Thứ Hai, 14 tháng 10, 2019

Champa một thuở 2

Champa một thuở 2
Cổ vật Cham Pa ở viện bảo tàng Guimet
Trong rất lâu, dưới thời Pháp thuộc, trừ những người hâm mộ văn hóa Huế - Phú Xuân, các nhà khảo cứu về Đông Dương hồi ấy thường chỉ biết có văn hóa Cham Pa, và vì thiếu kiến thức, cho nghệ thuật Việt Nam chỉ là một sản phẩm phụ của văn minh Trung Quốc. Tôi đã được nghe nói như vậy trong một bài diễn thuyết ở thính đường viện Bảo tàng Guimet một hôm vào đầu thập niên 50. Rủi là vào lúc các nhà khảo cổ muốn đi sâu vào văn hóa Cham Pa thì khu Angkor được phát hiện, theo Trường Viễn Đông Pháp hướng dẫn, họ không tiếp tục khai quật nữa và rời Cham Pa qua Cao Mên. Tuy vậy, các nhà chức trách Pháp cũng bỏ công thu lượm các cổ vật đưa vào các viện bảo tàng Việt Nam như Sài Gòn, Hà Nội, Huế và nhất là Đà Nẵng. Họ cũng không quên đưa về Pháp một số hiện vật. Lịch sử chạm trổ Cham Pa kéo dài gần mười thế kỷ và đã bị nghệ thuật Ấn Độ xưa ảnh hưởng mạnh. Nhưng thiên tài của người Chăm dần dần đã giúp họ sáng tác một văn phong đặc sắc nhiều mặt, biến chuyển qua thời gian và không gian, đưa đến một di sản độc đáo mà những nhà khảo cổ viện Guimet đã ý thức. Từ đó một cuộc triển lãm "Kho tàng nghệ thuật Việt Nam: điêu khắc Cham Pa" đã được tổ chức ở viện cuối năm 2005 với một số cổ vật mượn ở các viện Bảo tàng Việt Nam (Đà Nẵng, Tp Hồ Chí Minh), Lyon (Pháp), Rietberg (Thụy Sĩ), tập hợp với những hiện vật của viện mà ta thấy ngày nay ở phòng Cham Pa.
Khi khách bước vào phòng, đập vào mắt tức khắc là hình tượng thần Shiva đồ sộ kê ngay giữa phòng. Một tượng bằng sa thạch (154x105x56cm), trình bày người ngồi, hai chân xếp lại theo lối sattvaparyankasana, lưng dựa vào một tấm bia. Có mười tay nhưng phần lớn bị gảy, hai tay trước đặt lên đầu gối, những tay kia xòe ra trên tấm bia. Shiva mặc một cái sampot trang trí với những cành lá và những hột ngọc khéo chạm trổ như một tấm thêu, vạc trước phủ lên chân. Trên đầu một cái búi tóc người tu khổ hạnh quấn tròn jatamukuta mang ở giữa một hình trăng khuyết thường là phù hiệu của Shiva. Trên vầng trán một con mắt thứ ba. Vắt chéo ngang trên ngực là một con rắn naga-yajnopavita thay thế chiếc dây thầy cả brahman. Không rõ ràng nhưng có thể cũng là hình đầu một con rắn trên bông tai. Hình hoa trang trí các băng tay keyura, angada, vòng tay kankara, hình lá bốn cạnh trang hoàng thắt lưng undarabandha. Lịch sự và thanh nhã nhất là cái vòng kiềng hara và cái vành tròn kirita có những hàng ngọc nhiều cở khác nhau tô điểm. Đáng tiếc là pho tượng nầy không nguyên vẹn, chỉ được xác định nhờ một dấu hiệu độc nhất. Những chuyên gia sắp tượng nầy vào nhóm các hiện vật phong cách Chánh Lộ, rất gần với tượng Shiva Tháp Mẫm. Chính Eugène Navelle, công sứ ở Quy Nhơn, năm 1885 đã để ý đến ở tháp Bánh Ít và cho đem về viện Bảo tàng Louvre, rút cuộc được trưng bày trong viện Bảo tàng Đông Dương ở Trocadéro trước khi chuyển qua Viện Bảo tàng Guimet (tượng 1). Còn có một pho tượng cũng bằng sa thạch hình dung Shiva ngồi, khá bị xói mòn, ba vạc trước sampot phủ xuống đùi và chân, tay mặt cầm kiếm khadga, tay trái cầm một cán có lẽ cái đinh ba trisula. Đầu đội mũ jata, lông mày hình dấu ngoặc, râu mép rậm quặp xuống, râu cằm cắt nhọn đúng theo phong cách Yang Mum, bông tai và vòng có hoa trang trí rất lịch sự. Mang một dây thầy cả hình con rắn, cũng có một con mắt thứ ba, tượng tìm ra ở Kontum, tương tự tuợng Drang Lai (Phú Yên) có đánh dấu 1409, được sắp vào phong cách Yang Mum, các thế kỷ 14-15, vào lúc Cham Pa đang còn hùng mạnh (tượng 2).
tượng 1: Shiva Bánh Ít   tượng 2: Shiva Kontum   
Một pho tượng khác nhỏ hơn (58x39x22cm) nhưng cũng không kém phần hấp dẫn, đối diện với tượng Shiva, hình dung cặp Vishnu-Garuda: thần Vishnu cởi trên cổ Garuda, chim thần có hai mắt mở tròn, miệng như mỉm cười, hai cánh xòe rộng, một chân quỳ xuống, hai tay nắm hai chân của Vishnu. Thần mặc một cái quần dài xuống tận đầu gối, đầu đội một cái mũ lễ tám cạnh, trên vầng trán một vòng hoa. Hai tai có chọc lỗ như để đeo bông tai không còn nữa, cũng như thân trần trụi vì thiếu vòng kiềng, vòng tay, thắt lưng. Trong số bốn tay, chỉ còn hai cái: tay trái sau nắm cái vỏ sò sankha, tay mặt trước một quả đất bhumi. Hai tay kia theo nguyên tắc phải nắm tay mặt sau cái dĩa cakra và tay trái trước cái chùy gada nay đã mất, chỉ còn thấy phần dưới dọc theo chân trái. Bằng sa thạch, pho tượng nầy được tạc khoảng đầu thế kỷ IX, màu sắc được thêm sau, vào thế kỷ XX. Các chuyên gia nghĩ tượng nầy thuộc phong cách Mỹ Sơn E1, có thể nhận thấy sau nầy trong phong cách Đồng Sơn cuối thế kỷ IX, đầu thế kỷ X. Pho tượng đã được tìm ra trong dãy Ngũ Hành Sơn, tỉnh Quảng Nam (tượng 3). Cặp Vishnu-Garuda nầy còn còn được trình bày trong một trán tường (69x69x18cm), bằng sa thạch, bị gảy nhiều, bố cục tương tự như trong pho tượng kia tuy có phần phong phú hơn, những lông trong cánh mặt thần điểu được thực hiện rất tinh tế. Trong số bốn tay của Vishnu chỉ còn hai tay nắm quả đất bhumi và dĩa cakra. Đồ trang trí khá bị xói mòn gồm có vòng chân nupura, vòng tay kankana, valaya, băng tay keyura, vòng kiềng hara, bông tai kundala, vành tròn kirita. Garuda được trang trí sang trọng, hai tay nắm cái đuôi con rắn naga mà ta có thể đoán đầu vươn lên đằng sau. Mặt Vishnu với đôi môi dày, râu mép sít, lông mày rậm, tóc đổ xuống thái dương, còn giữ những đặc tính của phong cách Bình Dương. Những chuyên gia sắp tượng này, tìm ra ở Quy Nhơn, vào phong cách Khương Mỹ, nằm vào giữa hai phong cách Đồng Dương sum sê và Trà Kiệu diễn cảm (tượng 4).
tượng 3: Vishnu-Garuda
Ngũ Hành Sơn
tượng 4: Vishnu-Garuda
Quy Nhơn 
Đức Quan Âm có mặt ở phòng Cham Pa qua dạng thức Avalokitesvara hay Lokesvara. Pho tượng Avalokitesvara là một cái đầu bằng đồng đen (23x18x18cm), mũi rắn rỏi, đôi môi dày, giữa trán một con mắt thứ ba, vòng trán trang trí với những hình hoa, trên đầu búi tóc người tu khổ hạnh quấn tròn jatamukuta. Đôi lông mày dài, rộng, gần nối liền với nhau ở giữa trán biểu lộ đặc tính Chăm. Giữa những bím tóc có hình tượng đức A Di Đà thiền định tương tự như ở tượng Đại Hữu (viện Bảo tàng Tp Hồ Chí Minh). Nhiều vết đục máng lưu lại ở mái tóc trình bày những chi tiết chứng minh người Chăm sử dụng kỹ thuật dùng sáp nóng chảy (cire perdue) gần giống kỹ thuật sáng tác tượng Tara Đồng Dương. Pho tượng kiệt tác của nghệ thuật Cham Pa nầy, niên đại các thế kỷ VIII-IX, được Georges Halphen phát hiện và đưa về Pháp. Vào lúc ảnh hưởng Phật giáo rất mạnh lên nghệ thuật ở Đông Nam Á ở thời kỳ ấy, công lao của ông là xác định được phong cách của hiện vật (tượng 5). Bên phần pho tượng Lokesvara bằng sa thạch (60x17x10cm) được xác định nhờ hình tượng đức A Di Đà trong búi tóc jatamukuta. Những lỗ hổng ở tai cho đoán biết có đồ trang sức nay đã mất cũng như ở trên mình. Pho tượng nầy được Cha H.de Pïrey tìm ra nhân khái quật ở Mỹ Đức (Quảng Bình) những năm 1921-1922, cùng với một pho khác giống hệt một thời được trưng bày ở viện Bảo tàng Đà Nẵng cho đến lúc bị mất cái đầu. Nét mặt dịu hiền của nhân vật cho phép sắp tượng vào môt thời kỳ chuyển tiếp giữa hai phong cách Đồng Dương và Khương Mỹ. Vào thời ấy, ngoài chùa Đồng Dương thờ Laksmindra-Lokesvara, một loạt nhiều chùa khác đã được xây dựng ở miền bắc Cham Pa (Quảng Bình hiện nay): Mỹ Đức, Đại Hữu (tượng 6).
tượng 5: Avalokitesvara
tượng 6: Lokesvara
Bên cạnh Shiva, Vishnu, Avalokitesvara, Lokesvara, còn có nhiều nhân vật ít được biết hơn. Một cái đầu bằng sa thạch (68x41x46cm) chưa chạm xong, được cho là tượng đức Vairocana: đôi môi dày, râu mép rộng, cằm chẻ đôi, đôi má lồi, bộ mặt tươi cười và trẻ trung cho thoát ra một trạng thái trọn vẹn, nhân từ. Đôi mắt khép kín như để ngài tách lìa chốn trần thế khuấy động. Đứng về mặt mỹ học, chỉ có phần trên đầu theo phong cách Đồng Dương có thể xem như là xong: mớ tóc điệu hóa thành những ngọn lửa xoay tròn phải chăng là một trong những đặc tính của đức Phật? Được Henri Parmentier và Charles Carpeaux để ý lúc khai quật ở Đồng Dương năm 1902, tượng đem về Sài Gòn trước khi Philippe Stern cho chuyển qua Pháp. Tại chỗ, khảo sát những phần cơ thể bị gảy, những chuyên gia nhận ra ấn quyết bodhyagrimudra hay bodhyangimudra đặc trưng của Vairocana, một trong ba kỳ na (jina, thắng) của bộ ba Phật Sakyamuni, Amitabha, Vairocana, hay một trong năm kỳ na gia đình năm họ Thắng Tây Tạng, chiếm năm hướng của mandala, Vairocana ngồi ở giữa (tượng 7). Một trán tường bằng sa thạch (56x43x19cm) trình bày một người ngồi, có bộ râu dài, hai chân xếp lại, hai tay chắp với nhau, trông như một người tu khổ hạnh thờ Shiva rsi trong nghệ thuật Khơ me, nhưng y phục tươm tất với vạt trước đắp lên chân, những bông tai, vòng tay, băng tay, một mũ lễ có những hàng ngọc trang trí biện minh cho một thánh nhân Chăm nào đó. Hơn nữa, nơi tìm ra được, Thủ Thiên (Bình Định), là một vùng Phật giáo thì khó lòng có mặt Shiva. Tấm bảng trong phòng thận trọng đề: Người tôn thờ bà la môn, phong cách nối tiếp Tháp Mẫm, thế kỷ XIII-XIV (tượng 8).
tượng 7: Vairocana
tượng 8: Người tôn thờ bà la môn
Một nhân vật quen thuộc hơn tuy mỗi nơi một khác: vị hộ pháp dvarapala (67x30x38cm) ở Đồng Dương. Thần nầy thuộc phương bắc, có vẻ dữ tợn hơn những thần miền nam: mặt bừng bừng sát khí, má phồng trướng phẫn nộ, đôi mắt lồi trừng trừng, đầu nghiêng một bên như con thú sẵn sàng xông vào mồi. Tuy vậy, đầu có nhiều trang trí, ở trên mũ kirita có kết một cái hoa, ở dưới ba hàng tóc tết phủ toàn gáy. Đáng để ý là con mắt thứ ba trên vầng trán ít thấy ở sáu pho tượng tìm ra cùng nơi: ba hiện ở viện Bảo tàng Đà Nẵng, một trong một bộ sưu tầm tư nhân bên Mỹ, hai còn chôn dưới đất cho đến ngày một tượng được đào ra và chở về viện Bảo tàng Guimet (tượng 9). Trái với vị hộ pháp, pho tượng sa thạch (45x21x25cm), tìm ra ở Đa Nghi (Quảng Trị), trình bày một vị thần hạng thứ được gắn vào tầng trên tháp, mặt mày hiền dịu, mắt hình quả hạnh, lông mày tinh vi, đôi môi khá dày kín đáo mĩm cười, cùng với đồ trang trí, bông tai nhiều vòng, mũ miện đầy hoa, chứng nhận phong cách Trà Kiệu. Tay nắm một hoa sen chớm nở với những cánh hoa gấp xuống dưới che mất hai bàn tay chắp lên ngang ngực, tượng cho thoát ra một cử chỉ kính cẩn của người đang cầu nguyện mà bảng ghi tên Devata (tượng 10).
tượng 9: Hộ pháp 
tượng 10: Devata
Những pho tượng vũ nữ với dải băng (trung bình 75x28x25cm), thế kỷ X, tìm ra ở Trà Kiệu thuộc hệ thống loại tượng hiếm có trong nghệ thuật Chăm. Trước kia ít có, tượng chỉ được dùng bên trong các tháp, làm cột tượng điện thờ linga chẳng hạn. Bây giờ, tượng được đưa ra ngoài, thường thấy ở các chân nền, xen lẫn với những tượng voi, sư tử. Cử chỉ những vũ nữ nầy cho bay lượn quanh mình dãy vải dài và mỏng chưa được giải thích, nếu không là tương tự những hình trong giới thiên thần chạm trên đá như ở Orissa bên Ấn Độ thế kỷ VII, hay giống những băng vải được các quý tộc và quyền chức dùng trong triều nhà Đường những thế kỷ VII-X bên Trung Quốc. Tuy mềm dẻo và đầy sức sống ở tư thế tribhanga, tượng những vũ nữ nầy trình bày những điểm vẹo méo trong vũ điệu như cánh tay quá dài, khuỷu tay cưỡng cong, hông háng núng nính. Đằng khác, mặt mày vui vẻ, nét mặt dịu dàng, đôi mắt quả hạnh đánh dấu một phong cách Trà Kiệu muộn. Các vũ nữ cũng có vài trang trí, bông tai nhiều vòng, vành đầu đầy hoa, quanh mình một khố nhỏ có thắt lưng kéo dài xuống giữa hai chân. Thường các tượng được trình bày mặt hướng ra trước, chân nhìn nghiên đang nhấc lên trong thế đang nhảy múa trong một điệu vòng ở cung điện các thiên thần (tượng 11, 12).
tượng 11,12: Vũ nữ
Trong số những vị thần hạng dưới, ngoài vị thần mang đồ cúng đã thấy là một, còn có những thiên thần khác: nhạc công gandharva, chim thần kimnara (nửa người nửa chim) cùng phu quân kimnari, thiên nữ apsaras,… và quái vật makara. Một hiện vật bằng sa thạch (60x122x44cm) hình dung một nữ thiên hiền lành nhả ra từ lỗ miệng quái vật, mắt lồi, sừng hình cuộn, bờm uốn quanh, răng nanh nhọn. Makara là một thủy quái sống dưới biển, nửa cá nửa voi, tương truyền có trong bụng một hòn ngọc quí cống hiến quyền lực, đặc biệt về tình yêu. Hiện vật nầy là thành phần bên trái của lưng ngai đức Phật, thường được dùng để trang trí các công trình Ấn giáo và Phật giáo. Đồng thời với sự phát triển Phật giáo, hiện vật trang trí ngai đức Phật, tuy đã thấy từ thế kỷ V, phát huy mạnh mẽ vào các thế kỷ VIII-IX, đặc biệt ở vùng Đông Nam Á, nhất là trong nghệ thuật đồ đồng. Quái vật quay mặt về đức Phật trong một cử chỉ linh hoạt đặc sắc của những vị thần hạng dưới. Đồ trang trí tinh vi thêm vào những nét điệu hóa trên bộ mặt hướng cổ vật, được Henri Parmentier nhận ra năm 1902 ở Đồng Dương, vào phong cách Đồng Dương (tượng 13). Một hiện vật khác cũng bằng sa thạch (92x45x122cm), hình dung makara miệng mở to, môi sề rộng, lưỡi dày cộm, ranh nanh nhọn, nhả ra một cặp nữ thiên mithuna vui cười quyện vào nhau như một cặp tình nhân, cũng được dùng trong trang trí kiến trúc, mút đầu những mái ngói. Măt quái vật, mặc dầu chưa xong hoàn toàn, được chạm trổ rất tinh vi : những mắt, tai, sừng, vòi cùng với lá sen qua những đường cong, đường cong ngược, chồng chéo liên hệ mật thiết với nhau, tương hợp thành một lối diễn xuất rất tế nhị. Suy qua bộ mặt và những đồ trang trí, cổ vật có thể thuộc phong cách Chánh Lộ (tượng 14).
tượng 13:
Makara Chánh Lộ
tượng 14:
Makara Đồng Dương
Còn có một hình tượng makara bằng sa thạch, dưới hình thức đầu rồng hay sư tử, mắt lồi, miệng há, răng nhọn, trang trí vòng cổ, tìm ra ở Tháp Mẫm, được liệt vào phong cách Tháp Mẫm, thế kỷ XII-XIII. Thật ra, rất khó sắp tượng nầy vào một niên đại. Đặc biệt của nó là có những điểm tương đồng với những hình tượng Việt-Trung thấy ở các chùa miền bắc, có lẽ bắt nguồn từ những cuộc tiếp xúc các nghệ nhân Chăm với nghệ thuật Việt Nam. Người ta để ý thú vật hiện ra khá trể trong điêu khắc Chăm, chỉ vào thế kỷ XII, như vậy đây không phải là một sáng tác địa phương. Vẫn biết trong cổ vật Champa đã thấy có những đầu quái vật vào thế kỷ VII nhưng những đầu nầy có thể có nguồn gốc Ấn Độ. Tượng nầy có một mẫu gần tương tự cùng nhiều tượng lạ lùng gọi là rồng trưng bày ở viện Bảo tàng Đà Nẵng, một hình tượng đã được đặc biệt phát triển trong ngành chạm trổ Chăm từ một mẫu bên ngoài đem lại (tượng 15). Đem so sánh pho tượng makara nầy với pho tượng rồng hay sư tử Trà Kiệu bằng sa thạch thế kỷ X thì cũng thấy chẳng có khác nhau bao lăm. Mắt lồi, miệng há, răng nhọn, không có sừng, chỉ khác nhau ở vòng đeo cổ và cái vành tròn kirita (tượng 16).
tượng 15:
Makara rồng Tháp Mẫm
tượng 16:

