Bài thơ viết cho vợ… (khi vợ không còn nữa) như một trang nhật ký buồn của tác giả viết theo thể lục bát truyền thống. Là nỗi
niềm tâm sự gửi gắm vào câu chữ của thi nhân. Đây là bài thơ cảm động
nhất trong những bài thơ trữ tình của Trần Dzạ Lữ. Thiết tha, đằm thắm, giàu
giá trị nhân văn. Ở đó chứa chan tình yêu thương nồng hậu của tác giả đối
với người vợ hiền thảo giờ đã không còn nữa. Nỗi đau chồng mất vợ, con mất mẹ
là nỗi đau không gì bù đắp nổi. Cảm xúc dồn nén, bật ra thành những vần thơ,
câu thơ ứa lệ.
Trong khung cảnh bãi biển Vũng Tàu - nơi có thể ngày xưa anh
và người vợ kết tóc xe tơ đã có nhiều kỷ niệm đẹp ở nơi đây. Giờ cảnh cũ, người
đâu? Không gian đó gọi về bao kỷ niệm.
Mở đầu bài thơ: Giới thiệu cảnh biển - không gian tâm trạng:
Tác giả tả cảnh ngụ tình. Dùng ngoại cảnh để phô diễn tâm cảnh. Với lối tả
chân, tính chân thực cao và cũng đầy biểu cảm.
“Bây giờ biển vắng, mình anh
Chiều không em, nỗi nhớ thành mưa rơi”
Biển vắng vẻ, cô quạnh trong buổi chiều không em. Vì em
giờ đây đã đi xa, thật xa về bên kia thế giới, để lại mình anh với con gái đơn
côi… một mình anh với nỗi thương nhớ trở thành những giọt mưa, mưa ngoài trời
hay những giọt lệ lòng? khóc cho tình phu thê nửa đời dang dở. Chị không cùng
anh đi hết đường đời sau cuối.
Tuy anh không nói ra ở bài thơ này nhưng tôi vẫn cảm thấy tâm
trạng anh luôn bùi ngùi nhớ lại khoảng thời gian tình nghĩa vợ chồng gắn kết,
bên nhau chia sớt những nhọc nhằn của cuộc đời dâu bể. Nuôi nấng con thơ… trong
bối cảnh đất nước khó khăn chung của thời hậu chiến. Khi cuộc sống gia đình anh
cũng như bao gia đình khác đã qua cơn bĩ cực, đến hồi thái lai thì chị vội vã
ra đi, không kịp ở lại hưởng niềm vui cùng anh và con trong căn nhà mới. Căn
nhà khang trang nhưng thiếu bóng vợ hiền và mẹ của con thơ, còn gì buồn hơn thế!
Bỏ anh hoang phế giữa đời liêu xiêu...”
“Em” rời thế giới của chúng ta để đi đến một nơi mà anh cho
đó là “về Trời”. Đấy là một cách nói nhân văn của điều sinh ly tử biệt. Làm giảm nhẹ nỗi đau mất mát. Về Trời - nơi ấy có lẽ tốt hơn ở hạ giới. Em sẽ không còn
vất vả nữa. Anh nghĩ vậy và cũng cầu mong như vậy. Không chỉ mình anh đâu mà
ai có người thân đã mất cũng muốn nghĩ như vậy để đỡ đau thương hơn và được an ủi
phần nào. Hai câu tiếp theo nói đến hiện thực buồn. Em đi rồi, còn lại anh,
trong buổi chiều hoang phế lắm, chông chênh lắm “giữa đời liêu xiêu...” lấy gì
làm điểm tựa, anh cảm thấy chơi vơi trống vắng khi ở phía không em. Người
đọc chúng ta cũng ngậm ngùi rơi lệ.
“Rượu vô đâm ngác ngơ nhiều
Tỉnh ra đã thấy người yêu mất rồi!”
