Thứ Tư, 2 tháng 10, 2019

Trần Dzạ Lữ - Hồn thơ nồng nàn lãng mạn

Trần Dzạ Lữ - Hồn thơ 
nồng nàn lãng mạn
Thi ca là quà tặng của tâm hồn và con tim. “Trong tim trong óc của con người có những chỗ bất cập với hình ảnh nghe nhìn chỉ có thơ (tức là ngôn từ cao cấp) mới len vào được” (Maiakovski). Bởi vì thơ là một ‘’kỷ nghệ đặc biệt” nên từ trái tim đến trái tim chỉ có thể len vào được bằng thơ. Vì vậy thơ ca là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống con người Giữa bộn bề cuộc sống thì góc thơ vẫn là nơi yên bình để tâm hồn mình trú ngụ với những ngọt ngào sẻ chia. Một trong những nhà thơ đương đại được bạn đọc yêu thích hơn nửa thế kỷ là TRẦN DZẠ LỮ với những bài thơ tình quyến rũ. 
Khi tôi chưa có mặt trên đời thì thơ Trần Dzạ Lữ đã bay bổng trên các tạp chí tên tuổi từ thập niên 60 của thế kỷ XX. Đến lúc tôi bắt đầu cảm nhận được cái hay, cái đẹp những bài thơ tình của anh thì anh đã là một trong những “cây cổ thụ” của thi ca đương đại. Tháng chín năm nay tôi bất ngờ nhận được món quà là tập thơ có tựa đề rất ấn tượng CỨA NÁT MUÔN TRÙNG - Nhà XB hội nhà văn gồm có 91 bài thơ tình do chính tác giả ký tặng. Tôi đã đọc một mạch hết bài này đến bài khác cho đến hết tập thơ chỉ trong một buổi chiều thu. Như vậy đủ đển thấy thơ anh hấp dẫn lôi cuốn người đọc như thế nào. Tập thơ viết về tình yêu và đó là tiếng lòng của thi nhân. Tôi đã đọc đi đọc lại mấy lần để cảm nhận vẻ đẹp về nội dung và nghệ thuật. Thơ anh dung dị, đằm thắm mà thiết tha. Cái tình trong thơ luôn mộc mạc gần gũi, sâu sắc mà tế nhị của phong cách Á đông. Cứ mỗi lần đọc lại một bài thơ tôi lại phát hiện thêm những điều mới mẻ ẩn hiện sau bài thơ. Mỗi bài thơ có một vẻ đẹp lung linh của cảm hứng trữ tình, đậm đà da diết. 
1/ VÀI NÉT KHÁI QUÁT VỀ VĂN NGHIỆP CỦA TRẦN DZẠ LỮ 
Nhà thơ Trần Dzạ Lữ tên thật là Trần Văn Duận 
Anh sinh ngày 25/ 2/1949 
Tại ngôi làng xinh đẹp mang tên Ngọc Anh của thành phố Huế mộng mơ. 
Anh bắt đầu viết từ khi còn là cậu học trò cấp 2 (bậc phổ thông cơ sở) thập niên 1960. Các sáng tác của anh được đăng trên các tạp chí: Văn, Văn Học, Bách Khoa, Thời Nay, Khởi Hành,Thời Tập, Giữ Thơm Quê Mẹ, Tuổi Ngọc,… 
Sau năm 1975 các sáng tác của anh được hiện diện trên các báo, tạp chí: Kiến Thức Ngày Nay, Thanh Niên, Phụ Nữ, Người Lao Động, Tuổi Trẻ, Thời Văn, Áo Trắng, Người Hà Nội, Ngày Mới… 
Anh là hội viên Hội Nhà Văn Thành phố Hồ Chí Minh. 
Các tác phẩm đã xuất bản:
- HÁT DẠO BÊN TRỜI (Nhà xuất bản Trẻ, năm 1995)
- GỌI TÌNH BÊN SÔNG (Nhà xuất bản Trẻ, năm 1997)
- THƠ TÌNH VIẾT TREN BAO THUỐC LÁ (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, năm 2014)
- CỨA NÁT MUÔN TRÙNG (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, năm 2015)
- Các sáng tác của anh đã góp mặt trong các thi tuyển:

- Thơ Tình Việt Nam và Thế Giới (Nhà xuất bản Thanh Niên, năm 1989)
- Nghìn Câu thơ tài hoa (Nhà xuất bản Văn Học, năm 2000)
- Thơ Việt Nam 1945-2000 (Nhà xuất bản Lao Động, 2001)
- Ngàn năm Thương Nhớ (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2004)
- 700 năm Thơ Huế (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2008)
- Cùng một lứa bên trời lận đận (Nhà xuất bản Thanh Niên, 2009) 
2/ TRẦN DZẠ LỮ -NHÀ THƠ CỦA TÌNH YÊU NỒNG NÀN SAY ĐẮM! 
Với một bề dày sáng tác của anh như thế có lẽ cũng đã không ít nhà phê bình đã viết về con người thơ Trần Dzạ Lữ và tác phẩm của anh. Tôi chỉ là kẻ hậu sinh yêu thơ, đọc thơ anh và có đôi dòng cảm nhận. 
Trước hết thơ được bạn đọc yêu mến bởi thơ anh mang phong cách trữ tình, hài hòa cân đối trong từng câu từng chữ. Tình yêu là chủ đề lớn trong thơ trữ tình của nhà thơ TRẦN DZẠ LỮ. Mỗi bài thơ đều chứa đầy tình người, tình đời và ăm ắp thi vị. 
Từ xưa đến nay đã biết có bao văn nhân thi sĩ nói về đề tài tình yêu. Maksim Gorky nói rằng: “Con người sinh ra có linh hồn chính là để yêu” 
Còn Xuân Diệu của chúng ta thì: 
“Làm sao sống được mà không yêu 
Không nhớ không thương một kẻ nào” 

(Xuân Diệu) 
Không biết có bao nhiêu người đồng tình với họ? Chỉ biết rằng tình yêu đã đồng hành với sự tồn tại của con người từ thuở hồng hoang đến bây giờ giờ và tin rằng còn đến cả mai sau. Cũng với bấy nhiêu cung bậc yêu thương, nhung nhớ, giận hờn… Nhưng mỗi người có cách giãi bày riêng. Thơ tìnhTrần Dzạ Lữ có nét độc đáo rất riêng. Có chất men say trong ngôn ngữ thơ phải nói là rất “Trần Dzạ Lữ” 
Thơ Trần dzạ Lữ là tiếng nói cất lên từ trái tim đa cảm. Thơ anh dẫn dắt người đọc đắm chìm trong một bầu không khí lãng mạn của tình yêu đôi lứa. Ngôn từ dung dị mà tha thiết ngọt ngào Những câu thơ trữ tình lay động người đọc bởi sự chân thành chứa chan tình yêu say đắm nồng nàn. Tình yêu tha thiết anh dành cho thơ hơn nửa thế kỷ đến nay anh vẫn miệt mài sáng tác, bắt gặp những điều đó qua những câu thơ được viết ra từng những cung bậc của tình yêu: 
“Chiều nay thiêu thiếu một người 
Anh nghe thiếu cả một trời an yên 
Môi cười ấy dễ nào quên 
Chưa ba đào đã sóng lên địa đàng” 

(Chiều nay thiêu thiếu một người) 

Tình yêu trong thơ anh là tình yêu sắt son, thủy chung với người tri âm tri kỷ. Ngồi đối diện với ly rượu trong một ngày cuối năm nhà thơ cũng chỉ nghĩ đến bóng dáng của nhân vật trữ tình trong thơ với một tình yêu bỏng cháy và nhớ nhung 
“Tháng chạp rồi… Ngồi đối bóng căm căm 
Ly rượu cạn nhưng tình không thể cạn 
Nếu ngày mai đất trời quên độ lượng 
Hồng thủy buồn ta vẫn cứ yêu em” 
(Tháng chạp rồi) 
Thơ tình của anh quả là lãng mạn với cách viết nhiều ví von, những hình ảnh ẩn dụ, so sánh tinh tế và biện pháp tu từ đầy biểu cảm: 
“Nụ cười em đã nhốt lấy hồn tôi 
Gã lãng tử chưa hề lòn cúi 
Thích mây trời và lang thang khắp lối 
Sao bây giờ nhận tội yêu em?’’ 