Makara rồng Trà Kiệu
Sư tử còn được trưng bày dưới hai dạng vểnh lên hay gồng mình. Những con thú nầy cũng như voi, chim hay vũ nữ thường được tìm thấy ở chân đền, sắp thành đôi hay bô ba, bộ bốn, lắm lúc bị chôn dưới đất ở độ sâu khác nhau. Một pho tượng bằng sa thạch (31x30x36cm) ở Trà Kiệu, thế kỷ X, trình bày một con sư tử đứng thẳng, chân trái co lên, hai tay dang ngang mặt, miệng há rộng, nanh nhọn hoắt, mắt lồi ra trông rất dễ sợ. Trên thân, một tấm ngực phủ từ vai xuống đùi gối, được chạm trổ bên trên toàn tấm, phía dưới chỉ ở viềng. Đây là một đặc điểm vì trên tượng những sư tử khác loại đứng nầy, chẳng hạn ở Đà Nẵng, tấm ngực được để trống như chưa xong (tượng 17). Một pho tượng khác cũng bằng sa thạch (145x140x40cm) ở Trà Kiệu, thế kỷ X, trình bày một con sư tử hung hăng, bờm phủ lên đầu thành vòng, dưới cổ thành tấm ngực. Miệng há rộng, môi sề vểnh lên để lộ ra những chiếc răng sắc nhọn, nó có những nét tương tự với những quái vật kirtimukha hay kala, một mẫu lành tính, bảo vệ, ngừa bệnh rất được sử dụng ở Trà Kiệu. Đặc biệt nó mang trên lưng một người ngồi trên một tấm thảm, đấu gảy mất, chân mặt xếp lại. Trà Kiệu cũng như Mỹ Sơn, Đồng Dương, Tháp Mẫm là nơi cung cấp nhiều cổ vật nhất cho các viện bảo tàng Đà Nẵng, Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh và, ở Pháp, Toulouse, Guimet (tượng 18). Hai pho tượng sư tử này thuộc bộ sưu tầm ấy.
tượng 17: Sư tử đứng
tượng 18: Sư tử nằm
Vùng Trà Kiệu còn cống hiến những tượng voi. Trong văn hóa Chăm, nếu sư tử tượng trưng cho chủ quyền, voi đại diện cho quả đất, hai nhân vật xen kẻ nhau, từ vùng nam Ấn Độ mà lại. Từ những thế kỷ VII-VIII, chúng đã có mặt ở Mahabalipuram (Tamilnadu), Pattadakal (Karnataka),… Khi qua Trà Kiệu, trang hoàng những chân đèn, tương phản với sư tử luôn hung hăng, dễ sợ, voi có một bộ mặt giản dị, bình thảng. Những mẫu voi khổng lồ mà dịu dàng, với một thái độ hồn nhiên gần như ngây thơ, đi đúng với bản chất hiền lành của voi Á Đông. Hai tai mở rộng hai bên cái vòi cong lại đằng trước như để giữ thăng bằng với một cái đuôi quá dài đằng sau, những mắt cá quá nhỏ biến những bàn chân thành những ống giác bám voi vào đất. Tuy vậy, tài năng của nghệ nhân là thành công gợi lên như thật động tác đu đưa cái vòi và dáng đi chậm chạp của con voi (tượng 19). Có một pho tượng bằng sa thạch (phong cách Mỹ Sơn A1, thế kỷ X) hình dung một người ngồi nhưng lại có một đầu voi: Ganesa. Nhiều sự tích về nguồn gốc, thường kể là được Parvati, phu nhân Siva, thần chế tạo, nhân ngăn không cho Shiva vào nhà, bị thần nầy chặt đầu và trước cơn giận của Parvati đã lấy đầu voi thế vào. Là một vị thần rất bình dân, Ganesa được bổ dụng vào đẳng cấp các nhà nông sudra, nhờ biểu hiện một quyền lực tinh thần, là người làm trung gian giữa con người và thần thánh (tượng 20).
tượng 19: Voi
tượng 20: Ganesa 
Viếng phòng Champ Pa không thể bỏ qua những cổ vật trình bày trong tủ kính, có thể xem là quý. Trước hết phải nói đến hai cái bao linga kosa bằng vàng và bạc. Chữ tiếng sankscrit kosa thấy trong các bài viết, liên hợp với những đồ cúng giàu sang của vua chúa trong lễ nghi Shiva, rất lâu đã đặt câu hỏi cho các nhà nghiên cứu. Trong sách xưa có nói đến một vật bằng bạc mà ánh kim trông tựa mặt trăng. Sau đó, ở nhiều địa điểm khá xa nhau, những văn khắc khoảng các thế kỷ VIII-IX kết hợp kosa với "mặt" chúa tể, thời đó Shiva đang còn được thờ dưới dạng linga. Qua năm 1008 mới thấy có văn bản tả rành mạch hơn: kosa bằng vàng, có nhiều trang trí rất đẹp, lộng lẫy, huy hoàng hơn cả mặt trời, ngày đêm có bức xạ của những viên ngọc chói lọi chiếu sáng, do vua Harivarman thành kính dâng cúng Sricanabhadresvara. Năm 1904 Louis Finot bắt đầu ý thức kosa là một cái bao linga. Nhưng phải đợi qua 1920 cổ vật đầu tiên được ngành khảo cổ phát hiện ra ở Hương Đình, vùng Phan Thiết (Bình Thuận). Trong rất lâu cái bao nầy là độc nhất, được trưng bày ở viện Bảo tàng Hà Nội, như tuồng nay đã bị mất. Sau nầy, nhiều kosa khác được tìm ra, từ Quảng Nam đến Bình Định. Hai cái ở viện Bảo tàng Guimet, gần giống cái bao đã mất. Một cái thứ nhất (14x15x13cm) ekamukhalinga bị hư nhiều, luôn còn là một mẫu chạm trổ tinh vi. Một đầu người cổ rất dài và cong như phọt ra trên mặt bao bằng bạc. Siva hoan hỉ trong hào quang sắc đẹp thiếu niên dưới nguyệt ánh, với con mắt thứ ba trên vầng trán, mang một búi tóc của người tu khổ hạnh. Mọi chi tiết của nét mặt chứng minh nghệ thuật truyền thống Chăm và hướng cổ vật vào phong cách Mỹ Sơn E1, thế kỷ VII (vật thể 21). Cái thứ hai (25x19x25cm), niên đại các thế kỷ VIII-IX, cũng là một ekamukhalinga, nguyên vẹn hơn. Đầu Siva được chạm trổ tinh vi, từ đôi môi, đôi mắt, mí mắt qua râu mép, mớ tóc cái búi những tu sĩ khổ hạnh kết vòng jatamukuta, mọi chi tiết đều được khắc rõ. Búi tóc nầy cuốn thành hình chóp trên đỉnh đầu hiếm thấy có. Cổ vật còn quý ở chỗ nó còn giữ những đồ trang trí: đôi bông tai kundala, vòng tay kirita có hoa trên tai, vòng ngực với viên ngọc đỏ rubi (vật thể 22).
vật thể  21: kosa Hương Đình
vật thể 22: kosa
Trong nghệ thuật Chăm, ngành kim hoàn chiếm một địa vị quan trọng, đặc biệt trong những đồ cúng dâng hiến vào điện thờ. Sinh thục khí nam linga là thể dạng thiêng liêng nhất của Shiva thờ dưới hình thức trừu tượng nguyên gốc dương vật. Cái jatalinga (nếu có khắc họa khuôn mặt Shiva thì gọi mukhalinga) bằng kim loại nầy được thực hiện theo kỹ thuật cổ truyền rập nổi thành chín mảnh riêng biệt rồi cho ráp lại với nhau. Trang trí dưới đế là lá cây điệu hóa, cánh hoa sen ở lớp bọc dưới và lớp bọc trên, trái cây hình cầu ở vòng giữa. Phần trên có chậu rửa tròn quanh (thay vì yoni hình vuông), bên cạnh là rảnh nước chảy, chính giữa vươn lên cột linga phần dưới tám cạnh astara tượng trưng Vishnu, phần trên nắp trùm hình tròn rudrabhaga hay pujamsa biểu hiện Shiva, hình dáng một cái mũ tu sĩ khổ hạnh điệu hóa.Tất cả đều bằng bạc, chỉ có nắp trùm là một hỗn hợp bạc và vàng (vật thể 23). Trong tủ kính cón có một cái bình nước bằng đồng thanh (24x20x17cm), niên đại thế kỷ IX-XI, tìm ra ở Trường Xá (Quảng Trị) trong một vùng đã cống hiến nhiều cổ vật Chăm. Bình nầy, được gọi là kundika bên Ấn Độ, gồm có một cái bụng phình tròn trên một cái đế hình thân nón, cổ loe ra thành miệng để đổ nước vào, bên phía bên có hai miệng nhỏ để đổ nước ra. Bình nước nầy thường được dùng để tẩy uế người chủ lễ trong Hồi giáo cũng như trong Phật giáo (vật thể 24). Nếu cổ bình đã được thấy trong nghệ thuật Khơ me, câu hỏi đã được đặt về hai miệng để đổ nước ra tuy đã thấy có nhiều mẫu tương tự bằng đất nung, sành sứ hay kim loại như hiện vật này.
vật thể 23: Linga
vật thể 24: Bình nước 
Tuy không nhiều bằng cổ vật các nước Á Đông khác, những hiện vật Việt Nam nói chung, Cham Pa nói riêng, ở viện Bảo tàng Guimet như đã thấy là những tác phẩm tiêu biểu một kho tàng văn hóa phong phú của nước ta. Tuy sống lâu năm ở Pháp, tôi luôn theo dõi hoạt động văn hóa bên nước nhà và hân hạnh được nêu tên trong hai cuốn Le Musée de Sculpture Cam de Đà Nẵng (AFAO-EFEO-1997) và Trésors d’art du Vietnam - la sulpture du Champa (Guimet - 2005), xem như là được giới khảo cứu về Cham Pa thừa nhận.
Hoa Chămpa trên đất nước hoa Chămpa
Đêm đêm ngửi mùi hương, mùi hoa sứ nhà nàng
Hương nồng hoa tình ái, đậm đà đây đó gọi tên
Nhà nàng cách gần bên, giàn hoa sứ quanh tường
Nhìn sang trộm nhớ thương thầm, mơ ngày mai lứa đôi.
Hoàng Phương (Hoa sứ nhà nàng)
Trong cuốn "Truyện cổ đất nước hoa Chămpa" có chuyện "Bốn cây hoa chămpa":. Ngày xưa bên Lào có ông lãnh chúa Chun-la-ni mường Piêng-chăn, đem cô gái Khai Cong của ông bạn Thac-khiên-thi mường Khiên-tha-ni về làm vợ kế khi hai vợ chồng ông bạn nây cùng nhân dân trong mường bị một cặp đại bàng quỷ từ trên núi cao xuống ăn thịt hết. Một năm sau, Khai Cong sinh cho lãnh chúa được bốn hoàng tử khôi ngô tuấn tú vào lúc lãnh chúa vắng nhà. Hoàng hậu Ac-khi không có con, căm giận đánh tháo thay bốn con chó con, bỏ bốn đứa trẻ vào một cái chum bịt kín thả trôi sông. Khi trở về, nghe lời hoàng hậu, lãnh chúa nghi ngờ Kham Cong chính là ma quỷ và đuổi nàng xuống làm tôi tớ nuôi lợn. Cái chum không trôi theo dòng sông mà trôi ngược lên đến bờ được vợ chồng lão làm vườn vớt lên thương yêu chăm sóc thành bốn đứa trẻ bụ bẫm xinh đẹp. Khi chúng lên năm, mụ Ac-khi biết được, cho mấy nàng hầu lại đầu độc cho chết đi. Vợ chồng lão làm vườn đem chôn chúng giữa sân thì nơi đó mọc lên bốn cây hoa chămpa rất đẹp. Mụ Ac-khi lại sai mấy nàng hầu lại chặt cây nhưng dao cứ văng ra, mụ đem lính lại bắt vợ chồng ông lão phải tự chặt thì bốn cây tự ngã xuống. Khi thả cây xuống sông thì bốn cây lại trôi ngược dòng đến vùng đất của Đức tiên ông Phaluxita Phay. Dùng đôi mắt lữa, tiên ông thiêu cháy bốn cây, hoá phép thành bốn chàng tráng sĩ đẹp trai tuấn tú. Tiên ông nhận bốn chàng trai làm con nuôi và giữ lại để dạy phép tắc, võ nghệ, sau nầy sẽ đi diệt trừ các loài ác quỷ cứu thiên hạ. Tiên ông đặt tên cho bốn chàng Chămpa Kham (Chămpa vàng), Chămpa Ngân (Chămpa bạc), Chămpa Thong (Chămpa đồng), Chămpa Keo (Chămpa ngọc). đúng như màu hoa chămpa ở nhà ông lão làm vườn.
Sau nhiều năm dạy võ nghệ kiếm cung, thấy các chàng học rất lanh và người nào cũng giỏi, Tiên ông ban cho mỗi người một ná thần rồi giảng giải cho bốn chàng trai biết muốn cứu dân lành, muốn có công bằng xã hội, mình không thể chỉ hiền và tốt mà còn phải có sức mạnh, phải có tài phép... trước cho phép bốn anh em hạ sơn. Về đến mường Piêng-chăn của cha. họ đi tìm cha, mẹ và vợ chồng lão làm vườn. Lãnh chúa Chun-la-ni mắt mở to, mồm há hốc như không tin ở tai và mắt mình nữa. Hối hận, ông đập đầu xuống đất khóc lóc thảm thiết. Mấy hôm sau, mường Piêng-chăn mở ngày hội lớn mừng đón bốn chàng hoàng tử Chămpa trở về, ông lão làm vườn đứng vai chủ lễ. Triều thần quyết xử trảm phơi nắng mụ Ac-khi nhưng bốn chàng trai xin tha cho mụ khỏi tội chết, trở về với cuộc đời dân thường. Trong số bốn vị hoàng tử, anh cả Chămpa Kham được đưa làm phó lãnh chúa giúp đở cha lúc tuổi già yếu, Chămpa Ngân kết duyên với nàng Phatima trở thành phò mã của mường Chămpa, Chămpa Thong kết duyên với nàng Cay Son làm phò mã mường Cut-xi-xat-ta-nat. Còn hoàng tử út Chămpa Keo thì về mường Khiên-tha-ni quê hương mẹ dể diệt trừ yêu quái. Chàng dùng nỏ thần bắn chết hai con chim đại bàng, nhưng lấy ân báo oán chàng cho chim sống lại buộc từ nay không được ăn thịt người. Tuy nhiên, hai con chim thấy đã gieo nhiều tội ác với nhân loại nên không cón muốn sống nữa và truớc khi gục đầu xuống chết, trao tặng cho hoàng tử hai viên ngọc quý, ngậm vào có thể bay được, có thể nhìn xuyên thấu từ nơi này sang nơi nọ. Nhân dân mường Khiên-tha-ni cảm kích công trời biển cứu muôn dân sống lại của hoàng tử, tỏ lòng chàng làm người kế vị duy nhất lãnh chúa Thac-khiên-thi đã quá già yếu.
Như tác giả Hoài Nguyên đã giải thích trong bài tựa cuốn "Truyện cổ đất nước hoa Champa" (Nxb Thuận Hóa,1997), chủ đề tư tưởng của cốt truyện xoay quanh cái Thiện và Ác, cái Nhân và Quả, ở Hiền gặp Lành, ở Ác gặp Họa và cái Thiện bao giờ cũng thắng cái Ác, vì đó cũng chính là những điều Giáo lý của Đức Phật vừa là bản chất, tâm tu tình cảm của nhân dân lao động Lào. Không phải tình cờ mà bốn cây trong truyện mang tên cây hoa chămpa, trùng tên với vương quốc trước kia ở miền nam Việt Nam. Kể từ thế kỷ thứ 18, khu vực Wat Phou vương quốc Chămpa trở thành tiểu vương quốc Champasak (1713-1946) mang trong tên một quá khứ Chămpa. Tại quốc gia Lào, hoa chămpa được gọi là dok champa, tức là cây hoa sứ hay cây hoa đại bên ta. Với mùi hương thanh khiết, màu sắc thanh nhã, hoa chămpa rất được phổ biến và trở nên biểu tượng cho xứ Triệu Voi, thể hiện trên huy hiệu mang trên áo thanh niên thiếu nữ. Cũng như hoa mang tên Sacuanjoche là biểu tượng cho xứ Nicaragua. Hương hoa chămpa lan tỏa rất xa, nhất là dưới ánh trăng huyền ảo một đêm khí trời ấm áp. Phụ nữ Lào thích trang trí với một hay nhiều hoa chămpa trên mái tóc, người đã đẹp lại càng thêm hấp dẫn. Làm sao không rung động được hôm tiếp tân ở Luang Prabang, dưới ánh trăng vằng vặt, trong bầu nhạc chămpa dịu dàng du dương, một cô gái Lào, má hồng môi thắm, đẹp như tiên nữ, mái tóc ngào ngạt hương thơm chămpa ngồi xếp bằng sít trước mặt, miệng nhoẻn một nụ cưới duyên dáng, nắm tay mình, và nhẹ nhàng cẩn thận cho cuốn vào cổ tay những sợi chỉ baci để chào mừng khách quý đồng thời cầu mong phúc lành với lời dặn dò giữ gìn sợi chỉ baci thật lâu cho phúc lành kéo dài! Bay bổng lên chín tầng mây, khách chỉ biết thả hồn theo gió, tận hưởng những phút thần tiên ít có trong đời.
Vào thế kỷ XV, một nhà quý phái người Ý, ba tước Pompeo Frangipani, chế tạo một nước hoa mùi quả hạnh để tẩm thơm da dùng làm găng tay. Ông thợ làm bánh của ông lấy chất thơm ấy ướp hương kem sau nầy mang tên "kem frangipan" và chất thơm mang danh frangipan. Khoảng cuối thế kỷ XVII, nhân đi ngang qua Caraïbes giữa Trung và Nam Mỹ, nhà thực vật học Pháp Charles Plumier (1646-1706), người đã từng ngang dọc Tân thế giới, khảo sát và vẽ một cây có hoa thơm ngọt ngào tương tự chất frangipan nên cây được gọi frangipanier. Cuộc trùng phùng chỉ có chừng ấy. Nguồn gốc Trung Mỹ, cây được đặt tên khoa học Plumeria, vinh danh nhà thực vật học Pháp Charles Plumier, thuộc họ Trúc đào Apocynaceae, ta gọi cây sứ. Tùy theo loài, nó được phân chia theo nhiều tên khoa học:
- P.obtusifolia hay P.acuminata, nguồn gốc Mehico, là cây sứ hoa trắng, thân mập, cong queo, xù xì, cao 2-3 đến 7-8m; vỏ xốp màu trắng xám, xốp; lá thuôn dài, rộng ở giữa và hẹp lại ở hai đầu, màu xanh bóng, nhẵn, xếp sát nhau thành vòng ở ngọn cành, khi rụng để lại sẹo ở càng; hoa lớn 5cm, mọc thành cụm trên một cuống chung, cuống hoa mập dài 30-50cm, cánh hoa dày, mập, màu trắng, trung tâm vàng, mùi thơm, nở quanh năm; quả ít thấy, dài 19-15cm. Cây trồng bằng giâm cành vào mùa mưa, mọc khỏe, có rễ. Nhờ dáng đẹp, hoa thơm, cây hay được trồng làm cảnh quanh đền chùa và các công viên. Chủng trồng P. acuminata var. tricolor hoa trắng, mép hồng và trung tâm vàng. P. hypoleuca là cây sứ hoa vàng, tương sự cây hoa trắng nhưng cánh hoa màu vàng đậm.
- Gs Phạm Hoàng Hộ dành tên khoa học P.rubra cho các cây sứ cùi hay cây đại là cây sứ hoa đỏ, thấp hơn loài hoa trắng, cành chia nhiều nhánh, xoè thành tầng thấp; lá thuông dài 20-40cm, thon, nhọn ở đỉnh, xanh bóng, không lông, phiến to, xếp sát nhau ở đầu cành, rụng vào mùa khô; hoa 5-7cm mọc thành cụm ỏ đầu cành trên một cuống chung, cánh hoa đỏ dày; nguồn gốc Mehico, Equador hay Guyane, được thuần hóa ở Nam California. Nó được gọi ‘‘cây sứ cùi" vì khi rụng lá, cành cây giống những ngón tay người bị bệnh cùi (tức bệnh phong hủi) tương tự ngưòi Úc gọi nó là ‘‘cây ngón tay người chết". Thời nhà Nguyễn nó được trồng trong cung điện, đền đài, lăng tẩm, am thờ làm tăng nét cổ kính. Có khi cây đại thụ quá già qua thời gian không chịu đựng được gió bảo buộc phải được chống đở hoặc bằng thân cây hoặc bàng cột sắt làm mất vẻ uy nghiêm, mỹ miều. Ngày nay cây được phổ biến trồng trong các công viên, vườn tược trước khi trở thành cây cảnh dưới nhiều dạng được hóa chủng, có khi thành bonzai trong chậu. Những dạng thường gặp: P.rubra, hoa hường, thường có tâm vàng; P.lutea, vàng, có khi trộn với hường; P.acutifolia, trắng, tâm vàng, có khi trộn với hường; P.tricolor, trắng, bìa hường, tâm vàng. P.alba là cây đại trắng, nhánh mập; lá rộng 1-4cm, phiến thon hẹp hay dài thon, mặt dưới có lông, bìa uống xuống khi khô; hoa có cọng xanh xanh, đài có răng 1,4mm, màu trắng, tâm vàng nghệ. P.obtusa được gọi là cây đại lá tà, lớn hơn hai loài trên; lá cũng to hơn, phiến dài đến 30cm, rộng 10cm, gân trăng trắng, cách bìa 5mm; hoa to, có cọng dài 30-60cm, thơm, màu trắng, tâm vàng, rộng 4-6cm.
Cùng họ Trúc đào Apocynaceae có cây Adenum obesum bên ta gọi cây sứ thái hay sứ sa mạc, tương đối thấp, trồng trong chậu, thoa màu đỏ tươi, có thể uốn tạo thành cây cảnh. Còn có hai cây ngọc lan, tên khoa học ngọc lan trắng Michelia alba vàngọc lan vàng Michelia champaca, họ Mộc lan Magnoliaceae, cây rất cao, hoa thơm không kém hoa chămpa, cùng mang tên champaca, cũng được gọi cây sứ bên ta. Xin đừng lầm với cây ngọc lan rừng còn được gọi ngọc lan tây tức ngọc lan ylang ylang hay hoàng lan Cananga odorata họ Annonaceae vì hoa nó cũng rất thơm. Ở các nước láng diềng của ta cây Plumeria có những tên phổ biến: kamboja ở Indonesia, kalachuchi ở Philipin, chapha ở Ấn Độ, araliya ở Sri Lanka, kê đàn hoa, đàn hoàng hoa ở Trung Quốc,... Người Ấn Độ thường tin trưởng nó là bất tử vì chặt đi nó vẫn ra hoa ra lá, ngay cả khi bị nhổ đi! Người ta trồng cây sứ cốt yếu là để được thụ hưởng huơng thơm của hoa. Không phải tình cờ mà cây được thấy trong sân chùa, đền miếu và lắm khi nghĩa địa. Hoa thường được dùng để trang hoàng bàn thờ Phật. Ở nhiều nước, nhất là ở các đảo Thái Bình Dương, hoa được kết thành vòng đội trên đầu các cô hay quanh vào cổ khách, đặc biệt các khách du lịch. Phụ nữ Indonesia dùng hoa cài trên tai để làm tín hiệu cho phái nam nhi: bên tai mặt là chưa hứa... Hương thơm ngào ngạt năng mùi nên không những ở nước ta mà còn ở các nước lân cận, dân gian tin tưởng cây là nơi trú ngụ của các loài ma. Truyền thống dân gian Mã Lai đặt tên ma là pontianak. Tôi nhớ hồi nhỏ, vào những năm thập niên 40, trong sân trước nhà ông Hoành anh tôi thuê ở Vĩnh Điện, tỉnh lỵ Quảng Nam, có cây ngọc lan hoa trắng rất đẹp và mùi hương lan tỏa rộng đến nổi người trong thị trấn đồn là trên cây có ma ở, nhất là nghe nói ông Hoành đã treo cổ tự tử ngay sau lầu ! Vào đêm những hôm trăng sáng, một ngọn gió thoảng lung lay lá cây các cành là đủ để gây trong đầu óc đứa trẻ hình dáng một cô gái áo dài trăng tinh nhởn nhơ khêu gợi... Trong những đêm nầy, người tinh mắt và chịu khó có thể tìm ra trên cây, không phải một bóng ma, mà một con sâu giả rắn là ấu trùng của con Deilephila elpenor, bướm đêm nhân sư Asella (Sphinx asella) thuộc họ Sphingidae. Trong quá trình nỗ lực tìm mật hoa, mặc dầu loại Plumeria không có mật, nhưng có sắc, có hương, bướm vô tình chưyển phấn hoa từ hoa nầy sang hoa khác từ đấy thụ phấn cho cây, chứng minh hoa đã nổ lực để bảo vệ nòi giống, từ đấy nói lên kỹ thuật khéo léo của Tạo hóa.
