Thứ Năm, 3 tháng 10, 2019

Trang văn tâm đắc

Trang văn tâm đắc
Mục này trích tuyển những trang văn trong những bài viết khác nhau, vào những thời điểm khác nhau của bản thân mà tôi cảm thấy tâm đắc hơn cả. Có thể bạn đọc không cùng quan niệm với tôi. Không sao cả! Chỉ là một cách giúp bạn hiểu thêm về tôi thôi mà.
Phạm Quang Trung
* Khoa học rất cần niềm tin. Nhận thức phải đạt đến mức độ nào đó mới chuyển thành niềm tin khoa học. Lòng xác tín chứng tỏ bản lĩnh nghề nghiệp mà không phải nhà khoa học nào cũng có. Phải có bản lĩnh mới mong có những khám phá, những đóng góp thật sự của riêng mình. Thế nhưng, như nhiều phẩm chất trí tuệ khác, niềm tin khoa học cũng có những bất cập, nếu không vượt qua sẽ tạo những lực cản không nhỏ cho những bước tiến thực sự của khoa học. Niềm tin khoa học dễ gây ra sự bảo thủ và cố chấp của nhà khoa học, khiến họ khó cởi mở khi tiếp nhận các quan niệm thuộc hệ thống khác. Nếu không ai độc quyền về chân lí, nếu nhận thức của mỗi người bao giờ cũng có giới hạn thì sự bất cập này của lòng xác tín trong khoa học đáng được đặc biệt lưu tâm. Phải chấp nhận và gắng vượt qua sự hạn hẹp của tầm nhìn cũ mới mong có những bước tiến mới trên con đường tìm tòi và sáng tạo.
(Trích Tiếp cận giá trị văn chương, Nxb Thanh niên, H., 1995, tr.103 - 104).
* Xin được mạn phép bàn về cái tầm của một nhà văn. Nó phải được bộc lộ qua tác phẩm cụ thể, hiển nhiên là thế. Không thể có nhà văn lớn nếu không có tác phẩm lớn. Mọi cái khác chỉ là thứ yếu, thậm chí có cái, rất nhiều cái là đằng khác, chỉ là thứ vô nghĩa, vô bổ. Đấy là chưa nói tới những cái luôn bào mòn sức sáng tạo, rất có hại đối với nghiệp văn, cần tranh xa thì hơn. Tầm mức của một nhà văn qua tác phẩm, theo tôi, chủ yếu bộc lộ ở cái nhìn, ở sức nghĩ, nhờ sự trau dồi thường xuyên, nghiêm cẩn, đúng hướng vốn liếng tư tưởng và văn hóa... Những tác phẩm đạt tới cái ngưỡng đáng mong ước này, ta gọi đơn giản là có chiều sâu. Hơn thua nhau trong hiệu quả thẩm mỹ chính ở điểm đó. Không dễ đạt tới chiều sâu nếu không có một nền tảng tư tưởng và văn hóa chắc chắn và bề thế. Lại phải trải qua nhiều thách thức, dằn vặt. Để rồi cái vốn liếng tinh thần quý giá ấy hóa thành máu thịt, hòa vào tâm hồn của người cầm bút. Nó không ngừng sống động, quẫy đạp đòi được thăng hoa. Chủ nhân của nó bị đẩy vào cái thế không còn đường lui. Đấy chính là dấu hiệu bước đầu dễ thấy của mọi thành công trong sáng tạo.
(Trích Ai tri âm đó, Nxb Hội Nhà văn, H.,2009, tr.15)