Ngôn ngữ thơ tăng cấp độ bằng các cặp từ láy “liêu xiêu” đến
“ngơ ngác” tô đậm thêm nỗi buồn đau, bất hạnh khi kẻ ở, người đi. Làm gì cho
với bớt buồn thương. Tìm đến rượu giải sầu ư? Có ích gì? Chỉ thêm “Ngơ ngác“
như kẻ không hồn. Mà say rồi cũng phải tỉnh, phải đối diện với thực tế phũ
phàng. “Người yêu mất rồi” Không còn em nữa... Nỗi đau không thể nào nói hết được.” Biển ngậm tăm cười, “sóng xô bờ quạnh” gió ngời ngời... Tất cả cảnh vật
cũng buồn thê thiết lắm! Biển cười, một nụ cười gượng ép, không hé
nổi vành môi mà phải “ngậm tăm”. Những con sóng xô dạt vào bờ quạnh quẽ, gió
ngời ngợi lạnh lùng cô lẻ, hoang phế bởi cảnh còn người mất…
Những câu chữ gợi tả nỗi đơn côi, mất thăng bằng, cô quạnh với những cặp từ láy nối tiếp nhau, hỗ trợ cho nhau: lặng lẽ,
liêu xiêu... ngác ngơ, mặn mà đêm đêm… cùng với giai điệu trầm buồn đã đem
đến người đọc những ngậm ngùi cảm thông và thấu hiểu về nỗi niềm “thi sĩ mồ côi” một mình trên biển vắng và đơn lẻ bước tiếp dặm đường đời không người kết
tóc xe tơ.
Nhìn lại căn nhà không bóng dáng người thương, trái tim anh
vẫn “đỏ". Vẫn nồng nàn của tình yêu thương chan chứa dành cho vợ, cho con cho
những người thân yêu quanh mình và cả cho thơ.
Lúc xa ngoái lại căn nhà
Nỗi đau không cho phép anh chìm trong âu sầu quá nhiều để
quên đi thực tại. Anh còn phải sống cho con, và cả cho em. Anh trở về lại căn
nhà. Điều cần, thiết thực cho em bây giờ là: vài ngày nữa thôi là ”Giáp năm em
rồi” là giỗ đầu của vợ, anh phải về để lo sửa soạn cho kịp các nghi lễ cho em.
Hương hồn em lại trở về trong nghi ngút khói nhang và tình yêu của gia đình
chúng ta: anh và con… Để vong hồn em vẫn được ấm cúng, vẫn được yêu
thương trong mái ấm gia đình. Dẫu giờ đây đã âm dương cách biệt. Và cũng là điều
anh làm được, có ý nghĩa nhất cho em lúc này.
“Vài ngày nữa giáp năm em
Anh về cho kịp lúc lên đèn... tình!”
Bài thơ buồn, nhưng giàu tính nhân văn. Ngôn ngữ bình dị.
Bút pháp điêu luyện trong sử dụng ngôn từ, thi liệu và thi ảnh… Tất cả được
đưa vào thơ rất tự nhiên, có sức biểu đạt cao, làm lay động con tim người đọc.
Kính mời độc giả đến với trọn vẹn văn bản bài thơ.
THƠ TRẦN DZẠ LỮ
THƠ VIẾT CHO VỢ KHI Ở BÃI BIỂN VŨNG TÀU
Bây giờ biển vắng, mình anh
Chiều không em, nỗi nhớ thành mưa rơi
Từ em lặng lẽ về trời
Bỏ anh hoang phế giữa đời liêu xiêu...
Rượu vô đâm ngác ngơ nhiều
Tỉnh ra đã thấy người yêu mất rồi!
Chiều nay biển ngậm tăm cười
Sóng xô bờ quạnh, gió ngời ngợi qua...
Lúc xa ngoái lại căn nhà
Trái tim vẫn đỏ mặn mà đêm đêm
Vài ngày nữa giáp năm em
Anh về cho kịp lúc lên đèn... tình!.
Trần Dzạ Lữ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét