúc thủ an phận, chấp nhận số mệnh một cách tiêu cực theo đạo lý Trung Dung: "Thượng oán bất thiên, hạ bất vưu nhân, cư dị dĩ sĩ mệnh" (Trên không oán trời, dưới không trách người, sống bình dị đợi mệnh)
Thơ của ông tràn đầy tình nhân đạo sâu sắc, yêu nước thương dân… Chính thơ đã phản ảnh được cái chức năng "Thi ngôn chí", tức thơ đã nói lên cái chí khí kẽ sĩ trong một giai đoạn lịch sử nào đó... qua bài thơ Xuân Vọng Mất nước, còn sông núi
Cây cỏ mọc thành xuân
Thương tình hoa tủi lệ
Biệt ly chim bần thần
Ba tháng tràn khói lửa
Thư nhà giá vô vàn
Tóc bạc ngày thêm ngắn
Cài trâm ắt phân vân
(Xuân Vọng - Đỗ Phủ)
Có những nhà thơ còn chút may mắn hơn Đỗ Phủ là đến cuối cuộc đời già, đã đạt được cái hoài bão về thăm quê hương… HạTri Chương đi làm quan xa nhà mãi đến năm 86 tuổi vì già ốm xin từ quan về quê. Sau hơn năm mươi năm xa cách, ông mới về quê vào dịp xuân về, và ông đã cảm khái viết nên bài Hồi Hương Ngẫu Thư (2 bài). Khi ra đi chỉ mang theo kỷ niệm dạt dào và tình cảm gắn bó với quê nhà, mà sau bao nhiêu năm mải mê đeo đuổi sự nghiệp công danh, vẫn cảm thấy tình quê hương là tình cảm thiêng liêng cao quí chẳng hề đổi thay trong lòng dạ người thơ. Nhưng lúc về đến nhà thì bao nhiêu cảnh vật, sự kiện đã đổi thay, đám trẻ quê nhao nhao vì nghĩ rằng nhà thơ cũng chỉ là kẻ lạ lẫm từ phương trời nào xa lạ tạm ghé qua đây. Cha mẹ thì đã qua đời từ lâu, còn bạn bè thì kẻ mất người còn, tạo nên nỗi chán chường ảo não tuyệt vọng của nhà thơ trước cảnh biến thiên của muôn sự, cuộc đời dâu bể tang điền thương hải mong manh vô cùng, nên nhà thơ chỉ còn biết bám víu vào một hình ảnh bất biến đó là sóng nước mặt hồ Gương vẫn còn nguyên vẹn với gió xuân phe phẩy, làm dịu mát lòng người…
Trẻ ra đi, lão mới về
Tóc bông thưa thớt, tiếng quê dạt dào
Trẻ con lạ lẫm nhao nhao
Hỏi cười "Khách ở phương nào đến đây?”
Quê nhà xa cách tháng năm
Bạn bè thưa thớt biệt tăm phương trời
Mặt Hồ Gương trước ngõ soi
Gió xuân chắc chẳng đổi dời sóng xưa
(Hồi Hương Ngẫu Thư - Hạ Tri Chương)
Bài Tống Xuân Từ, phóng tác theo ý thơ Vương Duy gồm 4 bài: Tống Xuân Từ, Điểu Minh Giản, Chung Nam Biệt Nghiệp, Võng Xuyên Nhàn Cư. Mùa xuân trong Đường Thi là bức tranh thủy mạc màu sắc hài hòa, có những nhà thơ tả cảnh thiên nhiên núi sông cây cỏ hoa bướm bằng những nét chấm phá đơn sơ, mộc mạc, nhưng đó là những gam màu pha trộn của một nghệ thuật hội họa tinh vi và sâu sắc... Bằng những tầm mắt xa rộng, họ đã cho chúng ta thấy cái huyền diệu của thiên nhiên vũ trụ bao la, của hương vị Thiền và Đạo man mác, của sựï thư thái và an nhàn để mà suy tư về sự vô thường và hữu hạn của cuộc đời . Những hình ảnh linh động và âm thanh dạt dào trong ngôn từ tinh vi cô động đã biểu hiệu cảm xúc chân thành, và gợi lên những liên tưởng thâm thúy và tư duy mẫn cảm... Hãy lắng nghe tiếng chim kêu lanh lảnh bên khe suối mùa xuân của thi sĩ Vương Du:
Người nhàn hoa quế rụng
Đêm xuân núi đìu hiu
Trăng lên chim thảng thốt
Khe xuân vọng tiếng kêu
(Điểu Minh Giản - Vương Duy)
Thi sĩ Vương Duy được gọi là Thi Phật và Họa sư, Tô Đông Pha đã nói về thơ Vương Duy: "Trong thơ có họa, và trong họa có thơ" (Thi trung hữu họa, họa trung hữu thi). Thơ của Vương Duy phản ảnh cái quan niệm của Ông đã chịu ảnh hưởng Đạo Học và Phật Học, xem cuộc đời là ngắn ngủi phù du vô thường như bóng câu bên cửa sổ, thoáng mây bay cuối trời, xem sự nghiệp công danh như một tuồng vân cẩu, đã lấy tư tưởng vô vi xuất thế để làm phương châm cho thực tại nhân sinh, khinh ghét thói đời đua chen danh lợi, chối bỏ nếp sống quan liêu phong kiến áo mũ xêng xang… Vương Duy đã chịu ảnh hưởng bởi cái quan niệm của Lão tử, đã dùng hình tượng Đạo Lý để chi phối cái quy luật tự nhiên: “Người noi theo Đất, Đất noi theo Trời. Trời noi theo Đạo. Đạo noi theo tự nhiên". Cái chế độ phong kiến của Trung Quốc đôi khi chỉ là một lớp son phô trương lòe loẹt, một phồn vinh giả tạo, một tập đoàn bè phái vương tộc, những nhà nho nhập cuộc với quan điểm "nhập thế hành đạo", nhưng đôi khi họ cảm thấy chán nản vì không thực hiện được cái hoài bão to lớn của họ mà họ ngán ngẩm thời thế, đành phải từ bỏ quyền cao chức trọng, để lui về ẩn dật, vui thú điền viên, bỏ hết tục lụy trần ai, dùng ngòi bút ca ngợi sự thanh nhàn theo quan điểm đạo Phật "xuất thế vô vi", hoặc cầu cứu đến phép vô sinh, thuốc tiên huyễn hoặc phù phiếm… Thiên nhiên qua bốn mùa hoa lá đổi thay là đề tài bất tận cho thi nhân.