Phần lớn các Plumeria đều được khảo cứu về mặt thành phần hóa học và tính chất dược lý. Tinh dầu chiết xuất từ hoa chứa đựng những thành phần bốc hơi (citronellol, farnesol, geraniol, bornesitol, linalol, phenyl-ethyl alcohol) và những flavonoid (kaempferol,kaempferol-glycoside, quercetin, quercetin-glycoside.., quercitrin, rutin...).Trong vỏ thân có beta-sitosterol, iridoid như fulvoplumierin, allamcin và allamandin, p-benzoquinon, lignan loại liriodendrin, agoniadin... Iridoid (P.rubra) có hoạt tính tiêu diệt tế bào ung thư lymphocytic leukemia trên chuột, fibrosarcoma, melanoma trên người (J.Nat.Prod.1990). Đặc biệt, chất kháng sinh funvoplumierin chiết ra từ hoa có tác dụng ngăn cản sự tăng sinh của một số vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis (Experimentia 1952). Fulvoplumierin cũng có khả năng ức chế men reverse transcriptase của siêu vi HIV-1 trên người (J.Nat. Prod.1991). Chiết từ rễ cây, ngoài beta-dihydroplumericic acid, beta-dihydroplumericin, còn có isoplumricin, plumericin. Cả hai chất plumericin có khả năng tiêu diệt nhuyễn thể, vi trùng (J.Ethnopharm.1991). Nhựa chứa acetyl lupeol, alpha và beta-amyrin, cerotic acid, lupeol, lupeol acetat, oxymethyl-dioxycinnamic acid, plumieric acid.. Ngoài môt ít pectin, lá tươi cây P.acuminata chứa stigmastenol, lupeol arboxylic acid và ursolic acid có tác dụng chống đột biến, làm giảm số lượng các tế bào MPCE (micronuckeated polychromatic erythrocytes) trên chuột (Mut.Res.1996). Vỏ, rễ và lá chứa đựng glucozid là một chất đắng không mùi gọi là plumierid, không có trong hoa. Vỏ thân và vỏ rễ hơi có độc, vị đắng, tính mát. Thành phần chủ yếu trong nhựa mủ là plumeric acid. Một công trình khảo cứu ở Ấn Độ chứng minh hoa và lá được dùng để chữa bá bệnh nhờ ở tính chất phản oxy hóa (P.rubra).
Theo Đông y, hoa sứ có vị ngọt, tính bình, có các tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, nhuận tràng, bổ phổi, dùng làm thuốc chữa ho, viêm ruột, lỵ, gan, phế quản, phòng say nóng, trị chứng khó tiêu, kém hấp thu ở trẻ em, chữa bệnh huyết hữu, cao huyết áp dưới dạng thuốc sắc. Lá có tác dụng hành huyết tiêu viêm, rửa sạch, giã nhuyễn, thêm vào chút muối và đắp vào những nơi sai khớp, bong gân, mụn nhọt (P.rubra). Cũng có thế hơ lá lên lửa cho héo và đắp phía ngoài rồi cố định bằng băng hoặc vải sạch. Vỏ có vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, tả hạ, tiêu thủng, sát trùng, điệu kinh, trị nóng nhiệt. Vỏ cây cũng được dùng trị bệnh hoa liểu (P. acuminata). Vỏ rễ trị bệnh lậu, bệnh loét đường sinh dục. Vỏ thân và vỏ rễ dùng dưới dạng thuốc sắc có tác dụng tẩy mạnh, tháo nước, dùng trong trường hợp thũng nước, chữa táo bón (thay thế cho đại hoàng). Vỏ cây có thể chế thành cao dùng với liều lượng nhỏ và tăng dần. Chữa chân răng sưng đau, ngậm vỏ rễ ngâm rượu. Nhựa mũ của thân chữa mụn cốc, chai chân, sưng tấy, mụt nhọt, dùng dưới dạng nhũ dịch, còn được bôi ngoài để chữa chai chân và vết loét viêm tấy. Hạt dùng để cầm máu (P.alba). Dầu chiết xuất từ hoa nhờ hương thơm được dùng trong mỹ phẩm, để làm chất khử mùi, khử trùng. Dầu sứ là một chất thuốc chống sán, giun đủa. Nhờ những hiệu lực bổ phổi, làm dịu, nó được dùng chống những chứng viêm phổi, phế quản. Dầu sứ cũng đuợc bôi lên thuốc đắp vào hạch bẹn.
Hoa gì đây nhỉ?
Hoa chămpa tế nhị, thơm tho, trên mái tóc cô gái Lào dịu hiền, thôn dã, phản ảnh một nét đẹp giản dị, đồng quê. Dân Lào không được biết là người hiếu chiến, có người cho năm cánh của hoa thể hiện sự đoàn kết với năm nước láng giềng. Những hôm viếng thăm đất nước "Triệu Voi", dạo chơi ở Luang Prabang, lững thững trong sân chùa Vat Xieng Thong yên tĩnh trên bờ Me Kong, ngào ngạt thương thơm hoa chămpa, ngắm nhìn các chú tiểu hồn nhiên nắm tay nhau tươi cười trong bóng mát, khách cảm thấy đắm mình trong một bầu hòa bình, hạnh phúc. Cũng như hôm ăn trưa trong một tiệm trên bờ sông Nam Khan êm đềm nước chảy, bà chủ tiệm cùng bạn bè tự động hiến khách những điệu tình ca dân dã, tuy không hiểu lời, khách cũng sẵn sàng chia sẻ lối sống bình dân vui tươi của người dân " đất nước hoa chămpa". Mang trong lòng một tâm hồn chất phát, thật thà, chắc chắn họ là những người vời vợi tình cảm, dạt dào tình thương. Trong bầu nhạc sống nồng nhiệt, một người bạn đồng hành người Pháp thỏ thẻ cùng tôi : về Pháp, mình phải xét lại lối sống bên phương trời Tây!
Hương chămpa thơm lừng trong gió
Gởi đến em, người con gái ta thương
Một góc tình yêu vàng như màu nắng
Mãi thơm trong tựa cánh hoa rừng...
Hansy (Gởi hương)
Có một mùa hoa chămpa
Em cùng anh tự tình bên suối
Màu hoa vàng nhuộm mắt ai đắm đuối
Ðể hương thơm theo mãi suốt đời...
Bun Ni (Có một mùa hoa)
Hai di tích chăm 
ở Thừa Thiên Huế
Bóng tà dừng ngựa đứng,
Man mác nổi hưng vong.
Ngô Thế Lân
Ai về Việt Nam đi xe hơi từ Nam ra Bắc chắc thế nào trên đường cũng đã dừng chân xem những tháp Chăm đẹp Pô Klong Garai-Đồi Trầu ở Phan Rang, Pô Nagar-Tháp Bà ở Nha Trang, Bánh Ít-Tháp Bạc, Hưng Thạnh-Tháp Đôi ở Quy Nhơn không xa bao lăm quốc lộ 1. Nếu chịu khó đi xa thì có thể  viếng những tháp ít được biết hơn: Pô Dam-Pô Tầm, Pô Sanư-Phú Hài ở Bình Thuận; Hòa Lai-Tháp Khơ me, Pô Rômê ở Ninh Thuận; Tháp Nhạn-Con Gái ở Phú Yên; Cánh Tiên-Đồ Bàn, Bình Lâm-Thị Nại, Dương Long-Tháp Ngà, Phước Lộc-Tháp Vàng, Thốc Lốc-Tháp Cao Mên, Thủ Thiện-Tháp Đồng ở Bình Định,... Ra đến Quảng Nam thì không thể bỏ qua thánh địa Mỹ Sơn, điêu tàn nhưng còn giữ nét hùng vĩ của một thời xưa rực rỡ, cùng những tháp Bằng An độc nhất tám cạnh, Chiên Đàn, Khương Mỹ theo kiểu ba ngôi tháp song hành lập nên một phức thể. Rồi xe vượt đèo Hải Vân tiến vào địa phận Thừa Thiên-Huế.
Vùng đất Thuận và Hóa nầy được nhập vào Đại Việt sau lễ cưới công chúa Huyền Trân với vua Chế Mân năm 1306. Trước đó người Chăm đã sống ở đây và để lại nhiều di tích. Từ đầu thế kỷ 20, những người Pháp đầu tiên đã chịu khó đi tìm và kê khai một số hình tượng ngay ở Huế và ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền. Bên cạnh những mảnh tượng, mảnh bia bằng đá, những khám thờ bằng gạch,... đáng để ý nhất là những di tích tìm ra ở làng Mỹ Xuyên: một trán cửa mang danh Đản sinh Brahma từ rốn Vishnu nằm trên con rắn Ananta bảy đầu (2) tương tự như phù điêu của viện Bào tàng Chăm ở Đà Nẵng từng được trưng bày ở viện Bảo tàng Á đông Guimet trong khuôn khổ cuộc Triển lãm Điêu khắc Champa ; một tượng gọi là Bà Lồi hình dung một phụ nữ có tám tay mà hai tay dưới nắm một cái vỏ ốc biển shanka và một cái vòng mặt trời cakra (1), có thể là Visnu dưới hình thể Mohini. Những di tích nầy đã được lấy đem vào các viện bảo tàng. Năm nay, nhân chuyến về thăm quê, tôi may mắn được dẫn đi xem một di tích còn được thờ cúng tại chỗ ở chùa Ưu Điềm, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, nói trạnh từ danh từ Ưu Đàm, có lẽ từ tên hoa Ưu đàm bát la Udumbara mà ra. Tục truyền hoa nấy rất quý, mấy ngàn năm mới xuất hiện một lần, mà Dương Văn An trong Ô Châu Cận Lục đã có nhắc tới: Am Ưu Đàm nở nhiều hoa Bát la. Chùa còn mang tên Chùa Bà Lồi vì bên hông chùa có thờ một tượng bằng sa thạch thếp vàng gọi là Bà Lồi hay Bà Phật Lồi, có liên quan gì với bức tượng đã được phát hiện trước đây một thế kỷ (1)?
Sân chùa Ưu Đàm
Từ Huế, muốn đi Ưu Điềm, phải lấy quốc lộ số 1 ra hướng bắc. Khoảng bốn mươi cây số, ngang làng Mỹ Chánh, giữa Phò Thạch và Quảng Trị, trước khi gặp chiếc cầu bắc qua sông Ô Lâu làm biên giới cho hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị, lấy một con đuờng nhỏ nhưng tráng nhựa tốt bên tay mặt. Quá làng Mỹ Chánh, xe vượt qua làng Phước Tích trước đây có tiếng về đồ gốm, nay còn được lưu truyền nhờ những nhà rường cổ truyền, rồi cái làng nhỏ Phú Xuân. Xe chạy tiếp dọc theo sông Ô Lâu được đề cao qua những trận đánh trong cuộc chiến vừa qua, băng qua làng Mỹ Xuyên chuyên chạm đồ gỗ và cũng là nơi những năm gần đây đã có khai quật nhiều di tích Chăm. Đối với tôi, Mỹ Xuyên, làng cạnh Mỹ Cang là nơi tôi đã sống cả một thời tuổi trẻ nên khi nhìn lại cảnh cũ đường xưa không sao tránh được chút bùi ngùi, thương nhớ... Rồi xe đáp vào địa phận làng Ưu Điềm nhắc tôi lại những năm cách mạng, tuy còn ít tuổi, quần đùi áo cụt, đầu trần chân không, tay mang dao ngắn, cũng hung hăng cùng dân làng đi cướp chính quyền ở huyện lỵ, hân hoan sống những ngày lịch sử hào hùng mà sau nầy kể lại, biết bao bạn bè, nhất là ngoại quốc, thèm thuồng vì mấy ai được trực tiếp dự kiến mà chỉ biết sự kiện qua sách vở, báo chí.
Trán cửa Chăm
Trán cửa Chăm được thờ bên cạnh chùa Ưu Đàm, trong một khuôn viên nhỏ, đủ để vài người vào được gần, không biết được dựng lên từ bao giờ. Bao quanh hai bên bệ thờ là một linga và những mãnh cột hình tròn hay tám cạnh. Trên bệ có một bình đựng hoa, một dĩa đựng hoa quả và một lư hương chứng minh vẫn luôn còn sự thờ cúng. Trán cửa này đã được Henri Parmentier kê khai từ đầu thế kỷ XX (2) nhưng đến gần đây không ai biết nó nằm ở đâu (8). Đây là một kiệt tác nghệ thuật và là tác phẩm duy nhất được biết trong nền điêu khắc Champa thể hiện, theo giải thích của nhà khảo cứu Trần Kỳ Phương (5), đề tài lễ rước cưới Siva-Parvati về ngọn núi thiêng Kailasa. Hình chữ U lật ngược, rộng hơn 1m, bề cao ngắn hơn chút ít, trán cửa đang còn tốt, không sứt nẻ, chỉ có ít nhiều rêu phong đóng lên nền sơn xanh đã phai màu. Đứng giữa và choáng phần lớn bề mặt trán cửa là con bò thần trắng Nandin tiêu biểu cho quyền lực thế gian và cho sự sinh con, đặc biệt không đeo vòng kiền của những vật cưỡi vahana như thường thấy. Trên lưng bò thần, ngồi ngay sau bướu, hai chân hai bên, một chân duỗi thẳng, chân kia co lại là thần sáng tạo Siva chỉ có hai tay; ngồi sau hai chân một bên là shakti phu nhân, thần Uma, một tên khác của thần Parvati, nét mặt dịu dàng, có vẻ e thẹn của nàng dâu. Siva mặc một cái áo sampot, đội trên đầu một cái mủ che tóc jatamukuta, mang những khuyên tai khá lớn, ba vòng kiền trên cổ, nhiều vòng trên cánh tay và trên mắt cá, tay trái đặt trên đùi, tay mặt cầm một cái vòng có thể là một tràng hạt. Bên phần Uma thì đội mũ tương tự, mặc áo sarong kép, có hai thắt lưng, cũng đeo những khuyên tai lớn, một vòng kiền trên cổ, nhiều vòng trên cánh tay và mắt cá, tay trái dài duỗi xuống dưới như ở những vũ nữ Trà Kiệu, tay mặt co lên dưới vú. Trong đạo Bà la môn ở Champa, nhánh thờ Siva luôn có ưu thế thì Siva và Uma chiếm phần chính trán cửa là chuyện dễ hiểu, tuy cũng có những di tích như ở Thủy Triệu thì Vishnu lại là nhân vật chính (2).
Siva và Parvati
Brahma
Quanh Siva và Uma còn có bốn nhân vật. Ở trên, bên trái là thần Brahma, vị chủ hôn (6), chỉ thấy ba mặt, đầu đội mủ mukuta, mang khuyên tai, nhiều vòng trên cổ tay và mắt cá, mặc áo sampot có thắt lưng lớn, hai tay chắp trên ngực, ngồi xếp bàn theo tư thế virasana trên một tòa sen có cành dài như trong hình tượng đản sinh Brahma từ rốn Vishnu. Cũng ở trên, bên mặt là thần cứu nhân độ thế Visnu đầu đội mủ mukuta, mang khuyên tai, vòng ngọc, thắt lưng lớn, hai tay trước chắp trước ngực, hai tay sau giơ cao lên, tay trái cầm một cái vỏ ốc biển shanka, tay mặt một vật khó xác định trong số chín biểu hiệu của Ngài. Ngài ngồi trên vai thần điểu Garuda, hai cánh dan rộng, hai tay nắm quanh hai chân Ngài. Ở dưới, bên trái, dưới thần Brahma đứng một đạo sư không râu, miệng rộng như cười, đội mủ mukuta, mặc áo sampot, tay trái buông thỏng, tay mặt cầm một cái trượng dài (risi Bhrigu, người hầu cận Siva ?). Cũng ở dưới, bên mặt, dưới thần Visnu là thần chiến tranh Skanda trẻ tuổi, con của Siva, sức mạnh vô song, đầu đội mủ mukuta khác các mủ kia, cũng có mang khuyên tai, vòng ngọc, cưỡi một con công Paravani có mào lông, tay mặt ôm chim, tay trái cầm một lưỡi tầm sét vajra hay vũ khí bumerang. Tất cả các nhân vật quan trọng của đạo Bà la môn nầy được sắp đặt rất cân đối trên trán cửa. Những đặc điểm nghệ thuật như y phục với kiểu thức sampot có vạt hình tam giác, các kiểu đồ trang sức, thủ pháp tạo hình nhân vật,... là những đặc trưng của giai đoạn muộn hay giai đoạn kéo dài trong phong cách Mỹ Sơn E1, khoảng cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X (5). Rất có thể trán cửa nầy trang điểm một tháp Chăm trước đây đã được xây ngay tại chỗ chùa Ưu Đàm như chùa Thiên Mụ đã được xây trên nền móng một ngôi chùa cũ và ngôi chùa cũ nầy cũng đã chiếm chỗ một ngôi tháp Chăm. Giả thuyết nầy dựa lên những trán cửa khác nhỏ hơn và bị bẻ gãy cùng những đố dọc cửa tháp hình tròn hay tám cạnh và những mảnh gạch rải rác quanh chùa (2).
Vishnu và Garuda 
Skanda và Paravani
Những ai không có phương tiện đi xa, ngay tại Huế cũng xem được một di tích rất đẹp ở viện Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên trong Thành nội. Người ta chưa biết rõ niên đại đế chóp (3) (có người cho là bệ thờ) Văn Trạch Hòa hiện được trưng bày ở đấy (3). Câu hỏi đã được đặt ra là đế chóp ấy có dính dáng gì đến văn khắc Nhan Biều (phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) được xác đựng vào thế kỷ 1X(4) vì nó đã được tình cờ khám phá năm 1991 ở làng Phong Thu chỉ cách huyện Phong Điền có 28 km, sau đó được chở về Phòng Văn hóa huyện trước khi đưa vào Huế năm 1998. Có một cấu trúc đặc thù, đế chóp nầy lại mang một số hình tượng thờ cúng biểu đạt truyền thống balipitha Ấn Độ, nơi dâng cúng thức ăn cho các vị thần dikpala(5)Bên Ấn Độ, thường những đế chóp loại nầy gồm có nhiều tầng và các thần dikpala được sắp vào ở tầng dưới. Đế chóp Văn Trạch Hòa cũng gồm có hai tầng vuông vắn, các dikpala cũng được sắp ở tầng dưới và ở các góc bệ, ngồi trên hoa sen theo tư thế padmasana, dễ nhận diện qua những biểu hiệu trên mình và vật mình cưỡi vahana. Giữa các bậc, trong những hóc nhỏ được đặt nhiều hình tượng nữ giới không cá biệt loại yaksi hay dvarapalika xen lẫn với những con ngỗng hamsa chống đở thế giới các thần. Ở các góc đế còn có những tượng người hộ vệ, người cầu kinh. Quan trọng hơn là hình tượng những con sư tử, dựa vào các vật cưỡi vahana, không đối xứng, những con vật thường gặp ở các bệ tháp Chăm như ở Mỹ Sơn hay Tháp Mắm. Dù sao, những nhân vật trên đế chóp đã được đem so sánh với những hình tượng các tháp Chăm khác, nhờ đó đã được xác nhận và trái lại những hiện vật ở các tháp Chăm khác như ở Mỹ Sơn cũng đã nhờ những nhân vật ở đây để được biết rõ.
Những nhân vật chính phần dưới đế chóp là tám vị Hộ thế Bát phương thiên astadikpala. Ở mặt đông là thần Sấm sét-Lôi thiên Indra ngồi theo tư thế rajalilasana trên con voi Airavata đang đi, tay mặt cầm kim cương trượng vajra. Đằng sau ngồi đối xứng trên hoa sen hai nhân vật tay chấp trước ngực, một đầu gối gập lên. Ở mặt tây, Thủy thiên Varuna, thần sông biển, tay nắm một cái giây pasha, cũng một đầu gối gập lên, ngồi trên lưng con ngỗng hamsa dan hai cánh như cùng chở cả hai người cầu kinh. Ở mặt nam đế chóp, cạnh một người cầu kinh là thần Diêm vương Yama, ngồi trên lưng một con trâu, phía trên bị hư nhiều, tay cầm gậy danda các quan tòa. Ở mặt bắc, cách xếp đặt thành hai tầng có phần khác ba mặt kia. Phần trên, ngồi trên hoa sen, giữa hai người cầu kinh, là Thần tài lộc Kuvera, thủ lĩnh bọn quỷ sứ raksasa, cũng có một đầu gối gập lên, tay cầm một cái gì tương tự như một búp sen, đặc biệt không có vật cưỡi vahana. Phần dưới, nơi dành cho vahana ở các mặt khác, lại có thêm một Kuvera ngồi trên mặt một con kala dữ tợn giống như ở Đồng Dương, giữa hai nhà tu khổ hạnh risi đang cầu khấn tương tự những người cầu kinh các mặt kia. Ở góc đông-nam, thần Hỏa thiên Agni ngồi trên lưng một con tê ngưu đặc thù của Champa và Campuchia. Ở gốc đông bắc, thần Đại tự tại thiên Isana, một dạng tối cao của Siva, ngồi theo thế rajalilasana trên một con bò, tay cầm một cái đinh ba trisula, cạnh một người cầu kinh. Ở góc tây-nam, chỉ còn một nhân vật quì gối, hai tay giơ lên, có thể là thần La sát thiên Nirriti, chiếm chỗ vahana là một á thần yaksa. Ở góc tây-bắc, thần Phong gió Vayu cũng ngồi trên lưng một con ngựa, thay vì một con linh dương, tay cầm một một cây phướn dhvaja, trước hai người cầu kinh chen nhau trong một không gian tương đối chật hẹp.
Mặt đông đế chóp
Mặt tây đế chóp
Khảo sát phần trên đế chóp, ở bốn mặt có bốn vị đại thần đạo Hindu ngồi trong bốn hốc tường, xung quanh có hình hoa nội tiếp trong một khung vuông. Ở mặt đông là thần Siva có búi tóc những nhà tu hành khổ hạnh, một tay cầm một cái đinh ba trisula, tay kia một cái đuổi ruồi. Ở mặt tây là một vị thần có vẻ giận dữ, một tay cầm một cái gì giống như một đầu lâu, tay kia một cái trống con, có thể là thần Đại thiên Mahadeva, cũng có thể là một dạng kinh khủng của thần Siva là Rudra hay Bhaivara. Ở mặt nam, thần Brahma dễ nhận diện với bốn đầu nhưng chỉ thấy có ba. Ở mặt bắc, thần Vishnu có bốn tay cầm một cái chùy gada, một cái vỏ sò shanka, một trái đất bhami và một cái dĩa cakra. Nhờ những biểu hiệu trên mình hay mang trong tay, nhờ các vật cưỡi vahana, các nhà khảo cứu đã xác định được cá tính ít nhất của ba trong tám các dikpala trên bệ thờ. Tuy nhiên, họ chưa biết được tường tận bản chất và vị trí ít nhất của hai vị thần phía đông và phía tây trong công trình. Khảo sát những hình tượng tương tự ở Java, họ thấy khó gắn liền chúng với một truyền thống nầy hay một truyền thống khác. Một điều chắc chắn là phong cách và vị trí của chúng đã chứng minh rõ ràng ảnh hưởng hàm súc nghệ thuật Java lên nghệ thuật Champa thế kỷ X(7). Mặt khác, dựa lên phong cách thể hiện như thân hình mập mạp, mặt người thô nặng, khuôn mặt bầu bĩnh, đôi môi dày, râu mép ngắn, mái tóc xoắn, đôi mắt mở lớn có con ngươi, hàng lông mày rậm nối liền nhau, đằng kia kiểu thức văn hoa xoắn xít, thủ pháp điêu khắc hình khối mạnh mẽ, tả thực,...là những đặc điểm một tác phẩm có niên đại đầu thế kỷ X, thuộc giai đoạn muộn phong cách Đồng Dương (7).
Mặt nam đế chóp
Mặt bắc đế chóp
Như vậy, đế chóp Văn Trạch Hòa đã góp công vào việc học hỏi những dikpala, trở nên một yếu tố chủ yếu khảo cứu về những thiết bị thờ cúng. Trong cuộc Triển lãm "Điêu khắc Champa" ở Paris (7), một góc lớn đã dành cho những dikpala mà ban tổ chức đã chịu khó đi lượm lặt khắp nơi ở Việt Nam để trưng bày vào một chỗ. Thành thử, dù gián tiếp và chỉ trong tinh thần, đế chóp Văn Trạch Hòa, xuất phát từ Phong Điền, đã hiện diện ở kinh đô ánh sáng, góp phần làm lan tỏa nghệ thuật Chăm và trở thành đề tài khảo cứu cho những thế hệ mới. Cách đây năm năm, tôi và nhà tôi đi khắp miền Nam, từ Quảng Nam đến Bình Thuận, viếng thăm hầu hết những di tích Champa đã được kê khai. Gần đây, theo học ở Paris những lớp dạy về nghệ thuật Chăm do Hội Những người Bạn Viễn Đông AFAO tổ chức, theo dõi cuôc hội thảo "10 năm thành lập hội SACHA" khảo cứu về Champa cổ (14-15.10.2005) ở Viện Bảo tàng Cernuschi, tham dự ngày Văn minh Chăm nhân 100 năm phát hiện và nghiên cứu (07.12.2005) cùng cuôc triển lãm "Điêu khắc Champa" (10.10.2005 - 09.01.2006) tại Viện Bảo tàng Nghệ thuật Á Đông Guimet, vốn nhạy cảm với văn hóa Việt Nam, chúng tôi thấy cần phải tìm hiểu sâu rộng hơn về nghệ thuật Champa. Riêng tôi tuy sống cả thời tuổi trẻ ở làng Mỹ Cang, huyện Phong Điền, tôi không khi nào để ý đến các di tích Chăm hiếm quý đầy dẫy trong vùng đã và đang được khai quật. May mắn thường hay đến với những ai khích động nó : về thăm quê năm 2005, tôi được gặp bạn anh đồng hương Nguyễn Thế, nhân viên văn hóa huyện Phong Điền. Anh đưa tôi đi xem và giải thích tường tận đế chóp Văn Trạch Hòa hiện được trưng bày ở Viện Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên ở Huế. Hơn nữa, anh chịu khó đưa tôi về Phong Điền xem bức trán cửa dựng trong sân chùa Ưu Đàm. Tôi tưởng hai di tích nầy cần được giới thiệu mặc dầu tôi không chuyên khảo cứu về điêu khắc Chăm.
Tin sau cùng hè 2008: Chùa Ưu Đàm được trùng tu, trán cửa Chăm bị giải tỏa, không biết được phục chế ra sao và di chuyển đi đâu.
Hồi giáo trong lòng người Chăm
Ðây, điện các huy hoàng trong ánh nắng
Những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh. Đây,
Chiến thuyền nằm mơ trên sông lặng
Bầy voi thiêng trầm mặc dạo bên thành

Chế Lan Viên (Trên đường về)

Cham Pa ở Ðông Nam Á vào khoảng năm 1000
Ngưởi Chăm, còn gọi người Chàm, người Chiêm, người Hời là người dân tộc (400.000) cư ngụ chủ yếu tại miền nam Việt Nam, nhất là ở Cam Pu Chia (Khơ Me Islam), một số ít ở Thái Lan, Mã Lai, ngoài một số tản cư qua Hoa Kỳ. Người Chăm thuộc nhóm chủng tộc Austronesia tức Nam Đảo. Tiếng Chăm nằm trong ngữ tộc Malay-Polynesia của hệ ngôn ngữ Nam Đảo cùng với những dân tộc Gia Rai, Ê Đê, Ra Glai, Chu Ru sống ở miền trung và miền núi nước ta. Với một dân số trên 160.000 người, dân tộc Chăm xếp thứ 14 về số lượng trong cộng đồng 54 chủng tộc Việt Nam, cư trú tại 56 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố : Ninh Thuận (67.274, 41,6% tổng số người Chăm tại Việt Nam), Bình Thuận (34.690 người, 21,4%), Phú Yên (19.945), An Giang (14.209 người), thành phố Hồ Chí Minh (7.819), Bình Định (5.336), Ðồng Nai (3.887), Tây Ninh (3.250), theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009.
Trong thời kỳ đổ sắt (thế kỷ VIII trước-thế kỷ VI sau CN), Việt Nam có ba nôi cổ xưa, tạo hình tam giác nền văn minh: văn hóa Đông Sơn ngoài bắc, văn hóa Óc Eo trong nam, văn hóa Sa Huỳnh miền trung. Từ Sa Huỳnh nảy sinh hậu duệ là một phần người Chăm. Lúc ban đầu, vào khoảng 192-605, tại vùng đất từ Quảng Bình đến Quảng Nam, dựng lên một vương quốc mang tên Lâm Ấp, xem như là giai đoạn khởi đầu lịch sử Chăm Pa. Lâm Ấp là phiên âm Hán-Việt tiếng quan thoại Lin yi quo, tên một dân tộc bản địa thuộc nhóm Bách Việt, phát âm tiếng Việt thuật ngữ Bai yue bao hàm các dân tộc Việt cổ không bị Hán hóa. Lâm Ấp có thể là lãnh thổ Indrapura từ mũi Hoành Sơn đến đèo Hải Vân, do vương triều Gangaraja, tức những người Ấn Độ đến từ sông Gange, dựng lên. Lâm Ấp độc lập là một biến cố lịch sử trọng đại, mở đầu cuộc gặp gỡ giữa hai nền văn minh Trung Quốc và Ấn Độ tại bán đảo Đông Dương. Thời cuối Lâm Ấp tức là thời đầu Chăm Pa, vào khoảng thế kỷ IV, văn hóa Ấn Độ bắt nguồn từ nước láng diềng Phù Nam, ở phía tây và nam, trở thành văn hóa chính của vương quốc. Ấn Độ giáo và Phật giáo bắt đầu được truyền bá. Đây chính là giai đoạn mà người Chăm đã bắt đầu có các văn bản mô tả trên đá bằng chữ Phạn và bằng chữ Chăm, và họ đã có bộ chữ cái hoàn chỉnh để ghi lại tiếng nói của người Chăm. Về chính trị các vị vua thời cuối Lâm Ấp đều ghép tên mình với một thần linh, thường là với Shiva (còn gọi là Isvara) để độc quyền cai trị. Vị vua đầu tiên được mô tả trong văn bia là Bhadravarman, cai trị từ năm 349 đến 361. Ở thánh địa Mỹ Sơn, vua Bhadravarman đã xây dựng lên ngôi đền thờ thần có tên là Bhadresvara, kết hợp giữa tên của nhà vua và tên của thần Shiva, vị thần của các thần trong Ấn Độ giáo. Việc thờ vua như thờ thần, chẳng hạn như thờ với tên thần Bhadresvara hay các tên khác vẫn tiếp diễn trong các thế kỷ sau đó.
Năm 605, nhà Tùy chinh phục Lâm Ấp. Thủ đô thất thủ, quốc gia Lâm Ấp diệt vong, vua Sambhuvarman (Phạm Phạn Chi) lưu vong về phía nam và dựng quốc gia riêng, xây thành Sinhapura thành phố Sư Tử (nay là Trà Kiệu, cạnh sông Thu Bồn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Thời vua Sambhuvarman là thời kỳ quá độ giữa Lâm Ấp và Chăm Pa tức Chiêm Thành bởi vì quốc hiệu Ấp Chăm Pa Campapura đã chính thức xuất hiện. Sambhuvarman lên ngôi vua năm 529, cho xây dựng lại ngôi đền Bhadresvara bằng gạch ở Mỹ Sơn, ngôi đền thời vua trước bằng gỗ đã bị cháy. Sambhuvarman cũng cử sứ thần sang cống lễ Trung Quốc, đồng thời đánh chiếm miền bắc Việt Nam nhưng không thành. Năm 605, tướng Lưu Phương nhà Tùy xâm lược Lâm Ấp và đã chiến thắng sau khi lập mưu tiêu diệt tượng binh địch thủ. Vào khoảng những năm 620, các vua Lâm Ấp đã cử nhiều sứ thần sang nhà Đường và xin được làm nước phiên thuộc của Trung Quốc. Tài liệu Trung Quốc ghi nhận vị vua cuối cùng của Lâm Ấp chết vào khoảng năm 756. Năm 757, một tiểu vương ở phía nam Lâm Ấp nổi lên hạ bệ Bhadravarman II - nhà vua trẻ của Lâm Ấp vừa lên ngôi - rồi tự xưng vương, hiệu Prithi Indravarman, chấm dứt dòng Gangaraja phía bắc. Theo sử liệu cổ, Trung Hoa đặt tên lãnh thổ mới của người Chăm trong thời kỳ này là Hoàn Vương quốc (tức vương quyền trở về quê cũ), kinh đô Virapura (Hùng Tráng thành). Địa phận Hoàn Vương có thể giới hạn trong khu vực tỉnh Ninh Thuận ngày nay. Hoàn Vương độc lập cho đến năm 859 thì thống nhất với bốn tiểu quốc khác để thành hình quốc gia Cham Pa hay Campapura, Campanagara, Nagara Campa, Nagar Cam tuy vẫn giữ tính tự trị. Nước này được xem là tiền thân của Panduranga với một số biến đổi về cương vực và dân số. Tài liệu Trung Quốc sớm nhất sử dụng tên có dạng Cham Pa vào năm 877, tuy nhiên, tên được người Chăm sử dụng muộn nhất là từ năm 629, và người Khơ Me từ năm 657. 
Việc làm đầu tiên của Prithi Indravarman là dời kinh đô Sinhapura về Virapura. Dưới thời Prithi Indravarman, văn minh và văn hóa Ấn Độ từ phía nam lên lấn át toàn bộ sinh hoạt của người Chăm phía bắc, tiếng Phạn được phổ biến rộng rãi trong giới vương quyền và các nơi thờ phụng. Đạo Bàlamôn được đông đảo người theo. Đạo Phật nguyên thủy Thượng toạ bộ Theravada phát triển mạnh trong dân gian; đền đài, dinh thự và chùa tháp được xây dựng lên khắp nơi, nhiều nhất là tại Khu Lật (Huế), Amavarati (Mỹ Sơn), Sinhapura (Trà Kiệu)... để tạ ơn thần linh. Tuy vậy nguyên tắc tự trị của các tiểu vương quốc phía bắc vẫn được tôn trọng, vì không thấy di ảnh hay hình tượng nữ thần Bhagavati - vị thần bảo hộ Panduranga được Prithi Indravarman chọn làm Bà Mẹ xứ sở để dân chúng thờ phụng - trong các di tích khảo cổ trên lãnh thổ phía bắc. Ngôi tháp bằng gỗ trước kia thờ nữ vương Jagadharma được Prithi Indravarman cho xây dựng lại bằng vật liệu cứng tại Aya Tra (Nha Trang), trên một ngọn đồi cao cạnh cửa sông Cái (Xóm Bóng), để thờ tượng nữ thần Bhagavati (bằng vàng). Tháp này sau mang tên tên Po Nagar tức Tháp Bà. Prithi Indravarman là một quân vương tài giỏi, đất nước thái bình. Hoàn Vương quốc giàu có, phồn vinh hấp dẫn các vương quốc lân bang, đặc biệt là Srivijaya (Palembang), Malayu (Mã Lai), Javadvipa (Java), Nagara Phatom (Thái Lan), Sriksetra (Miến Điện), Angkor (Chân Lạp) đến để trao đổi hoặc chờ dịp cướp phá. Năm 774, quân Nam Đảo (người Java và Mã Lai) từ ngoài khơi đổ bộ vào Kauthara và Panduranga, chiếm Virapura. Vua Prithi Indravarman đã chống trả lại mãnh liệt nhưng bị chết trong đám loạn quân (sau này được dân chúng tôn thờ dưới pháp danh Rudraloka). Bọn người này đi mành đến lấy cắp tượng linga của thần Sri Sambhu, đốt phá đền thờ Po Nagar. Sau cuộc tấn công này quân Nam Đảo cướp đi rất nhiều báu vật, trong đó có tượng nữ thần Bhagavati bằng vàng.
Sau khi quân đội nhà Minh rút về, vương quốc Cham Pa được phục hồi nhưng chia thành hai tiểu vương quốc: Tiểu vương quốc Vijaya (Ðồ Bàn 1428-1471) và Tiểu vương quốc Panduranga (Phan Rang: 1433-1832). Tiểu vương quốc Vijaya bị quân đội Ðại Việt tiêu diệt vào thời vua Lê Thánh Tông để thôn tính đất đai vào năm Hồng Ðức thứ 2 nhà Lê (1471). Năm đó, tiểu vương quốc Panduranga cũng trở thành chư hầu của Đại Việt. Năm Hiển Tông thứ 2 chúa Nguyễn (năm Chính Hòa thứ 14 nhà Lê -1693), Nguyễn Hữu Cảnh đã một lần chinh phục Tiểu vương quốc Panduranga, đổi tên Chiêm Thành quốc thành Thuận Thành trấn, rồi đổi Thuận Thành trấn thành Bình Thuận phủ. Nhưng qua năm 1694, trong khi Nguyễn Hữu Cảnh tây chinh đánh Cam Pu Chia, tướng người Chăm tên Ốc Nha Đạt và tướng người Thanh tên A Ban đã tập hợp được đông đảo lực lượng người Cham Pa, nổi dậy và tiêu diệt toàn bộ lực lượng chúa Nguyễn tại đây. Chúa Nguyễn Hiển Tông tức Nguyễn Phúc Chu đã bất đắc dĩ cầu hòa với người Chăm và cho phép họ phục hồi Thuận Thành trấn (Khu Tự trị Cham Pa). Hòa ước giữa chúa Nguyễn và chúa Cham Pa được ghi rõ trong Nghị Định Ngũ Ðiều vào năm Hiển Tông thứ 21 tức năm Vĩnh Thạnh thứ 8 nhà Lê (1712) và được duy trì cho đến năm Minh Mạng thứ 13 (1832). Sau cải thổ quy lưu (giải thể khu tự trị) vào năm 1832, một số người Chăm liên minh với Lê Văn Khôi, nổi dậy để phục hồi Thuận Thành trấn nhưng kết thúc thất bại. Hậu duệ của chúa Cham Pa có ông Dụng Gạch (Bo Gait, Bộ Gạch), một vị hoàng tử anh hùng, phó chủ tịch ủy ban hành chính lâm thời huyện Hòa Đa (Bắc Bình ngày nay) phụ trách miền núi sau Cách mạng tháng Tám. Lãnh thổ của Chăm Pa ngày nay thuộc thành phố Đà Nẵng, các tỉnh từ Quảng Bình vào Bình Thuận và một số vùng Tây Nguyên. Theo văn bia tiếng Phạn tại Mỹ Sơn, vua Cham Pa và vua Cam Pu Chia đều là hậu duệ của hoàng tử Asvattaman, một anh hùng lưu vong bạc mệnh trong sử thi Ấn Độ Mahabarata thuộc nhà Kuru. Riêng các chúa Panduranga thì thuộc dõng Pandu nên Cham Pa (Vijaya, thuộc nhà Kuru) và Panduranga (thuộc nhà Pandu) vốn là hai quốc gia thù địch với nhau. Sử sách Trung Quốc luôn ghi rõ hai nước Chiêm Thành (Cham Pa) và Tân Đồng Long (Panduranga) là hai quốc gia riêng biệt.
Lịch sử của vương quốc Cham Pa là các cuộc xung đột với Trung Quốc, Ðại Việt, Khơ Me và Mông Cổ, cũng như xung đột nội bộ. Chính do các cuộc xung đột này mà Cham Pa mất dần lãnh thổ vào tay Đại Việt, một quốc gia có tổ chức chính quyền và quân sự tốt hơn. Cham Pa trong quá khứ là một nước chư hầu của các triều đại phong kiến Trung Quốc và Đại Việt nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa và sự toàn vẹn lãnh thổ. Người Cham Pa là những chiến binh giỏi đã sử dụng địa hình đồi núi để chiếm ưu thế. Năm Hồng Ðức thứ 2 nhà Lê (1471), Tiểu vương quốc Vijaya chịu tổn thất nặng nề trong cuộc chiến với Ðại Việt dưới triều đại vua Lê Thánh Tông. Khoảng 60.000 quân Cham Pa bị giết và 30.000 bị bắt làm tù binh. Ngược lại, Tiểu vương quốc Panduranga tiếp tục phát triển dưới sự bảo trợ của chúa Nguyễn và vua Gia Long (Nguyễn Thế Tổ) trong bốn đạo: Ðạo Panrang (Ðạo Phan Rang tức Tỉnh Ninh Thuận), Ðạo Kraong (Ðạo Long Hương/ Liên Hương tức Huyện Tuy Phong Tỉnh Bình Thuận), Ðạo Parik (Ðạo Phan Rí tức Huyện Bắc Bình Tỉnh Bình Thuận) và Đạo Pajai (Ðạo Phố Hài, Huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và Thành phố Phan Thiết). Đến vua Minh Mạng, Khu Tự trị Thuận Thành đã bị xóa sổ và trở thành Phủ Ninh Thuận.

Trên lãnh thổ Việt Nam người Chăm sinh sống, sống rải rác ở các tỉnh phía Nam từ Bình Định vào miền đồng bằng sông Cửu Long. Do đặc điểm cư trú, tính chất tôn giáo và sắc thái văn hóa mang tính vùng miền, họ được chia thành 3 nhóm cộng đồng chính là: Chăm H'roiChăm Bàlamôn-Chăm Bàni và Chăm Nam Bộ.
- Chăm H'roi bao gồm những người Chăm sống rải rác ở miền núi các tỉnh Phú Yên, Bình Định; tổng số khoảng 20.500 người. Người Chăm Hroi có nguồn gốc từ những người Chăm cổ, theo tín ngưỡng dân gian chịu ảnh hưởng từ đạo Bàlamôn.
Chăm Bàlamôn và Chăm Bàni hay Ðông Chăm gồm những người Chăm cư trú ở Ninh Thuận, Bình Thuận, có tên gọi là Campaduraga. Với một tổng số khoảng 98.000 người (Ninh Thuận 66.000, Bình Thuận 32.000), nhóm cộng đồng Chăm lớn nhất nầy chiếm khoảng 67,60% tổng số người Chăm ở Việt Nam. Hai nhóm Chăm Bàlamôn (Chăm Ahiar) và Chăm Bàni (Chăm Awal) là hai nhóm chính, còn có một nhóm nhỏ người Chăm Bàni đã cải sang theo Hồi giáo chính thống vào thập niên 1960 do tiếp xúc với người Chăm Nam Bộ.
- Chăm Nam Bộ hay Tây Chăm bao gồm những người Chăm sinh sống chủ yếu ở An Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh. Tổng số khoảng 26.700 người, cộng đồng này đến từ Cam Pu Chia và có nguồn gốc từ Nam Trung Bộ.
Nhóm Chăm Nam Bộ ở Tây Ninh khởi đầu từ năm 1755 khi tướng Nguyễn Cư Trinh chiêu dụ người Chăm bị hà hiếp trên đất Chân Lạp về định cư ở núi Bà Đen. Tới thời Minh Mạng, từ năm 1834, người Chăm từ Chân Lạp tiếp tục về định cư ở 2 huyện Tân Ninh và Quảng Hóa. Thời Tự Ðức, người Chăm lại tiếp tục tới Quảng Hóa định cư vào các năm 1849, 1857. Tại Châu Ðốc, từ năm 1818, vua Gia Long đã cho tu sửa Châu Đốc và chiêu dụ người Việt, Hoa, Chăm, Khơ Mer đến định cư. Nhóm này gọi là Chăm Châu Ðốc. Tới năm 1841, nhà Nguyễn rút quân khỏi Chân Lạp, nhiều người Chăm cũng theo về định cư ở An Giang. Tới năm 1859, người Chăm ở Cam Pu Chia nổi dậy chống vua Ang Duong. Bị đàn áp, hàng nghìn người Chăm sang Châu Ðốc tị nạn. Tới giai đoạn Khơ Me Ðỏ, từ 1975, nhiều người Chăm từ Cam Pu Chia tiếp tục sang Châu Ðốc lánh nạn. Nhóm Chăm Nam Bộ gồm có nhiều thành phần. Có người gốc từ quần đảo Mã Lai và Indonesia, gọi là Chăm Chà-và (Cham Chvea, Cham Java, Cham Jva), tên gọi này có thể bắt nguồn từ người Jawa Kur, người Hồi giáo (dòng Sunni) nói tiếng Khơ Me. Họ hiện còn sống tại nhiều vùng Cam Pu Chia và vùng Châu Đốc. Do có sự tương đồng về nguồn gốc Nam Ðảo, người Chăm gốc Việt Nam và người Jawa Kur đã sống cùng nhau ở Cam Pu Chia, tạo thành một cộng đồng và có chung tín ngưỡng Islam Sunni. Nhóm người Chăm gốc Nam Trung Bộ đã sống hòa đồng với người Jawa nói trên và theo Hồi giáo Sunni, tự xưng là người Islam dòng Sunni. Nhóm người Chăm gốc Nam Trung Bộ nhưng không theo đạo Hồi mới của người Jawa Kur mà vẫn giữ lại đạo Hồi có từ lúc ở miền Trung Việt Nam bị 2 nhóm trên gọi là Chăm Jahed (Chăm xấu, cũ). Có thể xem họ giống với người Chăm Bàni ở Bình Thuận.