(Nụ cười em đã nhốt lấy hồn tôi) 
Vâng! “Một gã lãng tử thích mây trời và lang thang thang theo gió” Chưa ai có thể cầm chân được chàng vậy mà giờ đây chàng đã phải tự thú rằng. Chính ”nụ cười” “em đã nhốt lấy hồn tôi” chàng đã phải trần tình từ đáy lòng chân thật của mình và chấp nhận” “quy hàng”, “Rũ áo giang hồ bại tướng suốt trăm năm”. Nụ cười em thật màu nhiệm có sức hấp dẫn hơn cả “Mười thành công lực” Tình yêu thật tuyệt vời! 
Và cũng phải nói rằng không có nỗi buồn nào có thể buồn hơn dấu tình sầu muộn của sự phân ly. nếu em rũ áo xa anh thì nỗi buồn vô tận đó như “cứa nát muôn trùng”. Hình ảnh tượng trưng mà rất cụ thể cho “em” - nhân vật trữ tình trong thơ thấu hiểu, chắc chắn rồi! Như vậy thì “em không thể nào xa anh được! 
“Buồn anh 
cứa nát muôn trùng 
Nếu em 
giũ áo 
xa 
Trần Gian anh“ 

(THÔI) 
Chất men say trong tình yêu được tác giả chuyển tải lên từng câu từng chữ cho người đọc cảm được tình yêu thật nồng nàn và dịu ngọt: 
“Mời nhau uống rượu hoa đào 
Anh chưa uống đã say màu môi em 
Một trời nhớ ngã, thương nghiêng 
Hồn hoang đậu xuống tóc mềm buộc nhau” 

(Mời nhau uống rượu hoa đào) 
- Đêm nay mình uống rượu sim 
Quyện môi nhau để tình thêm thắt tình 
Phải là hương lửa ba sinh 
Mới đau đáu nhớ, mới rình rập yêu… 

(Đêm uống rượu sim) 
Những giây phút hạnh phúc bên người yêu dấu đã đi vào trang thơ và trở thành những phút giây vĩnh cữu của tình yêu bằng những hình ảnh ẩn dụ tượng trưng rất đắm say và lãng mạn của một tình yêu mãnh liệt: 
- «Khi mình đủ vòng tay nhau 
Đêm òa vỡ tiếng mưa mau bên ngoài 
Phút giây sống thật đây rồi 
Em trao anh hết nụ cười Tây Thi» 

(Đêm trong vòng tay nhau) 
Nước sông xa không dập nổi lửa tình gần 
Ta cứ cháy hết đời nhau em nhé 
Làm mã phu anh cõng nàng công chúa 
Dẫu lên rừng xuống bể cũng cam tâm 

(Nước sông xa không dập nổi lửa tình gần) 
Với Trần Dzạ Lữ tình yêu trong hiện tại là tình yêu đẹp nhất, say đắm nhất có lẽ vì vậy anh dành những vần thơ đẹp nhất, rung cảm nhất: 
“Dắt nhau đi bởi tiếng sét tình cờ 
Mà đắm đuối hơn nghìn năm chờ đợi 
Phi thời gian đó là điều em nói 
Khi tay mình choàng hết cả tay thơ… 
Tình thứ mấy có hề chi đâu em 
Gắn vào môi nhau nụ hôn khắc biết 
Dẫu mai này sông có khô… hồ cạn 
Anh tách buồn ra khỏi lý nhân duyên 
Tình yêu đầu hay cuối vẫn là em’’ 

(Không ai định tuổi nàng thơ) 
Mỗi địa danh nơi anh đặt chân đến trong cuộc đời lữ thứ, đều để lại dấu ấn trong thơ và tất nhiên có tình yêu và nỗi nhớ: Chùm thơ tứ tuyệt về quê có Đông Hà, Quãng Trị, Nong, Truồi, Chợ Thần Phù… 
“Ngọn gió Nam Lào không thổi bạt 
Đông Hà chằm lại một sắc xuân” 

(Tứ tuyệt về quê) 
- “Giật mình nhớ nụ cười em 
Mong vào trong đó đong thêm tình đầy” 

(Tứ tuyệt về quê) 
- “Chiều Khe Tre, nghe suối chảy bên nhà 
Cứ ngỡ em thì thầm bao nỗi nhớ” 

(Tiễn em) 
Thơ tình quả là không có tuổi. Đọc thơ anh tôi như thấy cả cuộc đời, cả cuộc tình của con người thi sĩ này và bao giờ cũng nồng nàn dịu ngọt một tình yêu rất trẻ trung tươi mới! 
Ở tại Sài Gòn cũng chỉ nhớ và mong: 
- ”Sài Gòn ơi đi đâu rồi cũng nhớ 
Về Ngả Năm, Ngả bảy lúc chờ em 
Điệu Tango luồn qua một trái tim 
Đó là lúc anh chín mong mười đợi" 

(Sài Gòn trong nỗi nhớ) 
Khi về lại cố đô Huế thân thương không có “em’’ đi cùng nên nhìn đâu cũng mơ màng tới bóng dáng người thương và nỗi nhớ nàng vì thế không thể nào vơi. 
“Đêm Huế Hương cau còn thơm lựng 
Mơ màng đến cả nụ cười em” 

(Đêm Huế nhớ Sài Gòn) 
Và tình yêu được khẳng định vững bền như một chân lý với sự thủy chung sau trước: 
“Ví dầu cạn nước sông Tương 
Tình yêu vẫn cứ lừng hương bên người” 

(Tháng giêng tình) 
Thơ anh dường như cho người đọc thấy cả cuộc đời và cuộc tình của anh. Thơ Trần Dzạ Lữ Có nhiều sắc thái tình cảm, với đủ các cung bậc của tình yêu. Đặc biệt chất chứa bao nỗi vời vợi nhớ mong tha thiết chân tình và vô cùng lãng mạn! Đọc thơ anh ta tìm về với một tiếng nói sẻ chia, một tiếng lòng tri âm hội ngộ. Đối với người đã yêu và đang yêu sẽ thấy được nguồn cảm xúc, những rung động khao khát cho riêng mình. Đối với người đã đi qua cuộc tình sẽ sống lại với những khoảnh khắc của tình yêu đôi lứa bây giờ đã trở thành kỷ niệm khó phai!. 
3/ Thi pháp thơ Trần Dzạ Lữ: 
Để khám phá về thơ anh ta đi tìm thi pháp. Vì thi pháp là mấu chốt của thơ, là những đặc điểm về hình thức nghệ thuật trong thơ. Thơ anh có sự kế thừa của thi pháp truyền thống qua những bài thơ lục bát. Cách gieo vần đối thanh một cách linh hoạt, hài hòa. Câu thơ rất mềm mại duyên dáng và chỉnh chu. Anh sử dụng thành thục, điêu luyện các thể thơ dân tộc cổ truyền. Trong đó có thể lục bát, thể song thất lục bát. Những câu thơ lục bát của anh vừa hay về nội dung vừa giàu về nhạc điệu và giàu chất trữ tình của ngôn từ sử dụng.
“Mời em uống rượu hoa đào 
Chung này, anh rót em vào liêu trai 
Chung anh ,e,ngậm trang đài 
Hoa thua, liễu hận để hoài thai… thơ!” 
(Mời nhau uống rượu hoa đào) 
Cuộc sống muôn màu, nhiều cung tình cảm thì có lẽ thi pháp hiện đại mới đủ cho ngòi bút của anh biểu đạt cảm xúc. Vì thế các sáng tác của anh phần lớn theo thi pháp hiện đại. Thơ anh phong phú nhiều thể loại: Thơ bốn chữ, năm chữ, bảy chữ, tám chữ… 
Ở thể thơ bốn chữ:
- “Nụ cười muốn vỡ 
Đất trời thành thơ 
Phong lan bốn mùa 
Hương qua cửa sổ” 

