Thứ Năm, 3 tháng 10, 2019

Vòng tay

Vòng tay
Anh Thư đẩy mạnh cửa, để nguyên quần áo nằm xuống giường. Không còn vật cản nào nữa, cô đi nhanh đến quyết định: Xin thôi việc.
Chưa bao giờ cuộc sống quen yên ả của Thư lại bị đảo lộn như vài tuần vừa rồi. Biết bao chuyện dồn dập đến, đẩy Thư từ bị động này đến bị động khác, khiến cô luôn phải suy nghĩ đối phó, khôn thể một phút nào yên. Cô đưa cặp mắt gần như vô cảm bất động nhìn ra ngoài cửa sổ. Trời Đà Lạt vẫn trong xanh, êm ả như tâm tưởng của cô mỗi lần phải xa thành phố cao nguyên, nơi ẩn chứa bao kỉ niệm của một thời trẻ trung, vô tư và thư thái.
Mọi chuyện bắt đầu vào thời điểm kết thúc sáu tháng sau kỳ hậu sản. Một vấn đề hệ trọng đặt ra với mỗi thành viên trong gia đình cô: Thư cố nên tiếp tục đi làm nữa hay không? Mẹ chồng cô vào sinh cơ lập nghiệp ở Đà Lạt từ trước giải phóng hiện có một sạp hàng tạp hóa ở trung tâm Hòa Bình trước sau không thay đổi quan niệm của mình: “Không có làm liếc gì cả. Cô xem lương lậu được bao nhiêu? Có đủ cho cô ăn quà vặt không? Hơn thế, con cô còn nhỏ, lại nay ốm mai đau, nếu cô không thôi việc thì tôi đến phải nhường lại sạp hàng để trông đứa cháu quý tử của tôi thôi!”. Có lúc bực mình bà đã nói như vậy. Lại có lúc bà ngọt nhạt: “Hãy bỏ sách với vở của con sang một bên con ạ! Không có mình đã có người khác. Mẹ nói thật đấy!”.
Việt Anh, chồng Thư là con trai duy nhất của bà. Cha anh ngã bệnh tim mất đã 10 năm nay. Tất cả hy vọng của bà trước dành cho con trai giờ dồn cả vào đứa cháu nội “kháu khỉnh, sáng láng y hệt bố nó thời nhỏ”. Không, bà không muốn giao “cục vàng” của bà cho Nhà trẻ Anh Đào vốn nổi tiếng nền nếp và tiện lợi. Không ai chăm sóc tốt đứa trẻ bằng chính những người ruột thịt của nó. Vả lại hàng trăm trẻ làm sao các cô bảo mẫu để mắt cho hết được. Rồi nó ngã? Nó đau? Quả thật, mấy ngày đầu con cô đi trẻ, với cô, là một cực hình. Mỗi lần đón con, nhìn cặp mắt của nó đỏ mọng sưng húp lên vì khóc nhiều, cô không sao cầm được nước mắt. Bao nhiêu tã lót cũng không đủ. Thế là Thư lại phải nghỉ việc. Đành rằng con ốm mẹ nghỉ nhưng quả là bất tiện. Xưa nay cô không thich ai nói động đên mình. Công việc đến tay cô chạy đều như một cỗ máy tuyệt hảo. Cỗ máy ấy giờ không còn vận hành theo ý muốn của cô nữa. Hiểu tâm trạng của Thư, các bạn đông nghiệp khuyên can, vỗ về nhưng không làm vợi đi bao nỗi day dứt của cô.
Vậy là mẹ chồng Thư không tán đồng việc cô tiếp tục đi làm với những lý lẽ cứng rắn, và thái độ kiên quyết. Bà chưa quyết định chỉ vì bà còn buộc lòng nể trọng ý kiến của con trai. Từ trong sâu thẳm của lòng mình, bà rất sợ con trai phật ý. Nào còn ai trên đời này để bà trông cậy và nương tựa ngoài giọt máu duy nhất ấy. Chỉ cần Việt Anh lo lắng bỏ cơm là bà đã cuống cuồng lên rồi! Hơn nữa, con trai bà được học hành đến nơi đến chốn, nó có cái đầu của nó, có quan niệm của nó, và vì vậy tiếng nói của nó bà không được phép xem thường. Thoạt đầu Việt Anh chia sẻ với ý nghĩ của vợ. Không thể dứt Thư ra khỏi kho sách từng gắn liền với ước mơ thời thanh xuân của cô ấy được. Có điều kiện đi đây đi đó, làm việc ở nhiều thư viện trong nước và cả nước ngoài, anh chưa thấy một ai say mê với công việc “lục tìm sách” như vợ mình cả. Thư sống hòa với sách báo như sách báo là một phần máu thịt của con người cô, của cuộc đời cô, nếu thiếu nó cô sẽ thấy đơn độc và bất lực. Là một nhà khoa học, trong tình yêu vợ của anh có cả lòng tin cậy, mến phục của những người bạn cùng chí hướng  có mối quan tâm chung, đẹp đẽ và trong sóng. Chẳng phải tình yêu giữa anh và Thư cũng đã từng gắn liền với sách đó sao! Anh không bao giờ quên buổi đầu làm quen với Thư. Dạo ấy, anh mới đi thực tập ở nước ngoài trở về. Một người bạn nói với anh: “Thư viện tỉnh có một cô thủ thư tuyệt vời lắm! Trẻ đẹp lại có duyên nữa. Chỉ cần gặp một lần là mày chết mê chết mệt ngay thôi! Tao cược đấy!”. Rồi anh đã gặp cô. Lời đồn quả không khoa. Hôm ấy Thư vận áo dài trắng. Nhớ nhất là nụ cười và giọng nói của Thư - nụ cười trong trẻo có thể làm tan đi bao nỗi ưu phiền, còn giọng nói mới nhỏ nhẹ, mới ấm áp làm sao! Nhiều lúc anh tự nghĩ, dường như tiếng cười và giọng nói say cuốn lòng người ấy chỉ dành cho anh, cho riêng anh thôi. Thế rồi nghĩ lại anh thấy mình thật vô lý. Anh chỉ là một bạn đọc, một bạn đọc bình thường như trăm ngàn bạn đọc khác của Thư viện, sao anh tự dành cho mình các đặc ân ấy? Thì ra anh đã yêu Thư ngay từ buổi đầu gặp mặt. Lúc chia tay Thư, anh cứ miên man nghĩ hoài về màu áo trắng tinh khiết và màu đỏ rực của bông hồng nổi bật giữa những kệ sách ngay ngắn áp sát vào bức tường vôi màu hồng nhạt. Rồi anh đã kết bạn với Thư, mời Thư đi chơi, đi xem hát. Những buổi chiều dạo chơi quanh hồ Xuân Hương mới tuyệt vời làm sao! Càng gần Thư, hiểu Thư, anh càng quý trọng tình cảm nghề nghiệp của cô. Hình như cô sinh ra đời để dành cho môi trường sách vở. Cô đi lại giao tiếp thân mật va lịch thiệp. Một lời “cảm ơn”, một tiếng “xin lỗi” từ miệng Thư phát ra tự nhiên như nó vốn thế; khác đi lập tức trở nên thô thiển, thậm chí cục cằn. Việt Anh cảm nhận rõ các nét văn hóa trong con người cô  và với anh, một cán bộ khoa học, một người tri thức thì đó là một trong những phẩm chất đáng trọng nhất của những con người được giáo dục đến nơi đến chốn.
Thế rồi hai người yêu nhau. Ngày cưới của họ được tổ chức ngay tại hội trường lớn của thư viện, thân mật mà trang nghiêm. Chỉ có điều hôm ấy Thư không mặc áo dài màu trắng nữa. Cô nổi trội bởi bộ trang phục cô dâu đỏ rực lộng lẫy...