Tôn giáo đầu tiên của người Chăm là Ấn giáo hay đạo Hindu, phái Shiva gọi là Shaivite, gốc Ấn Độ. Shiva, hiện thân của sự tiêu diệt, hợp chung với Brahma, người sáng tạo, và Vishnu, đấng bảo hộ, thành bộ tam thần Trimurti. Ấn giáo được các thương gia Ả Rập, Ấn Độ, Ba Tư trên đường biển đến Trung Quốc, ghé chân ở miền duyên hải Trung Bộ và để lại. Hồi giáo tức Islam (ta còn viết Ixlam) không rõ tới Cham Pa hồi nào, di chỉ các ngôi mộ phát hiện ghi niên đại thế lỷ XI. Trong một luận văn cao học trên đề tài Islam và sự yêu sách bản sắc của người Chăm ở Trường Cao học Thực hành, cô Agnès De Féo đã tường trình một cuộc du nhập Hồi giáo vào Cham Pa. Một thời lâu đầu thế kỷ XX, các nhà khảo cứu dựa lên hai bản khuôn rập những tấm bia in chữ cufic (Ả Rập), cho đã có một cộng đồng người đạo Hồi trên bờ biển Cham Pa thế kỷ XI. Tin chắc hơn là một văn bản của những người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha năm 1595 chứng nhận triều đình cho phép Hồi giáo du nhập còn nhà vua thì qua thế kỷ XVII mới chịu theo đạo. Nhưng Hồi giáo không chỉ vào Chăm Pa qua các thương gia Ả Rập, Ấn Độ, Ba Tư mà còn do một cuộc tham gia tích cực các nhà hàng hải Chăm vào hệ thống mậu dịch đường biển Đông Nam Á. Đầu thế kỷ XVI, thuyền bè Chăm đã có mặt không những ở Malacca (Mã Lai), Banten, Makassar (Nam Dương), Pattani (Thái Lan) mà còn dọc các bờ Biển Đông ỏ Xiêm La, Trung Quốc. Người Chăm không chỉ len lỏi vào hệ thống Mã Lai mà còn giao dịch với những người Hòa Lan ở Malacca, những thương gia Bồ Đào Nha định cư ở Macau (1555). Dần dần Cham Pa vượt ra khỏi tên một nước đang bị Đại Việt lấn ấp sau những trận đánh thua liên tiếp, mở mang không gian kinh tế xã hội thành một hệ thống nối liền nhũng nơi trao đổi quan trọng Đông Nam Á, những điểm giao tiếp của một triển vọng Hồi giáo. Lối nhìn nẩy giải thích tại sao những dân tộc Gia Rai, Ê Đê, Ra Glai, Chu Ru sống chung đụng với Cham Pa nhưng không chú trọng đén hàng hải thì không tiếp xúc với Hồi giáo.
Có thuyết khác cho Hồi giáo là du nhập từ Mã Lai, dễ hiểu qua các thương gia và các nhà truyền giáo hay đi lại. Tuy nhiên có chuyện một công chúa xứ Kelantan (thế kỷ XVIII) cũng từ Mã Lai qua Cham Pa không phải để quy nhà vua theo đạo mà là để đưa vua về lại chính giáo, nghĩa là nhà vua đã theo đạo. Còn có thuyết cho Hồi giáo trước nhập vào Trung Quốc thời nhà Đường (618-707), sau có các nhà buôn Ả Rập, Ba Tư tiếp xúc với người Chăm mới chuyển tiếp Hồi giáo. Trước đây, vào khoảng thế kỷ VIII, Phật giáo Đại thừa từ Trung Á qua Trung Quốc cũng đă được chuyển qua Cham Pa (Đồng Dương) và Căm Pu Chia (vua Jayavarman VII). Vào khoảng 878, tại Trung Quốc nổi lên phong trào bài ngoại của đảng Huang Chao (Hoảng Chảo) thực hiện chính sách khủng bố sát hại người ngoại quốc. Những người Hồi Giáo Ả Rập và Ba Tư phải bỏ Trung Quốc, dời việc buôn bán và giảng đạo đến các nước phía Nam Trung Quốc: Cham Pa, Mã Lai, quần đảo Nam Dương. Năm 1039, một đoàn thương gia Ả Rập đã đến buôn bán tại Cham Pa và tăng cường công cuộc truyền bá đạo Hồi. Họ đã lập nên tại Cham Pa những cộng đồng Hồi Giáo đông đảo. Trong khi đó, những hạm đội hải quân của Hồi Giáo Ả Rập đã chiếm giữ Malacca để bảo vệ quyền giao thương trên trục lộ giao thông với Trung Quốc và Nhật Bản. Hồi Giáo làm chủ toàn vùng bán đảo Mã Lai và quần đảo Nam Dương trong những thế kỷ XI-XV và đã biến hai nước này thành hai nước Hồi Giáo. Năm 1069, vua Lý Thánh Tông cất quân đánh phá Chiêm Thành, bắt vua Chiêm là Chế Củ. Vua Chiêm sợ chết nên phải chuộc mạng bằng cách dâng ba châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính cho vua Lý. Nhà vua sáp nhập ba châu này vào lãnh thổ Việt Nam và đổi tên thành Quảng Trị, Thừa Thiên. Năm 1402, vua Chiêm Thành dâng thêm hai châu nữa là Chiêm Động và Cổ Lũy cho Hồ Quí Ly. Hai châu này trở thành hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi của Việt Nam ngày nay. Như vậy, thực tế lịch sử chứng minh Hồi Giáo là đạo đầu tiên đã xâm nhập hòa bình giải đất mang hình chữ S trước Công Giáo 500 năm qua tay các thương gia và các giáo sĩ... Tuy nhiên, đạo Hồi không có cơ duyên xâm nhập vào xã hội người Việt (dân tộc Kinh) và đã trở nên một thứ tôn giáo hoàn toàn xa lạ.
Người Chăm có tín ngưỡng, tôn giáo rất phong phú. Tín ngưỡng của họ có từ xa xưa và mang dấu ấn của thời nguyên thủy: sự tin tưởng vào sự tồn tại của một thế giới siêu nhân, nơi các thần linh ngự trị và cũng chính là nơi tồn tại của ma quỷ và linh hồn của những vật thể ở thế giới trần tục sau khi chết. Người Chăm luôn tin tất cả các vật thể cũng như mọi người đều có linh hồn và linh hồn thì tồn tại vĩnh viễn dù con người có chết đi và các vật thể đã bị hư hại. Những linh hồn cùng với ma quỷ và thần linh luôn có những tác động chi phối thế giới hiện hữu, đến đời sống của cộng đồng cũng như đến từng thành viên trong cộng đồng. Người Chăm thờ rất nhiều vị thần linh như Thần cây, Thần đá, Thần nước, thờ Linh hồn tổ tiên. Họ sống trong một cộng đồng đa tôn giáo, niềm tin tôn giáo luôn đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm lý của họ, ảnh hưởng lên hoạt động nhận thức, tình cảm, ý chí của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Người Chăm có niềm tin tôn giáo rất sâu sắc, tuân theo tôn giáo truyền thống ràng buộc chặt chẽ. Tuy một lúc tôn giáo chính thời vương Cham Pa cổ là Ấn Độ giáo và văn hóa chịu ảnh hưởng sâu sắc của Ấn Độ, ngày nay, hầu hết người Chăm theo Hồi giáo. Nói chung, từ thế kỷ X, tín ngưỡng Hồi giáo đã du nhập Vương quốc Cham Pa thông qua các thương nhân gây ảnh hưởng nhất định trong đời sống tâm linh người Cham Pa. Nhưng Hồi giáo không phát triển, có lẽ vì lòng sùng tín thần thánh Bàlamôn giáo, tập tục, lễ nghi cùng chế độ mẫu hệ đã bén rễ ăn sâu, trở thành truyền thống trong xã hội Cham Pa, trải qua hơn nghìn năm không dễ gì thay đổi. Dù sao, vào cưối thế kỷ XVII, quân nhà Nguyễn đồng thời đánh chiếm những hải cảng, ngăn chặn mọi giao thông đường biển và thuyền bè Cham Pa ngày càng ít thấy ở các thương cảng Biển Đông. Ngày nay, sau những cuộc di cư liên tiếp qua Mã Lai, Hoa Kỳ, Pháp quốc sau biến cố Khơ Me Đỏ, một phần lón người Chăm định cư ở Cap Pu Chia, số còn lại khoảng 100.000 người, giới hạn trong xứ Panduranga xưa, tương đương với các thành phố Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiêt (hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận). Rút cuộc, Cham Pa có thể xem như là một dân tộc phân tán, phần lớn dân cư sống ngoài biên cương tổ quốc, đem theo Hồi giáo là tôn giáo dần dần thay chỗ Ấn giáo nguyên thủy.
Vết tích đền đài Mahabalipurum trong kiến trúc Cham Pa 
Qua nhiều thế kỷ, văn hóa Ấn Độ đã tác động lên bán đảo Đông Dương trong mọi lĩnh vực vật chất và tinh thần, đồng thời bồi bổ nền văn hóa địa phương sẵn có từ trước. Cham Pa một thời choán giữ toàn miền nam lĩnh thổ Việt Nam là đất nước đông phương xa nhất chịu ảnh hưởng Ấn Độ rất nhiều. Các sử gia tin người Chăm là hậu duệ những nhà hàng hải Mãlai-Pôlinêdi, ngữ hệ austrônêsien (tiếng Hy Lạp-La Tinh austronesia có nghĩa "đảo phương nam") nguồn gốc quần đảo Nam Dương Inđônêxia vượt trùng dương mà đến. Chính xác hơn, họ còn xác định tiếng nói người Chăm rất giống ngôn ngữ dân tộc Aceh (hay Ạgtet, Acheh, Atjeh, Acem, Achin) ở cực bắc đảo Sumatra. Vào khỏang các thế kỷ I, II trước Công nguyên, những người di tản nầy định cư dọc miền duyên hải Trung bộ, nảy nở trong văn hóa thời đại đồ sắt Sa Huỳnh, song song với thời đại đổ đồng Đông Sơn ngoài Bắc. Miền Trung là một chuỗi thung lũng nhỏ, dựa lưng vào dãy Trường Sơn, mỗi vùng có sông từ núi chảy ra Biển Đông, có điều kiện trở thành chiếc nôi phát triển một số công quốc, đến thế kỷ X sắp đặt từ bắc vào nam: Indrapura, Amaravati, Vijaya, Kauthara, Panduranga. Ngay từ đầu, nhiều người Ấn Độ, trước thương gia, sau tu sĩ, nghệ sĩ lại giao du, hoặc bằng đường biển qua eo Malacca, hoặc trên bộ từ nước Phù Nan rồi Chen La kế cạnh. Chuyển ngữ được dùng là tiếng Phạn sankscrit, lần lượt nhập cảng Ấn giảo rồi Phật giáo. Giao dịch với Ấn Độ nhiều nhất được biết là miền biển phía đông hướng về Đông Nam Á, đặc biệt những hải cảng như Mahabalipuram.


Đền ven biển
Quần thể Mahabalipuram, còn gọi Mamallapuram, có nghĩa "thành phố Mahabali" là một thị trấn ở tỉnh Kanchipuram (Tamil Nadu), ở ngay cửa sông Palar, cách phía nam Chennai (Madras) 60km, nổi tiếng nhờ một vị trí khảo cổ học xây dựng giữa 630 và 728, được Unesco ghi vào Di sản văn hóa thế giới năm 1984. Vào thế kỷ VII, dưới triều đại cực thịnh Pallava, đây là một hải cảng quan trọng hằng tiếp xúc không những với đế chế Cham Pa, Quốc vương Khơ Me ở bán đảo Đông Dương mà còn với Mã Lai, Tích Lan cùng nhiều nước khác ở Đông Nam Á, như Java ở quần đảo Nam Dương, đặc biệt Sri Vijaya, một thành quốc miền nam đảo Sumatra. Vào thời đại ấy, thương mãi phồn thịnh giao tiếp khắp Đông Nam Á, nghệ thuật, âm nhạc, hội họa, văn học, kiến trúc mở mang rộng rãi. Việc xây dựng các đền đài kéo dài hàng chục năm vì cuộc chiến Palawa với triều đại Chola nhưng vẫn luôn tuần tự tiếp tục. Công lao các nghệ sĩ hoặc là khắc trong hóc đá làm nên những nhà thờ mandapa với nhiều hình chạm nổi thấp trình bày chẳng hạn kỳ công của Varaha, hóa thân Víshnu, ở mandapa Varaha; hoặc là tạc vào các vách đá lớn liền khối tạo thành những thiên xa ratha, toàn là những công trình mô phỏng đền đài bằng gỗ. Ngoài ra còn có những tấm chạm nổi khổng lồ mà điển hình là những bức nổi tiếng "Hằng hà hạ trần", "Đền ven biển" với hàng ngàn bức điêu khắc thờ cúng thẩn Shiva. Mahabalipuram thường được cho là thiết bị hải cảng Pallawa nhưng những cuộc thăm dò khảo cổ chưa xác minh được. Cuộc động đất năm 2004 cho xuất hiện một số dữ liệu hiện được hội Archaeological Survey of India khai thác. Riêng phần tôi, từng nhiều năm leo đèo vượt suối chiêm ngưỡng các Tháp Chăm, nhân chuyến qua Nam Ấn, không ngại quản chân lại tìm kiếm một vết tích gì ở Mahabalipuram có khả năng tác động lên kiến trúc những đền đài Cham Pa miền nam nước ta.

Thiên xa
"Đền ven biển", mang tên như vậy vì nằm ngay trước mặt biển, trên một mũi nhô ra vịnh Bengale, là một công trình kiền trúc tuyệt diệu. Xây dựng đầu thế kỷ VIII, dưới thời vua Narashimhavarman II (690-715), quần thể nầy là công trình đầu tiên thực hiện chống lại kiến trúc nguyên khối đào trong hang động hay trên các vách đá bờ biển, vào lủc phong cách kiến trúc triều đại Pallawa đạt đích tuyệt đỉnh, xét về nét đẹp trang trí và phẩm chất nội tại. Không thấy có hoạt động trong đền, có lẽ trước kia cũng chắng bao giờ có. Phải chăng những nghệ sĩ Pallawa chỉ tha thiết xây dựng một phong cách đặc thù cho mình. Đền gồm có ba điện. Điện chính là một cấu trúc hình chóp cao 18m đặt trên một bệ vuông mỗi cạnh 16m. Cửa vào là một tháp lớn trang trí dồi dào loại gopura mở ra biển phía đông. Một viên linga (hay lingam) hình dung dương vật, tượng trưng Shiva và nghị lực nam giới được đặt thờ ở trung tâm điện garbha griha. Trên tường trong cùng nổi bật một bức chạm Somaskanda trình bày ba vị thần Shiva, vợ Uma và con Skanda. Phần sau đền dành cho hai điện : một cái thờ Shiva qua hình dáng Ksatriyasimnesvara có lối dẫn vào, một cái thờ Víshnu mở cửa ra ngoài. Vishnu cưỡi con rắn Sesha còn được thờ trong một điện phía tây. Phía ngòai điện chính, một bức tượng hình dung Dourga (tức Parvati, năng lượng shakti của Shiva) ngồi trên vật cưỡi sư tử Yahana. Hốc trên ngực Dourga trình bày Dourga dưới hình dạng Mahishasuramardini giết con quỷ Mahishasura. Tường ngoài có rất nhiều trang trí, bên trên là những bức chạm những con bò Nandi đực có bướu nằm. Nói chung, đền bị khí và nước biển gặm mòn tác động phá hoại rất nhiều, tuy ngày nay có hàng rào chống gió và các khối đá chống sóng che chở, nhiều bức chạm trổ đang bị xói mòn gần như tiêu tan.

Thiên xa
Thiên xa ratha, còn gọi Pancha Pandawas, là những công trình hình dáng xe chở cổ tuy không có bánh, tạc trong các phiến đá khoáng phun trào diorit nhô lên trên bãi cát. Chi tiết các đền nầy cho thấy những cột, kèo, cột trụ tường giống như ở các đền xây bằng gỗ, tuy không cần thiết, nhưng không tinh vi bằng. Cái lợi là vì bằng đá, chúng được bảo quản tốt, ít bị xói mòn. Nãm thiên sa phía nam có tiếng nhất trong tổng số tám đền được sáng tác dưới triểu vua Naharasimhavarman Mamalla (630-668), từ đây có tên thành phố Mamallapuram. Tọa lạc trên đồi cao nhất và lớn nhất là đền Dharmaraja hay Yudhisthira, có cấu trúc hình chóp ba tầng. Chưa hoàn thành, đền nầy độc nhất có vãn khắc ghi tên vua Naharasimhavarman I. Bên ngoài, một tượng thần Shiva lưỡng tính và một tượng harihara, nửa Vishnu (hari) nửa Shiva (hara). Như bốn đền khác, nhỏ hơn, đền Arjuna cũng có cấu trúc tương tự hình chóp, phong cách Nam Ấn dravidien với những tầng giả trong tháp vimana càng lên cao càng nhỏ lại. Đền thờ thần Shiva có tượng con bò đực Naudi ở phía sau. Mặt bằng đền tương đối giản dị, hình vuông với vài phần nhô ra, sau một tiền sảnh quanh tường nhẵn nhụi. Đền Bhima (con thứ hai năm anh em Pandova) cũng nhiều tầng, cột tựa trên chân sư tử. Tuy để thờ Víshnu, hình chữ nhật, trang trí những vòm bán nguyệt gập được, đền có dáng dấp một phòng họp Phật giáo. Ðền Draupadi (vợ tập thể năm anh em Pandova) giống như một cái chòi tranh tương tự nhà thờ trong làng bằng gỗ không còn tồn tại, hình vuông, có khoang tượng, là để thờ Dourga. Trước đền nầy, hai mẫu đá nhỏ chạm hình voi và sư tử, vật cưỡi của Dourga, sau đền có tượng con bò đực Naudi trên một mái bằng chung cho hai đền Draupadi và Arjuna.