Xuân đến và xuân đi như gió thoảng mây trôi… Xuân đến cho muôn hoa đua nở, mạch sống tuôn tràn… Xuân đi cho hoa lá héo tàn, lòng người cô quạnh, cảnh trời hiu hắt... Tuổi xuân cũng chỉ ngắn ngủi tấc gang, chẳng sống được dài lâu... Xuân đã đi rồi đi đem lại nỗi sầu tàn phai, thương tiếc, nhớ nhung như nhà thơ Vương Duy đã bộc bạch trong bài thơ Tống Xuân Từ:
Già theo ngày tháng trôi nhanh
Năm quanh quẩn hết, xuân xanh đến hoài
Vui cùng cốc rượu mà say
Cần chi thương tiếc hoa bay ngoài trời
Tuy thế giới Đường Thi lớn lao và đồ sộ như vậy nhưng chỉ có một số ít ỏi những bài thơ Đường ca tụng nghĩa Mẹ ơn Cha. Với một ý thức hệ nho gia phong kiến, lấy "trung hiếu" làm đầu, dựa trên nền tảng triết lý nhân sinh đại chúng và đạo lý cương thường xã hội, trong một chế độ quân chủ về chính trị và phụ quyền về xã hội, mà chúng ta rất ngạc nhiên khi thấy hiếm hoi những bài thơ ca tụng Tình Mẹ.
Bài thơ Du Tử Ngâm là một bông hoa hiếm hoi đã vươn mình khoe sắc rực rỡ trong khu rừng Đường Thi trùng trùng điệp điệp... Bài thơ có tính cách nội dung giáo dục đề cao về chữ Trung Hiếu nầy, đầy trắc ẩn lòng nhân là do sự ảnh hưởng của Đạo Nho, lấy Nho Học làm kim chỉ nam cho đời sống tâm linh, đề cao cái tính Thiện: “Cái trời sinh ra cái Tính, noi theo Tính gọi là Đạo, sửa mình theo Đạo gọi là Giác" hay theo quan niệm Khổng Mạnh: "Nhân chi sơ tính bản thiện". Bài thơ Du Tử Ngâm (Khúc Ngâm Cho Người Con Đi Xa) kết hợp bằng những giai điệu rất hài hòa, âm thanh tình mật thiết quyện vào nhau, đã diễn tả được những gì khăng khít nhất, những khắc khoải lo lắng bồi hồi của người mẹ, sợ con đi xa lâu trở về, trên bước đường viễn du không một bàn tay săn sóc, Mẹ chỉ mong sao cho manh áo được dầy kín, để đủ sưởi ấm thân con trẻ trên bước đường tha phương lưu lạc. Bài thơ với từ ngữ mộc mạc, giản dị, nhưng đã diễn đạt được cái tận cùng của một bản sắc dân tộc, một cội nguồn của nhân bản: Tình Mẹ, của một đời dầm mưa dãi nắng, của những chuỗi ngày triền miên, cay đắng, chịu đựng, và đợi chờ…
Mẹ ngồi xe chỉ trên tay
Chắt chiu áo mỏng, đợi ngày con đi
Đường khâu mũi vá chi li
Băn khoăn lo lắng con đi lâu về
Hỏi rằng tấc cỏ lòng quê
Ba Xuân nắng ấm đền bù được chăng?