Bao kỷ niệm, bao tâm tình nhân lên cùng với thời gian, năm tháng! Đó chính là lý do khiến Việt Anh không dễ tán đồng với quan niệm của mẹ anh. Dẫu biết cũng chỉ vì thương con, thương cháu mà mẹ đã nghĩ như vậy. Nhưng con cái còn có lẽ sống của mình, và phần thiêng liêng ấy không thể bị hạ thấp xem thường. Mất lẽ sống con người sẽ mất niềm tin. Rồi không biết những nỗi bất hạnh nào sẽ chờ họ ở phía trước. Không, anh không cho phép mình xử sự một cách nông nổi được. Tuy nhiên, một sự thật khác lại chống đối anh hàng ngày. Mấy ngày đi trẻ mà con anh gầy rộc hẳn đi. Rồi bé đi ngoài. Đã yếu lại yếu hơn. Anh không thể giữ được sự bình thản vốn là đặc tính của anh trong quan hệ gia đình và xã hội. Dằn vặt, lo nghĩ nhiều đôi khi anh nóng nảy, nóng nảy thật vô cớ. Không rõ mọi chuyện rồi sẽ đi đến đâu... Có lẽ mẹ anh nói đúng. Có con cha mẹ phải sống cho con, thế thôi! Nhất là người mẹ. Không thể cùng một lúc thỏa mãn được nhiều mục đích ở đời. “Bỉ sắc tư phong”, được cái này sẽ mất cái khác. Đó là luật đời khe khắt và lạnh lùng. Vấn đề là phải chọn lựa. Có điều, anh không thể không tính tới ước nguyện của vợ anh. Dù thành vợ thành chồng, cô ấy vẫn có cuộc sống và ước mơ của riêng mình. Anh có thể tìm cách hòa hợp chứ không được phép coi thường. Biết đâu sự áp đặt của anh lúc này chẳng kéo thưo bao nỗi ân hận sâu xa về sau, cho mình và cho người vợ mà mình hết lòng thương yêu, tôn trọng nữa... Anh không quen cái nhìn và giọng nói buồn rầu mà cương quyết của Thư: “Rồi con sẽ quen thôi anh ạ! Đứa nào mới đi trẻ mà chả vậy”. Uống thuốc buổi sáng, buổi chiều cơn tiêu chảy cầm ngay. Nghỉ vài ngày, Thư lại gửi con ở nhà trẻ và tiếp tục đi làm. Được ba ngày, không ngờ đứa trẻ lại lăn ra ốm. Lần này thì sốt, sốt rất cao, trên 40 độ. Anh Thư cuống lên, lại xin nghỉ. Đứa trẻ phải nhập viện. Sau khi uống một liều kháng sinh khá cao, cơn sốt vẫn không hề thuyên giảm. Thức với con hai đêm liền, Măt Thư ríu lại thâm quầng, người cô rũ xuống. Mẹ chồng đến thăm cháu, trước khi về bà nói với cô: “Con rứt ruột sinh ra nó mà không biết thương nó sao?”
Câu hỏi, đúng hơn là lời trách móc cứ xỉa xói vào lòng cô không nguôi, không dứt. May là nỗi bất hạnh lại qua đi. Một tuần sau khi ra viện đứa bé lại anh ngủ được và tươi tỉnh trở lại. Rồi sáng qua, Anh Thư lại quyết định đưa con đi trẻ. Biết không thể ngăn được vợ, trước lúc đến cơ quan. Việt Anh nhìn vợ rất lâu rồi nói: “Em đã quyết định anh không ngăn. Nhưng chỉ xin em hãy nghĩ lại!”. Thế là anh ấy đã thay đổi hay ít nhất đã phần nào nghiêng về phía mẹ. Cô hiểu. “Nhưng chính lúc này mình càng phải tỏ ra cứng rắn hơn, mền yếu có nghĩ là thỏa hiệp”. Thư thuộc trong số những người bề ngoài có vẻ đa cảm nhưng lại có sức mạnh tinh thần dồi dào tiềm ẩn ở bên trong. Chính khi rơi vào những tình huống gay cấn hiểm nghèo, nghị lực của họ lại càng tỏ ra mãnh liệt để chống trả, để chiến thắng, để tự khẳng định mình.
Tuy nhiên, còn nỗi bất hạnh nào nữa đang chờ cô ở phía trước? Chúng rập rình đầy đọa hay thử thách cô? Nghĩ vậy và những giọt nước mắt tự nhiên ứa ra. Khi bước vào phòng đọc, mọi nỗi ưu tư lập tức tan biến đi, cô bị cuốn vào công việc: Nhận phiếu yêu cầu, trao sách, thu sách, hướng dẫn bạn đọc tìm tư liệu... Một ngày phục vụ của cô trôi đi nhanh chóng bên những người đồng nghiệp cũng như cô, say mê hết lòng vì công việc.