Hằng hà hạ trần
Bức chạm nổi trên đá "Hằng hà hạ trần" hay "Dọc dòng sông Hằng" minh họa một hồi ly kỳ trong truyện hình Shiva. Tục truyền có một vị luyện thuật du già, một hôm bị quỷ sứ đại dương phá rẩy lúc ông đang thiền định, liền nuốt chửng toàn đại dương. Thề giới khô hạn, dân tình thiếu nước, hiền vương Ayodhya Baghirata cầu khấn Brahma để xin gởi xuống trần cứu dân độ thế cô con gái Ganga, sinh ra từ mổ hôi chân Vishnu. Brahma đồng ý nhưng Ganga kiêu căng, xúc phạm vì phải từ bỏ cõi tiên, trong lúc tức giận, xuống trần dưới hình thức một dòng Hằng hà sóng lừng dữ dội. Tức khắc Shiva đưa búi tóc jata chặn đường khuất phục, đợi cho bình tĩnh mới đặt sông lên sườn núi Hy Mã Lạp Sơn cho nhẹ chảy về đồng bằng. Được ba vị thần Brahma, Vishnu, Shiva trong bộ ba Trimurti bảo trợ, Hằng hà là dòng sông ba lần thánh hóa. Ngày nay hằng năm, theo định kỳ, nước thánh tích trử ở Gangotri ở cao độ 6000m, từ nguồn Bhagirati (con gái Bhagirata) phun vọt ra hiện tại hóa huyền thoại. Thác nước sùng sục, vài cây số sau, nhờ nhiều nguồn suối khác lại hòa mình, sông mới êm dịu hiện thân thành Hằng hà linh thiêng, huyền bí ngày nay. Cần biết thêm là khi còn chảy mạnh, sông chạm vào bàn thờ nhà tu khổ hạnh Jahnu, bực tức ông nuốt trọn sông. Bhagirata phải hết lời xin lỗi ông mới chịu thả cho ra từ lỗ tai nên nay sông còn mang tên Jahnavi, con Jahnu. "Dọc dòng sông Hằng" là một bức chạm nổi xưa (thế kỷ VII), có thể lớn nhất hoàn cẩu, dài 27m, cao 9m, chiếm trọn hai mỏm đá khổng lồ. Hình chạm thể hiện dòng chảy Hằng hà bắt đầu từ Thiên đình, Hy Mã Lạp Sơn như đã miêu tá trong cuốn sách truyện hoang đường Panchatantra. Sông Hằng là bà mẹ nguyên thủy "hạ trần" để nuôi sống thế gian và trở nên quả tim loài người. Sông Hằng mang lại cốt tử cuộc sống là nước, cũng là một thách thức cho triều đại Pallawa đã đặt xây công trình.

Hằng hà hạ trần
Đường nứt giữa hai mỏm đả tượng trưng sông Hằng, hai bên sống đủ loại thủy sinh như rắn đực naga, rắn cái nagini. Bên trên đường nứt, phế tích một bể chứa có thể là để đựng nước đổ xuống tượng trưng Hằng hà khi có nghi thức, lễ lạt. Ngoài những hình tượng các vị thần, bức chạm nổi trình bày đời sống làng xã hằng ngày ở Ấn Độ thể kỷ VII. Thật là một trang sử địa linh động quý báu hiếm có. Bên mặt đường nứt, ở phía trên, hình tượng người cung tiến đồng thời ân nhân là nhà vua Pallava Mahendravarman (580-630) cùng ba bà vợ. Ở phía dưới, một con mèo trong tư thế thiền định, xung quanh vô tư múa nhảy nhiều con chuột, màn biểu thị một ngạn ngữ đạo lý dân gian Ấn Độ khuyên nên dè chừng những nhà hiền triết sadhu giả hiệu. Cả hai bên đường nứt đều có nhiều con voi chưa có lời giải thích đáng: có thể là những trụ cột đại thế giới dưới cõi âm. Bức chạm nổi lắm khi còn được gọi "Tư thế khổ hạnh của Arjuna", tên vị anh hùng thứ ba trong năm anh em Pandava, dòng dõi vua Pandu và bà vợ Kunti, luôn đánh nhau với các anh em họ Kaurava theo sự tích Mahabharata. Thật ra con của thần Indra, được võ sư đẳng cấp cao Bà La Môn Drona huấn luyện quân sự, rất thành thạo thuật bắn cung, Arjuna là chiến sĩ lừng danh nhất. Arjuna thắng một cuộc đấu cung và được tặng thưởng bà vợ tập thể Draupali nhưng sau đấy còn cưới Ulupi, công chúa Naga, Chitrangada, công chúa Manipur, và Subhadra, em gái Krishna. Thần thoại kể trong dãy Hy Mã Lạp Lạp Sơn, Arjuna đã từng đứng khổ hạnh trên một chân, hai tay chắp lên cao như thấy trong bức chạm nổi, bên cạnh Shiva cầm chùy, để hy vọng đạt được vũ khí của Shiva. Thấy một con heo rừng chạy qua, Arjuna chạy đuổi theo để bắn, Shiva cũng biến hình thành người đi săn. Hai bên giao chiến cho đến khi nhận ra Shiva, Arjuna nghiên mình kính cẩn chịu khuất phục và được vị thần biếu cho quả chùy Pashupata quý báu đánh đâu thắng đó. Krishna, hóa thân thứ tám Vishnu, dưới dáng người lái chiến xa Arjuna, cống hiến trợ lực và giáo huấn tinh thần cho Arjuna. Tên Arjuna cùng năm anh em Pandava, như đã thấy, cũng được đặt cho năm thiên xa ratha. Tuy nhiên, việc phân cấp bức chạm nổi nầy vào hồi Ramayana hay Mahabharata chưa được công nhận trong giới đại học và còn là đề tài luận chiến.

Đối chiếu Mahabalipuram-Tháp Chăm
Vấn đề ảnh hưởng đền đài Mahabalipuram lên kiến trúc các tháp Chăm thì chưa được rõ ràng đặt ra. Vẫn biết một bên khắc tạc trong đá, bên kia áp dáng những viên gạch nung, kỹ thuật xây cất rất khác nhau, nhưng xét về dáng dấp, phong cách, những chuyên gia có thể nhìn nhận một vài điểm trùng phùng. Đứng trầm ngâm trước điện chính "Đền ven biển" làm sao không nhớ đến những tháp Phú Hài, Hòa Lai, Cánh Tiên, Pô Rô Mê? Khi rảo bước trước những thiên xa mái chóp ba tầng, khách tưởng như đang thảnh thơi dạo chơi giữa lòng thánh địa Mỹ Sơn thiêng liêng linh ứng. Tôi là người ngoại đạo, chỉ biết nhàn nhã thưởng thức sắc đẹp bên ngoài, không có khả năng phân tich rành mạch những chi tiết tinh vi khúc chiết. Hy vọng có ngày những sử gia nghệ thuật, những nhà kiến trúc, với đôi mắt nhà nghề, bỏ công xem xét sâu rộng để tìm ra một vài đặc điểm có thể chứng minh liên quan giữa hai loại công trình không cùng cấu trúc, giữa đền đài của hai dân tộc một thời tiếp xúc nhau cốt yếu qua mặt thương mãi. Tuy nhiên, lịch sử cũng cho thấy giao lưu thương mãi thường mở đầu cho những cuộc trao đổi văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc, tôn giáo, kiến trúc,… Mà kiến trúc Mahabalipuram thế kỷ VII lại là vào thời kỳ cực thịnh! Vấn đề là tuy bốn văn bia bằng Phạn tự phát hiện ở Quảng Nam và Phú Yên có ghi tên Bhadreshvara, "thần thuận lợi" tức Shiva từ cuối thế kỷ IV, mãi qua thế kỷ VII mới thấy một văn bia của vua Sambhuvarman ghi một điện thờ Bhadreshvara bị đốt cháy và điện thờ mới mang tên nhà vua Sambhubhadreshvara, linh hồn đất nước, Cham Pa lúc ẩy chưa độc lập. Năm 605, quân Trung Quốc đánh chiếm kinh đô đóng trong vùng Trà Kiệu hiện nay và Cham Pa tiếp tục gởi triểu cống qua Trung Quốc. Vào đầu thế kỷ VII, chưa thầy ghi có tháp Chăm, thánh địa Mỹ Sơn chỉ bắt đầu xây dựng vào khoảng 650 và tháp cổ nhất còn đứng Phú Hài có niên đại thế kỷ VIII! Nếu có tháp chịu ảnh hưởng kiến nghệ thuật tinh vi, linh động, mà lại dễ gây xúc cảm, đượm tính trữ tình quần thể Mahabalipuram thì là tháp nào?
Thay lời kết: Tình duyên Việt Chiêm 
Bàn đến Champa mà không nói đến những mối nhân duyên Việt-Chăm thì là một thiếu sót lớn. Sự kiện xảy ra vào một thời đại hai dân tộc đồng bằng và thiểu số, đặc biệt Kinh và Chăm, không thể nói là thân thiện, lại thêm người Kinh tự hào là văn minh bên cạnh những bộ tộc miền núi được đánh giá là người rừng hoang dã. Trừ công chúa An Tư gã cho Thóat Hoan tướng Mông Nguyên, chuyện tình duyên giữa hai người tộc Kinh và người miền núi hay người ngoại quốc xa xăm, không có khả năng xảy ra. Song vì lợi ích quốc gia, tình nghĩa của cá nhân đâu có gì đáng kể và hy sinh cho tổ quốc để thanh danh lại hậu thế cũng là một dịp hiếm có không phải lúc nào và ai cũng làm được. Tuy nhiên, nếu là một công nương, công chúa kết hôn vói một chàng trai dù là hoàng tử, vua chúa, cũng không sao tránh được dị nghi
Tiếc thay cây quế giữa rừng
Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo!

Công chúa Huyền Trân
Cặp vợ chồng có tiếng nhất trong sách sử Việt Nam là Huyền Trân - Chế Mân. Tháng 6 năm Bính Ngọ 1306, nàng công chúa Huyền Trân (1287-1340), con vua Trần Nhân Tông, em vua Trần Anh Tông, rời Thăng Long lên đường đi Champa kết duyên với vua Chế Mân. Nàng được phong làm Hoàng hậu Paramesvari. Sính lễ của vua Chăm dâng vua Trần là vùng đất Uli, tức Ô Lý hay Ô Rí, còn gọi Việt Lý (sách Tàu chép Niao Li), đổi thành hai châu Thuận và Hóa, làm bàn đạp cho cuộc Nam Tiến, đã sát nhập vào lãnh thổ Đại Việt mà không mất một mũi tên, không tốn một viên đạn. Huyền thoại kể tiếp khi vua Chế Mân qua đời hơn một năm sau, triều thần Đại Việt sợ công chúa phải bị thiêu với chồng, liền phái quan Hành khiển Trần Khắc Chung và quan An phủ sứ Đặng Văn đưa thuyền vào lập mưu cứu vớt. Sự kiện nầy chưa thấy có cơ sở chính xác, cần phải được tìm hiểu sâu rộng hơn: Hoàng hậu Pamavesvari là bà vợ thứ ba, có đủ điều kiện lên hỏa đàn không? Nếu bà phải bị thiêu thì liệu phái bộ Đại Việt có đủ thì giờ vào kịp để cứu không? Ai tin được mưu mô đưa bà ra biển cầu khấn linh hồn vua chồng trước khi lên hỏa đàn để dễ thoát chạy? Đáng tin hơn là, sau khi gởi phái bộ thái tử Chế Dà Da (Sri Jaya) ra Thăng Long báo tin, triều đình Champa đã quyết định đưa trả công chúa Huyền Trân về lại kinh đô Đại Việt với một đoàn 300 thủy binh hộ tống, sau nầy được cho quay về quê quán, trong mục đích xin hoàn lại vùng đất Uli (một ý chí gây tranh chấp trong nhiều năm giữa Đại Việt và Champa, để lại trong lịch sử trên tuổi Chế Bồng Nga). Dù sao, sau thời gian dài đăng dẳng một năm, nàng (và một đứa con?) mới về đến kinh đô Đại Việt làm người đời thêu dệt một mối tình tuyệt diệu giữa viên quan và bà hoàng hậu góa chồng trẻ tuổi. Quan hệ tình cảm giữa quan hành khiển và nàng công chúa phải chăng đã thắm thía trước khi nàng đi lấy chồng? Nếu vậy thì đôi uyên ương đã biết hy sinh đời mình cho lợi ích đất nước và bây giờ chỉ nối lại cuộc tình duyên sớm tạm bị ngừng. Nhưng đứng về phía người Chăm làm sao không khỏi oán hờn một viên quan ngoại quốc dám tư thông với bà hoàng hậu nước họ, xúc phạm đến danh dự một vương triều! Dù sao, cuộc ái ân nầy, nếu đã xảy ra, như tuồng cũng không đi đến một kết thúc thỏa mãn vì sau nầy một đằng Trần Khắc Chung bị lăng nhục (Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng đã mắng : họ tên không tốt, có lẽ nhà Trần mất vì người nầy chăng? - khắc là thắng, chung là tàn, khắc chung là thắng xong thì tàn lụi -) phải ẩn nấu, đằng kia dấu vết Huyền Trân đã được tìm ra ở chùa Nộn Sơn, xã Hồ Sơn, Huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.
Thời ấy, sinh ra làm công chúa là chuẩn bị một cuộc sống vàng son trong cung cấm. Nàng Huyền Trân đã chịu từ giả lâu đài điện ngọc để dấn thân vào một gia đình xa lạ, một xứ sở không cùng phong tục, tập quán, một chốn được xem như là rừng sâu nước độc. Không nói đến mối tình riêng tư của nàng, không cần biết nàng tình nguyện hay bắt buộc ra đi và cuối đời của nàng diễn biến ra sao, cử chỉ can đảm của nàng đáng được tôn trọng. Bài ca Nam bình (tác giả Võ Chuẩn) nói lên sự hy sinh cao cả, định mệnh đắng cay của nàng công chúa và lòng biết ơn của dân tộc:
Nước non ngàn dặm ra đi, cái tình chi?
Mượn màu son phấn đền nợ Ô Ly.

