Thứ Tư, 2 tháng 10, 2019

Nguyễn Đức Quang nói về "Nhạc thoại" của Phạm Duy

Nguyễn Đức Quang nói về 
"Nhạc thoại" của Phạm Duy  
"Năm 1965 có Trại Thanh Niên Tự Do ở làng Phượng Hoàng gần sát Sài gòn. Là một vùng nghèo đói, tôi (Nguyễn Đức Quang) đã gặp nhạc sĩ Phạm Duy lần đầu tiên. Lúc đó ông là người trung niên, vui tính còn tôi là một chàng thanh niên hăng hái với những công tác xã hội và thanh niên". Đó là lời nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, con chim đầu đàn của Du Ca Việt Nam trong một quán ăn.
Ngày 23 tháng 9 năm 2003. Ông đã kể lại chuyện gặp gỡ với nhạc sĩ Phạm Duy rồi đi tới những hoạt động chung trong suốt 38 năm qua. Cầm tờ giấy mời tham dự buổi "Nhạc Thoại Phạm Duy" nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 82 của ông dự trù tổ chức tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt vào lúc 3 giờ chiều ngày Thứ Bảy 04 tháng 10 năm 2003 tới đây và biết ông là người sẽ điều khiển chương trình này nên tôi đã đưa ra một vài câu hỏi:
- Trước hết hai chữ "Nhạc Thoại". Nghe mới lạ, nó có nghĩa là gì? Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang trả lời:
- Thoại là nói, là nói chuyện về âm nhạc Việt Nam mà hôm nay đặc biệt là nói về Dân Ca Việt Nam. Đã có nhiều cuộc tìm kiếm và khám phá dân ca Việt Nam từ giữa thế kỷ trước đến nay. Hiện tại nó còn sống hay không? Đó là câu mà nhạc sĩ Phạm Duy muốn trả lời trong "Nhạc thoại" lần này. Ông đã hệ thống hóa và trình bày nó vào hai dĩa CD, trong đó có phần minh họa của nhiều ca sĩ, với các làn điệu tiêu biểu: Cò Lả của miền Bắc, Nam Bình của miền Trung và Vọng Cổ của miền Nam.
- Thưa ông, nghe nói Nhạc sĩ Phạm Duy sau Tâm Ca, Đạo Ca, Tục Ca v.v... đang có thêm Hương Ca? Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang xác nhận và nói thêm:
- Hương là quê hương, những ca khúc viết về quê hương mà theo chỗ tôi biết thì ông đã lấy cảm xúc từ chuyến tìm lại quê hương mới gần đây.

- Tại sao ông lại đứng trong vụ kỷ niệm này? Ông Quang cho biết:
- Tôi rất thích những buổi sinh nhật của ông Phạm Duy, để nhớ tới sự nghiệp ông đã và đang làm mà càng ngày càng lớn hơn. Trước hết tôi có giao tình với anh Phạm Duy, nhất là trên phương diện âm nhạc. Sau đó cũng do vài nguyên nhân rất trùng hợp, nói theo Phật Pháp là "có Duyên" khi tôi đến thăm anh Phạm Duy và anh đã cho nghe CD này, anh ngỏ ý muốn phổ biến ra ngoài. Tôi chợt nhớ đến ngày sinh của anh nên đề nghị góp làm một lần. Anh cũng thấy vui nên bằng lòng. Thế là công chuyện tiến hành. Một chuyện riêng rất nhỏ nhưng khá thú vị: Ngày 04 tháng 10 cũng là ngày tôi đặt chân đến đất Mỹ. Anh Phạm Duy là người đến đón tôi đi ăn tại nhà anh Đỗ Ngọc Yến. Đây là một kỷ niệm khó quên trong đời...
Nhắc đến chương trình, nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang cho biết lẽ ra sinh nhật của ông Phạm Duy thì các con ông tổ chức nhưng có thêm chúng tôi thì cả nhà đều thích thú hơn. Hiện nay chúng tôi biết đã có: Duy Quang, Duy Cường, Thái Hiền, Thái Thảo, Mai Hương, Quỳnh Dao, Phạm Hà, Vương Hương v.v... và một số bằng hữu khác chắc chắn sẽ đến góp mặt trong gày vui này. Tuy nhiên, đây là buổi nói chuyện mở rộng. Không bán vé và hạn chế. Mọi người yêu mến Phạm Duy, muốn biết thêm về dân ca Việt Nam, muốn nghe những bản nhạc mới và cũ của ông đều có thể tới tham dự. Chỉ là xin đúng giờ. (Tới đây cũng có một đính chính nhỏ là: Chương trình sẽ bắt đầu từ 03 giờ chiều thay vì 07 giờ tối như trong thiệp mời đã gởi đi).
Với số tuổi 82, nét nhạc của Phạm Duy vẫn tươi sáng và nồng nàn vô cùng. Bản nhạc mới nhất mà chúng tôi được nghe là bài do ca sĩ Mộng Thủy trình diễn hôm 13 tháng 09 vừa qua phổ từ thơ của Lưu Trọng Văn với tựa đề "Trăm Năm Bến Cũ" mà ông xếp vào "Hương Ca" nghe thật là tha thiết, tuy có mang nhiều nỗi hoài vọng nhưng cũng đầy chất lạc quan. "Nào đâu có trăm năm mà chờ mà đợi. Nào đâu có kiếp sau mà đợi mà chờ..." Cho nên với Phạm Duy hiện tại thật là đáng trân trọng. Ông đang sống, đang thở và đang sáng tác. Sự an trú trong hiện tại chính là triết lý tuyệt cao của Thiền Tông. Tình yêu thì vẫn bàng bạc trong ý nhạc không ngừng lại bao giờ. Chỉ cần biết sống, biết cảm nhận thì tự dưng sẽ thấy được màu sắc lung linh của tình yêu. Mà Phạm Duy thì lúc nào cũng thừa sức để bắt gặp tiếng nói của tình yêu trên nhiều góc đời một cách nhạy bén. Dù là ở tuổi 82 hay 92 cũng vậy. Không gian và Thời gian không có nghĩa gì với người nghệ sĩ. 
Nguyễn Trung Tín
Theo http://phorum.vietbao.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sen hồng vô tận ý

  Sen hồng vô tận ý Nhân đọc Sen cúng Bụt - thơ Hạnh Phương Có bao giờ lòng ta lắng lại để cảm nghe tất cả cái vô cùng ẩn trong phút giây ...