Rồi khi cánh cửa thư viện khép lại, cô lại trở về với bao nỗi lo toan trăn trở của chính mình. Hôm nay con mình ra sao? Có ăn, có ngủ được không? Cô nhớ sáng nay khi nhận cháu trên tay mình người bảo mẫu đã luống tuổi tỏ ra rất băn khoăn: “Hay chị nghỉ thêm một vài bữa nữa! Tôi e cháu chưa thật khỏe” - “Không, cháu đã khỏe rồi mà!”. Nói vậy nhưng cô vẫn lo. Chỉ có điều không thể bỏ mặc đồng nghiệp tự xoay xở trong lúc này được. Nghe đâu đoàn kiểm tra của Bộ về chiều qua. Yêu cầu cao lắm. Cô biết thư viện rất cần những người như cô. Thư tốt nghiệp đại học văn hóa khoa thư viện, lại có mặt ở đây ngay từ những ngày đầu. Cô thuộc trật tự của phòng đọc như thuộc trật tự của căn phòng nhà mình. Khi vắng cô, Hoàng Lan từ phòng báo, tạp chí sang thay. Nhưng sao bằng cô được. Cô đã quen với từng kệ sách. Các cuốn sách xếp ngay ngắn từng hàng lối như sẵng sàng tuân thủ mệnh lệnh của cô. Có hôm mất điện, với chiếc đèn pin mờ mờ trên tay, cô vẫn tìm ngay được cuốn sách mà bạn đọc yêu cầu. Dường như đôi tay cô có mắt, cặp mắt mới sáng và tinh làm sao! Thư viện rất cần cô, nhất là giữa lúc này. Đúng vậy! Cô không thể vắng mặt.
Trên đường tới nhà trẻ lòng Thư ngổn ngang trăm mối. Chưa bào giờ cô thấy thương con như bây giờ. Cô cuống cuồng ôm trầm lấy đứa bé. Nó mếu máo rúc đầu vào lòng cô như đã phải xa mẹ lâu lắm rồi. Lòng cô trào dâng một tình cảm đặc biệt đến nghẹn thở. Thư cảm thấy như trút được gánh nặng khi biết đứa bé bú rất ngon lành, bàn tay nhỏ xíu mơn man cọ nhẹ vào ngực cô. Đứa trẻ đã quen rồi! Ý nghĩa ấy như một thứ thuốc thần diệu khiến cô nhanh chóng thư thái trở lại. Vậy mà sáng dậy đứa bé lại lên cơn sốt. Mẹ chồng Thư buộc phải bỏ buổi chợ ở nhà trông cháu. Thư tất tả đến thư viện xin nghỉ. Lúc đó đã tám giờ ba mươi. Ghé vào phòng giám đốc, cô nhận ra ngay vẻ khang khác so với ngày thường. Chị phụ trách không có ở trong phòng. Cô vừa định quay ra thì Hoàng Lan đã vội bước vào với nét mặt ủ ê.
- Đến muộn vậy, Anh Thư.
- Con mình lại ốm!
- Sao không báo sớm?
- Mới sáng nay. Mà có chuyện gì vậy?
- Đoàn thanh tra, chị Hà cáu ầm lên vì vắng Thư. Mình cứ như ngồi trên đống lửa. Tưởng Thư đến đúng giờ như mọi khi, đâu ngờ...
Thư như đoán ra được tất cả. Cỗ máy đã trục trặc, bất ngờ trục trặc. Hoạt động của nó bị ngưng trệ. Trong chốc lát. Lại đúng vào lúc không thể.
- Vậy chị ấy đâu?
Thư vừa dứt lời thì Ngọc Hà bước vào. Cánh cửa đóng sầm lại phía sau. Không khí đột nhiên trở nên căng thẳng.
- Cô...Thư! Tôi...tôi không sao hiểu được cô nữa!
- Thưa chị, cháu em lại ốm ạ! Thư bình tĩnh giải thích.
- Nay ốm, mai ốm, sao không báo trước để tôi kịp thay người?
Chưa bao giờ Thư thấy Ngọc Hà bục bội đến vậy. Từ trước đến giờ chị là nguồn an ủi của cô. Những lúc cảm thấy chông chênh Thư luôn tìm đến chị. Chỉ nghe chị nói là Thư cảm thấy bao nỗi vấn vương được tháo gỡ như mọi chuyện thật là đơn giản, đơn giản đến không ngờ. Chị hiểu Thư như người em ruột thịt của mình. Ít khi chị nặng lời với Thư. Mà Thư cũng có làm điều gì không nên không phải đâu. Thư thương chị Hà lắm. Đã ngoài bốn mươi mà vẫn chưa có con. Chị rất buồn, lấy công việc làm vui. Anh Thành, chồng chị thông cảm với chị và càng yêu chị hơn. Chị đã gắng vượt qua hoàn cảnh của mình bằng một nghị lực đáng khâm phục. Trụ ở cương vị giám đốc nhiều năm nay, vực thư viện đi lên đâu phải dễ. Càng hiểu, Thư càng quý chị hơn. Thế mà hôm nay khỏi sức kiềm chế của chị. Dẫu sao cũng là chuyện đã rồi. Nghiêm trọng thật nhưng cũng không làm lại được. Ước gì...