Phải chăng những nhà thơ Đường, trong cái sĩ khí của nhà Nho, ngày đêm dùi mài kinh sử để mong đến ngày thi đỗ ra làm quan, thực hiện cái hoài bão "kinh bang tế thế, trị quốc an dân...", hoặc nếu không thành đạt như ý, họ bất lực chán nản buông xuôi và tự ẩn dật chìm mình trong tư tưởng vô vi, hướng về những đề tài thiên nhiên, sơn thủy điền viên, với tư tưởng "lạc thiên tri mệnh" (vui trời biết mệnh). Phải chăng họ đã mang mặc cảm ngại phơi bầy những tình cảm gia đình mật thiết riêng tư, những xúc động chân thành như tình Mẹ, vì bị ràng buộc bởi quan niệm nghiệt ngã "trọng nam khinh nữ", "tam tòng tứ đức" đè nặng trong xã hội hủ tục phong kiến, sợ người đời gán cho là kẻ yếu đuối, hèn nhác không phải là bậc đại trượng phu trong thiên hạ? Hình ảnh người phụ nữ trong xã hội đó phải chăng chỉ là những chiếc bóng âm thầm, tủi nhục, mang cái thân phận bèo bọt "chồng chúa vợ tôi", có nhiệm vụ tôi mọi nô bộc, chỉ biết đầu tắt mặt tối làm việc và không được chia sẻ cái chân lý căn bản của lẽ sống gia đình: hạnh phúc và tình yêu. Thật là thảm thương khi ta mường tượng đến hình ảnh của người phụ nữ, một người Mẹ, một người vợ trong cái xã hội quan liêu bất công đó. Vương Kiến với bài Vọng Phu Thạch, Lưu Vũ Tích với bài Vọng Phu Sơn, Trương Tịch với bài Tiết Phụ Ngâm đã đề cao cái công dung ngôn hạnh của người phụ nữ, ca ngợi cái phẩm chất tốt đẹp , đáng kính của người phụ nữ như như đoan trinh, thủy chung, cần cù, nhẫn nại, và hy sinh của người phụ nữ… Vọng Phu Thạch tức là Đá Trông Chồng. Chuyện xưa kể rằng ở thành phố Vũ Xương, tỉnh Hồ bắc Trung Quốc, có một người vợ có chồng đi xa lâu ngày không về. Hàng ngày nàng vẫn ra bến sông ngong ngóng đợi chồng về. Người vợ kiên trinh vẫn giữ vững lòng chung thủy, vẫn chờ đợi, chờ hoài nhưng người chồng vẫn không bao giờ trở về, và nàng đã hóa thành đá, vẫn muôn đời chờ đợi chồng mặc cho gió mưa vần vũ. Hòn đá đó được đặt tên là Vọng Phu Thạch, vẫn đứng sừng sững bên bờ sông Trường Giang, gần thành phố Vũ Xương. Bài thơ nói lên cái nỗi sầu bi thảm của người thiếu phụ trông chồng mòn mỏi, bấp chấp cả không gian và thời gian của vũ trụ mênh mông nghìn trùng... Mặc cho gió táp mưa sa, mặc cho nắng quái mưa dầm, khói sương mù mịt, mây phủ trên đỉnh non cao vời vợi... nhưng tình chung thủy và lòng tiết trinh của người đàn bà vẫn muôn đời bất biến…
Bên sông ngồi ngóng trông chồng
Trăm năm khắc khoải một lòng sắt son
Hóa thân thành đá mỏi mòn
Gió mưa vần vũ... đầu không ngoảnh về
Phải chăng nàng giữ lời thề
Đến khi đá nói... lúc nghe chàng về!
Bài thơ Tiết Phụ Ngâm của Trương Tịch có màu sắc lãng mạn, nhưng đó là một câu chuyện tình nhẹ nhàng và trong trắng, ca ngợi cái phẩm chất quý giá đáng kính trọng của người phụ nữ, đó là tâm hồn đoan chính và tấm lòng thủy chung, đậm đà màu sắc nghĩa tình, đạo lý... Trương Tịch là người có nhận xét sâu sắc, ông đã dùng ngôn từ chân thật để diễn tả nỗi khổ sở bất công của nhân dân, sự bóc lột tàn bạo của giai cấp thống trị, ông đã dùng thơ văn để bênh vực phụ nữ, vạch trần những bất công của xã hội đối với người phụ nữ, và luôn đề cao phẩm giá và tư cách của người phụ nữ vốn đã chịu rất thiệt thòi...
Biết rằng em có chồng
Sao chàng vẫn chờ mong
Thương em chàng trao tặng
Đôi ngọc màu biếc trong
Em đeo giữa yếm hồng
Tình chàng ôi mênh mông
Cuồng si và tha thiết
Chất ngất tận cõi lòng
Nhà em ở lầu cao
Đêm vàng tuôn ánh sao
Hương hoa vườn ngự uyển
Thơm ngát tình chiêm bao
Chồng em giờ xa vắng
Canh gác đền Minh Quang
Tình chàng luôn quân tử
Trong sáng tựa trời trăng
Từ khi em lấy chồng
Luôn nhớ chữ tâm đồng
Nguyện thề cùng sống chết
Trọn kiếp đời thủy chung
Trả ai đôi ngọc sáng
Mắt em lệ chảy ròng
Xót xa mà tiếc nuối
Chẳng quen lúc chưa chồng
(Trương Tịch) Một số ít bài thơ ca tụng tình yêu, mang tích chất lãng mạn, lẳng lơ, mặc dầu rất ít oi, đã đem lại những luồng gió tươi mát, ngan ngát mùi hương phấn dịu dang... Tình yêu trai gái cũng đã được đề cập trong nội dung một số bài thơ Đường, nhưng đó là thứ tình cảm thanh tao tế nhị, không vượt qua vòng lễ giáo, nhưng cũng không kém rạo rực, xao xuyến… Qua ngòi bút của thi nhân họ đã khắc họa hình ảnh của những thiếu nữ hồn nhiên, với những cảnh ngộ trong cuộc sống của họ, thành những áng thơ đẹp ca tụng tình yêu đẹp, nhẹ nhàng và hồn nhiên, sâu sắc và thiết tha, trong trắng, hồn nhiên, tế nhị chan chứa những cảm xúc chân thật lành mạnh, biểu tượng cho một niềm hạnh phúc cao cả và thanh khiết. Lý Bạch với bài thơ Trường Can Hành, Bạch Cư Dị với bài Tỳ Bà Hành, Lương Ý Nương với bài Trường Tương Tư, Thôi Hộ với bài thơ Đề Đô Thành Nam Trang là những đóa hoa kiều diễm trong vườn thơ tỏa đầy hương sắc ca tụng tình yêu muôn thuở.
Lý Bạch đã dùng ngòi bút tuyệt vời để miêu tả về tình yêu, là một đề tài mà ít người muốn viết dưới chế độ phong kiến Trung Quốc, vì những quan niệm nghiệt ngã "văn dĩ tải đạo”, “trọng nam khinh nữ, “tam tòng tứ đức", “ tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử"… hoặc những hủ tục bất nhân vì cái nhìn lệch lạc của giai cấp thống trị, tầng lớp quí tộc đầy quyền uy tối thượng. Thân phận của người phụ nữ bấp bênh "mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu". Bài thơ "Trường Can Hành" của Lý Bạch đề cao tình yêu lãng mạn đối với người con gái đẹp, là một trong những bông hoa quí hiếm có trong khu vườn Đường Thi trùng trùng điệp điệp…
Gió thu rụng lá đầy
Bướm bay vàng tháng tám
Dập dìu cỏ phía tây
Cảnh buồn thiếp xót xa
Hồng nhan thương phận già
Khi nào đến Tam Ba
Chàng ơi gửi thư nhé
Em chẳng ngại đường xa
Hẹn đón Trường Phong Sa
(Trường Can Hành - Lý bạch)
Đời hậu Chu, thời Ngũ Quý ở tỉnh Hồ Nam vùng sông Tiêu Tương có nàng Ý Nương vừa đẹp lại hay chữ. Ở trọ nhà nàng có chàng Lý Sinh hàn sĩ phong lưu tuấn tú. Một đêm Trung thu hai người thưởng trăng gặp nhau trai tài gái sắc tâm đầu ý hợp nên sau đó thường hay lui trao đổi tâm tình. Cha của Ý Nương là Lương Công hay biết tức giận đuổi Lý sinh đi. Ý Nương lấy làm đau đớn sinh bịnh mới làm khúc Trường Tương Tư mong gởi nguồn tâm sự cho người yêu. Lý Sinh nhận được bài thơ cảm xót vô cùng đầm đìa nước mắt nhờ người mai mối đến năn nỉ với Lương Công xin hỏi cưới Ý Nương. Ban đầu Lương Công còn dùng dằng sau đọc được bài thơ của con gái mình, cảm động chấp nhận cho hai người thành duyên...
Tương Tư là như thế đó, là nhớ nhau da diết, bâng khuâng xao xuyến, là khát khao giao cảm, là bước chân hụt hẫng giữa mộng và thực trong cái xúc động vô bờ của tình yêu tha thiết, là những đau khổ dằn vặt vì nhớ nhung, lo lắng, giận hờn, ghen tuông, hoài nghi, là những sầu hận luyến tiếc vì lỡ làng, trăn trở, hoài niệm... Chính những cái đau khổ đó là chất men để làm những áng thơ tình mỹ lệ, ngây ngất, dậy sóng, thành những âm thanh huyền diệu vang mãi trong lòng, dào dạt và nồng nàn… Đau khổ vì tương tư là cái cảm xúc huyền hoặc không thể thiếu được để làm xao động tâm tư, tạo sự xung đột nội tâm của người nghệ sĩ.
Sông Tương thăm thẳm đáy sâu
Tương tư da diết nỗi sầu hơn sông
Sông có đáy dễ dò sông
Sầu tương tư chỉ mênh mông vô bờ
Đầu sông chàng đứng thẫn thờ
Bẽ bàng mình thiếp đợi chờ cuối sông Nhớ thương xa cách mịt mùng
Nước sông thắm thiết ta cùng uống chung
(Trường Tương Tư - Lương Ý Nương)
Tỳ Bà Hành là một bài thơ cổ kính, súc tích, lồng vào một câu chuyện thi vị, tạo ra một âm hưởng nhạc thơ nhẹ nhàng, tha thiết làm xao động lòng người. Cái thân phận bèo bọt của người đàn bà đã dùng tiếng đàn để bộc lộ nỗi than oán và uất hận của mình… Bạch Cư Dị là nhà thơ đã mạnh dạn đề cập đến giá trị của người phụ nữ, cái bất công của xã hội phong kiến đối với vai trò của người phụ nữ... Bạch Cư Dị đại diện cho dòng hiện thựïc phê phán vì ông đã trải qua một giai đoạn lịch sử đen tối với chế độ quan liêu phong kiến đồi trụy và Bạch Cư Dị đã dùng thi ca với những lời lẽ giản dị thành thựïc để mạnh dạn đấu tranh và tố cáo những hành vi áp bức, sự bất công trong xã hội, vạch trần sựï bóc lột của bọn quan lại quý tộc. Thơ của ông phản ảnh được nỗi lòng và cảnh trầm luân thống khổ của dân chúng trước thế sựï thời cuộc ba chìm bảy nổi...
Bạch Cư Dị chủ trương đổi mới thi ca, ông muốn thi ca phải gắn bó với đời sống, phản ảnh hiện thực xã hội, tràn đầy tư tưởng nhân đạo, nhân văn. Bạch Cư Dị đã nói Làm văn phải vì thời thế mà làm, làm thơ phải vì thực tại mà viết" (Văn chương hợp vi thời nhi trước, thi ca hợp vi sự nhi tác). Thơ Bạch Cư Dị mang tính hiện thực. Bài Trường Hận Ca của ông diễn tả mối tình đẹp của Đường Minh Hoàng và Dương Quí Phi, nhưng cũng có những ý tưởng sâu sắc thầm kín mỉa mai…
Bài Tỳ Bà Hành của ông theo lối "thuật hoài" (miêu tả), cảm ngộ, để gửi gắm tâm sự, nỗi buồn riêng tư thầm kín của tác giả như một người mang số phận hẩm hiu để mà thông cảm xót thương như người ca nữ trong câu truyện, gặp nhiều cảnh éo le, không may mắn trên đường đời Bài thơ ngân vang một cảm xúc ngậm ngùi, một nỗi buồn thắm thía... Đó là những lời bộc bạch chân tình, nói lên cái tâm huyết của một người trí thức muốn bày tỏ tấm lòng ưu thời mẫn thế, cũng như nỗi bi phẫn của tác giả bị chèn ép, bạc đãi trong một xã hội phong kiến đầy dẫy bất công... Nhà thơ đã tìm thấy một tâm hồn đồng điệu, một nghĩa tương thức tri âm qua người kỹ nữ gặp trên sông Tầm Dương.
Bến Tầm Dương lạnh lá phong rơi
Tiễn khách sang sông luống ngậm ngùi
Sóng nước mênh mông làn khói bạc
Đàn ai dìu dặt điệu chơi vơi
Mỗi tiếng đàn rung thấm thía sầu
Dạt dào âm điệu khóc mưa ngâu
Tỉ tê như trút niềm tâm sự
Sướt mướt tình riêng hạt lệ châu
Ngập ngừng khoan nhặt tiếng tơ vàng
Líu lót oanh ca suối ngỡ ngàng
Tung tóe muôn vàn tia nước vỡ
Ngỡ ngàng tiếng lụa xé kêu vang
Tỳ bà em dạo tuổi mười ba
Một thuở vàng son đã khuất xa
Nhan sắc tàn phai mình với bóng
Thuyền trôi sông tẻ lạnh trăng tà
Có một đêm nằm tỉnh giấc mơ
Lệ hồng má phấn nhạt phai mờ
Tuổi xuân nay đã thành mây khói
Thổn thức đàn khuya khóc ngẩn ngơ
Thuyền trăng lơ lửng nước xuôi giòng
Nhịp gõ đàn ngân tiếng não nùng
Dạ khúc tỳ bà chan chứa lệ
Ngậm ngùi ly khách khóc rưng rưng…
(VNL phóng tác theo ý thơ Tỳ Bà Hanh - Bạch Cư Dị) Bài thơ Đề Đô Thành Nam Trang của Thôi Hộ là một giai thoại văn học nói lên một mối tình xuân muôn thuở... Hình ảnh của người đẹp với má hồng ưng ửng đứng tựa cây đào rực rỡ thắm tươi dưới muôn vàn tia nắng như vui đùa nhảy múa trong trí tưởng của người thơ, tạo nên một hấp lực vô hình thôi miên quyến rũ và mê hoặc người thơ, càng nhìn càng đắm đuối say mê… Rồi cũng đến giờ phút từ giã chia tay… Nỗi nhớ tha thiết dâng trào khôn nguôi đã thôi thúc người thơ về lại chốn cũ để tìm lại người xưa… Cũng vẫn là cảnh đó… gợi sầu da diết, cảnh còn đây, mà người ở đâu? Hoa vẫn nở vẫn thắm tươi khoe sắc như muốn bỡn cợt với gió đông, và dửng dưng với nỗi bồi hồi nhung nhớ của người thơ...
Năm ngoái hôm nay cũng cửa nầy
Hoa đào má phấn đỏ hây hây
Người đi đâu mất, còn hoa đó
Ghẹo gió đông cười hoa ngất ngây
(Đề Đô Thành Nam Trang - Thôi Hộ)
Một bài thơ tình mang gốc huyền thoại thần tiên mà người đời vẫn còn ưa thích, đã trở thành điệu hát ca trù rất phổ biến đó là Lưu Nguyễn Du Thiên Thai. Chùm thơ "Thiên Thai" của Tào Đường gồm có 5 bài. Câu truyện kể rằng: vào thời Vĩnh Bình (58-76) vào đời Hán Minh Đế, nhân Tiết Đoan Ngọ, hai chàng trai Lưu thần và Nguyễn Triệu lên núi Thiên Thai (tỉnh Chiết Giang) để hái cây thuốc, và hai chàng đã gặp được hai tiên nữ, mời Lưu Nguyễn về nhà tiếp đãi ân cần và họ đã kết duyên vợ chồng. Ở đây được chừng nửa năm, Lưu Nguyễn nhớ gia đình và quê làng nên muốn xuống núi về nhà. Hai Tiên nữ lưu lại không được, rồi cũng phải tiễn biệt hai chàng đi. Hai chàng về đến quê làng, mới biết trần gian đã trải qua bảy đời người, và không ai nhận ra mặt được, chỉ có người cháu bảy đời kể lại là có Cụ Tổ đã vào núi hái thuốc và không bao giờ thấy trở về nữa. Hai chàng không còn gia đình và nơi chốn để nương tựa, muốn trở về núi, nhưng tìm đường không ra. Cuối cùng người ta không biết hai chàng lưu lạc về đâu...