* Khi viết về cái ác, người cầm bút cần hết sức tôn trọng, đề cao tính nhân bản, chớ để người đọc với tư cách là những con người bình thường lại có cảm giác sợ hãi, âu lo, thậm chí quy phục cái ác. Ở đây có vấn đề thuộc về nhận thức. Tôi nghĩ không có con người ác, chỉ có cái ác trú ngụ nơi con người bởi nhiều nguyên do đưa đẩy khác nhau. Chủ quan có mà khách quan cũng có. Trong nhiều trường hợp cụ thể, chưa biết mặt nào trội hơn mặt nào.  Đối tượng ta chống trả, ta thanh trừng để cuối cùng tẩy trừ, đào thải, vì vậy, chính là cái ác nơi con người chứ tuyệt nhiên không phải là con người mang mầm ác. Mục đích cao nhất, mục đích sau cùng là đưa đường dẫn lối cho những ai trót nhất thời sa xẩy có đủ lòng tin, hướng tới, để tìm về với cái thiện. Cố nhiên, tôi không loại trừ những trường hợp thật cá biệt. Những kẻ cầm đầu, những kẻ điên cuồng, những kẻ chống phá có ý thức chẳng hạn. Với những đối tượng này cần có những giải pháp đặc biệt để xử lý. Đúng là phải có những biện pháp trừng phạt đủ sức răn đe khi cần. Đó là đòi hỏi của chính cuộc sống. Nhưng, nhìn đại thể, khi phải dùng tới trấn áp, nhất là những trấn áp mạnh về thân xác và tinh thần thì nên hết sức thận trọng.
(Trích Ai tri âm đó, Nxb Hội Nhà văn, H., 2009, tr.22 - 23)
* Thời trước, trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, thiếu thốn đủ thứ, nhưng văn chương chưa bao giờ bị xem nhẹ cả. Nó thật sự nâng đỡ tinh thần của mỗi người. Trên từng chặng đường. Trong mỗi bước đi. Rất hữu hiệu. Và rất tự nhiên. Người ta truyền tay nhau đọc những tập truyện ngắn, những cuốn tiểu thuyết sờn rách, in bằng thứ giấy đen nhẻm. Người ta thức đến tận khuya để chờ thưởng thức chương trình tiếng thơ với những giọng ngâm truyền sâu tới tận đáy lòng. Người ta sống trong văn chương, cùng văn chương. Quen thuộc và cần thiết. Như ánh sáng. Như khí trời. Thời ấy mới ngày nào mà giờ đâu rồi? Đôi lúc tôi cứ thảng thốt tự hỏi. Như vừa qua nhanh một giấc mơ đẹp. Rồi tự cảm thấy bản thân trở thành một con người khác hẳn. Xa lạ, lạc lõng với chính mình. Cả với người khác nữa. Còn không những ý nghĩ cao xa luôn nâng đỡ ta trong những bước gieo neo, đôi khi chông chênh, chuếnh choáng của nghề nghiệp? Văn chương còn đủ lớn không để ta hiến thân không một chút do dự? Văn chương vẫn thiêng liêng hay không để ta sẵn lòng gạt bỏ đi những cái tầm thường, ty tiện ngoài đời sống?... Nhiều, nhiều nữa những băn khoăn, ưu tư tương tự.
Có lúc, tôi không dám tìm đến một câu trả lời dứt khoát khi phải đối mặt với bao chuyện nhũng nhương của đời sống hôm nay. Nản. Thật sự nản. Dẫu chỉ là thảng hoặc, chỉ là thoảng qua. Nhưng sức ám ảnh của nó thì quả là ghê gớm! Không thể xem thường được. Thú thật, những khi ấy, tôi hay tìm đến những tâm sự nghề nghiệp thật lòng của nhà văn Trung Quốc Giả Bình Ao: “Xét đến cùng vẫn là câu nói cổ xưa: Bình sinh một tấm lòng, không vì người mà nóng lạnh/ Văn chương việc thiên cổ, tán cho vui” (Văn nghệ, Tết Giáp Thân - 2004). Thôi thì đành coi văn chương là một điểm tựa mặc dầu biết rõ là chẳng mấy vững vàng để vượt qua những tao đoạn khốn khó của một nghề nghiệp vốn trĩu nặng mọi nỗi buồn vui trong cõi người này vậy.
(Trích Ai tri âm đó, Nxb Hội Nhà văn, H., 2009, tr.10 -11)
* Mỗi khi cầm bút, không hiểu sao, cái hình dấu phẩy bằng thạch vân nguyên khối, nặng hàng tấn, có một lỗ thủng chính giữa, đặt trên nền cỏ xanh rờn của khuôn viên Bảo tàng Văn chương hiện đại Trung Quốc tại Thủ đô Bắc Kinh cứ hay trở đi trở lại trong tâm trí tôi. Đó có lẽ là biểu trưng tuyệt vời nhất cho ý hướng sáng tạo đích thực của những người cầm bút chân chính xưa nay. Mọi sáng tạo thật sự khi nào cũng mang hình dấu phẩy ngắt đoạn chứ không thể là hình dấu chấm sau cùng. Nhất là sáng tạo trong nghề viết. Ở đó, con chữ theo sau  con chữ, trang văn nối tiếp trang văn. Tựa như sự sống luôn bất ngờ tuôn chảy, sinh sôi nảy nở khôn cùng... Có điều, mỗi khi nói tới sự sáng tạo trong lĩnh vực văn chương, người ta thường nghĩ tới công việc của từng cá nhân riêng lẻ trước nhất. Đội ngũ mạnh là nhờ từng nhà văn mạnh - mạnh theo nghĩa giàu tài năng và nội lực, lại luôn lao động, lao động hết mình. Trước trang giấy mở, chỉ có thể trao đổi, góp ý trên tinh thần đồng thuận cởi mở, mấy ai nói tới sự áp đặt, chỉ đạo mà lại đưa tới thành công bao giờ. Ảnh hưởng đích thực của nghề văn cũng nên được hiểu theo xu hướng tự giác đó. Đúng ra, đây là sự gặp gỡ hoặc sự chia sẻ tự nhiên của những người ham tìm tòi trên cùng một khu vực khám phá: một mảng đời sống, một thể tài, một ý tưởng, một cách thức thể hiện…Vâng, tất cả chỉ là sự chia sẻ, gặp gỡ.
(Trích Ai tri âm đó Nxb Hội Nhà văn, H., 2009, tr.5)
Phạm Quang Trung
      Theo https://sites.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tập truyện ngắn Thạch Tâm

Tập truyện ngắn Thạch Tâm CÁI BÈ - QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU Nằm cách Sài Gòn khoảng hơn 100Km có một làng quê yên tĩnh suốt bốn mù...