- Đổ bể hết mọi dự kiến. Chỉ tại cô!
- Cháu em ốm nặng. Em đã nói với chị rồi! Thư gắng trấn tĩnh. Cô nhớ đến lần thăm cháu hôm nào. Nào sữa, nào hoa trái và gương mặt chị ấy mới hiền làm sao. Thật khác với lúc này.
- Thì ra vậy! Anh Thư không kiềm giữ được nữa, mọi thứ trong cô như nổ tung ra - Chị đã coi công việc hơn một con người, hơn số phận một đứa trẻ - Cô nhấn giọng - Chị đâu có là mẹ mà nhận biết được!
Ngọc Hà ngưng lại, ngã vật xuống ghế như một thân cây bị đốn ngã. Chị muốn khóc nhưng không sao khóc được. Giá có thể òa lên như thời thơ trẻ có lẽ dễ chịu hơn. Mắt chị nhìn như đóng đinh vào tờ lịch có hình đứa trẻ bụ bẫm đang ôm quả bóng trong tay. Điều kinh hoàng gì đã xảy ra vậy? Hoàn Lan đứng ngây ra, mãi vài phút sau mới kêu lên:
- Kìa Thư! Sao nỡ...
Ngọc Hà từ từ đứng dậy, giọng rắn đanh:
- Thôi! Các cô đi ra ngoài đi!
Đến lúc này Thư mới biết mình thật không phải. Cô đã khía đúng vào vết thương tấy sưng trong lòng Ngọc Hà. Thật nhẫn tâm! Mà lẽ phải đâu có thuộc về cô. Mọi chuyện rối tung lên vì cô, chỉ vì cô thôi. Nền nếp thư viện không ra hồn nói gì đến chất lượng phục vụ. Thế là bao hy vọng phút chốc tan thành mây khói... Cô về nhà và giờ thì nằm đây, giữa căn phòng thân thuộc với sự dằn vặt khôn nguôi.
Giá chị Hà có ở đây, Thư sẽ quỳ sụp xuống mong chị tha thứ cho cô. Sao Thư muốn được nhìn một lần, chỉ một lần thôi, nụ cười trìu mến của chị ấy, nụ cười chỉ có được ở những người có tấm lòng nhân hậu bao dung. Nhưng mọi việc đã vượt quá tầm tay của cô. Và, một sự thật cô không ngờ tới đã xảy ra: Câu chuyện khủng khiếp như một cơn ác mộng đó lại chính là giọt nước mắt cuối cùng làm tràn ly nước. Thư đã đi nhanh đến quyết định viết đơn xin thôi việc. Sợi dây cuối cùng níu cô với tập thể đầy tình thân ấy đã đứt, không có hy vọng hàn gắn. Cô như con thuyền tả tơi mà cơn giông tố của cuộc đời đã đẩy tới một chân trời xa lạ, không nơi nương tựa, không chốn dung thân. Ước gì chị ấy có mặt ở đây, ngay bây giờ, ngay trước mặt cô đây. Là một người tự trọng cô không cho phép ai xúc phạm tới mình. Sao cô lại tự cho phép mình xúc phạm tới người khác? Mà đó là ai kia chứ? Một người đáng kính trọng, một người đáng tin yêu. Thật vô lý! Thật vô lối! Thư đột nhiên khóc nấc lên như một đứa trẻ: “Chị Hà ơi! Hãy tha thứ cho em, dẫu một lần thôi, như ngày nào, chị!”.
Có tiếng gõ cửa. Ai vậy? Thư lau vội nước mắt, lấy lại bình tĩnh, đi lại phía cửa ra vào. Mở cửa, Ngọc Hà đứng trước mặt Thư, vẫn nụ cười thân thuộc như xưa. Không nén nổi lòng mình, Thư lao về phía chị:
- Hãy thứ lỗi cho em, chị!
Ngọc Hà mở rộng vòng tay ôm chặt Thư vào lòng: 
- Thôi! Xin em đừng nói nữa! Chính chị cũng có lỗi với em mà!.
Đà Lạt, 12/1992
Phạm Quang Trung
      Theo https://sites.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tập truyện ngắn Thạch Tâm

Tập truyện ngắn Thạch Tâm CÁI BÈ - QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU Nằm cách Sài Gòn khoảng hơn 100Km có một làng quê yên tĩnh suốt bốn mù...