Gãy khúc nghê thường chẳng có ai
Mộng trần đâu biết mộng tiên dài
Trời riêng góc động xuân thanh vắng
Nẽo khuất dương trần nguyệt úa phai
Khe thắm cỏ tiên vờn cát ngọc
Suối thơm đào ngát nước xanh trôi
Mỏng manh sương sớm đèn trong gió
Muốn gặp chàng Lưu biết hỏi ai?
Lại tìm Tiên Nữ động Thiên Thai
Đá trắng rêu xanh bụi phủ đầy
Lặng lẽ hang sâu im tiếng nhạc
Đìu hiu xóm quạnh vắng chim bay
Tàn phai sắc cũ hờn cây cỏ
Hờ hững xuân xưa chạnh khói mây
Nước chảy hoa đào phơ phất đó
Cố nhân hầu rượu chẳng còn đây!
(Tào Đường)
Nhà thơ chẳng khác gì một viễn khách đi truy tầm cái diễm lệ của thơ ở nơi chốn bồng lai tiên cảnh, đi tìm cái cung đàn muôn điệu qua tiếng sáo Thiên Thai, tiếng hót của chim oanh trên cành liễu… có năng lực cảm thụ tinh tế, hữu hình hóa những cái trừu tượng mơ hồ, tạo ra vô số cảm giác, muôn vàn hình ảnh… Những hình tượng và liên tưởng nối liền nhau, tạo sự hài hòa giữa ý từ, màu sắc, âm thanh, gây những âm vang chấn động lòng người đọc. Hồn thơ Đường đã mở ra những cánh cửa của tâm hồn để bay bổng hòa mình với không gian bát ngát của vũ trụ muôn trùng.
Xuân Tiêu Vọng Hàn Giang:
Trong cuộc lữ hành đi tìm cái thâm thúy của khung trời Đường Thi, dạt dào những hình ảnh sinh động phong phú, đầy những cảm xúc, âm điệu, rung động, sâu sắc, chân thật và nồng nàn... Tác giả Hải Đà VNL có lẽ đã cảm thụ được cái hay cái đẹp, những nét thanh tao tinh tế của Thơ Đường, và muốn tự gửi gắm cái tình ý sâu thẳm xôn xao khó tả của mình qua bài thơ Đường "Xuân Tiêu Vọng Hàn Giang" (Đêm Xuân Nhớ Sông Hàn). Phải chăng đó là nỗi niềm của người thơ trên bước đường phiêu bạt, đến một lúc nào đó cảm thấy đơn lẻ, để muốn tâm hồn của mình chấp cánh bay bổng về nơi chôn nhau cắt rún… nơi đó có dòng sông của muôn vàn nỗi nhớ xôn xao, mênh mông sóng nước chập chùng. Con sông đó có tên là Sông Hàn (Hàn Giang) ở Đà Nẵng mà tác giả đã trải qua thời thơ ấu mến yêu với muôn vàn kỷ niệm luyến lưu, cồn cào xao động lòng kẻ xa nhà đã lâu. Tác giả đã mạo muội sáng tác bài thơ Đường "Xuân Tiêu Vọng Hàn Giang". Rồi VNL đã tâm sự với một số vốn nhỏ bé về Hán Học, học ở truờng, học từ thân phụ vốn là nhà nho, và tự tìm tòi học hỏi thêm, nên cảm thấy có nhiều thiếu sót và mong các cụ túc nho trưởng thượng, tiền bối cao kiến và bạn đọc yêu thơ nhạc muôn phương lượng thứ và thông cảm nếu có sự thiếu xót và bất cẩn trong việc thực hiện cái đam mê thi ca của anh VNL. Tác giả xin chân thành gửi lời cảm tạ.
Xuân Tiêu Vọng Hàn Giang
Phong xuy lạc diệp động sầu âm
Nguyệt chiếu hà lương khách tứ thâm
Hỷ vũ hỷ hoa vô hỷ sắc
Hàn Giang hàn thủy bất hàn tâm
Tha phương uẩn nộ phi nan giảm
Cố quận nhân yên bất khả tầm
Tịch mịch xuân tiêu cô đối ảnh
Hương quan bán dạ Việt thi ngâm
Hải Đà
Dịch nghĩa:
Gió thổi lá rơi vọng tiếng sầu
Trăng chiếu cầu bên sông làm khách nhớ nhà da diết
Mưa vui, hoa vui, nhưng mặt chẳng vui
Sông lạnh, nước lạnh, nhưng lòng không lạnh
Ở phương xa, nỗi sầu giận khó giảm đi
Quê cũ khói lam dễ đâu mà tìm thấy
Qụanh quẽ đêm xuân một mình thân với bóng
Nhớ nhà nửa đêm ngâm nga bài thơ Việt
Thơ dịch Hải Đà
Đêm Xuân nhớ Sông Hàn
1-
Lá rơi gió thổi tiếng sầu vang
Trăng chiếu cầu sông khách bẽ bàng
Mưa thuận, hoa cười, đâu sắc thắm
Lạnh sông, buốt nước, chẳng khô lòng
Tha phương uất hận nào thuyên giảm
Cố quận khói mờ há dễ trông
Quạnh quẽ đêm xuân thân với ảnh
Khuya ngâm thơ Việt nhớ quê làng
2-
Lá rơi gió thổi sầu ngân
Cầu sông trăng chiếu bần thần khách xa
Mặt buồn dẫu có mưa hoa
Lạnh sông lạnh nước… khó mà lạnh tâm
Hận sầu viễn xứ trầm ngâm
Mịt mùng cố quận khói lam khó tìm
Một mình với bóng lặng im
Nửa đêm thơ Việt vịnh ngâm nhớ nhà…
Hải Đà
Bàn về việc dịch Thơ, một học giả Trung Hoa cho rằng việc dịch thơ cần phải dựa trên ba yếu tố căn bản và thiết yếu là "Tín, Đạt, Nhã":
"Tín" là đòi hỏi phải trung thành với nguyên bản của bài thơ, cần nghiền ngẫm chu-đáo kỹ lưởng, tìm hiểu lai lịch gốc tích, ý nghĩa của từng từ ngữ, cũng như điển tích của từ ngữ thơ, để cảm nhận nét hay vẻ đẹp của bài thơ gốc.