Vào thời nhà Trần, việc công chúa Huyền Trân đẹp duyên với vua Chăm đã được bàn tán xôn xao, mặc dù vị vua ấy không phải là một người tầm thường. Từ năm 1283, trước cuộc tấn công Champa của Toa Đô với 5 ngàn quân, 250 chiến thuyền và 100 thuyền biển, sau còn thêm 15 ngàn quân nữa, thái tử Bổ Đích tức Sri Harijit Po Devada Svor (hay Po Devitathor), sách Tàu chép Pou Ti, con vua Indravarman V và hoàng hậu Gaurendraksmi, là người có tài thao lược, được cử ra chỉ huy quân đội kháng chiến. Điều khiển 2 vạn quân Champa, được Đại Việt yểm trợ ngăn chặn đường bộ quân Nguyên, chàng chống cự lại được quân xâm lăng trong nhiều năm liền và sau đó quân Nguyên bỏ mộng xâm lược Champa. Thái tử trở thành anh hùng dân tộc và năm 1288 lên ngôi nối nghiệp cha, lấy hiệu Jaya Sinhavarman III, từ đấy ta gọi Chế Mân (thay vì Chế Man, Chế phiên âm chữ Sri ra tiếng Việt, Man là vần cuối tên vua). Năm 1301, trong chuyến vào thăm hữu nghị đất Champa, sau 9 tháng được đón tiếp nồng hậu, Thượng hoàng Trần Nhân Tông hứa gả cho vua Chăm một cô con gái của mình. Mặc dầu đã có một vợ cả con một đại vương Java là Vương phi Bhaskaradevi, một thứ phi con gái một tiểu vương Yavadvipa ở Mã Lai là "Nữ vương Tapasi", Chế Mân luôn nuôi dưỡng tinh thần thông gia với các nước láng diềng nên trong 5 năm liền kiên nhẫn đàm phán. Năm 1306, vua Chăm phái Chế Bồ Đày điều khiển một sứ bộ đem ra Đại Việt sính lễ gồm có vàng, bạc, bảo vật, hương liệu, thú quý và cốt yếu nhất, ngay ngày cưới, vùng đất Uli. Đặt tinh thần đất nước lên trên tình cảm gia đình, anh em ruột thịt, vượt qua những lời dị nghị chống đối cuộc hôn nhân dị chủng, vua Trần Anh Tông nhận lời gả em mình là công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân. Mặc dầu giao hảo thân thiện bảo đảm một nền hòa bình lâu dài giữa hai nước láng giềng, mặc dầu uy thế của Chế Mân, nhiều người trong triều đình nhà Trần cũng như trong đám sĩ phu phản đối cuộc kết giao chính trị nầy. Vàng thau lẫn lộn! Vàng lộn theo chì! Từ đấy được truyền tụng một câu hát chế nhạo cả Trần Khắc Chung lẫn Chế Mân vì cho "lửa rơm" cũng chẳng hơn gì "nước đục".
Tiếc thay hột gạo trắng ngần
Đã vò nước đục lại vần lửa rơm.
Công nữ Ngọc Vạn (1605-1658)
Công nữ Ngọc Vạn, năm sinh và năm mất không chắc chắn (1605-1658), là con gái thứ hai chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và Hiếu Văn Hoàng hậu Mạc Thị Giai. Trong số anh chị em của bà có Nguyễn Phúc Lan, sau trở thành chúa Thượng, Ngọc Liên, Ngọc Khoa. Theo Nguyễn Phúc tộc Thế phả (xuất bản tại Huế, 1995), năm Canh Thân 1620, bà được gã cho vua Chân Lạp Chey Chetta II trong chương trình giao hảo với Chiêm Thành, Chân Lạp. Nhờ cuộc hôn nhân này, quan hệ giữa hai nước trở nên tốt đẹp. Chúa Nguyễn nhân đấy mở rộng bờ cõi về phía nam, đồng thời dồn lực đối phó với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Bên phần Chey Chetta II thì xây dựng kinh đô mới Oudong - Vĩnh Long đồng thời thoát ra khỏi vòng khống chế Xiêm La. Riêng phần Ngọc Vạn trở nên Vương hậu Chân Lạp Brhat Mae Samdach Brhat Bhagavati Amara Deva Thida. Đẹp người lại đẹp nết nên bà được vua Chey Chettha II rất yêu quý. Nhờ vậy, mà nhà vua đã cho một số người Việt đi theo bà giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình Chân Lạp, cũng như cho nhiều người Việt lập hãng xưởng và buôn bán ở gần kinh đô. Lợi dụng mối quan hệ này, năm 1623, chúa Sãi còn cử một sứ bộ, đem theo thư cùng nhiều tặng phẩm, tới Oudong để tỏ tình thân hữu và bảo đảm sự ủng hộ của triều đình Huế. Trong quốc thư, chúa Nguyễn cũng đã yêu cầu vua Chey Chettha II cho lập một đồn thuế ở Prei Kor (tức vùng Sài Gòn) và lập một dinh điền chính thức đầu tiên trên đất Chân Lạp ở Mô Xoài gần Bà Rịa ngày nay. Nhờ phái bộ Việt dâng ngọc ngà châu báu và nhất là nhờ sự vận động hữu hiệu của công nữ Ngọc Vạn, nên cả hai việc trên đều được vua Chey Chetta II chấp thuận. Triều đình Huế khuyến khích người Việt di cư đến đấy làm ăn luôn tiện giúp chính quyền Chăm gìn giữa trật tự, còn phải thêm một vị tướng đến đóng ở Prey Kôr. Khi Chey Chatta mất, vùng đất từ Prey Kôr trở ra Bắc đến biên giới Chiêm Thành (tức là Sài Gòn, Bà Rịa, Biên Hòa ngày nay), đã có nhiều người Việt đến ở và khai thác đất đai. Đối lại, chúa Sãi hai lần giúp con rể (Chey Chetta II) đẩy lui quân Xiêm sang xâm lược. Giáo sĩ người Ý tên Christopho Borri ở Quy Nhơn đã nhìn thấy viện binh từ Đàng Trong tiến sang Cao Miên, nên đã ghi lại trong cuốn Hồi ký của mình (xuất bản năm 1631): Chúa Nguyễn luôn luyện tập binh sĩ và gởi quân đội giúp vua Chân Lạp, tức chàng rể chồng của con chúa. Chúa viện trợ cho vua Chân Lạp thuyền bè, binh lính để chống lại vua Xiêm... Năm 1628, vua Chey Chetta II từ trần, ở triều đình Chân Lạp liên tục xảy ra các cuộc tranh chấp ngôi báu giữa những hoàng thân. Nhiều nhà vua bị anh em họ, rể, cháu... giết chết một cách thê thảm.
Theo Biên Hòa sử lược toàn biên thì Ngọc Vạn sống với vua Chey Chetta II hơn 20 năm, sinh được một trai Chan Ponhéa Sô và một gái tên Neang Nhéa Ksattrey. Tuy nhiên, so sánh độ tuổi thì người này không thể là con của Ngọc Vạn. Thật ra, sự tích con cháu Chey Chetta II diễn ra rắc rối. Ngay sau khi Chey Chetta II mất thì xảy ra cuộc tranh quyền giữa ông chú Prea Outey (em ruột Chey Chetta II), giữ chức Giám quốc, và cháu Chan Ponhéa Sô (lên ngôi 1628-1630). Trước đây, lúc vua Chei Chetta II còn sống đã định cưới Công chúa Ang Vodey cho Hoàng tử Chan Ponhéa Sô. Nhưng rủi thay, khi nhà vua vừa mất thì ông chú ruột Préa Outey, lại cưới nàng công chúa này trong khi hoàng tử còn đang ở trong tu viện. Sau khi rời tu viện, Chan Ponhéa Sô lên ngôi và trong một buổi tiếp tân, nhà vua trẻ gặp lại nàng Ang Vodey xinh đẹp. Sau đó, cả hai đã mượn cớ đi săn bắn để gặp gỡ, nhưng Préa Outey biết được liền đuổi theo và giết chết vào năm 1630, sau khi Chan Ponhéa Sô lên làm vua mới được hai năm. Người con thứ hai của Chey Chetta II lên thay với vương hiệu là Ponhea Nu (ở ngôi 1630–1640). Nãm 1640, Ponhea Nu ðột ngột bãng hà, Phụ chính Préah Outey liền ðưa con mình lên ngôi tức quốc vương Ang Non I. Nhưng Ang Non I cũng chỉ làm vua được hai năm (ở ngôi 1640-1642) thì bị người con thứ ba của Chey Chetta II là Chau Ponhea Chan tức Nặc Ông Chân (mẹ người Lào) dựa vào sức lực một số người Chăm và Mã Lai, giết chết cả Préah Outey và Ang Non I để giành ngôi vua. Nặc Ông Chân lên ngôi (1642-1659), cưới một Công chúa Mã Lai theo đạo Hồi (Islam) làm Hoàng hậu và nhà vua cũng bỏ quốc giáo (Phật giáo Tiểu thừa) để theo đạo của vợ. Ðiều này cùng với việc cho người Mã Lai và người Chăm được nhiều ưu đãi, đã gây bất bình trong giới hoàng tộc và dân chúng Chân Lạp. Năm 1658, con của Préah Outey là Ang So và Ang Tan dấy binh chống lại Nặc Ông Chân nhưng thất bại... Nghe lời khuyên của Thái hậu Ngọc Vạn, Ang So và Ang Tan cầu cứu chúa Nguyễn. Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần liền sai Phó tướng dinh Trấn Biên (Phú Yên) là Nguyễn Phước Yến dẫn 3000 quân đến thành Hưng Phước (bấy giờ là Mỗi Xuy, tức Bà Rịa), phá ðược thành rồi tiến vào bắt Nặc Ông Chân bỏ vào cũi đem về giam ở Quảng Bình.
Năm sau (1659), Nặc Ông Chân chết,, chúa Nguyễn phong cho Ang So làm vua Chân Lạp, hiệu là Barom Reachea VIII (1660-1672). Từ đó, lưu dân Việt đến Gia Ðịnh, Mỗi Xuy (Bà Rịa), Biên Hòa ngày càng đông để khai khẩn đất đai... Năm 1672, vua Barom Reachea VIII bị một người vừa là rể vừa là cháu Chey Chetta III giết chết, em là Ang Tan (Nặc Ông Tân) chạy sang cầu cứu chúa Nguyễn. Nhưng ngay sau ðó Chey Chetta III cũng bị người của Nặc Ông Chân sát hại. Ang Chei tức Nặc Ông Ðài con trai đầu của vua Barom Reachea VIII lên ngôi (1673-1674). Ông Ðài cho đắp thành lũy ở địa đầu Mỗi Xuy, nhờ Xiêm cứu viện để chống lại chúa Nguyễn. Bị quân Xiêm đánh đuổi, Ang Tan cùng cháu là Ang Nan (Nặc Ông Nộn) chạy sang Sài Gòn kêu cứu chúa Nguyễn. Năm 1674, Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần sai Cai cơ Nguyễn Dương Lâm và Tham mưu Nguyễn Đình Phái chia quân làm hai cánh cùng tiến lên Chân Lạp. Nặc Ông Đài bỏ thành Nam Vang chạy vào rừng, để rồi bị thuộc hạ đâm chết. Sau khi Nặc Ông Ðài mất, người em là Nặc Ông Thu ra hàng. Để giải quyết tình trạng ‘‘nồi da xáo thịt’’ dai dẳng này, chúa Nguyễn cho Nặc Ông Thu làm Chính vương, đóng đô ở Phnom pênh (Nam Vang), Nặc Ông Nộn làm Đệ nhị vương, đóng đô ở khu vực gò Cây Mai (thuộc Sài Côn, nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh)... Tuy nhiên, hai phe vẫn không từ bỏ ý định loại trừ nhau. Sau hơn 50 năm luôn phải tìm cách tồn tại trong chốn vàng son nhưng đẫm máu ấy, thì Thái hậu Ngọc Vạn theo Nặc Ông Nộn về Sài Côn, rồi lui về sống ở Bà Rịa. Nơi đây, bà cho lập chùa Gia Lào (núi Chứa Chan, Ðồng Nai), rồi ẩn tu cho đến hết đời. Vấn đề hôn nhân nhằm mục đích chính trị đã đóng một vai trò không nhỏ trong việc mở mang bờ cõi, nhất là trong công cuộc Nam tiến. Trong đó các cành vàng lá ngọc đã đóng một vai trò nhất định, nước mắt má hồng đã tô thắm cho từng dãi đất biên cương. Một cuộc hôn nhân có tầm quan trọng đặc biệt đối với lịch sử dân tộc Việt Nam, đáp ứng nhu cầu cho cả hai phía. Chân Lạp cần có sự "bảo hộ" của chúa Nguyễn để tránh khỏi sự tấn công tiêu diệt của vương quốc Xiêm. Chúa Nguyễn cần có chỗ đứng ở phía Nam, đẩy mạnh sự khai phá của lưu dân Việt trên mảnh đất khô cằn và thấp trũng mà từ lâu người Chân Lạp vẫn để hoang, đồng thời tạo nên sự ổn định mặt phía Nam để rảnh tay lo đương đầu với thế lực Trịnh ở phía Bắc.
Hồng Lạc ta đâu hiếm nữ tài
Nghìn xưa Trưng - Triệu đã từng oai
Noi gương Khoa - Vạn, hai công chúa
Một sớm ra đi mở đất đai.
Trần Tuấn Khải (Cảm vịnh hai bà Ngọc Vạn, Ngọc Khoa)
Công nữ Ngọc Khoa
Tục truyền vào thế kỷ XVII, ở nước Chiêm Thành có một cô con gái không chồng mà có con, bị cha mẹ cho là hư hỏng, la mắng đuổi đi, lại thêm hàng xóm hắt hủi, phải sống lang thang, ngủ dưới gốc cây, lượm lặt lúa rơi, ngắt hái rau hoang về ăn đở đói. Đứa con trai sinh ra sống lêu lổng, lớn lên làm nghề giữ trâu. Bị chế nhạo là con hoang, chàng xấu hổ bỏ nhà sang ở làng Hamubrâu bên cạnh. Ở đây cũng bị ghanh ghét, chàng lại tức tối dọn về làng Boh Muthuh gần Phan Rang. Có tài bắn cung lại nhờ tướng mạo vương giả, chàng được nhà chiêm tinh học của nhà vua Mahataha để ý và tiến cử vào triều. Vua không có con trai, nuôi chàng ăn học, còn gả ngay cả công chúa con mình làm vợ và sau cùng truyền ngôi báu cho chàng. Một tài liệu khác kể rằng trước cảnh loạn lạc, một người Thượng gốc Churư tên Thốt được dân chúng Chăm và người Thượng bầu ra làm lãnh tụ đứng ra dẹp loạn. Loạn dẹp xong, tù trưởng Thốt được dân chúng tôn lên làm vua. Dù sao vua Po Rômê (từ danh từ Rama, tức là đức vua được thánh hóa, còn gọi Po Ramê, Pa Rame), theo thiên niên sử của người Chăm, trị vì từ 1627 đến 1651. Bài ca tụng nêu lên vẻ đẹp vô song của ông: đầu bằng vàng, vai đùi bằng đồng thanh nhẵn bóng, tay đeo nhẫn lóng lánh, chân mang dày sáng loáng như những tia chớp, mặt ông chói lọi như vàng, trong suốt như nước thuần khiết. Là một vị vua sáng suốt, biết tổ chức, ông chăm lo đời sống nhân dân, nên đất nước sống trong thái hòa. Ông buộc các lãnh tụ tôn giáo Bà La Môn và Bani phải sinh hoạt chung với nhau, phân chia những ngày lễ lớn như các nghi lễ về nông nghiệp cho hợp lý để các thầy tế lễ và giáo dân đạo kia có thể tới tham dự. Nhiều đập nước lớn dẫn thủy nhập điền được xây dựng tại những nơi khô cằn và triền núi để nhân dân dễ bề canh tác. Nhà vua chọn Krong La (làng Palai Bacon, xã Hòa Trinh, thị xã Phan Rang bây giờ) làm kinh đô, cạnh sông Krong Binh, tức là sông Viêu. Nơi nầy trước kia là kinh đô cũ (Virapura) của vua Satyavarman, được trồng nhiều cây kraik (ta phiên âm cây krết) tượng trưng cho uy quyền nhà vua.
Vua Pô Rômê có ba vợ. Bà thứ nhất là hoàng hậu Bia Suthi (hay Bia Suchi, Bia Thanh Chik) không có con, vua qua xứ Lào tìm thuốc để cho vợ có con nối dòng. Ông chẳng tìm ra thuốc nhưng trên đường lại gặp và đem từ Đắc Lắc về một bà vợ thứ hai, sắc tộc Ê đê (tức Radhé lúc trước) hay Koho, công chúa Bia Tan Chan (hay Bia Thăng Chăn, Bia Thanh Chanh, Bia Suncan). Ông có phước với bà nầy vì không những bà đã cho ông nhiều con mà sau nầy bà là người vợ độc nhất chịu theo ông lên hỏa đàn khi ông chết và được hỏa táng. Năm 1629, nhân Văn Phong là một người Chăm nổi lên đánh phá các làng di dân người Việt tại Phú Yên, Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên sai Nguyễn Phúc Vinh mang quân đánh dẹp và thành lập Trấn Biên Dinh, lấn sâu vào lãnh thổ Chiêm Thành tới chân núi Thạch Bi (đèo Cả). Sau thất bại nầy, Po Rômê làm hòa và xin cưới con gái thứ ba của Sãi Vương là công nữ Ngọc Khoa trở thành Bia Út, tước hiệu hoàng hậu Akaran (năm Tân Mùi 1631). Ba bà vợ không hòa thuận với nhau và lắm khi nhà vua phải rời cung điện để tránh nghe nhũng cải vả ồn ào hằng ngày. Có thuyết cho rằng công nương Ngọc Khoa giả làm gái đi buôn qua Chiêm Thành. Vua nguyên là người hiếu sắc, nghe tin có người đẹp, liền cho triệu vào, say mê sắc chim sa cá lặn của nàng liền cưới làm vợ thứ ba. Bà nầy đặc biệt là đẹp nhất trong hàng cung phi mỹ nữ, được vua sủng ái vô cùng, duy phải cái tật hay làm nũng. Muốn được độc quyền tình yêu của nhà vua, thỉnh thoảng bà giả vờ đau, rên xiết, lăn lóc. Vua sai bốn ngự y giỏi lại hội chẩn, nghe tâu bà không có bệnh gì thì ra lệnh chém đầu cả bốn ông.
Theo giả thuyết cho bà là thám tử của chúa Nguyễn thì bà đã tìm hiểu cây kraik bảo vệ xứ sở là quan trọng đến bực nào và đòi vua chặt đốn cho được cây ấy. Sau một thời gian lưỡng lự, không chịu nghe lời khuyên ngăn của đình thần, của các nhà chiêm tinh, vua sai một trăm binh sỉ cầm rìu ra chặt cây nhưng chặt đến đâu thì vết thương hàn gắn ngay lại đến dấy. Tức giận, vua giật rìu dồn dập bửa vào cây thì máu phun ra và nghe cả tiếng rên. Vua la lớn: "Cây kraik, tại sao mày làm hoàng hậu ta đau khổ? Làm sao ta để mầy sống được?" Đúng vào sau câu hỏi ấy, cây quỵ sức sụp đổ, máu tràn lai láng trên đất. Cây bảo hộ bị đốn, như hết còn được phù hộ, năm 1651, trước một trận giáp chiến với quân Việt, trong khi quân sĩ và tướng tá chạy lên trốn ở đất người Thượng, chỉ một mình vua Po Rômê ở lại kháng cự, bị bắt và hành hình. Cô con gái Po Mum đem xác cha về hỏa táng và như đã nói, chỉ có Bia Tan Chan nhảy vào đống lửa hy sinh theo chồng, còn Bia Suthi thì lượm được một chiếc răng để thờ. Ngày nay Po Rômê và bà hoàng hậu Bia Tan Chan được thờ trong một cái tháp xây trên một ngọn đồi cằn cỗi tại thôn Hậu sanh tức Palai Thươn, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Ngưòi lớn tuổi ở đây bảo đúng ra tháp Po Rômê không phải xây ra cho ông vua nầy mà nguyên là tháp của vua cha vợ…Còn bà hoàng hậu Bia Suthi thì được thờ trong một ngôi miếu nhỏ cạnh tháp. Chỉ còn thiếu bà hoàng hậu Bia Út, có thể đã được cho về nước lấy cớ thăm mẹ đau trước khi quân Việt tấn công Champa.
Những cuộc hôn nhân Việt Chăm thể hiện giao lưu văn hóa giữa hai vùng tuy không xa cách nhau lắm cũng thuộc hai dân tộc khác nhau, cuộc gặp gỡ của giữa hai tôn giáo không cùng chung nguồn gốc. Tuy nhiên sau nhiều trăm năm, cuộc chung sống vẫn hòa bình diễn tiến sau nhiều năm chinh chiến. Hàng năm, vào ngày lễ Katê, người Chăm lại đây cùng nhau cúng tế như ở tháp Pô Klaung Garai cạnh Phan Rang. Ngày nay, trong lĩnh vực văn hóa, nếu các công chúa mang theo nhiều y phục triều đình qua Champa, phụ nữ ta hiện đang thừa hưởng một chiếc áo dài tha thướt bắt nguồn từ chiếc áo Chăm, ngay cả trước mẫu có tiếng Lơ muya của họa sĩ Cát Tường.

Những tà áo dài phụ nữ Chăm Bình Thuận, trên đường đi Po Đam
Ngọc Vạn, Ngọc Khoa giữ một niềm
Vì ai, tô điểm nước non tiên?
Chị lo giữ vẹn tình Miên Việt,
Em nhớ làm tròn nghĩa Việt Chiêm.
Tân Việt Ðiểu
PHỤ BẢN
Hương Quế  Quảng Nam
Viện Bảo tàng lịch sử TP HCM

Tara  Đồng Dương 
Viện Bảo tàng điêu khắc Cham Pa 
Đà Nẵng
Thành Xô mùa xuân 2017
Bài và ảnh Võ Quang Yến
Theo http://chimvie3.free.fr/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bùi Giáng: Người chưa bao giờ già

Bùi Giáng: Người chưa bao giờ già Bùi Giáng (1926-1998) là người hay được nhắc đến với biệt danh “trung niên thi sĩ” do ông tự nhận. Quãng...