(Và trà hoa đào)
Thơ năm chữ: 
“Mùa xuân lại về rồi 
Hiên xưa mà nhớ mẹ 
Nhiều năm con đi biệt 
Chữ hiếu quăng đâu rồi” 

(Tự thú II) 
Thơ sáu chữ: 
“Lơn tơn anh về với Huế 
Một mình không có em theo 
Nắng xuân bên đèo ấm thế 
Sao lòng chợt nặng đìu hiu” 

(Về Huế một mình) 
Thơ bảy chữ: 
“Đêm Huế anh luồn dưới bóng cây 
Trời chưa trở rét đã bao ngày 
Không em, anh chợt buồn chi lạ 
Ước gì “Kinh Bắc” cũng về đây!’’ 

(Đêm Huế nhớ Sài Gòn) 
Thơ tám chữ: 
“Nói vậy thôi anh vẫn gặm đợi chờ 
Thay bánh mì để dõi tìm phi đạo” 
Chìa khóa trái tim em anh vững giữ 
Thì lo gì giông bão dọc đường đi” 

(Đợi em nơi phi trường) 
Ngôn ngữ thơ anh không dùng những lời lẽ trác tuyệt khác lạ hay phi thường… mà chỉ là những lời nói giản dị hàng ngày. Đôi khi dùng phương ngữ Huế như “ri, tê mô, rứa” vân dụng đúng chỗ, gieo vần khéo léo phù hợp với ngữ cảnh làm nên sự độc đáo dễ thương trong thơ anh. Ngôn ngữ thơ anh là ngôn ngữ đối thoại giữa hai người hoặc độc thoại. Cấu trúc thi thoại gồm đối thoại hoặc độc thoại để tạo nên thi ca: 
“Giận chi em? Tim anh đã thắp đèn 
Một trời thương cũng bắt đầu lồ lộ 
Giận chi em để cực lòng anh rứa 
Nụ hôn đền sẽ ngờ ngợ rất riêng” 

(Giận chi em) 
Tạo vật trong thơ có tình, đằm thắm và có hồn làm nên tứ thơ đẹp, sắc nét, hài hòa cả về ngôn ngữ thơ lẫn tâm trạng thể hiện. Câu thơ khắc họa được những đường nét của đời sống thực qua bút pháp lãng mạn tài hoa. Bằng nhiều thủ pháp nghệ thuật: ẩn dụ, hoán dụ, tượng trưng, đảo ngữ, điệp từ, điệp ngữ… để đạt tới ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh, giàu nhạc điệu: nhẹ nhàng, tha thiết mà sâu lắng.Thi ý ngọt ngào, ngôn từ dung dị đễ đọc, dễ hiểu như một lời tâm tình dễ đi vào lòng người. Thơ Trần Dzạ Lữ nói chung là những cảm xúc mãnh liệt của tình yêu đôi lứa. Thơ anh có đủ những say đắm nồng nàn, thiết tha của men tình. Và đó là lý do thơ tình Trần Dzạ Lữ rất được nhiều thế hệ công chúng yêu thích.Một trái tim đa cảm, một tâm hồn chan chứa cảm xúc, cuộc sống tinh thần phong phú và những câu thơ cứ thế rất tự nhiên đến với tác giả. Đó là tiêng thơ của thi nhân mà tiếng lòng của độc giả. Người đọc qua thơ anh sẽ tìm được một tâm hồn đồng điệu, một tiếng nói sẻ chia. Mong anh tiếp tục với những sáng tác mới, tiếp tục gửi gắm những tình thi tha thiết nồng nàn đến với người đọc, cho nền thi ca đương đại!. 
Tp Huế, 8/10/2018
Hoàng Thị Bích Hà
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh

Nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh Nhà thơ Minh Hiệu là một trong những hội viên khóa đầu của Hội VHNT Việt Nam. Ông cũng là những hội...