"Đạt" là đòi hỏi chính xác và thành đạt như bài thơ gốc, đúng như tư duy và cảm nghĩ, ý tưởng của tác giả bài thơ.
"Nhã" nghĩa là trang nhã, đẹp và hay, đọc bài thơ dịch cần có âm điệu, đọc lên gây sự rung cảm sâu xa cho người đọc.
Nhưng nếu theo đúng khuôn mẫu, phép tắc của ba yếu tố "Tín, Đạt, Nhã" thì e rằng việc dịch thơ sẽ khó khăn vô cùng... Cho nên dịch thơ đôi khi cũng cần sự phóng khoáng, cởi mở và không phải gò bó theo đúng khuôn phép, tuy nhiên tránh việc làm lệch lạc "ý" của bài thơ gốc , nghĩa là phải lựa chọn chữ để đem được cái "ý tưởng", "tâm hồn" và "thần sắc'' vào bài thơ dịch, để độc giả khi đọc bài thơ đó tự nhiên có cảm tưởng biết ngay cái nguồn gốc của bài thơ dịch là từ đâu... Chứ không thể thêm thắt bừa bãi để biến thành "dịch" là "phản" thì thật là bất công và vô tâm đối với tác giả bài thơ gốc. Thơ không phải là ngôn ngữ của "khoa học" (một cộng với một là hai) mà thơ là nguồn tinh khôi của cảm nhận và ý tưởng hòa đồng, và từ sự vật cụ thể để dẫn dắt đến cái trừu tượng bao la khó diễn tả, không thể sờ, mó, ngửi... mà chỉ cảm nhận bằng tâm hồn và cảm xúc. Thơ là một ngôn ngữ của trực quan, có sức truyền cảm mãnh liệt. Sở dĩ chúng tôi xin nêu ra vài quan điểm về sự dịch thơ để tìm một giải đáp có thể chấp nhận trong việc tìm hiểu và giải thích ý nghĩa những từ ngữ. Từ những sự thể nhỏ bé ở trong cái không gian bao la của vũ trụ, nhờ có một tâm hồn thơ, một tinh thần ung dung tự tại, thi nhân mới có thể cảm nhận và chiêm nghiệm và từ đó đưa đến sự hình thành những câu thơ vi diệu và độc đáo, chi phối mãnh liệt tâm hồn người đọc, và dẫn dắt người đọc thơ đi "dạo" chơi giữa cái lâng lâng vô cùng... mà không hề hay biết... "Đất trời vô cùng tận, kiếp người tựa sương mai" - "Thiên địa vô cùng cực, nhân mệnh nhược triêu sương (Tống ƯngThị của Tào Thực ) Một đặc trưng khác của thơ Đường là "thiên, địa, nhân" nối kết và liên hợp và con người chỉ muốn hòa nhập, gắn bó mật thiết vào không gian và thời gian diễn tả trong bài thơ. Đi vào cõi thơ là những bước chân hụt hẫng chênh vênh giữa tịnh và động, giữa cụ thể và trừu tượng, giữa xác thực và mơ hồ...
Một bài thơ Đường khi đã đạt đến mức độ toàn mỹ và trác tuyệt, mỗi một chữ, một lời, một ý như những viên ngọc quý đã được kết hợp hài hòa, chi ly, để hình tạo một chuỗi kim cương lấp lánh, một dải giai chương tuyệt vời... Vì lòng đam mê văn chương và thi ca, tác giả mạo muội chỉ xin mượn ý và phỏng dịch từ Thơ ra Thơ. Vì phải giữ cấu tứ, âm điệu, thể cách, luật bằng trắc nên chắc chắc có rất nhiều thiếu sót vì nhiều chữ không được sát nghĩa, khó lột đúng tinh thần nguyên tác, cái khó khăn là phải giữ cái hồn thơ và ý thơ của nguyên bản, và đồng thời thi điệu của bài thơ dịch. Hơn nữa có một số chữ và câu trong bài thơ Đường sau nhiều lần trước tác, biên soạn, đã tam sao thất bản, gây sự sôi động bàn cãi nhiều lần.
Những bài thơ Đường nguyên tác trong CD "Lầu Thơ Vút Cánh Hạc Vàng" này đã được rất nhiều nhà chuyên khảo Hán Học uyên bác, các học giả tiền bối Việt Nam, và các thi sĩ say mê Đường Thi đã dịch với những bản dịch nguyên tác trác tuyệt, phong phú và tài hoa. Mỗi dịch giả có một cách nhìn riêng về bài thơ nguyên tác, có một phong cách sáng tạo và cách dịch thâm thúy khác nhau dưới các khía cạnh thưởng ngoạn đa dạng với những nhận thức tinh tế, những cảm xúc nghệ thuật và rung động thẩm mỹ muôn chiều khi đọc, ngâm, vịnh một bài thơ Đường, và đã làm thêm phong phú và tăng gía trị của một bài thơ Đường. Người đi sau bao giờ cũng có cái may mắn là học hỏi được nhiều kinh nghiệm các vị tiền bối trưởng thượng.
Những bài thơ phóng tác trong CD nay sở dĩ được hình thành là do lòng đam mê, đắm say vì văn chương nghệ thuật, đó là kết quả của tấm lòng thích thú yêu thơ nhiệt thành, của sự tìm tòi học hỏi vì đam mê… vì tôi nghỉ rằng tác giả vốn biết rằng dịch Thơ Đường là một công việc rất công phu, tỉ mỉ đòi hỏi sự uyên bác về chữ Hán, kiến thức thâm sâu về văn hóa cổ xưa, cái mà Việt Hải không dám mơ ước tới và chính tác giả chỉ cũng nhìn nhận là "hậu sinh" với cái vốn tự học chắc hẳn còn thiếu sót rất nhiều để làm công việc nghiên cứu, dịch thuật này. Cũng may thay có rất nhiều học giả uyên bác, những thi sĩ tiền bối thâm nho, đã dịch trước rất nhiều bài thơ Đường ra chữ quốc ngữ như nguồn tài liệu tha kkhảo thật là giá trị… cũng như tác giả đã được gặp gỡ vài bậc thâm nho xem như những bậc Thầy để được học hỏi thêm, cũng như giải thích những ý nghĩa của những bài thơ hoặc điển tích mà tác giả tự nhận chưa có đủ khả năng, cũng như một số bạn bè thân đã trao đổi thảo luận về thú vui này, cũng như đã cung cấp cho tác giả một số tài liệu văn học quí báu rất cần thiết cho việc tham khảo. Tác giả VNL nói là anh rất tri ân những sự hiểu biết và phổ biến của các bậc thầy nho học tiền bối, cũng như những bạn bè thân thiết đã giúp đỡ, khuyến khích cho CD này được hình thành… và chắc hẳn không tránh khỏi nhiều khiếm khuyết, sai sót về ngôn ngữ và ý từ...
Việc phóng tác thơ Đường là điều cần thiết để Nhạc sĩ Mai Đức Vinh phổ thành nhạc, những bài thơ ngắn gọn, súc tích chỉ có 4 câu như Phong Kiều Dạ Bạc, Đề Đô Thành Nam Trang, Tĩnh Dạ Tứ, Du Tử Ngâm, Vọng Phu Thạch… tác giả cần tìm hiểu bối cảnh, thời gian, không gian của bài thơ, mà dưạ theo đó phóng tác thêm lời, vì lời rất cần thiết cho một bản nhạc thành hình. Cũng có những bài thơ đã đủ lời cho bản nhạc như Tiết Phụ Ngâm, Trường Can Hành. Hoặc những bài thơ dài quá như Tỳ Bà Hành, mà bài thơ nguyên Tác gồm 88 câu 7 chữ, nên tác giả chỉ đưa những ý chính để cô đọng thành bài thơ phổ nhạc chỉ gồm 24 câu, hoặc 1 chùm thơ của Lưu Nguyễn Du Thiên Thai (5 bài), nhưng tác giả chỉ dùng 24 câu, lấy từ mỗi bài thơ nguyên tác 4 câu… Có những bản nhạc tác giả đã tổng hợp lời của những bài thơ ngắn khác nhau nhưng có chung một ý từ để làm lời cho toàn bản nhạc như bài Vọng Xuân Từ, Thu Phố Ca…
Kết Luận:
Thế giới Đường Thi là một bức tranh thủy mạc hài hòa với những con chữ lẫn hồn thơ, ý nhạc là một sự phối hợp tuyệt tác giữa các màu sắc tuyệt mỹ và âm thanh trầm bổng làm quyến rũ người thưởng ngoạn vô cùng… Trên thi văn đàn Trung Quốc, mỗi một thi-sĩ có một cá tính sắc thái riêng biệt, một phong cách và khuynh hướng khác nhau... Kho tàng của Đường Thi chất ngất vô vàn, như khu rừng trùng trùng điệp điệp đầy hoa thơm cỏ lạ… Những người yêu thơ nhạc dầu ở cách xa nhau ngàn dặm, không nói, mà vẫn có những điểm tương đầu ý hợp khi cảm xúc được một bài thơ hay, một câu thơ đẹp, một ý thơ thâm thúy, một âm điệu nhạc trầm bổng xao xuyến nào đó trong tôi. Nếu cho tôi chọn một thi sĩ làm thơ Đường, VH xin đề nghị thi sĩ Hải Đà Vương Ngọc Long và tương tư nếu cho tôi chọn một nhạc sĩ phổ thơ Đường, VH xin đề nghị tiếp là nhạc sĩ Mai Đức Vinh. Một nhà thơ Pháp nào đó đã nói: "La poésie, art suprême, c’est la musique qui pense et la peinture qui se meut" (Thơ là một nghệ thuật cao cả, là âm nhạc biết suy tư và bức họa có sinh động).
Nhạc sĩ Mai Đức Vinh và thi sĩ Vương Ngọc Long nhắn nhủ là hai anh mong mỏi đóng góp một chút tình đam mê thơ nhạc vào vườn hoa văn nghệ thi ca và văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Mong quý vị và các bạn thích bộ môn thi ca và âm nhạc giao duyên nên có một dĩa CD để tìm hiểu công trình sáng tạo bằng tim óc của hai nghệ sĩ này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét